Cao Việt Dũng
Năm 1941 ngoài Chiếc lư đồng mắt cua Nguyễn Tuân còn in Một chuyến đi viết về cái lần đi sang Hương Cảng cùng một nhóm người trong đó có Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng; bộ “dầu lạc” thì chắc chắn Tàn đèn dầu lạc cũng in năm 1941 này nhưng còn Ngọn đèn dầu lạc thì sao? khó xác định, có nơi bảo in năm 1939 nhưng cũng khó tin, rất có thể nó cũng là của năm 1941 này, cái năm kỳ diệu (annus mirabilis) của Nguyễn Tuân, cũng là năm kỳ diệu của nền văn chương Việt Nam, vì cho đến thời điểm ấy, rốt cuộc đã xuất hiện một văn chương của sự đứt đoạn đúng nghĩa.
Văn chương Nguyễn Tuân thiếu mấy thứ nhưng tôi tin rất ít người nhận ra là nó thiếu mấy thứ ấy, vì tuy thiếu nhưng vẫn tự đầy đủ, một kiểu thiếu khác, rất đặc biệt, là một sự thiếu vắng sẽ rất hằn lên nổi bật ở người khác nhưng ở Nguyễn Tuân thì sự thiếu ấy chẳng gây chút để ý nào; văn chương Nguyễn Tuân của năm 1941 không hề có ái tình, và cũng không hề có niềm vui.
Thử tưởng tượng văn chương Vũ Trọng Phụng không có ái tình, văn chương của một loạt nhà văn khác không có chút dí dỏm nào là thấy ngay: những văn chương ấy không cách gì tồn tại được, nó sẽ khập khiễng, lập cập, dở dang, chẳng ra cái hình thù gì; nhưng Nguyễn Tuân ở chính sự thiếu vắng tạo ra một cách hờ hững lại minh chứng một cách buồn bã rằng chẳng gì là cần thiết hết; sự đứt đoạn của cả một lịch sử, cái thời kỳ đứt đoạn thảm khốc như vực thẳm ấy đã tìm đúng đến Nguyễn Tuân mà ụp xuống, chính Nguyễn Tuân chứ không ai khác, và vực thẳm ấy kín đáo đến nỗi suốt hàng thập kỷ sau đó Nguyễn Tuân chỉ được nhìn nhận như một người ngông nghênh, một người tỉ mẩn đẽo gọt chữ nghĩa, nhưng cái lớn lao của Nguyễn Tuân nằm ở mức độ sâu của vực thẳm kia, một con người chứa đựng trong mình cả vực thẳm.
Thuốc phiện và ả đào phảng phất hoặc nồng đượm khét lẹt trong văn chương cả một thời, nhưng chẳng bao giờ tê tái thăm thẳm như trong những “dầu lạc” của Nguyễn Tuân, ở chú Trô chủ tiệm hay ông Thông Phu của Chiếc lư đồng mắt cua; quá vãng vàng son tắc tị, gỉ sét, đóng cặn ở những thân phận con người lẽ ra có thể hào hùng cái thế, nơi vực sâu mà ít người thực sự dám thả mình vào cho ám khói từ trong ra ngoài và nhờn nhợt muôn đời thứ phấn hương thập thành đến hồi phôi phai không thể hồi phục.
Sau này người ta cứ hay so sánh Nguyễn Tuân với Võ Phiến, trong khi chẳng có gì khác nhau hơn thế, ở Võ Phiến là “tinh quái của nhìn nhận”, còn Nguyễn Tuân của năm 1941 không có ánh mắt nào dõi ra bên ngoài, cả ở chuyến đi Hương Cảng cũng là nhì nhùng lặn ngụp của cõi vực thẳm bên trong, mọi thứ có sẵn ở đó chứ không cần giơ tay với ra, tiếng cười nào cũng thảm khốc và thứ trò diễn nào cũng cay đắng buồn.
Sau này, bình luận về Nguyễn Tuân, những trích dẫn đặt cách nhau nhiều sự đặt câu quái gở “Tôi tự rước tôi ra đường”, “Tôi tự phóng hỏa tôi” vân vân làm thiên lệch hẳn nhìn nhận vào văn chương của Nguyễn Tuân; nó không ngông đến cỡ đó, nó cũng không gọt giũa câu chữ đến cỡ đó, mặc dù độ ngông và độ tỉ mẩn câu từ của Nguyễn Tuân dĩ nhiên là hơn đứt mọi nhà văn khác; để nhìn được vào văn chương Nguyễn Tuân thì cần đặt ra cả một thế giới giả định hòng thâu tóm được cái toàn bộ, chứ những biểu hiện lặt vặt không nói lên điều gì.
Sự đứt đoạn mà không màu mè, mà không bi thống, chỉ Nguyễn Tuân mới làm được, vào cái năm 1941 ấy.
Nguồn: http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/12/nguyen-tuan-van-chuong-cua-dut-doan.html