Ngụ ngôn giữa đời thường: Việt Nam giữa Canada; Ta giữa Tây; dân tộc giữa nhân loại (kỳ 1)

Đỗ Quyên

(Nhân đọc “Cái vú thừa” – tập truyện song ngữ Việt-Anh

của McAmmond Nguyen Thi Tu, Nxb Hội Nhà văn 2018)

Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê.”

Hoài Thanh (1909-1982)

*

“Ngụ ngôn là hình thức văn học khắc nghiệt nhất.”

Salman Rushdie (1947- )

*

“Kẻ thù thực sự của viết văn là nói.”

David Malouf (1934- )

•••

Image result for "Cái Vú Thừa"

DẪN NHẬP

Trong đầu bài có hai điểm cần xác định trước, vì qua đó chúng ta dễ dàng vạch ra đường-thẳng-văn-chương truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu.

Một là từ “ngụ ngôn”. Dù xa dẫu gần, đó là hình thái thi pháp bao trùm nghệ thuật viết văn của tác giả. Ngay từ các dòng mở ở Lời nói đầu[1] cho tập truyện đầu tay của nữ văn sĩ, Giáo sư Larry J. Fisk đã sơ kết: “Những truyện đó, theo đánh giá khiêm nhường của tôi, đáng được coi là những truyện ngụ ngôn – không phải ở một thời điểm hay không gian xa xôi – mà là bài học cổ điển của thế kỉ 21”. Chúng tôi chịu liền! Và cũng xin được cẩn trọng khái quát cho toàn bộ sáng tác của nhà văn kể từ khi chị rời khỏi Việt Nam.

Hai là mối tương hỗ – không hẳn cặp đôi, khá nhằng nhịt – của các từ “ngụ ngôn”, “đời thường”; “Việt Nam”, “Canada”; “ta”, “Tây”; “dân tộc”, “nhân loại”; v.v. và v.v. đã làm nên thể tài cho cây viết người Canada đồng hương gốc Việt này.

Cần một điểm nữa, cùng với hai điểm trên, để từ chúng có thể tạo nên mặt-phẳng-văn-chương McAmmond Nguyen Thi Tu? Có rất nhiều khả năng cho điểm thứ ba, tùy theo mỗi độc giả. Nào, chúng ta cùng đi tìm…

Khảo luận của chúng tôi bao gồm các mục:

Dẫn nhập

I. Văn là đời; Văn là người

II. Lưu xứ là số phận; Giới tính là định mệnh; Bản ngã là văn hóa

III. Viết văn là kể chuyện

IV. Soi vào tiêu chuẩn truyện ngắn

V. Bình điểm một số truyện cụ thể

Tạm kết

I. Văn là đời; Văn là người

Từ hơn thập niên nay, chỉ với hơn 20 truyện ngắn, ký sự, chân dung văn nghệ[2] được công bố trên các báo chí, trang mạng văn học – nghệ thuật chính yếu tiếng Việt và xuất bản trong ba tuyển tập, tác giả McAmmond Nguyen Thi Tu đã không chỉ được đánh giá tốt đẹp từ văn giới, các nhà biên tập [3], mà còn được quan tâm nhiệt tình của dư luận bạn đọc trong và ngoài nước trên một số diễn đàn[4].

Thế nhưng, chưa hề có các tìm hiểu, phê bình thỏa đáng. Âu cũng trong cái xu hướng chung ở văn chương tiếng Việt khắp nơi: sáng tác chưa hẳn “thịnh” nhưng cũng kha khá; phê bình không đến nỗi “suy” song thực sự chưa “thịnh”. Ấy là “tại anh”; còn bởi “tại ả” nữa chứ bộ: Nữ văn sĩ tuy có con đường văn bút rất chi là chuyên nghiệp, thuận lợi, song lại không thích tác phong viết lách chuyên chú, đều đặn, cộng thêm bổn tính chẳng ưa giao lưu văn hữu. Vấn đề là “tại cả đôi bên”: Với số lượng sáng tác không thể nào gọi là nhiều, lại thủy chung theo phong cách trần thuật truyền thống qua các câu chuyện đời thường thì việc khó rơi vào tầm ngắm phê bình trong kỷ nguyên hậu hiện đại là “cũng phải thôi”!?

Nơi trang bìa gập tập truyện Cái vú thừa vừa ra lò cuối năm ngoái đã có tóm tắt xác đáng về tiểu sử văn học của tác giả[5].

Chúng tôi xin bổ sung đôi điều nữa trước khi tìm hiểu kỹ nội dung và nghệ thuật truyện.

Tìm kiếm sơ bộ trên mạng, dễ thấy McAmmond Nguyen Thi Tu đã đứng tên trong không ít danh sách, dẫn chứng ở các bài nghiên cứu, tổng quan[6] có ý nghĩa về văn học Việt hải ngoại, về dòng văn chương di dân, hoặc trong các bài giới thiệu tuyển tập truyện ngắn hay hằng năm của báo Văn Nghệ Và chỉ mới thấy một bài duy nhất – của nhà biên tập Bùi Quang Huy in trên báo Văn Nghệ trong năm 2009 – là mang tính phê bình với đích giới thiệu nhà văn xuôi này.

Riêng ở Canada, đây là nữ tác giả truyện ngắn hiện còn nổi trội trên mảng văn tiếng Việt cùng các nam đồng nghiệp “tên tuổi đầy mình” như Nam Dao, Trang Châu, Song Thao, Hoàng Chính, Hồ Đình Nghiêm…

Nói chung, trong thế hệ nhà văn làm nên văn chương hải ngoại (với cái nhìn định vị xuất xứ địa lý thì gọi là “văn chương vô xứ”[7]), giữa nhóm tác giả nữ ở các đề tài di dân, hội nhập, nữ quyền McAmmond Nguyen Thi Tu – không chỉ trong tư cách đại biểu của đất nước Lá Phong mà hơn cả là ở ý nghĩa của tác phẩm – cần đứng bên cạnh những “liền chị liền em” nức tiếng hơn thập niên qua từ ngoài này lan về dải đất hình chữ S: Trần Mộng Tú và Lê Thị Thấm Vân (Mỹ), Mai Ninh và Thuận (Pháp), Đoàn Minh Phượng và Lê Minh Hà (Đức)…

Nhà truyện ngắn của chúng ta, ơn Bề Trên, cũng có hồng phúc dự phần khiêm cung của mình đặng minh họa rõ rệt các chân lý vĩnh cửu – Văn là đời, Văn học là nhân học… – qua các câu chuyện kể thoạt nghe xong, như dân Việt ta thường nói, không “Nước mắt chảy trong lòng” cũng “Cười ra nước mắt”. Văn chương mà để làm gì, nếu từ đó không nhận chân tấn bi hài kịch nhân sinh? Để trực chỉ chân lý, chẳng gì bằng ngụ ngôn!

Mang vốn liếng cho hành trình chữ nghĩa được học quy củ (tốt nghiệp Đại học Sư phạm) và hành bài bản (biên tập viên tờ tạp chí văn học nghệ thuật của một tỉnh miền trung Việt Nam), McAmmond Nguyen Thi Tu đến Canada như một quốc gia định cư mang nhiều mỹ từ – “Vùng đất hứa”, “Xứ lạnh tình nồng” – trong bối cảnh chung thuận lợi.

Sau 15 năm kể từ 1975, các đối cực chính trị Quốc – Cộng ở hải ngoại đã chẳng thể còn khốc liệt một cách thô sơ, với nền văn học Việt lưu vong lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc được hình thành và sớm đạt tới huy hoàng đại diện qua các báo chí ở Hoa Kỳ, như nhật báo Người Việt, các nguyệt san Làng Văn, Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, Khởi Hành; để rồi trong ba năm đầu thập niên 90 đã khai sinh một phân nhánh mang màu sắc khác hẳn: ngang ngược về quan điểm tư tưởng và khôi ngô về phong cách văn nghệ với nguyệt san Diễn Đàn (Pháp), các tạp chí Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Trăm Con (Canada), chậm hơn nữa là Việt (Úc) vào năm 1998; và để cuối cùng mở màn ngoạn mục thời kỳ báo mạng văn học với diễn đàn Talawas talawas.org vào năm 2001.

Thế là nữ văn sĩ của chúng ta có quê-hương-mới-ngoài-Việt-Nam đúng lúc dòng văn-chương-ngoài-Việt-Nam bắt đầu có những nhánh chảy chung luồng với văn-chương-trong-Việt-Nam.

Tất nhiên, hơn ai hết với những người cầm bút tự do và chân chính, điều quyết định viết về cái gì – “chính chị hay chính em” – không nên là hoàn cảnh ngoại vi mà phải là câu thúc nội tâm. Với McAmmond Nguyen Thi Tu, điều này càng hà khắc! Thích thì viết, thích gì viết nấy, chỉ mình biết mình đã và đang viết gì, v.v. Ở người nữ ấy, khó tìm thấy nỗi niềm xăng xái giao thiệp tá lả, trao gửi bài vở bản thảo tùm lum dễ có nơi các văn sĩ, nam cũng như nữ, như các hành vi gia tăng nghề nghiệp. Hay là bởi dư âm từ một cô bé nhà đạo gốc Bắc di cư thời 1954 có cả chuỗi tuổi thơ nép nơi trường dòng bị áp đảo dưới cái nhìn xuyên xéo qua mũ lúp của các bà sơ?

Cuối cùng, các chi tiết đời tư (cũng đã ít nhiều hiện ra qua bút danh và tiểu sử) dự phần quyết định nguồn tư liệu và vốn sống sát sườn cho nữ sĩ di dân được nhào trộn trong văn hóa Việt-Canada: Hành nghề phiên dịch, dịch giả chuyên nghiệp cho Bộ Di trú và tư vấn pháp lý cho cộng đồng Việt ở tỉnh bang Alberta; Có thân hữu là một nhóm giáo sư, học giả uyên bác người bản xứ/da trắng giảng dạy về ngôn ngữ học, chính trị học, thực hành tâm linh…

II. Lưu xứ là số phận; Giới tính là định mệnh; Bản ngã là văn hóa

Nếu như chính chủ ở câu chuyện hôm nay có cái gọi là “tuyên ngôn văn học” thì đó hẳn sẽ là ba mệnh đề phổ cập nêu trên. Chúng cũng chính là ba đúc kết nghệ thuật từ ba thể tài, khi riêng rẽ lúc đan xen trong những lần nữ nhà văn xuống bút. Trên chiếc kiềng ba chân của mình, “đầu bếp” McAmmond Nguyen Thi Tu đã phục vụ thượng đế độc giả bằng ngọn lửa ngụ ngôn nung nấu các nan đề nhân sinh.

Cho nên nhận ra ngay, dù ngon hoặc chưa ngon tùy khẩu vị, món nào cũng thấm đẫm chất nhân văn. Âu cũng là thách đố, một khi nhà văn muốn chuyên chở các đại tự sự chỉ bằng “những chuyện thường ngày ở huyện”. Khó!

Tuyển tập Cái vú thừa – trong 280 trang khổ vừa 14.5×20.5cm được trình bày thanh thoát cùng hình hai trang bìa giản đơn mà óng ả, đầy đặn (với người nữ mái tóc dài rất Việt có phần ngực nhô ra rõ rệt) – chứa vừa vặn một tá truyện ngắn song ngữ Việt-Anh. Mục lục: Lời nguyện nửa khuya; Đường đến cõi Sa-ma-đi; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Chín mươi giây; Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Chuyến hành trình sau chót[8]; Cuộc đời bắt nạt; Linh hồn tôi đâu; Bóng ma quá khứ[9]; Người tình ký ức.

Đây là tác phẩm xuất bản thứ ba[10] của nhà văn. Ở đó có ba truyện được hoàn thành trong năm qua – Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; và cùng với truyện mới nhất mang tên bt11], chúng đánh dấu bước chuyển đổi lớn trong thi pháp của tác giả: từ phong cách trần thuật hiện thực chân phương sang bút pháp hiện thực phúng dụ, dị ảo.

Thích hoặc không thích, tùy người đối diện; song rõ ràng cuốn truyện đã được đặt tên, phân chia thật đẹp, thật lạ. Và thật nữ tính! Tên sách chính là tên truyện hay nhất, rất lạ và mới – Cái vú thừa. Ắt hẳn sẽ bắt mắt thu tim độc giả ngay từ ấn tượng đầu. Mở (Lời nguyện nửa khuya) và kết (Người tình ký ức) tuyển tập là hai truyện cũng đều thuộc loại hay, lạ và mới. Mang hình thức ngụ ngôn rõ rệt từ cấu trúc truyện cho đến nguyên tắc phúng dụ, phiếm chỉ với hình thức hiện đại, cả ba truyện đã thoát hẳn khỏi lối viết trần thuật quen thuộc đạt tới mức thuần thục của tác giả (xem tiếp Phần V). Đều không có địa danh địa lý, không nhân vật hiện thực, chúng đã gói ghém những truyện còn lại chứa những đoạn đời thường nhật của giống người đầy hỉ nộ ái ố tham sân si trong tình thương Thiên Chúa trên mặt đất gập ghềnh, mà trước nhất là những con dân Việt tha hương nơi xứ người hoàn toàn khác lạ từ thời tiết, địa dư cho đến ngôn ngữ, tập tục… Trong tập sách có hai truyện ngoại lệ: Bóng ma quá khứ là về một câu chuyện xảy ra hoàn toàn trong hình chữ S, không yếu tố nước ngoài; và Cuộc đời bắt nạt có nhân vật và bối cảnh về người Canada nói chung, gần như ẩn yếu tố Việt và rất ít yếu tố di dân.

Trong nghiên cứu này, chúng ta chỉ xem xét phần tiếng Việt của tập truyện. Bởi các lý do: i. Khả năng hạn chế về tiếng Anh ở kẻ thực hiện; ii. Đối tượng đọc của tập sách trước hết là người Việt; iii. Quan trọng: Cảm hứng sáng tác và mục đích nghệ thuật là văn bản Việt ngữ, và bản Anh ngữ chỉ là chuyển ngữ bởi chính tác giả chứ không hẳn là sáng tác “song sinh” – điều rất hiếm ở các tác giả song ngữ (ngay cả ở đại tác gia như Vladimir Nabokov); iv. Cuối cùng là đề nghị: Việc nghiên cứu, phê bình các tác phẩm văn học mang yếu tố song sinh đang trở nên cần thiết khi mà trào lưu toàn cầu hóa văn học Việt lớn mạnh không ngừng. Hiện nay, thi thoảng mới thấy các bài vở phê bình ở mức so sánh văn bản (bản tiếng Tây có đúng, có hay như bản tiếng ta?) chứ chưa tới tầm so sánh văn học. Tức là ít nhất cần dùng quan niệm của ngành văn học so sánh để mổ xẻ các mặt nghệ thuật, ngôn ngữ, văn hóa… của hai văn bản tạm coi là độc lập.

Lưu xứ là số phận

Nói chung, ngay cả khi không là đề tài chính, vấn đề đè nặng người di dân mà giới phê bình gọi là tâm thức lưu xứ thường bao trùm hoặc len lỏi trong mỗi dòng chữ ý văn McAmmond Nguyen Thi Tu, từ cảm hứng sáng tác cho tới đối tượng nghệ thuật, nội dung tác phẩm. Ám ảnh di dân. Mặc cảm di dân… Truyện của nữ văn sĩ thực là một cẩm nang về các loại bi kịch, xung đột gia đình, xã hội cuộc sống người Việt ở Canada và Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung: di cư, thủ tục định cư, ly hôn, lừa tình gạt tiền, tự sát, giết người, điên khùng, vỡ mộng, cô đơn, bất lực, thất vọng, tự ti, căm hận quê hương gốc gác… Bla bla bla… Hầu như không một nhân vật chính nào được sinh ra từ đấy có nổi cái kết có hậu. Ố là la!

Đề tài di dân, trong tuyển tập đang bàn được thể hiện rõ ở các truyện: Chuyến hành trình sau chót; Không ai yêu thương tôi; Đêm hoang mạc; Linh hồn tôi đâu. Nhìn lại cả ba tập truyện, có thể khẳng định McAmmond Nguyen Thi Tu là một trong các nghệ sĩ chân dung đáng tin cậy của người di dân trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với các truyện hay, chúng như tranh nghệ thuật; nhiều cái đạt lại giống ảnh chân dung; còn đôi ba cái chưa đạt thì là tranh truyền thần. Tất cả đều là hình ảnh sống động, sát thực về người di dân được dựng bởi người di dân. Soi rọi mặt trái. Nhất biên đảo. Nó vẫn đẹp. Cũng vì thế nó chủ quan. Nghệ thuật không phải là đạo đức. Chỉ cần hay! Song le, chính tác giả hẳn cũng tự thấy việc “chiên ròn” miếng mảng đề tài và cốt truyện hoàn toàn nghiêng về mặt tiêu cực[12] của đời di dân rất dễ tạo hai ấn tượng khó xóa nơi độc giả, dù ở các vụ việc đáng “chiên ròn”: Một, mân mê hoài nét xấu người Việt; hai, bảo thủ mãi trong một lỗ châu mai soi chiếu dân Việt hoặc kẻ di dân. Tự thân các motif[13] đã ước lệ ở tính lặp đi lặp lại, cần người nghệ sĩ cao tay hơn chuyện đời để biến hóa trò đời thành biểu trưng trên sân khấu nghệ thuật.

Khác rất nhiều tay viết Việt vốn là ngưởi di tản, tỵ nạn hoặc di dân, đoàn tụ, du học… ở McAmmond Nguyen Thi Tu không có con-người-thời-cuộc. Con-người-chính-trị tuyệt không. Nhân vật của chị không trực tiếp làm ra lịch sử, nên lịch sử cũng ứ buồn biết đến họ! A, trừ duy nhất một nhân vật phụ – “Ngài” làm chủ một “vương quốc” hư ảo (trong Lời nguyện nửa khuya) còn thì tất cả những nhân vật chính và phụ trong chừng 20 truyện ngắn đều không là VIP. Họ chỉ là “thằng Daniel – Phúc” vì đồng tính nên cô độc (Không ai yêu thương tôi), là con bé 12 tuổi Trần Thị Mỹ Dung ngổ ngáo và xấu số (Mùi thiên đàng), là bà bán đĩa CD xông xáo và thèm chồng ngoại (Bữa tiệc gà tây), là con mèo đực bị thiến với bao trăn trở để về với tự do và tự chủ (Đường đến cõi Sa-ma-đi), là cái kẻ “Tôi” mạt vận suốt đời vô danh tính, “Đơn Độc Và Buồn Bã”, cuối cùng nhận chân mình chỉ là Cái Vú Thừa của giống người (Cái vú thừa), v.v. Oách nhất là tới “vị giáo sư tiến sĩ” người bản xứ Canada về hưu ngơ ngơ giữa dòng đời lộn xộn cùng suối tình vô thường trên đất Việt (Bữa tiệc gà tây). Không chỉ là những cá thể thường dân. Họ, không gương mặt, không cá tính, không danh phận. Những gì mang trên mình họ đều thuộc về người Việt, ảnh hưởng từ người Việt. Tên chung của họ, giống như mọi sắc tộc khác cùng đến vùng đất mới, là Người di dân – những lớp người chỉ mong tìm một nơi có cuộc sống tốt hơn chốn cũ, quê cha đất mẹ của họ.

Khác ở Hồ Đình Nghiêm, Khánh Trường – nhân vật nào cũng mang một cái sẹo của chiến tranh, của vượt biên. Khác nơi Thuận, Lê Minh Hà – ám ảnh nào mà không từ đói nghèo thời Bao cấp, từ hãi hùng sơ tán chạy bom B52. Trong tim dưới tay McAmmond Nguyen Thi Tu, đặc tính người Việt chính là trích ngang từ phần phản cảm của “4000 năm văn hiến”!

Dễ thấy, tuyệt nhiên không có thời cuộc, chính trị ẩn hiện dưới cây viết của tác giả. Để rồi mãi tới truyện vừa được công bố đầu năm nay, mang tên rất bí hiểm và ẩn dụ “bt” (x. Ct 11), bạn đọc mới biết tới sáng tác đầu tiên chứa chất thời cuộc, con đẻ từ thời cuộc trên đường văn gần 30 năm sau khi chị làm người di dân. Chúng tôi sẽ bình riêng cho btPhần V. Mà không thể chậm nói: Thiển ý, đấy không chỉ là truyện ngắn hay nhất của McAmmond Nguyen Thi Tu mà còn là văn phẩm đau đời (con dân Nam) thương phận (người nữ Việt) nhất từ một nữ tác giả có thể sản sinh ra. Nước mắt sẽ không còn biết chảy về đâu sau chữ cuối cùng của truyện! Rất mới rất lạ ở thi pháp văn xuôi, bt rồi sẽ xứng danh đi vào các tuyển truyện giá trị trong dòng văn học hậu chiến Việt Nam và thế giới. Là bởi, cho dù nhận chân được nó như một sản phẩm văn chương hư cấu trực tiếp, hệ quả của Biến cố 30 Tháng 4 thì bản ngã Việt trong cây bút lưu xứ McAmmond Nguyen Thi Tu vẫn vượt thắng nạn nhân Nguyễn Thị Tư thoát thai từ cái Việt Nam của chiến tranh, của ý thức hệ – điều đã từng đạt được ngoạn mục qua dòng “văn học vết thương” với các tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh (về nghệ thuật hiện thực), Lê Lựu và Nguyễn Duy (về Việt tính), và nhất là Lê Minh Khuê và Dương Hướng (về nạn nhân nữ giới).

Nhìn nhận nó như “lối viết trung tính hóa” cũng không sai, nhưng đó là việc của giới nghiên cứu, lý luận. Không của tác giả này.

Thêm một so sánh thú vị: Cùng là đồng hương Canada gốc Việt với bổn đạo đây, ở hai tỉnh bang khác nhau Ontario và Alberta (tui lại ở tuốt British Columbia lận!), có hai văn sĩ kiêm dịch giả, độ tuổi chênh nhau một trang lứa, kẻ nam người nữ, cùng dân Bắc di cư (tuy khác hẳn xuất xứ văn học); điều đáng kể ở nhị vị là cùng chuyên tâm viết chuyện di dân. Lý do hiển hiện, cặp đôi trai tài gái sắc cùng chia sẻ một nghề nghiệp: thông dịch viên chuyên nghiệp của Tòa án và Bộ Di trú. Bạn đoán ra rồi: Thiện nam ấy, Hoàng Chính; tín nữ đây, chính chủ ở bài viết này. Đọc hết tâm sự của nam văn sĩ – kẻ có các “chuỗi ngày ngồi chờ miệt mài ở hành lang những tòa án rải rác khắp tỉnh bang Ontario. […] Thấy lại những người Việt hiền lương với những người Việt không mấy hiền lương”[14], thế nào cũng có độc giả nam vỗ đùi cái đét mà la: Ông nhà dzăng nầy hổng dziết về người di dân thì còn mần chi hơn thế!

Giới tính là định mệnh

Đề tài phụ nữ, nữ quyền… trong tập Cái vú thừa đập vào mắt dính tới tim độc giả ngay từ tên sách, rồi lần lượt qua các truyện Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Chín mươi giây; Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Chuyến hành trình sau chót; Linh hồn tôi đâu; Người tình ký ức. Các truyện trước đó cùng thể tài từng được dư luận ngưỡng mộ là Lông ngỗng trắng[15]; Trên nền tuyết trắng xóa[16]; Mùi thiên đàng.

Chúng tôi chẳng thể nghĩ nữ tác giả gốc Việt của chúng ta nghiêm nhặt tuân lệnh “chủ soái” đồng hương Canada Margaret Atwood trong các chuyện giới tính và bản sắc quốc gia, huyền thoại và tôn giáo, thậm chí quyền động vật. Còn điểm này thì dám lắm… Mọi người đều biết, Atwood dẫu được giới phê bình văn học nữ quyền thế giới đã và đang tôn vinh cao vời, song không phải lúc nào “lão nữ tướng” cũng sẵn lòng áp đặt ý đồ nữ quyền vào ngót trăm tác phẩm đủ thể loại của mình. Hãy dùng tự đánh giá của bà về chính cuốn tiểu thuyết đầu tay Người phụ nữ ăn được – “Tôi không coi đó là nữ quyền; tôi chỉ coi đó là chủ nghĩa hiện thực xã hội”[17] – làm nền cho những gì chúng ta đang bàn thảo.

Bằng cảm hứng và thái độ nữ giới, McAmmond Nguyen Thi Tu đã chọn bất kỳ đối tượng nào để thực thi ý đồ viết văn. Chưa tính ở hai tập trước, chỉ trong tám truyện nêu trên của Cái vú thừa, có tới sáu truyện với nhân vật chính là người nam và mèo cũng… nam luôn! Trên sáu “cái thớt” nữ văn sĩ mổ xẻ thật điệu nghệ hàng tá “con cá” của mình. Khác nhiều người viết cùng giới, chị giang thẳng tay, mạnh và sắc vào những mặt trái, thói tật ở đồng hương nữ, bình đẳng trong tư thế một con người với các đồng hương nam – những kẻ đương nhiên phải bị xử lý đích đáng khi cần. Của đáng tội, ở những chi tiết, hoàn cảnh trong đôi ba truyện chưa thật thành công, cái sự “giận cá chép thớt” cũng được thực thi. Cho qua…

Với đề tài này, nhà văn cũng vẫn chọn các thân phận bé mọn, tầm thường không ham đại sự. Cái ham duy nhất ở họ là hạnh phúc cá nhân rồi hạnh phúc gia đình; tức là tiền, là tình, là danh phận bình thường, là sự sống còn trong phận đàn bà con gái. Dưới cây bút Việt ấy họ quả là “trở thành phụ nữ” như định nghĩa bất tử của Simone de Beauvoir. Dưới cây bút nữ ấy, tất cả họ, dù trăm phần trăm bạc phận nhưng cũng ngàn phần ngàn “tội nghiệp đáng thương. Mình chẳng thấy ai là đáng ghét cả” – như lời bình từ một bạn học cũ của tác giả.

Ở nhiều sáng tác, người viết nữ McAmmond Nguyen Thi Tu đã minh họa điều các nhà lý luận từng đúc kết, rằng trong nữ quyền luận cuối cùng thì mệnh đề “sinh học là định mệnh” được thay bằng mệnh đề “giới tính là định mệnh”.

Sẽ bàn riêng (xem Phần V) cho truyện Cái vú thừa, xin mạnh dạn khẳng định luôn: Riêng về khái niệm rất quan trọng trong nữ quyền là ý thức giới[18], McAmmond Nguyen Thi Tu, có lẽ là nhà văn đầu tiên, đã tái sáng tạo một tri thức biện biệt về sinh học giữa đàn ông và đàn bà, trái ngược với nguồn gốc xương sườn trong thủy tổ loài người: Adam chỉ là từ một cái-vú-thừa của Eva mà Chúa Trời xẻo ra. Như thế, Thượng đế của nữ văn sĩ này đã coi phụ nữ không phải là “thuộc hạ” đàn ông, mà ngược lại – “nguồn gốc” đàn ông! Chúng tôi tự thấy đã không quá lời khi dùng các từ “nhà văn đầu tiên”/”tái sáng tạo”. Đành rằng, qua trao đổi được tác giả cho biết ý tưởng “cái vú thứ ba” là vốn của dân gian, trong các chuyện hài hước tiếng Anh sau cao trào giải phóng phụ nữ hồi giữa thế kỷ trước; khi đó cánh đờn bà quá khích thường thích “làm nhục” phe đờn ông, ví họ như cái vú thừa – đồ vô dụng trong cuộc đời người nữ.

Chưa hết, còn cần phải xem bộ đôi truyện Cái vú thừa bt là một thể hiện (có thể vô tình với chính tác giả) vừa mạnh mẽ và hiển lộ, vừa mềm mại và căn nguyên cho vấn đề từng gây sóng gió văn đàn Pháp – Mỹ nửa thế kỷ trước của nhị vị thủ lĩnh nữ quyền Cixous và Gilbert[19]. Rằng người nữ phải viết “văn chương nữ”/”l’écriture feminine”; rằng văn hóa Tây phương vốn đậm màu nam quyền; và rằng sự viết văn xưa nay – thông qua biểu tượng cây bút (pen) – mang nguồn gốc đàn ông từ việc có dương vật (penis). Câu hỏi lớn mà hai nhà tư tưởng và thực hành nữ quyền nêu ra: Cánh phụ nữ phe ta tạo ra văn bản bằng cái gì? Bằng cặp vú (Cái vú thừa), và bằng âm hộ (bt)! Đó, lời đáp muộn màng mà quyến rũ vô vàn từ một nữ văn sĩ người Canada gốc Việt đang hưởng ứng cùng hàng trăm ngàn con cháu Eva suốt nửa thế kỷ qua.

Bản ngã là văn hóa

Chủ thể nghệ thuật ở dòng truyện này là con-người-văn-hóa, xuống cấp nữa là con-người-tâm-linh. Dẫn tới xung đột truyện, xét cho cùng, cũng là xung đột văn hóa; chứ không là xung đột tâm lý/cá tính với phần lớn tay bút truyện ngắn khác. Trong khi người đọc tiếp nhận văn học như sản phẩm hư cấu về thế giới người cụ thể, thì đấy lại là con dao hai lưỡi (xem tiếp Phần III).

Đề tài bản ngã/cái Tôi của con người trong tập Cái vú thừa nằm ở các truyện Lời nguyện nửa khuya; Đường đến cõi Sa-ma-đi; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Chín mươi giây[20]; Cuộc đời bắt nạt; Người tình ký ức. Trước và sau đó là hai thiên truyện độc đáo chan chứa thân phận loài vật, loài người theo hai lối viết khác hẳn nhau: Kiếp chó, bt. Nước mắt rồi cũng chẳng còn biết chảy về đâu?!

Mang hành trang như một nền văn hóa, phong tục mà bản ngã cá nhân ngàn năm bị đánh đồng vào bản ngã cộng đồng – dân tộc, các nhân vật từ McAmmond Nguyen Thi Tu chất đầy mình Việt tính, đủ cả hay (chính diện) lẫn dở (phản diện). Do thiếu cái Tôi cá nhân, họ vô thức hoặc ý thức khi sử dụng cái Tôi dân tộc để “chiến đấu”, để sống còn khi bị/được bứng cái rụp tới một xứ sở mới hình thành vài trăm năm từ dòng văn hóa Tây Âu vượt biển song vẫn giữ cái Tôi làm nền tảng trong sự pha trộn (cũng lắm khi nháo nhào!) với hàng chục nền văn hóa chính khác của gần trăm sắc dân. Và nhà văn đã cố công cô nén các Việt tính tốt xuống thành bệ để phóng lên những Việt tính xấu trong không gian nghệ thuật và thời gian văn chương của mình. Dù muốn dù không, các trang viết như thế được hân hưởng (hoặc ngược lại bị khống chế) bởi tính tải đạo – “bài học cổ điển” (L. Fisk; bđd, x. Ct 1) – ngay từ trong máu, ở những đoạn mở đầu, nhất là ở câu ý kết thúc. Và thể thức ngụ ngôn trở nên đắc dụng mà “khắc nghiệt” (như S. Rushdie đã cảnh giới).

Rất dễ làm phép so sánh: từ bộ truyện ngắn này rút ra nhiều nhân vật, mẩu chuyện, tình tiết để minh họa khá tương xứng cho loạt chuyên đề từng làm nóng báo chí Việt Nam nhiều chục năm qua, kiểu như “Các thói xấu tật hư của người Việt” được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa như Nguyễn Gia Kiểng, Vương Trí Nhàn, Lê Thị Huệ… tìm hiểu, trong khi theo bước các tiền nhân khả kính từ đầu thế kỷ trước như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… Nhà văn nữ của các bạn hiếm khi bỏ qua những cái liếc xéo mỗi lúc các nhân vật Việt, nam cũng như nữ, sinh sự. [Cho chết! Ai bảo không tu thân tích đức làm người công dân Ca Na Điên gốc (tre) Việt ngon lành đi, cho lũ văn sĩ chúng tui hết việc!] Của đáng tội, những nhân vật ở các sắc dân khác, da trắng cùng nhôm nhôm, cũng bị xơi lườm nhéo từ tác giả, nhưng có thể bạn sẽ không nhận ra đâu. Là do bị lái chuyển, đưa đẩy theo giọng văn thoang thoảng u hài với ngữ điệu ôn hòa, chừng mực được đến từ một cái tâm lành. Những khi đó bạn không thấy nhột: Mình đâu còn là đồng hương An Nam da vàng với kẻ phản diện?

Chúng tôi dùng lại cách đánh giá như với tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ về người di dân thợ khách ở Đức21]: Theo cái nhìn văn hóa, bộ truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu là một sáng tác văn nghệ vô tình chứa nhiều thông tin xã hội học về bản sắc dân tộc Việt. Thiển nghĩ, mức độ thể hiện nhân tính Việt, bản chất Việt có thể được xem là một biến số ảnh hưởng lớn tới sự thành bại ở các sáng tác văn xuôi Việt hải ngoại. Tuy nhiên, từ một chứng chỉ văn học trong xã hội người Việt đến giấy thông hành văn chương Việt ra quốc tế không phải là một bước tới trời.

Tương quan giữa cọ sát văn hóa và hoàn thiện bản ngã cá nhân trong bản ngã dân tộc đã khiến nữ văn sĩ đẩy tiếp chữ nghĩa ra ngoài thể loại truyện ngắn; mà tới nay mới cho ra hai sáng tác “đẻ khó” (cách nhau tám năm!) cũng đã có thể tạo hai hướng đi nhiều hấp dẫn.

Đó là bài ký Bí ẩn Ấn Độ[22], mười năm trước từng tạo nên chuỗi thảo luận sôi nổi và giá trị trên Da Màu – diễn đàn văn học có uy tín hàng đầu hải ngoại.

Và tùy bút chân dung văn nghệ sĩ Con cua ngoài miệng giỏ23], về danh họa huyền thoại tài mệnh tương đố Frida Kahlo. Bàn nhanh về của quý: Một sáng tác thể hiện nhãn lực thâm hậu và bình đẳng của tác giả khi nhìn các siêu nhân vật ở nền văn hóa khác; Chất liệu bài viết = 1/3 hiện thực + 1/3 văn học + 1/3 lịch sử; Giọng văn = 1/3 báo chí + 1/3 hài hước + 1/3 lãng mạn; Nữ viết về nữ thì… chạy đâu cho thoát; Độ ngụ ngôn tiết ra qua chuyện cổ tích Mexico, được chọn làm nhan đề đã làm lộ rõ suy tưởng từ một nữ văn sĩ Việt Nam đánh giá nữ danh họa Mexico; Thể loại tùy bút chân dung văn học dân Tây rất ham, mà phe ta ít chuộng và thường các tác giả ta sắm hai vai cực đoan: hoặc là sếp hoặc là osin cho nhân vật.

Gọi “đẩy tiếp” là nói ngược; đúng ra, nhà văn đã trở về nghề cũ trước khi làm người lưu xứ: nhà báo chuyên nghiệp.

Triết lý đạo đức căn bản của McAmmond Nguyen Thi Tu là tinh thần Thiên Chúa giáo thấm đượm nơi nhiều trang viết. Khi hiển lộ dày, đậm qua từng câu chữ trích, kể Kinh thánh, lúc bàng bạc trong không khí truyện; điểm thành công là người đọc không thấy nặng nề (không bị Chúa… vẫy dụ!) trong các bài học đạo đức rõ như ban ngày. Nhờ ý đồ văn học vô thần sâu xa của tác giả. Nhờ rải rưới tinh thần Kitô trong văn hóa tư tưởng Việt, nơi gặp gỡ ngàn đời của tam giáo Nho-Khổng-Đạo đồng nguyên. Và, nhờ giọng điệu với “một chút trào phúng đáng yêu lấp lánh chỗ này hay chỗ khác trong những chuyện bịa hạng nhất đó.” (L. Fisk, nt).

Đến với tập sách song ngữ Cái vú thừa, bạn sẽ được/bị nhắc gọi “Chúa/God” bằng hai thứ tiếng Việt-Anh mỗi thứ tiếng 51 lần, bằng nhau. Với bạn nào xài giỏi cả hai ngôn ngữ thì vị chi là 102 lần bên Người. Trong đó được/phải tám lần “lạy Chúa/My God” trong mỗi ngôn ngữ. Ấy là theo thống kê riêng của chúng tôi…

Hầu hết các truyện ở đề tài tâm linh, tôn giáo là với tinh thần Công giáo, còn lại về Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và Yoga: Lời nguyện nửa khuya (Yoga); Đường đến cõi Sa-ma-đi (Phật giáo); Không ai yêu thương tôi (Tin lành); Cái vú thừa (Thiên Chúa giáo); Cuộc đời bắt nạt (Thiên Chúa giáo); Linh hồn tôi đâu (Hồi giáo, Kitô); Người tình ký ức (Thiên Chúa giáo).

Tác giả có hai truyện (cũng ở hai trường phái sáng tác) rất xứng trong một tuyển tập truyện ngắn nào đó về thể tài tôn giáo. Thiên truyện ngắn Cái vú thừa, như đã nhắc qua, hiển nhiên là con đẻ của Chúa Trời – một đứa con khôi ngô và ngỗ ngược hiếm có trong văn học nói chung, không chỉ văn học Việt Nam, mà chúng tôi được đọc (x. Phần V). Linh hồn tôi đâu từng tạo chuỗi thảo luận lý thú cùng trên diễn đàn Da Màu[24].

Như một đề tài “ăn theo” (kinh tế học gọi là side business/kinh doanh phụ), nữ văn sĩ còn là cây bút có nhiều truyện độc lập hoặc các trang truyện cũng mới lạ và lôi cuốn về súc vật, thú… Đó là Kiếp chó (chó, mèo); Đường đến cõi Sa-ma-đi (mèo)[25]; Chuyến hành trình sau chót (sói); Bóng ma quá khứ (chó)… Cũng phải thôi, khi nhà văn dùng ngụ ngôn như là máu nuôi cơ thể văn chương nhân tính của mình. Giữa các tác giả Việt trong và ngoài nước hiện nay, đâu thấy nhiều vị chịu khó cưng quý “bạn của loài người” như McAmmond Nguyen Thi Tu?

Trước khi sang các phần tiếp theo, chúng ta nén phần chính yếu của khảo luận vào nhận định sau:

Trên lối viết mới của mình, tác giả đang như theo hẳn khuynh hướng phúng dụ, ảo dị trong hơn một năm ở năm sáng tác Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; bt, Hôm nay có phải. Chúng là những thiên truyện, với cái nhìn cẩn trọng chúng tôi thấy cần được coi là đặc sắc ở sự độc đáo và tính hấp dẫn giữa dòng văn xuôi đương đại không chỉ của độc giả Việt, xét cả ba mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa thể loại và giá trị nghệ thuật mà riêng mặt thứ ba còn có thể chút gợn về kỹ thuật văn chương hóa các văn liệu, tri thức…

Năm “truyện ngắn trong lòng bàn tay” – như mong ước của bậc thầy văn xuôi người Nhật Yasunari Kawabata. Chứa cả nhân gian.


[1] Trang 5, bản dịch tiếng Việt của Dương Minh Thành; Trên nền tuyết trắng xóa/ On the pure white snow, tập truyện ngắn song ngữ Việt-Anh, Nxb Hội Nhà văn & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây – Hà Nội 2009; lrc.ctu.edu.vn 14/6/2013.

Bài giới thiệu của Bùi Quang Huy (xem Chú thích 3) cũng từng nhấn mạnh ý này.

[2] Các truyện đó đang có trên damau.org, trangngaunhien.wordpress.com, baovannghe.com.vn, diendan.org, tienve.org… Bài này được hoàn thành ít lâu thì có thêm truyện mới nhất là Hôm nay có phải (damau.org 30/7/2019) được viết theo phong cách mới của tác giả.

[3] Bùi Quang Huy: “Thật ra, cây bút ấy không hoàn toàn mới. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 11 năm 1985, tác giả đó đã có truyện ngắn Người con gái xóm đạo An Trung và sau đó, lần lượt xuất hiện nhiều truyện ngắn khác trên cả tờ Văn Nghệ (như Chị Kim, Những năm tháng để sống, Nói rõ hơn về một sự thật, Đêm màu trắng…). Có điều, ngày đó, tác giả của những truyện ngắn ấy là Nguyễn Thị Tư. Sự xuất hiện của chị không ồn ào, nhưng để lại ấn tượng trong lòng độc giả, nhất là với những người cùng giới. Nhà văn Nguyễn Thành Long […] từng nêu nhận xét, nếu ông có quyền chọn mười cây bút văn xuôi nữ đương đại, chắc chắn phải có Nguyễn Thị Tư.” (“Nguyễn Thị Tư – từ Xóm đạo An Trung đến Thung lũng tuyết; Báo Văn Nghệ, nguoibanduong.net 1/9/2009 – ĐQ nhấn mạnh).

Người viết muốn được bổ sung:

Cũng vào năm 2009, trong một dịp gặp gỡ, cộng tác bài vở tôi được Tổng biên tập báo Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Chí Huân đề cao kết quả và tiềm năng của nữ tác giả này, mà tôi đã phải thú thật với anh rằng mình chưa thể đọc nhiều do còn chú ý các tác giả “hậu hiện đại đang nở rộ”.

Còn đây là chia sẻ mới nhất từ người hiểu biết nhất về đường văn của tác giả trong hơn 30 năm qua – nhà văn Nguyễn Thanh Hiện, Chủ bút trang mạng trangngaunhien.wordpress.com: “Về các tác phẩm Tư viết hồi còn sống ở Việt Nam có chuyện này thật vui… Bấy giờ mình đang làm “công việc bếp núc” cho tờ văn nghệ tỉnh; có dạo đưa Tư đi lấy tư liệu ở xã Cát Hanh anh hùng, một xã ở miền trung Bình Định, để gặp chị chủ tịch xã anh hùng. Đi tới đi lui bao nhiêu lần vẫn không gặp được; tức là chưa thấy mặt, chưa nghe được lời nào của người nữ anh hùng ấy. Mình bèn bảo: “Thôi, khỏi đi nữa. Có thể khi gặp mặt lại viết không được!?” Và quả tình Tư đã viết được, lại viết hay nữa chứ! Chị chủ tịch xã chưa gặp mặt là truyện ngắn khá nhất lúc bấy giờ của Tư. Còn truyện Người con gái xóm đạo An Trung thì là truyện ngắn đầu tiên, khi Tư tham gia trong đoàn sinh viên Sư phạm Quy Nhơn đi viết cuốn sách về khởi nghĩa Trà Bồng, hay khởi nghĩa Ba Tơ gì đó… Những chuyện viết lách của Tư thời ấy, giờ mình chỉ có thể kể theo trí nhớ.” (Trao đổi riêng; 5/6/2019)

[4] Không kể vài nhóm thân hữu, rõ nhất ở diễn đàn văn học damau.org trong hai năm 2009 – 2010 với sự thảo luận sôi nổi và chất lượng từ nhiều tác giả và độc giả, như ở các đường dẫn damau.org/7152/long-ngong-trang, damau.org/9831/chin-muoi-giay, damau.org/8257/bi-an-an-do, damau.org/8509/linh-hon-toi-dau, damau.org/8513/wheres-my-soul.

Trang mạng Văn Việt các ngày 20 & 24/5/2019 đã giới thiệu trong chuyên đề Văn hải ngoại sau 1975 tại kỳ 136, 137 với hai tác phẩm Lông ngỗng trắng, Con cua ngoài miệng giỏ.

[5] “Nhà văn, tên thời sinh viên trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, Việt Nam là Nguyễn Thị Tư, sinh năm 1960 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, định cư tại Canada năm 1991. Hiện làm phiên dịch và tư vấn di trú tại Canada.

McAmmond Nguyen Thi Tu là tác giả của một số truyện ngắn in trên các tạp chí Văn nghệ Quân đội, và báo Văn Nghệ, Nhà văn & Tác phẩm… Nhiều năm qua, McAmmond Nguyen Thi Tu là tác giả hai tập truyện ngắn Trên nền tuyết trắng xóaĐường đến cõi Samadhi đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2009 và 2012. Đây là hai tập truyện ngắn đặc sắc viết về cuộc sống đa dạng đa sắc màu của những người Việt Nam hải ngoại.

Cái vú thừa là tập truyện song ngữ Anh-Việt mới nhất của tác giả. Cuốn sách được tác giả dụng công trong nhiều năm qua với một tâm huyết sâu nặng về quê hương và với thân phận người phụ nữ Việt Nam nơi xứ người. McAmmond Nguyen Thi Tu tự sáng tác, và tự biên tập với hai ngôn ngữ mà tác giả hy vọng được đóng góp phần mình vào sự phát triển chung của văn học Việt Nam đương đại.”

[6] Bài vở, ý kiến của Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Khánh Phương, Thành Nam, Nguyễn Chí Hoan, Phong Điệp, Lê Tú Anh, Đỗ Quyên… được dẫn trong Chú thích Tài liệu tham khảo.

[7] Nguyễn Thị Tuyết Nhung: “[…] dòng “văn chương vô xứ” (Literature of Displacement), nói theo ngôn ngữ của Linda Lê. Đó là dòng văn chương không nhập vào dòng văn chương sở tại, cũng không thuộc về dòng văn chương trong nước. Theo Đào Trung Đạo, “tâm thái vô xứ là tình cảm và trí tuệ của một người vô sở cứ, tự sáng tạo cho mình một ngôn ngữ, một tiếng nói, một diễn ngôn của kẻ vô sở cứ. Tiếng nói đó, diễn ngôn đó xác định mình không có một nơi chốn, không đặt mình vào một truyền thống nào, băng ngang những biên giới để lắng nghe tiếng thầm thì của cái bất khả hữu (l’impossible), đẩy sự bất khả đó cận kề với cái khả hữu (le possible)”. (“Cảm hứng hội nhập trong văn xuôi tiếng Việt sau 1975 ở Bắc Mĩ và Tây Âu, vns.hnue.edu.vn 21/12/2016).

[8] Tên cũ Dường như là chuyến hành trình sau chót.

[9] Tên cũ Lão Tự.

[10] Về việc biên tập, in ấn các truyện của McAmmond Nguyen Thi Tu, nhìn chung các nhà xuất bản, báo chí đều làm tốt lành với nhiều thiện cảm. Ngoài các sơ xuất kỹ thuật không lớn lắm (in sót đoạn trong bản tiếng Anh, lỗi đánh máy…), còn một điều chúng tôi thiết nghĩ có thể làm hay hơn. Đó là việc chú thích dưới văn bản truyện ở các trường hợp cần thiết, giúp dễ tiếp nhận nội dung vốn được viết bằng hình thức vẻ như “phổ biến văn hóa, tri thức”, đặc biệt khi in ở trong nước; như địa danh quan trọng, thuật ngữ tiếng nước ngoài, chuyên ngành, tôn giáo… Đơn cử: từ “Sa-ma-đi” ở truyện Đường đến cõi Sa-ma-đi; rất nhiều cụm từ, câu nguyên bản tiếng Anh trong hầu hết các truyện, nhất là Bữa tiệc gà tây

[11] Có thể đọc tại damau.org 30/11/2018, trangngaunhien.wordpress.com 23/11/2018.

[12] Khánh Phương: “Ở […] tác giả đều dễ dàng nhận thấy sự lặp lại của ý tưởng cũng như những mô thức về cấu tứ, hình ảnh, dễ gây cảm giác đơn điệu, chật chội, và điều đáng ngại hơn là đưa đến hình dung về một cách viết còn ít tinh lọc, chưa hội đủ sức bật để thoát ra khỏi những nội dung thiên về tính xã hội. Đành rằng trong đời mỗi nhà văn chỉ “kể một câu chuyện”, nhưng đó là câu chuyện theo nghĩa ước lệ, hàm ý đặt ra một giả định nào đó về tổ chức và hoạt động tinh thần của con người, nhưng nó cần được khai thác theo nhiều cấp và góc độ khác nhau, biểu lộ cao nhất sức sáng tạo của người viết. Sự lặp lại một số ý tưởng và mô típ cấu tứ, hình ảnh quen thuộc cũng xảy ra với một số tác giả [khác] khiến cho thay vì cảm nhận những ám ảnh được khắc sâu của tác giả, thì bạn đọc lại có xu hướng cho rằng người viết tự quanh quẩn và đánh mất chính mình.” (Bạt cho tập truyện Làm thế nào ra khỏi những giấc mơ?”, nhanambook.wordpress.com 12/7/2011 – ĐQ lược trích và nhấn mạnh).

[13] X. Mô típ; wikipedia.org.

[14] Hoàng Chính: “Trong công việc hàng ngày hai mươi mấy năm trời nay, tôi gặp rất nhiều mảnh vỡ từ đời sống những di dân, những người tìm đến xứ sở này, nơi có dư đầy dưỡng khí để nuôi dưỡng ngọn nến đời. […] Những ngọn nến họ mang theo ném ra toàn những tia sáng ốm o, héo hắt. Những ngọn nến tàn từ khắp nơi trên thế giới. Afghanistan, Nam Tư, Trung Quốc, El Salvador, Somalia, Iraq, Pakistan, Việt Nam. […] Từ những mảnh đời ấy, tôi nhặt ra những miếng Việt Nam. Những mảnh vỡ tình cờ trông thấy quanh tôi. Những mảnh vỡ có thật. Tôi chọn những mảnh vỡ nói tiếng Việt, những mảnh vỡ thở than bằng chim quyên ăn trái nhãn lồng… bởi những tiếng than khóc dẫu có thấm vào lòng mình, khuấy lên cái trắc ẩn rất người thì rất nhiều khi phải dừng lại ở vạch phấn văn hóa. Câu hát nỉ non của người đàn bà Afghanistan sống sót sau khi bị chồng đánh đến bại liệt nghe thấm thía vì âm hưởng não nùng nhưng không làm tôi ứa nước mắt bằng câu thở than ai ngờ đâu giếng cạn, tui tiếc hoài sợi dây.” (“Trong chiêm bao tôi nói tiếng Việt”; Phong Điệp phỏng vấn, Văn Nghệ Trẻ, tonvinhvanhoadoc.vn, 12/1/2013).

[15] Thảo luận dưới truyện tại damau.org 3/7/2009. Các trích lọc dưới đây và ở các chú thích khác do người viết thực hiện:

– “Một truyện ngắn khá hay! […] Ở miền Nam trước 1975, chúng ta “bị bắt học” học về công dân giáo dục, nên may mắn còn biết thẹn khi đọc Lông ngỗng trắng này! Đây không là Bản chất Việt (như tác giả viết – mà tôi cho là sơ sót!) Nó là bản chất xã hội đương thời tạo nên! Bản chất Việt có nền tảng vững chắc hơn khi đã có hơn 4000 năm văn hiến, thì không đến nỗi nào tồi.” – Nhất Diệp

– “Câu chuyện được trình bày rất mạch lạc, bố cục chặt chẽ, mạch văn trôi chảy. Hiếm thấy. Tuy nhiên nội dung câu chuyện có một chút gì khiến người đọc vấn vương. Hình như cái nhìn của nhân vật Tôi khá nghiêm khắc thì phải? Dưới cái nhìn đạo đức. […] Nhưng hãy gác qua sự trừng phạt người nói dối, trở về với nhân vật nữ Hằng; cô đã bị sốc, khóc lóc hối hận lỗi lầm “nói dối” mà cô đã phạm. […] Tiếc cho nhân vật Tôi đã không tha thứ cho người có lòng hối hận ăn năn. Nhân vật Tôi đã để những “lông ngỗng” bay bay trong tâm tưởng, để rồi đánh mất tình yêu thương. […] Và xin giới văn sĩ hiểu cho: Một tác phẩm lưu lại ấn tượng trong lòng độc giả khiến người đọc phải gõ máy lên tiếng thì đã là sự thành công lớn của người viết (đừng nghĩ đây là lời phê bình, tội nghiệp tui lắm.) Rất mong được đọc nhiều tác phẩm khác cua Nguyen Thi Tu.”; “Lông ngỗng trắng là tác phẩm hay […] Tôi còn cho nó vào loại hiếm quý nữa đó…” – My Khanh

– ” Tôi nghĩ rằng nhân vật Tôi chỉ là cái tường trắng để dán cô Hằng lên đó, thật sự chỉ là nhân vật phụ, rất phụ. Ít có bài viết hay truyện ngắn nào về Việt Nam đương đại lại súc tích như thế này, mô tả một thực thể nhân cách, dù nó là sản phẩm của sự tha hoá (tôi cũng tin thế) thì cũng rất đáng mô tả lắm chứ.” – Trần Đăng Khoa

[16] Tên khác Máu trên tuyết.

[17] Mục từ Margaret Atwood, vi.wikipedia.org.

[18] “Ý thức giới (Gender awareness) là khái niệm chỉ mức độ kiến thức và sự hiểu biết về khác biệt trong vai trò và mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, đặc biệt ở nơi làm việc chung.” (dictionary.cambridge.org; Xem thêm: Thái Phan Vàng Anh; “Văn xuôi thế hệ các nhà văn nữ sau 1975 – từ diễn ngôn giới”, phebinhvanhoc.com.vn 4/5/2016).

[19] Xem thêm:

Klages, Mary; “Helene Cixous: Tiếng cười nàng Medusa”, Hồ Như chuyển ngữ, damau.org 20/1/2007;

Đỗ Quyên (Ct 46);

Nguyễn Việt Phương: “Cixous viết: “Phallogocentrism [hệ thống quan niệm với ngôn từ dương vật làm trung tâm] là kẻ thù. Của mọi người… Và đã đến lúc phải cần phải biến đổi để tạo ra một lịch sử khác.”; “Chừng nào nam giới còn chú tâm vào chuyện viết lách bằng tượng trưng dương vật của họ, thì họ vẫn chưa khám phá ra được mối liên hệ giữa tính dục và sáng tạo ngôn ngữ một cách đầy đủ, bởi lẽ “nam giới” xét như một từ biểu thị trong Tượng trưng, về cơ bản, không có đặc quyền hơn so với từ biểu thị “nữ giới”; “Cá nhân người phụ nữ phải viết ra chính mình, phải tự mình khám phá những gì thân xác cảm nhận được, và cách thức để diễn tả thân xác ấy bằng ngôn ngữ. Cụ thể hơn, nữ giới phải tìm thấy được tính dục nữ khởi nguồn từ trong thân xác của mình…” (“Giới và ngôn ngữ trong tư tưởng của Hélène Cixous”, phebinhvanhoc.com.vn 16/12/2012) – ĐQ nhấn mạnh và mách thêm: Hai “bà chằn lửa” đối chọi văn học nam quyền Tây thời ấy và “kỳ nữ” văn chương, văn hóa, xã hội Canada đương đại là cùng trang lứa với “tứ hổ tướng” của văn chương hiện sinh chủ nghĩa trong giới nữ văn sĩ miền Nam ta trước 1975. Ơn giời, giờ này cả bảy bà – Tây cũng như ta – vẫn tại thế cùng nhân gian và con chữ của cả hai giới đàn ông lẫn đàn bà: Sandra Gilbert (1936), Hélène Cixous (1937), và Margaret Atwood (1939); Nguyễn Thị Thụy Vũ (1937), Túy Hồng (1939), Nguyễn Thị Hoàng (1939), và Nhã Ca (1939).

[20] Hình thức mới của cấu tứ truyện trong một nội dung bản ngã, nhân sinh đã gây nên thảo luận trên mạng damau.org 4/11/2009:

– “Câu chuyện khá thú vị về thông điệp cũng như phương tiện truyền đạt. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn không biết tác giả có ý đồ chính trị gì qua câu chuyện này không?” – Diane Nguyen

– “Tôi cho rằng người viết đã hình tượng hóa khả năng tâm linh của con người, và phê phán thuyết duy lý. Có gì là “ý đồ chính trị” ở đây? Xin bạn Diane Nguyen vui lòng giải thích thêm. Chẳng lẽ “Bộ chỉ huy” (hắn và hai tên thuộc hạ xuất sắc) mà cô chủ thường đến họp xin ý kiến là tượng trưng cho “Đảng Cộng sản Việt Nam”? Tôi hy vọng tác giả sẽ không bị “chụp mũ” bởi những chi tiết như vậy.” – Vũ Tưởng Lan

– “Quả thực khác giữa tôi và hắn/ gỡ làm sao vách chắn mỏng kia/ tình cảm lý trí lúc xung đột/ chín mươi giây stop hay play”. Rất cảm phục tài năng sáng tạo của McAmmond Nguyen Thi Tu.” Bắc Phong

– “Một truyện ngắn tôi rất ưng ý. Đọc thêm mấy truyện khác đăng trên Da Màu của tác giả, tôi vẫn thích truyện này nhất. Có lẽ chẳng ngụ ý chính trị gì đâu bạn Diane ơi. Đây là về não, về hai bán cầu não của con người (trái và phải) với chức năng và cá tính khác nhau. Tôi thích cái máy với chương trình 90 giây. (Có lẽ mỗi chúng ta đều có cài sẵn mà không biết). Buồn cười, hôm qua sau khi đọc truyện này xong, tôi thử nghiệm liền. Cô vợ của tôi thường hay nhè bữa ăn đem chuyện này chuyện kia ra complain, hôm qua cũng vậy; đang ăn ngon miệng cô ấy giở bài ca cẩm, thường là tôi nóng mặt sửng cồ lên rồi, thế mà tôi thản nhiên uống hết một ly nước lạnh, chờ “90 giây”, bấm nút “stop”, vậy là xong. Tôi tiếp tục ăn uống chuyện trò vui vẻ như không có gì xảy ra. Vợ tôi kinh ngạc, nghe tôi giải thích, cô ấy cười bảo phải viết thư đa tạ tác giả và Da Màu.” – Henry

[21] Đỗ Quyên; “Đọc Quyên ở ngoài nước Đức”, vanchuongviet.org 15/5/2009.

[22] Phần thảo luận trên damau.org 21/8/2009:

– “Wow! Tôi thật sự sốc khi đọc Bí ẩn Ấn Độ. Unbelievable! Cái nhìn của tác giả rất mới, hơi khe khắt, nhưng khá kỳ thú. Đây là một đất nước nói chung được tôn thờ, kính nể, coi như một trong những cái nôi văn minh của loài người. Trước giờ ít có bài viết phê phán và chỉ trích nó như McAmmond Nguyen Thi Tu. Tác giả hơi tham lam, đưa vào quá nhiều thông tin, chi tiết, nhưng tôi nghĩ cũng không sao, vì đó là những kiến thức bổ ích cho bạn đọc ham thích học hỏi như tôi.” – Trần Văn Thọ

– “Nói chung đồng ý với Trần Văn Thọ, nhưng tôi không cho rằng người viết “phê phán và chỉ trích” Ấn Độ. Chẳng qua mượn chuyện Ấn Độ để nói chuyện đời, chuyện con người thôi. Cám ơn một bút ký rất kỳ công, không dễ dãi. Có điều đọc xong thấy buồn quá. (Tôi là một người thực hành yoga, và bài ký khiến tôi thấm lắm). – Vũ Tưởng

– “Ấn Độ có thật vậy không? Tôi cứ tự hỏi, vì bài ghi chép có nhiều tình tiết ghê rợn quá. […] Mấy câu chuyện trong lớp và ngoài lớp ý nghĩa lắm. Một bài bút ký thể hiện trách nhiệm người cầm bút. Chi tiết dồn dập. Văn phong giản dị, nhưng gợi.” – Ngọc Mỹ

– “Rất thích thú khi đọc bài viết của chị. Chị đã đến Pune và ở đây năm tuần và rồi cống hiến cho độc giả những dòng viết thú vị. Ông Trần Văn Thọ bảo rằng chị “nhìn hơi khắt khe” về xã hội Ấn và tôi thấy rằng điều ấy có phần đúng. Thú thực, tôi hiện đang học tại Pune.” – Hải Đăng

– “Với tôi, bài viết này chẳng có gì là “khắt khe” cả, nếu không muốn nói là tác giả dũng cảm phản ánh những điều chúng ta không thường nghe về Ấn Độ. Có lẽ còn ối chuyện “bí ẩn” khác ở đất nước ấy mà tôi tin rằng tác giả còn chưa nhìn thấy hết nữa.” – Trần Hồng Tâm

– “Bài viết Bí ẩn Ấn Độ hay quá, xin cảm ơn tác giả rất nhiều.” – Yumi

[23] X. damau.org 24/5/2018.

[24] Phần thảo luận tại hai bản tiếng Việt (damau.org 3/9/2009) và tiếng Anh (Where’s my soul):

– “Truyện không lạ, không mới. Có thể đọc được. Nhưng, sẽ hay hơn nếu tác giả không “lên gân” quá.” – Trịnh Sơn

– “[…] công bằng mà nói bản dịch [tiếng Anh] khá tốt, không có gì phải phàn nàn. Và tôi tin rằng nó cũng được sự kiểm duyệt và biên tập của BBT Da Màu.”; “[…] với tác giả McAmmond Nguyen Thi Tu: Tôi rất yêu mến tác phẩm của chị. Những truyện in trên Da Màu của chị đều đề cập những vấn đề nhân sinh, những đề tài khá gai góc. Và chị đã bày tỏ quan điểm/thông điệp của mình cho độc giả một cách khéo léo, nhuần nhị. Điều này không dễ. Câu chuyện này gợi tôi nhớ một người bạn gái Ấn (đạo Sikh) cũng bị cha cô đâm chết vì cô quan hệ với một người bạn trai da trắng.” – Vũ Tưởng

– “Truyện Linh hồn tôi đâu nói về cuộc tình dị chủng, dị giáo và một kết cục bi thương. Trời! Chỉ một vấn đề Dị chủng cũng đã gai góc cho đôi tình nhân trong việc thuyết phục gia đình mình. Còn thêm Dị giáo nữa thì biết chắc truyện tình này đẫm nước mắt. Tôi háo hức, nhưng thú thật, tôi không thấy cảm động cho lắm khi đọc truyện này. Phải nói, tác giả đã đưa ra quá nhiều xung đột. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện kể lại trong mức độ bề mặt, nhiều vấn đề được đưa ra nhưng chỉ thoáng lướt dưới cái nhìn của nhân vật Tôi (nào là Chúa phạt, nào là luật lệ kết hôn của Hồi giáo, câu nói của Đức Lạt Ma, lịch sử phát triển văn hóa Canada…), rồi góc nhìn của nhân vật bị trộn lẫn với góc nhìn của tác giả, khiến tôi vừa đọc vừa hoang mang, điều gì là điều chính yếu mà nhân vật hoặc tác giả quan tâm. Tất nhiên, giới hạn của một truyện ngắn không thể chuyên chở được nhiều vấn đề mà tác giả đưa ra, đọc cho biết như đã từng đọc những bản tin trên báo về vấn nạn Giết người vì lý do danh dự. Thế thôi.” – My Khanh

– “Đụng đến đề tài tôn giáo không phải đơn giản. Tác giả phải rất thận trọng, “cao tay”, mới chọn viết về lĩnh vực này. Nhóm bạn chúng tôi uống cà phê sáng nay, nhắc đến Da Màu và truyện ngắn này. Phải công nhận nữ sĩ này khá táo bạo, như dũng sĩ xông vào trận địa. Câu chuyện tình khá bất thường và cái kết thúc bi thảm giữa một chàng trai Việt Nam đạo Công giáo và một cô gái Pakistan đạo Hồi phản ảnh sự xung khắc, như tác giả nói, “không thể nào xóa nổi” trong thế giới loài người. Những đoạn viết táo tợn về tôn giáo! Tôi mong tác giả sẽ không bị “tấn công” bởi những người mộ đạo. Tôi thích lối kể chuyện của tác giả. Truyện nhiều tình tiết. Xung đột dồn dập. Và đoạn kết làm người đọc suy nghĩ. Thêm một truyện ngắn đáng đọc.” – Việt Hương

– “Đây là một câu chuyện tương đối có sức nặng. Nó để lại nỗi nhức nhối nơi người đọc về ý hướng sáng tạo trong việc ai sẽ giết ai và tại sao cần phải đóng góp để làm cho cân bằng hơn thay vì những cuộc tranh cãi nóng bỏng, và về những xung đột giữa các dòng văn hóa – tín ngưỡng hiện nay. Bạn đang giẫm đạp lên “Thánh địa” theo nghĩa bạn không sợ phải đối diện với các rắc rối chính trị và tôn giáo tiềm ẩn có thể bùng nổ (ở dạng sâu sắc hơn), và chính thế tôi không thể còn có gì hơn là sự tôn trọng cao độ và lời khen ngợi lớn nhất cho tác phẩm của bạn. Đừng bao giờ xa nó nhé! Bạn có rất nhiều điều đáng tự hào.” – Larry J. Fisk (Người viết chuyển dịch từ tiếng Anh).

– “Một câu chuyện buồn và đẹp. Nó mang chức năng giáo dục của văn học.” – Misa Gillis (như trên).

Chúng tôi mạn phép nối dài chủ đề “gai góc”, “có sức nặng” này ra ngoài trang văn qua một sự kiện và một quan điểm ngẫu nhiên đến trong khi viết, tuy không mới về bản chất nhưng là thời sự nung nóng thế giới hiện nay và có thể trong tương lai gần.

– Sự kiện: Vụ thảm sát đẫm máu giết hại 50 người cùng 48 người bị thương tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hôm 15/3 vừa qua của Brenton Tarrant, người Úc. Đây còn là vụ khủng bố tôn giáo có độ tuyên truyền sâu sắc, trong âm mưu kỹ càng, với thái độ trắng trợn và đạt kết quả “hoàn hảo”: Sát thủ dùng camera gắn theo người phát trực tiếp vụ xả súng do hắn thực hiện trong đoạn video dài 17 phút được đăng trên FB; Trước đó 24 giờ còn gửi đăng bản “tuyên ngôn” dài tới 74 trang trên mạng xã hội, tự mô tả có tổ tiên người Anh-Ailen, là người đàn ông da trắng bình thường, ít học, mang tư tưởng cổ súy chủ nghĩa phát xít và sự căm hận người Hồi giáo; Và chín phút trước khi bấm cò súng, cũng gửi email tới văn phòng Thủ tướng New Zealand cùng nhiều tờ báo nêu lý do tấn công.

– Quan điểm: “Hồi giáo, một tôn giáo – nhờ sự tự nhiên cao độ của những người sùng đạo và xa hơn nữa hướng tới ý chí quyền lực to lớn – trong nửa thế kỷ qua đã tạo nên nếp nhăn lo lắng không chỉ cho các nước phương Tây. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục tác động. […] Tác giả đưa ra tầm nhìn về một thế giới nơi mà chính Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò hiến binh, sen đầm thế giới sau Hoa Kỳ, gồm cả cuộc chiến với Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó Hồi giáo cực đoan không chỉ “thống trị” châu Âu mà còn lan truyền một cách nguy hiểm khắp thế giới với tham vọng lâu đời đưa toàn bộ nhân loại trở lại vòng tay Thánh Allah.” (Trích bản thảo tiểu thuyết Hiểm họa da vàngŽluté nebezpečí của Vlastimil Podracký; Đỗ Ngọc Việt Dũng & Nhóm biên dịch thực hiện từ nguyên bản tiếng Séc, Nxb Hội Nhà văn sẽ phát hành trong năm 2019).

[25] “Một câu chuyện xứng đáng dành thời gian đọc. Cách dẫn thông minh, đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhân vật chính (“Tôi”) thật thú vị. Mới đầu tưởng là một gã cao ngạo nào đó bị một ả tiện nhân lẳng lơ giăng bẫy, đến khi chuyển đoạn mới nhận ra: Ồ, mình đã quá sai. Gã chỉ là lão mèo già đã bị tước đi chức năng duy trì nòi giống. Ngôn ngữ chân thực sinh động đến từng chân tơ kẽ tóc. Mỗi con chữ được chọn lọc mài dũa tỉ mỉ khiến người đọc cảm giác đang chung sống cùng nhân vật. Nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, tiếng nói chân lý đã lên tiếng: hạnh phúc khi được sống là chính mình, được sống cuộc sống của mình. Hạnh phúc không phụ thuộc vật chất hay cái thứ yêu thương rẻ tiền nào đó. Tác giả ắt hẳn là người mang triết lý sống sâu sắc, có tâm hồn phong phú và cách quan sát cuộc sống rất tinh tế. Đã lâu lắm rồi không được đọc tác phẩm nào hay như thế. Chỉ có thể kết luận bằng hai từ “hoàn hảo”. Yêu cô! Cảm ơn đã dành tặng độc giả tác phẩm rất giá trị, đánh thức cái bản năng, cái khát vọng rất thật trong mỗi con người. Con đã tìm lại được chính mình.” (Email trao đổi của bạn đọc – Thúy Phạm, 18/2/2019).

Comments are closed.