Một vài vấn đề văn học sử đối với tác gia Quang Dũng

Tham luận của Lại Nguyên Ân tại HỘI THẢO "100 NĂM QUANG DŨNG, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP" trực tiếp & trực tuyến, tại Viện Văn Học, sáng 18/11/2021

Xem qua một vài cuốn tuyển tác phẩm dành cho tác gia Quang Dũng hiện có, tôi nghĩ, nhìn từ phương diện văn học sử, có thể thấy, cái cách mà giới nghiên cứu cũng như giới đồng nghiệp văn học, đối với Quang Dũng, hãy còn khá sơ sài, thậm chí rất sơ sài!

Tiểu sử Quang Dũng, như trong vài cuốn tuyển ấy, còn rất giản lược, và có lẽ đã bỏ đi không ít chi tiết, có thể là hệ trọng. Văn nghiệp Quang Dũng cũng mới chỉ được kiểm đếm một cách sơ sài.

Do vậy, thiết nghĩ, các giới văn học và nghiên cứu nên có những quan tâm làm rõ những chi tiết tiểu sử, nhất là những chi tiết đã khiến ông chịu thiệt thòi cả trong sinh thời, cả trong thời gian dài sau khi mất.

Hồi năm 1989, khi làm công việc biên tập cho cuốn sách Quang Dũng, người và thơ (người biên soạn: Hoài Việt) trong tủ sách “Thế giới văn học” của nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tôi được các ông Trần Lê Văn, Hoài Việt kể cho nghe một chi tiết, theo tôi rất đáng ghi, nhưng khi tôi yêu cầu hai vị ấy viết ra giấy và đưa vào sách thì họ lại từ chối, cho là chưa đến lúc. Chi tiết đó, thiết nghĩ đến nay nên và cần nói ra và cần đi tìm người xác minh, hoặc cứ tạm ghi lại như một chi tiết “tồn nghi”, nếu không sẽ là bỏ phí một đầu mối tư liệu hệ trọng về tiểu sử nhà thơ!

Đó là chuyện, đầu những năm 1940, Quang Dũng đã từng dấn bước phiêu lưu sang đến đất Tàu, tại đấy, do tình huống nào đó, đã gặp Nguyễn Hải Thần (thủ lĩnh Việt Nam cách mạng đồng minh hội, gọi tắt là Việt Cách), được ông này coi như môn khách. Cuối năm 1945 đầu 1946, trong đoàn người của Việt Cách trở về Hà Nội, có Quang Dũng. Phía Việt Minh thấy một số người trong đoàn ấy, như Quang Dũng, là những người có thể tranh thủ, lôi kéo được, nên đã tìm cách tách họ ra khỏi nhóm gần gũi Nguyễn Hải Thần.

Sự viện này, Quang Dũng chỉ thổ lộ cho một số bạn thơ rất thân, trong đó có Trần Lê Văn, Hoài Việt. Còn trong các bản lý lịch cán bộ hay tiểu sử hội viên nhà văn, cũng như trong bài trò chuyện với nhà nghiên cứu Vũ Văn Sỹ, khi thực hiện chuyên đề “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học”,(1) Quang Dũng chỉ kể việc từ 1945 ông gia nhập quân đội, được giao làm việc tại phòng quân vụ Bắc Bộ, rồi được chuyển sang làm báo “Chiến đấu” của quân khu II, đầu năm 1947 được điều đi học Trường bổ túc Trung cấp quân sự Sơn Tây, đóng ở Tông (Tùng Thiện, Sơn Tây). Sau khóa học, Quang Dũng được điều về làm đại đội trưởng ở trung đoàn 52, tiểu đoàn 212; đơn vị này, theo lời Quang Dũng, “đã từng làm náo động các sân bay Cát Bi, Bạch Mai…”, đến lúc ấy, đầu năm 1947, chuyển sang nhiệm vụ Tây tiến, tức là mở đường qua Hòa Bình lên Sơn La, qua Tây Bắc lên Lai Châu, Điện Biên, vừa tấn công những cứ điểm quân Pháp còn chiếm đóng, nhưng chủ yếu là tuyên truyền, gây dựng cơ sở trong cư dân vùng biên giới Lào-Việt này để họ ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quang Dũng tham gia chiến dịch Tây tiến đợt thứ hai, được giao làm đại đội trưởng, lại cũng được giao làm phó đoàn tuyên truyền Lào-Việt. Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, Quang Dũng về làm trưởng tiểu ban tuyên huấn của trung đoàn 52, rồi làm trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Tháng 8/ 1951, Quang Dũng xuất ngũ. (2)

Trong cuộc trò chuyện hiếm hoi kể trên, Quang Dũng không nói lý do ông xuất ngũ sớm. Song ta có thể giải thích điều đó bằng tình tiết kể trên về giai đoạn trước khi Quang Dũng gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam. Hồi ức của lớp người nhập ngũ cuối những năm 1940s cho thấy, trong hàng ngũ binh sĩ, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam từ khi mới thành lập cho đến năm 1949, yếu tố thành phần giai cấp chưa trở thành điểm nhấn hệ trọng về lý lịch, thậm chí một đôi nét được gọi là “tiểu tư sản” của học trò thành thị, vẫn còn được tự do biểu hiện trong sinh hoạt của người lính vệ quốc.

Nhưng từ 1950, sau chiến dịch Biên giới, khi quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có liên lạc với quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, nhất là sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) chính thức công nhận về mặt ngoại giao, và nhận viện trợ từ chính phủ Trung Quốc, thì trong hàng ngũ cán bộ kháng chiến và hàng ngũ quân đội có nhiều thay đổi, kể cả sự “sàng lọc đội ngũ”, thể hiện trong các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, ở đây yếu tố thành phần giai cấp luôn luôn được nhấn mạnh. Tháng 2/1951 đảng cộng sản Đông Dương từ bí mật chuyển ra công khai dưới tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, nguyên tắc giai cấp càng được tô đậm hơn. Do vậy không khó để hiểu được vì sao tháng 8/1951 Quang Dũng rời quân ngũ.

Tất nhiên, Quang Dũng, từ đó vẫn là người của hàng ngũ kháng chiến, cho nên ngay sau ngày tiếp quản thủ đô, 10 tháng Mười 1954, ông đã có mặt trong số những cây bút làm biên tập báo “Văn nghệ” của Hội văn nghệ Việt Nam; sau đó, ông là biên tập viên của nhà xuất bản Văn học của Hội nhà văn Việt Nam cho đến tận khi nghỉ hưu.

Một điểm thứ hai tôi muốn lưu ý là hoạt động của Quang Dũng thời kỳ “Nhân văn-Giai phẩm” và sự đối xử của lãnh đạo ngành văn nghệ đối với ông.

Như đã biết, Quang Dũng làm việc trong mấy cơ quan thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam như báo “Văn nghệ” (thời kỳ 1954-1957), nhà xuất bản Văn học (thời kỳ 1958 đến khi nghỉ hưu)

Thời gian xảy ra các hiện tượng được gọi chung là “Nhân văn-Giai phẩm” (1956-1957), Quang Dũng có những hoạt động gì liên can?

Chỗ này cần khẳng định: cho đến lúc Hội Liên hiệp VHNT VN và Hội nhà văn VN tiến hành kiểm điểm phê bình trong đợt “đấu tranh chống Nhân văn-Giai phẩm” (từ đầu năm 1958) thì người ta mặc nhiên cho rằng tất cả những tác phẩm in trong 5 số báo “Nhân văn” và 5 tập “Giai phẩm” (xuân 1956, thu I, thu II, thu III; đông), dù nội dung thế nào, cũng bị coi là biểu hiện việc tác giả của nó “can dự hoạt động của Nhân văn-Giai phẩm”, ngoài ra, một số bài vở trên tuần báo “Văn” (1957-1958) của Hội nhà văn Việt Nam, cũng bị quy kết gần gần như vậy, tùy nội dung, và tùy việc bị dẫn ra để phê phán ra sao.

Tính vào tác giả Quang Dũng, ta sẽ thấy ông:

1/ không có bài đăng báo “Nhân văn”;

2/ có 2 bài thơ đăng “Giai phẩm”: bài thơ “Trên đường chiều thứ bảy” đăng “Giai phẩm mùa thu, tập I”, và bài thơ “Những cô hàng xén” đăng “Giai phẩm mùa thu, tập II”; và 1 bài thơ “Có nhớ về đất Bắc” đăng “Sách tết 1957”, một dạng “hậu Giai phẩm” (in ra khi tên sách “Giai phẩm” không được cấp giấy phép nữa, nhưng vẫn do Nguyễn Hữu Đang tổ chức bài vở và do nhà xuất bản Minh Đức in và phát hành, đầu xuân 1957, điều này được ghi rõ ngay trên ấn phẩm).

Ngoài ra, trên tuần báo “Văn” (1957-1958) của Hội nhà văn VN, Quang Dũng có loạt bài phóng sự, ghi chép những sinh hoạt vui chơi giải trí bên bờ hồ Gươm, Hà Nội, trong đó, bài “Xiếc khỉ” bị tác giả Trịnh Xuân An trên tạp chí “Học tập” dẫn ra để chứng minh tuần báo “Văn” trong mươi số đầu tiên đã không thể hiện được “con người thời đại”, ý nói không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa!

Do những chứng cứ bài vở kể trên, Quang Dũng đương nhiên bị liệt vào số hàng chục nhà văn liên can “Nhân văn-Giai phẩm”. Mức độ liên can tất nhiên không bị coi là nặng, nhưng cũng không bao giờ được xem là nhẹ! Sau khi những người bị coi là chủ chốt bị kết án và đưa đi tù rồi, vẫn còn một số nhà văn được tiếp tục làm việc trong các cơ quan văn nghệ, nhưng được xếp thành một nhóm riêng, trong hồ sơ quản lý của Hội Liên hiệp VHNT VN và Hội nhà văn VN.

Tại kho lưu trữ quốc gia III hiện còn tìm thấy “Bảng kê biên chế năm 1959 của Hội văn học nghệ thuật Việt Nam” do Rum Bảo Việt ký, và bản “Đề nghị kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế và điều chỉnh cán bộ” của Hội nhà văn VN do ủy viên thường vụ Hội nhà văn VN là Tô Hoài ký ngày 17.8.1959.

Theo văn bản thứ hai này, trong số 91 biên chế thuộc 8 bộ phận nhân sự của Hội nhà văn, bộ phận thứ 8 được gọi là “Nhóm Nhân văn” (có lẽ viết tắt, bỏ từ “Giai phẩm” cho gọn) gồm 9 nhân sự:

hai người Trần Lê Văn, Quang Dũng được ghi chú chung: “công tác ở báo “Văn học”, đi thực tế ở Hà Nội, do Hội trực tiếp quản lý”;

hai người Lê Đạt, Trần Dần được ghi chú chung: “về nông trường quân đội”;

ba người Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Phùng Quán được ghi chú chung: “về 1 ty văn hóa”;

một người: Lê Đại Thanh được ghi chú: “về nông trường Hải Phòng”;

một người: Thanh Châu được ghi chú: “về 1 ty văn hóa (báo chí địa phương)” (3)

Như vậy, Hội nhà văn VN đã coi Quang Dũng như là một trong những nhà văn có khuyết điểm là can dự hoạt động của Nhân văn-Giai phẩm. Tuy ông vẫn được làm việc trong cơ quan của Hội (nhà xuất bản Văn học, từ 1958 đến 1968 là cơ quan trực thuộc Hội nhà văn VN, sau 1968 là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa), nhưng các chính sách, chế độ đối với ông tất nhiên có phần kém so với những biên tập viên không dính một vài “vết tích khuyết điểm” như ông (!). Khi ông còn sống, rất ít đồng nghiệp nghĩ rằng có thể có tuyển tập tác phẩm cho Quang Dũng, không phải vì thơ văn không hay, nhưng vì có dấu vết “dính” quan hệ với cựu thủ lĩnh Việt Cách (nếu ngành tổ chức cán bộ biết thông tin này!) và “dính” Nhân văn-Giai phẩm (khuyết điểm này là công nhiên!)

Tình hình chỉ khác đi do cao trào đổi mới (1986) mang lại; đây là cơ hội để giá trị thơ văn Quang Dũng được nhìn nhận công bằng hơn. Ông đã được truy tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật (2001). Ông cũng rất xứng đáng được làm những tuyển tập, hay toàn tập tác phẩm (tuy rằng sau năm 1986 thì quy chế tuyển tập đổi khác hẳn so với trước, không còn được bao cấp cho việc biên soạn, xuất bản, việc làm tuyển trở nên tùy thuộc nỗ lực của thân nhân và của lực lượng xuất bản, phát hành!).

Một điểm thứ ba nữa, tôi muốn nêu tại đây: Quang Dũng có thể được xem là tác gia của “thơ mới” Việt Nam “tiền chiến” hay không?

Tôi chưa dám khẳng định Quang Dũng đã từng có thơ đăng báo từ trước tháng 8/1945. Nhưng tôi có căn cứ để nói, Quang Dũng đã sáng tác thơ từ đầu những năm 1940, thậm chí sớm hơn. Khi thực hiện việc biên tập cuốn sách chuyên đề Quang Dũng, người và thơ (1990) nói trên, tôi đã thấy gia đình và bạn bè Quang Dũng đưa khá nhiều bài thơ của ông, có ghi rõ sáng tác năm 1940, thậm chí có bài ghi 1937. Từ căn cứ này, khi thực hiện việc biên soạn bộ tuyển “Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm” (Nxb. Hội nhà văn, 1998, in lại nhiều lần), tôi đã đưa tác giả Quang Dũng vào diện tác gia của thơ mới giai đoạn “tiền chiến” (trước thế chiến hai, 1939-1945) với hai bài “Chiêu Quân” sang tác 1937, và “Cố quận”, sáng tác 1940. (4) Tôi nghĩ xử lý như vậy là hợp lý về mặt văn học sử.

Đấy là vài đề xuất của tôi, nhân một hội thảo gần như là đầu tiên về Quang Dũng với tư cách một tác gia văn học.

Hà Nội, tháng Chín 2021

LẠI NGUYÊN ÂN

CHÚ THÍCH

(1) Quang Dũng (kể): Nhớ về Tây Tiến, Vũ Văn Sỹ (ghi theo lời kể của nhà thơ Quang Dũng) // Văn nghệ quân đội, http://vanghequandoi.com.vn lưu trữ ngày 20.1.2009. Theo Wikipedia.org/wiki/Quang_Dung_nhà_thơ)

(2) Như trên.

(3) Thường vụ Hội nhà văn VN: Tô Hoài ký: “Đề nghị kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế và điều chỉnh cán bộ”, Hà Nội, 17.8.1959. Trung tâm lưu trữ quốc gia III. (tài liệu do Peter Zinoman sưu tầm, nhân đây tôi xin bày tỏ lời cảm ơn! – L.N.Â.)

(4) Xem: “Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm”, Lại Nguyên Ân và Ý Nhi biên soạn, H.: 1998, tr. 1348-1350.

Comments are closed.