Ngộ Không – Một chút dối già hay Lời chia tay nói sớm

T.Vấn

clip_image002

Tủ Sách Điện Tử T.Vấn & Bạn Hữu vừa cho ra mắt tác phẩm thứ 42: Một chút dối già – Tập Bốn của nhà văn Ngộ Không Phí Ngọc Hùng. Tác phẩm này cũng là tác phẩm thứ tám của Ngộ Không (gồm bốn tập Một chút dối già, ba tập Chữ nghĩa làng văn và tập khảo luận Phiếm sử lược truyện), tất cả đều được xuất bản dưới hình thức sách điện tử do Tủ sách điện tử của Trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện.

Trong số tám tác phẩm nói trên, tác phẩm Một chút dối già – tập Một được tác giả cho ra mắt độc giả và bằng hữu dưới dạng sách giấy trước khi cho tái bản bằng hình thức sách điện tử.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã bước vào tuổi 75. Năm năm trước, ở tuổi cổ lai hy, ông tưởng mình sắp về cõi, nên cố sức tom góp lại mớ gia tài chữ nghĩa, mong có một chút gì để dối già. Với đời, với bằng hữu. Năm năm sau, cái một chút ấy đã nhiều hơn một chút. Nhưng nhiều hay ít, cũng vẫn chỉ là để dối già.

Bài viết dưới đây, được viết từ góc độ một độc giả, một người bạn văn sát cánh bên ông từ nhiều năm nay, giúp chiếu rọi xem Ngộ Không dối già như thế nào với gần năm ngàn trang sách mà ông gọi là Một chút ấy.

Ngộ Không – Lão Điên Chữ

clip_image004

Tôi biết Ngộ Không Phí Ngọc Hùng trong một dịp hết sức tình cờ. Mùa hè năm 2010, tôi đưa con gái đi thăm trường Rice University ở Houston để chuẩn bị cho năm đầu tiên nhập học. Ở thành phố ồn ào bụi bậm này, ngoài vài người bạn cùng xuất thân ở một quân trường trên Đà lạt năm xưa, tôi còn biết có anh bạn tù chung trại Vĩnh Quang ngoài Bắc hồi đầu những năm 1980s. Đó chính là nhà thơ Trần Ngọc Tự quen thuộc của chúng ta kể từ ngày trang T.Vấn trở thành sân chơi chung T.Vấn & Bạn Hữu. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một quán cà phê trong khu phố Việt Nam. Vừa tay bắt mặt mừng, vừa hỏi thăm nhau đôi câu về gia đình, công ăn việc làm, Ngọc Tự vừa lôi con di động cũ mèm ra bấm số lia lịa. Anh bảo “có ông bạn già điên chữ này hay lắm, mình muốn Vấn làm quen!”. Chỉ vài phút sau, ông bạn già điên chữ của Ngọc Tự xuất hiện. Chẳng là nhà ông ở ngay trong khu dân cư trước mặt, bước qua một con đường là tới quán cà phê quen thuộc của nhiều người Việt ở Houston. Tôi được biết tên ông là Phí Ngọc Hùng, ngoại hiệu Ngộ Không. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Ngộ Không. Nhìn ông, mặt tôi hẳn là “cứ đực ra như ngỗng đực” (chữ của Ngộ không). Ông già trước mặt tôi kia trông không có vẻ gì là “điên chữ” cả. Ông nhanh nhẹn, hoạt bát, tay móc thuốc, tay khuấy ly cà phê một cách hết sức tỉnh táo và điệu nghệ. Ông vốn là một người tốt nghiệp và làm việc trong ngành kiến trúc (cùng lớp với nhà văn nữ Trùng Dương). Bỏ của chạy lấy người dạt đến Mỹ năm 1975. Sau mấy chục năm làm việc, nay ông về hưu, suốt ngày ông ăn với chữ, “tửu lạc vong bần” (lại chữ của Ngộ Không) với chữ, suốt đêm ông ngủ với chữ, hễ mở miệng ra là nói chữ, nên con “trâu chậm uống nước đục” Ngọc Tự (mới đến Mỹ chưa được vài năm) vốn vẫn còn phải đánh vật với cơm ăn áo mặc hàng ngày bèn độc mồm độc miệng gọi ông là “lão điên chữ”.

Chỉ vài phút gặp gỡ, cái cởi mở hoạt bát của Ngộ Không đã chinh phục ngay được tôi. Và câu chuyện giữa những người bạn có chút lòng với chữ với nghĩa không thể tránh khỏi không nói đến chữ đến nghĩa. Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tôi đã nhìn thấy trước mặt tôi một con người không phải chỉ gặp một lần rồi quên.

Thế nên, vào mùa hè năm sau, khi trang Web cá nhân T-Van.net trở mình thành sân chơi chung cho nhiều bạn hữu, tôi đã trịnh trọng gởi đến Ngộ Không lời mời tham dự. Với phong cách rất đáng yêu của một người coi trọng nghĩa bằng hữu hơn bất cứ thứ hư danh, hão danh nào, ông mau chóng nhận lời.

***

Từ cái mốc sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, về lãnh vực văn học nghệ thuật ở hải ngoại, chúng ta được biết đến rất nhiều những cây bút mặc dù tuổi không còn trẻ nhưng lại chưa hề được nghe nói đến ở miền Nam hồi trước biến cố lịch sử nói trên. Nói theo nhà văn quá cố Mai Thảo, chúng ta phải gọi những cây bút này là “những người viết mới”. Mới theo nghĩa so sánh với “những người viết cũ”, tức những người ít nhiều đã thành danh trong bối cảnh văn học nghệ thuật miền Nam trước năm 1975. Tuy mới viết, nhưng tuổi đời không còn trẻ, lại đã kinh qua nhiều thăng trầm cùng với đất nước, nên những tác phẩm của “những người viết mới” này mang vóc dáng khác hẳn với tác phẩm của những cây bút trẻ (cả tuổi nghề lẫn tuổi đời) sau này (phần nhiều là ở trong nước). Có thể nói, khó mà so sánh sự “hơn thua” giữa tác phẩm của “những người viết mới” và tác phẩm của “những người viết cũ”. Mặt khác, những tác giả đã thành danh từ trước biến cố lịch sử 1975, sau này, dù đã ra sinh sống ở hải ngoại, phần lớn đều không có những hoạt động viết lách đáng kể, cụ thể là những tác phẩm được phổ biến, nên bộ mặt văn học nghệ thuật Việt Nam hải ngoại có sự hiện diện của nhiều tên tuổi “Mới” hơn là “Cũ”.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, người chưa hề có bất cứ một tác phẩm nào xuất bản (1) nhưng lại sở hữu một gia tài chữ nghĩa đồ sộ hơn rất nhiều nhà văn đã từng thành danh, là một trong “những người viết mới” ấy.

Hơn mười năm nay, kể từ ngày về hưu, “ông già điên chữ” quay qua làm việc “toàn thời gian” (fulltime) với chữ. Ông viết ngày viết đêm, viết không ngày nghỉ, viết không ngày lễ, viết như chưa bao giờ được viết, viết như sợ ngay ngày mai cái chết sẽ đến bắt ông đi.

Hơn mười năm tích lũy, gia tài chữ nghĩa của ông khiến người đọc (tôi – T.Vấn), mới chỉ lướt qua đã muốn ngộp thở.

Chỉ với sơ sơ những gì tôi “thu hoạch” được ở lần gặp gỡ mới đây, lợi dụng lúc chén ông chén tôi chuếnh choáng, tôi đã “dụ” ông bỏ vào thanh nhớ (memory stick) của tôi những bài ưng ý nhất và đã được gọt dũa xong xuôi. Về nhà, mở ra coi, tôi tá hoả tam tinh. Không kể những sưu tầm đầy tính bác học về “Chữ nghĩa làng văn”, về “Tác giả tác phẩm”, chỉ riêng những bài viết (tạm gọi là truyện), nếu in ra trên khổ giấy 11×8, cỡ chữ 12, cũng phải trên ba ngàn trang. Đó là chưa kể những bài vở dành riêng cho trang T.Vấn & Bạn Hữu. Bài cho năm nay, ông đã hoàn tất từ cuối năm ngoái. Mỗi năm ông chỉ gởi bài cho người chủ biên một lần vào dịp cuối năm. Tất nhiên, trong năm, nếu có những nhu cầu, theo đề nghị của người chủ biên, ông vẫn luôn luôn đáp ứng một cách nhiệt tình và… nhanh chóng.

Hèn gì anh bạn Ngọc Tự gọi ông là “lão điên chữ”. Còn người bạn trẻ Lưu Na thì gọi ông là lão Khọm (theo tên một… con khỉ, nhân vật trong Bản lai diện mục ký, mà nhiều phần người đọc nghĩ là chính tác giả Ngộ Không). Khọm theo nghĩa đen là khòm. Ngồi gõ máy hàng ngày từ mười năm nay, lưng ông đã khòm theo sức nặng của những con chữ lúc nào cũng háo hức tuôn ra trên đầu các ngón tay.

Ông còn ngồi như vậy được bao lâu nữa? Thất thập cổ lai hy. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã vượt qua ngưỡng cửa “cổ lai hy” rồi. Thời gian đâu phải là… bạn ông để đùa cợt mãi được.

Ở cái tuổi quá lão này, ông viết để làm gì? Chắc chắn không phải là phương cách mưu sinh. Ông đâu cần phải mưu sinh bằng chữ nghĩa. Vả lại, dù muốn, ông – cũng như hầu hết người viết ở hải ngoại – chẳng thể mưu sinh bằng chữ nghĩa. Hình như cũng không phải lấy cái danh hão “nhà văn”, hay nhà này nhà nọ. Cho đến năm 2011, chính thức, ông chưa từng có tác phẩm nào được in thành sách, được xuất bản bày bán trên các kệ nhà sách hẳn hoi. Có người bảo, chưa có văn, chưa có thơ in thành sách, chưa thể thành nhà văn nhà thơ. Có lẽ vì vậy nên có nhiều người viết cố gắng bằng mọi cách in cho được một tập văn, một tập thơ, rồi hì hục gởi biếu hết ông nhà văn này, bà thi sĩ kia, mãi mà đống sách in ra chưa vơi đi được một nửa, làm chật cả nhà để xe.

Vậy thì động cơ nào thúc đẩy Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cặm cụi từ hơn mười mấy năm nay bên cạnh chiếc máy tính, quên hết tất cả mọi sự trên đời, ngoại trừ tủ rượu lúc nào cũng đầy ắp và lòng nhiệt tình với anh em bằng hữu xa gần?

Thì đây, chúng ta đã có Bản lai diện mục ký, bản “tự thú trước bình minh” của lão điên chữ Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

Trong bản (tạm cho là hoàn chỉnh nhất, vì Ngộ Không chưa bao giờ ngừng hoàn chỉnh những bài đã viết của mình) đã giới thiệu trên T.Vấn & Bạn Hữu hồi tháng 10 năm 2011 có đoạn mở đầu như sau:

“… Tôi bắt đầu chuyện viết lách như cái nghiệp dư vào cái tuổi có hơi trễ nải. Vào cái lúc những người khác đã bẻ bút cáo lão về hưu, thong dong với ngày trời tháng Bụt thì tôi lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc như… mõ sớm chuông chiều. Chẳng phải là nhà văn, không dây dưa với những câu hỏi cùm nụm cùm nựu là viết cho ai? Viết để làm gì?. Thú thực một điều, tôi viết để dối già và tự cảm thấy thích viết vậy thôi. Vậy mà bạn bè vẫn hay nắc nỏm hỏi là chuyện có thật không? Nói cho ngay, tôi lấy cái thật của mình để làm cái giả và lộng giả thành chân là thế. Hoặc như gặp bằng hữu trong lúc tửu lạc vong bần, rồi góp nhặt sỏi đá qua những chuyện họ kể lể, hiểu theo nghĩa chẳng là như thị ngã văn…” (Ngộ Không – Bản lai diện mục ký).

Thế là chúng ta có câu trả lời từ chính cửa miệng ông: […] tôi viết để dối già và tự cảm thấy thích viết vậy thôi.”

Nhưng chữ nghĩa Ngộ Không không đơn giản như cái cách chúng ta thường hiểu. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, ông đã manh nha cho thấy đó chưa hẳn là câu trả lời… đích thật.

Chúng ta đọc tiếp, ngay sau đó là: Vậy mà bạn bè vẫn hay nắc nỏm hỏi là chuyện có thật không? Nói cho ngay, tôi lấy cái thật của mình để làm cái giả và lộng giả thành chân là thế.”

Nếu đọc hết Bản lai diện mục ký (có thể gọi là tự truyện như ông đã xác định đó là truyện có thật), chúng ta sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà ông có bút hiệu Ngộ Không. Và bút hiệu ấy bộc lộ thêm một điều: ông viết không phải chỉ để dối già.

Hãy đọc một đoạn:

“… Một ngày như mọi ngày, đến bữa ăn có chú tiểu đem một phần cơm rau tập tàng bỏ trước cửa cốc, lấy đũa gõ nhẹ lách cách rồi lặng lẽ bỏ đi. Cơm chay đạm bạc nhưng cũng chẳng đến nỗi nào như ăn cá bị chứng hóc xương. Tôi cố gắng nuốt một ngày một bữa như sư, nếu ăn cơm không hết thì để ở cửa. Ở đấy có cả một bầy khỉ, nào ông nội, bà ngoại, chú dì cô bác, họ hàng hang hốc nhà khỉ dành ăn kêu chí choé. Trừ một con khỉ đã già, đã khọm, lần mò tới ngồi bên cửa chăm chú dòm tôi đang đọc sách. Nó là giống khỉ đít đỏ mầu nâu sẫm, chứ không phải là… màu xám u ám của cảnh chùa.

Tả chân về nó cũng dễ thôi: Nó có cái mặt ốc tiêu thu lu trong đám lông lưa thưa, khiến ai cũng thấy thấy đôi mắt tinh anh của nó với cái mũi chun chun rất… khỉ. Cái đuôi ngắn ngủn như cái chổi cùn, lúc nào cũng khoe khuẩy một cách háo động. Nói chung thì với bộ lông thưa thớt, không che giấu nổi lớp da mốc bạc vì mưa nắng cùng cái tuổi… lá vàng với rừng lá thay chưa. Cũng có thể vì vậy, nó lười biếng không dành ăn với đám trẻ, thản nhiên dòm… tôi, rồi từ từ tới sát và đưa tay ra khều tôi làm quen. Quen rồi nó đưa tay khỉ của nó lên tóc tôi, mày mò tìm chấy, rận và bỏ vào miệng nhóp nhép. Bá ngọ nó chứ… Chẳng lẽ có chấy rận thật. Tôi cũng thò tay lên đầu… như nó.

Xế trưa hôm sau, chú tiểu lên cốc nhắn sư bác thỉnh tôi xuống thọ trai và tụng kinh chiều. Tôi dựa theo dốc đá, bám theo các thân cây lò dò xuống. Nó nhảy qua nhăm nhánh cây để dẫn đường, đến một mõm đá, ngồi gãi đầu, gãi cằm, chờ tôi. Khi đến cửa chùa, sư đã chờ sẵn, nó chạy tới nắm tay sư trụ trì lắc lắc ra cái điều xập xoài chào hỏi. Sư gọi nó là… Ngộ Không”. Bản lai diện mục, thấy mặt đặt tên, tôi gọi nó là… Lão khọm.

Tôi hỏi cớ sự gì nó có cái tên nghe ngộ, sư cho biết trước nó ma lắm. Từ ngày thửa được cái tên đầy… thiền tính, nó như… thuần tính hẳn ra, ai nó cũng kết thân, lại thích làm quen với… ngộ nhân” mới đến chùa… như tôi. Ngộ tiếng Bắc kỳ cũ còn có nghĩa là dở người, chẳng giống ai. Thế nên mặt tôi bẹt ra như bánh đa nhúng nước, hay tôi cùng giuộc với giống… khỉ. Sư làm như không hay, vì còn đang bận bịu với tích xưa.

Chuyện Tu Bồ Đề tổ sư hỏi con khỉ dẫn đường cho thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh, lúc ấy còn là hầu vương, rằng: “Ngươi ở đâu mà ra”. Hầu vương thưa: “Nguyên nơi núi Hoa Quả có hòn đá lớn, kết tinh nhật nguyệt lâu ngày, rồi một đêm mưa vang lên tiếng nổ, đá nứt hai và sinh ra tôi”. Nghe nói sư tổ tiếp: “Vậy là thiên địa sinh ra ngươi, thôi để ta đặt tên cho”. Sư tổ gật gù: “Ta đặt cho ngươi họ là Tôn, bỏ bộ khuyển, còn chữ tử, chữ hệ, tức còn trẻ, còn khôn”. Sư tổ chép miệng: “Phật pháp có trí, tuệ, chơn, như, hải, đĩnh, “ngộ”, v.v. Trong 12 chữ đó, tính tới tính lui thì ngươi nằm vào chữ Ngộ, thôi thì ta đặt tên ngươi là… Ngộ Không”.

Chả hiểu ăn mắm ăn muối gì, cái lưỡi tôi đá cái miệng với sư rằng ắt hắn Ngộ Không là… không ngộ chăng. Vừa cãi cày cãi cối xong thì có tiếng chày…”. (Ngộ Không – Bản lai diện mục ký)

Ngộ Không là… Không Ngộ.

Tôi ngờ rằng cái lẽ “không ngộ” cũng có liên quan đến “câu hỏi cùm nụm cùm nựu là viết cho ai? Viết để làm gì?” của ông. Cuối đời, người ta hoặc tìm đến tôn giáo để được an ủi vì sống bao nhiêu năm mà vẫn không hiểu tại sao mình sống chỉ để đợi chết, hoặc tìm đến sách vở chữ nghĩa để tham khảo suy nghĩ của nhân loại tân cổ về ý nghĩa làm người.

Mười mấy năm sống “toàn thời gian” bên bàn máy, nghiền ngẫm đã thiên kinh vạn quyển, bằng con mắt của kẻ đã kinh qua biết bao những thăng trầm vinh nhục của một đời người, vui cũng lắm mà khổ cũng nhiều, thế mà vẫn… không ngộ, nên ông vẫn còn mê mải lặn ngụp trong mớ chữ nghĩa… chết tiệt, thì không gọi là “lão điên chữ “ thì gọi là gì?

Ngộ Không – (Gã) Thiền giả

Chúng ta đã ngờ rằng Ngộ Không, có nghĩa là không ngộ.

Nói đến ngộ, người ta thường liên tưởng đến các hành giả ngồi Thiền. Trong nỗ lực đi tìm cái “bản lai diện mục” đích thực của Ngộ Không, người đã trải suốt hơn mười năm ngồi gõ máy toàn thời gian, tích lũy trong nhà mình mấy ngàn trang sách kết quả từ việc “gõ máy” đó, chúng ta không thể không đọc lại một trong những tác phẩm mang đậm dấu ấn Ngộ Không, người pha trộn tuyệt vời giữa cái thật và giả (đặc biệt là khả năng biến Thật thành Giả của ông), giữa cõi tục ô trược và cõi tiên tao nhã, giữa cái bỗ bã của nhà quê và nét quý phái của sự hiểu biết.

Tôi muốn nhắc đến truyện ngắn Gã Thiền giả, một “truyện ở trong truyện” mà cũng là “truyện không truyện” mà Ngộ Không đã nhấn mạnh trong những lần có dịp bộc bạch về những tác phẩm của mình.

Khi giới thiệu “Gã thiền giả” trên T.Vấn & Bạn Hữu, tôi đã có đôi “Lời bàn của Kim Quỷ Thán” như sau:

Trước khi vào truyện:

Hôm cuối tuần, chén chú chén anh với một người bạn cùng nhau trải qua nhiều trại tù mấy mươi năm về trước, tôi hỏi anh lúc này có còn “thiền” nữa không. Một tràng cười sặc sụa trước khi có câu trả lời bằng giọng Nam rặt: Thiền gì nữa, giờ chỉ còn “ghe” thôi! (Một lối chơi chữ theo giọng phát âm miền Nam. Chữ Thiền và Thuyền phát âm nghe mài mại giống nhau. Còn Ghe cũng là tên chỉ chiếc thuyền, đồng thời cũng là tiếng lóng – như hĩm, đồ… – chỉ cái nơi sâu kín của người đàn bà đã từng chôn vùi bao nhiêu những anh hùng hảo hán trong thiên hạ.)

Câu chuyện được miên man cùng với hơi men trở về những ngày đói khát năm nào. Thuở ấy, để chống đói, nhiều người chọn con đường “vô vi”, tức không làm gì hết, giới hạn tối đa những cử động, kể cả nói, cười, hầu “bảo toàn năng lượng” của cơ thể. Một trong những cách “vô vi” là ngồi “thiền”. Vừa giữ cho cơ thế ít tiêu hao năng lượng, vừa tập trung tâm não vào cái bụng (vốn lúc nào cũng rỗng) hầu tránh cho cái đói thường dẫn dắt tâm não đi thăm viếng những “nhà hàng đầy ụ thức ăn”, một lối ăn hàm thụ chỉ khiến “tình hình” thêm tồi tệ mà thôi.

Hàng đêm, sau giờ điểm danh cuối cùng trong ngày của cai tù, tất cả bọn “cải tạo” chúng tôi bị nhốt vào trong buồng giam, bên ngoài cửa đã khoá lại bằng những cái khoá to tướng.

Đây là lúc các Thiền giả ngồi “thiền”. Giường trên, giường dưới, ai cũng lẳng lặng ngồi xếp bằng tròn, hai tay để trước bụng, mắt nhắm nghiền, chìm hồn vào những cơn mộng về với quê nhà, có bữa cơm chiều nghi ngút khói, có vợ hiền, có con ngoan đang chờ đợi.

Theo ngôn ngữ của Ngộ Không, tác giả truyện ngắn “Gã Thiền Giả” dưới đây, trường hợp “tu thiền” nói trên của anh em chúng tôi thuở ấy có thể gọi là “thiền chướng”.

Giờ đây, no cơm thì… ấm cật nơi xứ người, câu chuyện “thiền năm xưa đã được anh bạn từng “tu thiền” tuyên bố hết rồi, vì lúc này anh chỉ “tu ghe (tức thuyền)” thôi.

Đói tán ăn. No tán địt. Thuở ấy đói, nên lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn. Bây giờ no, cũng có những “vấn nạn” của cái no. Con người mà, chứ có phải “Phật đâu mà có thể vượt lên trên những cái “người” ấy!

Chỉ lạ một điều là ông Ngộ Không viết truyện ngắn “Gã Thiền giả” mà tôi đọc được đúng vào lúc câu chuyện “Thuyền Ghe” năm xưa cũng vừa được gợi nhớ lại.

Ngộ cả ở cái cách ông Ngộ đặt tên tác phẩm của mình. Gã Thiền giả. Thiền Giả là người tu thiền, cần gì chữ Gã đầy mỉa mai đặt ở phía trước?

Hay đây là một công án thiền mà đầu óc “đầy ghe” của tôi không “ngộ” ra được?

Hay ông Ngộ (tức ngộ) muốn chơi chữ “giả thiệt” chăng?

Có lẽ, tôi ngưng ở đây để người đọc có thể bước vào thế giới “thiền chướng” của ông Ngộ K(k)hông Phí Ngọc Hùng, một thế giới mà người mang cái tâm tĩnh vào sẽ bị động, mang cái tâm động vào sẽ động hơn, mang cái tâm không tĩnh không động vào thì cũng giống như người bước đi trên một con đường.

Nhớ năm xưa, tôi từng được khai ngộ đâu đó rằng: Đường tức là đạo…” (T.Vấn ngưng trích)

Như thế thì tôi muốn ám chỉ điều gì, thưa bạn đọc? (Chữ này tôi bắt chước Ngộ Không mỗi khi ông định bộc bạch một điều gì).

Ngộ Không là bậc thầy về lộng Chân thành Giả (xin nhớ cho, không phải lộng Giả thành Chân).

Cái (gã) thiền giả – bạn ông – nhân vật trong truyện này là một vật bung xung để ông bày tỏ sự khó chịu trước những “… Gã suốt ngày với dăm khoẻn chữ lỗ mỗ lơ ngơ, sáo mòn vô nghĩa, từ ngữ ta bà sáo rỗng phù vân, phù thế, hư ảo, hư vô. Cái gì cũng “hư”, cái gì cũng “vô”, cái gì cũng “phù”. Gã như con bò nhai lại những xác chữ bã mủn một cách… cực kỳ khinh khoái...” (Ngộ Không – Gã Thiền giả)

Người ta thiền, là để tìm cho mình một sự giải thoát. Cũng như người ta (ông) viết là để tìm sự giải thoát trong thế giới chữ nghĩa. Thế mà bạn ông cứ nhai lại những xác chữ bã mủn. Nói cách khác, ông đến với chữ nghĩa bằng một ý thức sáng tạo triệt để, cho dù những gì ông tưởng là sáng tạo lại cũng chỉ là những điều mà người đi trước, người cùng thời, nhắc đến… từ khuya rồi. Nhưng sáng tạo (hay công việc đắp chữ vá câu? Cái ông Ngộ Không này đến là rối rắm!) phải là đích ngắm đầu tiên và tuyệt đối cho ông, người ngủ với cái bàn máy (chứ không phải với… vợ). Ông mỉa mai bạn mình với chữ “gã” to tướng trước danh xưng “thiền giả”.

Một lần nữa, tôi lại xin cảnh giác người đọc: Ngộ Không có biệt tài lộng Chân thành Giả.

Trong lúc chúng ta đang thích thú theo dõi những lời ngoa ngắt của tác giả về chuyện “thiền chướng” của anh bạn mình thì bỗng bật ngửa:

“… Tôi giận gã, nhiều khi phát chán, rồi lại không chán, lại chán, rồi lại không chán. Tôi không bao giờ giận lâu cho được. Tôi cạch mặt gã mấy ngày, gã dửng dưng, tôi sợ mất gã như nhện sợ mất bọc trứng. Vì là bạn gã, tôi hiểu lơ mơ thiền gồm có ngôn ngữ bí ẩn, thái độ kỳ quặc của mấy ông thiền sư khi được vấn đạo. Ông chỉ giản dị nói ra những gì ông thấy và cảm nhận lúc đó. Để người hỏi nhức nhối thêm. Và nếu người hỏi không điên cái đầu là… ngộ, là đạt. Gã như thế đó… Tôi như vậy đấy… Dường như như vậy. Vì vậy tôi mới động não động tình có bài viết này, thưa bạn đọc. Và bạn đọc đừng rỗi hơi hỏi… Tôi là ai?”. Vì chuyện đâu hãy còn đó.

Chuyện là như trên vừa kể lể, gã viết báo chùa và lấy bút hiệu là… Ngộ Không. Chẳng qua là gã hủ nho, khủng khỉnh cọ đít nồi nhóp nhép được ba chữ chi, hồ, giả, dã. Nếu bạn đọc hỏi nghĩa gì, gã được thể nhang thơm đèn thắp, cảo mực đề văn, nuốt câu bớt chữ, thêm dấm thêm tương dăm văn tự án, gia sản một mẻ ngôn từ như sau: Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ. Ngoài trời bắt đầu mưa lâm râm, tôi nguôi ngoai vì nghe rõ tiếng mưa rơi. Gã nói có mưa đấy, bộ mày không thấy mưa cũng theo nhau về đây đó sao? Có mưa theo nhau, sao mày không theo tao? Thời buổi này mà không theo thiền thì lỗi thời quá đi! Ấy đấy, gã điên thế đấy! Khỉ! Tôi không để ý lời gã nói. Ngoài kia trời vẫn mưa hiu hắt…(Ngộ Không – Gã Thiền giả).

Té ra “gã”, anh chàng “thiền giả” giả, lại chính là Ngộ Không. Hãy gạch đít: gã viết báo chùa và lấy bút hiệu là… Ngộ Không.

Cái lối tự trào, vừa buồn cười vừa cay đắng này, khẳng định rằng ông viết không phải để… mưu sinh. Viết báo chùa mà lị! Càng khẳng định sự thất bại trong nỗ lực sáng tạo của mình. Sáng tạo gì với khả năng chỉ biết “nuốt câu bớt chữ, thêm dấm thêm tương dăm văn tự án”… (thế chẳng phải là đắp chữ vá câu thì gọi là gì?). Cũng như lối “thiền chướng” chẳng hề đem đến sự giải thoát, việc thất bại trong nỗ lực sáng tạo cũng không phải là kinh nghiệm dễ chịu.

Hơn mười năm ăn ngủ với chữ nghĩa, đây là những khoành khắc thật cay đắng. Giống như người lúc nào cũng hết lòng với tình nhân, bỗng một hôm khám phá ra hắn (chàng, nàng) chẳng mảy may quan tâm gì đến mình. Nhưng hình như tận đáy lòng ông, vẫn nhen nhúm chút hy vọng. Rằng một ngày nào đó rồi thì mình sẽ được đền bù. Thế nên, trong căn nhà nhỏ ở thành phố Houston, cái “lão điên chữ”, “Gã Thiền Giả” vẫn cứ khọm lưng nhả chữ trên những đầu ngón tay (tôi không quả quyết ông gõ máy với cả 10 ngón hay chỉ hai ngón mổ cò như tôi).

Vấn đề bây giờ, một cách nghiêm túc, chúng ta với tư cách người đọc, sẽ phải ngước mặt lên trời, mà hỏi: To be or not to be? Ngộ Không điên hay không điên? Gã thiền “giả” hay thiền “thật”? That is the question.

Thì đây, Ngộ Không trả lời:

“…Giả hay thật. Câu trả lời là có và không. Cũng… có mà cũng… không có. Vật lộn với chữ nghĩa cho lắm tôi nghĩ quẩn về một kiếp lai sinh trong cái vòng lẩn quẩn để chẳng hiểu bản thể của chính mình từ đâu mà có? Và… có hay… không? (Ngộ Không – Gã Thiền giả)

Ở đoạn trên, trong lời giới thiệu truyện “gã Thiền Giả”, tôi có kể lại câu chuyện (có thật, dĩ nhiên!) về đám tù cải tạo chúng tôi “thiền” trong tù. Sau khi ra tù, thì không còn “thiền” nữa, mà chỉ có “ghe” thôi. Mà “Ghe” thì đối đầu mãnh liệt với “Thiền”. Chuyện này chẳng cần nói hụych tọet ra, ai (nếu không đi tu, không phải là Thiền thật) đều biết cả. Một bên thì đòi hỏi bao sức lực vận động, thân xác đổ mồi hôi đầm đìa, trước khi đạt tới cảnh giới “vô ngã” (chẳng còn biết trời trăng mây nước gì nữa, chỉ còn biết hét lên thật to hai chữ “Oh Yeah!” rất phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi!). Một đằng thì cứ nhắm mắt ngồi đó, không cử động chân tay, lâu ngày chầy tháng riết rồi thì cũng đạt được tới cảnh giới “vô ngã”. Thế thì chẳng phù hợp với lời phán của Ngộ Không Cũng… có mà cũng… không cóđó sao?

Nhưng tôi phải thú thực một điều, khi buông tay gõ mấy chữ: “Có lẽ, tôi ngưng ở đây để người đọc có thể bước vào thế giới “thiền chướng” của ông Ngộ K(k)hông Phí Ngọc Hùng, một thế giới mà người mang cái tâm tĩnh vào sẽ bị động, mang cái tâm động vào sẽ động hơn, mang cái tâm không tĩnh không động vào thì cũng giống như người bước đi trên một con đường. Nhớ năm xưa, tôi từng được khai ngộ đâu đó rằng: Đường tức là đạo.là lúc Ngộ Không “nhập” vào tôi, chứ cái kiến thức rất “ghe” của tôi thì làm sao viết nổi những câu chữ siêu phàm vốn rất “thiền” như thế.

Cuối cùng, dù được khai ngộ “Đường tức là đạo, tôi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời tương đối “nghe được” về mục đích mà Ngộ Không Phí Ngọc Hùng trải suốt hơn mười mấy năm nay bên cạnh bàn máy và chồng sách thiên kinh vạn quyển của ông. Có nghĩa là chúng ta lại phải đi lại từ đầu với câu hỏi Ngộ Không “Viết cho ai? Viết để làm gì?” mặc dù chính ông đã quát lên “Tôi viết để dối già chứ có để làm quái gì đâu! Chỉ rách việc!”.

Có lẽ hay nhất, để khỏi làm… rách việc, chúng ta ngưng lại ở đây cuộc truy vấn vô vọng, với niềm an ủi rằng khối người đã từng thất vọng như thế, chứ chẳng phải riêng mình, để dành thì giờ bàn luận đến những khía cạnh khác trong sự nghiệp ăn nằm với chữ nghĩa của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

Ngộ Không – Văn tức Người – Ông già Bắc “cực kỳ”

Các cụ xưa thường nói: Văn tức Người. Có nghĩa là văn chương của một người là tấm gương phản chiếu tính cách của người đó.

Ở trường hợp của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, tôi tin rằng mình cũng có thể dùng câu nói trên của người xưa khi nhận xét về văn chương Ngộ Không.

Có thể nói, trong số những độc giả của Ngộ Không, tôi là người đọc ông nhiều nhất, kỹ nhất.

Với công việc của người phụ trách bài vở cho trang T.Vấn & Bạn Hữu, tất cả những bài của các tác giả, của thân hữu gởi tới, tôi phải đọc, thẩm định và đôi khi phải làm công việc đáng ghét là edit (sửa bài) trước khi cho bài lên mạng. Có khi chỉ là lỗi chính tả, hỏi ngã, có khi phải chỉnh sửa đôi ba dòng về tính chính xác của sự kiện, vấn đề nêu lên trong bài. Thường thì tôi liên lạc với tác giả trước để xin sự chấp thuận, ngoại trừ những lỗi chính tả, lỗi hỏi ngã thông thường.

Trong những thân hữu cộng tác, Ngộ Không đóng góp bài vở nhiều nhất, dài nhất và đa dạng nhất. Mỗi lần đọc bài của Ngộ Không tôi phải để dành ra cả buổi trời.

Vì thế, tự nhận mình đọc Ngộ Không nhiều nhất, kỹ nhất, tưởng không phải là ngoa ngôn.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Ngộ Không là ở khổ người thấp, dáng vẻ cục mịch, rất “nhà quê” của ông. Tôi càng bất ngờ hơn khi biết ông học ở Kiến Trúc ra và làm việc ở Mỹ nhiều năm. Nhưng đôi mắt sáng loáng, sắc như dao của ông khi nhìn tôi khiến tôi vững bụng tin rằng ông… nói thật. Rõ là đôi mắt ấy phải là cửa sổ của một đầu óc trí thức, một tâm hồn nhạy cảm với thế giới bên ngoài.

Sau này, mỗi khi đọc văn Ngộ Không, ý nghĩ của buổi gặp gỡ đầu tiên tại quán cà phê bên đường ở thành phố Houston cứ lởn vởn trong đầu.

Trước hết là ở cái giọng văn. Cái giọng đục thuốc lào lúc nào cũng đầy những câu chữ của ca dao, của tục ngữ, của thơ phú quen thuộc, của lời những bài nhạc mà ai cũng nghe cũng biết. Giọng văn của Ngộ Không không thể lẫn với bất cứ ai. Trước kia, đương thời, và cả sau này. Trước kia, vì không có tác giả nào tôi đọc qua có cái giọng văn này. Đương thời cũng vậy. Cả sau này vì Ngộ Không là Ngộ Không, tôi không tin rằng sẽ có một Ngộ Không thứ hai. Giữa đám đông, tôi tin rằng mình có thể nhận ra được Ngộ Không mà không cần phải chú ý lắm. Về khía cạnh này, “người viết mới” Ngộ Không đã đạt được tiêu chuẩn khá gắt gao của nhà văn quá cố Mai Thảo: Phải thoát ra khỏi hiện tượng đồng phục trong bút pháp. Ý Mai Thảo muốn nhắc nhở người viết trẻ đừng bắt chước lối viết của những người mà mình tôn là thần tượng, nhất là bắt chước những nhà văn đã thành danh. Nhưng Ngộ Không khởi bút khi không còn trẻ nữa. Mà với người già thì gánh đời chồng chất khá nặng trên vai nên họ không còn hơi sức đâu bắt chước người này, lập lại người kia. Vả lại, với họ, đoạn đường trước mặt còn lại… hơi bị ngắn. Tìm lại chính mình còn chưa kịp, nói gì đến theo người này, bắt chước người kia. Ở khía cạnh này, người viết già Ngộ Không là một tiêu biểu.

***

(Từ nhận định này, tôi không thể không nhắc đến một thói quen rất riêng của Ngộ Không. Ở mỗi cuối bài của mình, Ngộ Không đều trích dẫn một loạt tên những tác giả có tác phẩm gây ở ông sự hứng khởi để viết nên bài viết. Mới đầu, tôi tưởng ông trích dẫn họ, nhưng trong bài không có đoạn văn nào chú thích là trích dẫn của ai, kể cả không in nghiêng. Sau đó, qua những trao đổi với ông, tôi được biết cái ý nghĩa của những chú thích cuối bài đó. Ông cho rằng, phàm là người viết, không nhiều thì ít, đều bị những ảnh hưởng hoặc thu nhặt được kiến thức do đã đọc qua một số tác giả nào đó. Đến khi ngồi viết tác phẩm của mình, một cách vô thức, người viết đã tiêu hoá (nhuần nhuyễn hay không nhuần nhuyễn thì còn tùy bản lĩnh người viết) những gì mình đã đọc để tạo thành cái riêng của mình, công việc mà ông thường gọi là “đắp chữ vá câu”. Ông liệt kê tên những tác giả đã có thể góp phần giúp ông hoàn thành bài viết là trong ý nghĩa đó. Cũng không thể không “trích lại” ở đây hai câu thơ mà ông thường trích dẫn của Hoàng Vũ Thuật: Chữ nghĩa của người này/Là cái bóng của người kia).

***

Đọc Ngộ Không, qua bút pháp, người ta không thể không liên tưởng đến ngôn ngữ của một ông già nhà quê, chính xác hơn, ông già nhà quê miền Bắc. Bắc rặt từ câu chữ, cách diễn tả, và nhất là ở những chữ… tục.

Cung cách ấy bàng bạc qua hầu hết các tác phẩm của Ngộ Không, kể cả ở những bài mang một nội dung sưu khảo bác học, trí thức.

Hãy chọn bài “Chửi mất gà” của Ngộ Không làm thí dụ.

Những truyện viết về đề tài chửi mất gà của người nhà quê miền Bắc thì nhiều không kể hết. Bỏ qua một bên nội dung những lời chửi thường giống nhau vì đó là kho tàng văn chương dân gian truyền khẩu mà tự chúng đã mang một giá trị không thể chối cãi.

Nhưng cái cách Ngộ Không dựng truyện để tạo sân khấu cho lời chửi trình diễn, cái cách Ngộ Không dẫn truyện để lời chửi xuất hiện theo lớp lang thứ tự và những đoạn độc thoại của mỗi nhân vật mang trọn vẹn tính cách riêng của văn phong Ngộ Không: nhà quê, bỗ bã, tục tằn, chân thật.

Hãy thử đọc một đoạn tiêu biểu rất Ngộ Không bỗ bã, quê mùa, nhưng vẫn không quên ngân nga ca dao tục ngữ:

“… Số là ông mới ở bên Tây về. Về đến nhà, hôm trước hôm sau ông đảo mắt qua bên hàng giậu thưa và tự hỏi chồng chị là ai, nào ai hay biết. Và ông chả phải đợi lâu vì đợi đến ngày mai, dòm sang kẻ liếp là gặp ngay cái chị hàng xóm vừa mới goá chồng là anh phó rèn mới rõ… hay. Ông được thể lâm râm cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ, rồi ông râm ran cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ. Tiếp, ông búng lưỡi đến “tách” một cái rằng các cụ ta dậy cấm chả sai tí tẹo nào. Thảo nào cái thứ giềng tỏi xóm gừng ấy trông sao mà cứ phễn phễn ra. Tối về, ông vắt tay lên trán nghĩ dại là thắm da đỏ thịt như thế ấy, rằng không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng được mãi đâu. Và ông để cái đầu củ chuối của ông lêu bêu rằng gớm sao mà ngực căng thây lẩy, cứ nổi phễnh lên như cái gáo dừa, thế mới rõ khổ ông.

Ấy vậy mà sáng hôm sau lại bắt gặp chị phó đang vớt bèo bên cầu ao, quần vén lên tận bắp đùi, cặp đùi trắng như ngó cần, trông phát khiếp, cứ rợn cả người lên ấy. Dẫu gì ông cũng từ mẫu quốc về, ông bước tới tính xí xô “bông-dua”… bông hoa cho nó Tây. Nghe tiếng chân ông đi đến. Chị phó quay lại, mặt đang trắng nông nỗng, sau đỏ lựng dần. Mọi ngày lờ đờ như chị vịt chống gậy, vậy mà ngoắt một cái cắm đầu chạy le te về nhà. Ông lững thững đi theo, tưởng chị phó đi đâu hoá ra đang lúi húi chổng mông cho lợn ăn. Buồn tay, và cũng rất Tây, ông phát vào mông đánh đét một cái. Thấy chả nói năng gì, người ngợm hiền hậu thế đấy. Và ông huýt sáo, chống “ba toong” bỏ đi một nước. Quay lại, ông bắt gặp con mắt có đuôi liếc xéo theo ông.

Bây giờ ông chỉ biết cười tủm và…”

Để rồi, chuyện gì phải đến sẽ đến, để sau này sẽ là cái cớ cho bài chửi mất gà đạt đến đỉnh điểm của chua ngoa:

“… Khỉ một nỗi chị ta lại mặc váy. Phiền thật chứ đâu có rỗi hơi nói chơi. Vậy đấy. Vậy là ông đâm ra… ngứa mắt. Từ đằng sau ông tốc váy lên. Ông chả thấy gì ngoài thấy rõ tổ con chuồn chuồn. Khi không bỗng ở góc chuồng lợn có tiếng con cộp cộp đực giục giã “ì oạp, ì oạp” gọi con cộp cộp cái. Thì như đã bảo, đúng là số ruồi. Và ông… “ì oạp, ì oạp” thế chó nào chả biết nữa, mà chị phó nhà ta cứ cắn răng ôm khư khư cái nồi cám. Mồm miệng chả chịu hở môi cho một tiếng. Thì đã bảo người ta lành như đất mà. Nói cho đúng ra, chỉ … ư… ư… thôi. Ấy vậy mà cái nồi cám lăn kềnh ra đất mới… hay chứ lị. Lúc này chị phó mới bật văng ra khỏi miệng câu “Lợn vừa chứ””.

Những đoạn tiêu biểu như vậy không phải mất công tìm đâu xa, cứ giở bất cứ bài viết nào của Ngộ Không là người đọc lại được tắm đẫm trong không khí nông thôn miền Bắc, thứ không khí mà người trẻ Lưu Na bảo là của “những ông già Bắc “cực kỳ” Bắc thuốc lào sang sảng” (Lưu NaChàng Phí).

Lại còn những chữ Bắc Kỳ nhà quê rặt mà ông dùng. Cái thành ngữ “Lợn vừa chứ!” ở trên là một thí dụ thật đắt. Phải là “lợn vừa chứ” mới đầy đủ ý nghĩa phớn phở của nó, chứ nếu thay vào bằng “heo vừa chứ” thì chẳng còn “nước non mẹ” gì. Hoặc như ông dùng nhóm từ “tổ con chuồn chuồn” để tả chân khi nhìn từ phía sau cái váy đã bị tốc lên của chị Phó Rèn goá chồng thì lại càng không kém phần đắc địa. Tôi đã nghĩ đến nhóm từ “tổ con săn sắt” hay “tổ con nhèm nhẹp” nhưng nghĩ lại thấy chúng thiếu cái hóm hỉnh (dù bỗ bã) của “tổ con chuồn chuồn”. Tục nhưng phải hóm, thiếu cái hóm, tục sẽ chỉ là tục (tằn), khó thể bước vào văn chương. Ngộ Không của chúng ta quả là một tay không vừa gì. Chỉ riêng cái khoản về “tục, dâm” trong văn chương Ngộ Không, tôi sẽ phải bàn đến ở một bài khác (nếu có thì giờ).

Thực sự, nhìn ở khía cạnh “nông thôn miền Bắc” trong bút pháp và ngôn ngữ Ngộ Không, tôi không ngừng ngạc nhiên mỗi khi vớ được những bài kiểu “Chửi mất gà”, hay Nhất bạch nhì vàng tam khoang tứ đốm”, hay “Hà Nội một thoáng hương xưa”.

Ngay dòng đầu tiên của “Hà Nội một thoáng hương xưa”, ông viết: “Tôi xa Hà Nội năm chín mười tuổi”. Là “Bắc kỳ chín nút” (1954), cùng với những “con ruồi tái béo”, ông bước chân lên “tàu há mồm bò lổm nhổm” vào Nam. Ở miền Nam sáng dội, để thi đậu vào và theo học đại học kiến trúc, ông phải sinh sống ở Sài Gòn, ở thành thị, chứ không phải miền quê Cái Sắn, Hố Nai nơi người di cư mang theo cả quê hương miền Bắc cùng với mọi phong tục, lề thói, thổ ngơi, ngôn ngữ. Đọc “Sài Gòn đầu đường cuối ngõ”, tác giả của nó, con ma xó Ngộ Không phải là người uống nước máy Sài Gòn trong suốt thời thanh niên trai trẻ chứ không thể là kẻ ở miền xa nhập cư lậu vào thành phố. Kịp đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông nhanh chân bỏ của chạy lấy người ngay trước khi người anh em miền Bắc của ông tiến vào phất cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác-Lê. Từ dạo ấy đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ. Vậy ông có ở đâu được cái cung cách rất “nông thôn miền Bắc” để hà hơi cho cung cách ấy sống hùng sống mạnh trong những trang viết của mình. Cứ theo lời ông kể (dĩ nhiên qua những trang viết rất ít tính hư cấu của ông), ông có đôi ba lần đi “thực địa” ở quê cũ tận ngoài Bắc xa xôi. Chỉ đôi ba lần mà đã hồi sinh được một cách sống động không khí nông thôn miền Bắc thì hẳn ông phải là người nhạy cảm, nhạy bén và có trí nhớ hơn người. Thì chẳng phải đôi mắt nhanh như điện của ông đã tố cáo đó sao?

Tính cách “nông thôn miền Bắc” của Ngộ Không còn thể hiện ở cả những lỗi chính tả mà có lẽ chỉ có tôi – người phụ trách biên tập của T.Vấn & Bạn Hữu – mới có dịp nhìn thấy. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng của chúng ta, người ăn nằm với chữ nghĩa cả ngày lẫn đêm, người có những kiến thức phong phú, đa dạng, lại phạm những lỗi chính tả chỉ bị mắc phải bởi những chàng nông dân Bắc kỳ ít học. Ông hay lầm lẫn, giữa “ch” và “tr”, giữa “x” và “s”. Chẳng hạn “cái trôn” (như trong Hàn Tín luồn trôn) ông viết “cái chôn”. Chẳng hạn “sụp lạy “, ông viết “xụp lạy”. Khi tôi hỏi lại, ông thú nhận cái sai của mình bằng phong cách của một “lão gìa Bắc Kỳ chính hiệu”. Thêm một nét đáng yêu khác ở Ngộ Không.

Cái ông già Bắc “cực kỳ” này trong văn Ngộ Không, theo như ấn tượng ban đầu của tôi vào “một ngày không nắng cũng không mưa”, chỉ có bụi và tiếng ồn ào xe cộ ở một quán bên đường của thành phố Houston dạo nọ, so với con người thật ngoài đời cũng chẳng khác gì mấy.

Văn tức Người. Các cụ ta nói cấm sai bao giờ! (Câu này là tôi mượn tạm từ một bài viết của Ngộ Không mà bây giờ tôi không còn nhớ bài nào. Một thí dụ điển hình của sự tiêu hoá kiến thức sau khi đọc chăng?).

Ngộ Không – Gã biết chữ

clip_image006

Chúng ta đã ngồi ở một quán cóc ven đường, vừa uống cà phê vừa quan sát lão già Bắc kỳ “cực kỳ”, hút “thuốc lào sang sảng” Ngộ Không nói chuyện văn chương bằng cái giọng điệu, ngữ điệu và ngôn ngữ của một miền Bắc chưa xa lắm, còn bàng bạc trong trí nhớ nhiều người. Thì đấy, nhìn cái dáng dấp nhỏ thó, khòm khòm, cục mịch kia của ông, ai không tin rằng quê quán ông phải ở tận cái làng nhỏ bé quanh năm bao bọc bởi lũy tre xanh.

Nhưng đôi mắt loang loáng kia hẳn phải là cửa sổ tâm hồn của một người có chữ nghĩa hẳn hoi, chứ không thể chỉ là bác nông dân tay lấm chân bùn.

Quả là thế!

Trong mớ gia tài ngồn ngộn những chữ là chữ của ông, người ta không cần phải tinh mắt lắm mới nhận ra được tác giả của chúng phải là một người uyên bác, tinh thông Hán học, tinh thông Văn học, tinh thông Sử học, tinh thông Tửu học, tinh thông Thực học (nghệ thuật ăn uống), tinh thông Cổ học, v.v.

Đọc ông, nhiều lúc tôi không hiểu ông tìm tòi ở đâu được những kiến thức về mọi lãnh vực (như đã liệt kê ở trên) một cách hết sức “đã đời” như thế. Đã đành, ông sở hữu một tủ sách thiên kinh vạn quyển. Đã đành, tuy không còn trẻ, làm quen với kỹ thuật máy móc muộn màng, nhưng tài nghề len lỏi trong thế giới ảo chẳng thua kém gì anh thanh niên 20 tuổi. Nhưng cái khả năng nối kết những kiến thức ấy, đặt chúng vào đúng chỗ đúng nơi trong dây chuyền lý luận, biện giải, trong tiến trình “đắp chữ vá câu” mới là điều kinh ngạc.

Và thích thú. Vì trong một thế giới chữ nghĩa càng ngày càng đông đảo người viết (dù số người đọc lại ít đi), tôi chưa thấy ai bàn về những vấn đề của “thượng tầng kiến trúc” bằng ngôn ngữ của “hạ tầng cơ sở”. Nôm na, tôi chỉ mới đọc được ông Ngộ Không dùng thứ văn nói, thứ chữ nghĩa bình dân bỗ bã để bàn luận về những chuyện cao siêu, cao đẳng, cao tầng, chuyện sống chuyện chết của những bậc thức giả.

Đọc những tác phẩm mang nội dung biên khảo của Ngộ Không, tôi không thể không hình dung ra hình ảnh anh nông dân, tay vác cày, tay vung vẩy cái điếu tre dài ngoẵng, miệng gân cổ thuyết giảng về Triết học, Sử học…

Chúng ta thử đọc đoạn mở đầu của “Vạn lý quan san”, một tiểu luận mang tham vọng đặt lại vấn đề tính chính xác của Sử học để xem anh nông dân dùng ngôn ngữ giai cấp mình mà “bàn leo” với các nhà sử học ra làm sao:

“… Bạn lọ mọ ghé nhà chơi, hết tửu lạc vong bần rồi cũng đến bắt qua chuyện văn dĩ tải đạo… Lẵng nhẵng thế nào bạn lại nhè hỏi tôi là trống đồng ở đâu mà có, từ đâu mà ra và bạn muốn… tậu” một cái cho nó oách. Tôi không trả lời ngay, lại khua môi múa mép với quý hồ tinh bất quý hồ đa là cái mai rùa mà tôi nhét trong cái hộp kính treo trên tường. Vì nhất cổ nhì quái ở chỗ trên mai rùa có khắc một bài tứ tuyệt bằng cổ ngữ của người Tàu, thực tình tôi không hiểu bài thơ có ẩn dụ gì, nhưng tôi chắc như đinh đóng cột đó là… cái mai rùa. Bạn chắc mẩm ắt hẳn là chuyện… sờ mui rùa chi đây. Thì cũng đâu đó, nói cho ngay chuyện cái trống đồng, cái mai rùa chỉ là… chuyện thiên địa tù mù. Vạn lý quan san là vậy đấy, vì vậy xin vô phép vô tắc, mạn phép bạn hãy để tôi có dăm hàng về… quá khứ vị lai:

Chuyện là những ngày còn ở bậc trung học, tôi vẫn thường đậm đà với hai bộ môn sử ký và địa dư. Nay đất khách quê người với đường xưa lối cũ, tôi lại ngụp lặn qua những bài viết dông dài với sử thi. Bóng ngả đường chiều, có nhiều người thích quay về một quá khứ nào đó, làng trên xóm dưới, cùng những miếu đền rêu phong ẩm ướt. Riêng tôi thì lẩn thẩn, lang thang trong một cõi u minh của nghìn năm mây bay với Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cùng những năm này tháng nọ. Để có một ngày không nắng cũng chẳng mưa lạc đường vào lịch sử với cái trống đồng Đông Sơn rồi lạng quạng tìm về… cội nguồn của tộc Việt. Thế mới nẫu người, thưa bạn...” (Ngộ Không – Vạn lý quan san).

Hoặc thử đọc một trích đoạn ngắn trong “Nửa vách đèn tàn”, bài viết đặt lại nhiều nghi án văn học, huyền thoại văn học và cả vấn đề đi tìm bản ngã của tác giả mà cái giọng điệu, ngôn ngữ cứ “tưng tửng” như gã nông dân đang say thuốc lào:

“… Và cái bóng ngồi xuống. Nhìn bên cạnh cái đèn hột đỗ là xấp bản thảo, mặt tròn dấu hỏi. Bóng người hiểu ra và làm như gặp nhau từ kiếp trước, xắng xớn vào chuyện:

– Chẳng giấu gì cụ, chả là tôi cứ tức anh ách mỗi khi quan quả đến mấy câu thơ trong bài Tứ thú của nhà thơ Quách Tấn này đây:

Có tiền in sách đẹp

Gặp bạn sẵn thơ hay

Gối tỉnh hồi chuông sớm

Võng đưa giấc ngủ ngày

Nghe câu… gặp bạn sẵn thơ hay, cái bóng lắc đầu quầy quậy:

– Úi dào, tôi chẳng biết làm thơ. Mà ông làm gì mà như rắn ngày vậy.

Đảo mắt qua những con chữ, cái bóng gật gỵa:

– Ông rồ chữ đang túm tó gì đây?

– Thì như cụ đã biết đấy, tôi đang đắp chữ vá câu…

– Chết chửa, ông nói nghe rõ lạ.

– Chả giấu gì cụ, chẻ hoe phơi nắng thì bấy lâu nay trong tủ quần áo có dăm khúc, mươi đoạn chữ nghĩa cứ ngẫng ngẫng cả lên. Nên tôi đang vầy vò thành văn bài bắt chước cụ Tản Đà mang văn lên bán chợ trời đấy thôi, thưa cụ.

Chép miệng cái tách, cái bóng nói đay:

– Hoá ra ông đang làm cái chuyện lai cảo đấy ư. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nhân ông nhúc nhắc đến câu… võng đưa giấc ngủ ngày, nay canh khuya vằng vặc tôi chợt dạ quan hoài đến cụ Hoàng Cầm. Cụ nửa đêm thức giấc nghe bà hàng xóm ư hử câu ca dao váy Đình Bảng buông chùng cửa võng nên mới bật ra bài thơ Lá diêu bông. Vậy chứ “cửa võng” là gì? Xin ông gối tỉnh hồi chuông sớm cho.

– Cụ cứ quá nhời ấy thôi. Thôi thì tôi cũng đành bấm bụng xin thượng đội hạ đạp là “váy cửa võng” từ váy đùm, váy kép mà ra. Số là váy cửa võng phần trước váy chùng xuống những mép cong cong như cái cửa võng. Người mặc váy khéo phải thu xếp làm sao phía trước rủ xuống mu bàn chân, phía sau hơi hếch lên gót bàn chân.

Cứ theo cụ Hoàng Cầm váy Đình Bảng chỉ làng Đình Bảng mới có. Bắt qua “cửa võng” là tên gọi phần cửa nhìn ra sân đình để quan viên xem lễ hội làng. Cửa võng được khắc, chạm cầu kỳ cong cong nên còn được gọi là y môn, thưa cụ… “ (Ngộ Không – Nửa vách đèn tàn).

Đến cái đoạn trích dưới đây về cách thức chuẩn bị và nấu nướng món “hạ cờ tây” thì tôi tin rằng khó có bậc thức giả cao sang quyền quý nào sở hữu được, chứ đừng nói đến việc kể lại một cách sống động, hào hứng và cũng là bằng chứng cho kiến thức “thượng vàng hạ cám” của Ngộ Không:

“…Thầy cháu vẫn thường bảo: chó tháng ba gà tháng by, gà lọt dậu chó sáu bát, những anh chị chó đang tuổi hoa niên, lúc ấy đem ra đụng thịt mới ngon. Con chó thui rơm, da nó vàng ươm, lớp bì mỏng tang, cái đuôi ngắn một mẩu, nhọn hoắt, dựng thẳng đơ, thật là ăn miếng nào rõ ra miếng ấy. Khi thui chó, đã đành thầy cháu phải kén rơm sạch, rơm mới, thầy cháu còn rị mọ nhét vào trong bụng nó một nắm lá ổi cho thơm lòng mát thịt. Mà có nằm trong chăn mới biết chăn có rận, có qua nghề nhà mới biết, miếng nạc cắt ra ở đùi ngon một kiểu, miếng thịt cắt ra ở lưng có nhiều bì, lại ngon một cách khác, miếng nầm, tức phần có nhiều sụn ở ức thì nhất. Cháu cũng chả biết con chó có dây mơ rễ má gì với cây đậu xanh không, mà người ta dùng hạt đậu này để đắp vào vết thương bị chó cắn. Nhưng dồi chó thì nhất định phải làm bằng hạt đậu xanh, rang lên, xiết vỡ, thêm ít búp ổi, lá mơ lông, trộn với tiết. Luộc xong, thầy cháu phải hơ qua lửa cho se mịn lại, chứ không thì rỗng tuềnh tuệch, cắn nó ngậy, ăn nó bùi nghìn nghịt làm sao ấy.

Ấy đấy, cũng như món rựa mận… Mà nhà bác lầu bầu “dựa mận” với “rượu mận” gì đấy, giời ạ, họ gọi trại là “rựa mận” từ nhựa mận màu đỏ tím như trái mận ấy, nói vô phép vô tắc chứ nhà bác ăn thịt chó mòn răng mà chả biết chó gì sất cả. Cũng chẳng giấu gì, chứ lại món này nhiêu khê lắm bác ấy ạ, nấu rất hao thịt và nhiều công, nào là phải bóp thịt kỹ với mắm tôm, mẻ và gừng già. Nhớ là gừng chứ không phải là riềng đâu bác ấy nhá, gừng càng già càng cay là thế đấy. Xong phải đun liu riu đều lửa trong nồi gang, người Bắc mình gọi là ninh ấy mà, cho đến khi các miếng thịt đều sậm màu như màu mận chín, nước quánh lại sánh sành sanh là đúng cữ. Mấy cụ ở đây vẫn kháo nhau, món này kẹp với bánh đa hoặc ăn với bún thì sướng âm sướng ỉ cả ngày, hôm sau mùi vị vẫn còn lai láng, thịt dắt kẽ răng, xỉa răng xỉa lợi vẫn còn thơm phưng phức mùi gừng…” (Ngộ Không – Nhất bạch nhì vàng tam khoanh tứ đốm).

Hoặc đọc thử một trích đoạn trong bài “Phở thiên biên ký sự để thấy cái sự đọc của Ngộ Không bao trùm kim cổ:

“… Muốn có đầu có đũa về phở phải quang gánh trở về với những nhà văn tiền chiến một thời… toả khói trong văn chương cùng cái thú ăn phở. Các cụ đã dùng hết chữ như Thạch Lam với: “Chả có gì ngon hơn bát phở”. Nguyễn Tuân sành phở cùng nỗi nhớ của kẻ xa thổ ngơi, bản quán: “Trong cái nhớ nhà có cả một sự nhớ ăn phở”. Nhà văn Vũ Bằng ví phở bò như: “Một chàng trai mà hào khí bốc lên vùn vụt” còn phở gà như: “Một nàng con gái thanh tân”. Qua Vũ Bằng phở có tình tự trai gái, chuyện rằng: sau xa Hà Nội vài năm, thèm phở, bèn ghé tiệm phở quen mà hai vợ chồng bạn làm chủ, thấy vợ bạn đeo khăn tang, hỏi ra mới biết bạn mình đã ra người thiên cổ. Trong lúc chờ đợi… lửa tắt nồi khô nước, lại quán vắng chiều hôm. Vì là chỗ thân quen, sẵn có máu lãng đãng trong người cùng gái đoạn tang, gà mái ghẹ nên tác giả 40 năm nói láo đã… thở khẽ ra một câu đối rất tình và cũng rất… phở:

Nạc mà chi, mỡ mà chi

Sao cứ ỡm ờ không tái giá

Câu đối này lưu lạc vào trong Nam được biến thái giữa một bà hàng phở cũng là goá phụ và một ông khách đang ở cái tuổi muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu như sau:

Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ “chín” rồi,

đừng nói với em câu “tái giá”

Muối tiêu không đáng ngại, anh còn “gân” chán,

thử nếm cùng anh miếng “gầu” dai…” (Ngộ Không – Phở thiên biên ký sự).

Trên T.Vấn & Bạn Hữu năm 2012 đã đi một loạt bài về rượu (ta) của Ngộ Không. Loạt bài ấy cho thấy một mảng kiến thức khác của Ngộ Không, thứ kiến thức thu nhặt được từ dân gian chứ không phải trong sách vở, kể cả trong thế giới ảo. Chúng ta đọc một đoạn ngắn trong bài Tửu sư”, bài đầu tiên trong bốn bài về rượu của ông:

“… Ve vé mắt một vòng, lão bắt gặp cái chõ rượu đang âm ỉ ngự trên cái đầu rau. Kháp với cái chõ là cái ống tre ngang để vắt rượu, từng giọt âm ỉ chy xuống cái tĩn nằm trên mặt đất phẳng lì. Ấy là rượu Hồng đào ông cất bằng gạo tẻ như rượu trắng cho khách vãng lai. Lão nho giả đăm đăm ngó chừng bốn cái vại sành đậy nút chuối khô bày một hàng trên cái ghế dài. Lão gật gà gật gưỡng với bức tranh Gà với chữ Dậu trong giây lát rồi cười đánh hậc một cái. Ông dòm thấy ngứa cả mắt, ruột gan muốn lộn tùng phèo. Chả hiểu trời đâm thánh đục sao, lão phủi tay, lững thững đi đến cái nồi, quẹt ngón tay một đường như con giun. Lão ngắm bức tranh, đắn đo cả một hồi lâu, như có gì suy nghĩ lung lắm. Rất nheo mắt, đưa ngón tay nhọ nồi lên từ từ, không phải quẹt cái rẹc, mà rất ư cẩn trọng…

Chấm vào chữ Dậu một chấm nhỏ bằng… hạt thóc.

Ông ngớ ra vì chữ “dậu”, thêm cái chấm thành ra chữ “tửu”. Không quay lại, lão nói trống không… vào mấy vại rượu: “Ngon chăng, nhà bác cho một nậm”. Ông khựng lại, ngặt một nỗi, tay cầm vại Xuân Sinh, cái đầu đất sét lại đoán già đoán non, ngữ này người ngợm nhếch nhác, lại ra dáng lừng khừng, ắt hẳn chẳng phải là tửu đồ. Thế nhưng ít nhất lão ấy cũng chiết tự được chữ tửu ở chữ dậu mà ra, hay lão là cố nhân một thời của bố ông. Vậy thì hãy để lão ấy dùng tạm vại Hạ Trưởng còn non tháng, xem tửu lượng của lão tới đâu rồi hẵng tính...” (Ngộ Không – Tửu sư).

Như đã nói đến trong phần “Lão điên chữ”, tôi ngộp thở khi nhìn gia tài chữ nghĩa của Ngộ Không. Giờ đây, ngồi viết về cái kiến thức kinh người của Ngộ Không, cảm giác ngộp thở bỗng dưng quay về. Làm sao mà cái đầu nhỏ thó của ông chứa đựng được ngần ấy thứ trong đó, để mỗi ngày mỗi đêm của mười mấy năm nay, theo với ngón tay ông chúng tuôn ra theo một thứ tự lớp lang của từng nội dung bài viết? Có khi nào ông lẫn lộn cái nọ xọ cái kia, râu bà này cắm tai ông kia, thậm chí cả câu chữ của các tác giả mà ông đã từng đọc, từng nghiền ngẫm không?

Quả đáng sợ. Sợ vì rồi đây sẽ đến lúc cái đầu ấy không ngúc ngắc cựa quậy nữa. Thế là chúng ta mất toi đi những thứ quý báu ở trong đó.

Cũng may, nhân loại còn có chữ viết. Và giấy để in. Và máy móc để lưu trữ.

Ngộ Không – Một chút dối già hay Lời chia tay nói sớm

clip_image008

Tôi đợi đến cuối bài mới nhắc đến quyển sách (giấy) đầu tiên (và duy nhất?) mà ông vừa in xong, với một hàm ý, có quyển sách đó hay không, thì những đóng góp chữ nghĩa của ông cho đời cũng đã được ghi nhận.

Cũng may, chúng ta sống trong thời đại có rất nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật, ảnh hưởng đến mọi lãnh vực sinh hoạt, trong đó có việc xuất bản sách báo. Sách in đang mỗi ngày lui dần, nhường chỗ cho sách điện tử. Tạp chí văn học dưới dạng điện tử, hầu như đã thay thế hoàn toàn tiền thân tội nghiệp của mình. Tạp chí Văn lừng lẫy một thời đã chết. Người thư ký toà soạn cuối cùng (nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng) đã nối bước theo tờ tạp chí đi vào cõi hư vô. Văn Học cũng đã chết. Người thư ký toà soạn cuối cùng (Cao Xuân Huy) cũng đã mãn ba năm tang chế từ lâu lắm rồi. Dù vậy, mười mấy năm nay cái tên Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cũng đã có mặt ở nhiều nơi và đã được trang trọng đón nhận. Và đặc biệt trên trang T.Vấn & Bạn Hữu này.

Quyển sách mà Ngộ Không in xong mấy năm trước, có tên là Một chút dối già. Anh bạn Ngọc Tự góp phần khá lớn trong nỗ lực thuyết phục ông sắp xếp việc này. Sách in với số lượng rất hạn chế. Chỉ gởi tặng bằng hữu xa gần, không bán.

Về hình thức, sách mang cái nét trang nhã cần thiết của một tác phẩm văn học. Bìa do sự hợp tác thân thiết giữa Ông Ngộ Không và Bà Ngộ Không. Bà chụp hình, ông chọn lại và tự làm lay-out. Sách dày hơn 600 trang khổ lớn. Cầm hơi nặng tay. Khá nặng tay cho những ông già bà cả.

Sách gồm hai tuyển tập: Tuyển tập 1: 20 bài. Tuyển tập 2: 20 bài. Vị chi 40 bài với hơn 600 trang. Không Tựa, không Bạt.

Một số bài trong hai tuyển tập này đã được giới thiệu trên T.Vấn & Bạn Hữu. Cách phân chia thành hai tuyển tập trong một quyển chỉ giúp người đọc dễ theo dõi, ngoài ra không thấy gì chủ ý trong việc chọn và phân chia bài.

Về nội dung của 40 bài ấy, tôi dùng một trích đoạn trong bài giới thiệu tập sách Một chút dối già của Ngọc Tự mà chúng ta đã đọc qua:

Về đề tài và các loại câu chuyện trong nội dung thì thật cứ như gặp phải biển chữ, bơi lội có giỏi đến đâu chắc cũng ngộp đừ khi gặp vùng biển thế này. Thôi thì đủ cả, từ chữ nghĩa văn chương thơ phú, văn học sử, danh nhân, sử sách, đồ cổ đồ xưa, rượu chè ăn chơi, trà đàm trà đạo, cà phê cà pháo, triết lý, lý luận tu đạo, thiền môn cửa Phật, kỷ niệm yêu đương mộng mơ, hò hẹn ái tình, bạn hữu, anh em họ hàng… Tôi có ý nghĩ rằng đây cứ như là một khu chợ trời không bằng, theo cái nghĩa là đã bày biện ra thật nhiều thứ và không phải hoàn toàn cao sang quý trọng ghê gớm gì. Tuy vậy rất nhiều thứ món mà lắm khi không thể tìm thấy ở một nơi chỗ nào khác cả thì bỗng bất ngờ thú vị vì lại có ở đây. Như thế mới sướng khoái làm sao.(Ngọc Tự – Có lão vừa dối già).

Nếu Ngộ Không định in hết những tác phẩm của mình, giả sử ngày hôm nay ông hoàn toàn ngưng viết, thì sẽ phải cần đến ít nhất 5 quyển sách nữa có cùng một bề dày mới tạm gọi là xong (2). Nhưng quyển sách in đầu tiên (và cuối cùng?) này lại có cái tên: Một chút dối già.

Kể ra, ở số tuổi “thất thập cổ lai hy” của ông, thì việc dối già cũng chả có gì để gọi là sớm, là “gở”.

Trong “Đôi lời bộc bạch” của phần 1, ông “bộc bạch”:

Một ngày như mọi ngày, tay cà phê, tay thuốc lá, ngồi thuốc cù rũ đằng góc vườn, trong bóng tối đợi nắng lên, nắng lan man leo lên đụn cây, nắng lặng lờ bò xuống thảm cỏ để người viết có thêm một ngày… viết để dối già.

….

Mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, người viết ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút dối già để tìm thời gian đã mất. Cho đến lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, nắng quái chiều hôm chụp xuống cái tuổi lá xanh lá vàng. Người viết nhẹ dần theo mây khói với ngày qua tháng lại, không còn biết mình đang ngồi đây hay là mây đang bay trên trời cao trong những ngày nhạt nắng…

Tôi có cảm tưởng đúng là việc in quyển sách này chính “để dối già”. Chính quyển sách cầm trên tay (nặng trĩu) là “vật” dối già. Có nghĩa là, sau quyển này, sẽ không còn quyển sách dối già nào khác nữa (3).

Một tiếng nói trong tôi bảo “Thế phải rồi, in nữa cũng vậy thôi! Người đọc ngày càng thưa, kẻ bỏ tiền ra để mua sách về đọc lại còn thưa hơn nữa, dù chẳng phải nghèo khó thiếu thốn gì. Nhưng trong miệng cứ đọng một vị đắng. Lẽ ra, sách của ông phải được in từ lâu rồi mới phải. Và chúng phải được nằm trang trọng trên những kệ sách gia đình khắp nơi. Công trình tim óc – dù chỉ của 10 năm – đâu phải để bị lãng quên đau đớn như thế.

Tôi tự nhủ, ít nhất mình có được một phương tiện kỹ thuật trong tay và nhất quyết sẽ không để những công trình tim óc ấy bị mai một, nhưng làm sao gợi cho ông có được cái cảm giác “Mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, người viết ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút dối già để tìm thời gian đã mất.”

Chỗ cũ ấy trong khu vườn nhà ông, tôi đã từng ngồi. Mai sau dù có bao giờ, tôi ghé qua thành phố bụi bặm ấy, tìm trú ẩn trong ngôi vườn cô tịch, có giỏi lắm thì cũng chỉ một tay cầm ly rượu, một tay cầm cái máy đọc (E-Book Reader), giở ra đúng cái đoạn “Một chút dối già để tìm thời gian đã mất”. Nhưng mặt cái máy đọc lúc nào cũng như lúc nào, đâu có cái màu ố vàng để nhắc nhớ đến người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.

Thời gian thì chắc chắn rồi sẽ mất. Có đi tìm cũng chỉ là hoài thiên cổ. Người thì cũng chắc chắn đã (sẽ) đi vào cõi hư không. Nhưng cái còn lại vẫn cứ sẽ còn lại. Dù là còn lại dưới hình thức “những trang giấy úa vàng” hay trong những quyển sách điện tử không bao giờ mang dấu vết thời gian, ngoại trừ con số ngày tháng in trên đó.

Tôi đã dành khá nhiều trang giấy chỉ để nói về Ngộ Không Phí Ngọc Hùng. Chính xác hơn, để đưa ra một cái nhìn – của riêng tôi – về văn chương Ngộ Không.

Có phải là cung cách “mặc áo thụng vái nhau” mà người ta có thể thấy xảy ra đâu đó?

Tôi “say” chữ nghĩa Ngộ Không khi ông còn xa lạ, chưa là gì với tôi. Tôi “choáng” chữ nghĩa Ngộ Không từ vị thế độc giả, đọc văn một người, và tự cảm thấy mình nợ người ấy một đôi lời “phải quấy”. Những ý tưởng nền tảng cho bài viết về Ngộ Không hình thành trong tôi từ ngày tôi thức hẳn một đêm đọc văn “người viết mới” Ngộ Không Phí Ngọc Hùng mấy năm trước. Khi ấy, nghĩa bằng hữu mà cả ông lẫn tôi đều coi trọng hơn mọi thứ hư danh, hão danh vẫn chưa manh nha hình thành. Đó là việc sau này qua những lần gặp gỡ bên ly cà phê đắng, bên chén rượu nồng, bên những trang viết ngồn ngộn những chữ là chữ.

Mấy hôm trước, tôi nhận được lá thư “hốt hoảng” của Ngộ Không. Ông nửa đùa nửa thật trách tôi đã làm ông có cảm tưởng như người bị “tẩu hoả nhập ma”. Đến độ ông không còn quả quyết mình là ai nữa. Mới hôm nào, tôi bảo ông là “lão điên chữ”. Ừ thì cũng được đi, vì quả có là như vậy. Rồi hôm sau, vào trang T.Vấn & Bạn Hữu, thấy mình được gọi là “gã thiền giả”. Giả thiệt thiệt giả cũng chẳng chết ai. Bỗng hôm nay, thấy mình được thêm danh xưng mới: Ông già Bắc “cực kỳ”. Thế “nà” thế “lào”? Ấy là lúc đó Ngộ Không chưa biết sẽ còn danh xưng: Gã biết chữ.

Tôi im lặng. Cứ để cho Ngộ Không “hốt hoảng”. Tôi – với tư cách người đọc – có quyền có cái nhìn riêng của mình về ông – với tư cách người viết – dựa trên những gì ông đã phô bày cho công chúng: chữ nghĩa. Thế nên, chữ nghĩa chỉ đóng vai trò trung gian. Còn người viết vẫn cứ là người viết, Ngộ Không vẫn cứ là Ngộ Không, bất kể người đọc gọi ông bằng bất cứ danh xưng gì. Chiếc áo chẳng thể làm nên ông thầy tu.

“Ngày giời tháng bụt” qua mau như ánh chớp. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã hiên ngang bước qua ngưỡng cửa cổ lai hy. Tôi thì cũng đã đến giai đoạn nghe điều không thuận tai vẫn giữ được tâm lặng lờ không mảy may xao động (lục thập nhi nhĩ thuận). Có thể “Một chút dối già” là dịp duy nhất cho tôi được múa may đôi điều về ông già điên chữ Ngộ Không. Cái ngày mai bất trắc mà chúng tôi trông chờ ấy tuy chưa gần nhưng cũng chẳng mấy xa. Chỉ sợ đến lúc không kịp nói cả lời chia tay. Nói gì đến tình tri ngộ qua chữ nghĩa.

Còn bây giờ, xin được trân trọng “Một chút dối già” cho đời thêm hương sắc. Vì có thể, đó là lời chia tay nói sớm.

Sớm hay muộn, thì cũng có khác gì nhiều đâu. Tốt hơn hết, hãy cứ nói lời chia tay khi mình còn có thể.

Có phải vậy không ông Ngộ Không Phí Ngọc Hùng?

T.Vấn

_______________________________________________

Chú thích

(1) Năm 2010, Ngộ Không chưa xuất bản một tác phẩm nào, dù là sách giấy hay sách điện tử.

(2) Quả đúng là như vậy, sau Một chút dối già tập Bốn, Ngộ Không cũng đang chuẩn bị hoàn tất Một chút dối già tập Năm dành cho “văn khoá” 2020.

(3) Ở đây, xin hiểu “không in tác phẩm nào nữa” theo nghĩa sách in giấy.

Comments are closed.