MATSUO BASHÔ Bậc Đại Sư Haiku

Nguyên tác: Ueda Makoto

Biên dịch và bình chú: Nguyễn Nam Trân

Để tưởng niệm Vĩnh Sính (1944-2014),
một nhà Nhật Bản Học tiên phong và người ngưỡng mộ Bashô

clip_image002

Mục Lục

Lời nói đầu.
Chương 1: Bashô hai cuộc hoá thân.
Chương 2: Bashô và Haiku.
Chương 3: Bashô và Renku.
Chương 4: Tản văn Bashô.
Chương 5: Bashô bình thơ.
Chương 6: Di sản Bashô.
Kết từ.
Thư mục tham khảo

Lời Nói Đầu

Có nhà nghiên cứu phỏng định rằng cứ 100 người ngoại quốc muốn tìm hiểu về văn học Nhật Bản thì đã có 80 người đặt trọng tâm vào haiku và cứ 100 người học hỏi haiku thì đã có 80 người chọn Bashô làm chủ đề. Thế mới biết vai trò của Bashô trong văn học Nhật Bản quan trọng như thế nào.

Bashô là một thiên tài nhưng khi ông sinh ra, đã không mang theo chiếc đũa thần biết chỉ đá thành vàng. Thành công đạt được đều theo một quá trình lao động trí thức bền bỉ cho dù cuộc đời ông ngắn ngủi. Như cây cọ của Picasso, ngọn bút của nhà thơ trải qua nhiều thời kỳ. Trong lãnh vực tản văn cũng như thi ca, Bashô đều có thái độ sáng tạo qua học tập. Vì thế người đời sau càng tôn kính và yêu mến ông.

Riêng Ueda Makoto – người chấp bút quyền sách này – là một nhà giáo đã có công phổ biến văn học Nhật Bản trong cộng đồng người nước ngoài. Ông sinh năm 1931 tại Kobe, tốt nghiệp Đại học Kobe năm 1954, chuyên ngành Văn học đối chiếu. Xong Cao học Đại học Nebraska (1956), ông hoàn thành học vị Tiến sĩ tại Đại học Washington (1961). Đã giảng dạy các đại học Washington, Indiana và Toronto trước khi trở thành giáo sư Đại học Stanford. Tác phẩm “Matsuo Bashô, The Master Haiku Poet” (1970) của ông viết bằng Anh ngữ mà người viết sử dụng là một quyển sách khổ nhỏ và mỏng (chưa đến 200 trang) nhưng có tính sư phạm cao, giúp người ngoại quốc chúng ta có một cái nhìn toàn diện về Bashô, không riêng về lãnh vực haiku theo nghĩa hẹp mà cả trong nghĩa rộng của nó (haikai hay bài hài), bao gồm các thể loại renku (liên cú), haibun (bài văn) cũng như hairon (bài luận) hay phê bình, tóm lại là thi pháp haiku nói chung.

Trong tập tiểu luận gồm 6 chương dưới đây, thuật ngữ chính thức dùng khi nhắc đến thể thơ Bashô yêu thích là haiku nhưng xin nhớ cho rằng, vào thời Edo, những từ haikai (bài hài) hay hokku (phát cú) mới thật thông dụng. Thuật ngữ haiku được thấy một đôi lần trong tác phẩm Bashô nhưng chỉ phổ cập từ khi có Masaoka Shiki (1867-1902), một nhà thơ cách tân thời Meiji.

Các tựa đề do người dịch phóng tay đặt tạm. Chú thích, niên biểu, minh họa và cảm tưởng cũng của Nguyễn Nam Trân dựa trên những tư liệu khác thấy trong thư mục và theo ý kiến riêng.

Nguyễn Nam Trân

Tôkyô ngày 20 tháng 8 năm 2014

Chương 1

BASHÔ HAI CUỘC HÓA THÂN

Nhà thơ và lữ khách

Dẫn Nhập

Bài viết dưới đây phỏng dịch chương thứ nhất tác phẩm “Matsuo Bashô, The Master Haiku Poet” (1970) của giáo sư Ueda Makoto giới thiệu thân thế, sự nghiệp và thời đại của nhà thơ Bashô, đặc biệt giải thích hai cuộc hoá thân trong cuộc đời ông. Làm thế nào người samurai cấp thấp Matsuo Munefusa đã trở thành ông thầy haikai Tôsei rồi cuối cùng là bậc đại sư haiku Bashô? Thế rồi, làm thế nào một kẻ lang bạt trở thành thi nhân và thi nhân đó đã chọn sống đời phiêu lãng?

clip_image004

Hình ảnh quen thuộc của nhiều thế hệ

Mùa xuân năm 1681, có hôm một bụi chuối đã được đem đến trồng bên túp lều con ở khu vực hoang sơ thuộc thành phố Edo, ngày nay được biết dưới cái tên Tôkyô. Bụi chuối ấy là món quà do một cư dân nơi đây đem tặng ông thầy dạy mình làm thơ. Ông này vừa mới dọn vào túp lều ấy cách đó có mấy tháng. Vị thầy – người đàn ông khoảng 36 tuổi – rất hài lòng với món quà. Ông yêu bụi chuối bởi vì tình cảnh của nó ở nơi này có phần nào giống bản thân mình. Những tàu lá rộng mềm mại, dễ bị rách tơi mỗi khi có trận gió mạnh thổi đến từ biển. Buồng hoa chuối nhỏ không đập vào mắt ai. Bụi chuối ấy có vẻ đơn chiếc làm như nó biết mình không thể nào kết trái giữa cái thời tiết mát mẻ của xứ Nhật. Nhành lá dài và tươi tắn nhưng chẳng dùng được vào việc gì cụ thể.

Người thầy sống một mình trong túp lều. Nhiều đêm, khi không có khách đến thăm, ông có thể ngồi trầm ngâm, nghe tiếng gió thổi qua những tàu chuối. Không khí đơn chiếc còn cảm thấy sâu lắng hơn nữa vào những đêm mưa. Nước dột từ trên mái rơi tí tách vào lòng chậu đặt bên dưới. Trong đôi tai của nhà thơ đang ngồi trong gian phòng lờ mờ tối, âm hưởng đó hòa điệu một cách lạ lùng với tiếng lá chuối xào xạc bên ngoài.

Bashô nowaki shite
Tarai ni ame no
Kiku yo kana

Chuối trụ giữa bão thu
Nước dột rơi vào chậu,
Tí tách đêm nằm nghe.

Bài haiku như gợi cho ta thấy nhà thơ biết rằng tâm cảnh của mình có cái gì đồng điệu với bụi chuối kia.

Một vài người khách đến thăm nhà thơ đã nhận ra sự đồng điệu ấy. Một số khác có thể chỉ xem bụi chuối như cái mốc đánh dấu thông thường của một cuộc đất. Dù sao, lần hồi họ quen gọi chỗ đó là Am Bashô (芭 蕉 庵 Ba Tiêu Am) và cái tên đó lại được đặt cho người cư trú ở đấy. Từ đó nhà thơ được biết như là Bashô, am chủ am Bashô hay Bashô tiên sinh. Khỏi phải nói, nhà thơ cũng vui lòng chấp nhận danh hiệu ấy. Ông đã sử dụng nó cho đến cuối đời.

I) Cuộc hóa thân thứ nhất: Kẻ lang bạt trở thành thi nhân

Chúng ta không có bao nhiêu dữ liệu liên quan đến cuộc đời của Bashô cho đến khi ông dọn vào Am Bashô. Người ta tin rằng ông đã chào đời vào năm 1644 một nơi gần Ueno thuộc phiên trấn Iga (伊 賀 上 野 Iga Ueno), cách Kyôto chừng 30 dặm về phía nam và cách Edo 200 dặm về phía tây. Người ta gọi ông là Kinsaku金 作 (và vài cái tên khác) lúc ông còn thơ ấu. Ông có một anh trai và bốn chị em. Cha ông, Matsuo Monzaemon 松 尾 門 左 衛 門, có lẽ là một samurai thuộc cấp và theo nghiệp nông trong thời bình. Địa vị xã hội của gia đình tuy đáng kính nhưng không thể hứa hẹn cho cậu bé Kinsaku một tương lai sáng sủa nào nếu cậu cứ tiếp tục sống cuộc sống bình lặng, giữ chặt nếp nhà.

Sự nghiệp của Bashô cũng bắt đầu một cách không có gì đặc biệt. Người ta phỏng định chàng trai đã vào hầu việc một ông chủ trẻ, Tôdô Yoshitada (藤 堂 良 忠 Đằng Đường Lương Trung), thân thích của vị lãnh chúa cai quản phiên trấn. Chàng Bashô buổi đầu phụng sự chủ nhân như một kẻ tùy tùng hay có một chức phận tương đương1. Chủ nhân, lớn hơn ông hai tuổi, có vẻ mến Bashô, hai người xem ra đồng điệu trong nhiều lãnh vực khi họ cùng lớn lên bên nhau. Sợi giây ràng buộc họ chặt chẽ hơn cả là haikai, một thú tiêu khiển hàng đầu của những con người tao nhã thời ấy. Hình như Yoshitada rất thích sáng tác thơ, ngay cả có riêng một bút hiệu, Sengin (蝉 吟 Thiền Ngâm). Không hiểu có phải là kích thích đầu tiên đến từ chủ nhân hay chăng mà Bashô đã bắt đầu học đòi sáng tác haikai dưới bút danh Tôsei (桃 青 Đào Thanh)2. Bài thơ đầu tiên của Bashô ngày nay còn được giữ lại viết ra vào năm 1662. Đến năm 1664, hai bài của Bashô và một bài của Yoshitada được đăng trong một tuyển tập xuất bản ở Kyôto. Năm sau, Bashô, Yoshitada và hai người khác họp nhau làm một renku (liên cú) gồm 100 vần (1 vần có thể là cú 3 câu và cú 2 câu), trong đó Bashô đóng góp 18 cú. Đó là những câu thơ đầu tiên của Bashô dưới loại hình này.

Cuộc đời của Bashô cứ như thế mà bình lặng trôi qua, và tưởng chừng như ông có thể thỏa mãn với chức phận một samurai cấp thấp, có đủ thời giờ rảnh rỗi làm thơ tiêu khiển cho đến cuối đời. Từ lúc đến tuổi trưởng thành, ông đã có cái tên chính thức kiểu samurai là Matsuo Munefusa hay Matsuo Sôbô (松 尾 宗 房 Tùng Vĩ Tông Phòng). Thế nhưng vào đúng mùa hè năm 1666, một chuỗi biến cố đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của ông. Yoshitada đột ngột qua đời. Người em của ông ta tập ấm chức tước của anh như người đứng đầu dòng họ và trở thành người chồng mới của vợ anh mình. Hình như Bashô đã từ giã chức vụ vào lúc đó và chẳng bao lâu sau, ông bắt đầu sống đời lang bạt.

Nhiều giả thuyết được nêu ra để thử giải thích lý do ông “thoát phiên” (bỏ xứ mà đi), việc ấy có nghĩa là ông mất danh hiệu samurai. Một lý do có thể hiểu được là sự đau đớn của ông trước cái chết của Yoshitada, chủ nhân mà ông có mối giao tình thật gần gũi. Có một truyện ký về Bashô cho biết ông đã muốn tự sát để đi theo chủ về thế giới bên kia nhưng lúc đó pháp luật thời Edo đã ngăn cấm việc huỷ mình (tuẫn tử). Một lý do khác còn đầy tính thuyết phục hơn là việc Bashô đã cảm thấy hết sức bi quan cho tương lai của mình vì người chủ mới là kẻ ông không thân thiết vì chưa hề được hầu cận trước đó. Cũng như Yoshitada có Bashô, người thừa kế này hẳn có những tôi tớ tay chân mà ông sủng ái vì đã cùng lớn lên với ông ta. Những kẻ đó có thể ngăn cản Bashô gia nhập vào nhóm người thân cận của vị chủ mới cho dù Bashô không hề cảm thấy có một thái độ thù địch nào đến từ phía họ. Sự thực đến nay vẫn chưa được rõ nhưng chắc chắn rằng tương lai của Bashô như người samurai đã bị che lấp bởi một đám mây u ám từ sau cái chết của chủ nhân mình.

Vài giả thuyết khác về việc Bashô bỏ phiên trấn ra đi dính líu đến cuộc đời tình ái của ông. Vài truyện ký về buổi đầu của ông cho biết ông có một mối quan hệ tình cảm với người vợ của ông anh hay với một người thị nữ của Yoshitada, thậm chí với một ái thiếp của Yoshitada. Có thể đây chỉ là cấu tưởng trong tâm trí của những nhà viết truyện ký muốn tô lục chuốt hồng để tuổi thanh xuân của nhà thơ có đôi phần cụp lạc. Thế nhưng trong đó một thuyết có thể gần với sự thực. Bashô quả là có một người tình nhân, sau trở thành ni cô với pháp danh Jutei (寿 貞 Thọ Trinh). Bà đã có thể sinh cho ông một hay vài người con. Dù sao, nó giải thích cho ta được một số việc: trong thời kỳ thanh niên, Bashô, như mọi người đồng lứa, đã nếm đủ mùi vị đau thương và vui thỏa của cuộc đời.

Những năm tháng tiếp đến của Bashô không có mấy chi tiết. Thường thường, người ta bảo ông đã lên Kyôto, lúc đó là kinh đô của Nhật Bản. Nơi đây ông đã học triết lý, thi ca và thư pháp dưới sự chỉ đạo của nhiều vị thầy tên tuổi. Tuy vậy, có lẽ ông không sống thường xuyên ở Kyôto mà nhiều khi trở về quê hương qua những chuyến đi dài. Cũng có thể ông vẫn loanh quanh ở Ueno và các vùng phụ cận, lâu lâu mới lên Kyôto một lần. Chắc hẳn lúc bấy giờ, ông hãy chưa có ý định trở thành nhà thơ. Bởi vì về sau, trong một bài viết, ông có lần ngỏ ý mình đã “muốn trở thành quan lại để hưởng lộc điền”. Lúc ấy, ông còn trẻ và đầy tham vọng, tự tin vào tiềm năng của mình. Chắc ông chỉ muốn trau giồi học vấn để bảo đảm một tương lai sáng sủa trong xã hội. Có lẽ ông muốn nhìn thấy thế giới bên ngoài nơi mình sinh trưởng và gặp gỡ nhiều loại người. Với sự hiếu kỳ của tuổi trẻ, có lẽ ông đã thử hết những thú vui thời thượng mà lớp trẻ phóng đãng lúc ấy yêu chuộng. Có lần ông còn viết: “Đôi lúc tôi cũng bị ám ảnh bởi những chuyện đồng tính luyến ái!”.

Một điều không thể chối cãi là cái thú sáng tác chưa hề giảm sút nơi Bashô. Một tuyển tập ra đời năm 1667 đăng đến 31 bài haiku ông viết. Ngoài ra thơ của ông còn được đăng tải trong 3 tuyển tập biên tập vào thời kỳ từ 1669 đến 1671. Tên tuổi của ông từ đấy được rất nhiều nhà thơ ở kinh đô biết tới. Và như thế, đồng thời ông cũng nhận được sự kính nể của những nhà thơ ở tỉnh nhà. Khi Bashô có ý định biên tập tuyển tập thơ haikai đầu tiên thì đã có hơn 30 thi nhân đồng ý tham gia. Tuyển tập thơ đó mang tên Trò chơi bốc vỏ sò (貝 ほ ひ い Kai Ôi) đã được đem cúng dường cho một ngôi đền ở Ueno rất sớm vào năm 1672.

Trò chơi bốc vỏ sò trình bày những vần thơ được dự thi trong một cuộc thi thơ với 30 hiệp đấu, mỗi vần thơ là do một nhà thơ khác nhau làm ra. Chúng được ghép lại thành đôi và đánh giá bởi Bashô. Dù chính ông đã đóng góp 2 bài cho cuộc thi nhưng giá trị chủ yếu của thi tập nằm ở những lời bình luận và trọng tài của thi hào. Nổi bật lên trên toàn thể tập thơ là sự nhanh trí tuyệt vời và trí tưởng tượng giàu sắc thái của người chủ khảo này, chưa nói đến sự thông hiểu về thi ca dân gian, cách diễn tả thời thuợng cũng như về những hướng đi mới trong xã hội đương thời của ông. Dường như Bashô đã biên tập cuốn thơ đầu tiên ấy trong một tâm trạng vô cùng thoải mái nhưng tài năng thi ca của ông không vì thế mà không được bộc lộ rõ ràng.

Sau đó, có lẽ vào mùa xuân năm 1672, Bashô đã quyết định đi Edo và hầu như không có ý định quay về miền Tây tức khắc. Khi lên đường, ông đã viết bài haiku sau đây để tặng người bạn còn ở lại Ueno:

Kumo to hedatsu
Tomo ka ya kari no
Ikiwakare

Chòm mây đã chia phôi, 
Tôi bạn hai ngã đời 
Sinh ly như hồng nhạn.

Không hiểu Bashô muốn lên Edo với động cơ gì! Có lẽ sau khi đã thu thập được chút ít học vấn, ông muốn tìm một chức vị có tương lai ở Edo, lúc bấy giờ là một chốn phồn hoa đang đà phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội công ăn việc làm. Hay có lẽ vì được khuyến khích bởi những thành công ở quê nhà với Trò chơi bốc vỏ sò mà ông muốn trở thành nhà thơ chuyên nghiệp mà đến đó để tìm chút danh tiếng? Hoặc giả Bashô có cả hai mục đích một lúc bởi ông là một thanh niên đầy tham vọng. Dù ông muốn trở thành một viên chức nhà nước hay ông thầy dạy haikai thì Edo – chứ không phải Kyôto – mới là nơi dễ thực hiện được giấc mộng ấy. Lúc đó, lòng ông hãy còn đầy âu lo và muốn thử thách tài năng trong một môi trường khác, tự do hơn.

Cuộc đời Bashô từ đó cho đến tám năm về sau lại là một mảng tối khác. Có người kể lại là trong những ngày đầu tiên, ông sống lay lắt từ nhà ân nhân này qua ân nhân kia. Điều này có thể xác thực nhưng chúng ta không nghĩ Bashô có thể nương tựa vào người khác một cách lâu dài. Nhiều giả thuyết, nhưng không giả thuyết nào hoàn toàn có tính thuyết phục, cho biết ông lúc thì phụ việc cho một ông lang, lúc thì làm thư ký hàng quận, lúc đi giữ việc từ hàn cho một nhà thơ. Giả thuyết được đa số chấp nhận hơn cả là có thời Bashô làm việc trong ngành thủy lợi địa phương. Về sau, như để nhắc nhở lại giai đoạn này, ông có lần viết: “Có lúc ta đã ngán ngẩm với việc làm thơ và muốn ngưng quách nhưng có lúc ta lại định theo đuổi nghiệp thơ cho đến khi tên tuổi vuợt lên trên mọi người. Những lựa chọn đối nghịch này cứ dằn vặt tâm trí ta mãi”.

Tuy vẫn mang trong lòng mâu thuẫn như thế nhưng Bashô vẫn tiếp tục làm thơ trong khung cảnh thành phố mới này. Mùa hè năm 1675, ông có dịp tham gia cùng một số nhà thơ trong đó có một thi sĩ tên tuổi để làm một liên ngâm bách vận. Dưới bút hiệu Tôsei, ông đóng góp 8 cú. Mùa xuân năm sau, cùng với một nhà thơ khác, ông viết hai renku nữa và mỗi renku cũng đều có 100 vần. Cuối năm, ông lên đường về thăm tỉnh nhà và sau đó, ông dốc hết thời gian dành cho việc sáng tác. Có thể hiểu vào lúc này, ông đã quyết định trở thành nhà thơ chuyên nghiệp (haikaishi) nếu không phải là trước đó không lâu. Tác phẩm của ông bắt đầu được đăng tải ở nhiều tuyển tập và theo đà ấy, tên tuổi ông vang dậy. Vào dịp năm mới, hình như ông đã phát tặng một tập thơ nho nhỏ cho những người trong vòng quen biết, một “thủ tục” chỉ được cho phép nơi một nhà thơ haikai đã thành danh. Vào mùa đông cùng năm, ông đứng ra làm chủ khảo hai cuộc thi thơ và khi người ta xuất bản tập ký lục nhan đề Cuộc thi thơ haiku 18 hiệp (十 八 番 発 句 合 わ せ Juuhachiban Hokku Awase) thì trong đó thấy có lời bình của Bashô viết cho mỗi hiệp đấu. Đến mùa hè năm 1680 thì xuất hiện tuyển tập Những vần thơ hay nhất của 20 môn đệ Tôsei (桃 青 門 弟 独 吟 二 十 歌 仙 Tôsei Montei Dokugin Nijikkasen) và điều này cho thấy lúc đó Bashô đã qui tụ được bên mình một số đáng kể những thi nhân có tài. Cùng trong năm, hai đệ tử đầu đàn của ông đã “chạm trán” với nhau trong hai cuộc thi thơ mang tên Hội bình thơ dân dã (田 舎 句 合 わ せ Inaka Ku-awase) và Hội bình thơ trường xuân (常 盤 屋 句 合 わ せ Tokiwaya Ku-awase). Vào những dịp ấy, Bashô cũng được mời đóng vai trò chủ khảo. Mùa đông, các đệ tử dựng một ngôi nhà nhỏ trong khu vực yên tĩnh, xưa cũ của thành Edo và biếu nó cho thầy. Vài tháng sau, họ mang một bụi chuối đến trồng trong sân và đặt tên cho túp lều ấy là Am Bashô (Bashô-an), một cái tên nổi tiếng mãi đến bây giờ. Bashô đã trở thành nhà thơ tiếng tăm và lần đầu tiên trong đời có được mái nhà riêng.

II) Cuộc hóa thân thứ hai: thi nhân trở thành kẻ lang bạt

Bashô rất biết ơn được tặng cho một mái nhà nhưng không sống được ở đấy một cách ấm êm. Danh tiếng thi ca của ông càng nổi như cồn và tiện nghi vật chất càng thoải mái thì ông lại đâm ra bất mãn với bản thân. Trong những năm tháng tranh đấu, ông có một mục đích cụ thể, một lý tưởng để đạt đến. Mục đích đó ngày nay đã toại nguyện nhưng sao ông thấy nó không xứng đáng với những công sức mình bỏ ra. Ông có bao nhiêu là người tài trợ, bạn bè, học trò mà vẫn có cảm giác cô đơn hơn bao giờ hết. Sau đây là một trong những bài haiku ông viết lúc dọn đến Am Bashô:

Shiba no to ni
Cha wo konoha kaku
Arashi kana

Bao nhiêu lá trà rụng,
Tấp vào cánh cửa sài.
Bão vừa dậy chăng ai?

Nhiều bài thơ làm trong giai đoạn này – kể cả bài viết về bụi chuối – luôn luôn có một giọng điệu ưu tư quá mức. Trong lời đề từ trên đầu một bài thơ ấy, Bashô đã viết: “Khi ngắm vầng trăng, ta cảm thấy cô đơn. Ta cảm thấy cô đơn khi ta nghĩ về bản thân và ta cảm thấy nỗi cô đơn đó khi suy tư về cuộc đời chẳng ra gì của mình. Ta muốn gào to lên là tôi đang cô độc đây nhưng chẳng một ai đặt câu hỏi xem tâm trạng của ta như thế nào!

Dường như để thoát ra khỏi sự hoảng loạn tinh thần đó mà Bashô bắt đầu tập tu thiền dưới sự chỉ đạo của nhà sư Butchô 仏 頂 (Phật Đính, 1642-1715), tình cờ lại là láng giềng của ông. Lúc ấy, chắc chắn ông phải rất quyết tâm và đã tu hành nghiêm cẩn như về sau có lần nhắc lại: “…và vào một thời điểm khác, ta đã lo rằng sẽ khép mình giữa bốn bức tường tự viện”. Cô độc, buồn khổ, đánh mất ảo ảnh, bất an… không hiểu đâu là vấn đề chính nhưng rõ ràng là ông đã khốn đốn vì chúng.

Một số sự việc đã xảy ra trong vòng hai năm sau đó, lại làm cho ông khốn khổ thêm. Mùa đông năm 1682, am Bashô đã bị lửa thiêu trụi khi một trận hỏa hoạn lớn tàn phá cả một vùng lân cận. Bashô lại trở thành kẻ không nhà và có lẽ ý tưởng “con người vĩnh viễn là kẻ lang thang không bến đỗ” bắt đầu xuất hiện và càng càng càng ám ảnh tâm hồn ông. Chỉ vài tháng sau ông lại nhận được tin từ quê nhà cho hay mẫu thân đã qua đời. Nhân vì thân phụ ông mãn phần từ năm 1656, bây giờ chẳng những ông không còn nhà cửa mà cũng chẳng còn có mái ấm mẹ cha để có thể trở về.

Riêng về mặt tiếng tăm giữa làng thơ thì lúc đó Bashô và các đệ tử của ông đã đi từ thành công này sang thành công khác. Mùa hè 1683, họ đã xuất bản Những hạt dẻ rỗng (Minashiguri), một tuyển tập haikai mà nội dung của nó cho thấy có một sự khước từ những chủ đề thô kệch và hạ cấp và một sự sử dụng nhuần nhuyễn cách phát âm có hương vị Trung Quốc, làm cho ta phân biệt được nhóm tác giả của nó với những người làm thơ đương thời. Mùa đông năm ấy, khi kẻ không nhà là Bashô trở về từ một chuyến đi ngắn xuống tỉnh Kai, bè bạn và học trò một lần nữa lại quyên góp để dựng lại cho thầy một Am Bashô mới. Ông rất hài lòng nhưng không vì thế mà vơi được nỗi buồn cố hữu. Ông có bài thơ viết lúc nhập cư như sau:

Arare kiku ya
Kono mi wa moto no
Furugashiwa

Nghe tiếng mưa đá rơi,
Nhưng mình nào khác xưa,
Một thân sồi già cỗi.

Cả thành công về mặt thi ca lẫn sự yên ổn được sống dưới một mái nhà không đem lại cho ông một nguồn an ủi đáng kể nào. Trong tâm tưởng, từ lâu ông đã trở thành một kẻ lang bạt mất rồi và ông chỉ có nước tiếp tục sống bằng cách tuân theo sự thôi thúc đó.

Vì thế mà vào mùa thu 1684, Bashô đã làm cuộc hành trình đáng kể đầu tiên của ông. Trước đó, ông đã đi rất nhiều nhưng chưa có cuộc lữ hành nào nhắm vào mục đích tư duy hoặc thi ca. Qua cuộc hành trình này, ông chờ đợi nhiều điều, trong đó có cả sự đối mặt với cái chết và những khả năng như thế sẽ giúp ông chỉnh lý lại được tâm trí cũng như thi ca của mình. Ông gọi chuyến đi đó là chuyến đi “xương trắng bị mưa vùi gió dập” (ý tưởng thấy trong Dọc đường mưa gió, Nozarashi Kikô) nghĩa là ông đã sẵn sàng để bỏ rơi thân xác cho thiên nhiên tha hồ tàn phá nếu như đó là định mệnh của mình. Đối với chúng ta thì ý tưởng này có vẻ cực đoan nhưng phải nên nhớ rằng thân thể Bashô sinh ra đã rất èo uột và ông lại mắc vài chứng bệnh kinh niên. Ngoài ra, vào thế kỷ 17, việc di chuyển ở Nhật hãy còn vô vàn nguy hiểm và đầy bất trắc chứ không như bây giờ.

Chuyến đi nói trên rất dài, nó đưa ông qua hơn một chục tỉnh nằm giữa Edo và Kyôto. Từ Edo, ông men theo con đường lớn dọc bờ biển Thái Bình Dương đi về miền Tây, đã có dịp đến dưới chân ngọn Fuji, vượt nhiều con sông rộng và thăm được cả Đại thần cung Ise. Cuối cùng, ông đặt chân lên Ueno quê nhà, đoàn tụ với thân thích bạn bè. Người anh lớn đã mở cái túi đựng di vật và cho ông xem một nhúm tóc bạc mà người mẹ quá cố đã để lại:

Te ni toreba
Kien namida zo atsuki 
Aki no shimo

Cầm lấy giữa lòng tay,
Tan theo lệ nóng bỏng,
Là một giải sương thu.

Đây là một bài thơ hiếm hoi của Bashô vì nó không kìm hãm được tình cảm của ông. Có lẽ sự đau đớn vì mất đi người mẹ đối với ông quá ư to tát, không sao chịu nổi.

Được vài hôm sau, Bashô đã giã từ cố hương Ueno để nối dài cuộc hành trình. Lần này, ông đến thăm một ngôi đền trong núi và cùng các nhà thơ địa phương mở một hội thơ. Đó là thời điểm sáng tác Mặt trời mùa đông (Fuyu no hi), một chùm thơ gồm 5 renku (thơ liên ngâm), trong đó lời thơ không còn có tính cách trí thức hay cơ trí mà đã trở nên trữ tình, đánh dấu được giai đoạn chín muồi của thi pháp Bashô. Thế rồi ông quay về đón Tết Nguyên Đán ở Ueno lần đầu tiên sau bao năm xa quê. Ông còn đi thăm Nara và Kyôto thêm một vài lần nữa và cuối cùng khi Bashô trở lại Edo thì đã là mùa hạ năm 1685.

Chuyến đi đem lại nhiều thành quả. Bashô đã gặp được bao nhiêu bạn bè cũ mới. Ông đã sáng tác được một số haiku và renku nhờ những kinh nghiệm thu thập được trong chuyến lữ hành này, kể cả những bài trong Mặt trời mùa đông. Ông đã viết được tập văn du ký đầu tiên Dọc đường mưa gió (Dã sái kỷ hành, Nozarashi Kikô). Thông qua chuỗi kinh nghiệm này, Bashô đã dần dần biến hóa. Trong phần sau của tập văn du ký nói trên, ta thấy có bài thơ ông viết vào dịp cuối năm:

Toshi kurenu
Kasa kite waraji
Hakinagara

Một năm nữa vừa tàn,
Trên đầu vẫn nón lá,
Dép cỏ ruổi đường xa.

Bài thơ cho ta thấy Bashô thoải mái với cuộc hành trình. Cái cảm tưởng khó ở đã làm ông có một thái độ gượng gạo ngày ra đi dần dần biến mất theo bước chân đi. Hiện giờ thì ông có thể ngoái đầu nhìn lại con người lang bạt của mình một cách khách quan hơn, không còn tự coi như một người hùng hay quá đặt nặng chuyện tình cảm.

Ông tiếp tục sống thêm hai năm lặng lẽ ở Am Bashô. Đó là một cuộc sống khiêm tốn nhưng nhàn hạ, khiến cho ông có thể tự cười mình là “lão già lười nhác”. Ông lặng ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên thay đổi theo bốn mùa và viết những bài haiku mỗi khi nguồn cảm hứng tìm đến. Bạn bè và học trò đến thăm đều chia sẻ với ông thú vui ấy. Họ cùng nhau tụ tập ngắm trăng thanh, tuyết phủ và hoa nở. Những dòng văn thơ của bài haibun ngắn dưới đây đã được viết ra vào mùa đông 1686, dường như tiêu biểu cho cuộc sống của ông lúc bấy giờ:

Một anh bạn tên Sora đang sống tạm thời bên cạnh chiếc am con của ta cho nên ta thường đến viếng thăm anh và anh cũng hay đến thăm ta. Khi ta nấu ăn, anh giúp ta chụm lửa, còn ban đêm khi ta pha trà, anh đến nhâm nhi với ta. Tính anh ít nói, thích hưởng nhàn, nên chi anh trở thành một người bạn tâm đầu ý hợp. Một đêm tuyết rơi, anh ghé qua thăm và nhân đó, ta mới viết câu thơ:

Kimi hi wo take
Yoki mono misen,
Yukimaroge

Nhen lửa giùm ta nhé,
Này anh xem vật lạ,
Một hòn tuyết cực to

Lửa nói đến trong bài thơ là lửa nhóm lên để pha trà. Sora3 có lẽ đang sửa soạn nấu nước sôi trong bếp và khi ấy, Bashô trở ra ngoài, cho tay vọc tuyết và nắn những hòn tuyết cực lớn, nghịch ngợm như một đứa trẻ con. Khi trà đã sẳn sàng, họ mới ngồi lại bên nhau, vừa nhấp trà nóng vừa ngắm những hòn tuyết ngoài sân. Bài thơ này là một trong những bài mang không khí vui nhộn nhất của haiku Bashô, đã có thể gợi cho ta thấy cái tâm cảnh nhẹ nhàng thoải mái của thi hào trong những năm tháng ấy.

Tâm tình thoải mái đầy chất thơ đã đưa bước chân Bashô đến đền Kashima trong một chuyến đi ngắn. Kashima là một thị trấn cách Edo chừng 50 dặm về hướng Đông, nổi tiếng vì ngôi đền Thần Đạo. Bashô đã đến đây với mục đích ngắm đêm trăng ngày mùa. Sora và một thiền tăng đã tháp tùng ông trong chuyến đi vào mùa thu năm 1687. Rủi thay đúng đêm rằm thì trời lại đổ mưa, họ chỉ có dịp ngắm trăng được đôi chút lúc trời hừng sáng. Dù vậy, Bashô đã nhân cơ hội đó đến thăm thiền sư Butchô, người thầy cũ, lúc ấy đã qui ẩn ở Kashima. Cuộc du hành trở thành đề tài cho một du ký khác của ông: Chuyến hành hương đền Kashima (鹿 嶋 詣 Kashima Môde).

clip_image006

Hồ Kasumigaura gần Kashima

Thế rồi, chỉ hai tháng sau, Bashô đã bắt đầu một cuộc du hành mới về miền Tây. Kỳ này ông tỏ ra thanh thản hơn là cuộc du hành đầu tiên cách đó ba năm vì ông đã trở thành nhà thơ có tiếng, qui tụ được nhiều bạn thơ và đệ tử. Họ biếu ông nhiều món quà tiễn biệt, mời ông đi du ngoạn hoặc dự tiệc cũng như tổ chức các hội bình thơ để chào đón. Những người không đến được cũng gửi thơ tham dự. Con số thơ thu thập được trong những dịp này lên đến hơn 350 bài, sau đó đã được xuất bản với nhan đề Những vần thơ đưa tiễn (句 餞 別 Kusenbetsu). Nhiều cơ hội lễ lạt như vậy đã làm cho Bashô có ấn tượng là mình được cư xử như một kẻ quyền cao chức trọng.

Trong chuyến đi này, ông hầu như cũng theo cùng một tuyến đường với chuyến đi trước hồi năm 1684. Vẫn gặp gỡ bạn bè và để lại những vần thơ đó đây suốt đoạn đường. Ông đặt chân lên Ueno vào một ngày cuối năm và được chào đón và tôn vinh với danh dự một nhà thơ tên tuổi đất Edo. Ngay cả người thủ lãnh của dòng họ chủ nhân mà ông từng phục vụ thuở thiếu thời cũng đã mới ông đến chơi. Trong khu vườn phủ đệ của họ, hãy còn cây anh đào ngày xưa Yoshitada yêu thích, nay đang độ ra hoa:

Samazama no
Koto omoidasu
Sakura kana

Bao nhiêu chuyện đã qua,
Hiện về trong tâm trí,
Hay anh đào đơm hoa.

Đến giữa mùa xuân, Bashô từ giã cố hương Ueno, cùng với một người đệ tử, trước tiên viếng thăm núi Yoshino để ngắm hoa anh đào. Ông đi tiếp tới vùng Wakanoura thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân bên bờ Thái Bình Dương rồi dừng ở cố đô Nara đúng vào dịp lá xanh non. Thăm Ôsaka xong, ông ghé hai bãi biển Suma và Akashi trên bờ biển nội địa Seto, vốn là hai “gối thơ” (utamakura) thường được nhắc đến trong những áng thi văn cổ điển.

Tù Akashi, Bashô quặt ngược về miền Đông, đi ngang qua Kyôto để đặt chân lên Nagoya đúng giữa mùa hè. Sau khi dừng chân ở đây một ít lâu, nhà thơ của chúng ta hướng về vùng núi non nằm sâu trên đảo Honshuu, một vùng được mọi người ca tụng như rặng Alps của Nhật Bản. Cùng đi với ông có một lão hữu và một kẻ tùy tùng – nhân có người lo lắng cho cuộc hành trình vào vùng núi cheo leo – gửi đến giúp ông. Mục đích của ông lần này là xem trăng ngày mùa ở Sarashina, một thị trấn cổ xưa. Như đã dự đoán, chuyến đi này cực kỳ gian khổ nhưng ông đã có may mắn nhìn được mảnh trăng tròn đầy ở nơi danh thắng mà văn học Nhật Bản từng nhắc đến nhiều lần. Thế rồi, Bashô đã len lỏi trong vùng núi non ấy để tiến về miền Đông và đến Edo cuối mùa thu năm ấy, sau chuyến đi kéo dài ngót nghét một năm.

clip_image008

Đường núi lên thôn Sarashina

Có lẽ đây là chuyến đi đem đến cho Bashô những tháng ngày hạnh phúc hơn cả. Ông hầu như đã trở lại nhiều nơi trên tuyến đường quen thuộc, ở những nơi ông chưa đến thì vẫn có một người bạn đồng hành và một kẻ tùy tùng giúp đỡ ông. Danh tiếng nhà thơ haiku của ông đã được lan truyền khá rộng rãi cho nên đi đến đâu ông cũng được mọi người tiếp đón thảo lảo. Đó cũng là một chuyến hành trình có thành quả. Ngoài một số haiku và renku sáng tác được, ông còn viết thêm hai tập văn du ký là Tráp đeo lưng cũ (笈 の 小 文 Oi no kobumi) kể lại đoạn đường từ Edo đến Akashi, và Chuyến viếng thăm thôn Sarashina (更 科 紀 行 Sarashina Kikô) vốn tập trung vào cuộc du hành đến Sarashina để ngắm trăng. Bút ký trước có một địa vị đặc biệt quan trọng đối với qui phạm của trường phái Bashô, bởi vì trong đó, bên cạnh những lời phát biểu khác ông đã viết một đoạn văn tuyên cáo rằng haikai là một trong những thể thơ chính yếu của thi ca Nhật Bản. Lúc này ông đã thấu hiểu ý nghĩa của sự sáng tác haikai, tin tưởng rằng haikai – một hình thức nghệ thuật nghiêm túc – có thể chỉ đường cho con người tìm đến một lối sống hết sức cao thượng.

Không có gì đáng làm ta ngạc nhiên nếu lúc ấy Bashô đã sửa soạn ngay cho một chuyến đi tiếp. Như chính ông phát biểu, đó là vì vị Thần Đi Đường (道 祖 神 Dôsojin) đã mời mọc mình. Bị mê hoặc bởi cái thú của cuộc đời lữ khách, ông muốn vượt cả mọi giới hạn của các chuyến đi trước đây và trở thành một kẻ thực sự sống đời phiêu lãng hơn bao giờ hết. Trong một bức thư gửi đi trong thời gian đó, ông cho biết mình ngưỡng mộ cuộc đời của những vị du tăng khất thực, chỉ có trong tay cái bình bát xin cơm. Giờ đây, Bashô quyết định làm chuyến hành trình không phải với tư cách của một nhà thơ danh tiếng nhưng như một ông sư khắc khổ. Cũng chính vì thế mà trong chuyến hành hương sắp tới, ông sẽ thăm viếng phần đất phía bắc đảo Honshuu, nơi đây hãy còn là nơi hẻo lánh nếu không nói là hoang dã mà ông chưa hề đặt chân lên và không chút quen thuộc với nó. Ông đã phải đi trọn một đoạn đường dài đến 1.500 dặm (1.609 m x 1500 = tương đương 2.500 km, NNT). Dĩ nhiên cuộc lữ hành này là chuyến đi dài nhất trong đời ông.

clip_image010

Cao nguyên có suối nước nóng Nasu

Với Sora tháp tùng, ông từ giã Edo vào cuối mùa xuân năm 1689. Có lẽ với thái độ khắc khổ và cấm dục mà ông tính giữ cho được trong suốt hành trình, cuộc tiễn biệt chỉ lặng lẽ vì không lễ nghi phiền phức và cũng chẳng có bao nhiêu người tham dự. Ông tiến lên miền Bắc theo con đường cái, dừng lại ở một vài chỗ danh tiếng như đền Toshôguu (Đông Chiếu Cung) ở Nikkô, suối nước nóng trên cao nguyên Nasu và khu thành quách lịch sử Iizuka. Thế rồi ông đi lần ra bờ biển Đại Tây Dương giáp với Sendai và có dịp chiêm ngưỡng cảnh sắc của chòm đảo trong vịnh Matsushima. Từ Hiraizumi, một thị trấn nổi tiếng vì thời trung cổ từng là bãi chiến trường, Bashô quay qua hướng Tây và đến Sakata, nằm bên bờ Biển Nhật Bản.

clip_image012

Đầm Kisagata

Sau một chuyến đi ngắn ghé đầm Kisagata phía bắc, ông men theo con đường lớn dọc bờ biển đi về hướng tây nam. Chính là từ bờ biển này, ông đã nhìn thấy đảo Sado và nhân đó đã viết nên một trong những vần thơ được ca ngợi nhất của mình:

Araumi ya
Sado ni yokotau
Amanogawa

Trên biển gầm sóng dữ,
Giải Ngân Hà bắc ngang,
Tận phía đảo Sado.

Vì gió mưa, vì cái nóng và cung đường hiểm trở, đoạn này gây nhiều khó khăn cho Bashô và Sora nên cuối cùng, khi đến được Kanazawa, cả hai đều mệt lả. Họ dừng chân ở xóm suối nước nóng nổi tiếng Yamanaka (thuộc thị trấn Kaga, tỉnh Ishikawa bây giờ) thêm một vài hôm nhưng Sora, có lẽ sức khoẻ suy sụp do ảnh hưởng của nhiều chứng bệnh kinh niên, quyết định chấm dứt cuộc hành trình và từ giã thầy nơi đây. Bashô tiếp tục đi một mình cho đến Fukui rồi gặp được một người quen biết chịu đưa ông tới Tsuruga. Từ chỗ này, một người bạn cũ khác đã đến gặp Bashô. Cả hai tiếp tục đi về hướng nam, xuống tận Ôgaki, thành phố Bashô biết khá rõ. Một số bằng hữu và môn đệ đã đến đón rước và như thế, cuộc hành trình dài dằng dặc qua những vùng đất xa lạ, đầy gian nguy của ông đã hoàn toàn kết thúc. Nó đánh dấu một trăm năm mươi sáu ngày đường kể từ khi nhà thơ khởi hành từ Edo.

Cuộc hành trình lên miền Bắc đánh dấu đỉnh cao của sự nghiệp văn chương của Bashô. Ông đã viết được những áng thơ hay trong cuộc hành trình này. Cuốn du ký Đường mòn miền Bắc (Oku no hosomichi)4 có thể được xem là thành quả to lớn nhất trong lịch sử thể văn nhật ký du hành Nhật Bản (紀 行 文 学 Kikô bungaku). Những gì Bashô đạt được dĩ nhiên đến từ những chiêm nghiệm sâu sắc của một con người đã chín chắn. Ông đã tìm ra một cách sống và nhờ đó, giải quyết được những mâu thuẫn nội tâm khó gỡ và tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Nó đã dựa lên ý tưởng sabi 寂 び (cô quạnh, cô tịch), một khái niệm cho rằng người ta có thể đạt đến sự thanh thản và trong sáng của tâm hồn khi biết hòa nhập bản ngã của mình vào trong sức sống vô ngã của thiên nhiên. Sự thu hút hoàn toàn cái bản ngã nhỏ bé, ti tiện của cá nhân vào trong vũ trụ bao la, hoành tráng với sức mạnh siêu nhiên, chính là chủ đề mà Bashô đã nhấn mạnh trong rất nhiều bài haiku của mình, kể cả bài viết về giải Ngân Hà bắc qua đảo Sado mà chúng ta mới vừa xem. Khoảnh khắc con người đồng hóa với thiên nhiên phi nhân tính, vô tình, theo ông, hết sức quan trọng cho sự sáng tạo thi ca. Dù Bashô chưa hề viết một cương lĩnh nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, trong giai đoạn sau của đời mình, quả tình ông đã phát hiện ra một số ý kiến độc đáo về phong cách làm thơ. Dường như ông đã bắt đầu suy nghĩ về nguyên lý thi ca một cách đứng đắn hơn, triết học hơn khi bắt đầu cuộc hành trình lên miền Bắc. Hai tác phẩm sớm nhất ghi lại một số tư duy của Bashô về thi ca là Ghi chép lời nghe được trong bảy ngày (聞 き 書 き 七 日 草 Kikigaki Nanukagusa)5Trao đổi ở Yamanaka (山 中 問 答 Yamanaka Mondo)6 đã bắt nguồn từ đó.

clip_image014

Am Huyễn Trú (Genjuuan) vào đông

Trong vòng hai năm sau, Bashô đã dành nhiều thời gian để thăm các bạn cũ và môn đệ sống ở Ueno, Kyôto và những thị trấn nhỏ bên bờ phía nam hồ Biwa. Mỗi lần, cùng với một người trong bọn họ, ông thường làm những cuộc du ngoạn ngắn đến những nơi khác như Ise, Nara… Trong những nơi trú ngụ vào giai đoạn này, ông đặc biệt yêu thích hai chốn hơn cả, đó là Am đời hư ảo (幻住庵Genjuuan) và Ngôi nhà quả hồng rụng (落柿舎Rakushisha). Am Huyễn Trú tức “Am đời hư ảo” nằm trong vùng rừng rậm cực nam hồ Biwa là một nơi rất khuất nẻo và yên tĩnh mà Bashô đã tạm trú từ đầu hè cho giữa mùa thu 1690. Ở đây, ông tận hưởng một cuộc sống ẩn dật chây lười. Nó đã được miêu tả trong một đoạn văn xuôi tuy ngắn nhưng tuyệt đẹp như sau:

Ban ngày, ông từ già canh gác ngôi đền ở địa phương hay vài người dân làng sống ở dưới chân núi lên chơi với ta và kể những chuyện chẳng mấy khi ta được nghe, chẳng hạn như nạn lợn lòi xuống dày xéo ruộng lúa hay thỏ rừng đôi lúc về quấy phá những nương đậu. Mặt trời lặn xuống bên kia đồi và màn chiều buông xuống, ta lẳng lặng ngồi chờ trăng lên. Trăng vừa ló dạng là ta bắt đầu đi dạo, bóng cũng theo người in đó đây trên mặt đất. Khi trời vào khuya, ta mới trở lại túp lều và suy ngẫm về những điều phải trái, mắt đăm đăm nhìn vào chỗ cách chia cái bóng lù mù với ánh đèn đêm.

Bashô còn có dịp được sống cuộc đời ẩn dật như vậy thêm một lần nữa ở Ngôi nhà quả hồng rụng (Rakushisha) ở Saga, ngoại ô tây bắc Kyôto. Chủ nhân của nó là Mukai Kyorai (1651-1704), một đệ tử. Gọi tên như thế vì ngoài sân nhà có trồng dăm gốc cây quả hồng (cây thị). Ở đó cũng có nhiều lùm tre và chúng đã được Bashô lấy làm bối cảnh cho một bài thơ nổi tiếng của ông:

Hototogisu
Ôtakeyabu wo
Moru tsukiyo

Tiếng chim kêu cuốc cuốc,
Len qua bụi trúc dày, Để lọt ánh trăng thanh.

Bashô ngụ lại ngôi nhà này 17 hôm vào mùa hè 1691. Thời gian này đã hun đúc nên Nhật ký Saga (嵯 峨 日 記 Saga Nikki), tác phẩm văn xuôi dài cuối cùng của ông.

Trong suốt thời gian trú ẩn ở hai địa chỉ này và một số nơi khác trong khu vực Kyôto và Hồ Biwa, nhiều khách đồng điệu với quan niệm thi ca của ông đã đến viếng. Đặc biệt là hai đệ tử đầu đàn của ông: Kyorai và Nozawa Bonchô (16? – 1714). Chính hai người này phụ trách việc biên tập một thi tuyển haikai dưới sự chỉ đạo của ông. Tuyển tập đó mang tên Áo tơi cho khỉ (猿 蓑 Sarumino) đã được xuất bản đầu mùa hè 1691. Nó dược đánh giá như tác phẩm tượng trưng cho cao điểm của thơ haikai theo phong cách Bashô. Quan niệm sabi và những nguyên tắc khác về cách làm thơ đã được chung đúc trong thời gian của cuộc lữ hành đi về miền Bắc được bày tỏ rõ ràng ở đây. Qua những ví dụ được dẫn ra từ thi tuyển mới này, người ta thấy rằng haikai là một nghệ thuật đứng đắn, trang trọng, có nội dung thâm sâu, hàm chứa những nhận xét chín chắn về con người và thế giới chung quanh họ.

Bashô về lại Edo vào mùa thu năm 1691. Bằng hữu và môn sinh ở đó, không gặp thầy đã hơn 2 năm, tiếp đón ông nồng nhiệt. Họ lại chung tiền góp vốn để dựng lại cho ông lần thứ ba một cái Am Bashô vì ông đã bỏ cái am cũ từ cuộc du hành cuối cùng. Thế nhưng trong cái Am Bashô thứ ba này, nhà thơ không thể sống cuộc đời bình lặng như ông mong mỏi bởi vì có nhiều người ông phải nuôi nấng. Chẳng hạn một người cháu tật nguyền đã đến ở với ông. Ông chăm nom cậu cho đến khi cậu ta qua đời vào mùa xuân 1693. Một người đàn bà khác tên Jutei 寿 貞, dường như có mối liên hệ đặc biệt với ông thời trẻ, cũng đã đến nương tựa. Bà ta không được mạnh khoẻ, còn dắt theo mấy người con. Dù phải lo liệu mọi chuyện không liên quan gì đến thi phú như vậy, ông vẫn có nhiều hoạt động nghệ thuật vì tiếng tăm của ông đã nổi như cồn. Nhiều người tìm đến hoặc mời ông tới chơi với họ. Chẳng hạn, trong một bức thư viết vào ngày 8 tháng chạp năm 16937, ông đã thông báo cho một người khách muốn gặp là ông sẽ không có nhà vào các ngày 9, 10, 11, 12, 14, 15 và 16 để nhắn rằng nếu khách có đến, xin chọn ngày 13 hoặc 18. Trong một bức thư khác viết cùng lúc, ông nói thẳng thừng: “ Bị quấy quả bởi người khác, tâm trí ta không một chút bình yên!” Tết Nguyên Đán năm đó, ông làm bài haiku sau đây:

Toshidoshi ya
Saru ni kisetaru
aru no men

Năm tháng nối nhau qua,
Trên khuôn mặt khỉ kia,
Mang thêm mặt nạ khỉ

Bài thơ này đượm một màu cay đắng hiếm khi thấy trong thơ Bashô. Ông có vẻ như không hài lòng về những bước tiến quá chậm chạp của ông (và có thể một vài đệ tử).

Những trách nhiệm này trở thành một áp lực trên ông, lần hồi Bashô trở thành bi quan yếm thế, hầu như không còn tin tưởng vào gì nữa. Sở dĩ ông muốn trở thành thi sĩ là để vượt lên trên những ràng buộc của cuộc đời nhưng bây giờ ông thấy việc đời hoàn toàn trói buộc mình vì đã đạt được danh vọng. Giải pháp lúc đó là từ chối làm thi sĩ hay đóng cửa không gặp ai cả. Bashô đã thử giải pháp thứ nhất nhưng vô hiệu: “Ta đã thử từ bỏ thi ca và giữ im lặng nhưng cứ mỗi lần như thế thì tình thơ lại sống dậy trong tim và có cái gì giống như tia chớp lóe lên trong trí. Đó chính là tiếng kêu gọi đầy ma lực của thi ca vậy”. Ông đã lún quá sâu trong lãnh vực thi ca rồi. Bây giờ chỉ còn có giải pháp thứ hai để thay thế : đóng cửa tạ khách. Ông bắt đầu làm như thế vào mùa thu năm 1693, tuyên bố như sau:

Những lần người khác đến chơi, họ đều bàn những chuyện vô ích. Còn mỗi lần ta đi thăm ai, lại có cảm giác khó chịu là đang can thiệp vào công việc của người. Bây giờ ta không còn cách nào hơn là theo gương Sun Ching hay Tu Wu-lang8 mà cửa đóng then cài, không giao tiếp với thế nhân. Việc không có bạn trở thành người bạn của ta, cái nghèo túng là sự giàu sang của ta. Với một lão già 50 ngoan cố như ta thì những vần sau đây có thể làm câu răn mình:

Asagao ya
Hiru wa jô orosu
Mon no kaki

Mở lúc triêu nhan nở,
Trưa đến ta cài then,
Trên hàng dậu cổng nhà.

Hiển nhiên Bashô mong được ngắm vẻ đẹp của hoa triêu nhan mà không phải cài then trên cánh cổng. Muốn được, tất phải mất nhiều thời giờ ngồi một mình trong nhà suy nghĩ cho ra giải pháp. Ông đã giải quyết vấn đề như thế, ít nhất đủ cho mình tạm thời thỏa mãn, và lại mở cổng sau một tháng khép kín.

Giải pháp của Bashô dựa trên khái niệm karumi 軽 み(nhẹ lâng), một biện chứng vượt qua khỏi khái niệm sabi 寂 び (cô quạnh). Nếu sabi khuyến khích người ta tách rời ra những ràng buộc của cuộc đời thì karumi giúp cho việc đó trở thành khả thi, nghĩa là nếu ai đạt được đến tâm cảnh ấy rồi, người ấy thể trở lại với thế giới hằng ngày. Trên phương diện tinh thần, người ấy sẽ là khách bàng quan giữa cuộc đời ô trọc. Ông ta không trốn chạy khỏi những đau thương của cuộc sống đứng ở bên lề, mỉm cười nhìn nó trôi qua. Bashô bắt đầu viết theo nguyên lý này và đã khuyên học trò đi cùng hướng với mình. Nỗ lực đó đã đưa tới việc họ đã hoàn thành những tuyển tập haikai như Bị đựng than (炭 俵 Sumidawara), Gian phòng biệt lập (別 座 敷 Betsuzashiki), Áo tơi cho khỉ, tập tiếp theo (続 猿 蓑 Zoku-Sarumino). Những bài thơ tiêu biểu trong những tập này thường chối từ chủ nghĩa cảm thương (sentimentalism) mà giữ một sự bình tĩnh và có thái độ thanh thản đối với mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời. Nhiều khi chúng còn được tô điểm thêm bằng một nét hài hước ý nhị.

Tìm lại được sự quân bình trong tâm hồn như thế rồi, Bashô bắt đầu dự tính một cuộc hành trình khác. Có lẽ ông cũng lo truyền bá karumi, nguyên tắc thi ca mới của mình, cho những nhà thơ sống xa Edo. Chính vì vậy, mùa hè năm 1694, ông lại làm một chuyến đi mới nhưng vẫn trên lộ trình quen thuộc về hướng tây. Lần này, đi theo ông có anh Jirôbe, một trong những người con trai của bà Jutei. Ông dừng chân một tẹo ở Ueno rồi đi thăm một số môn đệ ở Kyôto và những thành phố kế cận mạn nam hồ Biwa. Bà Jutei 寿 貞, sức khoẻ đã sa sút trong những ngày sống ớ Am Bashô, qua đời lúc đó, buộc lòng Jirôbe phải trở lại Edo một thời gian. Quá đỗi thương xót, Bashô phải lui về nghỉ dưỡng ở Ueno độ chừng một tháng. Sau đó, cùng với dăm người bà con bạn bè kể cả Mataemon, con trai anh mình, và cậu Jirôbe, ông lên đường đi Ôsaka. Thế nhưng sức khỏe của nhà thơ suy sụp nhanh chóng dù rằng ông còn chút sức để viết đôi vần thơ thật xuất sắc. Một trong những bài thơ đó là:

Kono aki wa
Nan de toshiyoru
Kumo ni tori

Cớ sao mùa thu này,
Ta già đi quá đỗi,
Chim bay vào trong mây.

Bài thơ cho thấy Bashô ý thức rằng ông đã bước vào những ngày tàn của cuộc đời. Sau khi phải nằm liệt giường vì những cơn đau bao tử hoành hành, ông không còn có thể hồi phục nữa. Rất nhiều đồ dệ đã hối hả đến Ôsaka, tụ tập bên ông9. Dường như Bashô vẫn giữ được sự bình tĩnh trong những ngày cuối. Trên giường bệnh, ông đã chép lời căn dặn gửi đến cho người anh, có đoạn: “Em rất buồn phải bỏ bác ra đi. Em mong cháu Mataemon hiếu thảo để bác có thể hưởng được một tuổi già hạnh phúc! Ngoài ra, em không còn điều gì thưa với bác nữa.” Điều duy nhất còn quấy rầy tâm trí ông chỉ là thi ca. Theo ghi chép của các đệ tử, Bashô hoàn toàn ý thức rằng đây là giờ phút để đọc kinh khấn nguyện chứ không phải để làm thơ nhưng ông vẫn không khỏi tiếp tục nghĩ về nó. Thi ca đã trở thành một ám ảnh – “một sự gắn bó tội lỗi” – theo lối ông đặt tên cho nó. Bài thơ tuyệt mệnh như sau:

Tabi ni yande
Yume wa kareno
Kakemeguru

Lữ thứ thân nằm bệnh,
Mộng hồn còn luẩn quẩn,
Trên cánh đồng hoang vu.

(còn tiếp)

Phụ Lục: Niên Biểu Bashô

Hành trình của một nhà thơ giữa lòng thời đại

1644 (1 tuổi ta):

Matsuo Bashô ra đời gần thị trấn Ueno xứ Iga (thành phố Ueno tỉnh Mie ngày nay).

Cha ông, Matsuo Yozaemon, là một samurai thuộc hạ của phiên Tôdô (dòng dõi Đại tướng Tôdô Takatora, 1556-1630). Bashô là con thứ hai. Lúc nhỏ tên Kinsaku, lớn lên là Munefusa (còn đọc là Sôbô) hay Jinshichirô. Ngoài anh trai Hanzaemon Norimasa (mất năm 1701), ông còn có 1 chị và 3 em gái.

Nhật lúc đó đang ở vào đời thịnh trị của Shôgun Tokugawa đời thứ 3 là Iemitsu. Nhà Minh vừa bị diệt vong (1368-1644) bên Trung Quốc.

1656 (13 tuổi):

Bố mất. Có lẽ lúc này, Bashô đã vào giúp việc cho nhà Yoshitada, thân nhân trẻ của vị lãnh chúa cai quản địa phương.

Nhật Bản đang ở giữa thời Shôgun Tokugawa đời thứ 4 Ietsuna. Hoàng đế Khang Hynhà Thanh mới tức vị.

1662 (19 tuổi):

Viết vần thơ đầu tiên (chủ đề năm mới) được biết cho đến nay.

Có lẽ lúc này Bashô vào giúp việc bếp núc cho gia đình Tôdô Yoshitada, kế tử của một lãnh chúa lương 5.000 thạch thóc. Từ năm 1661, ông đã bắt đầu theo học haikai với Kitamura Kigin 北 村 季 吟, một nhân vật quan trọng của phái Matsunaga Teitoku. Bashô mang bút hiệu Sôbô (Tông Phòng) từ dạo này.

Tokugawa Mitsukuni, phiên chủ phiên Mito mời di thần nhà Minh là Chu Thuấn Thủy sang Nhật.

1664 (21 tuổi):

Hai bài thơ của Sôbô (Bashô buổi đầu) đã được đăng trong Hẻm núi Sayo no Nakayama (Sayo no Nakayama) do Junrai biên tập.

1665 (22 tuổi):

Ông tham dự vào hội thơ kỷ niệm lần thứ 13 húy nhật của Matsunaga Teitoku松永貞徳 do Yoshitada (bút hiệu Sengin) chủ trì.

1666 (23 tuổi):

Yoshitada mất vì bệnh (25 tuổi). Bashô từ chức và bước vào cuộc đời lang bạt trong một khoảng thời gian dài. Hình như ông lên sống ở Kyôto một thời gian. Có khi ông đến nương tựa người anh, khi lại giao du với Kigin, khi thì muốn đi tu. Có ít nhất bốn bài haiku của Bashô dưới bút hiệu Sôbô đã được đăng trong tuyển tập Gấm đêm (夜の錦Yo no nishiki) do Naitô Fuuko, lãnh chúa phiên Iwaki Taira, biên tập.

Nhà tư tưởng Yamaga Sokô bị mạc phủ giam lỏng.

1667 (24 tuổi)

Tác phẩm Giếng nước núi, tập tiếp theo (Zoku-Yamanoi) do Kitayama Koshun biên tập có đăng 28 hokku của Sôbô (Bashô).

Bên Anh, John Milton viết xong Thiên đàng lỡ (Paradise Lost).

1669 (26 tuổi)

Tác phẩm Ngọc như ý ( Nyoihôshu) của Ogino Ansei có cho vào tập 6 bài thơ của Sôbô (Bashô).

1670 (27 tuổi):

Tác phẩm Hành hương trên đất Yamato (Yamato Junrei) của Okamoto Seishin có đăng 2 bài của Sôbô (Bashô).

Ở Pháp, Pascal hoàn thành tập nghị luận Suy tưởng (Pensée).

1672 (29 tuổi):

Cúng dường (tiếng Nhật dùng từ Hán phụng nạp) Trò chơi bốc vỏ sò (Kaiôi) – thành quả của Hội bình thơ 30 hiệp (Sanjuuban Hokkuawase) – cho một ngôi đền ở Ueno. Sau đó lên Edo đi tìm cuộc đời mới và chuyển hẳn từ phong cách Teimon của Matsunaga Teitoku sang phong cách Danrin của Nishiyama Sôin.

Nhà thám hiểm Kawamura Zuiken tìm ra đường biển vòng phía Tây nối kinh đô với miền bắc Nhật Bản.

1674 (31 tuổi):

Được Kitamura Kigin phái Danrin truyền cho Haikai bị chôn vùi Haikai Umoregi, tác phẩm ghi chép bí quyết của renku và haiku.

1675 (32 tuổi):

Tham dự cuộc tiếp rước người lãnh đạo phái Danrin là Nishiyama Sôin 西 山 宗 因 lúc ông này qua miền Đông. Bashô đổi bút hiệu từ Sôbô sang Tôsei.

Các xứ Yamato, Settsu, Kawachi đều bị nạn đói. Mạc phủ phải cứu trợ.

1676 (33 tuổi):

Cùng với Yamaguchi Shinshô 山 口 素 堂 (hiệu Sodô = Tố Đường) viết một bài song ngâm (ryôgin), sau có biên thành tập hai trăm vần nhan đề Tập song ngâm ở Edo (江 戸 両 吟 集 Edo ryôginshuu) và cúng dường cho đền Tenmanguu. Về thăm Ueno trong một chuyến đi ngắn ngủi vào dịp hè, có cháu là Yuushi 猶 子 và học trò là Tôin 桃 印 theo cùng. Trong Liên châu, tập tiếp theo (続 連 珠 Zoku Renju) của Kitamura Kigin thấy chép 6 hokku và 4 tsuiku của Sôbô-Tôsei (Bashô).

1677 (34 tuổi):

Mùa đông, cùng soạn với Shintoku 信 徳 và Shinshô 信 章 một renku tam ngâm bách vận hai quyển.

Tháng 8, xảy ra vụ dân oan ở phiên Gujô xuống Edo khiếu kiện.

1678 (35 tuổi):

Soạn thêm tam ngâm bách vận với Shintoku và Shinshô. Cho in tất cả thành Edo tam ngâm bách vận (江 戸 三 吟 百 韻 Edo sangin hyakuin). Viết những lời bình luận cho Hội bình thơ mười tám hiệp đấu (Juuhachiban kuawase) của nhóm Kishimoto Chôwa.

Kép Kabuki Sakata Juujirô đời thứ nhất lần đầu lên sân khấu ở Ôsaka diễn loại tuồng Wagoto với chủ đề tình yêu, luyến ái nam nữ.

1680 (37 tuổi):

Xuất bản Những vần thơ hay nhất của 20 môn đệ Tôsei (Tôsei Montei Dokugin Nijikkasen), tuyển tập của hai mươi đệ tử đắc ý. Làm chủ khảo Hội bình thơ dân dã (Inaka kuawase) do đệ tử là Sampuu và Hội bình thơ trường xuân (Tokiwaya kuawase) do đệ tử là Kyorai đề xướng. Nhập cư am Bashô đầu tiên (Am Bashô I).

Tướng quân đời thứ 4 là Ietsuna mất (40 tuổi). Theo di chúc của ông, Tsunayoshi trở thành Shôgun đời thứ 5.

1681 (38 tuổi):

Mùa thu, bắt đầu dùng Haseo, Baseo, Baseu tức những tự dạng khác nhau của Bashô để làm biệt hiệu.

1682 (39 tuổi):

Am Bashô I bị thần hỏa thiêu rụi vì ngọn lửa phát ra từ chùa Daienji. Ông xuống vùng Kai (gần Tôkyô, thuộc tỉnh Yamanashi bây giờ), tạm trú ít lâu.

Nishiyama Sôin mất (78 tuổi)

1683 (40 tuổi)]

Việc biên tập Những hạt dẻ rỗng (Minashiguri) hoàn thành. Mẹ ông qua đời ở Ueno. Am Bashô mới (Am Bashô II) được dựng lên.

Mitsui Takatoshi (tổ tập đoàn tài phiệt Mitsui) mở hãng đổi chác tiền bạc quí kim ở Edo.

1684 (41 tuổi):

Cùng với đệ tử là Naemura Chiri 苗 村 千 里 bắt đầu làm chuyến hành trình về miền Tây mà thành quả là tập du ký mang tên Dọc đường mưa gió (Nozarashi Kikô) tức Giáp Tý ngâm hành (Kasshi Ginkô). Khi ghé Nagoya, ông hướng dẫn những nhà thơ trẻ địa phương và cùng soạn liên ngâm Mặt trời mùa đông (Fuyu no hi). Sau khi về đến Iga Ueno được dăm hôm, ông đã tiếp tục thăm những vùng Yamato, Yoshino, Yamashiro… đến tháng 9 thì đặt chân ở Ôgaki (tỉnh Gifu bây giờ) để thăm Tani Bokuin 谷 木 因.

Mạc phủ ban lệnh kiểm soát ngành xuất bản.

1685 (42 tuổi):

Về cố hương Iga Ueno ăn Tết. Sau đó đi Nara xem lễ múc nước (mizutori) ở chùa Tôdaiji. Giữa tháng 3, ghé Ôtsu (tỉnh Shiga), Atsuta, Narumi (tỉnh Aichi) … ở đâu cũng tham dự các hội bình thơ.

Takimoto Gidayu sáng lập rạp kabuki Takemoto-za ở Ôsaka. Họa sư phái Tosa là Sumitomo Tomoyoshi được vời vào làm việc cho Mạc phủ.

1686 (43 tuổi):

Viết những lời bình mà ngày nay được biết dưới cái tên Lời bình cho những vần thơ đầu năm (Hatsukaichi Hyôchuu). Bài thơ nổi tiếng Furuikeya/ Kawadzu tobikomu /Mizu no oto được làm ra và đăng trong tập Hội bình thơ con ếch (Kawadzu Awase) gồm 20 hiệp đấu.

Nhà văn Ihara Saikaku xuất bản tiểu thuyết Năm người đàn bà đa tình (Kôshoku Gonin Onna).

1687 (44 tuổi):

Tháng 8, đi thăm đền Kashima có Sora 曽 良và Sôha 宗 波 tháp tùng. Viết nên Chuyến hành hương đền Kashima (Kashima Môde). Chủ khảo một cuộc thi thơ mà về sau nội dung được ghi lại trong tập Cánh đồng bất tận (Tsuzuki no hara). Tháng 10, làm chuyến lữ hành để viết nên Tráp đeo lưng cũ (Oi no kobumi). Cuối năm về lại quê nhà Iga Ueno.

1688 (45 tuổi):

Đầu năm, tham bái Thần cung Ise. Tháng ba, sau khi xem hoa anh đào với Tokoku 杜 国 ở Yoshino (tỉnh Nara), du lịch các vùng Kôyasan, Nara, Ôsaka, Suma, Akashi, tháng tư thì về Kyôto. Tháng 5 đi thăm các vùng Ôtsu, Owari, Nagoya, Atsuta, Narumi… đâu đâu cũng tham dự các cuộc bình thơ. Trở về Edo vào mùa thu rồi cùng Etsujin 越 人 làm chuyến du ngoạn ở Sarashina, viết thành Chuyến viếng thăm thôn Sarashina (Sarashina Kikô).

Thời Genroku, một giai đoạn văn hóa xán lạn bắt đầu. Nhà nghiên cứu Keichuu viết Vạn Diệp Đại Tượng Ký Man.yô Daishôki nghiên cứu Vạn Diệp Tập (Man.yôshuu)

1689 (46 tuổi):

Với Sora, hành trình suốt những tỉnh miền bắc trên đảo Honshuu (Nikkô, Shirakawa, Matsushima, Hiraizumi, Obanazawa, Dewa sanzan, Sakata, Kisagata, Izumozaki, Kanazawa, Fukui, Tsuruga…), cuối cùng ngừng bước ở Ôgaki. Chuyến đi đã giúp tư liệu để viết Đường mòn miền Bắc (Oku no hosomichi), sẽ được biên tập ít lâu sau. THáng 9 về quê rồi đi thăm lại Nara, Kyôto, Ôtsu. Cuối năm, đón xuân ở Zeze. Gichuuji 膳 所 義 仲 寺 (tỉnh Shiga). Chùa Gichuuji (Nghĩa Trọng Tự) là nơi có ngôi mộ của danh tướng thời Kamakura là Minamoto no Yoshinaka (源 義 仲 Mộc Tăng Nghĩa Trọng)..

Tháng 11, Shibukawa Shunkai thiết lập đài thiên văn ngay trong phủ đệ của mình ở Honjô (thuộc Edo).THáng 12, Kitamura Kigin và cha con Koshun trở thành cố vấn về thi ca cho Mạc phủ.

1690 (47 tuổi):

Rời Gijuujii, thăm bạn bè và học trò vùng Kyôto. Ở lại Am Huyễn Trú (Genjuuan) bên bờ hồ Biwa một vài tháng hè. Kỷ niệm về thời gian này được đúc kết trong Ghi chép về am Huyễn Trú (Genjuuan ki). Lại bỏ Genjuuan về Zeze ngụ ở Am Vô Danh (無 名 庵 Mumyôan) trong khuôn viên Gijuuji đến tận năm sau.

Mạc phủ ra lệnh cho nho gia Hayashi Hôkô dời nhà học từ tư dinh về khu Yushima nhằm nâng cao vai trò Khổng giáo. Y sư người Đức Engelbert Kaempfer của Thương quán Hà Lan đến Nhật.

1691 (48 tuổi):

Dừng chân ở Ngôi nhà những quả hồng rụng (Rakushisha) khoảng hơn hai tuần trong mùa hè và viết Nhật ký Saga (Saga Nikki). Xuất bản Áo tơi cho khỉ (Sarumino). Từ tháng 5, dọn đến nhà học trò là Bonchô ở Kyôto rồi tháng 6 lại về Zeze. Gichuuji. Chỉ trở lại Edo vào khoảng cuối năm.

Mạc phủ bắt nho gia để tóc, cấm phái Hiden của tông Nichiren hoạt động. Mitsui Takatoshi trở thành người đổi tiền cho nhà nước.

1692 (49 tuổi):

Am Bashô được dựng lại lần thứ hai (Am Bashô III) nhờ sự quyên góp do các môn đệ như Sampuu, Sora và Tarasui 岱 水… thực hiện. Bashô nhân đấy viết một bài haibun về việc chuyển trồng mấy bụi chuối.

Tháng 1, Ihara Saikaku cho in tiểu thuyết Những tính toán người đời vào ngày cuối năm Seken munesanyô .

1693 (50 tuổi):

Viết bình luận về thơ nay được biết dưới tên Những lời bình đêm thu (Aki no Yo Hyôgo). Đóng cửa tạ khách một thời gian.

1694 (51 tuổi ta):

Cho xuất bản Bị đựng than (Sumidawara). Tháng năm, cùng con trai bà Jutei là Jirôbe về Iga Ueno. Cho đến trung tuần tháng bảy, đi thăm Ôtsu, Kyôto và có ghé lại Rakushisha ở Saga. Luôn miệng giảng giải về khái niệm nhẹ lâng (karumi). Bà Jutei mất trong thời gian giữ am cho Bashô ở Fukagawa (Edo). Buồn, ông lui về Vô Danh Am (Mumyôan) ở Zeze. Gichuuji tĩnh dưỡng. Ngày Vu Lan trở lại quê nhà nhưng không bao lâu lên đường đến Ôsaka sau một đêm ghé Nara. Bệnh cũ tái phát. Lại mắc chứng cảm lạnh, nhức đầu phải nằm liệt giường ở nhà trọ của Hanaya Niemon ở Ôsaka. Thần sắc ngày càng suy sụp. Nhờ học trò là Shikô 支 考 thảo ba bức di chúc trong đó có một dành cho người anh cả, Hanzaemon. Chết ở Ôsaka vào đầu mùa thu và theo nguyện vọng, được chôn trong khu vực Gichuuju bên bờ hồ Biwa.

1 Gần đây có thuyết cho rằng được thuê làm người hầu cận hay giữ việc bếp núc, trông coi lương thực cho gia đình Yoshitada.

2 Theo Takeda Tomohiro, Oku no hosomichi, vì ngưỡng mộ Lý Bạch, Bashô đã lấy hài hiệu (biệt hiệu để viết haiku) là Đào Thanh. Đào đối với Lý và Thanh đối với Bạch.

3 Kawai Sora (河 合 曽 良, 1649-1710), học trò yêu của Bashô. Ông sống gần bên Am thầy, ngày thường vẫn lui tới viếng thăm. Có lẽ vì mối liên hệ thân thiết ấy nên Bashô thường chọn ông làm người tháp tùng trong những chuyến đi.

4 Tiếng Anh trong tác phẩm Ueda Makoto là The Narrow Road to the Deep North. Có thể dịch: Lối nhỏ lên vùng Oku hay Đường hẹp vào nơi sâu thẳm, tùy theo cách hiểu.

5 Tác phẩm của Kondô Sakichi 近 藤 佐 吉 tức Kondô Romaru 近 藤 呂 丸 (năm sinh và mất không rõ) , một nhà thơ lớp sau, gốc nhà thợ nhuộm, ngưỡng mộ Bashô, đã có lần được gặp. Ông đã đề cập đến lý luận “bất dịch lưu hành” (mọi vật lưu chuyển trong sự bất biến) của Bashô và khuyên người làm thơ “không được rời xa cái hồn của đại tự nhiên”, đúng như điều thi hào đã chủ trương.

6 Tác phẩm của Tachibana Hokushi 立 花 北 枝 ( ? – 1718) một đệ tử đến muộn (1689) của Bashô, nhập môn ông trong chuyến nhà thơ đi lên miền Bắc. Ông trước làm nghề mài kiếm. Ca ngợi tình cảm yêu chuộng sự cao khiết thanh bần, xa rời thế tục thấy trong thơ của thầy. Nhan đề còn có thể lồng ý “Sơn trung vấn đáp” (Chuyện vãn trong núi) từ một bài thơ của Lý Bạch ca tụng cảnh nhàn.

7 Người Nhật chỉ dùng Dương lịch kể từ năm 1873. Cho đến lúc đó họ theo âm lịch. Năm của họ lúc đó bắt đầu chậm hơn lịch Gregorian khoảng một tháng.

8 Trong nguyên văn Ueda Makoto viết bằng mẫu tự La Tinh nên người dịch không rõ âm Hán tên hai vị này. Tuy nhiên trong phần ghi chú Ueda có giải thích: Sun Ching là một học giả đời Tam Quốc, đóng cửa đọc sách suốt ngày. Nghe kể rằng ông treo thòng lọng vào cổ để khỏi ngủ gật khi đọc sách ban đêm. Còn Tu Wu-lang là một học giả lập dị đời Tống, chỉ thích nằm nhà, có sách chép 30 năm ông ta không ra khỏi cửa một lần.

9 Xin xem quang cảnh bên giường bệnh này tả lại trong Kareno (Cánh đồng khô) một đoản thiên phúng thích của Akutagawa Ryuunosuke (NNT dịch trong Trinh Tiết, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội).

Comments are closed.