Mẹ đâu ngờ!

Tiêu Dao Bảo Cự.

TDBCTiêu Dao Bảo Cự Học Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Huế 1963 – 1966.

1965 đồng sáng lập Hội Hồng Sơn, tiền thân của Nhóm Việt, nhóm hoạt động văn học nghệ thuật yêu nước ở các đô thị Miền Nam cho đến năm 1975.

1987 – 1889: Ủy viên thường vụ trực Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, Phó Tổng biên tập tạp chí Langbian.

Các tác phẩm đã xuất bản ở Hoa Kỳ và phổ biến trên Internet:

Nửa đời nhìn lại. Tiểu thuyết. NXB Thế Kỷ 1994. NXB Văn Nghệ tái bản 1997.

Hành trình cuối đông. Bút ký về chuyến đi xuyên Việt đòi tự do dân chủ 1988. NXB Văn Nghệ 1998. Tái bản trong Tủ sách Talawas năm 2007 với lời tựa mới và phần tư liệu bổ sung.

Trên cả hận thù. Tập truyện do tạp chí Văn Học xuất bản 2004.

Hành trình mùa xuân. Bút ký về chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy năm 2003. Công bố nhiều kỳ trên trang web Đàn Chim Việt từ tháng 9-2005.

Tôi bày tỏ. Nhật ký trong những ngày bị quản chế. Tủ sách Talawas tháng 2-2006 và các trang web Đàn Chim Việt, Thông Luận, Cánh Én…

–  Mảnh trời xanh trên thung lũng. Tác phẩm viết. NXB Văn Mới 2007.

–  Tiếng chim báo bão. Chính luận và bút ký. NXB Tiếng Quê Hương 2010.

–  Gặp gỡ trên đất Mỹ. Bút ký về chuyến đi Mỹ năm 2009, đăng 42 kỳ trên trang web Diễn Đàn Thế Kỷ.

 Riêng “Trên đỉnh thanh xuân”, tiểu thuyết đầu tay viết năm 1967, mãi đến năm 2012 mới được Nhà xuất bản Trẻ, Việt Nam in trong tủ sách “Đáp lời sông núi” với bút hiệu cũ Vũ Hoài.

 

“Như mọi người Việt Nam yêu đất nước yêu tự do, tôi đã hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc chiến đẫm máu của nhân dân mình để giành Độc lập cho Dân tộc và Tự do cho mỗi con ngườiĐộc lập đã có, nhưng Tự do thì chưa.

Những dòng thơ này là chút của riêng còm cõi mà người viết tự trang bị cho mình vào tuổi ngoài năm mươi, và hi vọng được góp vào hành trang của nhân dân mình trên hành trình khổ ải giành Tự do”.

Đó là những lời mở đầu cho tập thơ “Mẹ đâu ngờ” của Bùi Minh Quốc. Lời mở ngắn gọn và cô đọng này đã tóm lược suốt cả quá khứ và tâm trạng hiện tại của nhà thơ, với khát vọng và nỗi đau thấm trong từng chữ.

Việc xuất bản tập thơ này ở nước ngoài là một bước tiến trong công việc của chúng tôi, thể hiện sự chuyển động của tình hình chung. Ba chúng tôi ở Đà Lạt lần lượt và gần như liên tiếp có tác phẩm được công bố ở nước ngoài với những phương thức hơi khác nhau. Sau khi bài tiểu luận “Dắt tay nhau đi…” của Hà Sĩ Phu được chính thức công bố và có tiếng vang rộng rãi, anh mài miệt viết tiếp, đào sâu thêm những vấn đề đã đặt ra trong một tiểu luận dài hơn với tựa đề “Đôi  điều suy nghĩ”. Hai tiểu luận này cùng với một số tư liệu khác được một nhà xuất bản ở Pháp tập hợp xuất bản. Về danh nghĩa coi như nhà xuất bản tự động làm trong một hoàn cảnh đặc biệt và tác giả không phản đối. Kế đó cuốn tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại” của tôi xuất bản ở Mỹ, tôi không trực tiếp gởi bản thảo cho nhà xuất bản nhưng tôi công khai thừa nhận đồng ý việc làm của nhà xuất bản. Tiếp theo, đến Bùi Minh Quốc, anh chính thức viết thư và gởi bản thảo tập thơ đến một nhà xuất bản ở Pháp đề nghị nhờ công bố. Lá thư này được in ngay ở đầu tập thơ.

Những việc làm của chúng tôi trên đây đã vi phạm vào một điều cấm kỵ lớn của nhà cầm quyền. Trước ba cuốn sách của chúng tôi, cũng có mấy cuốn hiếm hoi được xuất bản ở nước ngoài và các tác giả, người đã mất, người đã xuất ngoại, có người bị cầm tù, quản thúc. Việc làm của chúng tôi có thể nói là táo bạo, gần như thách thức nhưng nhà cầm quyền có vẻ lúng túng, chưa tìm được biện pháp xử lý. Chúng tôi xem đó là một thắng lợi và một bước tiến của tình hình chung.

Từ trước Bùi Minh Quốc đã có nhiều tập thơ được xuất bản. Trong tập “Mẹ đâu ngờ”, anh tập họp một số bài cũ viết rải rác qua những tháng năm đầm mình trong lửa đạn và những bài thơ chính luận trữ tình mới nhất cùng một chủ đề, làm nổi bật mạch suy tưởng cuồn cuộn của anh về đất nước và tự do qua hình ảnh người mẹ. Anh đã từng gặp biết bao bà Mẹ Việt Nam trên những nẻo đường chiến đấu của mình thời trai trẻ.

“Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh

nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc

mẹ vẫn đào hầm dưới tầm  đại bác

bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.”

                 (Đất quê ta mênh mông)

Những căn hầm Mẹ đào đã giấu được cả sư đoàn dưới đất, đã làm nên sức mạnh Việt Nam, không phải chỉ là sức mạnh của vũ khí mà chính là sức mạnh của lòng dân. Mẹ đã nếm đòn thù, chịu nhiều thương tật nhưng đêm đêm những nhát cuốc của Mẹ vẫn tiếp tục xoáy vào ruột đất.

Những người Mẹ như thế có quá nhiều con đến nổi Mẹ không thể nào nhớ nổi:

Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu

                       Con

Một đứa con như trăm ngàn đứa khác

Với chiếc áo màu lá rừng rách toạc

Quẳng ba lô ngồi phịch nghỉ bên thềm”

               (Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu)

Đối với bất cứ đứa con nào Mẹ cũng đưa vào hầm che giấu, cũng mời khúc khoai mì thơm ấm, cũng giục ăn thêm, cũng dặn dò ân cần dù có khi Mẹ chưa nhìn rõ mặt, chưa kịp hỏi tên. Những đứa con đã không hề quên Mẹ vì chính nhờ Mẹ mà chúng đã đủ sức đi hết cuộc chiến tranh, coi thường sống chết.

Nhưng không phải đứa con nào cũng kiên cường trong cuộc chiến tranh dữ dội và tàn khốc này:

Mẹ bỗng hỏi. Mỉa mai và nghiêm nghị:

Chúng nó đầu hàng rồi, còn mày nữa có đi không?

Mưa vẫn miên man, gió vật vã trên đồng

Những giọt mưa quất rào rào phên liếp

Lặng một lát, mẹ già thong thả tiếp:

Nói thì nói vậy, chứ mày cứ ở đây tao lại giấu lại nuôi, như vẫn thế xưa rày

           Mà cho dầu mai mốt

Chịu không nổi mày đi đầu hàng nốt

Thì lũ tao đây cách mạng vẫn làm hoài…”

                          (Mẩu chuyện nhỏ về nhân dân vĩ đại)

Mẹ chính là nhân dân, là sức mạnh vô địch có thể tiêu diệt mọi kẻ thù. Hòa bình, thống nhất, nắm được chính quyền rồi, các con đi làm quan, Mẹ vẫn bám trụ ngôi nhà cũ nơi có bậc thềm bao đứa con đã ngồi, có căn hầm bao đứa con được che dấu. Mẹ đã già tóc bạc phơ vẫn còng lưng cày xới mảnh đất khô cằn đầy dấu vết đạn bom:

Mẹ đưa con ra vườn

Hái cho con trái thơm

Con nhìn đống mìn mẹ gỡ hôm qua xếp đầy quang gánh

Nghe mùi trái chín rưng rưng

Chắt lọc lại qua muôn nghìn trận đánh

Qua một đời lẳng lặng hy sinh…”

                  (Trở lại Châu Lâu)

Nhưng các con Mẹ không còn như hôm xưa. Chúng đã khác nhiều lắm. Chúng đang hô hào tự do dân chủ. Chúng bảo Mẹ đi bầu cử để chọn người có đức có tài lãnh đạo đất nước:

Mẹ nhìn suốt những mặt con đầy tớ

mặt đứa nào cũng béo tốt phương phi

cầm cuốc một đời, cầm bút bỗng vân vi

Chọn mặt nào mà gửi?

Chọn mặt nào cho máu mình đỡ tủi?”

               (Mẹ đi chọn mặt gởi vàng)

Từ phân vân Mẹ chuyển qua thất vọng:

              “Mẹ đâu ngờ

Sau lưng mình từ máu đẫm trồi lên

                    Chiếc ghế

Có thằng con thoát chết vụ khui hầm

Trở về ngồi chễm chệ

Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao

Nói năng đứng ngồi quan trọng

Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào

                 Êm nhất

                             Lẹ nhất

Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao

                           Cao

                        Cao

                    Cao

Đến tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái

Không còn thấy trên con đường gập ghềnh của Tổ quốc đau thương

Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng dưới chồng đơn khiếu nại

                                       Nặng hơn dãy Trường Sơn

                                (Mẹ đâu ngờ)

Dòng suy tưởng trong thơ chính luận trữ tình của Bùi Minh Quốc về đất nước và nhân dân không ngừng tuôn chảy theo mệnh nước nhưng “Mẹ đâu ngờ” thực sự là một bước ngoặt. Bước ngoặt làm anh cay đắng và đau đớn xé lòng vì khi “Mẹ đâu ngờ” cũng chính là lúc anh cảm thấy bị phản bội. Đó là thời điểm anh đến Đà Lạt cùng với tôi và các bạn thành lập Hội Văn nghệ và tạp chí Langbian, tiếp đó là chuyến đi Xuyên Việt đòi tự do báo chí, xuất bản, dân chủ và đổi mới thật sự mà kết quả là anh và tôi đều bị kỷ luật cách chức, khai trừ  đảng.

Như mọi người trẻ tuổi yêu nước, hành trình của Bùi Minh Quốc thời thanh xuân là một hành trình khổ ải và bừng bừng ngọn lửa dấn thân cho lý tưởng. Từ Hà Nội, anh tình nguyện đi Nam để vào mặt trận khi con đầu lòng chưa đầy sáu tháng. Vợ anh cũng tiếp tục theo chân anh khi con vừa đầy năm, cùng chiến đấu trên một chiến trường. Vợ anh, một nhà văn chiến sĩ tài hoa, đã ngã xuống trong một trận càn dưới làn đạn xé ngực.

Ngắm con trong ảnh lệ trào

mẹ đi đi mãi cha sao đền bồi

mẹ trao con lại cho đời

trao con khát vọng làm người tự do”

                    (Cho bé Ly con yêu)

Vợ anh cũng chính là một người Mẹ Việt Nam, một người Mẹ cụ thể với đứa con thơ nơi xa xôi không được bồng bế chăm chút vỗ về và sẽ không bao giờ còn gặp lại. Cũng như bao người thời đó, anh đã “nén đau thương thành hành động cách mạng”, nuốt nước mắt vào trong để nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, tiếp tục đi suốt cuộc chiến đấu.

Ở đây ngày hôm qua

vừa có kẻ đầu hàng phản bội

hắn là huyện ủy viên

không ai ngạc nhiên

cuộc chiến đấu đang giữa hồi quyết liệt

những thử thách không chừa ai hết

thước đo lòng trung thành

không dài hơn cho tôi hoặc ngắn bớt cho anh”

              (Ở đây, ngày hôm qua…)

Chính vì bài thơ ngắn ngủi này thời ấy anh vừa mới ghi trong sổ tay, anh đã bị đưa ra kiểm điểm mấy ngày liền vì đã viết về sự thật không đúng lúc. Đó là kinh nghiệm đầu tiên của anh về sự dối trá, nhân danh tổ quốc, nhân danh lý tưởng, nhân danh cuộc chiến đấu.

Tuy nhiên anh không nản lòng vì vượt lên tất cả, cuộc chiến đấu đối với anh vẫn là thần thánh, cao đẹp.

                      “Ở đây

dưới những căn hầm ngập nước

những đêm dài không ngủ được

giữa những đợt bom  năm phút dội một lần

tôi dốc cả đời tôi lăng lẽ đánh vần

                    Sống. Chết.

             Tổ quốc. Nhân dân.”

                 (Ở đây, tôi học lại những bài học vỡ lòng)

Gian khổ, hi sinh của anh quá nhỏ bé trong cuộc trường chinh máu lửa của dân tộc.

                “Chốt địch kia anh. Ta vượt lẹ! Em cười…

Tôi nhắm hướng giọng cười, bước theo mải miết

Mỗi bước đi, lòng mắc nợ bao người

Những món nợ suốt đời không trả hết

Dẫu một chữ cũng phải dốc trọn máu tim mình để viết

Cho thơ tôi bắt kịp giọng em cười.

                       (Nợ)

Chính vì canh cánh món nợ đó mà ngòi bút máu tim của anh hôm nay bừng bừng phẫn nộ:

                      “Không có ai

                        không có ai

          Có thể ngẩng nhìn trời

                       Bình tâm mỗi sáng

        Khi những thằng đểu còn trong Đảng

      …  Đồng chí – tiếng  ấm nồng máu đỏ

       Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này?

      Đồng chí – dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay

     Mưu mô đã xong và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy

        Khí trời, khí trời mỗi ngày ta thở

Bị ô nhiễm bởi bao lời dối trá

Phổi ta nám rồi – ta dẫu có làm sao…

Nhưng lũ trẻ, trời ơi, lũ trẻ

Chúng lớn lên sẽ hít thở thế nào

Nếu dối trá vẫn chồng lên dối trá.

… Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom

mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng

Con xin nói

Với tất cả tấm lòng và

                               lương tri cộng sản

                   mẹ chẳng phải đảng viên

nhưng mẹ có tấm  thẻ đỏ trái tim ròng ròng máu ứa

chính mẹ chứ không ai – mẹ phải nắm quyền

hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.”

                (Những ngày thường đã cháy lên)

Đó là những dòng anh viết không lâu trước khi bị khai trừ đảng. Anh vẫn còn nhân danh “lương tri cộng sản”. Đối với anh “lương tri cộng sản” chính là chống bất công áp bức, đòi độc lập tự do và công bằng xã hội, theo lời kêu gọi “vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian” trong bài Quốc tế ca. Đối với anh, thẻ đỏ phải là tim đỏ, không chấp nhận thẻ đỏ tim đen. Tiếc thay những kẻ thẻ đỏ, tim đen lại có quyền lực thu hồi tấm thẻ đỏ của anh.

Sau khi có quyết định khai trừ, trong hôm giao nộp thẻ đảng cho ban tổ chức, anh quá chán ngán cáo bệnh không đi, nhờ tôi nộp hộ và tôi đã mang về cho anh tờ biên nhận nhỏ xíu do cô thư ký viết nguệch ngoạc mấy chữ. Lúc đó anh  hai mươi hai tuổi đảng.

Dĩ nhiên không phải tất cả những người cộng sản đang cầm quyền đều là thẻ đỏ, tim đen. Vẫn có những người tốt, những người chưa phai mờ lý tưởng ban sơ. Tuy nhiên quyền lực mà ở đây Bùi Minh Quốc gọi là “chiếc ghế” đã làm không ít người suy thoái biến chất và chính đảng cầm quyền đã phải công khai thừa nhận. Lý tưởng cộng sản đã một thời sáng ngời chính nghĩa và có sức hấp dẫn lớn đối với những người bị áp bức và những người không chấp nhận áp bức. Những người cộng sản đã đổ không ít máu xương cho cuộc chiến đấu vì lý tưởng của mình. Thế nhưng chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản và sự độc tài đảng trị đã làm cho chính lý tưởng phai nhạt dần, thậm chí đi ngược lại lý tưởng. Điều này Hà Sĩ Phu đã phân tích rất thấu tình đạt lý trong các bài tiểu luận sắc bén của mình.

Không phải nhiều người không nhận thấy điều đó. Tuy nhiên khi đã là người trong cuộc, đất nước đã trải qua mấy chục năm dài máu lửa và những người cộng sản chiến thắng đã nắm được toàn bộ quyền lực, ít ai muốn hay dám  nói điều gì có tính cách phê phán. Người ta bỏ qua để sống yên bình và làm việc khác vì đối đầu với quyền lực trước hết sẽ chịu thiệt thân.

Bùi Minh Quốc  là một  trong những người cầm bút đã có can đảm lội ngược dòng. Tôi đặc biệt yêu thích sự trung thực của anh, trước hết là trung thực với chính mình:

Bao nhiêu năm ta ngỡ mình tự do

Những giáo điều đã thành tín điều khi nào vậy?

Chất độc ngấm ngọt ngào không ai nhận thấy

Đất sét nhào nên thần tượng để tôn thờ.

Không có gì quý hơn độc lập tự do

Chân lý ngỡ thấm rồi ngờ đâu chưa hiểu hết

             Sau bao phen đối đầu cùng cái chết

           Vẫn chưa tan nỗi sợ trước uy quyền

… …Không có gì quý hơn

               Độc lập

              Tự do

Ta hôm nay lại ôm đầu đánh vần từng chữ

            Việc chi mà xấu hổ

Khi mỗi giọt máu mình khát độc lập tự do”

                 (Không có gì quý hơn độc lập tự do)

Sám hối về những sai lầm của mình là việc vô cùng khó khăn. Có người né tránh, có người xấu hổ. Nhất là đối với những người đang nắm quyền lực lại càng khó khăn hơn vì người ta nghĩ rằng thừa nhận sai lầm sẽ khởi đầu cho mất mát, sụp đổ. Bùi Minh Quốc thì không. Anh không có quyền lực gì để mất. Anh chỉ sợ mất chính mình. Nếu không muốn mất mình, nhất định phải sám hối.

Trong chỗ riêng tư, khi nói chuyện với tôi, Hà Sĩ Phu thường tỏ ra không hài lòng và phiền trách về việc Bùi Minh Quốc cho in lại các bài thơ cũ hoặc viết về những cuộc chiến đấu ngày trước. Hà Sĩ Phu cho rằng đó là một thời kỳ bị lừa nhục nhã, còn nhắc lại làm gì. Về điều này Hà Sĩ Phu tỏ ra rất cực đoan. Có thể Hà Sĩ Phu chưa nói với Bùi Minh Quốc điều đó vì dù sao sự thẳng thắn giữa bạn bè cũng có một giới hạn nhất định. Về phần tôi, cũng có thời gian tôi không muốn nhắc hay đọc lại những tác phẩm của mình ngày trước. Không phải tôi muốn phủ nhận quá khứ vì việc đã xảy ra không ai có thể phủ nhận nhưng trong những tác phẩm ngày đó tôi cảm thấy có cái gì thô thiển và bị nhiễm độc tuyên truyền.

Tuy nhiên tôi không trách thái độ của Bùi Minh Quốc. Ngày trước anh trung thực và bây giờ anh cũng trung thực. Anh đã sai lầm và anh đã sám hối. Lỗi không phải ở anh, ở thế hệ của anh mà chính là lỗi của những người đã lợi dụng lịch sử. Chính sự sám hối sẽ cứu rỗi dân tộc và con người chứ không phải là những lời lẽ ba hoa về chính nghĩa và chiến thắng.

TDBC

(Trích «Mảnh trời xanh trên thung lũng», tác phẩm viết 1997 – 1998)

Ảnh đầu bài: Nhóm Đà Lạt (Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, TD Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh)

 

Comments are closed.