Ngu Yên
(Trích trong tác phẩm Thực hành các lý thuyết sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết, Ngu Yên thực hiện, Escape Publishing xuất bản, trên 900 trang, phát hành tháng 10 năm 2024.)
Văn học về sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết là một chủ đề cần thiết cho nhà văn sáng tác tác phẩm hư cấu bằng tiếng Việt. Những nhà văn không học tập theo lề lối chính quy thường tự tin vào khả năng sáng tạo bẩm sinh và khả năng thu thập kinh nghiệm, gọi là “khiếu”, để trở thành nhà văn tự nhiên, cũng đôi khi là nhà văn bỗng nhiên. Những nhà văn được huấn luyện từ trường ốc, nếu không thường xuyên cập nhật văn học sáng tác đương đại, sẽ lỗi thời. Những nhà văn nổi bật trong lịch sử văn chương, thông thường là những người có khả năng tự học rất cao. Song song với sáng tác, họ là những nhà văn học lỗi lạc, cho dù, có thể họ không viết một điều gì về nghiên cứu phê bình.
Tôi không phải là người có “khiếu” văn chương cao, cũng không thông qua quá trình học viện hoặc trường lớp sáng tác, chỉ có ý thích tìm hiểu văn học và thử nghiệm những gì đã nghiên cứu. (Không phải là lời khiêm nhường mà là lời trung thực). Và “Nhận Thức Bảy T” là một phần góp nhặt văn học sáng tác mà tôi đã kinh qua.
Bảy T và Bốn Đ tuy là đúc kết nhưng không hẳn là quy tắc, chỉ là những phân lý để tạo ra “mấu chốt đề nghị.”
Bảy T: thuật, tả, thoại, thoát, thấy, thấu, và thú.
Bốn Đ: đa phương tiện, đa trí tưởng, đa cảm nhận, và đa văn hóa.
Những nhận thức này có thể áp dụng vào ba lãnh vực: Sáng tác, nghiên cứu phê bình, và dịch thuật theo học phái độc giả phản hồi.
Trải nghiệm nhắm tới là tạo một tác phẩm hay với nhận thức Bảy T và tạo một tác phẩm giá trị với nhận thức Bốn Đ.
Ý nghĩa nhận thức Bảy T
Trong Bảy T, bốn nhận thức đầu thuộc về kỹ thuật. Ba nhận thức sau thuộc về nghệ thuật. Dĩ nhiên, khó lòng phân biệt giữa kỹ thuật và nghệ thuật vì kỹ thuật dễ thấy mà nghệ thuật thì vô hình. Như nước mặn, làm sao phân biệt muối và nước, chỉ có thể thấy nước và cảm nhận vị mặn, biết là muối tan trong nước. Hơn nữa, khi sử dụng kỹ thuật ở mức độ thượng thừa, thì phải có sự hiện diện của tinh túy và tài hoa, chẳng phải là đã nghệ thuật hóa kỹ thuật hay sao? Người thẩm thấu sáng tác biết rõ sự khác biệt giữa kỹ thuật và nghệ thuật, nhưng không phân biệt khi thực hành. Để kho một nồi cá bống trứng cho ngon, bà nội trợ biết rõ từng bước một trong tiến trình kho cá, biết làm sao cho không tanh, nước mặn mà không chát, cá thấm mềm mà không bở. Biết tất cả những chi tiết và phương tiện nhưng khi kho cá bà chỉ chú ý làm sao để có nồi cá kho ngon, vừa ý, và bà kiểm soát từng giai đoạn bằng vị giác và khứu giác, nếm và ngửi. Để có tác phẩm hay, nhà sáng tác cũng làm những việc tương tự: Bảy T, Bốn Đ và kiểm soát bằng trí và tim.
Bảy T:
Thuật. Tả. Thoại. Thoát Thấy. Thú. Thấu.
1. Kỹ thuật: Thuật. Tả. Thoại. Thoát.
Thuật
Kể chuyện, tường thuật hay tự sự. Một kỹ thuật cơ bản nhất trong sáng tác có nguồn gốc từ đời sống hàng ngày. Bản chất của tường thuật là kể lại những chi tiết chọn lọc trong một diễn tiến tiếp cận ý định chủ yếu, có mục đích thu gọn thời gian nhưng không nhất thiết phải theo thứ tự thời gian. Không có kể chuyện thì không có sáng tác truyện. Kể chuyện là việc tự nhiên, một nhu cầu tâm sinh lý và xã hội. Sáng tác truyện là kể chuyện với kỹ thuật và nghệ thuật.
Tả
Mô tả, diễn tả. Kỹ thuật này cũng cơ bản như thuật. Hàng ngày, trong lúc chuyện trò, chúng ta sẽ bắt gặp hầu hết câu chuyện thể hiện qua thuật và tả. Tả là kể lại những chi tiết xác định trong một không gian, một vị trí, hoặc một hoàn cảnh. Mặc dù có yếu tố thời gian nhưng tả chú trọng đến không gian ba chiều. Tả trong sáng tác thường thể hiện qua Hiện tượng luận và Nhận thức luận. Hiện tượng luận cho phép diễn tả đối tượng theo sự thu nhận trung thực của ngũ quan nhưng kết thúc theo cách mà tâm trí cảm nhận. Trong khi, Nhận thức luận khi diễn đạt đối tượng, chú trọng đến sự “nhìn thấy” của nội tâm qua cấu trúc của đối tượng.
Có lẽ, để cho Tả có một tầm vóc ý thức, các bậc thầy áp dụng những khía cạnh sâu sắc của Ký hiệu học, Cấu trúc luận hoặc Giải cấu trúc, một cách văn chương, không phải để thuần túy luận lý, mà để làm đẹp và sáng tỏ nhiều khía cạnh, mặt diện, chiều sâu, ý nghĩa và giá trị khác nhau của một đối tượng.
Thoại
Đối thoại và độc thoại. Trong đời sống, hai sinh hoạt này xảy ra liên tục, thay thế nhau, diễn tiến suốt ngày và kéo dài vào giấc mơ ban đêm. Trẻ con vừa sinh ra đã có một mức độ nào đó, ngôn ngữ nào đó, để độc thoại và đối thoại. Cho đến khi nó có trí khôn, bắt đầu tiếp nhận ngôn ngữ thường dụng, độc thoại và đối thoại vẫn tiếp diễn liên tục nhưng biến chuyển sang dạng ngôn ngữ xã hội và dân tộc. Thoại là một khả năng mạnh mẽ để làm câu truyện sống động, thú vị và tiến đến kết luận một cách trực tiếp. Thoại là một kỹ thuật cơ bản của sáng tác, có khả năng trở thành nghệ thuật cao kỳ trong tay những nhà văn lão luyện và tài hoa.
Thuật – Tả – Thoại: Hòa hợp kỹ thuật và nghệ thuật hóa văn bản
Ba nhận thức này hòa hợp với nhau đồng thời với ngữ pháp và cú pháp để diễn đạt những chi tiết trong cấu trúc và hình thành cốt truyện. Vai trò của ba nhận thức là giao tiếp đầu tiên giữa tác giả và độc giả trên một văn bản hay tác phẩm. Qua bề mặt này, họ gặp gỡ nhau, độc giả chia sẻ, thông cảm, ngưỡng mộ, quí mến tác giả hoặc sẽ không vừa ý, bỏ đi và có lẽ khó trở lại thăm hỏi tác phẩm khác của cùng một tác giả. Vì vậy, giá trị bề mặt quan trọng gần giống như ‘coi mặt bắt hình dong’. Đó là lý do ngay từ đầu tác giả phải chọn lựa một loại độc giả nào mà ông muốn viết cho họ đọc. Không ai có thể viết cho hết mọi độc giả. Chọn thể loại độc giả, không phải chọn một số độc giả cụ thể.
Nếu tác giả viết về khoa học giả tưởng, thì đa số độc giả thích truyện xã hội sẽ không đậm đà hoặc lơ là văn bản đó. Không ai có khả năng viết làm hài lòng tất cả mọi người đọc.
Một văn bản, thơ hoặc văn, đều đòi hỏi thuật và tả. Thoại có khi không cần, nhất là những văn bản ngắn hoặc văn bản thuần về nội tâm thường nghiêng về độc thoại. Cá nhân tôi cho rằng mỗi thuật, tả, thoại có vai trò, sức mạnh và hiệu quả riêng. Tận dụng ưu điểm của mỗi loại sẽ làm hình thức diễn đạt nhiều màu sắc mới lạ, và nội dung biến hóa hơn. Đối với một số nhà sáng tác, sự hòa hợp của ba kỹ thuật sẽ trở thành nghệ thuật diễn đạt riêng, có căn cước của họ. Ví dụ như văn Võ Phiến, thơ Bùi Giáng, ca từ Trịnh Công Sơn.
Kỹ thuật được sáng tạo để trở thành nghệ thuật, bất kỳ lúc nào khi “ngộ” ra, thì kỹ thuật liền trở thành nghệ thuật, nhưng thông thường, đa số phải trải qua một giai đoạn tận tình tu luyện học thuật, dù vậy, không phải lúc nào cũng thành công.
Trình bày một văn bản văn học, nếu muốn tránh sự nhàm chán, lơ đãng cho người đọc, văn bản cần linh hoạt, góp phần vào sống động. Tốc độ của câu chuyện trong thơ hoặc văn, nhất là truyện, là động cơ chủ yếu làm cho văn bản có sinh lực. Tường thuật làm văn bản đọc nhanh. Mô tả làm đọc chậm lại. Độc thoại nghiêng về nội tâm, suy tưởng, tiết lộ với bản thân; đối thoại bao bọc cả nội tâm lẫn ngoại giới, cả hai làm tốc độ ngưng hoặc chậm lại để đào sâu, lý lẽ điều gì, nhắc nhở, trình bày quan điểm hoặc thông điệp. Thoại có phạm vi và khả năng rất lớn trong để hành xử nhiều ngữ cảnh và ý tưởng. Một văn bản có tốc độ lúc nhanh, lúc chậm, lúc ngừng lại, lúc nhảy vọt, một cách ngạc nhiên, là dấu hiệu một văn bản thành công.
Thoát
Rời khỏi dòng liên tục, mạch lạc của sự việc đang diễn tiến. Rời khỏi bối cảnh, rời khỏi câu chuyện, để bắt đầu trở lại với một khoảng cách. Còn gọi là nhảy vọt. Một kỹ thuật cần thiết để sáng tác, nhất là truyện ngắn và thơ. Công dụng của nhảy vọt là vượt thời gian và không gian đi đến tương lai hoặc trở về quá khứ, tạo ra sự đứt đoạn, tạo ra sự xáo trộn và thường xuyên gây nên ngạc nhiên, thích thú.
Nhảy vọt là một cách rút ngắn cốt truyện, tạo cô đọng. Trong thơ, nhảy vọt tạo ra những khoảng trống mà độc giả phải suy nghĩ điều gì để lấp đầy. Khéo léo sử dụng kỹ thuật này cũng là cách chuyển tiếp, ráp nối ý tưởng và bối cảnh.
2. Nghệ thuật Thấy, Thấu, Thú
Sẽ không bao giờ có một định nghĩa đúng đắn cho mọi trường hợp về nghệ thuật. Nghệ thuật sinh động sống, lớn lên, biến hóa theo thời đại, thời gian, và thời thế văn học. Bản thể nó không đổi nhưng bản sắc thì càng ngày càng phong phú và sâu rộng. Nghệ thuật khác biệt trong từng chủ nghĩa, phong trào, trường phái, nhóm văn chương, thậm chí, trong mỗi nhà nghệ sĩ thành danh. Nghệ thuật chỉ có thể xác định khi thu hẹp nó vào một giới hạn cụ thể hoặc cố định, ví dụ, nghệ thuật thơ trong chủ nghĩa Lãng Mạn; nghệ thuật viết văn của Hemingway.
Không chỉ kỹ thuật trở thành nghệ thuật mà nghệ thuật cũng trở thành kỹ thuật. Sự tương quan này không bên nào thấp bên nào cao, mà là khả năng phục vụ thẩm mỹ. Kỹ thuật phục vụ hầu hết là do ý thức, trong khi đa phần nghệ thuật phục vụ bởi vô thức. Tuy nhiên, không ai có thể phân biệt ranh giới giữa ý thức và vô thức. Không ai thực sự biết rõ chúng hoạt động tương tác với nhau như thế nào. Vì vậy, sự phân biệt giữa ý thức và vô thức trong thẩm mỹ mang tính tương đối.
Suy xét kỹ hơn nữa, trong mỗi thể loại kỹ thuật đều có nghệ thuật, hãy cho rằng tinh túy của kỹ thuật là nghệ thuật. Đồng thời, trong mỗi nghệ thuật đều có kỹ thuật, hãy cho rằng khi thực hành, phần trật tự và tổ chức trong nghệ thuật là kỹ thuật.
Nghĩa là, áp dụng thuật, tả, thoại như những kỹ thuật phải tận sức tu tập cho thuần thục để tự những kỹ thuật đó nhập vào vô thức và nhả ra nghệ thuật. Ba kỹ thuật này liên hệ hỗ tương với thấy, thấu, và thú.
Thấy
Bằng cách diễn đạt qua thuật, tả, thoại, ngôn ngữ phải tạo ra hình ảnh, bối cảnh, hoạt cảnh cho người đọc thấy được, không phải chỉ “nghe” kể. Những cái thấy này bắt đầu từ trong trí tưởng của người viết, thể hiện qua ngữ cảnh, ngữ nghĩa, qua kỹ thuật sáng tác tạo thành những văn cảnh, văn ảnh linh hoạt tiếp diễn nhau theo cấu trúc để hoàn thành văn bản. Người đọc sẽ tiếp nhận những thứ thấy này để rồi họ tạo ra những thứ thấy khác, có thể tương tự, có thể khác biệt. Và mỗi người đọc có thể thấy văn cảnh khác nhau.
“Thấy được” là điểm nhấn. Trong sáng tác, người ta có câu nói: “Show, Don’t Tell.” Nghĩa là thể hiện ra, đừng kể lể. Show không chỉ liên quan mật thiết với mô tả, mà tường thuật, tường trình cho “thấy được” cũng là show. Những nhà văn nhà thơ chưa lão luyện thường dùng lời kể vì dễ dàng trưng bày cảm xúc, hoặc giải thích, lý luận. Thể hiện cảm xúc, cảm giác, ý nghĩ, luận lý bằng hình ảnh và bối cảnh sinh hoạt, dĩ nhiên, khó hơn, đòi hỏi kinh nghiệm và bản lãnh.
Bắt đầu thế kỷ 20, một phong trào thi ca nổi lên gây nhiều ấn tượng mặc dù chỉ tồn tại ngắn ngủi, đó là chủ nghĩa Hình Tượng, Imagism. Điều đặc biệt về chủ nghĩa hình tượng là khả năng làm cho mọi thứ trở nên rất rõ ràng và vẽ nên những bức tranh cụ thể, không tuân theo cách viết truyền thống. Thi sĩ Ezra Pound, một trong số nhà sáng lập, cho rằng, “chi tiết sáng”, phương pháp tượng hình là đặt cạnh nhau các trường hợp cụ thể để thể hiện sự trừu tượng tương tự như cách tổng hợp nhiều góc nhìn thành một hình ảnh duy nhất của trường phái Lập thể. Phong trào Imagism mau chóng tàn rụi nhưng tinh túy và giá trị “cô lập hình tượng” để nổi bật đối tượng, vẫn luôn là kỹ thuật thường dụng ngày nay.
“Thấy được” là tinh thần của Imagism. Dùng ngôn ngữ “vẽ” nên bối cảnh câu chuyện và dùng ngôn ngữ “đóng” thành cuốn phim.
Thấu
Nếu một ý tưởng sâu sắc có thể trở thành câu danh ngôn truyền tụng nhiều thế hệ, thì tư tưởng hay và đẹp sẽ làm cho tác phẩm có khả năng trường thọ.
Tư tưởng cao kỳ đó từ tác giả truyền đi (nói một cách khác, có cưu mang trọng lượng sâu sắc, thì tác phẩm mới thành danh) và độc giả chia sẻ quan điểm, thông điệp, ý tưởng, cảm xúc của tác giả. Tuy nhiên, khi tư tưởng ở một mức độ cao siêu, thường khó diễn đạt cho dễ hiểu. Rất nhiều trường hợp tác phẩm cưu mang tư tưởng cao kỳ sẽ trở thành sách kén chọn độc giả.
Chữ “thấu” ở đây vừa nhắm vào trọng lượng của tư tưởng, vừa nhắm vào cách: làm thế nào để tác giả diễn đạt và độc giả chia sẻ những khía cạnh khó khăn của tư tưởng trong tác phẩm? Ví dụ như cuốn sách về khoa học vũ trụ cao cấp của Stephen Hawking, Brief Answers To The Big Question, mà ông đã diễn đạt trong cấp độ phổ thông cho nhiều trình độ khác nhau có thể nắm bắt.
Thấu ở cấp bậc thấp là giải thích, dùng lời lẽ để làm sáng tỏ ý tưởng. Thấu nằm trong nghệ thuật diễn đại là gợi ý, tượng trưng, ẩn dụ, hoặc “bằng cách nào” khiến người đọc thẩm thấu được ý tưởng hay như bừng thức. Hiện nay, khoa tâm lý sáng tạo đang trình bày về nghiên cứu “siêu nhận thức”, một khả năng lớn tiềm ẩn trong con người, cần khai thác. Với khả năng này con người có thể nhận thấy, bừng thấy nhiều ý nghĩa, giá trị đàng sau những đối tượng bình thường.
Điểm nhấn là những suy nghĩ sâu đậm được trình bày dễ hiểu là nghệ thuật diễn đạt khả năng thấu, trong khi những tác phẩm rối mù bởi nhiều ý tưởng cố tình tạo ra cao kỳ khó hiểu, không thuộc về thấu, vì những tác phẩm đó trọng về trò chơi chữ và ý thay vì sâu sắc và giá trị.
Thú.
Chúng ta bắt đầu bằng “thú vui”. Viết là thú vui. Đọc là thú vui. Thú vui này trước hết là cấp bậc giải trí. Tất cả văn bản văn chương đều mang tính giải trí, ít hay nhiều, hoặc giải trí ở những phương diện khác nhau. Đọc điều gì khôi hài, bật cười, là giải trí theo kiểu thả lỏng tâm tình. Đọc điều gì mở mang hiểu biết, gật gù, là giải trí theo kiểu trí tuệ hài lòng. Đọc điều gì bật thức, ngẩn người dưới ánh sáng, là giải trí kiểu xán lạn. Vì vậy, viết là thú vui cho bản thân để tạo ra thú vui cho người đọc vui tình, vui trí, vui tâm thức. Có thể nói, tất cả kỹ thuật và nghệ thuật sáng tác căn bản và đầu tiên là xây dựng trên nền móng “thú vui”.
Thú vui bắt đầu bằng “cảm giác thích thú”. Sau tầng lớp cảm giác thích thú là “trí tuệ thích thú.” Bằng tất cả sáu nhận thức: thuật, tả, thoại, thoát, thấy, thấu, người viết phải đưa vào, hướng đến, thực hiện cái vui. Có những người đọc muốn tâm tư thích thú, một số khác muốn trí tuệ thích thú. Một tác phẩm hay và cân lượng thăng bằng bao gồm cả hai loại thích thú.
Càng thích thú người đọc càng tập trung theo dõi nội dung văn bản. Càng theo dõi càng gặp điều thích thú, càng gắn bó sâu đậm, càng lãnh hội nội dung, tác giả và tác phẩm đó thành công. Mức đo lường gọi là thú vị.
Không có thú vị, không ai có thể đọc quá một hai trang sách, ngoài trừ các nhà nghiên cứu đã quen với nhàm chán, khô khan.
Nghệ thuật tạo ra thú vị bao trùm tất cả các kỹ thuật, nghệ thuật khác, kể cả tư tưởng siêu quần. Bất kỳ tác phẩm nào thiếu cái vị “thú” này, không thể thành công. Đã không thành công trong dạng đa số lại khó thành công trong dạng thiểu số.
Thú đồng cảm
Nhận thức, cảm nhận, chia sẻ cao nhất trong trạng thái và tác dụng của cái thú là sự đồng cảm. Vì có chung hoặc có trải nghiệm tương tự, vì có hoàng cảnh sống giống nhau, vì có trình độ tri thức ngang ngửa, vì có cá tính cùng một kiểu mẫu, vân vân, độc giả nảy sinh lòng đồng cảm với những gì tác giả trình bày. Sự đồng cảm càng sâu sắc, càng mạnh mẽ, càng rộng lớn thì sự thành công của tác phẩm càng mỹ mãn. Trên con đường sáng tác, người viết tận dụng khả năng, kinh nghiệm, kiến thức, học thuật để diễn đạt câu truyện một cách đồng cảm, bất kỳ dùng phương tiện hoặc học thuật nào. Mặc dù, đồng cảm là khả năng riêng tư và riêng biệt của mỗi người, tìm đạt được sự đồng cảm của số đông trong nhóm độc giả chọn lọc là mục tiêu của tác giả.
Đồng cảm trí tuệ là thích thú chia sẻ ý nghĩa và giá trị một ý tưởng; trong khi đồng cảm tâm tình là thích thú chia sẻ cảm nhận, cảm giác, hoặc cảm xúc, cả hai đều nằm trong lãnh vực thẩm mỹ.
Vì khả năng đồng cảm là khả năng cá nhân và khác biệt, khó ai giống ai, vì vậy, kỹ thuật để tạo ra hiệu ứng thích thú chia sẻ tâm trí cho người đọc là nghệ thuật gợi ý. Tác giả có thể có mục tiêu nhất định, có thông điệp xác định, nhưng chỉ gợi ý, không nhất thiết phải giải thích, giải quyết, và kết quả là một số độc giả có thể chia sẻ thích thú qua nhiều diện, nhiều quan điểm, nhiều tâm sự, nhiều cấp bậc, nhiều giá trị khác nhau.
Nhận thức Bảy T là nghệ thuật gợi ý và ngấm ngầm đưa độc giả đến một lúc bị thuyết phục.
Thuyết phục
Không hoàn toàn giống như lời lẽ của luật sư thuyết phục bồi thẩm đoàn. Càng không giống khả năng hùng biện của tri thức. Thuyết phục trong chiều hướng văn chương là khả năng diễn đạt qua chữ nghĩa khiến độc giả phải lòng, hài lòng, hoặc đồng ý; trong một số trường hợp, sự bất đồng ý kiến của độc giả là phương pháp nghịch đảo mà tác giả cố ý gây sự sống động, linh hoạt, với mục đích dự định.
Lời lẽ, câu văn mang tính thuyết phục có muôn hình vạn dạng, tuỳ vào mỗi thể loại văn bản đang sáng tác. Ví dụ, sáng tác về tâm lý xã hội sẽ sử dụng ý tưởng và văn vẻ ngiêng về tâm tình, trong khi sáng tác về khoa học viễn tưởng, sự diễn đạt thuyết phục bắt đầu từ trí tưởng tượng và kiến thức về khoa học.
Phong cách thuyết phục mạnh bạo thường gây hiệu ứng sôi động ngay tức thì, tạo không khí linh hoạt. Trong khi lề lối thuyết phục nhẹ nhàng, sâu sắc thường lai vãng trong tâm trí người đọc qua năm này tháng nọ. Bất kỳ văn bản thuộc loại gì, nếu nó không thuyết phục được người viết, thì sẽ lơ là với người đọc. Vừa kéo vừa thả, vừa khoan vừa hò, cân nhắc hiệu quả thuyết phục là một trong nghệ thuật phải có và cần thâm niên trong sáng tác.
Kết hợp kỹ thuật-nghệ thuật Bảy T
Kết hợp là từ ngữ dễ hiểu, tuy vậy, trong nghệ thuật, kết hợp được thực hành trong một số cách thức: Kết hợp như trộn lẫn hạt sen, táo tàu, nhãn nhục, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh, rau câu, vân vân, thành ly chè sâm bổ lượng. Kết hợp như dùng trái cây năm loại khác nhau xay lại thành nước uống. Kết hợp hóa chất thành hợp chất. Kết hợp như pha sơn màu để vẽ. Kết hợp ở mức độ cao nhất là không còn có thể phân biệt những thành phần trước đó, giờ đây là một thứ gì khác.
Nhận thức Bảy T trong một văn bản văn học phải tiến tới độ thuần nhuyễn thì mới có hy vọng đạt được tác phẩm hay. Kinh nghiệm cho thấy, khi sử dụng bất kỳ một T nào đều không nhất thiết phải luôn canh giữ vai trò và hiệu quả của nó. Những ranh giới giữa chúng đều có thể xóa mờ và chồng lấn lên nhau. Ví dụ, có thể dùng mô tả bằng đối thoại; dùng độc thoại để tường trình, dùng tường trình tóm gọn như một cách thoát.
Có những nhà văn lão thành chịu hy sinh cái thấu để đổi lấy cái thú. Nhưng “thú” không làm cho tác phẩm có giá trị và sống lâu. Sự chọn lựa giữa các nhận thức là cá tính, kinh nghiệm và phẩm chất của mỗi người viết. Tôi vẫn quan niệm, đến một cấp độ nào đó, gặp người thì biết văn. Gặp văn thì biết người. Nếu văn thơ và tác giả dị biệt nhau, người nghệ sĩ này sẽ không bao giờ lớn đủ để có tác phẩm giá trị cao.
Hiểu và làm là hai việc liên hệ như kỹ sư thiết kế súng và anh lính sử dụng súng ngoài chiến trận. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy, gom góp những gì tôi tìm hiểu và hiểu được đưa vào thực hành chỉ có thể đạt một phần tư là nhiều. Đây là sự giới hạn của tài năng cá nhân. Nhưng tôi tin rằng, có nhiều văn tài khác, nhất là những thế hệ trẻ, họ sẽ thành công những gì chúng tôi thất bại. Cảm thấy niềm tin của mình đúng đắn, khi viết dòng chữ này, lòng tôi ấm áp khi nghĩ đến họ.
o~ 0~o
Bây giờ chúng ta thử phân tích một văn bản văn học: The Story Of An Hour của Kate Chopin theo nhận thức Bảy T. Cũng xin nhắc nhở rằng, truyện ngắn này sáng tác năm 1894, trước thời kỳ trăm hoa đua nở về học thuyết sáng tác từ thập niên 1920 trở về sau.
Không có gì lạ về sự cách biệt thời gian vì hầu hết các học thuật đều rút tỉa từ các tác phẩm hay và từ các ý tưởng văn học của các nhà viết thành danh. Chẳng hạn như nhận thức Bảy T không phải là những gì sáng tạo ghê gớm mà chỉ là những gì gạn lọc trải nghiệm từ những văn học đi trước.
The Story of An Hour là một truyện ngắn trung bình hay thuộc vào thời kỳ chủ nghĩa Hiện Đại và có những mấu chốt đơn giản dễ phân giải.
CÂU CHUYỆN CỦA MỘT GIỜ
The Story of An Hour
của Kate Chopin.
(Ghi chú, vì làm một ví dụ phân tích về truyện, tôi sẽ giữ bản dịch sát nghĩa nhất để so sánh, đối chiếu kỹ thuật và tìm hiểu nghệ thuật sáng tác, mà câu dịch vẫn thể hiện kiểu văn hóa Việt.)
Ghi chú đầu truyện:
“A wife has a startling reaction to the news of her husband’s death.”
“Người vợ có phản ứng bất ngờ trước thông tin cái chết của chồng mình.”
[Truyện ngắn có nghĩa là ngắn, không dông dài. Chỉ trong vài hàng, Chopin đã đưa thẳng vào trung tâm của bối cảnh truyện với những chi tiết then chốt: đau tim và chồng chết, bằng kỹ thuật tường thuật.]
Knowing that Mrs. Mallard was afflicted with heart trouble, great care was taken to break to her as gently as possible the news of her husband’s death.
Biết cô Mallard bị bệnh tim, mọi người đã hết sức cẩn thận để thông báo cho cô tin tức về cái chết của người chồng một cách nhẹ nhàng nhất có thể làm được.
[Câu truyện mở rộng, tác giả tiếp tục tường thuật hoàn cảnh và tâm sự tự nhiên của người phụ nữ trẻ đột ngột được tin chồng cô qua đời.]
It was her sister Josephine who told her, in broken sentences, veiled hints that revealed in half concealing. Her husband’s friend Richards was there, too, near her. It was he who had been in the newspaper office when intelligence of the railroad disaster was received, with Brently Mallard’s name leading the list of “killed.” He had only taken the time to assure himself of its truth by a second telegram, and had hastened to forestall any less careful, less tender friend in bearing the sad message.
Chính miệng người chị Josephine đã nói với cô, dùng những câu ngắt quãng, những lời bóng gió với ẩn ý nửa tiết lộ nửa che giấu. Richards, bạn của người chồng đang có mặt đứng gần cô. Chính anh là người ở trong tòa soạn tờ báo khi nhận được tin về thảm họa đường rầy xe lửa, thấy cái tên Brently Mallard dẫn đầu danh sách “những người đã chết”. Anh dành thời giờ tự mình xác định sự thật bằng bức điện tín thứ hai, và vội vàng ngăn chặn bất kỳ người bạn nào kém cẩn thận, kém dịu dàng hơn trong việc truyền tải tin buồn này.
She did not hear the story, as many women have heard the same, with a paralyzed inability to accept its significance. She wept at once, with sudden, wild abandonment, in her sister’s arms. When the storm of grief had spent itself, she went away to her room alone. She would have no one follow her.
[Cách tường thuật của tác giả là chọn lựa những chi tiết sáng có lý do chính xác hiện diện trong cốt truyện. Ở đây là kể lại nỗi niềm đau buồn của nhân vật chính.]
Cô không phản ứng giống nhiều phụ nữ khác khi nghe báo tin. Cô tê liệt bất lực, không thể chấp nhận được sự thật, lập tức bật khóc, cảm giác bị bỏ rơi đột ngột, điên cuồng trong vòng tay người chị. Khi cơn bão đau đớn tràn qua, cô đi vào phòng một mình, không muốn thấy bất cứ ai.
There stood, facing the open window, a comfortable, roomy armchair. Into this she sank, pressed down by a physical exhaustion that haunted her body and seemed to reach into her soul.
Có chiếc ghế bành rộng rãi, thoải mái, hướng ra cửa sổ đang mở. Cô ngồi xuống, sự kiệt lực thể xác đè nặng ám ảnh lên thân mình rồi dường như chạm đến tận tâm hồn.
In the open square before her house, the tops of trees were all alive with new spring life. A delicious breath of rain was in the air. In the street below, a peddler was crying his wares. The notes of a distant song that someone was singing reached her faintly, and countless sparrows were twittering in the eaves.
[Bất chợt đang trên dòng u buồn của người thiếu phụ, tác giả chuyển sang mô tả cảnh tượng vui, tràn đầy sức sống bên ngoài cửa sổ. Hai đoạn văn buồn và vui nối vào nhau cho thấy sự xung đột. Ngoại cảnh ám chỉ thâm tâm của Mallard đang nhen nhúm niềm vui, khác hẳn với tâm tình của người mất chồng. Kỹ thuật mô tả làm giảm vận tốc của tường thuật và bày tỏ chi tiết dễ dàng gửi gắm sự ngụ ý.]
Trên quảng trường trước nhà, ngọn cây tràn đầy sức sống mùa xuân mới. Một làn gió mưa thơm ngon trong không khí. Trên phố bên dưới, một người bán hàng rong đang rao hàng. Những nốt nhạc của một bài hát xa xăm mà ai đó đang hát vọng đến tai, và vô số chim sẻ đang ríu rít ngoài mái hiên.
There were patches of blue sky showing here and there through the clouds that had met and piled above the other in the west, facing her window.
Những mảng trời xanh xuất hiện đây đó lộ ra qua những đám mây chạm mặt và chồng lên nhau ở phía tây, đối diện cửa sổ.
She sat with her head thrown back upon the cushion of the chair quite motionless, except when a sob came up into her throat and shook her, as a child who has cried himself to sleep continues to sob in their dreams.
Cô ngồi đó, đầu ngả ra sau trên đệm ghế, hoàn toàn bất động, ngoại trừ tiếng nấc nghẹn ngào dâng lên từ cổ họng khiến cô run rẩy, giống như đứa trẻ khóc cho đến khi ngủ quên vẫn tiếp tục khóc trong giấc mơ.
She was young, with a fair, calm face, whose lines bespoke repression and even a certain strength. But now there was a dull stare in her eyes, whose gaze was fixed away off yonder on one of those patches of blue sky. It was not a glance of reflection, but rather indicated a suspension of intelligent thought.
Tuổi còn trẻ, với khuôn mặt thanh tú, điềm tĩnh, những đường nét cho thấy sự kìm nén, thậm chí, xác định một sức mạnh. Nhưng giờ đây đôi mắt thay bằng cái nhìn ngớ ngẩn, ánh mắt ấy hướng về một trong những mảng trời xanh. Không phải là cái nhìn suy ngẫm, đúng hơn, thể hiện sự suy nghĩ thông minh đang ngừng lại.
There was something coming to her, and she was waiting for it tearfully. What was it? She did not know; it was too subtle and elusive to name. But she felt it creeping out of the sky, reaching toward her through the sounds, the scents, and the color that filled the air.
[Tường thuật và mô tả được sử dụng xen kẽ, diễn tả những cảm thấy từ ngoại giới vào đến những suy tư và cảm nghĩ nội tâm. Hầu như, trong truyện ngắn, vì ngắn và cô đọng nên những mô tả đều có hậu ý. Những khi mô tả nghiêng qua độc thoại, ý nghĩa dễ sâu sắc nhưng diễn đạt dễ bị tối tăm.]
Có điều gì đó đang đến và cô đang chờ đợi trong nước mắt. Điều này là gì? Cô không biết; thật quá tinh tế và khó nắm bắt để gọi tên. Nhưng cô cảm thấy nó đang trườn ra khỏi bầu trời, vươn tới cô qua những âm thanh, mùi hương và màu sắc tràn ngập không khí.
Now, her bosom rose and fell tumultuously. She was beginning to recognize this thing that was approaching to possess her, and she was striving to beat it back with her will as powerless as her two white slender hands would have been.
Bây giờ, ngực phập phồng dữ dội. Bắt đầu nhận ra thứ này đang tiến đến chiếm hữu cô, và cô đang cố gắng đẩy lùi nó bằng ý chí bất lực như hai bàn tay cô trắng mảnh khảnh.
When she abandoned herself, a little whispered word escaped her slightly parted lips. She said it over and over under her breath: “Free, free, free!” The vacant stare and the look of terror that had followed it went from her eyes. They stayed keen and bright. Her pulse beat fast, and the coursing blood warmed and relaxed every inch of her body.
[Những câu văn diễn tả ý nghĩ thầm theo lối bên dưới thường được diễn tả bằng thể hiện hơn là tự sự, ngoài trừ ý muốn của tác giả làm ngắn và trực tiếp ảnh hưởng người đọc. Kỹ thuật thể hiện có thể làm đoạn văn dài hơn nhưng sẽ sống động hơn. Nhất là đoạn nhân vật nữ nhìn người chồng chết nằm chờ tẫn liệm. Thể hiện bằng mô tả sẽ mang đến nhiều xúc động và thu hút hơn. Ở vào giữa thế kỷ 19, kỹ thuật sáng tác vẫn chưa đạt đến mức hoàng kim.]
Khi buông thả bản thân, một lời thì thầm thoát ra khỏi đôi môi hé mở, cô lặp đi lặp lại trong hơi thở: “Tự do, tự do, tự do!” Cái nhìn vô hồn và vẻ kinh hoàng theo sau nó biến mất khỏi đôi mắt cô. Chúng vẫn sắc sảo và sáng ngời. Mạch đập nhanh, và dòng máu chảy ấm áp, thư giãn khắp nơi trên cơ thể.
She did not stop to ask if it were not a monstrous joy that held her. A clear and exalted perception enabled her to dismiss the suggestion as trivial.
Cô không dừng lại để tự hỏi, liệu đó có phải là niềm vui khủng khiếp đang chiếm giữ cô không. Một nhận thức rõ ràng và cao cả đã giúp cô gạt bỏ lời đề nghị tầm thường kia.
She knew that she would weep again when she saw the kind, tender hands folded in death, the face that had never looked save with love upon her, fixed and gray and dead. But she saw beyond that bitter moment a long procession of years to come that would belong to her absolutely. And she opened and spread her arms out to them in welcome,
Cô biết rằng mình sẽ khóc khi nhìn thấy đôi bàn tay dịu dàng, nhân hậu chắp lại trên người chết, khuôn mặt chưa bao giờ nhìn cô bằng ánh mắt yêu thương, đang cứng đờ, xám xịt và chết chóc. Nhưng cô nhìn thấy đằng sau khoảnh khắc cay đắng đó là một đoàn diễu hành dài của những năm tháng sắp tới, hoàn toàn thuộc về cô. Và cô mở rộng vòng tay chào đón.
There would be no one to live for during those coming years; she would live for herself. There would be no powerful w ill bending her in that blind persistence with which men and women believe they have a right to impose a private w ill upon a fellow-creature. A kind intention or a cruel intention made the act seem no less a crime as she looked upon a in that brief moment of illumination.
Sẽ không có ai để sống chung trong những năm tháng sắp tới; cô sẽ sống vì chính mình. Sẽ không có ý chí mạnh mẽ nào uốn cong sự kiên trì mù quáng mà đàn ông và phụ nữ tin rằng họ có quyền áp đặt ý chí riêng tư lên một sinh vật đồng loại. Một ý định tốt bụng hay một ý định tàn nhẫn khiến hành động đó có vẻ không kém phần tội lỗi khi cô nhìn vào một khoảnh khắc giác ngộ ngắn ngủi đó.
And yet she had loved him sometimes. Often, she had not. What did a matter! What could love, the unsolved mystery, count for in the face of this possession of self-assertion, which she suddenly recognized as the strongest impulse of her being?
Đôi khi cô yêu anh, nhưng bình thường thì không. Có vấn đề gì chứ! ‘Với trạng thái tự khẳng định này, mà cô vừa nhận ra là động lực mạnh nhất của mình, thì tình yêu, bí ẩn chưa được giải đáp, có thể đáng giá bao nhiêu?’ (dịch thoát ra bản gốc.)
‘Free! Body and soul free!” she kept whispering.
Josephine was kneeling before the closed door with her lips to the keyhole, imploring for admission. “Louise, open the door! I beg; open: he door— you will make yourself ill. What are you doing, Louise? For heaven’s sake, open the door.”
“Go away. I am not making myself ill.” No, she was drinking in a very elixir of life through that open window.
‘Tự do! Thân xác tự do! Tâm hồn tự do!’, cô tiếp tục thì thầm.
Josephine đang quỳ trước cánh cửa đóng chặt, môi áp vào lỗ khóa, cầu xin được vào. “Louise, mở cửa! Chị xin vào; mở cửa. Em sẽ làm cho em đổ bệnh. Em đang làm gì thế, Louise? Chúa ơi, mở cửa đi.”
“Đi đi. Em không làm gì bậy bạ đâu.” Không, cô ấy đang uống một loại thuốc trường sinh qua ô cửa sổ mở đó.
Her fancy was running riot along those days ahead of her. Spring days, summer days, and all sorts of days that would be her own. She breathed a quick prayer that life might be long. It was only yesterday she had thought with a shudder that life might be long.
Trí tưởng tượng đang chạy loạn trong những ngày sắp tới. Những ngày xuân, những ngày hè, đủ thứ loại ngày sẽ là của riêng mình. Cô thở dài cầu nguyện cho có thể sống lâu hơn. Chỉ mới hôm qua, cô đã rùng mình nghĩ rằng đời sống quá dài.
She arose at length and opened the door to her sister’s importunities. There was a feverish triumph in her eyes, and she carried herself unwittingly like a goddess of Victory. She clasped her sister’s waist, and together they descended the stairs. Richards stood waiting for them at the so bottom.
[Sự vui mừng tột cùng khi cô vợ được tự do, Cái chết của người chồng là chìa khóa mở toang tù ngục, đáng lẽ phải được mô tả nhiều chi tiết sống động hơn và dễ dàng mang câu truyện lên đỉnh cao với kỹ thuật mô tả nhanh. Gây cho người đọc hứng khởi và lôi cuốn. Hoặc sử dụng kỹ thuật độc thoại trình bày về những tầm nhìn sâu rộng của quyền phụ nữ. Hoặc dùng đối thoại cùng nội dung nhưng tươi mát và linh động hơn, phù hợp với tâm trạng vui vẻ. Ở đây, tác giả vẫn dùng tường thuật, vì vậy đoạn kết đã đến nhanh chóng.]
Cuối cùng cô đứng dậy, mở cửa trước sự nài nỉ của chị. Thấy sự đắc ý sốt nóng trong ánh mắt, và cô vô tình tự hào như nữ thần Chiến thắng. Ôm chặt eo chị gái, họ cùng nhau xuống cầu thang. Richards đứng chờ ở dưới cùng.
Có người đang mở cửa trước bằng chìa khóa. Anh Brently Mallard bước vào, người hơi lấm lem vì đi đường nhưng vẫn điềm tĩnh mang theo ba lô và chiếc dù. Khi xảy ra tai nạn, anh đang ở rất xa hiện trường, thậm chí không hề hay biết gì về sự việc này.
Anh ta đứng đó kinh ngạc trước tiếng kêu xé lòng của chị Josephine và trước hành động nhanh chóng của Richards để che anh ta khỏi tầm nhìn của cô vợ.
Nhưng Richards đã quá muộn.
Khi các bác sĩ đến, họ nói, cô ấy đã chết vì bệnh tim, vì niềm vui giết người.
[Câu chuyện kết thúc bất ngờ dù đã được tác giả thông báo ngay từ mấy hàng đầu tiên: chồng chết và đau tim. Cấu trúc của truyện này đã được xếp vào truyện truyền thống. Diễn tiến khá êm đềm. Cốt truyện dựa vào tâm lý xã hội, trình bày quan điểm nữ quyền. Cấu trúc và văn phong truyện ngắn thay đổi nhiều hơn dưới thời Hậu Hiện Đại và Đương Đại].
Kate Chopin 1851-1904.
Sinh ra tại St. Louis, Missouri, cha người Ái Nhĩ Lan, mẹ người Pháp-Creole. Bà lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ phụ nữ thống trị. Chính bà cố của bà đã kể những câu chuyện về người định cư Pháp đầu tiên ở St. Louis, những câu chuyện sau này ảnh hưởng đến nhiều truyện ngắn của bà với những mô tả đầy màu sắc về cuộc sống của người Creole và người Acadia.
Phần lớn tác phẩm của Chopin đề cập đến những phụ nữ tìm kiếm sự tự do, thoát khỏi sự thống trị của nam giới. Bà được coi là một nhà văn nữ quyền đầu tiên, viết hơn một trăm truyện ngắn, nhiều truyện trong số đó đã được xuất bản trong hai tập: Bayou Folk (1894) và A Night in Acadia (1897).
Hai tiểu thuyết của bà, At Fault (1890) và The Awakening (1899), lần lượt đề cập đến các chủ đề gây tranh cãi về ly hôn và ngoại tình. Bị lên án là vô đạo đức, The Awakening đã gây ra một cuộc náo động công cộng, khiến Chopin vô cùng chán nản và tuyệt vọng. Kết quả là, bà đã viết rất ít trong năm năm cuối đời.
(Còn tiếp: Nghệ thuật Bốn Đ.)
Ngu Yên. 2024.