Mùa giải văn học Pháp (2): Một giải thưởng lạ

David Caviglioli

Nguyên Ngọc dịch từ http://bibliobs.nouvelobs.com/sur-le-sentier-des-prix/20121114.OBS9360/peut-on-juger-un-livre-en-n-en-lisant-qu-une-page.html

Ngày 1 tháng Mười đến, tại Café de la Presse, trên đại lộ Bastille, Paris, từ 21 giờ 30 đến khuya, sẽ diễn ra cuộc tranh luận của ban giám khảo và lễ trao một giải thưởng văn học đặc biệt, được đài Radio Nova truyền trực tiếp: Giải cho trang 111 (của một cuốn tiểu thuyết).

Vị tân khoa của giải thưởng năm nay sẽ được nhận giải vào lúc 12 giờ khuya, từ tay nhà toán học Cédric Villani, người đã được Huy chương Fields năm 2010 (cùng Ngô Bảo Châu).

Sau đây là bài viết về giải thưởng kỳ lạ này trên trang văn học BibliObs của báo Le Nouvel Observateur.

Có thể đánh giá một cuốn sách mà chỉ đọc một trang của cuốn sách đó?

clip_image001[4]

Một người đọc sách

 

Ngày 7 tháng mười năm 2012. Jakuta Alikavazovic đoạt một giải thưởng văn học vừa mới được thành lập, Giải trang 111, trao thưởng cho trang thứ 111 của cuốn tiểu thuyết “Cô nàng tóc nâu và chiếc hầm boong ke” (nhà xuất bản L’Olivier) của bà.

Ta sẽ quay trở lại với các điều kiện trao giải này sau. Bởi vì đã xảy ra một chuyện lý thú: một ngày trước phiên họp cuối cùng của họ, ban giám khảo biết tin một giải khác vừa mới được thành lập. Nó có tên là Giải trang 112, sẽ được trao vào ngày 12 tháng 12 tới.

Chúng tôi có hơi sửng sốt, Julien Blanc-Gras, nhà văn, thành viên ban giám khảo kể. Nghĩ cho cùng, cũng chẳng sao. Nhưng cứ kiểu các trang kế tiếp nhau thế này, thì là trùng hợp quái đản thật.’’

Cũng không đến nỗi thế đâu. Ý tưởng đã từng có từ ít lâu rồi. Sách xuất bản nhiều quá. Không thể đọc hết 700 cuốn tiểu thuyết trong ba tháng. Cần phải tìm ra một nguyên tắc chọn lựa. Cả hai ban giám khảo đã làm theo hai cách gần giống nhau: họ chỉ đọc tất cả các trang 111/112 của mùa văn học. Khi có các trang ấy. Bởi vì chẳng ai cấm một trang 111 hay 112 trắng trơn, hoặc chỉ có vài từ kết thúc một chương sách.

“Bụng mềm’’

Các giải thưởng văn học bèn nhằm vào các trang sách. Báo chí đã lăng xê phong trào. Tháng chín năm 2010, một tờ báo Anh đề nghị chỉ đánh giá các cuốn sách dựa trên trang 99 của chúng. Đúng ra ý tưởng này là từ một người chủ xuất bản Anh đã chết năm 1939, tên là Ford Madox Ford. Tất nhiên nó được các nhà báo vội vã tung hô. Trong số đó, có tờ L’Express.fr từ đấy ban cho chúng ta những bài phê bình chỉ hạn chế vào cái trang được coi là tiêu biểu ấy.

99, 111, 112: tại sao trang quan trọng lại nằm quanh trang thứ một trăm? Ban giám khảo Giải 112 giải thích:

Nằm ở quãng giữa một phần ba đầu tiên và một nửa của một cuốn tiểu thuyết hiện đại khổ trung bình, chính ngay giữa cái “bụng mềm” của nó, trang 112 có thể dùng làm chỉ dấu tin cậy. Bởi vì, đa số trường hợp, trang 112 đánh dấu một sự suy giảm quan tâm chung, so với tất cả các giai đoạn kể từ đầu sách: sơ xuất của tác giả, trên đà viết, thả lỏng văn phong và chỉ còn nghĩ đến chuyện kéo lê; xao lãng của chủ nhà xuất bản (đã được thuyết phục về chất lượng tác phẩm từ lâu nếu ông ta đã đọc được đến 111 trang, hay đã mệt mỏi vì phải ghi bao nhiêu nhận xét từ suốt 111 trang trước); và vội vã của người biên tập, kém chi li hơn lúc bắt đầu và muốn tiến tới cho nhanh. Tóm lại: mọi người đều coi thường trang 112! Cho nên chúng tôi chọn trang ấy.’’

Theo thống kê trung bình, trong một cuốn tiểu thuyết đương đại, xuất bản theo khổ lớn, một trang sách có từ 1300 đến 1800 ký hiệu, bao gồm các khoảng trống. Trung bình là thế. Chẳng hạn, một trang tiểu thuyết mới đây của Christine Angot có gần 1000 ký hiệu, các khoảng lề nới rộng ra. Người ta đo được 91cm2 cho phần văn bản và 192 cm2 phần lề.

Có thể đánh giá một cuốn sách chứa hàng nhiều triệu ký hiệu theo chuẩn của một kiểu nhặt tách ra tùy tiện và rút gọn đến thế không? Ở Giải trang 111, người ta khẳng định: “Chúng tôi chỉ đọc trang 111.’’ Các vị giám khảo giải của trang tiếp sau (Giải trang 112) thì ít cực đoan hơn: ”Tất nhiên, khi thấy trang 112 có vẻ hay, thông minh và hứa hẹn, chúng tôi đọc trọn cuốn sách.’’

Một giọt nước trong biển cả

Juilien Blanc-Gras giải thích: “Đấy là cách người ta làm trong các hiệu sách. Họ lấy một trang tình cờ, và quyết định nó có làm họ thích hay không.’’ Cách làm đó dựa trên ý tưởng xưa về pars totalis, bộ phận phản ánh toàn thể, mà ta gặp khắp nơi. Guru Nanak, người sáng lập đạo Sikh nói: “Giọt nước nằm trong biển cả và biển cả nằm trong giọt nước.’’ Soljenitsyne cũng lấy lại hình ảnh nước trong “Quần đảo Goulag”: “Biển, muốn biết vị của nó, chỉ cần nếm một ngụm.’’

Nhưng ẩn dụ ấy lừa dối. Nước là một cấu trúc đồng dạng, hợp thành từ những thành phần giống nhau. Không thể nói như thế về tiểu thuyết, nói chung là không đồng dạng. Nên phải tiếp tục cuộc truy tìm của chúng ta. Hãy trở lại giả thuyết: tập hợp các phẩm chất của một cuốn tiểu thuyết có thể được tìm thấy trong các tập hợp-con của nó.

Hãy lấy một cuốn tiểu thuyết giản lược có n trang. Đặt tên cho nó là “Nụ hôn của Antigone’’, vì nghe thế có vẻ hay. Tập hợp [“Nụ hôn của Antigone’’] có nhiều tập hợp-con, hãy cho là: một cốt truyện hấp dẫn, những nhân vật sắc nét, một văn phong kỳ thú, và phê phán nghiêm khắc xã hội tiêu thụ.

Ta có thể chia mỗi tập-hợp-con đó ra thành các tiểu-tập-hợp-con. Chẳng hạn, các tập-hợp-con [văn phong kỳ thú] sẽ có những các tiểu-tập-hợp-con: [những câu dài quanh co], [cú pháp phong phú], [từ vựng chọn chính xác], [sử dụng nhiều hình thái văn phong đa dạng].

Khi đã triển khai các các tập-hợp-con ấy, ta sẽ có một tập hợp các yếu tố có tính nguyên tử, nghĩa là không thể chia nhỏ nữa. Tập hợp A đó tương ứng với cuốn tiểu thuyết của chúng ta. Đồng hóa thành phần với tổng thể tức là khẳng định rằng diễn từ về A và về tập-hợp-con của nó [trang của A] là có thể hoán đổi lẫn nhau. Và vậy ta có thể thiết lập một đẳng cấu giữa A và A’. Trong toán học người ta gọi đó là một song ánh. Áp dụng song ánh cho phép đặt tương ứng chính xác giữa các yếu tố của hai tập hợp. Ví dụ: Sân vận động quốc gia Pháp có 80.000 chỗ ngồi; 80.000 người hâm mộ Johnny đến quầy vé; có song ánh giữa các tập hợp [chỗ ngồi trên sân vận động quốc gia Pháp] và [người hâm mộ Johnny].

Hãy tưởng tượng một cuốn tiểu thuyết mười trang

Trở lại với cuốn “Nụ hôn của Antigone’’ của chúng ta. Nếu ta dựa vào trực giác của mình, thì ở đây không thể có song ánh giữa A và A’. Thành phần không thể ngang bằng với toàn thể. Nhưng có thật đúng như vậy không? Lý thuyết tập hợp, do nhà foán học Georg Cantor thiết lập, nói với chúng ta điều ngược lại.

Để giản lược, hãy tưởng tượng “Nụ hôn của Antigone’’ có mười trang, và bằng song ánh ta tìm cách thu chúng lại thành tập-hợp-con các trang mang một số chẵn. Với mỗi trang, ta sẽ tìm cách làm cho nó tương ứng với một trang chẵn bằng cách nhân trị số của nó cho hai. Nào: trang 1 thành 2, trang 2 thành 4, trang 3 thành 6, v.v. Song ánh là không thể, vì đến 6, sẽ trở thành 12, vượt quá số trang ban đầu là mười. Hoàn toàn bất ngờ, ta được năm trang chẵn. Bây giờ, hãy thử làm như vậy với một cuốn sách vô tận: với mỗi trang, chẵn và lẻ, tất yếu tương ứng với một trang chẵn, vì bao giờ cũng có thể nhân trị số của nó với hai. Như vậy trong cuốn tiểu thuyết vô tận có bao nhiêu trang thường thì có bấy nhiêu trang chẵn. Trong cuốn tiểu thuyết vô tận, thành phần bằng toàn thể. Đương nhiên không có cuốn sách vô tận. Ngay đến cả Borges cũng buộc phải kết thúc các cuốn tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên có thể dùng tác giả “L’Aleph’’ để thoát ra khỏi bế tắc này. Các truyện kể của ông là những tập-hợp-con của vô tận. Vậy nên chúng tuân thủ lô gích kỳ lạ của cái vô tận ấy. Chúng có tính huyền thoại.

Họ chỉ là một nhúm thôi, những nhà văn – thầy pháp ấy những người đã sản xuất ra một hệ huyền thoại hiện đại, cơ sở trên một lô gích và một tất yếu tự trị. Chớ mạo hiểm lập danh sách những nhà văn đó, nhưng cuối cùng thì tất cả chúng ta cũng được quen biết một tác giả mà tác phẩm, qua bao lần đọc lại, đã đạt đến những kích cỡ huyền thoại “toàn vẹn’’, theo nghĩa như Sartre hiểu từ này: một “hữu thể, khác biệt một cách cơ bản với tổng các thành phần của mình, lại tìm thấy mình trọn vẹn trong mỗi thành phần đó.’’

Vậy là ta đã đến đích. Dù kém, thành phần của tuyệt tác cũng giá trị như tuyệt tác. Khốn thay cho các ban giám khảo các Giải trang 111 và 112, họ không thể biết họ có đang cầm trên tay một tuyệt tác hay không mà không đọc nó.

Làm mọi chuyện chỉ vì chừng đó.

David Caviglioli

Tái bút: Các đầu óc xấu xa sẽ phán xét rằng ngay ở đây, chúng tôi có tặng một giải BibliObs cho câu thứ nhất (của một cuốn tiểu thuyết). Nhưng không có chuyện đánh giá toàn bộ cuốn sách.

Nhân đây xin nói thêm đôi chút về Giải thưởng cho câu thứ nhất của BibliObs, trang văn học của báo Le Nouvel Observateur.

Năm 2012 Giải thưởng Vàng cho câu thứ nhất của một cuốn tiểu thuyết được trao cho Jacques Braunstein, với câu:

“Tôi đã đến cái tuổi mỗi ngày lại tự sáng chế ra cho mình một nỗi nuối tiếc mới.”

(trong tiểu thuyết “Xa trung tâm’’)

Giải Bạc được trao cho Linda Lê, với câu:

“Thuở sinh thời tôi chẳng bao giờ lắm lời.’’

(Trong tiểu thuyết “Sóng ngầm’’)

Giải Đồng được trao cho Olivier Adam, với câu:

“Tôi đỗ xe ở vỉa hè trước mặt.’’

(trong tiểu thuyết “Bìa rừng’’)

Với Giải Vàng, Jacques Braunstein được nhận 11 euro, tức nhiều hơn Giải Goncourt 1 euro. Và một chiếc áo phông, duy nhất trên thế giới, có in cái câu buồn đã khiến anh được vinh danh.

Comments are closed.