Mùa giải văn học Pháp (6): “La bàn” của Mathias Énard – Giải Goncourt 2015

Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu

clip_image002

Mathias Énard tại lễ trao giải Goncourt ngày 3-11-2015

 

Ngày 3-11-2015, tại Paris, Giải Goncourt, giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp, đã được trao cho Mathias Énard, với tiểu thuyết La bàn.

Báo Pháp Le Point viết:

La bàn. Vì tất cả chúng ta đã bị lạc hướng bởi những gì đang diễn ra ở Syrie, ở Kurdistan thuộc Irak, hay ở cái nước Iran đang tái du nhập “cuộc chơi toàn cầu”? Cấp bách cần một la bàn: có thể nói rõ như vậy về tên cuốn sách thứ mười của Mathias Énard, người từng được giải Goncourt cho học sinh trung học với tác phẩm Hãy nói với họ về những trận đánh, về các vị vua, và các con voi. Lần này, chúng ta ở trong một thành phố biên giới khác, Vienne, từng là trái tim của Mitteleuropa mà cũng là cửa ngõ của phương Đông. “Porta orientis” Hoffmannsthal từng gọi. Trong La bàn, phương Đông xa xôi hiện hình trong một người phụ nữ, Sarah, bóng ma được yêu, nhà nghiên cứu tiên phong, được đeo đuổi trong giấc mộng mà cả trong xác thịt nữa bởi người kể chuyện Franz Ritter, nhà âm nhạc học, sẵn sàng nghiện thuốc phiện, một đêm mưa gõ trên kính cửa sổ nhà anh ở Porzellangasse, tính chuyện làm sống dậy một lần cuối thi hài của các hồi ức.”

Báo Le Nouvel Observateur:

“Đêm xuống trên thành Vienne và trên căn hộ nơi Franz Ritter, nhà âm nhạc học say mê Phương Đông, không sao ngủ được, trôi dạt giữa những giấc mộng và những ký ức, sầu muộn và hăng say, ôn lại đời mình, những háo hức, những gặp gỡ và bao lần lưu lại ở cách xa nước Áo – những Istanbul, Alep, Damas, Palmyre, Téhéran… – mà là cũng tra vấn mối tình bất khả của mình với nàng Sarah lý tưởng và không sao nắm bắt, chuyên gia về sức hút định mệnh của cái Đại Phương Đông với những người phiêu lưu, những nhà bác học, nghệ sĩ, và du khách phương Tây.

Như vậy đó, mở ra một thế giới của những nhà thám hiểm đi tìm các nghệ thuật và lịch sử của chúng, những nhà Đông phương học sôi nổi một niềm ham muốn thuần túy những pha trộn và những khám phá mà hiện thực đương đại đang tát vỗ vào mặt. Và tiếng vang bi thảm của niềm hào hứng xao xuyến bị đập vỡ ấy cất lên trong tâm hồn bị tổn thương của các nhân vật khi nó truyền lan qua cuốn sách.

Một cuốn tiểu thuyết đượm chất đêm, quyến rũ và đầy tính nhạc, hào phóng tinh thần bác học và trào lộng chua-dịu, La bàn là một cuộc du hành và một tuyên xướng niềm ngưỡng mộ, một cuộc dò tìm kiếm kẻ khác trong chính mình và một bàn tay chìa ra – như một chiếc cầu bắt qua giữa phương Tây và phương Đông, hôm qua và hôm nay, được xây dựng trên bản kiểm kê say mê bao thế kỷ mê đắm, ảnh hưởng và những dấu vết xúc động và đậm đà, để mong làm dịu đi ngọn lửa của hiện tại.”

Trước đây hơn một tháng, trang mạng La République des livres đã chạy tít:

“Cẩn thận: La bàn, một cuốn sách lớn!” 

Grégoire Leménager, trên Le Monde, đặt tít cho bài viết của mình:

“Mathias Énard: một Balzac mới”

(Dáng người và khuôn mặt Énard cũng hao hao giống Balzac!)

Trích tiểu thuyết La bàn

Chúng tôi là hai kẻ nghiện thuốc phiện mỗi người đắm trong đám mây của mình, đơn độc, chẳng nhìn thấy gì hết ở bên ngoài, chẳng bao giờ tự hiểu mình chúng tôi hút, những khuôn mặt hấp hối trong một tấm gương, chúng tôi là một hình ảnh đóng băng mà thời gian tạo ảo giác chuyển động, một tinh thể tuyết trượt trên một búp sương giá phức tạp những rối mù chẳng ai nhận ra, tôi là giọt nước kia cô lại trên mặt kính phòng khách của tôi, một hòn ngọc lỏng lăn đi và không hề biết chút gì hơi nước nào đã tạo ra nó, cũng như những nguyên tử đã kết tụ nên nó nhưng, chẳng mấy chốc nữa sẽ lại được dùng cho những phân tử khác, những vật thể khác, cho những đám mây trĩu nặng trên thành Vienne đêm nay: ai biết được giọt nước ấy sẽ lăn trên chiếc gáy nào, trên làn da nào, trên vỉa hè nào, xuôi về con sông nào; khuôn mặt mờ ảo trên thủy tinh kia chỉ là của tôi một lúc thôi, một trong hàng triệu hình thể khả dĩ của ảo giác – kìa ông Gruber dắt con chó của ông đi dạo dù trời mù sương, ông đội một chiếc mũ màu xanh và mặc chiếc áo mưa vĩnh cửu của ông; ông né nước bắn lên từ những chiếc xe chạy qua bằng những bước nhảy kỳ quặc lên vỉa hè: con chó tưởng ông đùa, nó bèn nhảy bổ vào ông và nhận được một cái tát nên thân khi nó đặt đôi chân lấm bùn lên áo mưa của ông Gruber thế nào rồi cuối cùng ông cũng phải đi ra sát mặt đường để mà băng qua, ánh đèn đường kéo dài bóng ông ra, một vũng nước bị bôi đen giữa những bể bóng tối của các cây lớn, bị các đèn pha trên đường Porzellangasse xé rách, và rõ ràng Herr Gruber ngập ngừng khi phải lao vào bóng đêm của Alsergynd, cũng giống như tôi ngập ngừng tiếp tục ngắm những giọt nước, cái nhiệt kế và nhịp xe điện đang đổ xuống hướng Schottentor.

Cuộc sống là một phản chiếu đau đớn, một giấc mơ của người nghiện thuốc phiện, một bài thơ của Roumi do Shahram Nazeri hát, giai điệu lặp lại của ca sĩ trữ tình khiến mặt kính dưới các ngón tay tôi rung lên nhè nhẹ như tấm da của nhạc cụ gõ, tôi phải tiếp tục đọc thay vì nhìn theo ông Gruber mất hút trong mưa, thay vì chong tai theo những tiếng hát quay vòng của ca sĩ Iran, mà sức mạnh và âm sắc có thể khiến các giọng nam cao bên ta phải đỏ mặt vì thẹn. Tôi phải cho ngưng đĩa hát, vì không thể tập trung; tôi đã đọc đi đọc lại đến mười lần phần trích ra này tôi không hiểu được ý nghĩa bí ẩn trong đó, hai mươi trang, hai mươi trang khủng khiếp, lạnh tanh, đến tay tôi chính xác hôm nay, hôm nay mà một bác sĩ đầy lòng trắc ẩn đã có thể sẽ gọi tên căn bệnh của tôi, tuyên bố cơ thể tôi chính thức bị bệnh, gần như nhẹ nhõm được đặt – chiếc hôn chết người – một chẩn đoán lên các triệu chứng của tôi, một chẩn đoán nên được khẳng định, vừa bắt đầu một quy trình điều trị, ông ấy bảo thế, và theo rõi tiến triển của nó, tiến triển, thế đấy, ta đang ở đấy, ngắm một giọt nước tiến đến chỗ biến mất trước khi lại tái sinh trong cái Đại Toàn thể.

Chẳng có ngẫu nhiên, mọi cái đều nối liền với nhau, Sarah sẽ nói vậy, tại sao chính xác hôm nay tôi nhận được từ bưu điện bài viết này, một đoạn trích ngày xưa, bằng giấy và khuy móc, thay vì một bản PDF kèm theo một tin nhắn chúc tôi “nhận được đầy đủ”, một bức thư điện tử có thể báo vài tin tức, cho biết nàng đang ở đâu, là thế nào cái Sarawak từ nơi đó nàng viết cho tôi, và theo atlas của tôi thì đó là một Bang của Mã Lai nằm về Tây-Bắc đảo Bornéo, cách Brunei và vị sultan giàu có của nó có vài bước chân và hình như cũng chỉ cách các dàn nhạc cổ truyền của Debussy và Britten có vài bước chân – nhưng nội dung của bài viết lại rất khác; không có nhạc, có thể ngoài một tang khúc dài; hai mươi trang dày đặc đã đăng trên số tháng chín của Representation, tờ tạp chí đẹp của Đại học Californie trong đó nàng thường viết. Bài viết có một lời đề tặng vắn tắt trên trang lót, không có bình luận, Tặng anh, Franz rất thân, ôm anh nhiều, Sarah, và được gửi ngày 17 tháng Mười Một, nghĩa là nay vẫn cần tới hai tuần để một bưu kiện làm cuộc hành trình Mã Lai – Áo, có thể nàng đã hà tiện tem, nàng đã có thể kèm thêm một bưu thiếp, chuyện ấy thì có nghĩa gì đâu, tôi đã đi khắp tất cả các dấu vết của nàng tôi có trong phòng của tôi, các bài viết của nàng, hai cuốn sách, mấy tấm ảnh, và cả một bản dịch luận án tiến sĩ của nàng, in và đóng bìa Skivertex màu đỏ, hai tập dày mỗi tập ba kilô: “Trong cuộc sống, có những vết thương, giống như một bệnh hủi, gặm nhấm tâm hồn trong cô đơn”, nhà văn Iran Sadegh Hedayat đã viết như thế ở đầu cuốn tiêu thuyết Con cú mù của ông: con người nhỏ bé đeo kính tròn ấy biết rõ diều đó hơn bất cứ ai khác. Chính một trong những vết thương ấy đã đưa ông đến chỗ mở toác ống hơi đốt trong căn hộ của ông phố Championnet, Paris, một đêm đúng là rất đỗi cô đơn, một đêm tháng Tư, rất xa Iran, rất xa, ở cùng ông chỉ duy nhất có mấy bài thơ của Khayyam và một chai cô nhắc tăm tối, có thể, hay một mồi thuốc phiện, hay có thể chẳng có gì cả, chẳng có gì cả, ngoài những văn bản ông giữ trước mặt ông và ông mang theo vào khoảng không mênh mông của hơi đốt.

Không biết ông có để lại một lá thư không, hay một dấu hiệu nào khác ngoài cuốn tiểu thuyết Con cú mù của ông, đã hoàn thành từ lâu, và hai năm sau khi ông chết, đã đem lại cho ông sự ngưỡng mộ của những người trí thức Pháp vốn không hề đọc gì của Iran: người làm xuất bản José Cori sẽ in Con cú mù sau cuốn Bờ biển Cyrtes; Julien Gracq sẽ biết đến thành công khi hơi đốt ở phố Championnet vừa phát huy tác dụng của nó, năm 1951, và sẽ nói rằng Bờ biển là cuốn tiểu thuyết của “tất cả những thối nát quý tộc”, cũng giống như những thứ vừa gặm sạch Hedayat trong hương rượu vang và hơi đốt. André Breton sẽ đứng về phía hai người và các cuốn sách của họ, quá muộn để cứu Hedayat khỏi những vết thương của ông, nếu may ra còn có thể cứu ông được, nếu căn bệnh không thật chắc chắn là vô phương.

Trong cảnh lưu vong, con người bé nhỏ đeo kính tròn dày cộp cũng giống như khi ở Iran, bình thản và kín đáo, ông nói nhỏ. Lối mỉa mai và vẻ u buồn hung dữ của ông khiến ông bị kiểm duyệt, nếu không phải là do thiện cảm của ông đối với những người điên và đám say rượu, có thể còn do sự ngưỡng mộ của ông đối với một số sách và một số nhà thơ; có thể người ta kiểm duyệt ông bởi vì ông có sờ mó đôi chút đến thuốc phiện và bạch phiến, mà vẫn chế riễu bọn nghiện; bởi vì ông uống rượu một mình, hoặc ông có tật chẳng chờ đợi gì ở Thượng đế, ngay cả trong những tối cô đơn, khi hơi đốt lên tiếng gọi; có thể vì ông khốn cùng, hay vì ông tin tưởng một cách có lý ở tầm quan trọng của các tác phẩm của ông, hoặc ông không tin tưởng như thế, mọi sự làm phiền người ta.

Sự thể là phố Championnet mãi vẫn chẳng có tấm biển nào nhắc nhớ ông đã qua đây, cũng chẳng nhắc nhớ ông đã ra đi; ở Iran chẳng có bia kỷ niệm nào nhắc nhớ đến ông, bất chấp sức nặng của lịch sử đã khiến không thể đi vòng qua ông, và sức nặng cái chết của ông, còn đè nặng lên đồng bào ông. Ở Téhéran hôm nay, tác phẩm của ông sống đúng như ông đã chết, trong khốn cùng và lén lút, trên các sạp ở các chợ trời, hay trong các lần tái bản cắt xén, lượt bỏ tất cả những ám chỉ có thể đẩy độc giả vào ma túy hay tự sát, nhằm phòng giữ cho giới trẻ Iran, bị nhiễm các loại bệnh thất vọng, tự sát hay ma túy, và do vậy mà khoái trá vồ lấy những cuốn sách của Hedayat một khi họ có cơ hội, và như vậy, được tôn vinh và bị đọc tồi, ông nhập cùng những tên tuổi lớn vây quanh ông ở Père-Lachaise, cách Proust có mấy bước, trong cõi vĩnh hằng cũng giản dị như ông từng là thế trong cuộc đời, cũng kín đáo, không hoa hòe ồn ào và ít người đến thăm, kể từ cái ngày tháng tư năm 1951 ấy khi ông chọn khí đốt và phố Championnet để kết thúc mọi sự, bị gặm nhấm vì bệnh hủi tâm hồn, khẩn thiết và bất trị.

“Không ai chọn quyết định tự sát; tự sát vốn có sẵn trong một số người nhất định”, Hedayat viết những dòng ấy cuối những năm 1920. Ông viết điều đó trước khi đọc và dịch Kafka, trước khi giới thiệu Khayyam. Tác phẩm của ông mở đầu bằng kết thúc. Tuyển tập đầu tiên ông xuất bản bắt đầu bằng Chôn sống, Zendé bé gour, Tự vẫn và hủy diệt, và mô tả rõ ràng các suy nghĩ của con người, nghĩ mà xem, con người đúng vào lúc anh ta buông mình cho khí đốt hai mươi năm sau, tự để cho mình thiếp đi nhẹ nhàng sau khi đã cẩn thận hủy hết giấy tờ và ghi chép của mình, trong căn bếp bé tí tràn ngập hương thơm không thể chịu nổi của mùa xuân đang đến. Ông đã hủy các bản thảo của ông, có thể can đảm hơn Kafka, bởi ông không có một Max Brod nào trong tay, có thể vì ông không tin ai hết, hay ông tin chắc đã đến giờ biến mất. Nếu Kafka đã ra đi vừa ho, sửa đến phút cuối cùng các văn bản ông sẽ muốn đốt, Hedayat ra đi trong cơn hấp hối chậm chạp của giấc ngủ nặng, cái chết của ông đã được viết, hai mươi năm trước, cả cuộc đời của ông đã bị đánh dấu bằng những lở loét và những vết thương của căn bệnh hủi nó gặm nhấm ông trong cô đơn, và chúng ta, thì chúng ta đoán rằng nó có liên quan đến Iran, đến phương Đông, đến châu Âu và đến phương Tây, như Kafka đã ở trong một Praha vừa Đức, vừa Do thái, vừa Tiệp, mà lại chẳng là cái nào hết trong tất cả những cái đó, mất hút hơn mọi người, hay tự do hơn mọi người. Hedayat có một trong những vết loét của cái chính mình ấy nó khiến bạn chao đảo trong thế giới, chính cái chỗ rạn đó toác ra cho đến thành vết nứt; cũng như trong thuốc phiện, trong rượu, trong tất cả những gì nó mở ta ra làm hai, ở đấy có, không phải một căn bệnh mà là một quyết định, một ý chí muốn tự nứt hữu thể ra, cho đến tận cùng.

Comments are closed.