Một tiểu thuyết về chiến tranh VN của tác giả người Mỹ gốc Việt được giới thiệu trên báo Los Angeles Times

Tác phẩm “Cô ấy khóc” của Quan Barry

Steph Cha

Phạm Nguyên Trường dịch

Quan Barry

Quan Barry đọc thơ trong buổi giao lưu văn học Việt-Mỹ tại Hà Nội năm 2012.

Đây là lời thú nhận của một người Mĩ: Tôi không thích những tiểu thuyết viết về lịch sử diễn ra bên ngoài nước Mĩ. Tôi không thích đọc sách lịch sử và tôi cho rằng phải là tác giả có tay nghề và hấp dẫn thì mới có thể làm cho tôi thích đồng thời mê hoặc được tôi bằng vẻ đẹp của ngôn từ. Quan Barry nằm trong số những tác giả như thế. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay nhan đề Cô khóc mỗi khi bạn được sinh ra (She Weeps Each Time You’re Born), nhà thơ sinh ra ở Sài Gòn này đưa chúng ta đi qua suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam hiện đại, bằng sự kết hợp tài tình giữa văn hóa dân gian, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và những câu chuyện về cuộc đấu tranh và gian khổ tưởng như được giật ra ngay từ lịch sử vậy.

Tác phẩm này bao trùm ba thập kỷ đầy biến động, bắt đầu bằng việc chào đời khác thường của một cô gái tên là Thỏ (Rabbit) bên bờ Sông Ma vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất, “dưới ánh trăng tròn, có hình thỏ ngọc, ở độ sâu 6 foot (1 foot = 0,3048m) dưới mặt đất, trong một cái hộp gỗ, bàn tay của mẹ lạnh như băng, trên đầu là những con dơi đem lại may mắn[1] đang bay trong bóng tối”. Năm 2001, khi câu chuyện kết thúc, cô bé đã trở thành một huyền thoại sống – trong “phòng bạc trong đầu Thỏ”, cô nghe và hiểu được tiếng nói của những người đã chết.

Và Việt Nam đầy những người đã chết như thế, đầy xác người, đầy những bóng ma và giọng nói của họ . Đó là “dân tộc của những người đã chết trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn một ngàn năm qua. Mặt họ bị chôn vùi trên khắp các con đường”. Cuốn tiểu thuyết được bao quanh bởi dàn đồng ca của những người đã chết, mỗi chương đều có đoạn giới thiệu một câu chuyện kỳ quái của họ. Họ mở ra truyền thuyết đang được triển khai của Thỏ, mở ra văn hóa dân gian và tâm linh của Việt Nam. Họ quan sát và chờ đợi: “Quá nhiều người trong chúng ta vẫn ngủ trên mặt đất cho đến khi một người nào đó quyết định đã đến để sắp xếp lại chúng ra và đưa chúng ta về nhà”.

Chết chóc bao trùm tất cả các phần của cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm được xây dựng xung quanh những khoảnh khắc sinh động của cuộc đời Thỏ, trong những giờ phút cực kì quan trọng trong lịch sử của Việt Nam. Sau chiến tranh, cô và gia đình chạy trốn về phía nam (“người ta đổ xô về miền Nam, như thể chính cái từ miền Nam có thể cứu được họ vậy”); họ cố gắng chạy trốn cùng với nhóm người tị nạn Campuchia. Cô nghe được cả người sống lẫn người chết, và những câu chuyện khác được thể hiện trong những trải nghiệm của cô – thời bà ngoại ở đồn điền cao su khi Đông Dương vẫn còn là thuộc địacủa Pháp, rồi những gian nan của một cựu tù nhân đã từng bị giam trong trại cải tạo.

Khả năng thiên phú của Thỏ tạo điều kiện để cô có thể mang lại sự an bình và quyết tâm cho những người chết còn đang vật vờ: “Chỉ cần đơn giản là một người nào đó nghe họ, công nhận họ, rồi họ có thể đi bất cứ nơi nào họ đang đi”. Sự công nhận của cô là nhân ái và phi chính trị, và khi khả năng tâm linh của cô làm cho cô trở thành nổi tiếng, cô trở thành mối đe dọa đối với những người chiến thắng ở miền Bắc, những người muốn lờ đi những người đã chết ở miền Nam.

Đây là cuốn tiểu thuyết đẹp và đầy ám ảnh, sức mạnh của nó được nhân lên bằng ngôn ngữ bậc thầy của Barry. Đôi khi tưởng chừng như đang đọc một bài thơ (“vô số ngọn lửa như thể một bầy trăng”, “tiếng đàn ong o o đều đều [như] một dòng điện tối”); đôi khi nó lại như xoáy vào lỗ tai, rõ ràng và ngắn gọn (“Không ai nói gì. Và như thế, họ bắt đầu nghi ngờ nhau”). Cô sử dụng cả những câu thần bí ngắn và những câu dài cả trang do người thứ hai viết, cả hai thủ thuật này tôi biết, tốt nhất là nên thử ở nhà.

Với tác phẩm Cô khóc mỗi khi bạn được sinh ra, Barry đã đóng góp phần mình vào việc nhận dạng những người đã chết trên quê hương cô. Giống như Thỏ, cô ghi tạc họ vào lịch sử và đảm bảo rằng họ sẽ không bị lãng quên. Họ đang được tính đếm, câu chuyện của họ đang được kể qua giọng nói của cô. Chúng ta chỉ có mỗi nhiệm vụ là lắng nghe.

 

Nguyên bản tiếng Anh: http://www.latimes.com/books/jacketcopy/la-ca-jc-quan-barry-20150301-story.html


[1] Nguyên văn bats of good fortune – nghĩa là những con dơi mang lại may mắn (theo quan niệm của người Trung Quốc – ND.

Comments are closed.