Mùa xuân, đọc văn xuôi Ý Nhi

Phạm Phú Phong

Ý Nhi là nhà thơ nổi tiếng, xuất hiện vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, là tác giả của chín tập thơ (trong đó có hai tập in chung), đã từng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Người đàn bà ngồi đan (1985) và giải thưởng Cikada của Thụy Điển (2015). Thơ chị cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Nga, Thụy Điển, Trung Quốc. Gần đây, chị còn xuất hiện với tư cách là người viết truyện ngắn và chân dung văn học, là tác giả của hai tập chân dung văn học đặc sắc, một tập truyện ngắn và nhiều truyện ngắn khác in rải rác trên báo chí.

 

Nếu thơ là những bước thăm dò trước và khẳng định trong thời kỳ đổi mới thì truyện ngắn của Ý Nhi hoàn toàn ra đời trong không khí đổi mới. Cho dù, đổi mới cho đến nay, sau hơn một phần ba thể kỷ vẫn không thoát khỏi những rào cản, những định kiến khó đổi thay từ trong bản chất có tính chất toàn trị của hệ tư tưởng, nhưng những thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng / đời sống kinh tế là không thể đảo ngược, đã ít nhiều thổi luồng sinh khí mới vào sáng tạo nghệ thuật. Không khí ấy phù hợp với cảm thức sáng tạo vốn có của Ý Nhi, nhất là khi chị cảm thấy thế giới nghệ thuật thơ có lúc không truyền tải được hết những điều mình muốn bày tỏ với cuộc đời, nên sau khi chuyển vào sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh (1988), chị tìm đến với truyện ngắn, một thể văn chủ lực của các nền văn chương hiện đại.

Quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật truyện ngắn là hình tượng nhân vật / con người. Đọc truyện ngắn của Ý Nhi, cũng là cái nhìn tâm cảm về con người – những người phụ nữ “đi không yên ổn ngồi không vững vàng” trong thơ chị, bây giờ không chỉ ở phụ nữ mà đã chuyển sang cả những người đàn ông, với cuộc sống không hoàn toàn cô đơn mà là cô độc / đơn độc một mình, hoặc sống cùng / với mọi người nhưng tâm trạng vẫn quạnh hiu, không ai hiểu được mình; sống trong trạng thái chờ đợi một cái gì mơ hồ, xa xôi không rõ đích đến, đôi khi đến vô nghĩa. Sống trong một thực tại bất toàn, hướng về một tương lai bất định. Hầu hết, họ không phải là người vô cảm nhưng cuộc sống chung quanh đầy mạch nguồn vô cảm, khiến họ đôi khi cũng trở thành vô cảm. Cũng như trong thơ, chị đem toàn bộ tâm trạng của mình phổ vào đời sống nội tâm của từng nhân vật. Nhân vật của chị hầu hết đều là những người có học, những trí thức có nhân cách nhưng cuộc sống bấp bênh, chao đảo, thầm lặng, tự thu mình nhỏ lại, như chính chị đã từng thừa nhận thông qua cảm nhận của một nhân vật, cũng như sự đồng cảm khách quan của người đọc về văn chương của chị: “Người ta gọi những nhân vật của ông là loại nhân vật nhỏ bé, loại nhân vật không tên tuổi, không tiếng tăm, không biến cố. Họ là bất cứ ai trong đám đông ngoài kia. Những mơ ước, những lo âu, những chờ đợi của họ thật bình thường, thậm chí tầm thường. Người ta bảo văn của ông dẫn dụ người đọc như tiếng rì rầm của những cơn mưa nhỏ về đêm. Người ta bảo không thể kể lại câu chuyện của ông nhưng cũng khó rời bỏ cuốn sách khi đã cầm nó trên tay” [1, tr. 538]. Nhân vật của chị thường là phiếm danh (anh, chị, ông, hắn) hoặc tên chỉ là một mẫu tự (là những N, K, V, P…). Tên nhân vật chỉ là thi pháp hình thức, nhưng là hình thức mang tính quan niệm. Do vậy, cho dù phiếm danh hay viết tắt thành một mẫu tự cũng thể hiện rõ quan niệm của tác giả, là không cần quan tâm đến tên tuổi nhân vật, điều quan trọng là tính cách của nhân vật đó là gì, là điều mà nhà văn muốn gửi thông điệp đến cho người đọc. Trong nhiều truyện ngắn Phạm Thị Hoài điều này cũng đã từng diễn ra, nhưng chủ đề và diễn ngôn của cây bút nữ này lạnh lùng và đốp chát, ngược với sự dịu dàng, nồng ấm tình người và đầy tâm trạng xen lẫn những mâu thuẫn khó giãi bày của Ý Nhi. Đó là quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Không dưới vài ba lần, chị thác lời cho nhân vật ứng ngôn cho quan niệm của mình về văn chương: “Ông ấy có chung quan niệm văn chương với ông. Cái thứ chữ nghĩa ấm ớ này nhiều khi gây ra bao nhiêu tai họa cho con người. Ông ấy vẫn bảo với ông như vậy. Sau này, ông mới nghiệm ra đó là lời tiên tri cho số phận của mình” [tr. 384]. Nơi khác, nhà văn nhận ra sự bất lực của ngôn từ, của ngành khoa học lấy con người làm đối tượng trung tâm: “Tôi không biết các nhà ngôn ngữ, các nhà xã hội học đang làm gì. Các ngành khoa học xã hội của ta yếu kém quá. Nó gần như không có vai trò gì, thậm chí có thể nói, nó im hơi lặng tiếng trước những vấn đề quan trọng, những vấn đề cấp thiết trong xã hội hôm nay” [tr. 388]. Đối với thế giới nghệ thuật truyện ngắn, chị ưu ái quan tâm đến giọng điệu và hình tượng nhân vật: “Cuốn sách chị cầm trên tay là tuyển truyện ngắn của một nữ tác giả đang được chú ý. Chị đã đọc được mươi truyện ở phần đầu. Giọng văn tỉnh táo, lối dẫn truyện khéo léo và những đối thoại thông minh của các nhân vật là ưu thế của nhà văn này [tr. 279]. Hoặc một truyện khác, “Câu chuyện được kể mạch lạc, lời văn giản dị. Không còn những câu dài lê thê, những chữ viết hoa giữa câu, không còn những liên tưởng kỳ quặc, những từ ngữ hóc hiểm. Câu chuyện khiến Duyên cảm động. Chị ngậm ngùi nhớ đến giọng nói mệt mỏi của Tuấn mỗi khi vấp váp, buồn bực, nhớ đến nụ cười rạng rỡ của Tuấn mỗi khi trông thấy chị, nhớ đến vẻ cam chịu của Tuấn khi chị đột ngột kết thúc câu chuyện hồi chặp tối” [tr. 324]. Nhân vật của Ý Nhi là những con người đã trưởng thành, đã đứng tuổi, đã từng trải qua những mối tình không trọn vẹn, sống trong nỗi suy tư, giằn vặt và sự chờ đợi mà không biết đợi chờ gì, sống thừa ra và đôi khi thất thần nhận ra: “Mình bây giờ như kẻ đi lạc, chẳng làm sao mà hiểu nổi mọi thứ ở đây, làm cái gì cũng không đúng, nghĩ cái gì cũng không đúng, nói như bọn trẻ là chẳng giống ai” [tr. 387]; hoặc dù cho có lúc họ chủ động hơn, cố “đoán định mọi sự mà không biết rằng phần lớn những đoán định đó đều sai lạc” [tr. 266].

Hẳn nhiên, truyện ngắn của Ý Nhi ra đời trong thời bình. Không nhiều những biến cố, những sự kiện dữ dội được bày ra, nhưng tâm thức hiện đại đôi khi diễn ra trong cuộc sống trở nên vô nghĩa lý, trước những bất ổn, lo âu mang ý nghĩa hiện sinh tràn ngập trong tâm tưởng con người, nên cảm thức về thời gian luôn trĩu nặng, có khi đến quay quắt trong đời sống tinh thần con người. Nhân vật của chị luôn bị chi phối bởi thời gian vật chất, thường gắn với chiếc đồng, hay xem giờ, hay lắng nghe tiếng vọng của chuông đồng hồ, hay ý thức về thời gian, … thậm chí, có người phụ nữ sau khi ly hôn, thường hay mất ngủ, đêm “nhìn đâu cũng thấy đồng hồ, nhìn đâu cũng thấy thời gian với những kim giờ, kim phút, kim giây. Đôi khi, chị cũng bật cười một mình, không hiểu mình tính đếm thời gian để làm gì” [tr. 276]. Không dưới vài chục lần nhà văn miêu tả chân dung thời gian qua chiếc đồng hồ. Ngay cả nhiều tựa đề của truyện cũng hiện hình nỗi cảm thức thời gian rất rõ: Một giờ sáng, Phòng chờ, Đợi tàu ngược, Có người gõ cửa, Ba sẫm tối, Năm cuộc điện thoại … Không biến cố, không sự kiện nóng hổi, cũng không có nhân vật xấu. Có nhân vật lâm vào biến cố lớn nhất trong cuộc đời do thời cuộc đổi thay, mất cả vợ con, nhà cửa, đến mức “Nếu có thể chết được chắc chắn ông đã chết. Nhưng, sống không dễ mà chết cũng chẳng dễ hơn. Ông ấy phải sống cho hết phần số của mình” [tr. 384], và cam chịu với phận số, trở thành người bơm xe đầu phố, bán báo vỉa hè mà không biết phải oán trách ai. Mỗi nhân vật là một nhân cách, một tính cách không thay đổi trước thử thách của những hoàn cảnh khắc nghiệt, chỉ biết chấp nhận số phận: “Cuộc đời anh, anh nghĩ, không có chỗ cho thơ, không có chỗ cho ly cà phê bên đường, không có chỗ cho nhiều thứ khác nữa. Anh đã không thể rẽ ngang, không thể dừng lại, ngay cả khi tai họa ập đến. Vợ anh đã không chịu đựng mãi sự xa cách, sự bất ổn. Cuộc chia tay của họ êm thấm đến nỗi nhiều bạn bè gặp anh vẫn hỏi tin cô. Có người còn gửi quà cho ” [tr. 294]. Hình như trong thế giới nghệ thuật của chị, chỉ có những chông chênh, bất an, nhầm lẫn, sai lệch… dẫn đến những đau khổ, mà đều là những nỗi khổ triền miên, nỗi cô đơn không thể giãi bày, không thể cứu vãn, chứ không hề có con người / nhân vật xấu. Có lẽ, trong thầm lặng, từ tấm lòng của mình, nhà văn chưa từng nghĩ xấu về ai, hay nói như các nhà lý thuyết văn chương, rằng chị không có sở trường miêu tả nhân vật phản diện. Đó chính là chỗ khác nhau giữa chị và các cây bút văn xuôi – tuy có ít nhiều so le, nhưng có thể coi là cùng thời – nổi đình nổi đám, được người đọc quan tâm như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư…

Không gian nghệ thuật của Ý Nhi là không gian vừa tĩnh, vừa động. Con người khi thì mỏi mòn trong một không gian cố định, một phòng chờ, một ga tàu, một quán cà phê; khi thì luôn chuyển động, xê dịch, như là hệ quả của một bản năng vô thức nhằm chống lại sự nhàm chán của đời sống. Hầu hết nhân vật trung tâm của mỗi truyện đều cố chống chọi, quẫy đạp nhằm thoát khỏi cái không gian tù túng, chật chội bằng những chuyến đi – về, thay đổi môi trường, trật tự, hàng lối nhưng dường như cuộc sống vẫn không có gì thay đổi, vẫn tuân thủ theo một trật tự đã trở thành qui luật, một qui luật của đời sống không dễ đổi thay, bởi “nếu không trở về, người ta không thể thanh thản ra đi [tr. 327].

Lối viết giản đơn theo dòng tự sự, ngôn từ giàu hình tượng, lời kể, lời tả, lời thoại theo dòng chảy của một chuỗi dài miên man, hết sự kiện này đến sự kiện khác, những chuyện không có truyện, bố cục được thả lỏng, đôi khi không kể lại được, nhưng nặng đầy chất liệu đời sống, với không ít những va vấp và bao phủ trong vòng sinh quyển của tâm trạng. Con người sống trong thế giới thực nhưng tâm trạng cứ lấp lững, lừng khừng: “Anh bực với em, ra về sớm, đi loanh quanh ngoài phố tới khuya, lại thấy mình vô lý. Anh gọi điện thoại cho Linh. Linh vẫn buồn. Anh định nói lời xin lỗi, rồi lại thôi. Anh không muốn Linh có cơ hội trở lại câu chuyện cũ” [tr. 288]. Trong những truyện ngắn chị viết gần đây, có sự thay đổi ít nhiều về thi pháp, vẫn là sự đan xen giữa cuộc sống đời thường và tâm trạng, nhưng từ những chứng ngộ bằng trực giác / cảm, đã dẫn đến những ảo giác mơ hồ, hoang tưởng (Người đứng bên kia đường, Có người gõ cửa, Con ngựa trên bãi biển) hoặc sử dụng nhiều đến những giấc mơ (Không dấu vết, Nước, Mất sóng …), tất nhiên, chỉ như một thủ pháp nghệ thuật chứ không biến giấc mơ trở thành yếu tố trung tâm của chỉnh thể nghệ thuật như chủ nghĩa hiện thực ảo mộng trong văn chương phương Tây. Đặc sắc của truyện ngắn Ý Nhi không chỉ ở nghệ thuật dựng truyện điêu luyện, sự phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc mà còn là sự tinh tế trong việc phát hiện các chi tiết đậm đặc chất liệu đời sống đương đại, sự âm thầm chua xót và nỗi buồn sâu thăm thẳm trong tâm tưởng con người. Hầu như kết thúc truyện nào của chị cũng là nỗi buồn, khi thì thầm lặng, man mác, cũng có lúc cay đắng trào dâng, khó nguôi quên.

Ý Nhi sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn hóa, nghệ thuật, lại có nhiều năm làm công việc biên tập ở nhà xuất bản, nên chị có điều kiện giao tiếp với nhiều tác giả tài danh, những người đã trở thành nhân vật trung tâm trong những trang ký chân dung giàu cảm xúc và nhiều sự kiện thú vị của chị. Những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ như Khương Hữu Dụng, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Thái Tuấn, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Hoàng Trung Thông, Tô Thùy Yên, và cả những người trẻ hơn như Xuân Quỳnh, Trần Vũ Mai, Đỗ Hồng Ngọc, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Minh Khuê, Ngô Thị Kim Cúc … sừng sững đi vào trang văn của chị với nỗi đồng cảm sâu sắc về số phận cuộc đời, sự sẻ chia về đời sống tinh thần và tác phẩm của họ. Không phải ai nổi tiếng cũng đi vào trang văn của chị. Chị chỉ viết về những người mình quen biết lâu năm, mà chị có thể cảm thông và thấu hiểu được con người và tác phẩm của họ.

Hai tập chân dung văn học ra đời cách nhau mười năm, Những gương mặt – những câu thơ (2008) và Kỷ niệm không có mưa (2018), cũng có thể đều được viết từ những năm đầu thiên niên kỷ mới, nhưng cũng có thể đã được tác giả ấp ủ, nung nấu từ khi mới bước chân vào con đường văn chương chữ nghĩa. Bởi vì, công việc đầu tiên khi vừa mới tốt nghiệp đại học là Ý Nhi về công tác ở Viện Văn học. Dấu vết nghề nghiệp đã hiện ra trên trang viết rất rõ: chân dung văn học của chị là phê bình chân dung, không chỉ nhằm khắc họa chân dung con người, mà còn bao hàm những nhận định, đánh giá tác phẩm, nhằm khắc họa chân dung tinh thần tác giả. Nhiều bài viết, bên cạnh vài nét chấm phá về chân dung, là những luận bàn, phê bình ấn tượng về tác giả đặc sắc: Ngôi sao xa xôi. Và, bi kịch nhỏ (viết về Lê Minh Khuê), Đời tôi thực hay mộng đời tôi buồn hay vui (về Tế Hanh), Thức cho xong bài thơ (về Tô Thùy Yên), Một vị ngọt không thường (về Ngô Thị Kim Cúc), Thương ta từ bé như ma ám / Máu me si lụy nghiệp từ chương (về Trinh Đường) Thơ làm chết người như bỡn / Thơ làm sống người được chăng (về Việt Phương) … Những nhận xét chuẩn xác về văn phong Lê Minh Khuê của chị không thua kém, thậm chí còn có thể vượt xa hơn nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp: “Ngay từ đầu, chị đã có cho mình một giọng văn riêng biệt. Một cách viết khác biệt. Đó là một may mắn. Bởi vì, ai cũng biết, viết như thế nào mới thực sự là điều quan trọng […]. Những câu văn ngắn, có câu chỉ gồm hai, ba từ, thậm chí có câu chỉ một từ, sắc gọn, rắn rỏi như một nhát cắt, một tiếng nổ, tạo nên bầu không khí căng thẳng, quyết liệt, gấp gáp đầy ám ảnh của cuộc chiến” [2, tr. 44]. Đó đây, dễ bắt gặp lối diễn ngôn nhằm chỉ ra những nét đặc trưng có tính chất tương phản trong tính cách con người và phong cách nghệ thuật của các tác giả như, Phan Thị Thanh Nhàn “vừa duyên dáng vừa vụng về, vừa kín đáo vừa bộc trực, vừa sâu sắc vừa nông nổi, vừa chi chút vừa hào phóng. Tất cả những đức tính tưởng như trái ngược ấy đều có nơi Nhàn, tạo nên sức hấp dẫn của Nhàn, một sức hấp bẫn đầy nữ tính [tr. 143]; hoặc tranh của Dương Bích Liên là “một thế giới giản dị mà sang trọng, êm ả mà hừng sáng, dịu nhẹ mà huy hoàng. Ông đã lưu lại vẻ đẹp trong ngần từ một đời sống đầy cơ cực, dằn hắt, đau đớn” [tr. 136], ...

Ký chân dung là thể văn xuôi phi hư cấu, hướng đến những đối tượng sống cùng thời với tác giả. Bởi vậy, dù muốn hay không, tự thân nó đã in dấu một bối cảnh lịch sử của thời đại cụ thể, ghi dấu gương mặt đất nước một thời, thông qua số phận của từng nhân vật, có ý nghĩa lịch sử. Đọc những trang miêu tả chân dung giáo sư Lê Đình Kỵ mặc chiếc quần ta màu nâu, cầm cái que nhỏ lùa mấy con vịt vào chuồng; Nguyên Hồng lúc nào cũng vội vã, tất bật với chiếc làn cói buộc trên chiếc xe đạp cũ; Xuân Diệu âm thầm đếm tiền sau một buổi nói chuyện thơ, … mà buồn đến nao lòng. Có lẽ, người ta thường khổ vì chính những điều mình nghĩ hơn là sự thật! Sâu sắc hơn, là cái nhìn của tác giả cắm sâu vào tâm tưởng của nhân vật, lột tả đời sống nội tâm, tìm ra bản chất, nhận ra bên trong một con người trải qua nhiều cương vị lãnh đạo văn nghệ quan trọng như Hoàng Trung Thông, nhưng ông chỉ thật sự là ông khi một mình đi dưới mưa: “Đó không chỉ là dáng vóc, không chỉ là tâm tính, nó là tất cả Hoàng Trung Thông, theo cách nhìn nhận của tôi. Cho đến giờ đây, khi viết những dòng này, tôi vẫn như thấy ông đầu trần, áo xống phong phanh, mắt nhìn đến tận nơi nào, bước đi nghiêng ngã dưới mưa xuân” [tr. 92]. Còn đây là bước chân đơn độc, tâm trạng buồn bã đầy ươn ngạnh của một nhân cách: “Đó là một chiều đông giá lạnh, gió thổi ào ào qua các rặng cây xà cừ, cây sấu nơi góc phố Bà Triệu – Hàm Long. Ông mặc một chiếc áo nhung màu vàng nhạt, đã cũ và khá mỏng, để đầu trần, tay cầm chiếc can nhựa lớn. Ông bảo với tôi ông đi mua rượu. Thấy tôi nhìn chiếc can, ông mỉm cười bảo, mua để uống trong nhiều ngày. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn rõ Dương Bích Liên, nhìn rõ ánh mắt buồn bã mà đầy uy lực trên gương mặt xanh xao của ông. Mỗi lần nhớ đến Dương Bích Liên, tôi lại nhớ đến buổi chiều đó… buổi chiều chỉ có một mình ông giữa phố phường Hà Nội giá buốt. Cô độc. Thách thức [tr. 132]. Với người làm khoa học, từ thẩm thấu tác phẩm để nhận ra con ngươi, còn với Ý Nhi, từ hiểu biết con người với tất cả những những nồng ấm về kỷ niệm thân quen, để nhận chân giá trị của tác phẩm. Chị dường như lúc nào cũng đọc được, cũng thấu cảm được nỗi cô độc bên trong tâm trạng từng nhân vật của mình. Cũng như nhiều nhân vật đầy ấn tượng trong truyện ngắn của chị, những con người ở đây dường như cũng đi lạc trong thời đại của mình. Khi quay lại với chính tâm trạng của mình, buồn bã biết bao nhiêu. Những con người tài hoa, những nhân cách lớn, nhưng đôi khi bị phủ kín trong cơn bão dữ dội, hoang tàn không chốn nương thân của thời đại lịch sử. Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Bùi Giáng, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Xuân Sách, Việt Phương, Chim Trắng, Tô Thùy Yên … đều là những con người như vậy. Viết về họ, không chỉ là một chọn lựa có ý thức, mà còn là nỗi đồng cảm sâu sắc của tác giả. Chị không phải là người xu thời, nên phần lớn các nhân vật mà chị quan tâm khắc họa đều là những số phận không may, hoặc có chút may mắn hanh thông trong đường đời, thì đều là những con người “có vấn đề” cần phải nói về họ. Điều này đòi hỏi phải có một bản lĩnh văn hóa trước không ít những thách thức nhưng lại phù hợp với cá tính của Ý Nhi.

Cá tính mỗi người mỗi khác, nhưng với Ý Nhi, nhân cách là mẫu số chung không thay đổi. Cái tài của tác giả là đôi khi chỉ một câu, một vài câu ngắn gọn, có thể khái quát được cả một cuộc đời, một số phận, một nhân cách và sự nghiệp của người đó: “Theo tôi, Nguyễn Minh Châu là khuôn mặt đẹp nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại [tr. 9]; “Sống, với Trinh Đường là đi và viết” [tr. 259]; “Việt Phương vẫn đang đi tìm và chờ đợi, không ngừng đi tìm, không ngừng chờ đợi” [tr. 301]; Bùi Giáng mất “nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị Phật tử khác thường” [tr. 234]; “Chẳng phải chúng ta đã nhìn thấy Xuân Sách qua những trang viết đó sao. Mỗi nhà văn đều đã tự họa chân dung của mình qua tác phẩm” [tr. 222]; “Xuân Diệu là người không có âm mưu, không có thủ đoạn. Có lẽ vì vậy mà ông không giữ bất cứ trọng trách nào ở Hội Nhà văn, ngoài cái chân Ủy viên Ban Chấp hành hết khóa này đến khóa khác” [tr. 281] … Chân dung là một tiểu loại ký sự nhân vật ít nhiều mang tính chất hoài cảm, kể lại những sự kiện đã qua gắn liền với cảm xúc, tâm trạng của nhân vật thông qua cảm thức hiện tại của tác giả, nên có sự xâm nhập của tiểu loại hồi ký. Nhiều phác thảo chân dung của Ý Nhi trĩu nặng nỗi hoài cảm, tạo nên những sinh thể nghệ thuật như những hồi ký: Nhớ Quỳnh, Bác Dụng, Ông Thông đầu trần đi dưới mưa, Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu (về Nguyên Hồng) … Ở nước ta, người viết chân dung tác giả không nhiều. Có chăng, chủ yếu là của các nhà phê bình khắc họa chân dung bằng văn phong khoa học, hoặc phục dựng rải rác trong các hồi ký văn học của các nhà văn, nhà thơ. Trong sự hiếm hoi ấy, những tập chân dung tác giả của Ý Nhi, tràn ngập cảm xúc chân thật và đầy ắp các sự kiện, gắn liền với thời đại lịch sử của đất nước, là những đóng góp rất đáng quí, không chỉ về tư liệu mà cả về phương diện nghệ thuật.

Ngẫm lại, chỉ với thơ và hai thể văn thành công đầy ấn tượng, Ý Nhi đã có thể viết tên mình vào bên cạnh những nghệ sĩ đa tài. Còn với tôi, người đọc văn xuôi chị hơi muộn, nhưng đó là một thứ văn tinh tế, trong suốt như thủy tinh, mềm như nhung lụa và ấm áp như mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc, thơm ngát cỏ hoa, tôi ngẫm ra rằng, văn chương của chị hiển hiện đầy sức sống là vì mùa xuân, vì con người, lấy con người làm đối tượng trung tâm và luôn đau đáu một nỗi miềm “vì nỗi đau khổ và niềm hy vọng của con người [3, tr. 814].

[1] Ý Nhi (2019), Ngọn gió qua vườn, Nxb Phụ nữ. Những trích dẫn thơ và truyện ngắn (chỉ ghi số trang) của Ý Nhi, là trích từ sách này.

[2] Ý Nhi (2018), Kỷ niệm không có mưa, Nxb Đà Nẵng

[3] Ý Nhi (2019), Lời phát biểu trong lễ nhận giải thưởng Cikada năm 2015, in trong Ngọn gió qua vườn, Sđd.

Nguồn: Tạp chí Non nước, số Xuân Nhâm Dần-2022

Comments are closed.