MẶT TRÁI CỦA NỀN NHO HỌC VIỆT NAM

Đào Tiến Thi

Cái li thơ phú ca ngâm, nn mt ch cho hay, dùng nhng đin cho l, rung đùi lc gi như li hc ngày xưa đã vì thế mà làm cho ngưi ngu nưc yếu

(Ngô Đc Kế)

Nền giáo dục Việt Nam suốt thời phong kiến là nền giáo dục Nho giáo (Nho học). Nền giáo dục này tuy góp phần làm cho Việt Nam trở thành nước văn hiến, nhưng càng về sau nó càng trở nên lạc hậu, bảo thủ. Nó đã từng bị phê phán quyết liệt trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX và nền khoa cử này đã bị bỏ hẳn từ năm 1919, tuy nhiên, di hại của nó thì vẫn còn ảnh hưởng lâu dài. Sau hoà bình lập lại trên miền Bắc (1954), những tiêu cực, lạc hậu của của nó tiếp tục bị bài trừ trong nền giáo dục mới. Các khẩu hiệu như “Học đi đôi với hành”, “Nhà trường gắn liền với xã hội”, “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất” thể hiện nỗ lực đó. Tuy nhiên, khoảng ba thập niên qua, nhất là gần đây, giáo dục lại có nguy cơ “phục cổ”. Chúng tôi muốn phân tích những tiêu cực, lạc hậu ấy của nền Nho học xưa, nhằm tránh ngộ nhận về cái gọi là “truyền thống dân tộc” đang bị phục hồi hiện nay.

1. Nội dung học và cách học

Nội dung học của nền giáo dục Nho giáo hết sức phiến diện và xa rời thực tiễn. Giai đoạn đầu đi học, lẽ ra chủ yếu là học chữ (Hán văn) thì một cậu bé 6, 7 tuổi đã phải thuộc lòng những luân lý khô cứng, trừu tượng mà nhiều khi nó chẳng hiểu gì. Như thế, ngay từ buổi đầu người đi học đã “làm quen” với cách học giáo điều, sáo rỗng, xa rời thực tế. Trong tác phẩm có tính tự truyện Dư ngu sám, Phan Bội Châu kể về “nạn học” hồi nhỏ của mình như sau: “Ngoài những chữ chi, hồ, giả, dã, tử viết, thi văn, thầy không còn kiến văn gì khác cả (…) Song cứ mỗi sáng dậy sớm, ông ta đã xù đầu vắt chân, ngất ngưởng ngồi trên tấm phản vuông, bắt ta phải giữ lễ học trò, nghĩa là hướng về ông ta lạy hai lạy, cúi đầu năm lượt. Từ sáng đến tối bắt ta chắp tay đứng ở bên cạnh, đem những sách có các chữ chi, hồ, giả, dã mà ông ta đã học, bắt ta đọc ê a, ê a, suốt ngày không thôi”.

Tiếp theo, lẽ ra học các môn khoa học thì học trò lại học Tứ thư Ngũ kinh. Tứ thư gồm các sách Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung với những triết lý về đạo của người quân tử, về lý tưởng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tức là dạy người ta cách làm quan, nhưng cũng chỉ ở những nguyên lý chung chung, chứ không dạy về các công việc quản trị thiết thực. Ngũ kinh gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu. Kinh Thư là những lời dạy về việc trị nước của các vua thời thượng cổ (Nghiêu, Thuấn). Kinh Lễ chép các nghi lễ trong gia đình, hương đảng và triều đình (Trung Quốc). Kinh Xuân Thu chép cổ sử nước Lỗ – quê hương Khổng Tử. Kinh Dịch giải thích về vũ trụ một cách siêu hình và rắc rối. Chỉ có Kinh Thi – sách sưu tập các bài ca dao, dân ca (của nước Lỗ) – là có giá trị. Ngoài ra còn học Bắc sử (sử Trung Quốc), Cổ văn, Đường thi. Cổ văn, Đường thi là sách dạy phép làm văn chương, sỹ tử chỉ cần tuân theo đúng phép tắc của cổ nhân chứ không cần sáng tạo. Nhân vật Khắc Mẫn trong tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố, một thầy đồ dốt nát, nhưng trong thư mời bạn cũng viết những câu rất bóng bẩy: “Thấy một giò lan bạch ngọc mới nở”, “Tôi đang quét lối hoa rụng đợi anh”. Khi đến, Vân Hạc hỏi “Giò lan bạch ngọc mới nở đâu? Hoa rụng anh quét đổ vào chỗ nào? Sao tôi không thấy” thì chính Khắc Mẫn ngơ ngác: “Mùa này làm gì có lan, lấy đâu ra hoa mà rụng?”!

Nội dung học ấy đã tạo ra một lớp người thoát ly lao động, ăn bám nhưng lại lên giọng “cao đạo”: Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao (Tất cả mọi nghề đều thấp hèn, chỉ có đọc sách là cao quý). Sở dĩ có cái “cao đạo” ấy là vì tương lai của anh đồ sẽ có ngày làm quan nhưng cũng có phần do không ai hiểu được cái “rừng Nho biển Thánh” trừu tượng kia.

Thực tế không phải ai đi học cũng giỏi và không phải ai giỏi cũng đỗ đạt, làm quan, cho nên hình thành cả một lớp sinh đồ vô dụng. Tri thức trong “rừng Nho biển Thánh” không có ích gì cho cuộc sống. Vì vậy dân gian đã chế nhạo:

Ai ơi chớ lấy học trò

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Còn những khía cạnh học có vẻ thực tiễn một chút thì phần nhiều lại là những thứ phi lý, phi nhân. Ví như đạo Tam cương dạy người quân tử về ba mối quan hệ rường cột: quân thần (vua tôi), phu phụ (chồng vợ), phụ tử (cha con) thì cả ba quan hệ này đều chỉ có một chiều: vua, chồng, cha có quyền tuyệt đối, còn bề tôi, vợ, con chỉ có chấp hành: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung (Vua xử tôi chết, tôi không chết là tôi không trung); Phu xướng phụ tuỳ (Chồng đề ra điều gì, vợ phải theo điều đó); Phụ hữu bất từ, tử bất khả bất hiếu (Cha dù không nhân từ, con vẫn phải có hiếu).

2. Nội dung thi và cách thi

Nội dung thi từ thời Lý đến đầu đời Lê sơ còn tương đối cởi mở và có tính thực tiễn, ví dụ có cả Toán pháp và Hình luật. Nhưng càng về sau thi cử càng mô phỏng Trung Hoa. Bài thi dù ở bậc nào cũng gồm mấy thể chính: Kinh nghĩa, Văn sách, Thi, Phú.

Kinh nghĩa: Đề ra yêu cầu giải thích, bình luận một hoặc một số câu trong các sách của nho gia thời xưa (tức Ngũ kinh). Bài thi bắt buộc viết bằng biền văn theo một quy cách rất chặt chẽ gọi là bát cổ (tám vế). Thí sinh không có quyền nêu quan điểm của mình mà phải nương theo nội dung giải thích của người xưa rồi tán thêm ra. Lối văn bát cổ ngày càng sáo rỗng, đến độ không còn hồn cốt gì. Vì vậy bát cổ trở thành từ chỉ chung cho lối văn chương khoa cử. Văn chương Đông Kinh nghĩa thục (1907) đã chế giễu:

Nhà nho hủ vẫn cậy mình khôn khéo

Đem văn chương mà vênh váo với đời

Năm ba câu bát cổ dông dài

Trừ cử nghiệp, chuyện ngoài chi nỏ biết.

Văn sách: Là loại bài thi trả lời các câu hỏi về các vấn đề mưu lược, giáo hoá. Câu hỏi thường mơ hồ, lắt léo nhằm đánh lạc sỹ tử. Lều chõng (sđd) kể: trong một khoa thi Hương, đề Văn sách có một câu lấy ở Luận ngữ: “Tắc hà dĩ tai?”, thầy đồ Khắc Mẫn bó tay hoàn toàn. Còn Vân Hạc, sức học bậc thầy Khắc Mẫn nhưng gặp câu Nam sơn hữu đài cũng phải kêu là “ác (khó) vô hạn”.

Thi, Phú: Đây là bài thi sáng tác theo thể loại quy định. Thi và Phú đều làm theo luật đời Đường với những quy định hình thức rất chặt chẽ và nội dung thì khuôn sáo, giả tạo.

Biểu, Chiếu, Chế: Biểu là văn bản bề tôi dâng lên vua để chúc mừng hoặc tạ ơn. Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh. Chế là lời vua phong thưởng cho công thần. Hai loại sau người làm quan với tư cách thay vua soạn thảo. Nhưng một triều vua có hàng trăm ông quan thì mấy ai đã được vua dùng đến công việc này, cho nên tính hữu dụng của nó cũng ít.

Tóm lại, các thể loại trên tự nó đã làm mất khả năng sáng tạo. Chưa kể khi thi, sỹ tử muốn đỗ càng phải chú ý làm sao cho “đúng cách” nên phần sáng tạo càng ít. Nền khoa cử Việt Nam dài 845 năm với 185 khoa thi, sản sinh được 2896 tiến sỹ mà gần như không để lại một bài văn, bài thơ (khoa cử) xuất sắc nào.

Thi cử được tiến hành theo 3 cấp là thi Hương, thi Hội và thi Đình[1]. Mỗi cấp tổ chức làm 4 kỳ: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, phúc hạch, đỗ kỳ này mới được vào kỳ sau. Quy chế coi thi, chấm thi theo quy định thì rất chặt chẽ nhưng sự thực diễn ra không hẳn thế. Ở những lúc nền chính trị suy đồi cũng đầy những hiện tượng gian dối. Đọc Lều chõng (sđd), ta thấy hiện tượng gà bài, làm bài thuê diễn ra rất tự nhiên. Tuy vậy, điều tệ hại hơn, với lối thi chuộng hình thức như vậy, không phải cứ văn hay chữ tốt là đỗ. Trước hết, sỹ tử phải phải thuộc lòng tất cả các huý kỵ để không phạm trường quy. Phải tránh tên các ông vua bà chúa, sau đó phải tránh “khiếm tỵ” (những tên liên quan đến vua chúa, như tên các lăng tẩm), rồi tránh “khiếm trang” (những chữ đứng gần nhau có thể suy diễn, ví như chữ cách là “đấm” thì không được đứng trên chữ vương là “vua” để suy thành “đấm vua”). Trường quy vô cùng rắc rối nên nhiều người tài bị trượt oan. Tú Xương “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”. Nhân vật Vân Hạc (sđd) sau khi đỗ thủ khoa thi Hương, vào thi Hội và thi Đình làm bài rất tốt, nhưng vì mắc vài chữ huý, không những bài bị huỷ mà kết quả thi Hương trước đó cũng bị cách tuột. Sau nữa, bài thi còn phải “đúng cách”, tức là đúng khuôn mẫu, đồng nghĩa với sáo rỗng, gần như chỉ chép lại lời người xưa. Lê Quý Đôn nhận xét: “Phép thi từ thời Trung hưng, kỳ đầu thi 5 bài Kinh nghĩa, sỹ tử đều chuyên trị làm một kinh, thể thức làm bài có phá cú, tiếp từ, thích thực, thúc kết, bình luận, tổng kết. Các bậc tiền bối soạn sẵn từng bài, lời lẽ rắn rỏi, trang nhã, bọn hậu sinh cùng nhau rập theo bản cũ, quan trường chấm thi chỉ thải bỏ bài nào thối nát mà thôi” (Kiến văn tiểu lục). Nhiều khi bài làm sáng tạo lại bị đánh trượt. Vân Hạc (sđd) dự thi Hương cả 3 kỳ đều xuất sắc, nhưng kỳ thứ tư thì bị đánh hỏng, chỉ vì bài quá hay! Bài quá hay nên ban giám khảo phải gửi về triều đình xin ý kiến vua. Vua phê rằng: “Đào Vân Hạc quả là tay đại tài (…) Chỉ hiềm tên ấy hãy còn trẻ tuổi, văn chương không khỏi có chỗ ngông nghênh. Nếu lấy đỗ cao sợ sẽ nuôi thêm cho y cái bệnh kiêu ngạo thì khó mà trở nên một người đại dụng (…) Vậy khoa này hãy cho tên ấy hỏng tuột, để mài dũa bớt những khách khí thiếu niên của y”. Là tình tiết của tiểu thuyết, có phần cường điệu nhưng nó phản ánh thực tế của một lối thi đầy cạm bẫy và bất công. Lịch sử khoa cử Việt Nam đã chứng kiến biết bao người tài hoa mà lận đận trong trường ốc. Nguyễn Công Trứ 41 tuổi mới đỗ giải nguyên. Tú Xương 8 khoa thi mới được cái tú tài rốt bảng. Còn Tản Đà 2 lần đi thi Hương đều hỏng, từ đó bỏ luôn cử nghiệp và hài lòng về việc đó:

Bởi ông hay quá, ông không đỗ

Không đỗ ông càng tốt bộ ngông.

3. Khoa hoạn với tầng lớp nho sỹ

Khoa danh gắn liền với khoa hoạn. Số người đi học có mục đích “tề gia trị quốc” thực ra rất ít, còn lại đều có mục tiêu là để vinh thân phì gia. Họ sẵn sàng đánh cược cuộc đời vì mục đích này. Trong Lều chõng (sđd) có chi tiết: một ông cụ già đem bài nộp khi thùng đựng bài vừa bị khoá, năn nỉ không được, cụ khóc nức nở: “Khốn nạn! Tôi thi đã mười khoa, bán hết cửa nhà ruộng đất về việc khoa cử. Định đi một phen này nữa thì thôi…”. Lại có cảnh một ông cụ già yếu quá, đường trơn nên ngã chỏng gọng trên đường vào trường. Khi các sỹ tử chạy lại đỡ và khuyên cụ về, kẻo vào trường thi cũng chết rét thì cụ bảo: “Lão thi đã 6 khoa rồi, khoa này mới được vào kỳ đệ nhị, sống chết lão cũng vào trường cái đã”.

Thực ra, cho đến giữa đời Trần, trong không khí “Tam giáo đồng nguyên”, nền chính trị cũng như học thuật Việt Nam hãy còn khá cởi mở nhưng từ đây đám nho sỹ – tầng lớp ngày càng có địa vị chính trị – luôn đề xướng “cải cách”, và từ đó thi cử ngày càng rập khuôn Trung Hoa. Vì nô lệ cho học thuyết, nho sỹ tự nguyện làm kẻ bợ đỡ quyền lực, họ lèo lái cả những quan hệ gia đình theo chiều có lợi cho nhà nước chuyên chế. Phan Châu Trinh đã bóc trần bộ mặt gian giảo đó của đám nho nô như sau: “Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lập mưu kéo cả kẻ làm cha, làm chồng vào cái cạm độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ. Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn thêm chân, đem những tư tưởng rất nông nổi truyền bá ra để trói buộc dân gian. Như là “Quân thần chí nghĩa bất khả đào ư thiên địa chi gian”, nghĩa là mình sinh ra xứ này phải đội ông vua lên đầu. Tư cách ông vua thế nào, tài năng ông vua thế nào, chính sách ông vua thế nào, các ông không cần biết đến. Hễ đã có cái huy hiệu là ông vua thì các ông đội lên thôi! Các ông đã tôn vua lên, tất nhiên các ông phải tôn cha lên mà nói “Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu”, nghĩa là trong trời đất không có cha mẹ nào quấy. Ôi hủ nho! Cũng vì mấy câu tà thuyết của các người mà gia đình luân lý của nước nhà ta ngày nay trụy lạc đến thế này” (Đạo đức và luân lý Đông Tây).

Về danh nghĩa, nho sỹ – quan chức là người giúp vua trị nước. Nhưng thực tế tầng lớp này đã làm được gì cho dân và đóng góp được gì vào tiến trình lịch sử? Nhìn số nhà nho có công lao đối với đất nước thời phong kiến như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ,… và thế hệ nhà nho cuối cùng dấn thân vào sự nghiệp cứu nước như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế,…, ta thấy thực ra họ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, nếu biết rằng từ năm 1075 – 1918 có 2896 tiến sỹ.

Lại thử khảo sát số nho sỹ cao cấp nhất do khoa cử mang lại, tức là các trạng nguyên, chúng tôi thấy trong số 47 trạng nguyên[2] được ghi tên trong lịch sử khoa cử thì chỉ có ba người có công trạng lớn: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải; 11 người có công trạng vừa: Bùi Quốc Khái, Nguyễn Hiền, Bạch Liên, Lý Đạo Tái, Đào Sư Tích, Nguyễn Trực, Phạm Đôn Lễ, Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Thiến, Trần Văn Bảo, Nguyễn Đăng Đạo. Số còn lại đa số là vô danh, hay nói cách khác, cái khoa danh của họ đã “nát với cỏ cây” từ lâu.

Khi chế độ suy đồi cũng thường là lúc đất nước lâm vào giặc ngoại xâm, nhân dân khốn khổ trăm bề, nhưng hầu hết nho sỹ vẫn lặn lội trong “rừng Nho biển Thánh”, nhắm mắt trước vận nước. Nhìn cảnh sỹ tử lố nhố dự khoa thi Hương, Tú Xương đã đau xót thốt lên:

Nhân tài đất Bắc nào ai đó ?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà !

Phan Bội Châu đã tổng kết về tầng lớp văn sỹ, tức nho sỹ như sau: “Tiết nghĩa, khí khái trong văn chương, trước thuật thì có, còn bàn về việc góp phần chỉnh đốn trời đất, quét trừ giặc dữ, thì đại để đều do bọn võ nhân, chứ không phải phường quần dài áo rộng kia. Bọn đó còn bàn gì được chuyện thiên hạ” (Việt Nam quốc sử khảo).

Trên kia chúng tôi đã trình bày nhiều mặt tiêu cực của nền Nho học. Nhưng có lẽ cái tiêu cực nhất, đến mức phải gọi là phản động, ấy là toàn bộ hệ thống của nó đem lại cho người ta một thứ triết lý tĩnh tạikhép kín. Văn minh tân học sách (Đông Kinh nghĩa thục, 1907) gọi đây là “nguyên nhân khởi điểm” (nguyên nhân của mọi nguyên nhân): “Một là khởi ở cái điểm “nội hạ ngoại di”, không thèm hỏi đến chính thuật và kỹ năng của nước khác. Hai là khởi ở cái điểm quý đạo vương, khinh đạo bá, không thèm giảng đến cái học phú cường cơ xảo của nước ngoài. Ba là khởi ở cái điểm cho xưa là phải, nay là quấy, không chịu xem xét kiến thức và những sự suy nghĩ bàn luận của người sau. Bốn là khởi ở cái điểm trọng quan và khinh dân, nên không thèm kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn (…) Thành thử mấy nghìn năm nay, văn minh tiến hoá của ta mới có cái tính tĩnh mãi mà không có cái tính động mãi. Thật cũng là đáng ngậm ngùi buồn bã vậy”.

Ở châu Âu, sau 1000 năm chìm đắm trong đêm trường trung cổ, họ đã bừng tỉnh để xây dựng lại nền văn minh. Nhưng ở Việt Nam, do sự thống trị lâu dài của Nho giáo, dân tộc ta bị bế tắc. Một bộ phận nhỏ sỹ phu lo nước thương đời, ôm khối trách nhiệm “Một gánh cương thường nặng núi sông” (Phan Văn Trị) cũng đành bất lực nhìn đất nước rơi vào tay giặc.

Những việc phục cổ hôm nay, như xây văn miếu mới ở nhiều địa phương, đề cao thái quá học hàm, học vị, hiện tượng trẻ em phải học đến mụ người, hay việc tuyển chọn cán bộ theo bằng cấp (khiến cho cả xã hội chạy đua bằng cấp), phải chăng chính là sống lại căn bệnh khoa danh, khoa hoạn, căn bệnh học giáo điều, những thứ đã làm tiêu mòn sức sống của dân tộc?

Mỗi năm nhà nước phong hàng trăm giáo sư, phó giáo sư (năm 2014 là 644 vị), còn các trường đại học và viện nghiên cứu thì sản xuất ra hàng ngàn tiến sỹ để làm gì khi một việc đơn giản như cái đinh ốc người mình chưa làm được? Theo một bài báo trên Đất Việt[3], cho đến 2014, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và 24.300 tiến sỹ, nhiều nhất Đông Nam Á nhưng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế lại gần như thấp nhất. Báo điện tử Tia sáng ngày 25-2-2009 cho biết, năm 2008, Việt Nam chỉ công bố được 910 bài báo khoa học trên 512 tập san khoa học quốc tế, so với 5553 của Singapore, 3310 của Thái Lan, 2194 của Malaysia. Và có lợi bất cập hại không, khi hằng năm nhà nước long trọng tổ chức lễ trao chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hệt lễ xướng danh cho các ông cử “tân khoa” thời trước, để rồi đa số các vị ấy không làm được gì hơn người bình thường?

Muốn đất nước ra khỏi tình trạng tụt hậu, ngoài cải cách kinh tế, chính trị, thì cải cách giáo dục là quan trọng thứ hai. Trong cải cách giáo dục, thiết nghĩ, trước hết phải phê phán triệt để những di hại nền Nho học xưa, bao gồm cả thể chế giáo dục lẫn tâm lý người đi học, chứ không phải khôi phục “truyền thống” tuỳ tiện như hiện nay.


[1]Thi Hương tổ chức theo khu vực để chọn cử nhân, tú tài: điểm cao thì vào cử nhân, điểm thấp hơn thì tú tài). Thi Hội và thi Đình tổ chức ở kinh đô cho người đã đỗ cử nhân. Đỗ thi Hội thì được vào thi Đình. Thi Đình chỉ để phân chia thứ bậc (đỗ nhất: trạng nguyên, nhì: bảng nhãn, ba: thám hoa, còn lại là tiến sỹ và phó bảng).

[2]Không kể Lê Văn Thịnh mà nhiều sách coi là ông đỗ trạng nguyên, vì thời đó chưa có bậc trạng nguyên.

[3]http://baodatviet.vn/giao-duc/xuat-khau-giao-su-tien-si-tai-sao-khong-3118867/

Comments are closed.