Âm thanh và tưởng tượng (10): Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh

(Đọc Tuyển thơ Lưu Quang Vũ – Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn, 2010)

Lê Hồ Quang

 

Lưu Quang Vũ thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Đó là nền thơ mang âm hưởng hào hùng của cảm hứng sử thi và chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Tuy nhiên, ông đã sớm bứt khỏi từ trường của “dàn đồng ca thế hệ” để xác lập một giọng thơ riêng với nhiều trở trăn, khắc khoải về nhân sinh, thế sự. Thơ ông, ngay từ những năm 70 của thế kỉ XX, đã thể hiện những nhận thức mới, đầy táo bạo về những “chủ đề lớn” của thời đại như chiến tranh, Tổ quốc, Nhân dân… Đi cùng với một lí tưởng xã hội mạnh mẽ, tích cực, ông cũng khao khát khẳng định mình trong tư cách “con người đời thường” với tất cả mọi biểu hiện chân thực, nhân bản. Dĩ nhiên, điều này cần được lí giải từ nhiều nguyên nhân.

Hãy bắt đầu từ cái nhìn mang tính “phi sử thi” của tác giả này về chiến tranh, đất nước và dân tộc. Thực ra, trong các sáng tác đầu tay của ông, âm hưởng sử thi của thời đại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu) vẫn rất đậm nét. Chi phối thơ ông thời kỳ này là cái nhìn lạc quan, trong trẻo, chất chứa một niềm tin “sâu thẳm” về cuộc đời: Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình (Gửi tới các anh); Ôi tâm hồn thẳm sâu/ Là những ngày đánh giặc (Chiều)… Cuộc sống chiến đấu được cảm nhận qua con mắt nhà thơ trẻ đầy thi vị, với những đêm “hành quân qua phố huyện”, với “hương đất hương cây bồi hồi”, với “đường làng có hương rơm hương cỏ”, và “thôn xóm đôi bờ xanh biếc”… Nhưng chỉ vài năm sau đó, cái nhìn về chiến tranh trong thơ ông đã khác hẳn. Đấy là một cái nhìn trực diện, chân thực và đau đớn. Viết về chiến tranh, nhà thơ không chỉ nhằm mục đích ca ngợi hay lên án. Ông tìm cách lí giải nó từ trải nghiệm của chính ông – một nhà thơ, một người lính. Chiến tranh, trước hết gắn liền với chết chóc và bi kịch. Hình tượng chiến tranh được dựng lên trong Khâm Thiên, Ghi vội một đêm 1972, Cơn bão, Những đứa trẻ buồn, Hồ sơ mùa hạ 1972... là “tiếng trẻ gào dưới tầng nhà đổ sập”, là “mùi thịt cháy rợn mình”, là “bãi thây người”, là “những chiến hào máu đẫm”, là “những xác chết cháy đen”, là “những phố làng đổ sụp”… Nhận thức về chiến tranh trước hết là nhận thức về nỗi đau thương tột cùng mà dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam phải gánh chịu. Nhận thức về chiến tranh còn là nhận thức về tội ác man rợ của kẻ thù. Nhưng hơn thế, nó còn được nhận thức như một sức mạnh tàn bạo của cái Ác, của sự Thù hận. Nhà thơ mô tả chiến tranh như một cỗ máy hủy diệt kinh rợn, và bị cuốn theo guồng quay của nó, nhân tính, tình yêu, hạnh phúc, cái Đẹp… tất thảy đều bị nghiền nát. Chính vì vậy, trong Khâm Thiên, trong nỗi đau nghẹn uất, ông viết:

Nhân danh cuộc sống, nói về cái chết

Nhân danh niềm vui, nói về nước mắt

Nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù

Càng đi sâu vào cuộc chiến, như những “viên đạn/ xoáy trong cuộc chiến tranh dài”, phải chứng kiến nhiều hơn những cảnh tượng giết chóc kinh hoàng, đẫm máu, thế hệ những người lính ấy không còn đủ vô tư để ca hát “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật). Đó là một thế hệ bầm dập bởi chiến tranh và đã mất đi những ảo tưởng ngây thơ về cuộc chiến. Họ đầy đớn đau, giằng xé:

Ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh

Với mũi lê, với phát đạn đầu tiên

Chúng tôi đã không còn trẻ nữa

                                                (Cơn bão)

Nhà thơ là chứng nhân trung thành và khổ đau của lịch sử. Từ nỗi đau cá nhân để hiểu về nỗi đau dân tộc, nỗi đau của đồng loại, nhiều câu thơ của ông thấm vị bi đát: Chúng ta còn lại gì sau cuộc chiến tranh? Một tuổi trẻ sớm tàn/ Một đôi môi sớm tắt (Những đám mây ban sớm). Ông nhận ra cái giá khủng khiếp mà dân tộc đã phải trả để có thể đi đến cái đích cuối cùng:

Nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy

Những tháng năm đã mất

Những nhịp cầu gẫy gục

Những toa tàu đã sụp đổ tan hoang

                                                (Những đứa trẻ buồn)

Có thể nhận thấy rõ sự chuyển đổi từ tư duy sử thi sang tư duy thế sự, đời tư trong cách khai thác đề tài chiến tranh của Lưu Quang Vũ. Ở đây, ông không nhìn nhận vấn đề trên lập trường chính trị mà nhìn nhận và lí giải trên lập trường nhân tính, trên tinh thần nhân loại. Trong cái nhìn này, chiến tranh luôn mang gương mặt đau đớn của con người. (Cần nói thêm rằng, ở thời điểm bây giờ, nếu cách nhìn này đã trở nên phổ biến thì ở thời kì chống Mỹ, đấy là một cái nhìn hết sức khác biệt và táo bạo, chính nó cũng đã gây cho ông không ít hệ lụy).

Cảm hứng lịch sử – dân tộc là một cảm hứng lớn của thời kì thơ chống Mỹ và cũng là một cảm hứng chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ. Nhưng từ cảm hứng sử thi đầy hào sảng của thời đại đến quan niệm riêng của Lưu Quang Vũ là một quá trình nhận thức và biến đổi. Dân tộc Việt trong nhận thức của ông là một dân tộc nghèo đói và đau thương bởi chiến tranh, bởi sự thù hận và bởi những thế lực hung hiểm, bạo tàn. Sự đau thương này không chỉ được mô tả như một nét đối lập để tạo nên ấn tượng sử thi, theo kiểu: Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên (Nguyễn Đình Thi) hoặc: Ôi Việt Nam tổ quốc thương yêu/ Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều (Tố Hữu). Đấy là một thức nhận đau đớn và “rách xé”, bởi nó là kết quả của một cái nhìn “phản biện” lịch sử rạch ròi đến nghiệt ngã, đến đau xót. Nhà thơ khái quát hóa nỗi đau thương ấy thành một biểu tượng ám ảnh:

Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo

Trong độc ác, dối lừa, trong sỉ nhục

                                                (Đất nước đàn bầu)

Nỗi đau ấy biến thành câu hỏi nghẹn ngào:

Tất cả sẽ ra sao

Mảnh đất nghèo máu ứa?

Người sẽ đi đến đâu

Hả Việt Nam khốn khổ?

Đến bao giờ bông lúa

Là tình yêu của Người?

Đến bao giờ ngày vui

Như chim về bên cửa?

Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi

Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?

                                                            (Việt Nam ơi)

 Song, bên cạnh nỗi đau, nhà thơ còn nhận ra vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của dân tộc ẩn chứa trong chiều dài lịch sử, văn hóa, trong đời sống trận mạc và lao động lam lũ của người dân, trong vẻ đẹp “đắng cay”“trong trẻo” của tiếng Việt. Thực ra, đây cũng là một cảm hứng lớn của thơ chống Mỹ (ta có thể thấy điều này trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy…) Tuy nhiên, những cảm xúc về quê hương đất nước ấy đã được cá thể hóa một cách sâu sắc qua ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ – một ngôn ngữ thơ rất giàu màu sắc mĩ thuật. Trong Đất nước đàn bầu, bằng trí tưởng tượng phong nhiêu, bay bổng, nhà thơ đã “phục dựng” lại tầng tầng lịch sử tâm hồn giàu có và thiết tha của con người Việt Nam. Đó không phải là những tàn tích hóa thạch của quá khứ. Đó là cái trữ lượng văn hóa tinh thần sống động của dân tộc được hình thành từ lớp lớp huyền thoại ám ảnh và nồng nàn:

Đêm sử thi náo động tiếng quân hò

Sôi trong máu những bầy voi nguyên thủy

Sáng trong mắt những rừng gươm chớp lóe

Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung

Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non

Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể

Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thế

Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời

Và sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại của đất nước, của dân tộc chính là tiếng Việt, thứ ngôn ngữ vừa “nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay” vừa “trong trẻo như hồn dân tộc Việt”. Tiếng Việt là tâm hồn, là lịch sử, là sức sống của người dân Việt. Và tiếng Việt cũng chính là nhịp cầu nối giữa những con người Việt Nam không phân chia chiến tuyến:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Cùng tôi trong tiếng Việt quay về

                                                            (Tiếng Việt)

Với những nhận thức về chiến tranh, về dân tộc, về nhân dân ấy, ta sẽ hiểu vì sao ngay ở thời điểm chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, trong thơ Lưu Quang Vũ đã sớm xuất hiện cái khao khát được “trở về” – cái khao khát dỡ bỏ những rào cản hận thù để dân tộc Việt nói riêng, nhân loại nói chung, được sống trong hòa bình, trong tình yêu và niềm vui sum họp.

Bản chất thơ trữ tình, xét đến cùng, là sự tự ý thức về cái tôi. Sau 1970, trong sự nhận thức về mình với tư cách là một con người – công dân và con người – cá nhân, Lưu Quang Vũ cũng đồng thời phát hiện ra mình như một cái – tôi – khác so với cái tôi sử thi của thời đại và của chính ông giai đoạn trước. Đó là cái tôi thế sự, đời tư. Cái tôi ấy có nhu cầu khẩn thiết là được nhận thức lại nhiều vấn đề phức tạp đang đặt ra trong đời sống của chính anh ta và nhìn rộng ra, là của cả xã hội. Chân dung cái tôi ấy chủ yếu được hình thành từ trong những năm tháng ngặt nghèo nhất của cuộc đời Lưu Quang Vũ (quãng những năm 70 – 80). Đây cũng là thời kì đất nước đang phải đối mặt với bao vất vả, thiếu thốn, hậu quả của chiến tranh kéo dài và cơ chế quản lí quan liêu bao cấp. Thơ ông là một bức tranh tả thực đầy nhức nhối:

Những năm khó khăn

Hè phố đầy hầm, đường đầy khẩu hiệu

Quần áo và mặt người màu cỏ héo

Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà

Người đợi tàu ngủ chật sân ga

Trẻ con thiếu nơi học hành dạy dỗ

Các cô gái trở nên suồng sã…

                                    (Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Điều đáng sợ không chỉ là những vất vả thiếu thốn về chuyện miếng cơm, manh áo, đáng sợ hơn là những vấn nạn tiêu cực đang nẩy sinh ngày một nhiều trong đời sống hậu chiến. Nhà thơ đặc biệt nhạy cảm với những biểu hiện băng hoại của các giá trị tinh thần, tình cảm, đạo đức trong một môi trường xã hội mà “mọi thánh thần đã trơ gỗ mọt”, “mọi điều thiêng liêng thành nhảm nhí”, và “con người nói với con người/ Những lời hằn thù sỉ nhục”…

Là một con người thông minh và khát khao lí tưởng, giờ đây, khi phải đối mặt với một thực tại “đảo điên, tàn nhẫn”, với bao bi kịch của cá nhân và thời đại, Lưu Quang Vũ không tránh khỏi những cảm xúc giằng xé bi phẫn. Sự va đập gay gắt giữa hiện thực đời sống khắc nghiệt và những tín niệm thiêng liêng hình thành từ tri thức thi ca và sách vở khiến nhà thơ đau đớn, bàng hoàng. Chân dung ông qua ngòi bút “tự họa” là một con người thương tổn sâu sắc về mặt tinh thần:

Bị lừa dối, bị lăng nhục

Rách rưới, bơ phờ, cô độc

Hắn ngồi trước mặt em

 (Người con giai đến phòng em chiều thu)

Do đó, nếu ở giai đoạn trước, trong cái tôi ấy bao giờ cũng là cảm giác tin tưởng, hy vọng, thì ở giai đoạn này, cảm giác cô đơn, hẫng hụt, mất niềm tin bao phủ tâm hồn ông:

Sao tôi lại muốn em tin

Khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả

Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ

Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào

Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao

…Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi

Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp

Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách…

                                                                        (Mấy đoạn thơ)

Những trăn trở về các giá trị đời sống, giữa được/ mất, hạnh phúc/ bất hạnh, niềm tin/ sự nghi ngờ, hiện thực/ lí tưởng, cao thượng/ thấp hèn, chân thực/ giả trá… trở thành môtip chủ đề phổ biến trong thơ ông, thể hiện một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, đau đớn và nhiều lúc khiến nhà thơ rơi vào cảm giác bi đát và bất lực: Điều anh tin không có ở trên đời/ Điều anh có không giúp gì ai được (Quán cà phê ngoại ô)… Cuộc đời thô bạo”, với “tháng ngày vỡ nát”, với “nghèo túng, lọc lừa, bội phản” và “tuổi trẻ sớm tàn trong cay cực”… là những hình ảnh trở đi trở lại trong thơ ông. Cái cảm giác bí bức, chật chội, thậm chí bế tắc trở thành một ám ảnh đau đớn – Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng, Những bức tường dựng đứng quanh tôi…

Tuy nhiên, dù đau đớn và có khi tưởng chừng bế tắc, điều cơ bản níu giữ nhà thơ, không cho phép ông gục ngã, chính là cái ý thức sống và sáng tạo trung thực mạnh mẽ. Khao khát được nói lên sự thật, “những sự thật buồn cười mà khủng khiếp”, nhà thơ đặc biệt nhạy cảm với sự bạo ngược, bất công, giả trá. Thơ ông là nỗi đau buốt nhức và sự phẫn nộ của một con người có lương tri và trách nhiệm, “muốn nói hết sự thật/ về đất nước của mình”. Đó là nỗi đau có tác dụng thức tỉnh, hướng thiện. Bởi vậy, ông tin sẽ đến lúc nỗi đau ấy được hiểu và trân trọng:

Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh

Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao?

(Anh đã mất chi, anh đã được gì)

Càng về sau, những nhận thức về đời sống, về con người trong thơ Lưu Quang Vũ càng đằm sâu hơn, càng có sức thuyết phục với người đọc hơn. Những trải nghiệm đau khổ cho ông sự trưởng thành trong nhận thức về đời, đồng thời hình thành trong ông một thái độ và bản lĩnh sống thực tế, quả quyết cùng tinh thần “nhập thế” tích cực. Với nhận thức: Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ/ Chỉ xây dựng đời là khó khăn thôi (Nói với mình và các bạn), cái tôi ấy bày tỏ khao khát “trở thành người có ích” một cách thiết thực:

Không thể ôm cả bầu trời lồng lộng

Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay

Có thể trồng thêm một bóng mát cho ngày

                                                (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở)

Từ góc nhìn này, nhà thơ đã đặt ra những quan niệm thẩm mĩ có tính cách tân khá quyết liệt (so với thời điểm đó và ngay cả với bây giờ). Để trở nên “có ích”, thơ ca không chỉ biết ca ngợi và đồng tình, thơ ca giờ đây còn phải biết cảnh tỉnh, biết phê phán, biết “phản biện” những mặc định của lịch sử, của xã hội và của người khác. Không chỉ là một phương tiện trong chiến đấu, giờ đây, thơ phải là công cụ để hàn gắn tâm hồn con người, hàn gắn tâm hồn dân tộc, nhân loại. Trách nhiệm của thơ là đấu tranh xã hội, chống lại cái Xấu, cái Ác, đánh thức lương tri và khát vọng còn ngủ quên trong mỗi con người. Bằng cách nói hình tượng, Lưu Quang Vũ khẳng định thơ phải là “bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa”, thơ phải “chống lại bóng đen trì trệ của đời”, “Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước”… Và trên tất cả, “thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật. Muốn như vậy, con người không chỉ cần sự thông minh, mà còn cần phải “dũng cảm”. Trong bài Nói với mình và các bạn, Lưu Quang Vũ khẳng định:

Thế hệ mình cần những người dũng cảm

Dũng cảm yêu thương, dũng cảm căm thù

Bởi vì:

Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp

Bằng áp phích trên tường, bằng những lời đanh thép

Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn

Phải có nhà trường, cửa sổ, trời xanh

Những bàn tay dám làm, những tấm lòng dám thật

                                                (Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Với quan niệm ấy, một hiện thực mới đã ùa vào thơ Lưu Quang Vũ. Một hiện thực “trần truồng”, “sắc nhọn”, “gầy guộc”, “giận giữ”… làm lay động dữ dội tâm hồn người đọc. Đây là tiếng nói mở đường cho tư tưởng dân chủ, đổi mới trong đời sống sáng tạo và đời sống xã hội, sẽ xuất hiệt rất quyết liệt trong kịch Lưu Quang Vũ về sau, tạo nên một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.

Sự thực thì vào những năm đầu thập kỉ 80, tư tưởng nhân sinh – xã hội này không chỉ xuất hiện ở Lưu Quang Vũ. Song ông là một trong những cây bút sớm cất lên tiếng nói phản tỉnh quyết liệt, nhằm nhận thức lại nhiều vấn đề của thực tại đời sống và sáng tạo. Sức thuyết phục của tiếng nói tư tưởng này trước hết nằm trong độ sâu của trải nghiệm cá nhân cũng như độ chân thành và nồng nhiệt của cảm xúc. Nó cũng cho thấy, ở cây bút này, sau những đổ vỡ, thất vọng, vẫn là niềm tin hướng về một lý tưởng xã hội tiến bộ. Quan trọng hơn, tư tưởng ấy đã được hóa thân thành những hình tượng nghệ thuật độc đáo và đây chính là điều cốt tử tạo nên sức hấp dẫn trong sáng tác của Lưu Quang Vũ.

Trong nhãn quan sử thi của nền thơ Cách mạng, cái tôi luôn gắn liền cái ta, và tình yêu lứa đôi cũng luôn gắn liền với tình cảm quê hương đất nước, tình cảm cộng đồng, nó gần như trở thành một ý niệm đạo đức – thẩm mĩ gắn bó, không thể tách rời: Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần (Nguyễn Đình Thi). Song trong nhận thức của Lưu Quang Vũ, tình yêu là một giá trị tình cảm – thẩm mĩ tự thân. Đấy là kiểu tình yêu cá nhân, tình yêu đời thường với bao cảm xúc, sắc thái đa dạng, phong phú. Do đó, ông không ngần ngại bộc lộ những xúc cảm đắm say, nồng nhiệt nhất với Em – đối tượng trữ tình trong thơ ông. Rõ ràng, kể cả từ hướng tiếp cận chủ đề lẫn đối tượng mô tả đều ít nhiều có những nét “lệch chuẩn” so với cảm quan thời đại. Nhưng chính đó lại là điều làm nên nét độc đáo trong thơ tình Lưu Quang Vũ.

Thơ tình Lưu Quang Vũ hết sức say đắm, nồng nàn. Thẳm sâu trong ông là “một tình yêu không biết nói cùng ai/ đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn”. Với ông, tình yêu là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý. Hình tượng Em trong thơ ông luôn hiện lên như một biểu tượng của mơ ước và khát vọng:

Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp

Em em là mây trắng của đời tôi

(Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên)

 Tình yêu ấy luôn đánh thức những khát khao và niềm hoài vọng không cùng:

Nhớ em như nhớ một miền xa

Không bao giờ trở về

Không bao giờ đi tới

(Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên)

Không những thế, tình yêu còn có sức mạnh tái sinh tâm hồn nhà thơ sau bao đớn đau và nghịch cảnh:

Có em, anh hiểu lại cuộc đời

Có em, anh bắt đầu tất cả

Bắt đầu con đường, bắt đầu nhịp thở

Mùa hạ đầu tiên, ngọn gió đầu tiên

                                                (Chiều chuyển gió)

Trong thơ Lưu Quang Vũ, ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh người đàn bà của đời thực, những người phụ nữ ông từng yêu thương, gắn bó trong đời mình. Đó là người nữ diễn viên, người vợ – “mối tình đầu tóc dại tuổi mười lăm”. Đó là người nữ họa sĩ với “Những bức tranh nổi gió ở trên tường”. Và “những người đàn bà không tên” đã từng đi qua cuộc đời ông với bao hạnh phúc, đớn đau. Đặc biệt, hình ảnh nhà thơ Xuân Quỳnh, người vợ, người bạn đời ân nghĩa của ông xuất hiện rất nhiều lần trong các bài thơ đầy xúc động như Thơ ru em ngủ, Nhà chật, Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay, Cho Quỳnh những ngày xa, Em vắng, Và anh tồn tại, Em IINgười phụ nữ ấy có “đôi vai ấm dịu dàng”, có “bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày”, có “đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa”… Quả thực hiếm có người đàn ông nào lại viết về vợ mình với tình yêu và cảm xúc ơn nghĩa sâu nặng như Lưu Quang Vũ:

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh

Điều mong ước đầu tiên điều ở lại sau cùng

Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất

Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật

Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời

                                                            (Em II)

Số lượng dồi dào các bài thơ tình trong Tuyển thơ Lưu Quang Vũ (61/136 bài) cho thấy rõ sự chi phối của cảm hứng trữ tình đời tư trong sáng tác của ông. Với việc đào sâu vào những cung bậc cảm xúc tình yêu phức tạp và sâu kín, không ngần ngại đưa ra những chi tiết cá nhân, riêng tư, dễ gợi liên hệ tới những “nhân vật” đời thực (chẳng hạn tên những người phụ nữ), những lời “tụng ca” về Em…, tất cả đều cho thấy một quan niệm nhân sinh – thẩm mĩ độc đáo của Lưu Quang Vũ. Những tình cảm yêu thương đắm say, nồng nàn và chân thực trong thơ giúp ta nhận ra một góc khác của tâm hồn ông – một người đàn ông hào hoa, đa cảm, một người tình đắm say, một người chồng, người cha yêu thương, nhân hậu… Nó bổ sung vào cái chân dung tinh thần phức tạp và đa diện của người nghệ sĩ này một nét đẹp đầy nhân tính.

Nhu cầu phản ánh đời sống trong cái diện mạo rộng lớn, phức tạp và đa chiều của nó buộc tác giả phải tìm kiếm và lựa chọn những hình thức diễn tả tương ứng. Nhìn một cách bao quát, có thể thấy, trong thơ Lưu Quang Vũ, cảm hứng mô tả về một hiện thực mới, phức tạp đã tạo nên sự “giãn nở”, “nới rộng” hình thức văn bản cũng như sự đa dạng hóa trong hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu…

Nếu giai đoạn đầu, nhà thơ chủ yếu sử dụng các thể thơ quen thuộc như 7 chữ, 8 chữ và 5 chữ, bài thơ thường có sự phân khổ, phân đoạn khá nghiêm ngắn, rành mạch, thì ở giai đoạn sau, ông chủ yếu viết theo thể tự do. Bài thơ thường không phân khổ, là sự kết hợp linh hoạt nhiều câu thơ dài ngắn khác nhau, kéo dài theo mạch cảm xúc, suy tưởng. Nhiều bài thơ trữ tình của ông (rất) dài, thậm chí có thể nói đến một xu hướng “trường ca hóa” trong thơ ông: Viết cho cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Bài ca trên bán đảo, Năm 1954, Hoa cẩm chướng trong mưa, Cơn bão, Những đám mây ban sớm, Khâm Thiên, Những đứa trẻ buồn, Tìm về, Những người bạn khuân vác, Nói với mình và các bạnNhu cầu được giãi bày “kiệt cùng”, “tận độ” những bức bách nội tâm chủ thể đã tự nó phá vỡ những khuôn khổ hạn định của hình thức văn bản.

Hướng về cuộc đời trong khát vọng chiếm lĩnh bản chất hiện thực của nó, điều này cho phép thơ Lưu Quang Vũ dung nạp nhiều sắc thái giọng điệu trên nền giọng cơ bản là suy tư, khắc khoải, trầm thống… Xuất phát từ nhu cầu giao tiếp trực tiếp, thơ ông rất linh hoạt trong sử dụng các hình thức câu khác nhau (kể, tả, hỏi, cảm thán…); sử dụng phổ biến các đại từ nhân xưng (các đại từ nhân xưng có thể thay đổi liên tục tùy theo đối tượng trữ tình trong bài thơ, tạo nên sự thay đổi sắc thái cảm xúc, giọng điệu tương ứng, ta có thể thấy hiện tượng này trong một số tác phẩm như Đất nước đàn bầu, Những đám mây ban sớm…). Nếu trong những sáng tác đầu tay, thơ ông mang giọng điệu tươi tắn, trong trẻo thì giai đoạn giữa, chuyển gam trầm thống, khắc khoải, và ở thời kì cuối, trở lại giọng trầm tĩnh, thiết tha trên một nhận thức sâu sắc và bao dung hơn về cuộc đời, con người.

Về mặt kết cấu, thơ Lưu Quang Vũ chủ yếu sử dụng hình thức kết cấu mở với lối cấu tứ theo mạch cảm xúc – hình tượng (xin lưu ý đây là một cách diễn đạt có tính quy ước). Cảm xúc và suy tưởng của tác giả chi phối rõ nét đến tổ chức văn bản cũng như hệ thống hình tượng trong tác phẩm. Mạch cảm xúc thúc đẩy sự hình thành của hệ thống hình tượng, và ngược lại, sự xuất hiện các hình tượng dẫn dắt, khêu gợi, thúc đẩy mạch thơ tiếp tục phát triển. Một bài thơ có đặc điểm cấu tứ này không chỉ đòi hỏi độ mãnh liệt trong cảm xúc, nó còn đòi hỏi một trực cảm nhạy bén với khả năng liên tưởng dồi dào, phóng túng. Tư duy thơ Lưu Quang Vũ tỏ ra rất phù hợp với lối cấu tứ này. Ta thấy trong nhiều bài thơ của ông, tiêu đề chỉ đóng vai trò định hướng ban đầu, còn nội dung bài thơ sẽ dẫn người đọc đi rất xa với những cảm xúc, suy tư ào ạt, không ngừng về đời sống, về hạnh phúc, tình yêu, cái đẹp của nỗi đau buồn… Đất nước đàn bầu là một ví dụ, rất khó để “gò” ý nghĩa của bài thơ về một số tóm tắt nội dung sơ giản. Từ hình ảnh những chiếc trống đồng vùi trong cát với những con chim lạc mỏ dài những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn thấm đẫm màu sắc huyền sử, bài thơ nhanh chóng chuyển cảnh sang buổi sáng thực tại với hoa móng rồng thơm ngát/ lá xương xông mọc quanh vại nước, rồi đột ngột, hiện lên hình ảnh quạ đen đậu ngôi mộ cổ/ những con bướm đêm đập cánh thầm thì với điệu hát chập chờn/ con gà rừng mê sảng; cũng đột ngột không kém, mạch thơ chuyển sang cảnh chiến trận với hình ảnh vó ngựa lao dồn dập/ giặc phương Bắc kéo về/ vung gươm dài đẫm máu… Cảm hứng mô tả về đất nước trong tiến trình lịch sử, trong chiều sâu văn hóa và đời sống của người dân, trong sự nối liền quá khứ và hiện tại ấy đã kết đọng trong những biểu tượng thơ tuyệt đẹp:

Những con chim lạc mỏ dài

Bay qua vầng trăng lớn

Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực

Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng…

Độ mãnh liệt của cảm xúc, độ rậm rạp, biến hóa của hình ảnh, chi tiết miêu tả, sự đa nghĩa, ám gợi của các biểu tượng… là thế mạnh của thơ Lưu Quang Vũ. Sự dồn đẩy liên tục của những liên tưởng, tưởng tượng phóng túng, say sưa và đầy bất ngờ đem lại một ấn tượng thẩm mĩ đặc biệt độc đáo.

Sự thụ cảm đời sống của Lưu Quang Vũ nghiêng về những cảm giác, cảm xúc trực tiếp. Hiện thực trong thơ ông thường được đồng hóa bởi những chi tiết gọn, sắc, đập mạnh vào ấn tượng. Thơ ông giàu chất tạo hình với sự phối màu, hòa sắc, hòa âm táo bạo. Các gam màu mạnh, gắt, rực rỡ hoặc u buồn đều nguyên khối, đậm nét. Nhờ vào cách sử dụng đích đáng các các từ ngữ mô tả (đặc biệt là các tính từ) và các hình ảnh liên tưởng táo bạo mà bức tranh đời sống trong thơ Lưu Quang Vũ luôn hiện lên một cách hấp dẫn, sắc nét, sống động. Bên cạnh đó, kĩ thuật kết hợp giữa yếu tố thực và ảo, cụ thể và trừu tượng, vật chất và cảm xúc v.v. cũng góp phần tạo nên một ngôn ngữ thơ vừa cụ thể, cảm tính vừa giàu ý nghĩa tượng trưng, chẳng hạn:

Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu

Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước

Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích

Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông

                                                            (Đất nước đàn bầu)

Nhà thơ thường sử dụng thủ pháp trùng điệp, nhằm mục đích xoáy sâu một ấn tượng, một cảm giác, một nỗi ám ảnh, chẳng hạn: Những chiếc xe tăng đi qua/ Những khẩu súng đi qua/ Những người lính đi qua/ Chẳng có gì cùng ta ở lại (Mặt trời trong nước lạnh)Sự bén nhạy trực giác cho phép ông dễ dàng kết hợp, liên tưởng, so sánh những sự vật, hình ảnh vốn cách xa nhau trong thực tế, nhưng vẫn hết sức chuẩn xác, vẫn đem lại những cảm giác thơ trọn vẹn. Chẳng hạn, về một con sông, ông viết: Con sông như anh thợ tàu mười bảy tuổi/ Quả cảm và du đãng/ Nhem nhuốc và mơ mộng… Về một hải cảng, ông viết: Tươi trẻ đến phát lo/ Ồn ào mà sâu hút/ hải cảng trần trụi như bắp thịt/ Ròng ròng mồ hôi (Viết cho em từ cửa biển)…

Có thể nói Lưu Quang Vũ có biệt tài sử dụng ngôn ngữ trong tính chính xác và độ gợi cảm nhất của nó. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn, ta sẽ thấy hai xu hướng tìm tòi khá là trái ngược. Một mặt, ngôn ngữ ấy có xu hướng đời thường hóa, mộc mạc và đơn giản, rất gần với ngôn ngữ đời sống. Chúng vừa giản dị, tự nhiên, đồng thời vừa rất giàu trữ lượng khái quát nội tâm, chẳng hạn:

Trái đất mình rộng quá

Ở đâu cũng có con người

Sao chưa tìm được cách nào

Sống với nhau cho ổn thỏa?

                                    (Hoa cẩm chướng trong mưa)

Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng đó, ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ còn rất giàu yếu tố tượng trưng, siêu thực. Nhiều tác phẩm của ông dựng nên những thế giới hết sức lạ lùng, kì ảo, phi logic nếu xét theo cái nhìn thông thường. Ngôn từ, hình ảnh hoàn toàn vượt ra khỏi trật tự tuyến tính, chúng như được “sắp xếp lại” trong một trật tự nội tâm mơ hồ, xa thẳm. Nhiều hình ảnh thơ của ông rất đặc biệt, rực rỡ mà đau đớn, gợi nhiều ám ảnh lạ lùng. Bài thơ Bây giờ (có phụ đề là Tưởng tượng về một bài hát) là một ví dụ:

Bây giờ

Hai đạo quân đã giết hết nhau

Tiếng trống cuối cùng đã bặt

Người ngựa đều ngã gục

Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ

Bây giờ

Em trụi trần dưới vòm cây tối đen

Ngực đồi trăng ướt đẫm

Tay chập chờn lửa sáng

Nhưng đã muộn rồi ôi muộn lắm

Vực sâu đã mở ra

Chôn cả lời trăng trối của mùa thu

Một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm

Ta còn có thể tìm thấy điều này trong nhiều bài thơ khác: Móng tay trên đá, Những ngọn nến, Giấc mộng đêm, Chiều cuối... “Vệt thơ siêu thực” này cho ta thấy thêm quan niệm về hiện thực của nhà thơ. Đó không chỉ là một hiện thực được phô bày trước mắt, có thể “nhìn thấy”, nó còn là một hiện thực ở “bề sâu bề xa”, một hiện thực chỉ có thể “cảm thấy”. Hiện thực ấy chỉ có thể diễn tả một cách đích đáng nhất bằng trực giác và biểu tượng. Như vậy, nó không chỉ bộc lộ tư tưởng mở rộng, đào sâu vào hiện thực của Lưu Quang Vũ mà còn cho thấy ý thức của ông trong sáng tạo ngôn ngữ, nhằm chiếm lĩnh hiện thực trong tất cả những chiều kích rộng lớn của nó.

Thơ Lưu Quang Vũ là một cuộc truy vấn lớn về nỗi đau và vẻ đẹp nhân sinh, thế sự, về ý nghĩa của đời sống cá nhân, về lý tưởng xã hội và sáng tạo… và về điều này, hãy dùng chính thơ ông để diễn tả Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh… Đó cũng là một cuộc truy vấn với Vô cùng, và sẽ luôn được tiếp tục, bởi ấy là những giá trị muôn đời mà người nghệ sĩ chân chính tìm kiếm, bất chấp mọi trả giá tàn khốc. Như chính ông từng tiên liệu:

Và mai sau sẽ có những nhà thơ

Đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ

Họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa

Không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ

Bởi vô biên là khát vọng của con người…

                                                (Những đám mây ban sớm)

                                                            Vinh, 7/12/2010

 

Comments are closed.