Nghệ thuật là gì vậy ?

Nguyên Ngọc dịch (Le Monde 31 tháng Mười 2014) 

Văn Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện của Laura Giacherio với Véronique Mortaigne, biên tập viên văn hóa ở nhật báo Le Monde, trong đó V. Mortaigne bày tỏ những ý kiến tinh tế, độc đáo, và thật đáng suy nghĩ về văn hóa, nghệ thuật và người nghệ sĩ.

Vai trò của văn hóa trong xã hội là gì ?

Văn hóa và xã hội là không thể tách rời. Văn hóa, đấy là cách sống của xã hội, kể cả về kinh tế. Còn nghệ thuật thì khác với văn hóa. Tôi có một quan niệm riêng về nghệ thuật, khiến tôi tin rằng chỉ có rất ít nghệ sĩ. 

Điều gì làm nên một nghệ sĩ ?

Người nghệ sĩ thì có phép thiên cảm, họ siêu nhạy cảm. Họ có một ý niệm (vision) riêng về nhân sinh. Họ gắn chặt hoàn toàn với xã hội và đồng thời lại đi trước xã hội, họ đồng hành với nó. Họ tham gia vào động lực xã hội, về chính trị và văn hóa và chuyển tiếp những vận động đó qua nhiều kênh khác nhau. Một ví dụ mà tôi biết rõ là trường hợp của Céraria Evora[1]. Âm nhạc của bà hoàn toàn đồng nhất với đất nước bà. Dù ở đấy có một khí hậu khô bà truyền bá một thứ âm nhạc ẩm ướt và nhiệt đới, là ánh xạ của giao điểm đại dương của Cap Vert giữa Cuba, Brasil và miền nam Châu Phi. Césaria là một chiếc ăng-ten, bà bắt sóng tất cả !

Như vậy những người nghệ sĩ là ánh xạ của xã hội chúng ta chăng ?

Sản phẩm của họ đúng là như vậy ! Một ví dụ : cuối những năm 50, ta thấy bossa nova[2] xuất hiện ở Brasil. Đấy là ánh xạ của việc đất nước này bước vào hiện đại hóa, vào nền dân chủ ! Có điều nghịch lý là những người nghệ sĩ không phải là những đại diện của xã hội, có một phần điên rồ tạo nên sự khác biệt của họ, và họ xây dựng nên cái đó. Trường hợp Joao Gilberto, người sáng tạo ra bossa nova là như vậy, ông đã đẩy con mèo của ông đến chỗ khiến nó tự vẫn sau nhiều ngày đêm nhốt kín lặp đi lặp lại. Những người nghệ sĩ tạo ra những huyền thoại của chính họ, họ thường thích « được sinh ra trên đường phố ». Đấy cũng là trường hợp của Manu Chao hay của Johnny, trong thực tế và lúc thì là một trí thức chân chính lúc thì là con nhà xướng ca. Trong họ có một phần diễn viên : khi đã là nghệ sĩ thì có một lúc nào đó họ không còn là chính họ nữa. Có rất nhiều quyết đoán và một chiều kích siêu nhiên. 

Cái chiều kích siêu nhiên ấy từ đâu ra vậy ?

Một phần là do hồng ân phép mầu. Tôi nhớ một sự kiện được tổ chức xung quanh buổi chiếu phim Gây gổ hồi những năm 80. Đột nhiên đám đông trong phòng chiếu dạt hẳn ra, và Jeanne Moreau đi vào, đầy ấn tượng. Césaria Evrora cũng tỏa rạng đúng như vậy trong khi lúc khởi đầu bà thậm chí không có nghề ngỗng gì ! 

Cái hồng y phép mầu ấy là đặc điểm riêng của người nghệ sĩ hay còn phản ánh trong các sản phẩm của họ ?

Nó cũng còn có thể tìm thấy trên các đồ vật. Hãy nhìn hai bức điêu khắc cùng thể hiện một sự vật, đôi khi bức kém hoàn thiện hơn lại gây ấn tượng với ta hơn, trong khi bức kia chỉ đẹp « một cách vừa đúng ». Bức kém hoàn thiện lại có một cái gì đó khác thường, nó là kết quả của một hành động gần như thiên cảm. Chẳng hạn trong triển lãm (về văn hóa) Maya hiện nay ở Quai Branly, có thể thấy hai cái lư hương giống nhau. Một cái còn nguyên, cái kia hơi bị hư hỏng vì rỉ vôi. Người đặc trách về nhân học đã đặt chung hai cái để minh họa sự trôi đi của thời gian. Nghệ thuật đặt chúng ta đối diện với những vấn đề như vậy. 

Bà có thể nói cho chúng tôi một biểu hiện nghệ thuật mô tả xã hội hôm nay ?

Tôi rất thích nhạc rap. Trong giới trẻ nó mạnh hơn rock, nhưng truyền thông lại coi nó thấp hơn. Chẳng hạn trong triển lãm về Black music năm nay nó được trình bày thấp hơn. Tôi nghĩ cần lắng nghe chất thơ thành thị của những người trẻ tuổi hầu như lạc lõng này. Ở đây nữa, cũng là ánh xạ của xã hội trong đó người ta sống. Lúc này rap Hoa Kỳ rất mạnh nhưng rap châu Phi cũng khá mạnh. 

Có chăng những hình thức nghệ thuật dân gian hơn, dễ hiểu hơn những hình thức khác để hiểu được xã hội chúng ta ?

Tôi luôn sợ chủ nghĩa dân túy trong văn hóa và nghệ thuật. Có một cách nhìn giai cấp. Ở Pháp có cả một thế hệ cảm thấy mình bị loại ra ngoài. Người ta vẫn tiếp tục hỏi những người lai là họ đến từ đâu vậy. Tại sao không đánh đổ đầu óc bè phái và tạo điều kiện cho các tầng lớp tinh hoa Pháp cảm nhận được nhạc rap ? Chẳng hạn có vô số những nhạc sĩ rap ở quận 9, đối với nhiều người đó thật sự là những nhà thơ ! Chính họ là những người đang nói đúng, họ đang kể chuyện xã hội chúng ta. Muốn tiếp nhận được nghệ thuật phải đi qua giáo dục. Phải bắt đầu đi từ vị trí hiện tại của người ta ! Những người nghệ sĩ vượt lên trên (cuộc sống) và truyền tải đến mọi người, không phân biệt. Đấy chính là trường hợp của Césaria Evora hát bằng tiếng créole[3] cho toàn thế giới ! 


[1] Cesária Évora (1941 –2011) là nữ ca sĩ nổi tiếng người Cape Verte với biệt danh “barefoot diva” (nữ danh ca chân trần) vì khi biểu diễn bà không mang giày dép. Bà là một trong số ca sĩ hát loại nhạc morna nổi tiếng nhất trên thế giới. Năm 1997 bà đoạt Giải âm nhạc toàn châu Phi KORA trong 3 thể loại: Nghệ sĩ hay nhất Tây Phi, Album hay nhấtMerit of the Jury. Năm 2003 album Voz d’Amor của bà đoạt Giải Grammy thể loại âm nhạc thế giới.

[2] Bossa Nova: Một loại nhạc được sáng tạo vào những năm 1950 và 1960 ở Brasil, hiện nay đã trở thành loại nhạc nổi tiếng nhất của Brasil. (ND)

[3] Créole: Một ngôn ngữ được sáng tạo ở vùng Trung Mỹ thuộc Pháp, trộn lẫn giữa tiếng Pháp và tiếng bản địa. Có cả một nền văn học bằng tiếng créole (ND)

Comments are closed.