Mênh mông chật chội… (27)

Lại Nguyên Ân

MỘT CUỐN TRUYỆN BỊ QUÊN LÃNG

SUỐT 70 NĂM QUA

Đó là cuốn Tây phương mỹ nhân, “luân lý tiểu thuyết” của nữ tác giả Huỳnh Thị Bảo Hoà, viết ở Đà thành (Đà Nẵng) mùa thu năm Bính Dần 1926, được in thành 2 tập, tổng cộng 76 trang khổ 14×20 cm tại nhà in Bảo Tồn, 36bis phố Bonnard, Sài Gòn, 1927.

Tôi nói đây là cuốn truyện bị quên lãng suốt 70 năm nay, không phải là quá lời. Về tên tác giả thì ta có thể nghe đâu đó, ví dụ ở đôi bài viết của Sở Cuồng (Lê Dư), hoặc của Phan Khôi chẳng hạn (với hai tác giả này, bà Bảo Hoà là người đồng hương). Năm 1943 tạp chí Tri tân ở Hà Nội ra liền hai số chuyên đề về “Văn học phụ nữ”, các bài viết của Hoa Bằng,(1) Phạm Mạnh Phan (2) đều ghi nhận cây bút Huỳnh Thị Bảo Hoà trong làng báo đầu thế kỷ XX. Nhưng phần việc bà góp với làng văn thì quá ít người biết. Chính Hoa Bằng, khi ghi nhận bà Bảo Hoà là cây bút đã viết cho tờ Tiếng dân, thì đồng thời lại không biết bà có cuốn truyện Tây phương mỹ nhân này, nên đã kể cuốn Răng đen (1944) của Anh Thơ như là cuốn tiểu thuyết thứ nhất của tác giả nữ Việt Nam ở thế kỷ XX.

Các cuốn nghiên cứu, chuyên khảo văn học sử về tiểu thuyết Việt Nam, xuất bản từ sau 1950 ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, đều không thấy nhắc nhở gì tới cuốn truyện này của bà Bảo Hoà.

Tôi sở dĩ biết có cuốn này là do vừa đây đọc lại Đông Pháp thời báo (báo xuất bản ở Sài gòn từ 1923 đến 1928); ở kỳ đầu tiên ra Phụ trương văn chương (Đông Pháp thời báo số 635, ngày 14.10.1927), chính chủ bút báo này là Diệp Văn Kỳ viết mục điểm sách và cuốn đầu tiên được mục này nói tới chính là Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hoà. Dò theo thông tin từ bài điểm sách này, tôi tra lại thư mục cũ của Thư viện quốc gia ở Hà Nội và và mượn được chính bản in Tây phương mỹ nhân có chữ ký nộp lưu chiểu của Diệp Văn Kỳ, chủ nhà in Bảo Tồn ở Sài Gòn.

Ở phần đầu sách, trước khi vào truyện, có tới bốn bài viết khác nhau: bài tựa của Huỳnh Thúc Kháng, mấy lời đề tặng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, tiểu dẫn của tác giả, bài tựa cuối cùng của Bùi Thế Mỹ.

Cả 4 bài này đều lưu ý một điểm: đây vốn là một chuyện có thật ở vùng Quảng Nam được nữ tác giả soạn thành tiểu thuyết. Hơn nữa, ba vị khách đề tựa đều đoan quyết rằng đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nữ tác giả Việt Nam trong thế kỷ XX. Tản Đà khẳng định đây “là vở tiểu thuyết thứ nhất của trong bạn quần thoa mới soạn ra”. Huỳnh Thúc Kháng nói kỹ hơn: “Tiểu thuyết […] ở nước ta nay còn đương lúc nảy chồi mọc mống, trong đám mày râu cũng mới xuất hiện một đôi bản như Quả dưa đỏ, Cảnh thu di hận, v.v., còn nữ giới thì thật chưa có. Nay bà [ý nói Huỳnh Thị Bảo Hoà] đem cái thì giờ quý báu mà làm được bản này [ý nói cuốn Tây phương mỹ nhân], lấy cái học thức sở đắc mà ra công thêu dệt để tự tạo cho thành một nhà văn trong nữ giới, cái công vỡ núi mở đường, thật không những […] là ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử trong làng quần thoa, mà cũng là tiếng trống trên thành phu nhơn làm một tay nữ tướng quân kình địch cho đám mày râu trong trường văn trận [bút]. Bạo dạn thật! Khó nhọc thật!” Bùi Thế Mỹ (3), một trong những cây bút trụ cột của Đông Pháp thời báo, là người được tác giả nhờ trông nom việc in cuốn sách, thì thận trọng hơn nữa: “Nay tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân (4) của bà Vương Khả Lãm ra đời, hay dở thế nào, xin nhường có hải nội chư quân tử phẩm bình; tôi với bà là chỗ tri giao, tưởng chẳng nên để lời tán tụng; song có một điều là nếu pho sử văn học của nước nhà mà có ngày xuất thế, thời tôi tin rằng tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân của bà Vương Khả Lãm đây cũng sẽ được liệt vào trong thời kỳ thứ nhất của mục văn tiểu thuyết đàn bà vậy”.

Về việc cuốn Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hoà là cuốn tiểu thuyết thứ nhất của tác gia nữ người Việt trong thế kỷ XX, hẳn cả Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà và Bùi Thế Mỹ đều không lầm; nhưng việc cả ba tin rằng người viết văn học sử đời sau sẽ ghi nhận điều ấy, − chính điều ấy lại chưa được chứng thực.

Về tác giả Huỳnh Thị Bảo Hoà, cho đến nay hầu như chưa có nguồn tài liệu nào cho biết tiểu sử; nhóm soạn giả Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1, in lần 1:Hà Nội 1962; in lần 2: Hà Nội 1971; tập 2: in lần 1: Hà Nội 1972) không có thông tin gì về tác gia này. Chưa biết rõ năm sinh tuy biết chắc là bà cùng thế hệ với những cây bút như Đạm Phương (1881-1947). Có lẽ quê bà ở Quảng Nam tuy chỉ biết chắc rằng khi viết cuốn này, gia đình bà sống ở Đà Nẵng, chồng bà là ông Vương Khả Lãm. Qua các nguồn khác nhau, có thể biết thêm rằng Huỳnh Thị Bảo Hoà từng viết cho các báo Nam phong,An Nam tạp chí, Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội, Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn, Tiếng dân ở Huế. Sách đã in của bà, nay chỉ biết có cuốn Tây phương mỹ nhân này (tạp chí Tri tân ở Hà Nội, số 19 ra ngày 17.10.1941 có đăng quảng cáo cuốn Chiêm Thành lược khảo của Huỳnh Thị Bảo Hoà với lời tựa của Phạm Quỳnh, nhưng không rõ sách này khi ấy đã in hay chưa).

Tây phương mỹ nhân được cấu tạo theo lối truyện chương hồi; có cả thảy 15 hồi.

Hồi 1: Cơn ngộ biến học đường lỡ bước; Lúc sa cơ phú hộ từ hôn.

Một nhà hương hộ giàu có kia có 2 anh em, hồi nhỏ đều được học chữ nho, nhưng thời thế đổi thay, người em là Nguyễn Tuấn Ngọc được cho ra tỉnh theo Tây học, người anh là Minh Châu ở nhà lo việc ruộng nương. Tuấn Ngọc đỗ Sơ học Pháp-Việt, đang học tiếp thì được gọi về nhà. Hoá ra cha mẹ làm phúc phải vạ: cho một người đói rét qua đường vào nhà mình ăn uống và ngủ nhờ, đến đêm người ấy chết, bị nha lại hàng huyện bắt giam rồi hạch sách nhũng nhiễu, phải cầm cố ruộng vườn lấy tiền lo lót. Người cha uất ức lâm bệnh chết; người mẹ cũng đau bệnh chết theo. Khi Tuấn Ngọc quay lại trường thì vì nghỉ quá lâu nên không được học tiếp; trở về nhà lại được tin phú ông họ Lê bội hôn, từ chối gả con gái cho. Nghe nói một sở nọ tuyển thông ngôn, Tuấn Ngọc bèn nộp đơn dự thi nhưng bị trượt trong khi kẻ dốt hơn có tiền lo lót được lấy đỗ.

Hồi 2: Cuộc phong vân Âu địa chiến tranh; Chí hồ thỉ Nguyễn gia ứng mộ.

Ở châu Âu nổ ra thế chiến I (1914-18), chính quyền Pháp ở thuộc địa mộ lính sang Pháp. Anh em Minh Châu, Tuấn Ngọc bàn nhau ứng mộ, muốn nhân cơ hội này đi tới nước văn minh xem cuộc sống ra sao. Hai anh em trúng tuyển, xuống tàu đi Pháp.

Hồi 3: Chốn sa trường Tuấn Ngọc bị thương; Nơi bịnh viện Bạch Lan hộ thuốc.

Sang tới Mạc Xây, Minh Châu xung vào lính thợ đi Tu Long, Tuấn Ngọc vào lính trận đi Vệ Đông. Thành này gần chiến tuyến với Đức nên thường bị đánh phá. Một lần trong toán lính đi tuần bị ném bom, Tuấn Ngọc bị thương phải đưa vào bệnh viện, được nữ khán hộ Bạch Lan là người Pháp chăm sóc. Hai người mến nhau. Sau vài tháng ra viện, Tuấn Ngọc được điều đến đóng ở tỉnh An Sắt vừa thu hồi từ tay quân Đức.

Hồi 4: Trong tú các xôn xao oanh yến; Trước lầu trang rộn rực tài hoa.

Ở thành An Sắt có quan hai (trung uý) Đạt Văn; Tuấn Ngọc đổi đến đây, thuộc quyền ông này coi sóc; thấy Tuấn Ngọc giỏi giang ông bèn lấy làm thư ký. Hoá ra Bạch Lan chính là con gái viên trung uý này. Hai người có dịp nói chuyện, hiểu hoàn cảnh và tâm trạng của nhau. Có hai công tử đeo đuổi Bạch Lan: chàng Sĩ Vinh con nhà quý tộc và Mĩ Sen, nhà phú hộ. Nhưng Bạch Lan không ưa cả hai, chỉ có cảm tình với Tuấn Ngọc. Chàng trai việt này cũng yêu nàng, nhưng nghĩ đến thân phận mình, đành gác lại bên lòng.

Hồi 5: Phận thuộc quốc cam bề khinh dể; Khách chinh phu nhiều nỗi thảm thương.

Mĩ Sen nói xấu Tuấn Ngọc với Bạch Lan, bị nàng cự lại, y bèn nói chuyện với Đạt Văn, khuyên trung uý cảnh giác với Tuấn Ngọc. Một hôm trung uý quên chiếc đồng hồ quý trên bàn, quay về thấy mất, tra hỏi Tuấn Ngọc, chàng nói không lấy, bị ông ta xúc phạm, chàng cự lại, bị trung uý lấy súng toan bắn. May Bạch Lan ngăn được, xin cha cứ trình cảnh sát là hơn.

Hồi 6: Chơi ngoạn cảnh Bạch Lan ngộ nạn; Gặp bất bình Tuấn Ngọc giải nguy.

Cảnh sát điều tra ra chiếc đồng hồ: hoá ra gã Cách Lôi đầy tớ nhà trung uý lấy cắp đem bán, bị bắt. Trung uý nhận lại của nhưng tính kiêu kỳ nên không gặp Tuấn Ngọc. nàng Bạch Lan một lần vào rừng chơi, bị một tên lạ mặt xông đến toan làm bậy, may gặp một người nào đó vóc dáng nhỏ chạy tới đánh lại, bắn chết tên gian. Hoá ra tên gian là một lính trinh thám Đức, còn người giết được hắn chính là Tuấn Ngọc.

Hồi 7: Bày tâm sự Đông Tây kết nguyện; Dẹp lôi đình Âu Á nên duyên.

Trung uý thấy Tuấn Ngọc lập được công trạng, lại cứu được con mình, bèn quay lại thân thiện và cuối cùng đồng ý gả Bạch Lan cho chàng. Nhưng Sĩ Vinh và Mĩ Sen ghen tức, ngầm nhờ các thế lực tác động để Tuấn Ngọc không được thăng chức, chỉ có mảnh giấy khen qua loa mà thôi. Bạch Lan và Tuấn Ngọc đến nhà thờ làm hôn lễ.

Hồi 8: Khách kiếm cung lui về cố quốc; Kẻ tào khang trở lại cô phòng.

Gia đình mới này tuy khó khăn nhưng hạnh phúc. Năm sau sinh con gái đặt tên Tuyết Mai. Ở Việt Nam, vợ Minh Châu là Trương thị bị quan huyện lừa dối và chiếm đoạt phần lương để lại ở nhà của hai anh em. Cuối 1918 chiến tranh kết thúc, Minh Châu về quê. Tuấn Ngọc ra quân tìm việc làm, sống với gia đình. Mĩ Sen vẫn ghen tức bèn xúc xiểm các quan, bắt Tuấn Ngọc phải về nước, giữa lúc Bạch Lan lại có thai.

Hồi 9: Phạm tội tham Hồ tri huyện bị cách; Báo thù vặt Lý Đại Ngốc tâng công.

Tuấn Ngọc về nước, cùng anh thưa lên tỉnh việc ở nhà quan huyện đoạt lương; hai anh em thắng kiện, quan huyện bị cách; toàn bộ số tiền đòi lại được, Tuấn Ngọc để cho vợ chồng người anh làm ăn. Chàng tìm cách sang Pháp. một người bạn bày cho chàng cách nấp vào thùng dưới hầm tàu thuỷ, nhưng bị tên Lý Đại Ngốc tố giác, rốt cuộc phải trở về nhà.

Hồi 10: Duyên loan phụng vì ai phân rẽ; Nghĩa sắt cầm nên nỗi dở dang.

Ở An Sắt, Bạch Lan trông chờ. Một ngày kia được thư Tuấn Ngọc: chàng cho biết để tiếp tục cuộc hôn nhân thì chàng phải vào dân Pháp (nhập quốc tịch), nhưng nhà nghèo không lo được, vì vậy chàng khuyên nàng đừng đợi mình, cứ đi lấy chồng và nuôi hộ con cái. Nàng không chịu, quyết sang An Nam tìm chồng.

Hồi 11: Đường muôn dặm chi nài phận gái; Bể ngàn trùng bao quản thân cò.

Bạch Lan quyết đi, cha mẹ nàng can ngăn, cuối cùng đồng ý, nàng nhờ chị là Duy Liên trông nom cha mẹ rồi đem theo con gái xuống tàu.

Hồi 12: Bọn nham hiểm bày mưu ngăn tiết phụ; Kẻ gian tà lập chí cợt giai nhân.

Đến đất Việt, Bạch Lan vào một nhà khách. Chủ trọ đổi thái độ từ vồn vã sang hờ hững khi biết nàng tìm chồng là một tên lính quèn người bản xứ. Chủ tỉnh bảo nàng tìm một người An Nam hèn mạt thế là làm xấu hổ dân Pháp; nàng lấy lý lẽ của xứ sở văn minh cự lại. Chủ tỉnh khất lần rồi lệnh cho cảnh sát trưởng Gia Bi tìm cách ngăn cản nàng và làm nản chí nàng.

Hồi 13: Mướn xe kéo, cô Tư giúp công; Đội lốt dê, chàng Dương phải mắng.

Một người đàn bà là Tư Hiệp thông cảm và thuê xe cho Bạch Lan đi Tam Kỳ về quê Tuấn Ngọc nhưng bị lính ngăn lại. Trước đó một gã nhà giàu là Hồ Đại Dương tìm cách lừa phỉnh dụ dỗ, bị nàng mắng cho đích đáng.

Hồi 14: Trong lữ quán than thân bạc mạng; Giữa công đường quyết chí quyên sinh.

Bị ngăn trở, Bạch Lan vào gặp chủ tỉnh tranh biện, hỏi tại sao cho người ngăn cản, rồi lấy súng đòi tự sát trước mặt ông ta. Một viên chức người Việt khuyên chủ tỉnh tư giấy gọi Tuấn Ngọc ra tỉnh gặp vợ. Giấy về đến nhà thì Tuấn Ngọc đi buôn vắng. Minh Châu ra tỉnh gặp em dâu nhưng bị cảnh sát trưởng Gia Bi phạt giam 8 ngày.

Hồi 15: Còi một tiếng Nam Kỳ tiễn biệt; Cuộc trăm năm An Sắt đoàn viên.

Tuấn Ngọc ra tỉnh, vợ chồng cha con gặp nhau. Tuấn Ngọc đang trên đường đưa vợ con về thăm quê thì có lệnh quan truyền cấm Bạch Lan về quê chồng, đồng thời bắt Tuấn Ngọc hoặc phải vào làng Tây hoặc phải ly dị vợ. Bạch Lan vào Nam trước để còn sinh nở, Tuấn Ngọc chờ làm xong giấy tờ rồi vào sau. Bạch Lan sinh con trai. Cả nhà xuống tàu thuỷ sang Pháp.

Kết thúc cuốn truyện là 2 bài thơ tặng theo lối treo gương.

***

Ở bài điểm sách đã nói đến ở trên, Diệp Văn Kỳ nhận xét: “Chuyện một người đàn bà Pháp, chồng làm lính mộ (lính chào mào): giặc rổi, bị chánh phủ đem về nước. Vợ nhớ qua thăm. Sự tích như vậy, có gì đâu mà làm ra một bộ tiểu thuyết. Thành ra có Tây phương mỹ nhân là chỉ vì vợ trắng chồng vàng. Than ôi! Cái màu da có lẽ là cái gốc tai hại của nhân loại cận thời!” Dường như Diệp Văn Kỳ không mấy thích thú đề tài cuốn truyện, nhưng ông xem trọng việc tác giả cuốn truyện “khả dĩ làm quy tắc cho nữ đức nhiều lắm”, và theo ông, “Cũng vì bà là người chơn chánh đạo đức nên mấy đoạn tình trong bộ Tây phương mỹ nhân còn lắm nơi khuyết điểm”, ấy là còn chưa nói đến sự miêu tả “cái phong tục phương Tây thì còn nhiều chỗ sai sót”.(5)

Chúng ta chưa biết, ngoài bài điểm sách của Diệp Văn Kỳ, đương thời còn có những bài báo nào nhắc tới cuốn truyên này. Chỉ biết rằng khoảng 7 năm sau, nhà phê bình Thiếu Sơn, nói về tác phẩm và tác giả này, đã thông tin và nhận định: “Câu chuyện lý thú đã được nhiều người truyền tụng và đã được các báo hoan nghinh, nhưng cách phô diễn còn kém bề linh hoạt, tác giả còn chịu cái ảnh hưởng cựu học và hầu như không biết gì đến cái nghệ thuật của văn học phương Tây”.(6)

Đọc lại Tây phương mỹ nhân sau hơn 70 năm kể từ lúc nó ra đời, ta dễ nhận thấy tác phẩm văn xuôi kể chuyện này ứng với ý niệm về thể tài truyện nói chung hơn là ứng với thể loại tiểu thuyết, mặc dù nó không nằm ngoài tiến trình hình thành thể loại tiểu thuyết trong văn học quốc ngữ đầu thế kỷ XX.

Gắn tác phẩm với phụ đề “luân lý tiểu thuyết”, tác giả muốn viết một câu chuyện treo gương đức hạnh theo khuôn mẫu văn hoá Đông Á. Nhưng chủ đề cũ có phần sáo mòn này, ở đây được dệt bằng chất liệu ít nhiều mới mẻ, tức là bằng những sự việc và con người thuộc loại ít biết thậm chí chưa từng biết (thanh niên Việt Nam đi lính sang châu Âu, va chạm và quan hệ với người châu Âu trên đất châu Âu…). Cách thức xử lý thông thường là tác giả đem “chủ quan hoá”, “Việt hoá” cái thế giới người xa lạ kia. Nhưng chừng như tác giả luôn luôn biết giới hạn sự “biết” của mình. Bà không lạm dụng lối cực tả các tình thế. Trong dẫn dắt và phân tích tiến triển của câu chuyện, tác giả tỏ rõ có nhu cầu tìm ra các yếu tố hợp lý tính để có thể hiểu được câu chuyện, hiểu những người và việc trong đó. Ở một phương diện khác, việc sử dụng kết cấu truyện chương hồi, việc sử dụng văn xuôi biền ngẫu, đành rằng chứng tỏ “tác giả còn chịu cái ảnh hưởng cựu học” như Thiếu Sơn nhận xét, song cũng phải nhận rằng việc phân biệt chương hồi ở Tây phương mỹ nhân quả là mang nhiều tính ước lệ; chương hồi không phải là nhân tố hữu cơ trong cách kể chuyện của tác giả. Hành văn của tác giả chưa thoát khỏi quỹ đạo biền ngẫu, nhưng tác giả luôn luôn cố hạn chế các khuôn sáo ngôn từ. Theo ý tôi, văn xuôi ở Tây phương mỹ nhân còn ít réo rắt ngân nga hơn so với Tố Tâm, cuốn tiểu thuyết ra mắt trước nó 2 năm và được coi như một cái mốc quan trọng trong sự hình thành tiểu thuyết tiếng Việt viết theo hình mẫu phương Tây. Cố nhiên Tố Tâm đương thời đã thành công một cách đầy ấn tượng, ngay về phương diện là một trưyện hư cấu với một luận đề, một vấn đề được nhấn mạnh. Tây phương mỹ nhân, − được viết bởi một ngọn bút ít tài hoa hơn, − cũng có một vấn đề, một luận đề: luận đề đạo đức, nêu cao gương thuỷ chung trong tình yêu và hôn nhân. Tác giả muốn nói: “Một người đàn bà ngoại quốc, sinh trưởng ở nước tự do, kết duyên với một người nước Việt Nam ta, mà ăn ở có tiết nghĩa có thuỷ chung, thiệt xưa nay hiếm có. Lấy lẽ công bình mà phán đoán thì một người có đức hạnh có tài hoa hơn người, dầu cho ở nước nào, ở phương nào cũng đáng quý trọng, vì là một cái gương chung cho hậu thế” (tiểu dẫn của tác giả). Tuy vậy tác giả không gắng nhấn mạnh một vấn đề nào, không làm cho ai thấy có chuyện gì đó có thể trở thành tai hoạ. Tác giả không cố ý che giấu những cái xấu xa trong các quan hệ con người, nhất là quan hệ con người ở xứ thuộc địa với những cách biệt về đẳng cấp, chủng tộc. Tuy vậy, ở câu chuyện chính thì rốt cuộc câu chuyện đi tới một kết thúc có hậu. Cũng có thể biện hộ ở chỗ tác giả thuật lại một câu chuyện có thật. Đằng nào cũng vậy: ngòi bút tác giả hướng tới một cách thức điều hoà. Các tai hoạ chỉ cần cho tác giả ở mức giúp bộc lộ được đức tính cần nêu gương của nhân vật. Thế thôi.

Và thiên truyện của ngòi bút nữ tác giả Huỳnh Thị Bảo Hoà cách nay hơn bảy chục năm, cũng chỉ cần được nhắc lại như một trong hàng loạt dữ kiện văn học sử đã bị quên lâu và quên nhất loạt trong giới văn học đến nỗi cần được giới thiệu lại hoàn toàn như một dữ kiện chưa từng biết. Bài viết này nếu có hơi dài thì chính là vì công việc “giới thiệu lại” ấy.(7)

Hà Nội, 18.12.2000

−−−−

([1]) Hoa Bằng, Lịch trình tiến hoá của văn học phụ nữ ta // Tri tân, Hà Nội, 1943, s.112 (16.9.1943)

(2) Phạm Mạnh Phan, Phụ nữ với báo chí // Tri tân, Hà Nội, 1943, s.112 (16.9.1943)

(3) Bùi Thế Mỹ (1904-1943) quê Duy Xuyên, Quảng Nam, một trong những nhà báo có tiếng ở Sài Gòn những năm 1920-30.

(4) Lưu ý: về tên sách, nữ tác giả và Huỳnh Thúc Kháng viết dạng “mỹ nhơn” trong khi Tản Đà và Bùi Thế Mỹ viết dạng “mỹ nhân”; Vương Khả Lãm là tên chồng bà Bảo Hoà.

(5) Diệp Văn Kỳ: Bình phẩm sách mới // Phụ trương văn chương // Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 635 (14.10.1927)

(6) Thiếu Sơn: Nữ sĩ Việt Nam (tiếp theo) // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 231 (11.1.1934).

(7) Ghi chú thêm (20.10.2006): Bài báo này của tôi đăng báo Phụ nữ chủ nhật, Tp. HCM., số 1(7/1/2001) và Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 6 (tháng 6/2001); sau đó tôi cung cấp văn bản sưu tầm được này cho ông Trương Duy Hy ở Đà Nẵng, một nhà nghiên cứu và biên khảo địa phương học Quảng Nam; ông Hy đã tìm hiểu thêm về tiểu sử tác giả rồi viết bài một số bài đăng báo; sau đó ông Hy biên soạn và xuất bản thành sách: Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà, người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003, 288 tr. 13×19 cm), trong cuốn sách ấy ngoài phần nói về nhân thân tác giả, sách còn in lại toàn bộ Tây phương mỹ nhân và 2 tác phẩm khác của cùng tác giả là Chiêm Thành lược khảo Bà Nà du ký.

Có thể khẳng định: chính do những nỗ lực giới thiệu lại này nên tác gia Huỳnh Thị Bảo Hoà (1896-1982) từ chỗ hầu như bị quên lãng trong sách báo nghiên cứu văn học suốt 50 năm cuối thế kỷ XX, thì sang đầu thế kỷ XXI đã có mặt trong một số sách chỉ dẫn. Ví dụ: bộ Từ điển văn học (hai tập, t.1: Hà Nội,1983, t.2: Hà Nội, 1984) không có gì về tác gia này; nhưng Từ điển văn học, bộ mới (Nxb Thế giới, Hà Nội-Tp. HCM., 2004) đã có mục từ về tác gia Huỳnh Thị Bảo Hoà. Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) (in lần thứ nhất, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001) không nói gì về tác phẩm của tác gia này, nhưng ở lần in thứ hai với nội dung có nhiều bổ sung (2 tập, tập 1: từ cuối thế kỷ XIX đến 1945; tập 2: từ 1945 đến 1975; Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006) đã có mục từ riêng về tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân.

Một khía cạnh khác, liên quan đến tác phẩm này, là điều mà các học giả xưa (Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà…) khẳng định và do đó đã là căn cứ để năm 2003 soạn giả Trương Duy Hy đặt làm tên sách (coi Huỳnh Thị Bảo Hoà là nữ tiểu thuyết gia người Việt đầu tiên), − chính điều này gần lại đây đã trở thành điều bị tranh cãi. Một nhà nghiên cứu là Lê Thanh Hiền, trong một số bài báo (mà gần đây nhất là trên tờ Xưa và nay, số…/2006) có ý muốn minh xác lại sự kiện mang tính “kỷ lục” này; cụ thể là ông Hiền muốn tính cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nữ tác giả Việt Nam cho Kim Tú Cầu (đăng Trung bắc tân văn, Hà Nội, từ 25/5/1923 đến 21/7/1923; in thành sách riêng tại nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928) của bà Đạm Phương (1881-1947).

Comments are closed.