Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản (kỳ 4)

Winston Phan Đào Nguyên

BìaNDC (3)

B.

Trần Khuê – “Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu” – Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử Số 275, 1994

Như vậy, trong bài viết vào năm 1972 ông Trần Nghĩa đã sử dụng bài thơ điếu Phan Thanh Giản bằng chữ Hán để giải thích theo ý nghĩa chê trách, vì theo ông thì bài thơ chữ Nôm có ý khen tặng Phan Thanh Giản. Nhưng cũng từ đó, ông đã gợi ý cho những người đi sau rằng liệu bài thơ Nôm có phải cũng có ý chê trách như vậy hay không, và có thể giải thích như ông đã làm với bài thơ chữ Hán hay không:

“… tư tưởng chủ đạo của bài thơ sẽ là lên án hành vì đầu hàng, bán nước và cái chết trốn trách nhiệm của Phan Thanh Giản. Điều đó liệu có thể xảy ra đối với Nguyễn đình Chiểu, đồng thời là tác giả của bài thơ Nôm “Non nước tan tành hệ bởi đâu …” hay không, vấn đề còn phải được tiếp tục nghiên cứu”.

Đáp lời kêu gọi của ông Trần Nghĩa, một tác giả khác cũng xuất thân từ Viện Hán Nôm là ông Trần Khuê đã làm theo sự gợi ý này của ông Trần Nghĩa với bài viết “Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu” trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, số 4(275) (tháng 7&8, 1994) vào năm 1994. Cũng như ông Trần Nghĩa, mục đích chính trong bài viết này của ông Trần Khuê là để chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu đã lên án chứ không phải khen ngợi Phan Thanh Giản qua hai bài thơ điếu. Do đó, ông Trần Khuê đã dẫn ra tất cả những “tư liệu lịch sử” mà ông có được để lên án Phan Thanh Giản trong bài viết, như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu, như đoạn sử bịa đặt của Phan Bội Châu trong Việt Nam Vong Quốc Sử với mục đích hạ nhục Phan Thanh Giản.[1]

Tuy vậy, điểm nổi bật nhất trong bài viết của ông Trần Khuê là vấn đề mà ông nêu ra về câu thơ số 7 trong bài thơ Nôm điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu, câu Minh tinh chín chữ lòng son tạc. Theo đó, ông Trần Khuê đã vận dụng cái mà ông gọi là “quy ước của người xưa” khi viết minh tinh[2], để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình viết câu thơ này thành “chín” chữ thay vì “mười một” chữ, để mắng xéo Phan Thanh Giản là chết đi thì chỉ có thành quỷ.

Dưới đây là một đoạn trích trong bài viết nói trên của ông Trần Khuê, liên quan đến vấn đề “minh tinh chín chữ” như sau:

… Từ lâu nay có nhiều người nghiên cứu đã bênh vực Phan, nhưng họ lại không lên án Tự Đức, đồng thời họ cũng chỉ bào chữa cho Phan bằng phẩm chất cá nhân của ông và 2 bài thơ điếu ông của Nguyễn Đình Chiểu. Họ khẳng định Phan là người yêu nước với cái lập luận đại khái là: nếu Phan không phải là người yêu nước thì lẽ nào nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu lại làm tới 2 bài thơ điếu để tỏ lòng thương tiếc và ca ngợi Phan. Như thế là cứ đem người yêu nước nọ để làm bảo chứng cho người yêu nước kia, còn nội dung của 2 bài thơ này ra sao thì họ lại ít quan tâm hoặc giải thích ý thơ một cách nhầm lẫn, sai lạc.

Chẳng hạn, đối với hai câu luận trong bài thơ điếu Phan bằng chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu:

“Bỉnh tiết tần lao sinh Phú Bật

Tận trung hà hận tử Trương Tuần”

Thì Nguyễn Duy Oanh, tác giả cuốn “Chân dung Phan thanh Giản” (tủ sách Sử học, Bộ Văn Hóa-Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974, tr. 281) chú thích là Phú Bật làm quan đời Tống, Trương Tuần làm quan đời Đường. Hai ông này đều là người trung nghĩa!” Tác giả chú thích sơ sài như vậy chẳng những không giúp cho người đọc hiểu cụ thể và đầy đủ về Phú Bật và Trương Tuần , mà lại khiến cho người đọc tưởng lầm rằng Nguyễn Đình Chiểu nêu lên 2 điển tích này nhằm so sánh và ca tụng Phan Thanh Giản. Thực ra Nguyễn Đình Chiểu dùng 2 điển tích này nhằm nói rằng Phú Bật ở đời Tống được vua cử đi sứ, ông đã thuyết phục được giặc Khiết Đan và lấy lại được đất cho nhà Tống, còn Phan Thanh Giản được cử đi sứ sang Pháp, nhưng ông lại ký hòa ước Nhâm tuất (1862) với Pháp và đã làm mất đứt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc. Trương Tuần ở đời Đường giữ thành chống An Lộc Sơn, ông đã chiến đấu đến cùng, thành vỡ, sa vào tay giặc, ông không chịu khuất phục đầu hàng, bị giặc giết và đã chết theo thành. Còn Phan Thanh Giản coi giữ thành Vĩnh Long, ông không những đã không tổ chức chiến đấu, còn giao nộp thành cho giặc Pháp. Hơn nữa, Phan đã nhân danh là Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây hạ lệnh cho 2 viên Tổng đốc An Giang và Hà tiên cùng phải “bẻ gãy dáo và gươm, giao nộp thành trì, khỏi chống lại”. Rõ ràng là cụ Đồ Chiểu đã dùng 2 điển tích này trong bài thơ điếu Phan bằng chữ Hán của cụ nhằm chê trách Phan, chứ đâu phải để ca tụng Phan.

Vừa qua, đọc bài “Thử tìm hiểu thêm hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu điếu Phan thanh Giản” (Văn Nghệ TPHCM, số 604, 22/9/1989), tôi rất mừng thấy tác giả Hòa Lạc đã hiểu đúng gần trọn ý thơ của cụ Đồ Chiểu. Ông đã cắt nghĩa từng dòng khá tỉ mỉ, chu đáo. Đáng tiếc, Hòa Lạc đã bỏ sót một ý thơ khá quan trọng của cụ Đồ Chiểu, nên tôi xin mạn phép nói thêm cho đủ. Về hai câu kết trong bài thơ điếu Phan bằng chữ Nôm của cụ Đồ Chiểu như sau:

“Minh tinh chín chữ lòng son tạc

Trời đất từ đây mặc gió thu”.

Ông Hòa Lạc đã viết: “Trước khi mất, Phan Thanh Giản dặn các con đừng dựng minh tinh, nếu dựng thì chỉ được viết: “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu” (Quan tài của người thư sinh già họ Phan ở nơi bãi biển nước Đại Nam). Trong 11 chữ (Hán) ấy thì “lão thư sinh” là chủ thể; “lòng son” là một lời khen, nhưng khen Phan trong tư cách là “lão thư sinh”. Có một chi tiết đáng chú ý là minh tinh, theo lời trối của Phan có mười một chữ, nhưng Nguyễn Đình Chiểu thì lại viết: “minh tinh chín chữ”. Mặc nhiên cụ Đồ Chiểu cắt bớt đi hai chữ. Hai chữ nào đây? Xem qua, xét lại tôi chỉ thấy hai chữ “Đại Nam” là có thể cắt và đáng cắt. Vì lúc ấy toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ, kể cả bãi biển quê hương của Phan đã là lãnh thổ của Đại Pháp rồi, chứ còn đâu là của Đại Nam nữa”.

Giải thích chừng đó, tôi ngờ rằng tác giả Hòa Lạc còn có điều chưa hiểu trúng cái ý sâu xa của cụ Đồ Chiểu. Vì nếu quả thực là cụ Đồ Chiểu muốn cắt hai chữ “Đại Nam” thì tại sao Cụ không cắt luôn thể hai chữ “hãi nhai”, vì theo Hòa Lạc thì “kể cả bãi biển (hải nhai) quê hương của Phan” cũng đã mất cơ mà. Theo lôgic đó thì cụ Đồ Chiểu phải nói là “minh tinh bảy chữ” mới thỏa đáng. Vậy cụ Đồ Chiểu nói “chín chữ” là hàm ý gì? Theo tôi, đây không phải là vấn đề cắt chữ mà chính là một kiểu chơi chữ cực kỳ thâm thúy.

Cần nhắc lại nguyên văn lời trối của Phan với thân quyến của ông như sau: Minh sinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thư: “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu”, diệc dĩ thử (xin giảm bỏ tấm triệu, nếu không nên đề: “Quan tài của người thư sinh già họ Phan ở nơi bãi biển nước Đại Nam” cũng lấy câu này ghi ở mộ).

Vấn đề đáng chú ý là tại sao Phan lại dặn con cháu ông ghi mười một chữ, chứ không phải là mười chữ hay chín chữ?

Ở đây có vấn đề quy ước của người xưa. Theo tục lệ, khi viết minh tinh hoặc đề bia mộ, người ta bắt buộc phải chú ý đến bốn chữ Quỷ, Khốc, Linh, Thính, và phải tôn trọng quy tắc: “Nam linh, nữ thính, bất dụng quỷ khốc nhị tự”. Nghĩa là khi viết minh tinh cho người chết là đàn ông thì người ta phải dừng ở chữ Linh, còn viết cho người chết là đàn bà thì người ta phải dừng ở chữ Thính, không được dùng hai chữ Quỷ và Khốc. Như thế để khỏi sái, tránh tổn hại cho con cháu. Vậy đối chiếu với quy tắc trên thì mười một chữ của Phan đã dừng đúng ở chữ Linh.

Quỷ 1 Đại | Khốc 2 Nam | Linh 3 Hải | Thính 4 Nhai | Quỷ 5 Lão | Khốc 6 Thư | Linh 7 Sinh | Thính 8 Tính | Quỷ 9 Phan | Khốc 10 Chi | Linh 11 Cữu/Mộ[3]

Theo sơ đồ trên, đối với người chết là người đàn ông, người ta chỉ có thể đề ở minh tinh của người ấy hoặc 3 chữ, hoặc 7 chữ, hoặc 11 chữ, hoặc 15 chữ …, không thể làm khác đi. Sau này người nhà của Phan đã đề ở mộ Phan 7 chữ “Lương khê Phan lão nông chi mộ” cũng là đúng quy tắc. (Tôi chưa rõ vì lẽ gì mà con cháu của Phan đã không làm đúng theo lời trối của Phan).

Không thể nghi ngờ một vị túc nho như Nguyễn Đình Chiểu lại không am tường những quy tắc loại này. Và như nhiều nhà nho đương thời, hẳn cụ Đồ Chiểu cũng từng nghe biết lời di chúc của Phan. Vậy mà Cụ vẫn cứ hạ trong bài thơ điếu của Cụ mấy chữ thiệt tình quái ác: “minh tinh chín chữ”, không phải là mười một chữ đã đành, mà cũng chẳng phải là bảy chữ. Cụ Đồ Chiểu đã nhầm lẫn chăng? Chắc chắn là Cụ không thể có sự nhầm lẫn hết sức hệ trọng như thế.

Đã hạ “chín chữ”, nghĩa là Cụ đã dừng lại ở một chữ tối kỵ: chữ Quỷ, vậy mấy chữ “lòng son tạc” còn có nghĩa gì? Ca tụng hay mỉa mai?

Muốn minh xác điều này, chúng ta lại phải xét tới một liên văn bản, nghĩa là những bài thơ điếu khác của cùng tác giả, nhất là bài thơ điếu bằng chữ Hán. Điếu Anh hùng Trương Định, cụ Đồ Chiểu đã khóc một thôi thập nhị thủ (12 bài thơ Nôm), khóc anh hùng Phan Tông (sic), Cụ cũng có tới 10 bài thơ Nôm. Nhưng với Phan, cụ chỉ có một bài thơ Nôm mà thôi. Về số lượng, tại sao lại sụt một cách dữ dội như thế? Lại kèm thêm một bài thơ chữ Hán? Cho tăng phần trân trọng chăng? Hẳn là không phải! Vì nếu dùng bài thơ chữ Hán cho tăng thêm phần trân trọng thì tiếc gì mà cụ Đồ Chiếu lại không thêm vài bài thơ chữ Hán cho những bậc anh hùng đáng trân trọng kia? Vậy điếu Phan thêm một bài thơ bằng chữ Hán, cụ Đồ Chiểu nhằm mục đích gì? Trong hai câu luận của bài thơ chữ Hán, cụ Đồ Chiểu đã nhắc đến chuyện Phú Bật và Trương Tuần là nhằm phê phán Phan một cách kín đáo, thì đã rõ rồi. Vậy cụ còn có ý tứ gì nữa không? Tôi thấy cần phải chú ý thêm hai câu kết trong bài thơ chữ Hán này như sau:

“Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự

Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần”

(Việc còn mất của sáu tỉnh, còn có trời. (Nhưng ông) muốn ung dung làm thần tựu nghĩa, thật khó vậy thay!)

Theo tôi hiểu, có lẽ đây là lý do chính mà cụ Đồ Chiểu thấy cần phải có thêm bài thơ điếu Phan bằng chữ Hán. Bên bài thơ chữ Nôm, tác giả hạ “minh tinh chín chữ”, nghĩa là dừng ở chữ Quỷ, còn bên bài thơ chữ Hán, tác giả nói trắng là Phan không thể làm Thần được. Chữ nghĩa của cụ Đồ Chiểu quả thật là đáng sợ! Nhưng hình như cụ Đồ Chiểu vẫn có ý lo ngại? Và phải chăng lo hậu thế không hiểu đầy đủ cái ý thâm thúy của Cụ đã thác ngụ kín đáo trong bài thơ Nôm nên cụ Đồ Chiểu bất đắc dĩ phải gia công thêm một bài thơ chữ Hán? Có thể nói cụ Đồ Chiểu đã quá cẩn thận và chu đáo vậy thay!

Như thế là nếu phân tích kỹ chữ nghĩa, dụng ý của điển cố và nhất là những tứ thơ nằm trong một hệ thống liên văn bản, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng “điếu Phan công nhị thủ” của Nguyễn Đình Chiểu không phải là hai bài thơ nhằm khóc thương và ca tụng Phan Thanh Giản mà chính là tác giả nhằm chê trách, phê phán Phan. Nguyễn Đình Chiểu không hề nhầm lẫn, không hề tự mâu thuẫn, trước sau Cụ vẫn hết sức nhất quán với lập trường yêu nước của mình. Cũng không có ngoại lệ trong chuyện này. Do đó, chúng ta không thể dùng hai bài thơ hết sức thâm thúy này của Nguyễn Đình Chiểu để bênh vực cho Phan Thanh Giản.[4]

Có thể thấy rằng ông Trần Khuê đã sử dụng chính luận điệu của ông Trần Nghĩa trong bài viết vào năm 1972, khi ông giải thích giống hệt như ông Trần Nghĩa về hai câu số 5 và 6 của bài thơ chữ Hán. Tức là ông cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng hai điển tích về Phú Bật và Trương Tuần để phê phán chứ không phải khen ngợi Phan Thanh Giản, khi ông so sánh kết quả giống như ông Trần Nghĩa. Nhưng trong khi ông Trần Nghĩa còn có chút tôn trọng sự thật lịch sử về hai nhân vật này thì ông Trần Khuê lại không làm điều đó, mà gán luôn cho Phú Bật công trạng “lấy lại được đất cho nhà Tống”. Mà như người viết đã dẫn ra ở trên, Phú Bật chỉ điều đình cho nhà Tống khỏi bị cắt đất, nhưng lại phải trả thêm tiền và lụa, và trong khi quân Liêu chỉ mới vừa đe dọa ở biên giới mà thôi. Điều này cho thấy ông Trần Khuê đã chẳng những sử dụng lý luận sai lầm của ông Trần Nghĩa, mà còn chế tạo ra chi tiết cho thêm phần thuyết phục.

Nhưng đó không phải là lần duy nhất mà ông Trần Khuê đã “mượn” hay cầm nhầm ý tưởng của người khác. Bởi vấn đề nổi bật nhất đã được ông Trần Khuê đưa ra trong bài viết này về câu Minh tinh chín chữ lòng son tạc cũng là một sự chiếm đoạt ý tưởng của người khác, ông Lê Thọ Xuân. Và vấn đề này mãi đến tận bây giờ vẫn được những người lên án Phan Thanh Giản đem ra sử dụng mỗi khi viết về Phan Thanh Giản: là Nguyễn Đình Chiểu đã chửi xéo Phan Thanh Giản rằng chết đi thì sẽ thành “quỷ”, khi ông viết câu Minh tinh chín chữ lòng son tạc trong bài thơ chữ Nôm.

1. Lấy Một Thắc Mắc Về “Lễ” Của Lê Thọ Xuân Để Biến Thành Một “Khám Phá” Của Mình Là Nguyễn Đình Chiểu Đã Cố Tình Viết “Chín Chữ” Để Mắng Phan Thanh Giản Là “Quỷ”

Nhưng sự thật là ông Trần Khuê không phải đã tự mình nghĩ ra được vấn đề này, mà ông đã khéo léo “mượn” một thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân vào năm 1944 trên tờ Tri Tân về câu thơ Minh tinh chín chữ lòng son tạc trong bài thơ chữ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu điếu Phan Thanh Giản nói trên, rồi ông bẻ cong sự thắc mắc đó đi để cả quyết rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình dùng “chín chữ” trong câu thơ nhằm ngụ ý mắng xéo Phan Thanh Giản là chết đi sẽ thành “quỷ”.

Điều cần nói là ông Trần Khuê lại không bao giờ dẫn nguồn là bài viết nói trên của ông Lê Thọ Xuân trong tờ Tri Tân vào năm 1944. Và đó là vì ông Trần Khuê đã làm một việc không có lương thiện trí thức: ông sử dụng chủ ý thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân về vấn đề nghi lễ tang ma, nhưng lại trình bày như là Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình dùng “chín chữ” trong câu thơ số 7 để biến cả bài thơ mà Nguyễn Đình Chiểu khen ngợi Phan Thanh Giả thành một lời châm biếm.

Vậy trước khi xét đến lý luận và thủ thuật của ông Trần Khuê trong việc cố tình cầm nhầm và sử dụng sự thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân ra sao, xin hãy đọc đoạn văn dưới đây trong bài viết “Từ Minh Tinh Của Phan-Lương-Khê Đến Thần Chủ Của Bùi-hữu-Nghĩa” của ông Lê Thọ Xuân, đăng trên tờ Tri Tân Tạp Chí vào năm 1944. Trong bài viết này, tác giả Lê Thọ Xuân cho thấy rằng ông chính là người đầu tiên nêu lên vấn đề về câu thơ Minh tinh chín chữ lòng son tạc đó.

Ông Lê Thọ Xuân, tên thật Lê Văn Phúc, là một nhà nghiên cứu uy tín và đã đưa ra nhiều tài liệu chính xác về Phan Thanh Giản, do ông là người địa phương và có quen biết lớn với cả hai gia đình Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu. Do sự quen biết này, ông Lê Thọ Xuân là người đầu tiên đã đưa ra phiên bản đúng nhất của hai bài thơ, mà ông lấy từ ông Nguyễn Đình Chiêm, khi ông cho đăng bài viết về “danh nhơn Nam Kỳ Nguyễn Đình Chiểu” trên tờ Đồng Nai vào năm 1933. Ngoài ra, ông Lê Thọ Xuân còn tiếp tục cho đăng nhiều bài khác trên tạp chí Tri Tân về Phan Thanh Giản sau đó.

Ông Lê Thọ Xuân còn là đồng tác giả một cuốn sách rất giá trị về Phan Thanh Giản bằng tiếng Pháp là cuốn Phan-Thanh-Gian, 1796-1867, et sa famille d’après quelques documents annamites.[5] Trong cuốn sách này, ông cho in lại nhiều tài liệu rất quí, như mảnh hoa tiên mà Phan Thanh Giản để lại về việc viết minh tinh, cũng như bài thơ trường thiên của Phạm Phú Thứ điếu Phan Thanh Giản.

Và dưới đây là đoạn trích bài viết nói trên, “Từ Minh Tinh Của Phan-Lương-Khê Đến Thần Chủ Của Bùi-hữu-Nghĩa” của ông Lê Thọ Xuân, đăng trên tờ Tri Tân Tạp Chí năm 1944:

“Nghe Phan-thanh-Giản tuẫn tiết, Nguyễn-đình-Chiểu có làm bài thơ điếu “Non nước tan tành hệ bởi đâu!” mà nhiều người lầm tưởng là của Phan làm lúc sắp từ giã cõi trần. Câu 7 của bài nầy “Minh sanh (tinh) chín chữ lòng son tạc” làm tôi suy nghĩ mãi, vì minh tinh mà chín chữ thì chẳng hợp lễ chút nào, nhứt là Phan-thanh-Giản hay Nguyễn-đình-Chiểu thà chết chớ không chịu trái lễ.

Đánh lòng triệu (minh-tinh), người ta dùng bốn chữ “quỉ, khốc, linh, thính” và thế nào cho chữ chót là chữ linh nếu người qua đời là đờn ông, hay chữ thính nếu người qua đời là đờn bà.

Chín chữ trong lòng tấm triệu của Phan-thanh-Giản mà người đời thường nhắc là “Hải-nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cữu”. Ta thử đánh:

1 Hải Quỉ | 2 Nhai Khốc | 3 Lão Linh | 4 Thơ Thính | 5 Sanh Q. | 6 Tánh K. | 7 Phan L. | 8 Chi T. | 9 Cữu Q.

Thế là nhằm chữ Quỉ, chữ kỵ vì “bất dụng quỉ, khốc nhị tự”. Ngót mươi năm tìm tòi, một hôm tôi may mắn được anh Phan thanh Hoài, người giữ nhà thờ cụ Phan tại Bảo thạnh (Batri), cho coi rương tờ giấy chữ hán mà từ trước tới giờ anh giữ kín. Rất nhiều tài liệu mà một phần lớn đã đem trình trong quyển “Phan thanh Giản et sa famille” xuất bản trong năm 1941. Trong mớ tài liệu quí hóa nầy có hai vật làm tôi vui mừng vô hạn là bài trường thiên của Phạm-phú-Thứ khóc Phan thanh Giản và mấy lời trối của cụ Phan viết trên mảnh hoa tiên với nét chữ run run, nhứt là cái nhấn chữ chi, cái ngang dưới chữ cưu và hai chữ chi mộ ngả xiên, chứng tỏ lúc hơi tàn lực kiệt. Ai thấy qua tuồng chữ mà lòng chẳng bất giác cũng như nét chữ mà run-run!

Theo lời dặn trong tờ nầy thì lòng minh tinh không phải là chín chữ vì ở trên có thêm hai chữ Đại Nam. Vậy là mười một chữ thành:

1 Đại Q. | 2 Nam K. | 3 Hải L. | 4 Nhai T. | 5 Lão Q. | 6 Thơ K. | 7 Sanh L. | 8 Tánh T. | 9 Phan Q. | 10 Chi K. | 11 Cữu L.[6]

Chữ chót đúng vào chữ Linh, rất hợp lễ.

Và trọn di chúc của cụ Phan vẻn-vẹn có những chữ này:

”Minh-tinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thư:

Đại Nam hải nhai lão thử sanh tánh Phan chi cữu diệc dĩ thử chi mộ”

Và dịch là:

“Xin giảm (bỏ) tấm triệu đi, bằng không (nỡ bỏ hay chịu bỏ), (thì chỉ) nên viết:

“Đại Nam hải nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cữu, (và) cũng lấy mấy chữ nầy mà đề ở mộ bi (bia)”

Minh-tinh thỉnh tỉnh! Xin bỏ tấm triệu đi! Đọc xong và hiểu rõ mấy chữ ấy, các bạn có cầm được chăng giọt nước mắt khóc cổ-nhân? …”[7]

Dưới đây là hình chụp của mảnh hoa tiên có “lời trối” nói trên của Phan Thanh Giản mà ông Lê Thọ Xuân đã cho đăng trong cuốn Phan-Thanh-Gian, 1796-1867, et sa famille d’après quelques documents annamites

clip_image002

Như vậy, trong bài viết này, ông Lê Thọ Xuân đã nêu lên một thắc mắc về lá minh tinh; và sau đó ngụ ý cho rằng đã tìm ra được câu trả lời.

a) Thắc Mắc Của Ông Lê Thọ Xuân

Thắc mắc là “minh tinh mà chín chữ thì chẳng hợp lễ chút nào, nhứt là Phan-thanh-Giản hay Nguyễn-đình-Chiểu thà chết chớ không chịu trái lễ.”

Trả lời là “tôi may mắn được anh Phan thanh Hoài … cho coi … mấy lời trối của cụ Phan viết trên mảnh hoa tiên… Theo lời dặn trong tờ nầy thì lòng minh tinh không phải là chín chữ vì ở trên có thêm hai chữ Đại Nam. Vậy là mười một chữ…..Chữ chót đúng vào chữ Linh, rất hợp lễ.

Như vậy, vấn đề về câu “minh tinh chín chữ” thật ra đã được nêu lên bởi ông Lê Thọ Xuân lần đầu tiên như trên từ năm 1944 trên tờ Tri Tân. Nhưng đó lại là một vấn đề rất khác với vấn đề mà ông Trần Khuê sau này đã chiếm đoạt, rồi sửa đổi lại để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã mắng Phan Thanh Giản là “quỷ”.

Bởi ông Lê Thọ Xuân chỉ thắc mắc, hay đặt vấn đề như sau: Nguyễn Đình Chiểu làm câu thơ mà viết rằng “minh tinh chín chữ” như vậy là một điều sai lễ, hay “chẳng hợp lễ”. Bởi theo “lễ” thì lá minh tinh của người đàn ông phải có 7 hay 11 hay 15 chữ, nghĩa là sao cho chữ cuối phải lọt vào chữ “Linh” trong bốn chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”.

Rồi ông Lê Thọ Xuân ngụ ý tự cho là đã tìm được câu trả lời, đó là nhờ ông “may mắn” kiếm được một mảnh hoa tiên có chứa “lời trối” của Phan Thanh Giản từ gia đình họ Phan, mà ông đã từng công bố trong cuốn sách tiếng Pháp về Phan Thanh Giản trước đó. Và theo “lời trối” trên mảnh hoa tiên này của Phan Thanh Giản thì lá minh tinh có đúng 11 chữ, tức là chấm dứt ở chữ Linh, một cách rất hợp “lễ”.

Do đó, ý của ông Lê Thọ Xuân trong bài viết trên, mặc dù ông không hề nói rõ ra, là câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như “người đời thường nhắc” – cho rằng minh tinh của Phan Thanh Giản chỉ có chín chữ – là không chính xác hay không đúng, vì không hợp “lễ”.

Rồi ông đưa ra chứng minh của ông về sự “hợp lễ” này, qua cái ông gọi là “lời trối” về minh tinh của Phan Thanh Giản, tức là mảnh hoa tiên với chữ viết của Phan Thanh Giản mà trong đó rõ ràng có tới 11 chữ. Sau đó, từ “lời trối” rất “hợp lễ” này của Phan Thanh Giản, ông Lê Thọ Xuân mới, một cách gián tiếp, cho rằng lá minh tinh của Phan Thanh Giản ắt phải có đúng 11 chữ giống như “lời trối”.

Nghĩa là ông Lê Thọ Xuân muốn người đọc phải tự suy ra rằng câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu nói “minh tinh chín chữ” là một sự diễn tả không đúng sự thật; bởi vì lá minh tinh của Phan Thanh Giản đã, và phải, có đúng 11 chữ, giống như trong “lời trối” của Phan Thanh Giản do ông tìm ra.

Nhưng ông Lê Thọ Xuân đã ngừng lại ở đó. Chứ ông không hề nói, hay suy đoán ra lý do tại sao Nguyễn Đình Chiểu lại viết như vậy. Ông chỉ nói rằng viết minh tinh mà có chín chữ thì “không hợp lễ”, và trong khi đó thì lời trối của Phan Thanh Giản cho thấy rõ ràng rất hợp lễ. Và vì Nguyễn Đình Chiểu cũng như Phan Thanh Giản là những người “thà chết chớ không chịu trái lễ”, cho nên ông Lê Thọ Xuân đã ngụ ý cho rằng Nguyễn Đình Chiểu một là sai lầm, hoặc hai là không chính xác, khi diễn tả về lá triệu (minh tinh) của Phan Thanh Giản trong câu số 7 của bài thơ Nôm với “minh tinh chín chữ”. Bởi đúng ra thì nó phải là 11 chữ theo như “lời trối” của Phan Thanh Giản, mà ông Lê Thọ Xuân chính là người đầu tiên đã đưa ra ánh sáng!

Và như vậy, có thể hiểu rằng ông Lê Thọ Xuân đã đưa ra cái thắc mắc như trên để nhấn mạnh về tầm quan trọng của một tài liệu do chính ông kiếm ra và gọi là “lời trối” – mảnh hoa tiên có thủ bút của Phan Thanh Giản về việc viết minh tinh. Rồi ông gián tiếp cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã viết, cũng như người đời thường nhắc, một cách không đúng sự thật về lá minh tinh. Chứ ông Lê Thọ Xuân hoàn toàn không hề có ý cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình viết hay sửa câu thơ lại để nói rằng lá minh tinh chỉ có “chín chữ”, trong khi sự thật là 11 chữ, với mục đích châm biếm Phan Thanh Giản.

b) Ông Trần Khuê Chiếm Đoạt Thắc Mắc Của Ông Lê Thọ Xuân

Thế nhưng đúng năm mươi năm sau bài viết này của ông Lê Thọ Xuân thì ông Trần Khuê đã sử dụng cái thắc mắc về “lễ” mà ông Lê Thọ Xuân đã nêu ra từ năm 1944 như trên, để biến hóa ra thành một “khám phá” của ông. Hơn nữa, ông Trần Khuê còn sửa đổi sự thắc mắc này thành ra cái mà ông gọi là cách “chơi chữ” hay sự cố ý của Nguyễn Đình Chiểu nhằm chửi xéo Phan Thanh Giản, là chết đi thì chỉ có thể thành quỷ.

Tức là ông Lê Thọ Xuân chỉ nêu ra sự khác nhau giữa câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu rằng minh tinh của Phan Thanh Giản chỉ có chín chữ, và “lời trối” của Phan Thanh Giản trong mảnh hoa tiên mà ông kiếm ra có đúng 11 chữ, để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã không chính xác hoặc lầm lẫn. Tức là nhiều lắm thì ông Lê Thọ Xuân có ngụ ý rằng đó chỉ là một sự vô ý hay bất cẩn mà thôi.

Trong khi đó, ông Trần Khuê lại nắm ngay lấy sự thắc mắc này và tuyên bố rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố ý làm như vậy, với mục đích lên án Phan Thanh Giản. Cho nên Nguyễn Đình Chiểu mới cố ý “cắt” đi hai chữ trong “di chúc” và “hạ” xuống thành “chín chữ”, thay vì 11 chữ, trong câu thơ:

Vì nếu quả thực là cụ Đồ Chiểu muốn cắt hai chữ “Đại Nam” thì tại sao Cụ không cắt luôn thể hai chữ “hải nhai”… Vậy cụ Đồ Chiểu nói “chín chữ” là hàm ý gì? Theo tôi, đây không phải là vấn đề cắt chữ mà chính là một kiểu chơi chữ cực kỳ thâm thúy.

Ở đây có vấn đề quy ước của người xưa … Không thể nghi ngờ một vị túc nho như Nguyễn Đình Chiểu lại không am tường những quy tắc loại này. Và như nhiều nhà nho đương thời, hẳn cụ Đồ Chiểu cũng từng nghe biết lời di chúc của Phan. Vậy mà Cụ vẫn cứ hạ trong bài thơ điếu của Cụ mấy chữ thiệt tình quái ác: “minh tinh chín chữ”, không phải là mười một chữ đã đành, mà cũng chẳng phải là bảy chữ. Cụ Đồ Chiểu đã nhầm lẫn chăng? Chắc chắn là Cụ không thể có sự nhầm lẫn hết sức hệ trọng như thế.

Đã hạ “chín chữ”, nghĩa là Cụ đã dừng lại ở một chữ tối kỵ: chữ Quỷ, vậy mấy chữ “lòng son tạc” còn có nghĩa gì? Ca tụng hay mỉa mai?

Muốn minh xác điều này, chúng ta lại phải xét tới một liên văn bản, nghĩa là những bài thơ điếu khác của cùng tác giả, nhất là bài thơ điếu bằng chữ Hán… Trong hai câu luận của bài thơ chữ Hán, cụ Đồ Chiểu đã nhắc đến chuyện Phú Bật và Trương Tuần là nhằm phê phán Phan một cách kín đáo, thì đã rõ rồi. Vậy cụ còn có ý tứ gì nữa không? Tôi thấy cần phải chú ý thêm hai câu kết trong bài thơ chữ Hán này như sau:

“Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự

Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần”

(Việc còn mất của sáu tỉnh, còn có trời. (Nhưng ông) muốn ung dung làm thần tựu nghĩa, thật khó vậy thay!)

Theo tôi hiểu, có lẽ đây là lý do chính mà cụ Đồ Chiểu thấy cần phải có thêm bài thơ điếu Phan bằng chữ Hán. Bên bài thơ chữ Nôm, tác giả hạ “minh tinh chín chữ”, nghĩa là dừng ở chữ Quỷ, còn bên bài thơ chữ Hán, tác giả nói trắng là Phan không thể làm Thần được

Như thế là nếu phân tích kỹ chữ nghĩa, dụng ý của điển cố và nhất là những tứ thơ nằm trong một hệ thống liên văn bản, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng “điếu Phan công nhị thủ” của Nguyễn Đình Chiểu không phải là hai bài thơ nhằm khóc thương và ca tụng Phan Thanh Giản mà chính là tác giả nhằm chê trách, phê phán Phan. Nguyễn Đình Chiểu không hề nhầm lẫn, không hề tự mâu thuẫn, trước sau Cụ vẫn hết sức nhất quán với lập trường yêu nước của mình. Cũng không có ngoại lệ trong chuyện này. Do đó, chúng ta không thể dùng hai bài thơ hết sức thâm thúy này của Nguyễn Đình Chiểu để bênh vực cho Phan Thanh Giản.[8]

Như vậy, điều rõ ràng là ông Trần Khuê đã bắt chước ý kiến hay thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân về “minh tinh chín chữ”, rồi sửa đổi vài chữ để che dấu sự “cầm nhầm” này và biến thành khám phá của mình. Những sửa đổi đó có thể dễ dàng nhận ra như sau:

Trước nhất, khi ông Lê Thọ Xuân viết rằng “Quỉ Khốc Linh Thính” là “lễ”, thì ông Trần Khuê sửa lại thành “quy ước của người xưa”.

Kế đến, khi ông Lê Thọ Xuân dẫn cái mà ông gọi là “lời trối” của Phan Thanh Giản do ông tìm ra. thì ông Trần Khuê sửa lại thành “di chúc”.

Sau cùng, đến cái bảng vẽ hay sơ đồ về cách đếm chữ của ông Lê Thọ Xuân thì ông Trần Khuê cũng bắt chước, nhưng lại cố tình thay đổi và đảo ngược vị trí từ trên xuống dưới, như có thể nhận thấy qua hai bảng vẽ mà người viết kèm theo trong hình chụp dưới đây.

Hình trước lấy trong bài của ông Lê Thọ Xuân, “Từ Minh Tinh Của Phan-Lương-Khê Đến Thần Chủ Của Bùi-Hữu-Nghĩa”, Tri Tân số 172, 12/1944, trang 10.

Hình sau lấy trong bài của ông Trần Khuê, “Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu”, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 4(275) (tháng 7&8, 1994), trang 21.

clip_image004

clip_image006

Như vậy, nếu ông Lê Thọ Xuân chỉ cho rằng Nguyễn Đình Chiểu không chính xác, thì ông Trần Khuê lại mạnh dạn khẳng định là một bậc “túc nho” như Nguyễn Đình Chiểu ắt không thể nào không biết “quy ước của người xưa” như trên được. Và do đó, theo ông Trần Khuê thì Nguyễn Đình Chiểu đã phải cố tình “chơi chữ” để cắt bớt đi hai chữ trong minh tinh, và hạ mấy chữ “thiệt tình quái ác” như trong câu thơ.

Với cách trình bày như trên, ông Trần Khuê rõ ràng muốn tạo cho người đọc cái cảm giác rằng câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như, hay có giá trị như, lá minh tinh. Để khi câu thơ bị cắt xuống còn có “chín chữ” thì cũng giống như lá minh tinh, nó rớt ngay chữ “quỷ”; và Nguyễn Đình Chiểu đã làm điều này để chửi xéo Phan Thanh Giản là chết đi sẽ thành quỷ.

c) Lý Luận Của Ông Trần Khuê: Nếu Không Thành Thần Thì Thành Quỷ

Rồi để chứng minh cho sự cố ý mắng Phan Thanh Giản là “quỷ” đó của Nguyễn Đình Chiểu, ông Trần Khuê đã phải dẫn ra hai câu cuối của bài thơ chữ Hán, mà ông đã sử dụng một phiên bản sai và lời dịch cũng sai, để cho rằng ý của Nguyễn Đình Chiểu trong câu là Phan Thanh Giản vì không thể thành thần tựu nghĩa được, nên … phải thành quỷ. Người đọc có thể dễ dàng nhìn thấy cái thủ thuật và lôgic theo kiểu “hồ bất thực là cây gạo” hay “đại phong là lọ tương” của ông Trần Khuê như trên.

Mà đó là do không hề có một bằng chứng nào khá hơn, nên ông Trần Khuê phải sử dụng cái lý luận lạ đời như vậy, rằng nếu chết đi mà không thể thành thần, thì … ắt phải thành quỷ!

Chỉ có điều là như người viết đã trình bày ở phần nói về ông Trần Nghĩa, chữ “thần” trong câu thơ này, “thung dung tựu nghĩa thần” là để chỉ một người bầy tôi hay thần tử, chứ không phải là thần thánh hay thần hồn. Và với câu thơ này thì rõ ràng là Nguyễn Đình Chiểu đã dùng điển tích “thung dung tựu nghĩa nan” để nói về một người bầy tôi mà sự khẳng khái giúp vua là chuyện dễ, nhưng thung dung tựu nghĩa tự xử lấy mình mới là điều khó.

Do đó, cả cái bằng chứng duy nhất trong cái lý luận lỏng lẻo như trên của ông Trần Khuê cũng sai nốt, vì ông dựa vào một phiên bản rõ ràng là sai của ông Thái Hữu Võ, phiên bản mà đã được cả hai ông Lê Thọ Xuân và Phan Văn Hùm sửa lại cho đúng và nói rất rõ về hai chữ “thần” nói trên, từ thập niên 1930.

Nếu như ông Trần Khuê không biết về cái điển tích “thung dung tựu nghĩa nan” này đi nữa, thì ít ra ông cũng phải biết rằng ngay từ năm 1933 ông Lê Thọ Xuân đã đưa ra một phiên bản đúng về chữ thần là bầy tôi như trên. Rồi sau đó, bà Mai Huỳnh Hoa cũng đưa ra một phiên bản như vậy vào năm 1935 trên tờ Tân Văn. Và đến năm 1938 và 1957 thì cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu của ông Phan Văn Hùm cũng đã viết như vậy. Sau cùng, người Viện Trưởng của ông Trần Khuê là ông Trần Nghĩa cũng đã viết như vậy vào năm 1972.

Thế nhưng ông Trần Khuê, một chuyên gia tại Viện Hán Nôm, lại cố tình phớt lờ hết tất cả các phiên bản nói trên, để cho rằng chữ “thần” ở đây có nghĩa là thần thánh. Đó là vì mục đích của ông nhằm sử dụng nó cùng với chữ “nan đắc” trong phiên bản của ông Thái Hữu Võ (thay vì “an đắc”) để có thể kéo dãn cái lý luận theo kiểu Trạng Quỳnh của ông ra, rằng nếu khó thành thần thì có nghĩa sẽ phải thành quỷ.

Tóm lại, ông Trần Khuê đã sử dụng một thắc mắc hay nghi vấn của Lê Thọ Xuân vào năm 1944 về một câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu để biến nó thành một khám phá của mình: Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình hạ nhục Phan Thanh Giản là chết đi sẽ thành quỉ, khi Nguyễn Đình Chiểu viết chỉ có “chín chữ” trong câu thơ “minh tinh chín chữ lòng son tạc” thay vì 11 chữ như trong “di chúc” của Phan Thanh Giản.

2. Hậu Quả Là Ông Trần Khuê Sai Theo Ông Lê Thọ Xuân, Và Còn Sai Nhiều Hơn Vì Cho Rằng Nguyễn Đình Chiểu Cố Tình Nhục Mạ Phan Thanh Giản

Nhưng điều ông Trần Khuê có lẽ không hề nghĩ ra, là chính cái sự thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân nêu ra từ năm 1944 trên tờ Tri Tân cũng đã quá yếu ớt và có nhiều sai sót rồi. Vì vậy, khi dựa vào cái nền tảng yếu ớt này để tạo dựng ra sự “khám phá” của mình, thì những điểm sai của ông Trần Khuê càng nổi bật hơn ông Lê Thọ Xuân gấp mấy lần nữa.

Sau đây, người viết sẽ đưa ra ba điểm yếu về thắc mắc nói trên của ông Lê Thọ Xuân, để cho thấy rằng sự thắc mắc này là không hợp lý. Từ đó, có thể thấy rằng việc dựa vào cái thắc mắc này của ông Trần Khuê để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu muốn mắng chửi Phan Thanh Giản là hoàn toàn vô lý.

Thứ nhất, ông Lê Thọ Xuân đã sai lầm khi cho rằng người làm thơ cũng phải chính xác hay giữ “lễ” như người viết minh tinh.

Thứ hai, ông Lê Thọ Xuân đã sai lầm khi cho rằng cả Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản đều phải tuân theo cái “lễ” “Quỉ Khốc Linh Thính” về việc viết minh tinh.

Thứ ba, ông Lê Thọ Xuân đã sai lầm khi cho rằng lá minh tinh thật sự đã có 11 chữ.

a) Vì Đây Là Thơ, Không Phải Lá Minh Tinh; Và Nguyễn Đình Chiểu Là Nhà Thơ, Không Phải Thầy Lễ

Trước nhất, nếu tạm cho rằng lá minh tinh của Phan Thanh Giản quả tình thật sự có đến 11 chữ giống như “lời trối” của Phan Thanh Giản, nhưng Nguyễn Đình Chiểu lại viết rằng chỉ có “chín chữ” trong câu thơ, thì điều giải thích rõ ràng và dễ dàng nhất cho sự khác biệt này là vì Nguyễn Đình Chiểu đang làm thơ chứ không phải viết minh tinh. Cho nên ông muốn viết trong bài thơ bao nhiêu chữ thì mặc lòng; chuyện chính xác là không cần thiết. Bởi chẳng hề có cái “lễ” nào như vậy khi làm thơ cả.

Về điểm này, một học giả nổi tiếng là ông Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố đã giải thích: khi nói “chín chữ” là do chỉ tính chín chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan” mà thôi, còn hai chữ “chi cữu” thì không tính. Như đã dẫn ở trên, ông Nguyễn Văn Tố cho biết lý do tại sao Nguyễn Đình Chiểu chỉ viết có “chín chữ” trong câu thơ, khi ông phê bình cuốn Thi Văn Bình Chú của Ngô Tất Tố là thiếu chính xác như sau:

“Lại có câu “Minh tinh chín chữ”, ông Ngô Tất-Tố “chú dẫn” chỉ viết có bảy chữ, là “Hải nhai lão thư sinh chi cữu”, dẫn cả chữ nho, cũng chỉ có bảy chữ! Có lẽ ông Ngô Tất-Tố đếm kiểu Chiêu Hổ Xuân-hương! Chín chữ ấy, người ta có tìm thấy trong di-bút của cụ Phan-thanh-Giản như sau này: “Minh tinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thơ: ‘Đại-Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu’, diệc dĩ thử chi mộ”. Nghĩa là “minh tinh xin bỏ, nếu không chịu bỏ, thì nên viết thế nàỵ “Cái cữu của người học-trò già, ở góc bể Đại Nam là họ Phan, mộ chí cũng đề như thế”. Sở dĩ gọi là chín chữ là tính từ chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan”. Cứ như thế là cụ dặn bỏ minh tinh, bất đắc dĩ hãy viết, chứ không phải như lời ông Ngô Tất-Tố nói cụ “tự tay viết sẵn chín chữ …để làm lòng minh tinh”.

Như vậy, theo ông Nguyễn Văn Tố thì sở dĩ Nguyễn Đình Chiểu chỉ viết có “chín chữ” như trong câu thơ vì ông đã bỏ đi hai chữ chót, “chi cữu”, trong câu. Một cách gián tiếp, ông Nguyễn Văn Tố cho rằng hai chữ “chi cữu” này không có ý nghĩa gì quan trọng và không cần thiết cho cái “lòng son” hay “đan tâm” của Phan Thanh Giản mà cần phải ghi tạc, cho nên Nguyễn Đình Chiểu đã không kể ra trong câu thơ.

Hoặc theo ông Nguyễn Trung Quân giải thích, thì vì câu thơ Đường luật cần giới hạn số chữ, nên Nguyễn Đình Chiểu đã dùng “Minh tinh chín chữ” lòng son tạc thay vì “Minh tinh mười một chữ” lòng son tạc cho câu thơ[9]. Cách giải thích này hoàn toàn hợp lý, nhất là khi ta xét đến nghệ thuật làm thơ của Nguyễn Đình Chiểu vốn không cần chính xác mà chỉ cần nói lên ý nghĩa.

Như khi điếu Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu đã viết rằng:

“Lâm-dâm ba chữ điếu linh hồn.”

Không có nghĩa là Nguyễn Đình Chiểu chỉ khấn có đúng “ba chữ” để điếu linh hồn Trương Định, cũng như ông có thể không hề nói rằng cái minh tinh của Phan Thanh Giản chỉ có vỏn vẹn “chín chữ” thôi. Mà ông trong vị thế của một người làm thơ chỉ cần nói một cách tượng trưng trong câu thơ. Cho nên “chín chữ”, cũng như “ba chữ”, chỉ là một nghệ thuật khi làm thơ. Bởi vì thơ là một loại nghệ thuật chứ không phải là một văn bản pháp lý mà cần phải chính xác đến từng chữ một.

Tóm lại, cần phải thấy rằng ông Lê Thọ Xuân đã có một sự lẫn lộn giữa người viết minh tinh với người làm thơ. Người viết minh tinh thì có thể phải tuân theo cái “lễ” đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”. Nhưng người làm thơ là Nguyễn Đình Chiểu thì hoàn toàn không phải là người viết lá minh tinh để mà phải giữ cái “lễ” đó.

Vì vậy, Nguyễn Đình Chiểu, trong vai trò của một nhà thơ, hoàn toàn có thể tự do viết rằng có “chín chữ” mặc dù “lời trối” dặn rằng phải viết 11 chữ (và nếu như thật sự lá minh tinh có 11 chữ giống như lời trối). Đó là vì: 1) ông không tính hai chữ “chi cữu”, bởi nó không quan hệ cho ý chính của ông, hoặc 2) ông cần giới hạn số chữ trong câu, cho hợp với luật thơ.

Và do đó, cái thắc mắc mà ông Lê Thọ Xuân nêu ra thật sự không phải là một vấn đề chi hết, nếu ta nhìn thấy rằng Nguyễn Đình Chiểu trong vai trò của một nhà thơ đã phóng bút cho câu thơ tròn vẹn đúng ý, đúng luật làm thơ. Chứ ông không phải là người viết ra lá minh tinh mà phải cần viết cho đúng “lễ” về cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”.

Thế nhưng ông Lê Thọ Xuân đã lẫn lộn giữa vai trò thi sĩ và người viết minh tinh của Nguyễn Đình Chiểu như vậy, chỉ vì mục đích muốn chứng minh rằng tài liệu của ông tìm ra (“lời trối” của Phan Thanh Giản trong mảnh hoa tiên) là rất có giá trị, mà thôi.

Còn trong khi đó thì ông Trần Khuê lại cố tình lẫn lộn giữa hai vai trò vì mục đích cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố ý viết chỉ có chín chữ trong câu thơ, mà “không hề nhầm lẫn” và “không hề mâu thuẫn”, khi “hạ” những chữ “quái ác” như vậy – nhằm chửi xéo rằng Phan Thanh Giản khi chết đi sẽ thành quỷ. Nghĩa là ông Trần Khuê cho rằng câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng có tác dụng giống như một lá minh tinh, và ai cũng hiểu như vậy. Cho nên theo cách trình bày của ông Trần Khuê thì câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu ít nhất cũng có ý nghĩa giống như, và giá trị ngang hàng với, lá minh tinh (cho dù ông không phải là người viết lá minh tinh!).

Như vậy, việc ông Lê Thọ Xuân lẫn lộn giữa hai vai trò này làm cho cái thắc mắc hay vấn đề mà ông đặt ra không có cơ sở. Và sự dựa dẫm vào điều sai lầm này để từ đó mà cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố ý chửi xéo Phan Thanh Giản của ông Trần Khuê càng làm cho lý luận của ông Trần Khuê sai nhiều hơn nữa. Bởi vì ai cũng thấy rằng một câu thơ không phải là một lá minh tinh, và một nhà thơ không hề phải đếm chữ theo kiểu “Quỉ Khốc Linh Thính” như người viết minh tinh. Bất cứ một người bình thường nào cũng thấy ra điều khác biệt giữa thơ và minh tinh, giữa thi sĩ và người viết minh tinh, như trên.

Do đó, nếu như Nguyễn Đình Chiểu mà có cố ý mắng xéo Phan Thanh Giản đi nữa, thì chắc ông cũng không dại gì mà lại đem cái cách đếm chữ cho lá minh tinh này vào câu thơ như vậy. Vì nếu muốn như thế thì ông phải hy vọng là mọi người đều có cái lý luận giống như ông Trần Khuê, rằng câu thơ của ông cũng giống như, hay có giá trị như, lá minh tinh.

Chính vì biết rằng sự thắc mắc của mình là không chính đáng, nhất là khi lẫn lộn giữa hai thể loại và vai trò như trên, nên ông Lê Thọ Xuân đã chỉ nói lấp lửng trong bài viết rằng viết chín chữ như vậy là “trái lễ”. Chứ ông không hề nói thẳng hay kết luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã viết sai hay trái lễ.

Trong khi đó thì ông Trần Khuê lại hùng dũng lý luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình viết chỉ có “chín chữ” trong câu thơ, do câu thơ cũng có ý nghĩa và giá trị ngang hàng với lá minh tinh. Hơn nữa, ông Trần Khuê còn giả định rằng ai cũng phải biết điều này, và biết đếm chữ theo kiểu “quy ước của người xưa” này, cho nên Nguyễn Đình Chiểu mới dùng kiểu “chơi chữ thâm thúy” đó để viết thành câu thơ như trên cho mọi người đều hiểu.

Mà như vậy thì rõ ràng là ông Lê Thọ Xuân khôn khéo hơn ông Trần Khuê rất nhiều! Hoặc vì thật ra thì mục đích của ông khác hẳn với ông Trần Khuê, nên ông chỉ viết lấp lửng vậy thôi để tránh phải kết luận; trong khi vẫn đạt được mục đích tối hậu là quảng cáo cho tài liệu mảnh hoa tiên có “lời trối” của ông, một cách hữu hiệu.

Còn ông Trần Khuê thì vì mục đích muốn cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình hạ nhục thay vì ngợi khen Phan Thanh Giản; nhưng lại không có bằng chứng nào hết từ mấy câu thơ trong bài; nên đã hớn hở vồ lấy cái thắc mắc không có cơ sở như trên của ông Lê Thọ Xuân, rồi sửa đổi chút đỉnh để thành ra lý luận của mình.

Chỉ có điều là khi ông Trần Khuê dựa trên một điều vô lý như vậy, mà còn đặt điều thêm thắt cho sự vô lý đó, thì chỉ càng làm cho sự vô lý này nổi bật nhiều hơn mà thôi.

b) Vì Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản Không Phải Tuân Theo “Quỉ Khốc Linh Thính”, Một Nghi Lễ Phật Giáo Dân Gian

Nhưng đó không phải là khuyết điểm duy nhất về lý luận trong bài viết của ông Lê Thọ Xuân. Điểm sai lầm thứ hai là do ông đã cho rằng cả Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu đều phải tuân theo cái “lễ” viết minh tinh bằng cách đếm chữ theo kiểu “Quỉ Khốc Linh Thính” nói trên. Ông Lê Thọ Xuân đã giả định, mà không hề có chứng minh nào hết cho điểm này. Và theo người viết thì chính ông Lê Thọ Xuân đã sai lầm.

Vì như đã thấy, ông Lê Thọ Xuân cho rằng cả Phan Thanh Giản lẫn Nguyễn Đình Chiểu đều là những người biết “lễ” và “thà chết chớ không trái lễ”. Cho nên cả hai đều phải tuân theo cái “lễ” viết minh tinh theo kiểu đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”. Và do theo cái “lễ” đó mà Phan Thanh Giản đã viết đúng 11 chữ như trong “lời trối” do ông Lê Thọ Xuân tìm ra. Bởi nếu Phan Thanh Giản chỉ viết có 9 chữ thì “trái lễ”, do chữ cuối rớt vào chữ “quỉ”, chứ không phải chữ “linh” như cái “lễ” này đòi hỏi.

Nhưng giá mà ông Lê Thọ Xuân biết được cái “lễ” này từ đâu ra, thì có lẽ ông đã không có thắc mắc và sự quả quyết như trên. Vì như chính ông Lê Thọ Xuân đã thành thật thú nhận trong bài viết, ông không biết rằng cái “lễ” về cách viết minh tinh “Quỉ Khốc Linh Thính” này là ở đâu ra, mặc dù ông đã hỏi cả mấy người thầy lễ: “(2) Các thầy lễ mà tôi gặp đều nói như vậy, nhưng không rõ ở trong sách nào”.

Thế nhưng với mục đích nhấn mạnh sự quan trọng của mảnh hoa tiên, ông Lê Thọ Xuân lại quả quyết cho rằng cả Phan Thanh Giản lẫn Nguyễn Đình Chiểu đều phải tuân theo cái “lễ” đó.

Và dù sao thì ông Lê Thọ Xuân cũng đã thành thật thú nhận điều mình không biết, hoặc không chắc. Trong khi ông Trần Khuê thì tệ hơn nhiều, vì ông dùng những chữ có vẻ như rất chắc ăn, rất rõ ràng, nhưng thật sự thì rất ấm ớ, ngộ nghĩnh. Như là “quy ước của người xưa”, “những quy tắc thuộc loại này”, để diễn tả cách viết minh tinh theo kiểu đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính” như trên, trong nỗ lực xóa đi dấu vết chữ “lễ” của ông Lê Thọ Xuân. Mà có lẽ đó là vì ông Trần Khuê biết rằng chính người đưa ra cái thắc mắc này là ông Lê Thọ Xuân còn không biết nguồn gốc của cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính” ở đâu ra, cho nên kẻ bắt chước là ông Trần Khuê phải dùng những chữ thuộc loại “an toàn” như trên.

Chỉ có điều là cho dù dùng những chữ đao to búa lớn như vậy, nhưng ông Trần Khuê lại không hề cho ta biết người xưa đó là người xưa nào, Tàu hay Việt, xưa từ hồi nào, những quy tắc loại này là gì, có từ hồi nào, và tại sao mọi người phải theo những quy tắc đó, nhất là cái quy tắc đếm chữ theo kiểu “Quỉ Khốc Linh Thính” nói trên. Buồn cười hơn nữa, ông Trần Khuê còn cho rằng vì Nguyễn Đình Chiểu là một bậc “túc nho”, cho nên phải biết và tuân theo cái “quy ước của người xưa” này. Nghĩa là ông Trần Khuê đã mạo hiểm mà cho rằng hễ là “túc nho” thì phải biết cái “quy tắc” “Quỉ Khốc Linh Thính” đó! Và đương nhiên là ông không hề có một bằng chứng nào cả cho cái kết luận trên.

Nhưng nếu ông Lê Thọ Xuân và ông Trần Khuê biết rằng cái “lễ” hay “quy tắc người xưa” này thật ra là một tục lệ theo nghi thức Phật Giáo, và hai ông nho sĩ Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu, nhất là Nguyễn Đình Chiểu, chắc chắn không ưa gì Phật Giáo, thì có lẽ hai ông đã không dám cả quyết rằng Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu phải tuân theo cách đếm chữ mang đầy màu sắc dị đoan như trên.

Theo người viết tìm hiểu, cái “minh tinh” mà người Nam Kỳ gọi là “minh sanh” hay tấm triệu, là một lá phướn được dùng trong đám ma theo nghi lễ Phật Giáo, để viết lai lịch người chết. Và theo nghi lễ này thì phải dùng cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính” với luật “Nam linh nữ thính, bất dụng quỉ khốc nhị tự”, như ông Lê Thọ Xuân đã viết trong bài trên. Tức là phải đếm số chữ để viết sao cho đàn ông thì chữ cuối phải lọt vào chữ “linh”, còn đàn bà chữ “thính”.

Với cách đếm chữ như trên, ông Lê Thọ Xuân đã bỏ công tìm kiếm, để rồi tự hào rằng đã kiếm ra được “lời trối” của Phan Thanh Giản; mà trong đó có đúng 11 chữ tức nhằm chữ “Linh”, chứ không phải là “chín chữ” để lọt vào chữ “Quỉ”, như trong câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Để từ đó mà ông Lê Thọ Xuân có thể lý luận rằng Phan Thanh Giản đã theo lễ, còn Nguyễn Đình Chiểu viết như vậy là “trái lễ”.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng giải thích về lá minh tinh thì đó chính là một nghi thức có nguồn gốc Phật Giáo, như sau:

“… Theo nghi (lễ) này, lễ sư cầm bút, miệng đọc tay viết tên tuổi, quê quán, ngày sanh, ngày mất, đạo đức và cả chức tước của người quá cố vào lá phan mà ta quen gọi là tấm triệu. Kế đó, kể lể công đức lúc sanh tiền của người chết, đồng thời tuyên dương Phật lý trích từ kinh để nhấn mạnh lẽ vô thường tấn tốc, hữu sanh hữu diệt

“Lá triệu là một trong các quy định cần có của lễ tang, nguyên được gọi là “minh tinh… Từ “lá triệu” có lẽ do người Việt mình gọi, đúng hơn do các thầy chủ trì tang lễ dùng. Sở dĩ gọi “lá triệu” là do trong tấm minh tinh viết theo nghi thức Phật giáo có 2 chữ “tiếp triệu” có nghĩa là “tiếp dẫn triệu gọi” linh hồn người chết về Tây phương cực lạc hay về trình diện U Minh Giáo chủ Địa Tạng Vương Bồ tát… Không ai biết tấm triệu xuất hiện từ đời nào, nhưng xuất xứ xa xưa có lẽ ở Trung Quốc rồi người Việt Nam mình mô phỏng theo. Ngay sách Thọ Mai gia lễ cũng không nói rõ lai lịch lá triệu. Tuy nhiên theo thầy Thích Lệ Trang, trụ trì chùa Viên Giác (Tân Bình) cho biết thì trong bài Văn tế thập loại diễn Nôm của Hòa thượng Bích Liên có 2 câu thơ:

Lụa hồng bảy thước đề tên

Cát vàng một cụm lấp nền văn chương

Hai câu lục bát này Hòa thượng Bích Liên đã trích dịch từ bài văn tế một thi nhân qua đời của Tô Đông Pha:

Thất xích hồng la thư tính tự

Nhất đôi hoàng thổ cái văn chương

Qua 2 câu này, chúng ta thấy tấm triệu xuất hiện ở Trung Quốc muộn nhất cũng là từ đời Tống…

Theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc pha trộn Đạo lão và Phật giáo mà người Việt ta cũng tin theo thì tấm triệu chính là cái “giấy thông hành” của người chết để trên đường di quan từ nhà đến huyệt, đạo lộ âm binh nhìn thấy lý lịch người chết ghi rõ trên lá triệu mà không ngăn chặn xét hỏi cho đi qua và sau khi hạ huyệt 7 ngày linh hồn người chết cầm tấm triệu này trình cho quỷ tốt giữ cầu Nại Hà để chúng tiếp nhận, dẫn vào trình diện Diêm Vương …

Nên chú ý một điều là khi viết tấm triệu, người ta phải đếm số chữ trong lá triệu thứ tự từ đầu tới cuối theo 4 tiếng “Quỷ khốc linh thính” sao cho chữ chót của người nam đúng chữ “linh” và chữ chót của người nữ đúng chữ “thính”.[10]

Như vậy, cái mà ông Lê Thọ Xuân gọi là “lễ” và ông Trần Khuê gọi là “quy ước của người xưa” về việc đếm chữ theo luật “Quỉ Khốc Linh Thính” để viết minh tinh như trên không phải là một cái “lễ” của Nho Giáo. Mà là một nghi thức dựa trên Phật Giáo và có thể đã pha trộn màu sắc đạo Lão mang tính dân gian được du nhập từ bên Tàu.

Trong khi đó, Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu chính là hai nho sĩ, nên không có lý do gì mà họ phải theo nghi thức dị đoan này. Thậm chí họ có thể còn rất ghét cái nghi thức đó nữa. Chính vì vậy mà Phan Thanh Giản đã viết ngay từ đầu trong mảnh hoa tiên (“lời trối”), là “minh tinh thỉnh tỉnh”, tức minh tinh xin hãy bỏ đi. Tức là ông đã không cho rằng cái “lễ” này là quan trọng, cho nên mới dặn con cháu như vậy ngay từ đầu. Và đó mới là ý chính của lời dặn bảo đó, chứ không phải những gì tiếp theo. Việc ông viết đúng 11 chữ có thể là vì ông cũng đã quen viết như vậy, nhưng không có nghĩa là ông nhất quyết phải viết theo nghi “lễ” Phật Giáo nói trên.

Bởi ông là một nho sĩ. Có thể Phan Thanh Giản không bài xích đạo Phật như Nguyễn Đình Chiểu, nhưng chắc chắn là ông không phải tuân theo những nghi lễ Phật Giáo theo kiểu những nghi lễ Nho Giáo. Còn Nguyễn Đình Chiểu thì thái độ của ông đối với Phật Giáo và các nghi lễ Phật Giáo ra sao có thể thấy được rõ ràng qua hai tác phẩm Dương Từ Hà MậuNgư Tiều Vấn Đáp Y Thuật.

Tóm lại, đối với hai nhà Nho này, một người thì nói rõ rằng không cần phải viết, hay xin bỏ, lá minh tinh, còn người kia là một nhà thơ đã từng bày tỏ sự chống đối Phật Giáo kịch liệt, đại khái như ngay từ đầu tác phẩm Dương Từ Hà Mậu:

“Dị đoan xưa đã bời bời,

Lại thêm đạo Phật, đạo trời, lăng nhăng“.

Do đó, việc lá minh tinh có bao nhiêu chữ chắc chắn không hề là một vấn đề gì hết đối với hai người này. Thậm chí việc có hay không có lá minh tinh còn không phải là một vấn đề đối với Phan Thanh Giản.

Thế nhưng nó đã trở thành vấn đề vào năm 1944; đó là do nhà nghiên cứu Lê Thọ Xuân muốn quảng cáo cho cái tài liệu quí hiếm mà ông kiếm ra, mảnh hoa tiên có “lời trối” của Phan Thanh Giản. Để làm được điều này, ông Lê Thọ Xuân phải chứng minh rằng “lời trối” đó là đúng “lễ”, rằng lá minh tinh phải có 11 chữ giống như “lời trối” đó (mặc dù ông thú nhận là không biết cái “lễ”này ở đâu ra), và khi viết rằng chỉ có “chín chữ” như Nguyễn Đình Chiểu đã làm là “trái lễ”.

Vì vậy, cho rằng Phan Thanh Giản và nhất là Nguyễn Đình Chiểu phải giữ “lễ” như ông Lê Thọ Xuân đã thắc mắc như trên là sai; nhưng có thể hiểu và thông cảm được lý do tại sao ông lại nêu ra một thắc mắc như thế. Hơn nữa, ông Lê Thọ Xuân lại còn thành thật thú nhận là ông không biết cái “lễ” này ở đâu ra, cho nên cái sai của ông hoàn toàn có thể thông cảm được.

Còn trong khi đó thì ông Trần Khuê lại làm như là ông biết rất rõ về cái “quy ước” “Quỉ Khốc Linh Thính”, trong khi điều rõ ràng là ông đã chiếm đoạt khái niệm này từ ông Lê Thọ Xuân, trong mục đích muốn biến câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu thành một lời nguyền rủa Phan Thanh Giản. Chính vì vậy, ông mới dùng những từ đao to búa lớn nhưng lại rất ấm ớ như là “quy ước của người xưa”, rồi khẳng định rằng một bậc “túc nho” như Nguyễn Đình Chiểu thì phải biết cái quy ước này. Thế nhưng khi làm điều đó thì vô hình trung ông đã biến cái “quy ước” “Quỉ Khốc Linh Thính” thành một nghi thức của Nho Giáo. Trong khi nó lại là một nghi thức Phật Giáo mà hai nhà nho Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu đều không hề phải tuân theo và thật sự là chẳng ưa thích gì.

Do đó, giống như cái sai khi dựa trên sự lầm lẫn giữa thơ và minh tinh ở trên, việc dựa trên cái “lễ” của ông Lê Thọ Xuân để từ đó tăng cường độ cho thành “quy ước người xưa” của ông Trần Khuê càng làm cho sự sa lầy của ông ta tệ hại hơn thêm.

c) Vì Lá Minh Tinh Thật Sự Có 9 Chữ, Không Phải Có 11 Chữ Giống Như “Lời Trối” Trong Mảnh Hoa Tiên

Điều sai lầm thứ ba của ông Lê Thọ Xuân mà ông Trần Khuê đã dựa vào là cho rằng lá minh tinh của Phan Thanh Giản thật tình phải có 11 chữ, đúng như “lời trối” của Phan Thanh Giản. Ông Lê Thọ Xuân bắt buộc phải giả định như vậy để từ đó có thể dựa vào mà cho rằng viết “chín chữ” như Nguyễn Đình Chiểu là sai, hay “trái lễ”. Và để từ đó mà nhấn mạnh thêm sự quan trọng của một tài liệu rất quí hiếm do ông kiếm ra từ con cháu họ Phan, mảnh hoa tiên có “lời trối” của Phan Thanh Giản.

Rồi mặc dù ông Lê Thọ Xuân gọi là “lời trối”, nhưng chẳng có điều gì để chứng minh rằng mảnh hoa tiên đó chứa đựng “lời trối” trước khi lâm chung của Phan Thanh Giản. Bởi với nét chữ “run run” như ông Lê Thọ Xuân nói, thì với số tuổi trên dưới 70, Phan Thanh Giản đã có thể viết như vậy vài năm trước khi chết. Hơn nữa, nếu quả thật là “lời trối” thì thường là một lời nói, chứ đến phút lâm chung thì còn sức đâu mà cầm bút để viết như trong mảnh hoa tiên?

Nhưng cũng giống như khi sửa chữ “lễ” của ông Lê Thọ Xuân ra thành “quy ước của người xưa”, ở đây ông Trần Khuê lại một lần nữa cho thấy rất rõ là ông cũng đã mượn luôn chữ “lời trối” này của ông Lê Thọ Xuân rồi biến nó thành … “di chúc”! Mặc dù trong đó không hề có điều khoản nào về … phân chia tài sản!

Tuy chẳng bao giờ nhắc tới việc ông Lê Thọ Xuân đã tìm ra tài liệu này, nhưng ông Trần Khuê đã vô tình hay hớ hênh làm lộ việc ông dùng đúng ngay chữ của ông Lê Thọ Xuân để gọi tài liệu này là “lời trối”:

“Cần nhắc lại nguyên văn lời trối của Phan với thân quyến của ông…”

Mà như ông Lê Thọ Xuân cho biết thì chính ông là người đã tìm ra mảnh hoa tiên và gọi nó là “lời trối”. Do đó, khi gọi nó giống y như ông Lê Thọ Xuân, ông Trần Khuê cho thấy rằng ông đã “mượn” tài liệu và khái niệm của ông Lê Thọ Xuân, nhưng lại không hề dẫn nguồn để cho biết tên hiệu người đã tìm ra.

Rồi sau đó thì ông Trần Khuê mới sửa lại cách gọi, để biến “lời trối” thành “di chúc” của Phan Thanh Giản! Can đảm hơn, ông còn cho rằng Nguyễn Đình Chiểu, cũng như nhiều “nhà nho” thời đó, ắt phải biết về bản di chúc này, cũng như Phan Thanh Giản đã viết gì trong đó:

“Và như nhiều nhà nho đương thời, hẳn cụ Đồ Chiểu cũng từng nghe biết lời di chúc của Phan. Vậy mà Cụ vẫn cứ hạ trong bài thơ điếu của Cụ mấy chữ thiệt tình quái ác: “minh tinh chín chữ”, không phải là mười một chữ đã đành, mà cũng chẳng phải là bảy chữ.”

Mà như đã thấy, ông Lê Thọ Xuân cho biết là ông đã “may mắn” được ông Phan Thanh Hoài cho coi mảnh hoa tiên; lúc đó nằm sâu trong rương giấy tờ chữ Hán của Phan Thanh Giản. Rồi chính nhờ vào tài liệu đó mà ông Lê Thọ Xuân mới cho rằng đã tìm được câu trả lời cho câu thơ số 7 của Nguyễn Đình Chiểu về vấn đề “minh tinh chín chữ”.

Do đó, nếu như ông Trần Khuê đã không đọc được bài viết nói trên của ông Lê Thọ Xuân thì chắc chắn là ông cũng chẳng thể nào biết được cái “lời trối” đó ở đâu ra. Thế nhưng ông chẳng những đã vớ lấy thắc mắc nói trên của ông Lê Thọ Xuân để nhận làm khám phá của mình, mà ông lại còn ma mãnh sửa lại thành “di chúc” của Phan Thanh Giản.

Rồi để chứng minh rằng thâm ý của Nguyễn Đình Chiểu là rủa Phan Thanh Giản khi chết đi sẽ thành “quỷ” – do cố ý cắt đi hai chữ trong “di chúc” cho thành “chín chữ” để lọt vào chữ “quỷ” – ông Trần Khuê đã phải sáng tạo ra thêm chi tiết là cái “di chúc” này của Phan Thanh Giản đã được “nhiều nhà nho đương thời”, trong đó có Nguyễn Đình Chiểu, “nghe biết”! Vì chỉ có như vậy thì ông mới cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình cắt bớt đi hai chữ được.

Nhưng một lần nữa, ông Lê Thọ Xuân trong cố gắng để chứng minh về tầm quan trọng của tài liệu do mình khám phá, đã sai lầm khi giả định rằng lá minh tinh của Phan Thanh Giản thật sự phải có 11 chữ giống như “lời trối” trong mảnh giấy hoa tiên do ông tìm ra. Rồi ông Trần Khuê vì bắt chước ông Lê Thọ Xuân, nhưng lại muốn đi xa hơn, do ác ý muốn vu cho Nguyễn Đình Chiểu việc cố tình nhục mạ Phan Thanh Giản, nên đã sa lầy còn tệ hại hơn nữa.

Bởi vì theo tất cả các tài liệu còn lưu lại thì lá minh tinh của Phan Thanh Giản thật sự chỉ có đúng “chín chữ” như Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong câu thơ mà thôi. Và điều này cũng đã được chính ông Lê Thọ Xuân nhìn nhận là thường nghe thấy, trong bài viết nói trên. Chín chữ đó là “Hải nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cữu”. Không có hai chữ “Đại Nam” như trong mảnh hoa tiên mà ông Lê Thọ Xuân tìm được.

Những tài liệu sau đây cho thấy điều đó:

Trước nhất, ông Thái Hữu Võ, tác giả cuốn Phan Thanh Giảng Truyện đã viết rất rõ như sau về phút lâm chung của Phan Thanh Giản[11]:

“Ba người con ngài là Phan-Hương, Phan-Liêm và Phan-Tôn, ngày đêm quì bên ngài khóc lóc xin ngài ăn cơm, ngài cũng không ăn, ngài lại dặn rằng: khi ngài chết rồi, thì phải đem linh cửu ngài về bổn quán tại làng Bảo-thạnh mà chôn bên phần mộ tiên nhơn. Còn tấm Minh-sanh (tấm triệu) của ngài thì phải đề: ‘Hải nhai lảo thơ sanh tánh Phan chi cửu.’

Lúc ấy có một người trong thân quyến của ngài thấy ngài bảo đề tấm Minh-sanh như vậy, thì thưa rằng: ‘sao ngài không để các tước phẩm của ngài trên tấm Minh-sanh đặng cho người ta biết?’ thì ngài đáp rằng: ‘Những hạng thường nhơn thì hay muốn cầu chúc (chức) khoe danh là một sự vinh ở đời, song ta đây xem sự ấy là một sự rất hổ hang đê tiện. Vả lại cái mạng sống này ta còn chẳng cần, huốn (huống) chi đương cơn nước ngặt thành nghiên (nghiêng) như vầy, còn mặt mũi nào mà chưng khoe phẩm tước.’”

Dưới đây là hình chụp đoạn văn trên, trong trang 43 của sách Phan Thanh Giảng Truyện

clip_image008

Sau ông Thái Hữu Võ, ông Phan Văn Hùm, một người trong gia đình và cũng là một học giả, cũng đã viết rõ ràng như vậy trong cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu:

“Khi lâm chung, Phan Thanh Giản có trối lại người nhà, bảo chỉ nên đề chín chữ trên minh sanh mà thôi, là ‘Hải nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cữu’; lòng son là dịch ở chữ đan-tâm. Có người chép là ‘lòng con’ thì sai”.[12]

Dưới đây là hình chụp đoạn văn trên trong trang 51 của cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu

clip_image010

Sau cùng, trong cuốn Vĩnh Long Nhơn Vật Chí, hai tác giả là ông Nguyễn Văn Dần và Lê Văn Bền, người đồng hương Vĩnh Long và biết rõ về đám ma Phan Thanh Giản, đã viết như sau trong trang 19 (với hình chụp dưới đây) về lá minh tinh hay tấm triệu của Phan Thanh Giản:

“… đề như vầy: HẢI NHAI LẢO THƠ SANH TÁNH PHAN CHI CỬU”. Ngoài ra, hai tác giả còn ghi nhận … “Tại mộ có tấm mộ bia đề như vầy: LƯƠNG KHÊ PHAN LẢO NÔNG CHI MỘ”.[13]

 

Như vậy, tất cả các tài liệu xưa và khả tín nói trên đều cho biết rằng lúc lâm chung, Phan Thanh Giản đã trối lại với con cháu rất rõ, rằng chỉ được đề chín chữ trên lá minh tinh mà thôi. Và đó là chín chữ “Hải nhai lảo thơ sanh tánh Phan chi cửu”. Không có hai chữ “Đại Nam” như trong mảnh hoa tiên mà ông Lê Thọ Xuân kiếm ra.

Đó thật sự là chín chữ đã được ghi trong lá minh tinh của Phan Thanh Giản. Và đó cũng là chín chữ mà Nguyễn Đình Chiểu đã “nghe biết”, bởi lá minh tinh thì đương nhiên là có nhiều người thấy và từ đó mới kể lại cho Nguyễn Đình Chiểu (vì nhà thơ do bị mù nên không thể “thấy” lá minh tinh được). Rồi từ đó mà Nguyễn Đình Chiểu đã đưa “chín chữ” vào câu thơ của ông.

Chứ không phải là 11 chữ như trong mảnh hoa tiên nằm trong rương giấy tờ mà ông Lê Thọ Xuân đã tìm ra, rồi từ đó mới đặt nghi vấn rằng lá minh tinh đúng lý phải có 11 chữ mới ‘hợp lễ”, và Nguyễn Đình Chiểu có thể đã viết sai thành ra 9 chữ. Câu thơ “minh tinh chín chữ” của Nguyễn Đình Chiểu chỉ trở thành có vấn đề từ năm 1944, do mục đích của ông Lê Thọ Xuân muốn nhấn mạnh sự quan trọng của mảnh hoa tiên mà ông tìm ra!

Bởi như các tài liệu đã dẫn cho thấy, chín chữ đó mới chính là “lời trối” thật sự lúc lâm chung của Phan Thanh Giản, chứ không phải là 11 chữ như trong mảnh hoa tiên. Tức là vì lý do gì đó mà Phan Thanh Giản đã quyết định không cho đề hai chữ “Đại Nam” trong lá minh tinh của ông, như ông đã từng viết trong mảnh hoa tiên. Bởi không có lý do gì khiến cho con cháu Phan Thanh Giản lại không làm đúng như ước nguyện của ông trước lúc lâm chung. Nói rằng người Pháp không cho đề hai chữ Đại Nam trong lá minh tinh thì lại càng vô lý hơn nữa, khi xét đến sự kính trọng mà họ dành cho ông.

Vì đó chỉ là một lá minh tinh, hay một tấm triệu, vậy thôi. Ngay chính Phan Thanh Giản cũng đã cho rằng nó không cần thiết và kêu hãy bỏ đi. Nhưng tới phút chót, ông lại dặn là chỉ đề 9 chữ như trên mà thôi. Và rõ ràng là con cháu nhà họ Phan đã theo lời mà viết đúng như thế. Để sau cùng Nguyễn Đình Chiểu cũng đã thuật lại đúng như thế trong câu thơ; là lá minh tinh chỉ có chín chữ.

Nhưng đó không phải là vì những người này không biết “lễ”, như ông Lê Thọ Xuân nghĩ. Mà là vì họ, cũng như Phan Thanh Giản, đã không chấp nhất đến cái “lễ” theo Phật Giáo (Đại Thừa) pha trộn tín ngưỡng dân gian này. Bởi chính trong mảnh hoa tiên thì Phan Thanh Giản đã viết trước nhất rằng “Minh tinh thỉnh tỉnh” tức là xin bỏ cái nghi lễ viết minh sanh này đi. Là một nho sĩ, ta có thể suy ra rằng ông không câu nệ về cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính” nói trên. Ông viết ra 11 chữ có thể là do thói quen, theo thông lệ, hoặc có thể hoàn toàn do ngẫu nhiên. Rồi khi sắp chết, nếu ông thay đổi ý kiến và dặn con cháu chỉ viết chín chữ mà thôi, khi bỏ đi hai chữ “Đại Nam”, có thể là vì ông không muốn làm nhục cho đấng “quân phụ”. Nhưng rõ ràng là Phan Thanh Giản không hề kiêng kỵ theo cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”.

Tóm lại, nếu như tất cả các tài liệu đều nói rằng lá minh tinh của Phan Thanh Giản chỉ có chín chữ, và Nguyễn Đình Chiểu đã viết “chín chữ” trong câu thơ, là do ông đã nghe lại được như vậy từ những người thấy lá minh tinh tại đám tang Phan Thanh Giản. Và đó là điều mà ta có thể suy ra, dựa trên các tài liệu này. Chứ chắc chắn là Nguyễn Đình Chiểu không hề và không thể “nghe biết” về “lời trối” nhờ đọc được trong mảnh hoa tiên, hay trong “di chúc” của Phan Thanh Giản như ông Trần Khuê tuyên bố, để từ đó mà cố tình “chơi chữ” và cắt bớt đi hai chữ để rủa Phan Thanh Giản là “quỷ”.

Mà như vậy thì Nguyễn Đình Chiểu đã viết đúng sự thật, là lá minh tinh của Phan Thanh Giản chỉ có chín chữ. Chứ ông không hề “chơi chữ” theo kiểu này của ông Trần Khuê. Ông không hề cắt bỏ chữ nào hết, mà ông đã viết lại đúng như những gì mà ông nghe thấy.

Như đã nói, vì ông Lê Thọ Xuân cố tình quảng cáo cho cái tài liệu về “lời trối” trên mảnh hoa tiên của Phan Thanh Giản do ông tìm ra, nên ông mới phải giả định rằng lá minh tinh thật sự phải có 11 chữ giống như “lời trối”, mặc dù nó khác với lời người đời thường nói. Điều này có thể thông cảm được.

Nhưng khi ông Trần Khuê cho rằng Nguyễn Đình Chiểu vì cố tình mắng chửi Phan Thanh Giản nên đã cố ý cắt bớt đi hai chữ làm cho khác hẳn với “di chúc” của Phan Thanh Giản, và cho rằng Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn đã biết về cái “di chúc” này, thì ông Trần Khuê quả tình đã bị hố quá nặng!

Bởi cái “di chúc” này mà ông Trần Khuê biết được là nhờ công ông Lê Thọ Xuân đã móc nó ra từ cái rương giấy tờ của Phan Thanh Giản sau cái chết của ông mấy mươi năm, chứ chẳng có các “nhà nho đương thời” nào mà biết về mảnh hoa tiên vốn là vật trong gia đình này. Cái mà họ cũng như Nguyễn Đình Chiểu biết được chính là những gì viết trong lá minh tinh. Và đó là chín chữ như tất cả các tài liệu đều cho biết, chứ không phải là 11 chữ như “lời trối” trong mảnh hoa tiên.

Nhưng ông Trần Khuê thì vì muốn gán cho Nguyễn Đình Chiểu việc cố tình cắt bớt hai chữ để mắng Phan Thanh Giản, nên đã phải bịa đặt ra việc Nguyễn Đình Chiểu cũng như các nhà nho khác đều “nghe biết” về cái “di chúc” này. Trong khi đối chiếu với bài viết của người tìm ra nó là ông Lê Thọ Xuân thì ta thấy rằng vốn không ai biết về cái di chúc đó cả, cho tới khi ông Lê Thọ Xuân tìm ra nó mấy mươi năm sau, rồi từ đó mới đặt ra vấn đề. Vậy thì làm sao mà Nguyễn Đình Chiểu có thể biết về 11 chữ này, để rồi cố tình “cắt đi hai chữ” nhằm mắng xéo Phan Thanh Giản là chết đi thì thành “quỷ”, như ông Trần Khuê tuyên bố?

Nghĩa là một lần nữa, do cầm nhầm ý tưởng của người khác mà lại cố tình bịa đặt thêm lên cho phù hợp với ý đồ bôi nhọ của mình, nên ông Trần Khuê đã bị sa lầy rất nặng.

3. Ý Chính Của Câu Thơ: Lòng Son Tạc

Như vậy, bài viết của ông Trần Khuê tưởng chừng như đã giới thiệu với người đọc một khám phá hay một cái nhìn mới về bài thơ Nôm điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu; với vấn đề “minh tinh chín chữ”. Nhưng thật ra đó chỉ là một sự cố tình sang đoạt ý kiến và tài liệu của ông Lê Thọ Xuân. Và trong khi ông Lê Thọ Xuân chỉ nêu ra một thắc mắc với mục đích quảng cáo cho tài liệu của ông, thì ông Trần Khuê trong ý đồ nhục mạ Phan Thanh Giản đã gán cho Nguyễn Đình Chiểu việc cố tình chửi xéo Phan Thanh Giản là khi chết đi chỉ có thể thành “quỷ”.

Mà điều cần chú ý là mặc dù cả hai đều nêu lên vấn đề về lá minh tinh trong câu thơ “minh tinh chín chữ lòng son tạc”, nhưng ông Lê Thọ Xuân chỉ có thắc mắc về “minh tinh chín chữ” mà hoàn toàn không phải giải thích gì hết về phần còn lại, cũng chính là phần quan trọng nhất của câu thơ, ba chữ “lòng son tạc”. Bởi ông Lê Thọ Xuân không hề có ý cho rằng Nguyễn Đình Chiểu muốn châm biếm Phan Thanh Giản qua câu thơ này, và cũng vì câu thơ này rõ ràng là một lời khen ngợi.

Chỉ có những kẻ có ác ý như ông Trần Khuê mới bẻ cong sự thật này đi để nhục mạ Phan Thanh Giản như đã nói. Nhưng do đó mà ông Trần Khuê bắt buộc phải giải thích phần “lòng son tạc” của câu, vì tự ba chữ này đã nói lên một sự kính phục, không thể nói khác hơn bằng cách nào được cả.

Và do đó nên ông Trần Khuê đương nhiên là phải né tránh không nói gì hết về ba chữ quan trọng nhất trong câu thơ này. Trong khi bất cứ một người đọc bình thường nào cũng phải thấy rằng câu thơ đó của Nguyễn Đình Chiểu không phải quan trọng ở việc diễn tả lá minh tinh của Phan Thanh Giản có bao nhiêu chữ, và nó hợp lễ hay không, hay nó có đúng sự thật hay không. Mà sự quan trọng hay ý nghĩa chính của cả câu thơ, và có thể nói trong cả bài thơ, nằm trong ba chữ “lòng son tạc”.

Lòng son, tức “đan tâm”, là nói đến lòng trung nghĩa. Và Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn đã mượn ý niệm đó từ bài thơ sau đây của Văn Thiên Tường, tác giả của bài “Chính Khí Ca” mà Nguyễn Đình Chiểu đã từng mượn ý để đưa vào tác phẩm Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật:

Quá Linh Đinh dương

Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh,

Can qua liêu lạc tứ chu tinh.

Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,

Thân thế phù trầm vũ đả bình.

Hoàng Khủng than đầu thuyết hoàng khủng,

Linh Đinh dương lý thán linh đinh.

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.[14]

Hai câu thơ cuối nói rằng đời người ta ai mà không chết, nhưng cái để lại là tấm lòng son trong sử xanh. Và đối với Nguyễn Đình Chiểu, cái chết trong sự “tận trung” của Phan Thanh Giản đã nói lên tấm lòng son này. Do đó, lá minh tinh dù chỉ có chín chữ khiêm nhường có thể chẳng nói lên điều gì cả (lão thư sinh họ Phan ở góc biển), nhưng tấm lòng son trung quân ái quốc của ông thì đã được sử xanh ghi tạc.

Và tấm lòng son của Phan Thanh Giản đã được Nguyễn Đình Chiểu ghi tạc, chẳng phải chỉ trong bài thơ này thôi, mà còn được ông lặp lại mấy lần nữa trong 10 bài liên hoàn Điếu Phan Công Tòng (mà người viết sẽ trình bày trong phần sau).

Và tấm lòng son đó của Phan Thanh Giản cũng đã được những vị quan đương thời nhắc đến, như trong câu đối sau đây của Án Sát Phạm Hữu (Viết) Chánh:

Sổ hàng di biểu lưu thiên địa

Nhất phiến đan tâm phó sử thơ

Do đó, khi ông Lê Thọ Xuân nêu lên thắc mắc về câu Minh tinh chín chữ lòng son tạc thì ông chỉ nói đến vấn đề là “minh tinh chín chữ” có hợp “lễ” và đúng theo mảnh hoa tiên có “lời trối” của Phan Thanh Giản hay không mà thôi. Chứ ông Lê Thọ Xuân không hề, và chắc chắn là không bao giờ, nghi ngờ gì đến ý tứ của Nguyễn Đình Chiểu trong câu thơ, là ngợi khen lòng trung nghĩa của Phan Thanh Giản.

Trong khi đó thì ông Trần Khuê với mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản và cần phải chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu muốn hạ nhục Phan Thanh Giản, đã vớ lấy cái thắc mắc này của ông Lê Thọ Xuân và uốn éo cho thành một cách châm biếm thóa mạ, dựa trên cái “quy ước của người xưa” về cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”.

Nhưng khổ thay, câu thơ này ngoài “minh tinh chín chữ”, lại còn có “lòng son tạc”. Và như người viết đã giải thích, đó mới chính là ý của Nguyễn Đình Chiểu trong câu, để khen ngợi lòng trung nghĩa của Phan Thanh Giản.

Cho nên nếu muốn bẻ cong phần “minh tinh chín chữ” thành một lời nguyền rủa như ông Trần Khuê đã làm, thì làm sao không thể không nói đến phần “lòng son tạc”? Làm sao không phải giải thích lý do tại sao ý nghĩa của nó lại ngược với phần “minh tinh chín chữ” theo kiểu xuyên tạc của ông ta? Bởi rõ ràng cả hai phần đều nằm trong cùng một câu thơ chỉ có 7 chữ.

Và ông Trần Khuê cho thấy rằng ông rất muốn lờ đi phần “lòng son tạc” trong câu, do ông không thể vặn vẹo giải nghĩa theo cách nào khác được về ba chữ này. Thế nên ông đã dùng một chiêu thức khá thô thiển là tung hỏa mù, bằng cách mượn lời của một tác giả tên Hòa Lạc mà ông dẫn ra như sau:

“Trong 11 chữ (Hán) ấy thì “lão thư sinh” là chủ thể; “lòng son” là một lời khen, nhưng khen Phan trong tư cách là “lão thư sinh” (sic)

Nghĩa là ông Trần Khuê giả bộ như không biết rằng hai chữ “lòng son” nằm ngay trong câu “minh tinh chín chữ lòng son tạc” để ngợi khen Phan Thanh Giản, nên ông mượn lời của ông Hòa Lạc nào đó nói bậy bạ rằng hai chữ này nằm trong “11 chữ Hán ấy”, tức là trong “lời trối” của Phan Thanh Giản! Ông Trần Khuê làm như người đọc không biết hai chữ đó nằm ở đâu!

Và ông Hòa Lạc kia thì giải thích một cách không ai hiểu ông nói gì, rằng “lòng son” là một lời khen, nhưng khen Phan trong tư cách là “lão thư sinh”.

Rồi sau cùng, khi đã giải thích dông dài về “minh tinh chín chữ” và “Quỉ Khốc Linh Thính” thì ông Trần Khuê mới kết luận một cách ỡm ờ theo dạng câu hỏi mà rõ ràng là để né tránh khỏi phải bàn luận về “lòng son tạc”:

Đã hạ “chín chữ”, nghĩa là Cụ đã dừng lại ở một chữ tối kỵ: chữ Quỷ, vậy mấy chữ “lòng son tạc” còn có nghĩa gì? Ca tụng hay mỉa mai?

Tóm lại, vì không thể giải thích cho xuôi cụm từ “lòng son tạc” mà Nguyễn Đình Chiểu đã trân trọng để trong câu thơ nhằm ngợi khen lòng trung nghĩa của Phan Thanh Giản, nên ông Trần Khuê đã viết và dẫn chứng loạn xạ như trên, với hy vọng làm cho người đọc chán ngán mà không thèm để ý ông nói gì nữa.

Nhưng như bạn đọc sẽ thấy, ba chữ “lòng son tạc” lại chính là ý niệm mà Nguyễn Đình Chiểu luôn luôn sử dụng để nói về Phan Thanh Giản. Chẳng những trong câu thơ này thôi, mà trong 10 bài thơ Điếu Phan Tòng, ta sẽ gặp lại ý niệm đó.

4. Tóm Tắt Vấn Đề “Minh Tinh Chín Chữ”

Tóm lại, ông Lê Thọ Xuân vào năm 1944 đã đưa ra một thắc mắc dựa trên mảnh hoa tiên mà ông tìm được từ con cháu nhà họ Phan. Theo đó, Phan Thanh Giản viết rằng lá minh tinh xin bỏ, còn nếu không thì nên đề 11 chữ. Và ông Lê Thọ Xuân đã bằng một cách gián tiếp cho rằng như vậy mới là đúng theo lễ viết minh tinh; do đó, câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu để điếu Phan Thanh Giản mà viết rằng “minh tinh chín chữ”, là không “hợp lễ” hay không chính xác. Có thể thấy rằng ông Lê Thọ Xuân đã đưa ra vấn đề như trên là để nhấn mạnh về tầm quan trọng của mảnh hoa tiên mà ông cho là chứa đựng “lời trối” của Phan Thanh Giản.

Tuy vậy, ông Lê Thọ Xuân lại không hề nói thẳng ra rằng Nguyễn Đình Chiểu đã viết sai với “lời trối” và lá minh tinh của Phan Thanh Giản, khi viết ra câu thơ Minh tinh chín chữ lòng son tạc. Mà ông chỉ viết một cách lơ lửng nửa vời rằng viết như vậy là “không hợp lễ” về cách viết minh tinh, là phải theo cách đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”.

Nhưng ông Trần Khuê vào năm 1994 đã ngang nhiên chiếm đoạt cái thắc mắc này của ông Lê Thọ Xuân trong mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản; để hợp với chủ trương cho rằng Phan Thanh Giản đã bán nước, đầu hàng. Đó cũng là chủ trương mà ông Trần Nghĩa đã từng nêu lên trước đó vào năm 1972, khi bài thơ chữ Hán đã được ông giải thích thành một lời chê trách. Và ông Trần Khuê đã làm theo sự gợi ý của ông Trần Nghĩa, rằng bài thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu có thể cũng không phải khen ngợi Phan Thanh Giản, giống như bài thơ chữ Hán mà ông Trần Nghĩa đã giảng giải.

Nhưng ông Trần Khuê còn đi xa hơn một bước nữa, khi ông gán cho Nguyễn Đình Chiểu sự cố tình viết chỉ có “chín chữ” trong câu thơ để chửi xéo Phan Thanh Giản là “quỷ”. Với cách trình bày vấn đề một cách rối rắm, ông Trần Khuê đã đánh đồng ý nghĩa và giá trị câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu với lá minh tinh, làm cho người đọc nghĩ rằng chính Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình cắt bớt hai chữ trong lá minh tinh để chửi xéo Phan Thanh Giản là chết đi thì chỉ có thể thành “quỷ”.

Nghĩa là ông Trần Khuê đã mượn một sự thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân từ năm 1944 rằng câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu có thể không chính xác với lá minh tinh hay “lời trối” của Phan Thanh Giản, để quay sang kết luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình làm như vậy để chửi xéo Phan Thanh Giản.

Nhưng vì có mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản – khác hẳn với mục đích giới thiệu tài liệu của ông Lê Thọ Xuân – nên những sự sai lầm của ông Lê Thọ Xuân càng có thể được thấy rõ hơn ở ông Trần Khuê. Trong khi ông Lê Thọ Xuân chỉ gợi ý rằng câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu có thể sai với thực tế và với tài liệu do ông kiếm ra, thì ông Trần Khuê vì cần chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu muốn chửi xéo Phan Thanh Giản nên chẳng những phải theo những cái sai của ông Lê Thọ Xuân, mà còn phải khẳng định những cái sai đó nhiều hơn nữa, nhằm cho thấy sự cố tình của Nguyễn Đình Chiểu.

Và có đến ba sự sai lầm rõ rệt nhất về phần “minh tinh chín chữ” trong câu thơ.

Trước nhất, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ, không phải là người viết minh tinh, nên chẳng cần gì phải viết cho đúng cái “lễ” viết minh tinh theo kiểu đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính”. Thế nhưng vì cần chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố ý chửi rủa Phan Thanh Giản, nên ông Trần Khuê phải nói rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình “cắt bớt” hai chữ trong lá minh tinh.

Kế đến, cái “lễ” viết minh tinh theo kiểu đếm chữ “Quỉ Khốc Linh Thính” này là một nghi lễ Phật Giáo. Trong khi cả hai ông Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu đều là nho sĩ; do đó, việc họ không tôn trọng nghi lễ Phật Giáo như cách viết minh tinh là điều có thể thấy được: qua chính “lời trối” của Phan Thanh Giản. Nhưng do ông Trần Khuê không hề biết rằng đó là nghi lễ Phật Giáo, nên khi cầm nhầm ý của ông Lê Thọ Xuân và mượn luôn cả biểu đồ Quỉ Khốc Linh Thính của ông Lê Thọ Xuân để chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu cố tình mắng Phan Thanh Giản; thì ông Trần Khuê lại cần phải sửa từ “lễ” thành “quy ước của người xưa”, rồi quả quyết cho rằng một bậc “túc nho” như Nguyễn Đình Chiểu không thể phạm phải lỗi lầm này. Nếu ông Trần Khuê biết rằng đó là một nghi lễ Phật Giáo, và nếu ông có đọc những tác phẩm của chính Nguyễn Đình Chiểu viết về Phật Giáo và nghi lễ Phật Giáo như trong Ngư TiềuDương Từ Hà Mậu, thì chắc chắn ông đã không dám có cái sáng kiến như trên để phục vụ cho ý đồ hạ nhục Phan Thanh Giản.

Sau cùng, vấn đề “chín chữ” mà ông Lê Thọ Xuân đưa ra thật sự chẳng phải là một vấn đề chi cả, bởi lá minh tinh của Phan Thanh Giản thật tình quả có chín chữ, và Nguyễn Đình Chiểu đã viết y hệt sự thật đó, như các tài liệu cho thấy. Nhưng để chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố tình chửi rủa Phan Thanh Giản thì ông Trần Khuê lại phải nói rằng lá minh tinh có 11 chữ giống như “lời trối”, và Nguyễn Đình Chiểu đã “nghe biết” về lá minh tinh cũng như “lời trối” có 11 chữ này của Phan Thanh Giản. Hơn nữa, ông Trần Khuê còn phải cho rằng Nguyễn Đình Chiểu dù biết như vậy nhưng vẫn cố tình bỏ đi hai chữ trong lời trối; để từ đó cho thấy cái ý của ông là muốn mắng Phan Thanh Giản chết đi sẽ thành “quỷ” theo cách đếm “Quỉ Khốc Linh Thính”. Và do đó, ông Trần Khuê đã phải sáng chế ra chữ “di chúc” để gọi tài liệu mảnh hoa tiên có chứa “lời trối” của Phan Thanh Giản mà ông Lê Thọ Xuân đưa ra hồi năm 1944. Chẳng những vậy không thôi, mà ông Trần Khuê còn phải bịa ra rằng Nguyễn Đình Chiểu cũng như các nhà nho đương thời đều biết rõ về cái “di chúc” này. Trong khi ông Lê Thọ Xuân đã chứng minh cho mọi người thấy rằng chỉ nhờ có ông nên cái tài liệu “lời trối” nói trên mới được phơi ra ánh sáng.

Tóm lại, vì ông Trần Khuê đã làm một việc không mấy lương thiện là mượn ý và tài liệu của ông Lê Thọ Xuân về câu “minh tinh chín chữ” để sửa ra thành một lời Nguyễn Đình Chiểu cố tình sử dụng để thóa mạ Phan Thanh Giản; cho nên khi ông Lê Thọ Xuân sai, thì cái sai của ông Trần Khuê càng rõ ràng hơn và càng tệ hại hơn.

Và có thể thấy rằng đây là một vấn đề rất nhảm nhí và rất dễ dàng bác bỏ, như người viết đã trình bày ở trên. Thế nhưng vì khó lòng kiếm được bất cứ một bằng chứng nào để bêu xấu Phan Thanh Giản; cho nên để học hỏi theo ông Trần Huy Liệu đã từng sáng tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, ông Trần Nghĩa đã từng sửa “khiết thân” thành “khí thân”, ông Trần Khuê cũng đã chế tạo ra những thứ như “quy ước của người xưa” và “di chúc” khi giảng giải về “chín chữ”, để đi đến kết luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chửi xéo Phan Thanh Giản.

Trong khi ý nghĩa chính của câu thơ là ba chữ “lòng son tạc” thì ông Trần Khuê chẳng hề dám đụng tới.


[1] Để biết rõ thêm về hai điều trên, xin đọc Phan Thanh Giản Và Vụ Án “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” của Winston Phan Đào Nguyên, NXB Nhân Ảnh 2021.

[2] Người Nam Kỳ gọi là minh “sanh”, như có thể thấy trong phiên bản của Phan Văn Hùm. Nhưng vì ông Trần Khuê gọi là minh “tinh”, nên người viết cũng sẽ dùng minh tinh để khỏi gây lẫn lộn.

[3] Xin coi bảng vẽ của tác giả trong bài viết mà người viết kèm theo hình chụp ở dưới. Tại đây, người viết chỉ chép lại để cho thấy cách tác giả xếp đặt theo thứ tự từ trên xuống, là: Quỷ Khốc Linh Thính, số, chữ.

[4] Trần Khuê, “Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử, Số 275, 1994. Những chữ in đậm là do người viết muốn nhấn mạnh.

[5]Pierre Daudin & Le Van Phuc. “Phan-Thanh-Gian, 1796-1867, et sa famille d’après quelques documents annamites”. Saigon,Imprimerie de l’Union, 1941.

[6] Một lần nữa, xin coi bảng vẽ của tác giả trong bài viết mà người viết kèm theo trong hình chụp dưới đây để so sánh với bảng vẽ của ông Trần Khuê. Người viết chép lại để cho thấy cách tác giả xếp đặt theo thứ tự từ trên xuống, là: số, chữ, Quỷ Khốc Linh Thính

[7] Lê Thọ Xuân, Từ Minh Tinh Của Phan-Lương-Khê Đến Thần Chủ Của Bùi-Hữu-Nghĩa, Tri Tân số 172, 12/1944, pp. 10-11. Những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

[8] Ibid, Những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

[9] Nguyễn Trung Quân, “Góp Ý Cùng Giáo Sư Nguyễn Phú Thứ Về Cụ Phan Thanh Giản Và Cụ Nguyễn Đình Chiểu”, Thế Kỷ 21, Số 185, September 2004, pp.86-88.

[10] Lý Việt Dũng, “Nghi Thức Và Văn Cúng Đám Tang Ở Nam Bộ”, Tạp Chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, Số 2 (73), 2009. Những chữ in đậm là do người viết muốn nhấn mạnh.

[11] Trong cuốn sách này, ông Thái Hữu Võ cho biết rất rõ ràng về nguồn gốc những tài liệu trong sách của ông. Ông cho biết rằng ông đã nghe lại những lời kể về Phan Thanh Giản từ con cháu, gia đình, và chính những người bạn từ thuở nhỏ của Phan Thanh Giản, lúc đó vẫn còn sống, khi ông làm cuốn sách này.

[12] Phan Văn Hùm. Nỗi Lòng Đồ Chiểu. Sài Gòn, Tân Việt 1957, p. 51. Ông Phan Văn Hùm chỉ ra luôn cái sai của ông Lâm Tấn Phác khi chép là “lòng con” thay vì “lòng son” trong tờ Nam Phong.

[13] Vĩnh Long Nhơn Vật Chí, Vĩnh Long Tương Tế Hội, Imprimerie J. Viêt, 1925, p. 19. Cuốn này còn chi tiết đến mức cho biết sau khi chôn cất thì có hai người giữ mộ là Phan-Đôn Hậu và Phan-Đôn-Khải.

[14] https://www.thivien.net/V%C4%83n-Thi%C3%AAn-T%C6%B0%E1%BB%9Dng/Qu%C3%A1-Linh-%C4%90inh-d%C6%B0%C6%A1ng/poem-D8D8QmZthG_BzE_T5fQbdA

Comments are closed.