Mùa giải văn học Pháp (1): ‘’2084’’ – Tiểu thuyết viễn tưởng chính trị

Martine Gozlan

Nguyên Ngọc  dịch

 

Trong tiếng Pháp, rentrée scolaire có nghĩa là mùa tựu trường, khai giảng năm học mới. Lại có từ rentrée littéraire, mùa ‘’tựu’’ văn học hằng năm, khi chuyển sang thu, cả nước Pháp chào đón những tác phẩm văn học mới ra mắt ở hàng nhiều chục nhà xuất bản. Cũng dịp này, đặc biệt được náo nức chờ đợi là các giải thưởng được trao bởi các tổ chức văn học – hầu hết là tư nhân, trừ một giải thưởng duy nhất có tính chất của Nhà nước, Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp. Gọi là ‘’giải thưởng lớn’’ nhưng lại không thật sự lớn nhất và uy tín bằng Giải Goncourt được nhất trí coi là danh giá nhất nước Pháp; hình như cũng ít được chờ đợi bằng một số giải danh tiếng khác: Renaudot, Fémina, Flore, Interallié, Giono…

Mùa thu năm nay, có 589 cuốn tiểu thuyết Pháp và tiểu thuyết nước ngoài dịch ra tiếng Pháp được xuất bản.

Vài tháng nay các báo đã lần lượt giới thiệu một số tác phẩm đáng chú ý. Từ đầu tháng 9, ban giám khảo các giải đã bắt đầu công bố tên các tác phẩm được tuyển vào vòng 1. Đến đầu tháng 10, các giải liên tiếp được chính thức công bố, thành một chuỗi lễ hội văn học sôi nổi kéo dài đến tận cuối năm (có một giải tên là Giải Tháng Chạp. Cũng có giải đã công bố sớm hơn, vào giữa tháng 8, như giải Tiểu thuyết của FNAC). Cả nước Pháp đều biết và hồi hộp chờ đợi Giải Goncourt, theo đúng truyền thống, sẽ được công bố ngày 3 tháng 10 tại khách sạn Drouant giữa thủ đô Paris bởi nhà văn Bernard Pivot, đứng đầu một ban giám khảo danh tiếng gồm 10 người. Hồi hộp, và thậm chí đã… bắt đầu tranh cãi!

Cũng có tác phẩm gây xôn xao từ đầu năm, nhưng đến nay không thấy có mặt trong vòng tuyển của giải thưởng nào, như tiểu thuyết Khuất phục (Soumission) của Michel Houllebecq. Lại có tác phẩm cùng lúc có mặt trong vòng tuyển của mấy giải khác nhau, đều là giải lớn, Goncourt, Renaudot, Fémina, Médicis, Flore; đó là tiểu thuyết 2084 (Gallimard, 275 tr.) của nhà văn Algérie viết tiếng Pháp Boualem Sansal.

Có điều – có ngẫu nhiên không ? – cả hai tác phẩm này, một không có mặt ở đâu cả, một được báo Le Figaro gọi là ‘’được đồng loạt bầu chọn’’ (plébiscité), đều là tiểu thuyết viễn tưởng chính trị, và đều viết về đạo Hồi, dự báo một thế giới do Hồi giáo thống trị. Khuất phục – ra mắt ngày 7-1-2015, trùng hợp một cách kỳ lạ với ngày bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan thảm sát gần hết tòa soạn tuần san châm biếm Charlie Hebdo giữa Paris – từ đó gây tranh cãi gay gắt, cả ở ngoài nước Pháp. 2084 thì vừa xuất bản, thùng thư của tác giả lập tức ngập đầy thư chửi rủa và dọa giết. Khuất phục dựng lên một viễn cảnh tưởng tượng tương đối gần: năm 2022 một người Hồi giáo trúng cử tổng thống Pháp, một chính quyền Hồi giáo cai trị nước Pháp… 2084, một bức tranh xã hội xa hơn và càng kinh hoàng hơn: một trăm năm sau sáng tạo hư cấu nổi tiếng của Orwell, Đế chế toàn trị Hồi giáo có tên là Abistan sừng sững tồn tại …

Sau đây là bài giới thiệu tiểu thuyết 2084 trên tập san Marianne ngày 23-8-2015.

Nguyên Ngọc

clip_image001

Bạn có biết Abistan không? Đấy là đế chế toàn trị, còng lưng dưới nền chuyên chế tôn giáo, mà Boualem Sansal kéo ta vào trong cuốn tiểu thuyết mới của ông. Chính xác hơn là cái nhìn mới của ông: nhà tiểu thuyết Algérie đã có ý tưởng tài năng lấy lại chủ đề của Orwell trong 1984. Dịch chuyển một thế kỷ, thế kỷ của chúng ta, về hướng những ngày mai kinh hoàng, và ta sẽ có 2084 của Sansal, vào thời điểm của cuộc ‘’Đại Thánh chiến’’ chống lại ‘’Đại Ngoại đạo’’ gióng lên hồi chuông nguyện hồn các nền văn minh trước đây và áp đặt triều đại của phi-tư tưởng trong sự tuân phục cưỡng bức ý chí của thần Yölah và đại diện của ngài trên trần thế là nhà tiên tri Abi. Không có chuyện vi phạm trật tự tối cao: đánh roi, ném đá đến chết, hành quyết là những hình phạt thường ngày. Bởi Sansal, cũng như tất cả chúng ta, đều bị ám ảnh vì chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo. Là người Algérie, ông đã sống trước một thời gian dài so với người Pháp và người châu Âu, trong những năm đẫm máu ở đất nước ông, giữa 1990 và 2000. Sự gần gũi với tình trạng dã man, kết hợp với tài năng kể chuyện kỳ lạ của ông đã tạo nên một truyện kể vừa kỳ ảo vừa hiện thực. Abistan là tích tụ của tất cả các kiểu chủ nghĩa toàn trị con người từng chế tạo ra được để hủy hoại mọi trí năng. Một bộ máy kiểu Stalin áp đặt ba điều bức chế: ‘’chết, tức là sống’’; ‘’logic, tức là phi lý’’; ‘’dối, tức là thật’’. Ở đấy người ta nói tiếng abilang, một phương ngữ xóa tiệt mọi ngôn ngữ trước đó, vốn bị nghi ngờ xui đầu óc con người đặt ra các câu hỏi.

Những người nói không

Ở Abistan, không còn các câu hỏi. Những lời phán của đấng tiên tri Abi và thần Yölah rì rầm suốt ngày đêm qua lời tụng kinh Gkabul bắt buộc. Nó thấm vào từng khe kẽ của ý thức để cuối cùng lại tự động tái sinh ra. ‘’Hãy xông lên chết để được sống hạnh phúc!’’, là tiếng thét của quân đội nước Abistan. Nghe không quá xa lạ với người đọc: đấy là Nhà nước Hồi giáo Daech, là Al-Qaida, là Taliban và đám quân bảo vệ cách mạng. Như vậy ngụ ngôn của nhà tiểu thuyết nằm ở một cõi bên kia của các chương trình truyền hình hằng ngày ta vẫn nhìn đấy thôi. Đến năm 2084, với hàng trăm triệu người chết, nhân loại sẽ chìm nghỉm vào cõi phi nhân.

Tuy nhiên, như bao giờ cũng vậy, vẫn còn một người nổi loạn. Anh tên là Ati và anh thách thức chế độ cấm anh suy nghĩ. Anh đi tìm và khám phá ra một khu biệt cư nơi ẩn trú những người ngoại đạo cuối cùng. Điều quan trọng là anh hy vọng vượt qua biên giới bị cấm đằng sau đó còn sống sót một thế giới khác. Thế giới của ngày hôm qua, như cách gọi của Stefan Zweig, người đã bị cuộc lấn tới của chủ nghĩa nazi đẩy đến chỗ tự sát. Liệu Ati, biểu tượng của tất cả những người nói không, có sang được đến phía bên kia tấm gương, ở cuối những đường hầm của dãy núi lớn mở ra một vùng đất tự do và một bầu trời cuối cùng sạch bóng kinh hoàng ? Anh là niềm hy vọng của tác phẩm phong phú và tráng lệ này. Tuyệt tác của Boualem Sansal.

Comments are closed.