Nguyễn Thanh Việt biến tiểu thuyết thành phê bình như thế nào

Với “The Committed”, tiểu thuyết gia xác lập mình là lương tâm của văn học Mỹ

Jonathan Dee, The New Yorker 22/2/2021

Hồng Anh dịch

clip_image002

Tiểu thuyết của Nguyn Thanh Việt thực sự là hệ thống chuyển tải một tiếng nói đặc biệt không mệt mỏi. Hình minh họa của AJ Dungo; nguồn ảnh của Bob Chamberlin / Getty

“Tôi muốn tác phẩm hư cấu của mình cũng có tính phản biện như tính sáng tạo” – Nguyễn Thanh Việt nhớ lại trong một bài luận vài năm trước – “Nhưng tôi không biết làm thế nào và không ai có thể dạy tôi chuyện đó, và tôi đã phải khép mình vào kỷ luật ngồi yên trên ghế nghiền ngẫm vô số giờ trong hơn 20 năm cho đến khi tôi có thể tiếp cận cách thức mang phê bình và sáng tạo đến cùng nhau”. Sự kiên nhẫn và quyết tâm thoát khỏi những ảnh hưởng truyền thống này giúp giải thích lý do tại sao Nguyễn Thanh Việt bắt đầu trở thành một tiểu thuyết gia ở độ tuổi tương đối muộn, bốn mươi bốn tuổi, đối với tác giả và độc giả, là một khởi đầu rất đáng để chờ đợi. “The Sympathizer”, từng đoạt giải Pulitzer năm 2016, lấy bối cảnh trong và ngay sau những năm chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Người kể chuyện là một điệp viên người Việt giấu tên – sự thực là một điệp viên hai mang, sống như một người chống Cộng trong khi làm việc cho Cộng sản – tuy việc gọi cuốn sách là một cuốn tiểu thuyết gián điệp cũng như thể gọi “Tội ác và Hình phạt” là một tiểu thuyết hình sự. Thực tế, đó là tác phẩm phê bình theo nhiều nghĩa: nó chứa đựng và thể hiện một liều lượng lành mạnh lý thuyết chính trị và văn học (Nguyễn Thanh Việt có bằng Tiến sĩ Anh ngữ và là giáo sư tại Đại học Nam California), và nó gây phẫn nộ không chỉ về những hành động của Mỹ trong chiến tranh mà còn về những mô tả văn hóa kéo theo những hành động đó.

Cuốn tiểu thuyết đã được chào đón một cách nồng nhiệt, với nhiều nhà phê bình nhấn mạnh góc nhìn mới của tác phẩm về trải nghiệm của người Việt – về chiến tranh và di sản của nó. Nguyễn Thanh Việt, một phần từ sự khiêm tốn và một phần là một lời trách, đã vội chỉ ra rằng ông hoàn toàn không phải là nhà văn đầu tiên đưa ra quan điểm này. (Ông kể tên, trong số họ, là người viết ký ức Lệ Lý Hayslip và tiểu thuyết gia Bảo Ninh). Chẳng qua là độc giả nói tiếng Anh đã bỏ qua những tác phẩm trước đó, đã không hình dung rằng chúng tồn tại. Tuy nhiên, có điều gì đó về “The Sympathizer” thực sự chưa từng có. Trí tuệ giận dữ, bất ổn, biện chứng của cuốn tiểu thuyết thể hiện rõ ràng trong ý nghĩa kép của tiêu đề: “sympathizer” [người đồng cảm – ND], một định danh đáng nguyền rủa trong thế giới chiến tranh và chính trị, nó có thể khiến một người bị giết, nhưng cũng mô tả điều có thể được coi là phẩm chất thiết yếu của một tiểu thuyết gia tài năng – một khuynh hướng bản năng, hầu như buộc phải nhìn nhận mọi vấn đề, và mọi con người, từ nhiều phía. “Tôi là một điệp viên, một người ngủ, một kẻ ma quái… một người có hai tâm trí”, cuốn tiểu thuyết mở đầu có vẻ an toàn khi khiến người đọc liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết Mỹ về kẻ ngoài cuộc, “Người vô hình” (Invisible Man) [tác giả  Ralph EllisonND]. (Con trai của Nguyễn Thanh Việt tên là Ellison).

Sau tác phẩm đầu tiên, Nguyễn Thanh Việt xuất bản “The Refugees”, một tuyển tập truyện ngắn từ những năm tháng tập sự tự định hướng đó, một kiểu hồ sơ thường được các nhà xuất bản thiết kế để thúc đẩy làn sóng thành công ngoài mong đợi của một tác giả. Và ông đã sử dụng tiếng tăm văn học của mình để khuếch đại tiếng nói của người ngoài cuộc bằng cái loa của người trong cuộc. Trong hàng chục ý kiến ​​nổi bật, ông đã đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng trong ngành điện ảnh, trong tuyển sinh đại học, trong quy điển văn học phương Tây; ông đã công kích việc giảng dạy rối rắm tiểu thuyết Mỹ đương đại ở bậc sau đại học, đặc biệt là văn hóa “workshop”. Vào tháng 12, ông đăng bài trên tờ báo Times với tư cách bình luận viên độc lập, cảnh báo các nhà văn Mỹ da trắng không nên từ bỏ việc tham gia chính trị thời thượng của mình trong thời kỳ hậu Trump mà quay lại viết tiểu thuyết về “hoa” và “trăng”. Tuy lời chê trách của Nguyễn Thanh Việt đôi khi có chút ngụy biện (hoa và trăng?), nhưng tôi ngờ là Nguyễn Thanh Việt biết rằng: bạn sẽ không được lắng nghe bằng cách tranh luận lịch sự hay bất nhã; bạn sẽ được lắng nghe bằng cách khiến người ta nổi giận với những nhà văn như tôi.

Giờ đây, sáu năm sau “The Sympathizer”, cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Nguyễn Thanh Việt mô tả những cuộc phiêu lưu mang tính tự thuật hơn nữa của cùng một người kể chuyện hai tâm trí. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã theo chân anh từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và trở lại Việt Nam – từ vùng chiến sự đến phim trường cho đến trại cải tạo – đã để lại anh trên một con thuyền chen chúc hướng ra biển khơi. “The Committed” giải cứu anh khỏi con thuyền và nhanh chóng đưa anh lên đất Pháp. Nhân vật chính của Nguyễn Thanh Việt là sản phẩm vừa mang tính ẩn dụ vừa mang nghĩa đen của lịch sử lâu dài và xấu xí của chính nước Pháp tại Việt Nam. Cha anh là một linh mục người Pháp, người đã xâm hại mẹ anh khi bà mới mười ba tuổi và không bao giờ thừa nhận mối quan hệ phụ tử. Vì vậy, cuốn tiểu thuyết là một cuộc trở về quê hương của một người mang tâm trạng biến chuyển liên tục, một câu chuyện về những con gà trở về chuồng, và về một người kể chuyện chưa xong chuyện với thế giới.

Hành động của cuốn tiểu thuyết mới, lấy bối cảnh năm 1981, tiếp giáp theo trình tự thời gian với hành động của “The Sympathizer”, nhưng “phần tiếp theo” không phải là từ hoàn toàn phù hợp; nó giống như sự chuyển tải lại hơn. Khi đến Paris, người kể chuyện của chúng ta – để đơn giản, tôi sẽ gọi nhân vật bằng một trong những bí danh của anh, Vo Danh [tác giả để tiếng Việt – ND] chuyển đến sống với người “dì” của anh ấy, thực ra là một điệp viên giả dạng. Anh đi cùng với người bạn tri kỉ của mình là Bon, một người chống Cộng quyết liệt, không biết về vai trò kép của Vo Danh. Đặc biệt ở những chương đầu, có tóm tắt khá nhiều những điều mà một độc giả của “The Sympathizer” sẽ biết: Chẳng hạn, trong quá trình làm gián điệp, Vo Danh đã dính vào hai vụ giết người, và hồn ma của những nạn nhân đó thỉnh thoảng hiện lên như một điệp khúc mà chỉ anh mới nghe thấy.

Nhận công việc lau chùi nhà vệ sinh tại nơi được mô tả là “nhà hàng châu Á tồi tệ nhất ở Paris”, Vo Danh sớm chuyển sang bán thuốc phiện và nhận thấy trong số những người bạn giàu có, trí thức cánh tả của dì mình, một thị trường béo bở để khai thác đã chín muồi. Những người bạn đó bao gồm một nhân vật được gọi là “Tiến sĩ Mao-ít” và một chính trị gia xã hội chủ nghĩa đặc biệt đáng ghê tởm, yêu thích những bữa tiệc bunga-bunga [tiệc sex – ND], được gọi là BFD. Nơi BFD, người ta nhìn và nghe thấy dấu vết của Bernard-Henri Lévy, và của người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế tai tiếng, đã bị buộc tội cưỡng hiếp người hầu gái, Dominique Strauss-Kahn; ở mức độ đơn giản hơn, những chữ cái đầu này có thể được đọc như từ chế giễu bằng tiếng Anh-Mỹ viết tắt của “big fucking deal”.

Viễn cảnh bán cần sa ít nhiều gây tự vấn lương tâm ở Vo Danh:

“Có phải tôi đã thực sự trở thành tội phạm khủng khiếp nhất? Không, không phải kẻ buôn bán ma túy, một vấn đề gây cảm giác tồi tệ. Ý tôi là tôi đã trở thành một tay tư bản, đó là một vấn đề đạo đức tồi tệ, đặc biệt là khi một tay tư bản, không giống như kẻ buôn ma túy, sẽ không bao giờ nhận ra đạo đức tồi tệ của mình, hoặc ít ra là thừa nhận nó. Một kẻ buôn bán ma túy là một tên tội phạm nhỏ nhắm vào các cá nhân… Nhưng một tay tư bản là một tên tội phạm hợp pháp hóa, nhắm mục tiêu đến hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người, và không cảm thấy xấu hổ vì hành vi cướp bóc của mình”

Bọn buôn ma túy hay xã hội đen là khái niệm chỉ kẻ cực đoan của xã hội tư bản mà anh luôn xa lánh, không hẳn là nền tảng không bị phá vỡ trong nghệ thuật Mỹ. Nhưng đối với Vo Danh, rắc rối từ kế sinh nhai mới của anh đặt ra cấp thiết hơn: thành công sớm khiến anh dễ bị nhận ra đến nỗi một ngày nọ, khi đi dạo qua Paris với chiếc Walkman mới của mình (“Là một người có hai tâm trí, tôi có thể thừa nhận những thành công của chủ nghĩa tư bản, như tôi có thể thừa nhận với sức hấp dẫn của văn hóa Pháp”), anh bị những đối thủ buôn ma túy, người Algeria, tấn công, và lần đầu tiên nhưng không phải lần cuối cùng trong tiểu thuyết, anh suýt chết.

Sự trả thù leo thang và câu hỏi liệu hai đại diện của tội ác thuộc địa tồi tệ nhất của Pháp này có nên cố giết nhau hay không, chiếm phần lớn các yếu tố truyện trong tác phẩm. Cũng có những gợi ý về một cuộc hội ngộ có thể xảy ra với người đàn ông đã tra tấn Vo Danh trong trại cải tạo Cộng sản, và chuẩn bị cho một “buổi biểu diễn văn hóa”, một buổi lễ giống như một cuộc thi phong tục và truyền thống Việt Nam, trong đó Vo Danh và Bon, với khả năng ứng biến vui vẻ, được yêu cầu trình diễn.

Có nhiều điều hơn nữa trong cách xảy ra biến cố quan trọng trong “The Sympathizer”, nhưng cả hai cuốn tiểu thuyết đều không có cốt truyện. Đúng hơn, Vo Danh – bất chấp những pha bạo lực không thường xuyên – được đặt vào chuỗi tình huống cho phép anh nói lên tư tưởng của mình. Mặt “phê bình” trong nghệ thuật kết hợp [phê bình và sáng tạo – ND] vất vả đạt được của Nguyễn xuất hiện mạnh mẽ hơn trong “The Committed”, qua tự sự của Vo Danh nhưng cũng dưới dạng tham chiếu đến, thậm chí là những trích dẫn dài, của Julia Kristeva, Aimé Césaire, Walter Benjamin, Hélène Cixous, và trên hết, là linh hồn bảo hộ của nghiên cứu hậu thuộc địa, Frantz Fanon. (“Kẻ bị thuộc địa hóa là kẻ bị bức hại, là kẻ có ước mơ vĩnh viễn là trở thành kẻ bức hại”). Nguyễn Thanh Việt, vốn coi chủ nghĩa hiện thực là một loại trói buộc đối với tiểu thuyết gia giàu trí tưởng tượng, đã làm những gì ông phải làm để đưa những tác giả này và ý tưởng của họ lên vũ đài của tiểu thuyết; ngay cả gã bảo vệ tại Heaven, nhà thổ do ông trùm của Vo Danh làm chủ, gần như lúc nào cũng có một cuốn sách trong tay và đó luôn là cuốn sách mà Vo Danh háo hức thảo luận.

Tinh thần ứng biến này, áp dụng hình thức hoặc giọng điệu phù hợp với mục đích tùy thời điểm thay vì đánh giá quá cao tính hệ thống, bao trùm toàn bộ tiểu thuyết, như nó đã làm trong “The Sympathizer”. Có một bức ảnh trong đây – chỉ một bức. Có những khởi sắc về mặt chữ có thể chịu ảnh hưởng từ Laurence Sterne. Có một đoạn văn cụ thể trong đó các từ “cảm ơn” và “đụ má” thay thế nhau cho đến hết trang. Một cảnh xuất hiện dưới dạng một vở kịch. Những con ma nói trên đến và đi. Một cảnh trong đó một tên xã hội đen tra tấn nạn nhân của hắn trong khi đang nghe nhạc pop lấy từ Quentin Tarantino (và hầu như không đáng để nghe thử).

Giọng điệu cũng trôi chảy. Có rất nhiều cách chơi chữ, chẳng hạn như một nhân vật người Việt là dân anh chị có tên là Le Cao Boi. Khó đoán được hiệu quả dự kiến khi mô tả một chiếc thuyền chở đầy người tị nạn là “khốn khổ trong vết rách dạ dày của chúng ta”, giống như trò đùa về tác động của thực dân hóa đối với ruột già của một người. Dường như có một tinh thần giễu nhại đằng sau việc các nhân vật nữ trong cả hai cuốn tiểu thuyết đều có xu hướng là những cô gái mại dâm có trái tim vàng và theo kiểu của Mata Hari [1], và, trong khi phần lớn điều này có thể được bao biện bởi sự mời gọi của thể loại sáng tác tràn ngập cả hai cuốn sách, có những câu hoàn toàn không thể bào chữa như “Cảnh tượng về Lana đốt cháy vũng đam mê dội liên hồi bên trong bình xăng của tôi” hoặc “Làn da căng của cô bừng sáng nhờ ánh sáng bốc lên từ lò đốt buồng trứng của cô ấy”.

Nhưng tiếp cận cuốn tiểu thuyết theo cách này là rơi vào một cái bẫy. Nguyễn Thanh Việt đã viết một cách đầy khiêu khích về những phẩm chất vốn được đánh giá cao trong giới văn học nói tiếng Anh với mục tiêu “kỹ thuật” gần như máy móc:

“Với tư cách là một định chế, workshop mô phỏng lại ý thức hệ của mình, giả vờ rằng “Tả mà không kể”[2] là phổ quát trong khi trên thực tế, nó là biểu hiện của một nhóm người cụ thể, đa số da trắng, thường ít nhất thuộc tầng lớp trung lưu và thường là, nhưng không dành riêng cho, nam giới. Căn tính đằng sau nguồn gốc của workshop là vô hình. Giống như tất cả các đặc quyền, căn tính này không bị đánh dấu cho đến khi nó bị ném vào thế chống lại với căn tính bị đánh dấu, hiển thị và nói toạc ra, tức là tôi và những người khác như tôi”

Ông cho rằng nhiều khái niệm cơ bản được đưa ra dưới dạng định đề văn học – nhân vật, bối cảnh, miêu tả, chủ đề, cốt truyện – thường che giấu một thiên kiến văn hóa và ý định chính trị. “Kỹ thuật” là một lá cờ sai, một sự phi chính trị hóa nghệ thuật và do đó làm suy yếu khả năng của nghệ thuật để thay đổi hoặc thậm chí đặt vấn đề về hiện trạng.

Điều thú vị về những truyện ngắn trong “The Refugees”, theo cách hiểu này, là chúng là sản phẩm của kỹ thuật – chúng mang dáng dấp truyền thống hơn tiểu thuyết của ông, được kể theo một sự trình hiện riêng biệt đáng chú ý hơn, và theo một cách nào đó, ít bị chỉ trích hơn. Và mặc dù các truyện ngắn thì hay, nhưng chúng không đạt đến tầm mức tác động của tiểu thuyết. Có vẻ như Nguyễn Thanh Việt đã mất một thời gian để có thể tự tin làm những gì ông cho là giá trị trong một tác phẩm hư cấu và những gì ông cho là không.

Trên thực tế, liệu “The Sympathizer” có phải là một “cuốn tiểu thuyết hay hơn” “The Committed” hay không không thực sự quan trọng. Sự vắng mặt của kỹ thuật truyền thống, cũng như nội dung được chia sẻ với nhau, khiến hai cuốn sách trở thành một dự án duy nhất. Chính tiếng nói của những cuốn tiểu thuyết mới là vấn đề quan trọng, tạo nên sự phân chia, giữ cho người đọc: sự tức giận, bản cáo trạng, sự giễu cợt sâu sắc, đầy nghi vấn:

“Đúng! Tôi, cũng vậy, là phổ quát, và căn tính phổ quát của tôi là trở thành tôi và hoàn toàn là tôi, ngay cả khi tôi hoàn toàn là kẻ chết tiệt, và đó không phải là điều người Pháp muốn sao? Người Pháp coi quá khứ chung của chúng tôi như một sự tình cờ bi thảm của lịch sử, một câu chuyện tình yêu lãng mạn sai lầm, điều đó đúng một nửa, trong khi tôi xem quá khứ của chúng tôi là tội ác mà họ đã gây ra, hoàn toàn chính xác như vậy. Và bạn sẽ tin ai? Kẻ hiếp dâm hay sản phẩm của vụ cưỡng hiếp? Người văn minh hay kẻ khốn nạn?”

Cuốn tiểu thuyết về cơ bản là một hệ thống phân phối cho tiếng nói đó, một loạt các tiền đề để rèn luyện nó về các hình thức thống trị đã phát triển quá lâu mà không đáp trả nó.

Khi đọc “The Committed”, có một tác giả người Pháp khá lạ mà tên của ông bắt đầu vang lên trong đầu tôi cùng với tất cả những tham chiếu, và do đó, khi tới hai phần ba quyển sách, tôi có một sự vui mừng nhất định khi nhìn thấy tay bảo vệ nhà thổ siêu uyên bác đang đọc “Journey to the End of the Night” của Louis-Ferdinand Céline. Ngày nay, Céline vừa được ca tụng là một trong những phong cách tài năng nhất của văn học Pháp hiện đại, vừa bị chê bai như một người đồng tình với Đức Quốc xã và một kẻ bài Do Thái độc ác. Nó không phải là một trong những trường hợp như với Roald Dahl, khi những nhân phẩm xấu xa gây nên nỗi thất vọng, hoặc đưa ra một bí ẩn rằng làm thế nào một người như vậy có thể viết những cuốn sách tích cực về cuộc sống như thế. Thói ghét đời sâu sắc của Céline là chủ đề trong tác phẩm của ông. Tuy nhiên, bất cứ ai đã đọc “Journey to the End of the Night” và “Death on the Installment Plan” (cả hai là tiền thân của cái mà ngày nay chúng ta gọi là “tự truyện hư cấu” [autofiction]) sẽ nhớ năng lượng mang phong cách thuần túy được tạo ra bởi cảnh tượng con người không nhận ra họ khủng khiếp như thế nào, những tội ác mà họ thản nhiên phạm phải hàng ngày khủng khiếp như thế nào. Céline viết trong “Journey”:

“Miễn là chúng ta còn trẻ, chúng ta xoay sở tìm ra những lời bào chữa cho sự thờ ơ lạnh lùng nhất, sự nông nổi trắng trợn nhất, chúng ta chỉ trích cảm xúc lập dị hoặc một kiểu thiếu kinh nghiệm lãng mạn nào đó. Nhưng sau này, khi cuộc sống cho chúng ta thấy cần phải có bao nhiêu xảo quyệt, độc ác và hiểm độc chỉ để giữ cho cơ thể ở mức chín mươi tám phẩy sáu, chúng ta hiểu ra, chúng ta biết rõ hoàn cảnh, chúng ta bắt đầu hiểu được rằng cần phải bịa ra bao nhiêu thứ kỳ lạ về một quá khứ. Chỉ cần nhìn kỹ lại bản thân và mức độ hư hỏng của bạn. Không có gì bí ẩn về nó, không còn chỗ cho những câu chuyện cổ tích; nếu bạn sống lâu như vậy, đó là bởi vì bạn đã bóp chết bất kỳ chất thơ nào bạn có trong mình”

Có một lý do mà Nguyễn Thanh Việt đưa Céline vào “The Committed”. Nguyễn Thanh Việt cũng vậy, bị thúc đẩy bởi những say mê thể hiện bằng sự lãng quên của thói tự mãn; ông không ngừng công kích hình ảnh của thực dân Pháp và Mỹ, của những người da trắng nói chung, của những tín đồ chân chính và những kẻ cuồng tín trên từng đường nét. Nhiệm vụ này thúc đẩy cường độ tu từ làm cho tiểu thuyết của ông trở nên mạnh mẽ. Nó không liên quan gì đến cốt truyện hoặc chủ đề hoặc nhân vật. Những năm tháng làm việc có kỷ luật đó đã tạo ra tiếng hú vang vọng nổi lên bởi “món quà chia tay của kẻ thực dân, là căn bệnh hoa liễu của lòng căm thù”. BFD, chúng ta được cho biết, “đã ăn mặc như một thằng khốn nạn”:

“có nghĩa là anh ta mặc chiếc áo đuôi dài màu đen, quần tây màu xám và đội mũ chóp của một quý ông người Anh hoặc một nhà quý tộc Châu Âu thế kỷ 19, cách cư xử tinh tế và thời trang tinh tế của họ hoàn toàn phù hợp để giám sát các đế chế diệt chủng cướp bóc các nước không da trắng, nô dịch và / hoặc tàn sát cư dân của chúng, và thánh hóa kết quả bằng cái tên “nền văn minh”… Tẩy trắng những lợi nhuận thấm đẫm máu của thuộc địa hóa là kiểu duy nhất mà những người da trắng đã làm bằng chính bàn tay của họ”

Tiếng nói đó đã khiến Nguyễn Thanh Việt trở thành một người mang tiêu chuẩn cho cái mà dường như là một thời khắc chuyển biến trong lịch sử văn học Hoa Kỳ, một sự thay đổi quan điểm nhấn mạnh sự thật rằng điều khác biệt duy nhất giữa hành trình anh hùng của những Người hành hương đến Tân thế giới và chuyến đi của “thuyền nhân” Việt Nam là Người hành hương “không có máy ảnh để ghi lại họ như kẻ hôi hám, gần chết đói, không cạo râu và đầy rận”. Đó là một tiếng nói làm rung chuyển các bức tường thuộc vùng thoải mái của dòng văn học cũ, mà các câu chuyện của những “người nhập cư” không da trắng được giao nhiệm vụ chứng minh với độc giả da trắng lòng nhân đạo chung của họ:

“Nếu Chúa Giê-su Ki-tô, đứa con của những người tị nạn, sinh ra nghèo khó trong một chuồng bò, là một người bị đô hộ, một kẻ lang thang từ vùng nước đọng, bị các nhà lãnh đạo xã hội và những người cai trị của các nhà lãnh đạo của mình khinh thường, một người thợ mộc khiêm tốn – nếu Chúa Giê-su Ki-tô này trở nên phổ quát – vậy thì tôi cũng có thể, mẹ kiếp!”

Mong rằng tiếng nói đó tiếp tục vận hành như một nọc độc thanh lọc qua dòng chính tự trọng của chúng ta – qua giấc mơ Mỹ của việc tách chúng ta ra khỏi những gì chúng ta tiếp tục thể hiện.

———

[1] Mata Hari là một vũ nữ Hà Lan, làm điệp viên hai mang cho Pháp và Đức trong Chiến tranh thế giới thứ I – ND.

[2] “Show, don’t tell” – lấy từ câu nói của Chekhov (“Don’t tell me the moon is shining; show me the glint of light on broken glass” – Đừng kể với tôi mặt trăng đang chiếu sáng; hãy chỉ cho tôi thấy ánh sáng lấp lánh trên mảnh vỡ thủy tinh) – chỉ kỹ thuật viết văn thay vì kể trực tiếp đặc tính của đối tượng thì miêu tả để người đọc tự hình dung ra đặc tính đó – ND.

Comments are closed.