Mênh mông chật chội… (22)

Lại Nguyên Ân

GIỚI THIỆU VẼ NHỌ BÔI HỀ,

MỘT SƯU TẬP TÁC PHẨM VŨ TRỌNG PHỤNG CỦA MỘT NHÀ VIỆT HỌC NƯỚC NGOÀI

Đầu tháng 12/1999, tức là khoảng chừng một tháng sau khi những trang chế bản cuối cùng thuộc tập 5, tập cuối cùng của bộ sách Toàn tập Vũ Trọng Phụng (biên soạn và xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm mất nhà văn) (1) đã gửi đi nhà in, có một sự việc đối với chúng tôi đáng kể: khoảng gần hai chục tác phẩm đăng báo của Vũ Trọng Phụng, lần đầu tiên trong vòng 50 năm nay, đã được tìm thấy lại văn bản, thậm chí không ít cái được phát hiện lại lần đầu.

Người tìm thấy văn bản của tác phẩm này là một nhà giáo Mỹ: anh Peter Zinoman, giảng viên môn lịch sử Đông Nam Á tại đại học California ở Berkeley.

Tôi cũng chỉ mới biết Peter Zinoman từ 1997, khi anh nhờ một giảng viên đại học ở Hà Nội đưa tới gặp tôi, ngỏ ý muốn được cho biết thêm các nguồn tư liệu về tác giả Vũ Trọng Phụng. Anh nói anh đang dịch Số đỏ ra tiếng Anh. Vì sao một chuyên gia sử học lại chú ý đến sáng tác của một nhà văn? Thì ra thế này. Đề tài Peter Zinoman chọn cho luận án Tiến sĩ sử học của mình là chế độ nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam. Mà nghiên cứu sử học ở Âu Mỹ hiện giờ rất chú trọng tìm các dữ liệu thông qua báo chí, văn chương, nghệ thuật. Anh đọc đủ loại tài liệu liên quan từ xa đến gần, về văn học thì không bỏ qua những hồi ký cách mạng trong đó có nói đến giam cầm, tù đày, cũng không thể bỏ qua những sáng tác truyện, tiểu thuyết có nói đến nhà tù. Và thế là anh đã tìm đọc Người tù được tha

Đi tìm, thông qua sự thể hiện văn học, một đề tài lịch sử, anh bắt gặp một nhà văn. Sáng tác của ông thu hút anh. Anh tìm đọc hầu hết tác phẩm của ông, qua những cuốn sách mới in lại từ 1987 trở lại đây, lại cũng tìm đọc hầu hết những bài phê bình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng.

Tới cuối năm 1999, khi cùng vợ con (vợ anh là người Việt) trở lại Việt Nam, Peter Zinoman cho hay đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nội dung luận án đang được in thành sách; bản dịch Số đỏ ra tiếng Anh cũng đã hoàn thành, anh đang đưa một số bạn bè người Mỹ đọc để xem cảm tưởng ra sao, lại cũng muốn được góp thêm ý kiến về chất lượng dịch thuật, trước khi chọn một nhà xuất bản thích hợp cho việc công bố tác phẩm này với độc giả Mỹ. Ngoài ra, và đây là điều chủ yếu tôi muốn thông tin trong bài này, Peter Zinoman đã đến Thư viện quốc gia Pháp ở Paris tìm đọc vi phim (microfilm) kho sách báo tiếng Việt trước 1945. Trên hai chục tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được anh tìm ra từ nguồn lưu trữ ấy.

Tôi đã kịp hỏi các “chuyên gia về Vũ Trọng Phụng” như Văn Tâm, Nguyễn Đăng Mạnh, v.v. (vốn cũng được P. Zinoman tặng một bộ bản chụp các tác phẩm nói trên) về chùm tác phẩm mới tìm thấy này; các ông đều thừa nhận trong số này có những tác phẩm được thấy lần đầu. Có thể nói, đây là lần bổ sung đáng kể nhất vào những thống kê về tác phẩm của tác giả này, tính từ khoảng 1956, tức là từ khi tác giả Vũ Trọng Phụng trở thành một đối tượng khảo sát nghiên cứu thực thụ. Hồi 1987, khi tác phẩm của nhà văn lại bắt đầu được tái bản rộng rãi sau 30 năm vắng bóng, phạm vi biết về tác phẩm của nhà văn này của các giới nghiên cứu, biên khảo cũng chỉ tương đương như phạm vi mà các nhà nghiên cứu biết về ông, hồi giữa và cuối những năm 1950. Chỉ có một bổ sung nhỏ: đầu những năm 1990, giáo sư Đỗ Tất Lợi, trong một chuyến sang Paris, tìm chụp đem về thêm được 3 truyện ngắn thời đầu của Vũ Trọng Phụng, đăng trên Ngọ báo hồi 1931, 1932. Sau nữa, những năm 1990, học trò ông Nguyễn Đăng Mạnh tìm chụp được bản dịch kịch Giết mẹ ở Thư viện quốc gia Hà Nội. Người ta biết rằng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng còn nhiều hơn, nhưng hình như các nhà nghiên cứu cảm thấy có tìm kỹ chắc cũng không có gì sánh được Giông tố, Số đỏ, mà đi tìm thì sách báo cũ hư nát, mất mát ngày càng nhiều, các nhân viên thư viện thì hay giở giọng cửa quyền, cho nên, ngay những tác phẩm đã biết nhan đề, biết nơi đăng tải, người ta cũng bỏ qua. Không riêng gì Vũ Trọng Phụng, nhiều tác giả thuộc diện đối tượng làm tuyển tập cũng thường hay bị giới nghiên cứu biên khảo đối xử như vậy. Thay vì đạt đến một danh mục đầy đủ, cụ thể, người ta chỉ cần dùng đến chữ “v.v.” và những dấu chấm lửng.

Dạo tháng 8/1999, lúc đầu được nhà xuất bản Hội Nhà Văn giao cái việc làm biên tập viên cho bộ sách gọi là Toàn tập Vũ Trọng Phụng, điều tôi thấy ngại nhất là chữ “Toàn tập”. Sao đã vội đặt tên Toàn tập khi công việc thống kê nghiên cứu chưa đạt được kết quả xác định, khi các khía cạnh văn bản học của các tác phẩm hãy còn hoàn toàn chưa được tiếp cận nghiêm túc? Vậy mà rút cuộc thì tôi vẫn phải gác các nghi vấn ngần ngại lại để làm việc cho bộ sách sưu tập ấy đầu đi đuôi lọt. Và như đã nói ở đầu bài viết này, chỉ một tháng sau khi đã dứt khỏi công việc ấy và bắt tay sang làm việc trên các bản thảo khác, chùm tác phẩm mới được Zinoman tìm thấy lại đánh thức cái thắc thỏm kia ở tôi. Có thể đoan chắc rằng: ngay cả với chùm tác phẩm mới tìm thấy này, danh mục tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cũng chưa thể khép lại ổn định.

Chùm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do Peter Zinoman tìm thấy kể trên, tôi đã đem soạn thành cuốn Vẽ nhọ bôi hề (2) đưa in cuối năm 2000 với tư cách là sự bổ sung vào bộ “Toàn tập” xuất bản trước đó.

Và như đã dự đoán, những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, những bài vở, ý kiến về văn nghiệp của Vũ vẫn có thể còn tìm được thêm nữa, nếu các nhà nghiên cứu biết khai thác thông tin tư liệu từ các kho tàng sách báo cũ.

Bản thân người viết những dòng này, hồi tháng 10/2000 cũng đã tìm được chùm tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng đăng Ngọ báo và đã kịp thời biên soạn và xuất bản thành tập Chống nạng lên đường.(3)

Về phần Peter Zinoman, anh ngày càng được đồng nghiệp tín nhiệm trong vai trò một nhà Việt Nam học. Cuốn sách The Colonial Bastille: A Hitstory of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940 (Lịch sử chế độ nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam, 1862-1940) xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2001 (4) được nhận giải thưởng John Fairbank Prize của Hội Sử học Hoa Kỳ 2002. Cũng trong năm 2002, tiểu thuyết hoạt kê Số đỏ của Vũ Trọng Phụng do Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm dịch ra tiếng Anh đã được xuất bản ở Mỹ (5) và cuối năm 2003 được nhật báo Los Angeles Time chọn là một trong 50 cuốn sách văn học hay nhất xuất bản ở Mỹ thời gian gần đây. Tháng 10/2002, tại hội thảo nhân 90 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng ở Hà Nội, Peter Zinoman góp một tham luận quan trọng.(6) Trước đó, đầu mùa hè 2002, anh cung cấp cho các đồng nghiệp Việt Nam một loạt tư liệu sưu tầm khác: văn bản các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới tìm thấy, hoặc đích xác, hoặc tồn nghi, các bài viết, bài tranh luận xung quanh văn nghiệp Vũ Trọng Phụng.

Chính những tư liệu mới này khiến tôi thấy cần bổ sung vào cuốn Vẽ nhọ bôi hề trong dịp in lại lần này.

Các tác phẩm và bài vở mà P.Zinoman sưu tầm được, kể cả đã in trong bản Vẽ nhọ bôi hề, in năm 2000, lẫn sưu tầm mới, tôi xếp vào ba phần.

Phần I – những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, xếp theo thứ tự thời gian năm in của văn bản sưu tầm được.

Phần II – những tác phẩm tồn nghi (chưa đích xác của Vũ Trọng Phụng).

Phần III – những bài báo của các tác giả khác về văn phẩm Vũ Trọng Phụng đăng báo trước 1945 mà P.Zinoman tìm thêm được.

Tôi đã có dịp nói rõ: những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới tìm thấy, như thông tin ở trên, không hề làm thay đổi những nhận định lớn của giới nghiên cứu về văn nghiệp của ông. Vì vậy đã và sẽ còn có những ý kiến, kể cả trong giới nhà văn, cho rằng hà tất phải tìm tòi, thu nhặt như thế làm gì!

Tuy vậy, việc chúng tôi đang làm không phải là với một tác giả bất kỳ nào đó mà là với một tác giả cỡ Vũ Trọng Phụng. Với các tác giả cỡ này, thật ra các giới hoạt động văn nghệ, nghiên cứu văn học thường vẫn tiếp cận theo những cung cách khó có thể coi là thích đáng: Dạng hoạt động thông thường là hội thảo kỷ niệm với những diễn từ ngợi khen lặp lại đến mức sáo rỗng. Trong khi đó nhiều việc đáng làm lại bị bỏ qua, ví dụ việc kê biên rốt ráo tác phẩm của tác giả ấy, theo dõi sức sống của tác phẩm của tác giả ấy qua thời gian lịch sử, phát hiện những biến động về giá trị của các tác phẩm ấy do sự tiếp nhận cụ thể của công chúng…

Giới thiệu kết quả sưu tầm nhỏ của một nhà Việt học nước ngoài xung quanh di sản một nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX, điều sau cùng tôi muốn lưu ý bạn đọc và đồng nghiệp là một sự tiếp cận nghiêm túc, căn cơ đối với mỗi tác gia văn học, nhất là những tác gia lớn.

6/5/2004

−−−−−−−−-

(1) Toàn tập Vũ Trọng Phụng, Nxb. Hội Nhà Văn, 1999; gồm 5 tập: T.1: Phóng sự: (Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, một huyện ăn tết); T.2: Tiểu thuyết (Dứt tình, Giông tố, Vỡ đê): T.3: Tiểu thuyết (Số đỏ, Làm đĩ); T.4: Tiểu thuyết (Lấy nhau vì tình, Trúng số độc đắc, Người tù được tha); T.5: Truyện ngắn, Kịch, Tạp văn.

(2) Vũ Trọng Phụng: Vẽ nhọ bôi hề! Những sáng tác mới tìm thấy năm 2000/ Peter Zinoman sưu tầm, Lại Nguyên Ân giới thiệu, chú thích/ Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2000; 218 trang 13×19 cm.

(3) Vũ Trọng Phụng: Chống nạng lên đường/ Chùm sáng tác đầu tay mới tìm thấy cuối năm 2000/ Lại Nguyên Ân sưu tầm, giới thiệu, chú thích/ Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2001, 369 trang 13x19cm; sách đang in lại có bổ sung trong năm 2004.

(4) Peter Zinoman. The Colonial Bastille: A Hitstory of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940. Berkeley, Los Angeles, London: Univesity of California Pess, 2001.

(5) Vũ Trọng Phụng. Dumb luck / Translated by Nguyễn Nguyệt Cầm and Peter Zinoman / Ann Arbor: The University of Michigan Press, 2002.

(6) Tham luận do Peter Zinoman đọc bằng tiếng Việt tại hội thảo là: “Bàn lại về nhân vật Hải Vân trong tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng”; tuy vậy Ban biên soạn kỷ yếu hội thảo lại chọn in bài “Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa hiện đại Việt Nam” là bài đã đăng Tạp chí văn học số 7/2002 (Xem thêm cuốn: Bản sắc hiện đại trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng/ Kỷ niệm 90 năm sinh nhà văn/ Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003).

Comments are closed.