Nguyễn Hoàng Anh Thư – bầu trời trong đôi cánh cụt

Tru Sa

 

Tôi đọc không nhiều sáng tác của những tác giả nữ trong nước trừ một số những cây viết nữ đặc biệt quan trọng (Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo…). Vốn không phải người đọc nhiều, một phần vì luôn thiếu thời gian, tôi chỉ tìm đọc những cuốn sách, bài viết thực sự mình thực sự quan tâm. Điều nữa, việc ít tìm đọc sáng tác nữ cũng do cái quan điểm chẳng lành về một “người đàn bà bé nhỏ”. Sự “bé nhỏ” này không bao hàm về việc họ chẳng viết được gì lớn, viết chẳng hay, hoặc đơn giản hơn là còn chưa ổn như nhiều cây bút nữ trẻ nổi quá dễ và chìm cũng mau hiện nay. Cái “bé nhỏ”, mà tôi luôn mặc định, là ở tố chất, sự nghiêm túc và tính tranh đoạt. Tôi không sống trong làng văn, nhưng tôi có không ít bạn bè nữ viết văn. Tôi đọc họ và thấy nẫu ruột. Vì đấy chỉ là thơ văn đăng báo. Sáng tác của họ chỉ như những cái ngáp ngắn. Càng giống hơn, một đứa bé chơi bóng nhựa với bức tường là cầu môn kiêm thủ môn, hậu vệ, tiền đạo. Vì lẽ đó, nếu nhìn thấy một cái tên nữ lạ, mới lên thì tôi quyết không đọc. Về sau, tôi có dịp đọc những sáng tác (truyện ngắn) của Nguyễn Hoàng Anh thư trên tạp chí Da Màu.

Nguyễn Hoàng Anh Thư có tố chất lạ, một lối tư duy đặc biệt dị thường. Bởi đây không phải một tên tuổi đã thành danh, cũng không phải lớp văn trẻ đang đà nổi, hoặc đại trà trên các mặt báo. Truyện ngắn đầu tiên tôi đọc của Nguyễn Hoàng Anh Thư là trên Da Màu. Cũng ở cái lần đầu tiên đọc truyện đấy, tôi thấy ấn tượng ngay. Truyện có tên là Tóc mây. Truyện ngắn này kể về nỗi bất an của một cô gái với mái tóc. Truyện của Nguyễn Hoàng Anh Thư không hề có cốt truyện, nên chỉ có thể đi thẳng vào mạch truyện. Toàn truyện, chỉ là nỗi hoang mang về một mái tóc dài ngang lưng, được mọc ra từ nhiều loài cỏ dại. Trải dài là những biến đổi như bị quỷ giật tóc, tóc bị ngắn đi, tóc dài ra, tóc tỏa hợp âm… Tất cả đều diễn biến trong những cơn mơ, hoặc ký ức từ những cảnh mơ. Bên cạnh là câu chuyện về tò vò và nhện. Cả truyện không hề có sự kiện nào, tất cả chỉ diễn ra trong nỗi bất an được bao trùm mà mái tóc là trung tâm. Diễn biến tâm lý được viết và phát triển theo chiều gia tăng. Xét về ý nghĩa, thì không nhiều, nhưng truyện ngắn lại tạo ra một sự ray rứt. Đúng hơn là nỗi bất an, sự mất mát. Trong truyện, mái tóc cô gái được mọc từ cỏ, thêm những chi tiết về việc tóc dài, cụt, bồng lên, mọc gai, có đất… nên có thể hiểu mái tóc này là ẩn ngôn về cái nguyên thủy, tính thiên nhiên và sự sống. Và mong manh ấy bị cụt dần, như điếu thuốc châm cháy ực, nhưng lại hút từ từ.

Truyện ngắn Mộng du viết về việc mở một gói quà với quyển sách, bóng đèn quả dâu bằng pha lê trong suốt và một mảnh giấy hướng dẫn gấp thuyền giấy ở trang 68. Diễn biến truyện chỉ quanh quẩn trong việc bật, tắt đèn, gấp thuyền giấy. Theo cùng những chi tiết lặp lại, là sự bủa vây của màu tối bởi cơn mơ. Chi tiết tìm viên ngọc xanh là sự kết nối giữa thuyền và bóng đèn, trở thành đích đến, cái cần tìm của một chủ đề. Bởi lẽ truyện ngắn có tên Mộng du nên không khó để nghĩ đây là những diễn biến trong một cơn mê sảng dài, những ảo tưởng của giấc mơ. Đọc kỹ hơn, sẽ thấy đây là một truyện ngắn mang tính phiêu lưu. Hai hình ảnh đèn (bật, hoặc tắt, hoặc sáng sẵn, và bật/tắt/bật/tắt trong cái run tay) và thuyền giấy (gấp, thả) tuần hoàn đi cùng nhau. Đây là hai phương quan trọng của truyện. Thuyền là phương tiện để đi, để khai phá, còn bóng đèn là vật mang lại ánh sáng. Dù để riêng, hay gộp chung thì đây cũng là hai vật quan trọng của con người trong việc đào thoát đến chốn sáng hơn. Nguyễn Hoàng Anh Thư đã tạo được một mê lộ từ những vật dụng sơ giản. Giống như một con đường càng đi càng lạc.

Buôn làng buồnNướng vị giác là hai truyện tương đồng về sự khai thác. Trong Buôn làng buồn nói về việc một người khách ghé qua buôn làng và chứng kiến cảnh tế trâu. Còn Nướng vị giác thì đề cập đến việc đi ăn cà cuống ở một nhà hàng. Cả hai đều đề cập đến một bữa tiệc được quan sát từ ngoài. Buôn làng buồn được đả phá bằng một không khí u buồn, từ trời mây, gió cho đến đôi mắt con trâu. Một không khí mở đầu là buồn bã, nhưng đi vào truyện là một cảnh đồ sát trâu “…sợi dây thừng kéo cái mũi, mũi nó sắp đứt, cái cột đã được người ta đóng bằng bê tông chôn sâu xuống. Những trận mưa lao đang đâm vào nó. Núi đang gần ngã nhào. Những tiếng hò reo đang đâm vào mắt nó. Đùi nó đang bị xả. Tiếp tục mưa lao… bắt đầu một trận mưa máu. Lưng nó đang bị xả. Mưa máu. Người ta hò reo, chiêng trống hò reo, người người đang ngồi trên khán đài bật dậy hò reo. Người ta ngửa cổ uống mưa. Nó thật ngọt. Đám trẻ con cười ngất như đang lên cơn hoang dại của núi rừng. Bốn vó chân trâu đẫm máu. Con trâu đang hứng trận mưa máu. Nó gắng sức chạy vầy quanh. Người vẫn chạy theo vây quanh. Đôi mắt nó gần rớt ra. Nó không còn thấy gì cả. Cả cặp sừng đang bị băm ra. Người ta ngửa cổ hứng máu. Hò reo và cười ngất giữa núi rừng vây quanh…”. Cảnh tế trâu sống động như một cuộc chém, giết tập thể. Rồi ở những phần truyện sau, từng mảnh thịt trâu bị xẻo, bị lóc, bị nhai, bị phân phát… Liền theo viêc con trâu bị tùng xẻo là chuyện về những đứa con buôn làng ra đi. Tất cả là ý muốn của Giàng (vị chúa tể nhiều dân tộc miền núi thờ phụng). Và Giàng ở đây đã lộ ra là một thứ đã chi phối buôn làng. Cái bàn tay xòe rộng, nhưng khiến buôn làng bị bóp cứng lại. Cái thứ tập tục tế trâu vẫn tiếp tục, và những đứa con thì vẫn đi. Giống như một cái vòng quẩn quanh. Một cái buôn làng buồn nhưng không buồn và còn rợn hơn cả chữ buồn.

Nướng vị giác thì có ngắn gọn hơn. Ít những chi tiết ma quái theo kiểu “rừng thiêng nước độc” nhưng vẫn có độ hút riêng. Kể về một nhân vật vào quán ăn gọi món cà cuống, nhưng rồi không có và đi về, khi khám bệnh, siêu âm thấy “những con chữ bò lúc nhúc như những con gián”. Chỉ một đoạn kết ngắn, Nguyễn Hoàng Anh Thư đã bẻ truyện sang một hướng khác, quái đản, ma mị và khá kinh dị. Đây có thể là một sự ngộ độc, nhưng phải ở mặt tế bào sống. Bởi nhân vật chưa hề động đũa. Chỉ nghe kể, về nguồn gốc món cà cuống, về con cà cuống hút máu cò, cách chế biến cà cuống, mùi cà cuống từ trong bếp… Lúc về nhà, thứ cà cuống được ăn cũng là từ trang sách. Vì vậy, đây là một ca ngộ độc tinh thần. Cái ăn, nhai, nuốt không phải ở miệng mà ở thị giác, khứu giác. Những giác quan đấy đã chế biến món cà cuống và “nhồi” thẳng vào não, vào bụng cô gái. Một sự ăn sống, nuốt sống và món cà cuống chữ không tiêu đi mà kẹt lại như một vật thể quá to, quá bền để có thể tiêu hóa.

Mọi truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Anh Thư đều không có cốt truyện. Đúng hơn, tính cốt truyện đã bị phá di. Chỉ có những chi tiết, hình ảnh, những quang cảnh chuyển đổi liên tục. Bởi tính rã cốt truyện, chỉ tập trung vào không khí, sự biến đổi nhanh (nhiều khi là chậm hoặc chớp nhoáng) nên độc giả dễ bị lừa, hoặc đọc xong mà thấy hẫng. Cái hẫng ở đây không phải vì non quá, kém hấp dẫn, hoặc thiếu hụt. Đấy là sự khó nắm bắt, hoặc khó giải nghĩa. Những sáng tác của Nguyễn Hoàng Anh Thư giống với một bức tranh với những vật méo, những đường mực loang lổ, một bức tượng người suy tư bị bóp méo tứ chi. Tôi thích ở người viết này ở trí tưởng tượng. Hầu hết những chi tiết, bối cảnh đều chỉ một phần nhỏ là liên hệ đến hiện thực. Tuy vậy, không có nghĩa là bị sa đà vào mộng ảo tới mức viển vông. Tôi vẫn nhìn ra tính hiện thực từ văn của Nguyễn Hoàng Anh Thư. Dữ liệu đời sống được bẻ méo, khuấy rộng ra (Nướng vị giác, Buôn làng buồn) Điều cuối cùng mà tác giả hướng đến là nỗi ám ảnh không ngừng nuôi lớn trong đầu mình.

Một điểm nữa, Nguyễn Hoàng Anh Thư luôn sử dụng những truyện cổ, tập tục xưa để làm nguyên liệu truyện (Triệu Đà trong Nướng vị giác, tục tế lễ trong Buôn làng buồn, tò vò và nhện trong Tóc mây) Việc sử dụng tích nọ, điển cố kia không lạ, nhưng Nguyễn Hoàng Anh Thư đã nhào lại trong đầu và tung lên trang giấy như thứ bột màu phù thủy. Những chuyện cổ, dân gian không khiến mạch truyện gần gũi, bình dị. Trái lại, chúng còn mang vẻ kỳ quái, mơ hồ, hệt như nhiều lớp sương mỏng nằm dày lên nhau. Đây là một sự phá cách có tính đột phá. Cũng chính điểm này đã tạo nên cái cá tính, phong cách của người viết.

Tôi thấy Nguyễn Hoàng Anh Thư có sự tương đồng với Linda Lê. Cả hai đều chối bỏ hiện thực để đi sâu vào thế giới mê hoặc của cõi mộng, của tưởng tượng được thổi lớn từ hiện thực. Đọc Nguyễn Hoàng Anh Thư, sẽ nhiều người hình dung ra đây là một người viết cổ quái, lập dị, thiếu nữ tính. Còn tôi, thì vẫn thấy nhấm ra thiên tính nữ trong sáng tác Nguyễn Hoàng Anh Thư. Đấy là nỗi khắc khoải, bất an, lo sợ về mái tóc, sự tìm kiếm, đào thoát bằng thuyền giấy, cái đau đáu về cái chết của con trâu, của những đứa con mất tích trong buôn làng. Trong những trang văn u ám, không có sỏi nhưng bước nào cũng vấp này luôn thấy mờ mờ những cánh tay đang vẫy vùng, những tiếng gõ cửa không ai nghe thấy, những đôi cánh bị vùi xuống đầm cát cố cất lên.

Nguyễn Hoàng Anh Thư có lối viết độc quyền. Tự định dạng được đường riêng cho mình. Với trí tưởng tượng khá “dị” thì tôi nghĩ Nguyễn Hoàng Anh Thư sẽ sớm tạo được một “cái gì đấy”. Dù thoát khỏi “sự bé nhỏ” mà tôi luôn ám định vào mọi cây bút nữ, nhưng Nguyễn Hoàng Anh vẫn vướng phải “sự bé nhỏ” trong chính mình. Tôi đọc chưa nhiều, và chưa hết truyện của Nguyễn Hoàng Anh Thư nhưng tôi muốn sự tàn nhẫn hơn nữa, sự đào sâu hơn nữa. Ngoài cỗ quan tài, ngoài những xương xẩu, tôi còn muốn nhìn thấy phế tích của thành quách, lăng tẩm…

Đọc Nguyễn Hoàng Anh Thư thì nhanh, nhưng để hiểu hết thì phải đọc lại. Đây là một lối văn lạ lùng, khó nắm bắt. Giống như lội qua một cánh rừng, lại sa vào một cánh rừng. Bước đi đầu tiên của Nguyễn Hoàng Anh Thư rất vững, rất chắc. Đấy là bước đầu tiên. Ốc đảo thứ nhất trên sa mạc. Trên sa mạc không chỉ có ốc đảo.

Comments are closed.