Mấy nhận xét về ứng xử ngữ pháp của yếu tố Hán Việt và hệ quả của nó về ngữ nghĩa và ngữ âm

Hoàng Dũng

 

1. Sau sự kiện Khúc Thừa Dụ xưng nền tự trị (năm 906) và chiến thắng của Ngô Quyền (năm 938), tiếng Hán ở Việt Nam bắt đầu bị tách rời với tiếng Hán ở Trung Quốc, đi theo một con đường riêng, dần dần khác biệt về cả ba phương diện ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp, hình thành nên tiếng Hán Việt[1] (xem Nguyễn Tài Cẩn 1998). Đóng một vai trò rất quan trọng trong tiếng Việt, tiếng Hán Việt từ lâu đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà chuyên môn (chẳng hạn, Nguyễn Tài Cẩn 1979, Lê Đình Khẩn 2002). Nhưng phần lớn công trình nghiên cứu về tiếng Hán Việt chú trọng đến ngữ âm hay từ vựng, mà ít quan tâm đến ngữ pháp.

Bài này tập trung vào việc khảo sát khả năng kết hợp của các yếu tố Hán Việt, từ đó xem xét sự tác động của nó về mặt ngữ nghĩa và đôi khi cả về mặt ngữ âm. Như thế, vùng quan tâm của bài viết là giao diện ngữ pháp – ngữ nghĩa – ngữ âm của các yếu tố Hán Việt.

2. Một quan niệm phổ biến ở những người không chuyên môn, là chỉ chấp nhận khả năng kết hợp [Hán Việt + Hán Việt][2]. Đây là biểu hiện điển hình của chủ trương đặt sự “trong sáng” lên hàng đầu (purism), bất chấp nhiều cứ liệu tồn tại một cách rất phổ biến trong thực tế tiếng Việt hiện đại.

Quả vậy, dễ dàng bắt gặp những danh ngữ [Phi Hán Việt + Hán Việt][3] trong đó thành tố chính đứng sau.

Yếu tố phi Hán Việt có thể là thuần Việt như trong bếp trưởng, chuyền trưởng, cửa hàng trưởng, máy trưởng, nhóm trưởng, quầy trưởng, xóm trưởng, … xoắn trùng / xoắn khuẩn, phẩy trùng / phẩy khuẩn. Nếu các danh ngữ [Hán Việt + Hán Việt] như hải tặc, không tặc, sơn tặc, thuỷ tặc, … có tặc với nghĩa là “giặc”, còn thành tố đứng trước chỉ không gian hoạt động của giặc (hải tặc “giặc [hoạt động] trên biển”; không tặc “giặc [hoạt động] trên không (= máy bay)”, sơn tặc “giặc [hoạt động] trên núi”, thuỷ tặc “giặc [hoạt động] trên sông nước”), thì gần đây, lại thấy xuất hiện những danh ngữ [Thuần Việt + Hán Việt][4], trong đó thành tố đứng trước không còn chỉ “không gian hoạt động” như trước, mà phổ biến là chỉ đối tượng bị cướp hay trộm: bò tặc, cà tặc, chim tặc (Công an TP Đà Nẵng 15/8/2013), dầu tặc, dế tặc (kẻ trộm / cướp “dế” – tiếng lóng chỉ điện thoại), dưa tặc, dừa tặc (Lao động 08/02/2013), đá tặc, gà tặc, gạch tặc, mai tặc, mèo tặc, nghêu tặc (Tuổi trẻ 25/04/2012), rùa tặc, sưa tặc (kẻ trộm cây sưa), than tặc, thiếc tặc (Người lao động, 11/08/2013), tôm tặc, xe tặc, …[5] Thảng hoặc có một số trường hợp chỉ phương tiện của kẻ phạm pháp: bùn tặc, rác tặc, bụi tặc không phải là kẻ trộm bùn hay rác hoặc bụi, mà là làm ô nhiễm môi trường bằng cách đổ trộm bùn hay rác hoặc gây ra bụi; khoan tặc là kẻ làm mất vẻ mỹ quan bằng cách in bừa bãi quảng cáo “Khoan, cắt bê tông”; cào tặc là kẻ đánh cá bằng ghe cào sử dụng điện; câu tặc là kẻ trộm cá bằng cách câu; lửa tặc[6] (Giáo dục, 4/3/2011) là kẻ dùng lửa đốt người.[7]

Một trường hợp khác của danh ngữ [Thuần Việt + Hán Việt] nói trên là kết hợp [Thuần Việt + quán] xuất hiện ngày càng nhiều và trên khắp cả nước trong cách đặt tên quán ăn: Ba Miền quán, Cây Sung quán, Cây Đa quán, Lò Đất quán, Miền Trung quán, Sông Trăng quán,Cách định danh này cấp một sắc thái đặc biệt cho tên quán, gây ấn tượng cho khách hàng.

Yếu tố phi Hán Việt có thể là tiếng Ấn Âu (trong đó có nhiều kết hợp đã trở nên thông dụng): băng trưởng (dantri.com.vn 29/03/2012) (băng < Pháp bande), ca trưởng (ca < Pháp quart), kíp trưởng (kíp < Pháp équipe), …[8]; cồn kế (cồn < Pháp alcool)[9], vôn kế, ămpe kế, ohm kế; cà phê tặc, cao su tặc; game thủ, cơ thủ ( < Pháp queue) “người chơi môn bi-a”[10]; logic học, robot học, topo học, virus học[11].

Cho đến nay, các danh ngữ [Phi Hán Việt + Hán Việt] kiểu này mới bắt gặp giới hạn trong các yếu tố kế, quán, học, khuẩn / trùng, tặc, thủ, trưởng.

Ở tất cả các dẫn liệu nêu trên, thành tố chính bao giờ cũng là Hán Việt và đứng sau, nghĩa là theo cấu trúc của danh ngữ Hán, trong khi thành tố phụ (đứng trước) lại có thể phi Hán Việt. Như vậy, tiếng Việt đã sử dụng cấu trúc danh ngữ Hán, chứ không phải từ vựng, để tạo những từ ngữ cho riêng mình. Đó là một sự vay mượn ngữ pháp về cấu trúc, một điều cho đến nay ít được chú ý.[12] Cũng cần nói thêm rằng có người đi xa đến mức sử dụng cách nói như nữ nhà văn (Thanh niên, 17/03/2013) hay nữ cây bút (Công an, 24/03/2013), nghĩa là pha trộn cấu trúc danh ngữ Việt (chính trước, phụ sau: nhà + văn, cây + bút) với cấu trúc danh ngữ Hán (chính sau phụ trước: nữ + [nhà văn], nữ + [cây bút]); cách kết hợp này cho đến nay vẫn bị xem là không thể chấp nhận được.

Nhưng không phải tất cả danh ngữ có yếu tố Hán Việt đều theo cấu trúc [phụ + chính] trong đó đảm nhận vai trò chính là yếu tố Hán Việt, mà vẫn tồn tại một số trường hợp có cấu trúc [chính + phụ] (nghĩa là cấu trúc danh ngữ điển hình của tiếng Việt) trong đó đảm nhận vai trò phụ là hình vị Hán Việt hạn chế[13], còn thành tố chính là thuần Việt: thuỷ trong nước thuỷ (lớp thuỷ ngân mỏng ở gương soi), lính thuỷ, máy thuỷ, tàu thuỷ; hoả trong dầu hoả, tàu hoả; …

Ngữ vị từ không phải không có vấn đề đáng bàn: cấu trúc [X + hoá 化] theo mô hình ngữ pháp Hán, trong đó X là phi Hán Việt, đã trở nên phổ biến: cứng hoá, lành mạnh hoá, mềm hóa, môi hoá, mũi hoá, ngói hoá, vôi hoá, xát hoá…; a xít hoá (a xít < Pháp acide), bê tông hoá (bê tông < Pháp béton), xi măng hoá (xi măng < Pháp ciment).

Đối với cấu trúc đẳng lập, nổi lên hiện tượng kết hợp giữa một hình vị Hán Việt hạn chế với một yếu tố thuần Việt cùng nghĩa, ví dụ: binh (兵) lính, ẩm thấp (濕 thấp nghĩa là ẩm), bao (勹) gồm, bao bọc, biến (變) đổi, bồi (培) đắp, kỳ (奇) lạ, mũ mão (帽 mão hay mạo[14] nghĩa là mũ), nuôi dưỡng (養), sinh (生) sống, …

3. Thật ra, từ ngữ lai ghép (hybrid words) không phải là một biệt lệ của tiếng Việt. Đó là hiện tượng chung của các ngôn ngữ Sino-xenic[15] như tiếng Nhật, tiếng Hàn.

Trong tiếng Nhật, đó là trường hợp yếu tố thuần Nhật (kun’yomi) kết hợp với một yếu tố không phải Nhật: là Hán Nhật (on’yomi), ví dụ: [Thuần Nhật + Hán Nhật]: 場 所 basho “nơi, chốn”, 湯 桶 yutō “thùng nước nóng”, [Hán Nhật + Thuần Nhật]: 金 色 kin’iro “màu vàng”, 重 箱 jūbako “hộp đựng thức ăn”, [Thuần Nhật + Hán Nhật + Hán Nhật]: 合 気 道 aikidō “(môn võ) Hiệp khí đạo”; là Ấn Âu: [Nhật + Ấn Âu] カラオケ karaoke (Nhật kara “không” + Anh oke < orche(stra) “dàn nhạc”), [Ấn Âu + Nhật]: シャボン玉 shabondama “bong bóng xà phòng” (shabon < Bồ Đào Nha sabão “xà phòng” + Nhật dama < tama “bóng”). Lại có trường hợp [Ấn Âu + Hán Nhật]: ハンチング帽 hanchingu-bō “mũ đi săn” (hanchingu < Anh hunting “săn” + Hán Nhật “mũ”).

Tiếng Hàn cũng tương tự. Chẳng hạn: [Hán Hàn + Thuần Hàn]: 공부하다 kongpuhata “học” (Hán Hàn kongu “học” + Thuần Hàn hata “làm”), 幸福하다 hengpokhata “hạnh phúc” (Hán Hàn hengpok “hạnh phúc” + Thuần Hàn hata “làm”), 다행이다 tahengita “may mắn” (Hán Hàn taheng “vui” + thuần Hàn ita “là”; [Ấn Âu + Thuần Hàn]: 메리추석 Merry Chuseok “Trung Thu vui vẻ” (Anh merry “vui vẻ” + Hàn Chuseok “Trung thu”), 굿밤 gutbam “chúc ngủ ngon” (gut < Anh good + Hàn bam “đêm” – mô phỏng tiếng Anh goodnight), 방울토마토 bangultomato “cà chua bi” (Hàn bangul “giọt (nước)” + Anh tomato “cà chua”), 비닐 봉투 binilbongtu “túi nylon” (binil < Anh vinyl + Hàn bongtu “túi”).

Từ ngữ lai ghép cũng có thể bắt gặp phổ biến trong các tiếng Ấn Âu. Chẳng hạn, tiếng Anh có nhiều từ gốc Hy Lạp hay La Tinh, nhưng không phải bao giờ cũng cấu tạo từ bằng các hình vị thuần Hy Lạp hay thuần La Tinh, mà có khi kết hợp La Tinh và Hy Lạp. Chẳng hạn: “đồng tính luyến ái” homosexual (< Hy Lạp homos + La Tinh sexus), “siêu chỉnh” hypercorrection (< Hy Lạp hyper + La Tinh correctio), “siêu dữ liệu” metadata (< Hy Lạp meta + La Tinh data); “xã hội học” sociology (< La Tinh socius + Hy Lạp logos), “ti vi” television (< Hy Lạp tēle + La Tinh visio). Đáng chú ý là cũng như trường hợp tiếng Việt, trong tiếng Anh có trường hợp song hành cả hai cấu trúc lai ghép và phi lai ghép cùng nghĩa. Cf. “chứng sợ nước” aquaphobia (< La Tinh aqua + Hy Lạp phobos) với hydrophobia (< Hy Lạp hydro + Hy Lạp phobos), “đơn ngữ” monolingual (< Hy Lạp monos + La Tinh lingua) với unilingual (< La Tinh uni + La Tinh lingua), “lưỡng trị” divalent (< Hy Lạp di- + La Tinh valentem) với bivalent (< La Tinh bi- + La Tinh valentem).

Từ ngữ lai ghép là một hiện tượng phổ quát. Có thể nói, có tiếp xúc ngôn ngữ là có lai ghép, do đó một ngôn ngữ không có lai ghép thì cũng khó hình dung như một ngôn ngữ tuyệt nhiên không có sự tiếp xúc nào với ngôn ngữ khác.

4. Tại sao từ ngữ lai ghép lại có một sức sống mạnh mẽ, đến mức sự chê trách của phái purism dù có gay gắt đến đâu cũng khó lòng ngăn cản được? Trước hết, do đó là một phương thức phát triển tất yếu của ngôn ngữ. Nhưng về mặt cấu trúc, để lý giải, tưởng nên nhớ đến câu nổi tiếng sau đây của Ferdinand de Saussure, mà trong Lời nói đầu bản dịch Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Cao Xuân Hạo đã trang trọng trích làm đề từ: “Ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất: quan điểm của người bản ngữ.” (Saussure 2005: 5).

Quả vậy, người bản ngữ không cần biết lịch sử ngôn ngữ. Đối với họ, cái hiện thực duy nhất là đồng đại. Trên bình diện từ nguyên học đồng đại, người Việt nhận thức hình vị Hán Việt tự do trong cấu trúc danh ngữ [chính + phụ] như là hình vị thuần Việt, do đó không có gì khác biệt giữa những danh ngữ kiểu [Thuần Việt + Hán Việt] như thế với danh ngữ kiểu [Thuần Việt + Thuần Việt] (cf. bàn học (學) với bàn ăn; hòn ngọc (玉) với hòn đất; máy ảnh (影) với máy may; người bệnh (病) với người lành; nỗi khổ (苦) với nỗi buồn; tàu điện (電) với tàu lửa; thuốc bổ (補) với thuốc ho; tượng đồng (銅) với tượng đá; vết thương (傷) với vết mổ;…)[16].

Đối với trường hợp hình vị Hán Việt hạn chế, kiểu thuỷ trong tàu thuỷ, thì thực ra việc kết hợp loại hình vị tự do với hình vị hạn chế không phải hiếm trong tiếng Việt, chẳng hạn: cá chình, cá ngát, chó má, chợ búa, diều hâu, dưa hấu, đậu nành, lúa hẻo, … Như vậy, cách kết hợp [Thuần Việt + Hán Việt hạn chế] thực chất không phải là một biệt lệ gì.

Nói tóm, hai cách kết hợp nêu trên chẳng qua là do tiếng Hán Việt khi du nhập vào tiếng Việt, phải “nhập gia tuỳ tục”, nghĩa là phải ứng xử theo cách của tiếng Việt.

Đáng nói là cấu trúc danh ngữ theo kiểu Hán [phụ + chính] nhưng thành tố phụ lại phi Hán Việt. Hiện tượng này, ngược lại, cho thấy tiếng Việt ứng xử theo cách của tiếng Hán, hay nói cách khác, đã vay mượn cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hán. Cách ứng xử đó làm giàu cho tiếng Việt. Nó cấp cho tiếng Việt một cách biểu đạt khác, tạo ra một sắc thái tu từ khác (cf. Sông Trăng Quán với Quán Sông Trăng). Và trong một số trường hợp, nó cho người sử dụng một từ ngữ dễ hiểu hơn (cf. nhớt kế với niêm trệ kế 黏 滯 計, xoắn khuẩn với loa toàn khuẩn 螺旋菌, phẩy khuẩn với hồ khuẩn 弧菌) hoặc tránh khả năng hiểu sai (cf. ẩm kế với thấp kế 濕 計 – dễ hiểu lầm là máy đo độ thấp, vì trong tiếng Việt, thấp với nghĩa là “ẩm” chỉ xuất hiện duy nhất trong ẩm thấp, còn với tư cách hình vị tự do, nó chỉ có nghĩa là đối lập với “không cao”[17]) so với cách cấu tạo chỉ gồm toàn Hán Việt.

5. Cách kết hợp của các yếu tố Hán Việt như đã phân tích ở trên có liên quan gì đến bình diện ngữ nghĩa và trong chừng mực nào đó, cả ngữ âm?

Đã có tác giả muốn giải quyết vấn đề ngữ nghĩa bằng những đặc điểm về khả năng kết hợp. Chẳng hạn, sách Tiếng Việt lớp 5 phân biệt từ “đồng nghĩa hoàn toàn” với từ “đồng nghĩa không hoàn toàn” căn cứ vào khả năng [± thay thế cho nhau trong lời nói] và đưa ra ví dụ cho loại thứ nhất là hổ, cọp, hùm (Nguyễn Minh Thuyết 2006: 8). Thực ra, có thể dễ dàng chứng minh ví dụ này không thuyết phục: Có thể nói con hổ hay con cọp hoặc con hùm, nhưng chỉ có thể chấp nhận hổ phụ sinh hổ tử chứ không thể *cọp / hùm phụ sinh cọp / hùm tử. Lý do đơn giản: chỉ hổ mới có tư cách Hán Việt, do đó mới có thể kết hợp với các hình vị Hán Việt khác trong cấu trúc danh ngữ kiểu Hán[18].

Những ví dụ tương tự không hiếm: cf. trái / quả bưởi với ngũ quả / *ngũ trái; bài ca / hát với dân ca / *dân hát; bận tâm / bận lòng với từ tâm / *từ lòng; bất tiện / không tiện với bất mãn / *không mãn; sầu thương / buồn thương với sầu bi / *buồn bi; sinh con / đẻ con với sinh tử / *đẻ tử; bông bưởi / hoa bưởi với hoa hậu / *bông hậu; đồ mộc / đồ gỗ với mộc bản / *gỗ bản,…

Sự khác biệt về khả năng kết hợp của hình vị Hán Việt đưa đến hệ quả về phương diện ngữ nghĩa trong mối liên quan với ngữ âm: những hình vị có sức sản sinh (productivity) quá yếu sẽ có xu hướng bị người Việt đồng nhất vào những hình vị đồng âm hay gần âm có sức sản sinh mạnh.

Có khi đó là trường hợp đồng nhất giữa yếu tố Hán Việt này với yếu tố Hán Việt khác. Chẳng hạn, trữ 貯 với tính cách là hình vị tự do chỉ có nghĩa là “chứa” và tất cả các kết hợp có trữ trong tiếng Việt đều với nghĩa này (như dự trữ, tàng trữ, tích trữ, tồn trữ, trữ kim, trữ lượng,…) trừ một lệ ngoại: trong trữ tình 抒 情, thì trữ 抒 là “bày tỏ”; do đó trữ tình rất hay được hiểu là “chứa chất tình cảm” (Nguyễn Lân 2002). Một ví dụ khác: trong câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố của bà huyện Thanh Quan, thì phố 浦 là “bến sông” (viễn phố 遠浦 là bến sông ở xa). Nhưng tiếng Việt chỉ có hình vị tự do phố 鋪 (vốn nghĩa là “cửa hàng”, từ đó có nghĩa là “con đường hai bên có nhà cửa, hàng quán”, như trong phố cổ, phố Hàng Đào), do đó rất dễ nhầm phố 浦 với phố 鋪 (Nguyễn Lân 2002).

Có khi đó là trường hợp đồng nhất giữa yếu tố Hán Việt với yếu tố thuần Việt. Chẳng hạn, yếu 要 Hán Việt (như trong hiểm yếu, trích yếu, trọng yếu, yếu nhân, …) đồng âm với yếu (trái nghĩa với mạnh) thuần Việt; vì yếu Hán Việt là một hình vị hạn chế, còn yếu thuần Việt là hình vị tự do, nghĩa là có khả năng kết hợp cao hơn, nên yếu điểm thường bị hiểu nhầm là “điểm yếu”. Hay thăm quan bị dùng thay cho tham quantham 參 có nghĩa là “dự” chỉ xuất hiện với tư cách hình vị hạn chế như trong tham chiến, tham chính, tham dự, tham gia, tham kiến,… còn nếu với tư cách hình vị tự do thì chỉ có tham 貪, được hiểu là “ham muốn không chính đáng” hay “cố cho được nhiều”; do đó, nếu hiểu tham trong tham quan với nghĩa như hình vị tự do thì vô lý, người ta mới tìm đến một từ gần âm, có nghĩa “hợp lý” hơn, là thăm. Hoặc xán lạn 燦爛, gồm xánlạn, đều có nghĩa là “sáng, rực rỡ”; vì xán chỉ xuất hiện duy nhất trong xán lạn, nên rất dễ bị đồng hoá với sáng, gần âm và đồng nghĩa, kết quả là người ta hay nói là sáng lạn. Đấy là cái cơ chế giải thích những hiện tượng từ nguyên dân gian (folk etymology) dẫn trên.

Có khi phối hợp cả hai trường hợp trên. Một ví dụ: trong tiếng Việt, cứu với nghĩa là “cuối cùng” chỉ xuất hiện một lần trong cứu cánh 究 竟, trong khi cứu 救 với nghĩa là “giúp” thì không những xuất hiện trong kết hợp [Hán Việt + Hán Việt] như cứu hộ, cứu tế, cứu thế, cứu tinh, … mà còn có thể xuất hiện như một hình vị tự do; cánh 竟 với nghĩa “xong, xét đến cùng” cũng vậy, chỉ xuất hiện một lần trong cứu cánh, còn cánh thuần Việt là một hình vị tự do. Do đó, cứu cánh rất dễ bị hiểu đại khái như là “người cùng cánh cứu giúp (ai)” trong khi thực ra nghĩa của nó là “mục đích cuối cùng”.

6. Ứng xử ngữ pháp của yếu tố Hán Việt hiện nay không còn khuôn trong cách ứng xử ngữ pháp của yếu tố Hán Việt xưa kia.[19]

Việc khảo sát ứng xử ngữ pháp của từ Hán Việt sẽ cho ta hiểu thêm về cơ chế kết hợp của từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại, từ đó dự đoán được một phần xu thế phát triển của tiếng Việt. Đó cũng là cơ sở để giải thích cơ chế của việc dùng / hiểu sai từ ngữ Hán Việt, chứ không dừng lại ở chỗ liệt kê từng lỗi.

Đứng trên quan điểm từ nguyên học đồng đại, cần phải xem tiếng Hán Việt là một phận của tiếng Việt, dù rằng trên bình diện lịch sử, đó là những từ vay mượn. Điều đó cũng tựa như trường hợp các yếu tố có nguồn gốc La Tinh và Hy Lạp trong các tiếng Ấn Âu. Quan điểm này sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng thực tế tiếng Việt, chứ không phải bao giờ cũng khăng khăng phủ nhận thực tế đó, viện lý do giữ gìn sự “trong sáng” của tiếng Việt.[20]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alves, M. J. (2007). “Sino-Vietnamese Grammatical Borrowing: An Overview”. In: Matras, Yaron & Sakel, Jeanette, eds. Grammatical Borrowing in Cross-Linguistic Perspective. Berlin: Walter de Gruyter, 343-361.

2. Alves, M. J. (2009). “Sino-Vietnamese Grammatical Vocabulary and Sociolinguistic Conditions for Borrowing”. Journal of the Southeast Asian Linguistics Society 1, 1-9.

3. Cao Phi Yến (2010). “Lạm dụng các từ ‘tặc’, ‘sạch’ và ‘xanh’”. Nhân dân, thứ Năm, 16/12.

4. Đào Duy Anh (1957). Hán Việt từ điển. Sài Gòn: Trường Thi.

5. Hoàng Phê, chủ biên (2003). Từ điển tiếng Việt. Hà Nội – Đà Nẵng: nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học.

6. Jae Jung Song (2005). The Korean Language: Structure, Use and Context. New York: Routledge.

7. Lê Đình Khẩn (2002). Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, TPHCM: Đại học Quốc gia TP HCM.

8. Lê Minh Hoàng (2011). “Phiếm luận về “… tặc””. Tuổi trẻ cười, số 423, 1/3/2011.

9. Martin, S. E. (1953). The Phonemes of Ancient Chinese. Baltimore: American Oriental Society.

10. Nguyễn Lân (2002). Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Hà Nội: Từ điển Bách khoa.

11. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên) (2006). Tiếng Việt 5, tập 1. Hà Nội: Giáo dục.

12. Nguyễn Tài Cẩn (1979). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

13. Nguyễn Tài Cẩn (1998). “Thử phân kì lịch sử 12 thế kỉ của tiếng Việt”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 6/1998, 7-12.

14. Nguyễn Thị Trang (2006). “Bước đầu tìm hiểu hệ thống chữ Nôm ghi tên hiệu các vị thần thành hoàng làng”. Nghiên cứu chữ Nôm (kỷ yếu Hội nghị chữ Nôm). Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

15. Phan Văn Các (2003). Từ điển từ Hán Việt. TP HCM: nxb TP HCM.

16. Saussure, F. de (2005). Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

17. Thiều Chửu (2002). Hán Việt từ điển. TP HCM: nxb TP HCM.

ABSTRACT

REMARKS ON GRAMMATICAL BEHAVIOURS OF SINO-VIETNAMESE MORPHEMES AND THEIR SEMANTIC AND PHONOLOGICAL CONSEQUENCES

Hoang Dung

The paper proves Sino-Vietnamese morphemes do not combine only with Sino-Vietnamese ones but also with non-Sino-Vietnamese such as pure Vietnamese or even Indo-European, especially French borrowings. The case is not an exception particularly for Vietnamese: similar hybrid words can also be found in other Sino-xenic (Japanese, Korean) and Indo-European languages.

Grammatical behaviours of Sino-Vietnamese morphemes show that in noun phrases, sometimes they obey Vietnamese grammatical rules, i.e. [head + modifier(s)], but on the contrary, Vietnamese adopts Chinese grammatical rules, i.e. [modifier(s) + head].

Are the grammatical behaviours related to semantics and, to some extent to phonology? An effort is made to resolve semantic issues based on grammar: synonyms are divided into two kinds: One is “absolute synonyms” and the other is “non-absolute synonyms” according to the criterion [± able to commute each other absolutely]. The effort is not successful because free Sino-Vietnamese morphemes have a double status: they can combine both with other Sino-Vietnamese and with pure Vietnamese, whereas their pure Vietnamese synonyms cannot usually combine with Sino-Vietnamese.

It is remarkable that Sino-Vietnamese morphemes with lower productivity tend to be merged into (most) homonymous (Sino-Vietnamese or pure Vietnamese) morphemes with higher productivity.


[1] Phân biệt với Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt hoá (xem Nguyễn Tài Cẩn 1979).

[2] Chẳng hạn, “Tặc là chữ nho, thì đi theo nó phải chữ nho (lâm tặc: lâm là rừng); ghép một chữ nho với một chữ nôm (ví dụ cát tặc) là không đúng (phải gọi là sa tặc).” (Cao Phi Yến 2010).

[3] Học trò là một danh ngữ biệt lệ, có yếu tố thuần Việt giữ cương vị chính nhưng đứng sau, như danh ngữ thuần Hán Việt. Lý do có lẽ bắt nguồn từ lịch sử: tròđồ 徒“người học” là hai từ cùng gốc (cognate) nhưng từ trước là Cổ Hán Việt. Nói cách khác, học trò là cách nói trước đời Đường. Lưu ý Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt hoá là hai loại được xếp vào “thuần Việt”, nếu đứng trên quan điểm từ nguyên học đồng đại (synchronic etymology).

[4] Cần lưu ý là bên cạnh kết hợp [thuần Việt + tặc] vẫn có [Hán Việt + tặc]: cf. cá tặc với ngư tặc; cát tặc với sa tặc (Người lao động 6/04/2013); chó tặc với cẩu tặc (Đất Việt 20/09/2013); đất tặc với thổ tặc (dantri.com 27/02/2011); kiểng tặc với cảnh tặc (Nông nghiệp Việt Nam, 24/04/2012) (kẻ trộm cây kiểng / cảnh), trâu tặc với ngưu tặc; vàng tặc với kim tặc (Sài Gòn tiếp thị 8/12/2011). Cách dùng [Thuần Việt + tặc] hiện nay vẫn chưa thuyết phục được nhiều người: “[…] tại sao có thể nói cát tặc mà không nói giặc cát trong khi đã có giặc đói, giặc dốt, giặc châu chấu, v.v.; tại sao dùng đất tặc mà không dùng (bọn) cướp đất […] Ý tôi là không nên thả lỏng mà cần có hướng dẫn.” (trích ý kiến của học giả An Chi – trao đổi riêng).

[5] Cũng nên kể ở đây một trường hợp đặc biệt trong đó yếu tố thứ nhất chỉ bộ phận cơ thể bị tấn công: mông tặc (vnexpress.net 25/5/2005) là kẻ dùng kim (kim tặc, Cao Phi Yến 2010 – đồng âm với kim tặc với nghĩa tương đương với vàng tặc) để đâm vào mông phụ nữ!

[6] Hoả tặc, kết cấu [Hán Việt + tặc] tương ứng, là không đồng nhất về nghĩa. Trong hoả tặc, thì tặc được dùng như một ẩn dụ, chỉ sự nguy hiểm: “[…] 68% nhà kho đã được hoàn chỉnh thu lôi chống sét cảm ứng sẵn sàng phòng ngừa ứng phó với “hoả tặc” trong mùa hanh khô.” (Quân đội Nhân dân 13/10/2008).

[7] Cứ liệu về kết hợp [X + tặc] ở đây nếu không có chú thích nguồn, là lấy từ Lê Minh Hoàng (2011).

[8] Quántrưởng là hai hình vị tự do (free morpheme), nên bên cạnh kết hợp [Phi Hán Việt + Hán Việt], có thể tồn tại kết hợp [Hán Việt + Phi Hán Việt] (cf. nhóm trưởng / trưởng nhóm, ca trưởng / trưởng ca; Cây Sung Quán / Quán Cây Sung).

[9] Kết hợp [Thuần Việt + Hán Việt] tương đương về nghĩa: rượu kế.

[10] Những từ Ấn Âu đơn tiết sẽ được người Việt nhận thức như là từ thuần Việt, miễn là không có âm (hay đối với ngôn ngữ viết, không có chữ / cách viết) xa lạ với tiếng Việt, chẳng hạn những từ như a-xít (< acide), a-mi-ăng (< amiante), a-míp (< amibe), bê-rê (< beret), bu-gi (< bougie), rô-nê-ô (< ronéo), ô-liu (< olive),… thường được người Việt nhận là “tiếng Tây”, trong khi tem (< timbre), xăng (< essence), kem (< crème), xi (< cire), săm (< chambre (à air), lốp (< enveloppe)… dễ dàng được cho là “tiếng Việt”, tuy tất cả đều vay mượn từ tiếng Pháp. Trường hợp cà phê khá đặc biệt: do đồng âm, không ít người Việt nghĩ trong từ này chính là trong cà chua, nghĩa là cà phê được cho là một loại cà. Bằng chứng là ở Tây Nguyên, trong ngữ cảnh không thể nhầm lẫn, người ta thường dùng để chỉ cà phê.

[11] Trong những danh ngữ [phụ + chính] như trên, học là danh từ và là hình vị hạn chế (bound morpheme), còn với tư cách là hình vị tự do thì nó chỉ có thể là động từ, do đó không thể có kết hợp tương đương về nghĩa kiểu [Hán Việt + Phi Hán Việt] như quántrưởng.

[12] Chẳng hạn M. J. Alves (2007, 2009) khi khảo sát sự vay mượn ngữ pháp của từ Hán Việt chỉ tập trung vào các hư từ gốc Hán, các số đếm, từ so sánh, … chứ không thực sự đề cập đến sự vay mượn về cấu trúc.

[13] Còn nếu đó là hình vị Hán Việt tự do (như học trong bàn học) thì thực ra được nhận thức như là hình vị thuần Việt (xem phân tích bên dưới).

[14] Đào Duy Anh (1957), Thiều Chửu (2002) đọc là mạo, Phan Văn Các (2003) đọc cả hai cách: mạomão.

[15] Thuật ngữ do Samuel Elmo Martin (1953) đặt ra với –xenic bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp xenos “nước ngoài”, chỉ các ngôn ngữ có một bộ phận từ vựng vay mượn từ tiếng Hán.

[16] Về những từ Hán Việt nêu trên, cũng có thể nói như Jae Jung Song (2005: 83) khi ông bàn về tiếng Hán Hàn: “Cho từ Hán Hàn là từ vay mượn thì cũng giống như cho từ tiếng Anh có các yếu tố gốc La Tinh hay Hy Lạp là từ vay mượn. Người Anh bản ngữ, trừ phi họ là nhà từ nguyên học hay có kiến thức chuyên môn, không nhận ra nguồn gốc La Tinh hay Hy Lạp của những từ như client, library, essence, dissolve, idiosyncrasy, democracyhistory; thậm chí dẫu biết nguồn gốc của chúng đi nữa, họ cũng do dự khi gọi đó là từ mượn, chỉ bởi vì từ lâu chúng đã là một bộ phận của từ vựng tiếng Anh và đã sâu rễ bền gốc trong tiếng Anh đến nỗi cho nó là từ mượn hay không chỉ là chuyện thuần tuý kinh viện.”

[17] Tất nhiên có thể dùng máy đo độ nhớt, máy đo độ ẩm để thay thế song không phải ngẫu nhiên nhớt kế, ẩm kế rất thông dụng (được ghi nhận trong nhiều từ điển, chẳng hạn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, 2003). Cách biểu đạt sau có ưu điểm là kết cấu “chặt” hơn nhờ cấu trúc [phụ + chính], do đó rất thích hợp cho việc sử dụng làm thuật ngữ khoa học.

[18] Thực ra, về phương diện lý thuyết cũng khó lòng chấp nhận một tiêu chí phân loại như vậy. Ngôn ngữ là một thiết chế đồ sộ nhưng tiết kiệm: nếu hai từ đồng nghĩa mà lại có thể thay thế cho nhau trong mọi ngữ cảnh, thì có nghĩa là thừa một từ và nhất định từ đó sẽ bị thải loại. Nói cách khác, sự khác biệt về khả năng kết hợp giữa hai từ đồng nghĩa là lý do giải thích tại sao cả hai đều cùng tồn tại.

[19] Thật ra, những danh ngữ [phụ + chính] kiểu [phi Hán Việt + Hán Việt] đã xuất hiện trong các thần tích như Cây Gỗ Đại vương, Bến Đò Đại vương, Cửa Sau Đại vương, … (xem Nguyễn Thị Trang 2006). Tuy nhiên, phần lớn những danh ngữ này chỉ khuôn trong phạm vi tên riêng.

[20] Tác giả xin cảm ơn học giả An Chi, PGS TS Masaaki Shimizu (Đại học Osaka), GS TS Trần Đình Sử và TS Trần Trọng Dương vì những góp ý hữu ích cho bài viết.

Comments are closed.