Trương Thị Ngọc Hân
Cho đến nay vẫn còn không ít người than phiền rằng: Nền văn học Việt nghèo nàn, quá ít tác phẩm hay và có giá trị. Dù xét ở phương diện và góc độ nào thì những nhận định như thế đều rất phiến diện. Bởi vì nếu theo dõi một cách thường xuyên và quan tâm thực sự sâu sát thì ai cũng đều nhận thấy rõ những bước chuyển rất đáng ghi nhận của các cây bút thế hệ mới (sau 1975) như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Bảo Ninh… Những cây bút này đã và đang đem đến cho nền văn học nước ta những luồng gió mới, tiếng nói mới, cách nhìn mới và họ chính là những cây bút đang nỗ lực hết mình trên cuộc hành trình đổi mới văn chương.
Trong bài viết này, chúng tôi xin đi vào tìm hiểu một số đặc điểm và sáng tác của Nguyễn Viện — một “hiện tượng” văn xuôi đương đại.
1.
Với nhiều độc giả Việt Nam, cái tên Nguyễn Viện còn khá xa lạ và không phải ai đọc Nguyễn Viện rồi cũng đều có cảm tình. Một phần vì cho đến nay thói quen đọc và tiếp nhận tác phẩm của độc giả Việt vẫn chưa thay đổi (người Việt đa phần vẫn thích những bức tranh lành lặn không tì vết, những tấm gương sáng ngời, thuần khiết, những chi tiết làm cảm động, rưng rưng); phần vì những sáng tác của Nguyễn Viện chưa được ấn hành rộng rãi trong nước mà phần lớn chỉ lưu hành trên Internet (ở các trang: tienve.org, hopluu.net, talawas.org, vannghe.free.fr). [Xin xem chi tiết xuất bản ở trang tiểu sử Nguyễn Viện]
Nhiều người đọc văn Nguyễn Viện không khỏi bực bội vì chẳng thể tìm thấy một cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn nào; nhiều độc giả cầu kỳ không khỏi nản lòng vì không biết xếp sáng tác Nguyễn Viện vào ngăn nào trong các khung thể loại đã định sẵn; còn với nhiều độc giả “hiền lành” chắc chắn không khỏi choáng váng (thậm chí dị ứng) với lối viết táo bạo không kiêng nể của Nguyễn Viện và đánh giá văn ông là “zâm zật, đểu cáng”.[1] Lại cũng có những người, sau phút ngỡ ngàng ban đầu thì cảm thấy bị lôi cuốn thực sự. Khi được hỏi về điều này Nguyễn Viện đã trả lời: “Bất cứ lời khen hay chê nào đối với tôi cũng là một tín hiệu tích cực”.[2] Nói như thế cũng có nghĩa là giá trị của tác phẩm sẽ được kiểm chứng, “định giá” bởi thời gian.
Trong bài trả lời phỏng vấn do Pierre Bùi thực hiện, Nguyễn Viện đã không ngần ngại khẳng định rằng: “Tôi đang đứng đúng điểm rơi của lịch sử”.[3] Có lẽ vì thế, nên lúc nào Nguyễn Viện cũng sợ mình không đủ sức để viết. Ông viết như một hối thúc của con tim, như sự trói buộc của số phận, như sự vận vào từ tiền kiếp và cao hơn hết với Nguyễn Viện: viết, mang lại cho ông “hạnh phúc được sáng tạo, sự ngạo nghễ của một con người và nó lấy đi nỗi buồn, sự hèn mạt trong cuộc sống”.[4] Đọc văn Nguyễn Viện ta thấy các chữ xô nhau, chen nhau, móc nối vào nhau miệt mài, mê mải, nhiều khi kết lại, nghẽn lại như một niềm ẩn ức kiềm toả, có khi lại bùng phát chói sáng như được xả, được giải thoát để vươn tới chân trời của tự do.
2.
Quả thực, đối với Nguyễn Viện, hiện thực Việt Nam đương đại là một đề tài vô tận để ông khai thác. Người đọc có lúc thấy “gai người”. Bao nhiêu sự thật diễn ra trong đời sống thô thiển, tệ mạt tới mức tưởng như không ai có đủ dũng cảm đưa vào văn chương. Nhưng với Nguyễn Viện, thì hiện thực nham nhở, gồ ghề, nhầy nhụa, nhớp nhúa cứ tự nhiên đan kết trong tác phẩm của ông. Ta có cảm tưởng hiện thực đã tìm đến Nguyễn Viện, câu chữ tìm đến Nguyễn Viện chứ ông không phải lao tâm đi tìm chủ đề, khổ công mò tìm chữ nghĩa.
Hiện thực trong văn Nguyễn Viện là hiện thực phân mảnh, vụn rời. Nó đã bị bẻ chéo, băm nát, thái vụn. Ông không sáng tác văn bản lớn, không lưu tâm tới những hiện thực đồ sộ, những trường thiên tiểu thuyết dài hàng nghìn trang; không ưa những câu chuyện hàng chục, hàng trăm nhân vật với nhiều mâu thuẫn, khúc mắc cần giải quyết; cũng không chuộng những kịch tính được đẩy tới đỉnh điểm; không say mê những cuộc đấu tranh một mất một còn, với ranh giới rất rõ ràng: sáng – tối, tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn. Những cuộc đấu tranh nội tâm triền miên, dai dẳng biến mất, chỉ còn “những mảng ý nghĩ, mảng đối thoại, những câu nói”. Nguyễn Viện đã chụp nhanh những khoảnh khắc của cuộc sống: đó là những trạng thái lưỡng phân trong xúc cảm giới tính (“Cơn đau thắt giữa hai đùi”); đó là khoảnh khắc con người tự cho phép mình đuổi theo những ý nghĩ và hành động rồ dại (“Thành hoàng”); là nghiệp chướng của một dòng họ độc đinh (“Hồi ức trong máu”); là hiện thực nhoè nhoẹt của những số phận không tên tuổi (“Mù mờ váy”); là bức tranh đa sắc của dâm tính hay khát vọng giải toả những ẩn ức mà trước tiên là sự giải thoát về thể xác (“Mưa nước bọt”), v.v…
Ngòi bút của Nguyễn Viện đã bắt rễ vào cuộc sống. Ông đã tạo ra những “tạp pí lù”, những “nồi lẩu nhân gian” đa vị của cuộc sống hiện đại. Ở đó không thiếu một loại người nào từ: vệ sĩ, nghệ sĩ, giang hồ, lưu manh, hành khất, con sen, hàn sĩ, má mì, gái điếm, phu nhân, lái buôn, đại phú ông, cảnh vệ cho đến vua chúa, “anh Hai, anh Ba”, v.v… Những con rối này được thả vào một loại dung dịch đặc biệt: nhầy nhụa những máu, dãi, đờm, phân, nước tiểu, tinh dịch. Tất cả đan dệt với nhau bằng “một thứ ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn xác, tinh tế, khoái hoạt, trào lộng phần lớn tục tĩu song vẫn giàu chất nghệ thuật”.[5] Và vì thế cũng là hoàn toàn dễ hiểu khi có những người phải bịt mũi, phải chóng mặt, nhức đầu rồi buông ra những lời thoá mạ khi đọc văn ông.
Với nhiều cây bút thì việc tái hiện thực tại đổ vỡ và nỗ lực tái tạo sắp xếp lại nó luôn là hai quá trình đồng thời. (Đây cũng là lối viết phổ biến của các cây bút trước 1975, đặc biệt ở miền Bắc). Còn với Nguyễn Viện, ông lại chấp nhận thực tại đổ vỡ như một điều hiển nhiên. Ông không có ý định sắp xếp, lắp ráp lại những gì đổ nát, đắp điếm cho chúng lành lặn, tròn trịa như những cây bút trước đây vẫn làm. Nguyễn Viện cứ để hiện thực phơi bày ra với tất cả chiều kích, đường nét, quy mô, hình dáng của nó. Phần lớn hiện thực trong tác phẩm của ông rất khó coi, khó ưa, khó nhìn, khó nghe. Nhưng đó lại chính là bản chất của thời hiện đại. Vì thế mà bước vào tác phẩm của Nguyễn Viện là thả mình vào nồng độ lưu huỳnh đậm đặc của một khí quyển văn siêu thực… Một ý thức khẩn cấp thúc hối dấy lên từ sự tương khắc, tương sinh giữa ảm ánh tận thế và xác tín cứu chuộc tôn giáo. (Dương Tường)[6]
Nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Viện thường nhoè nhoẹt, mờ ảo, không rõ hình rõ ảnh, chúng tồn tại đấy nhưng thực ra là vắng mặt. Không ngoại hình, không lai lịch. Chúng bị cô lập với thế giới bên ngoài, cắt đứt với quá khứ, tương lai. Chúng hầu như chỉ sống với những khoảnh khắc của hiện tại. Nhà văn thường không đặt nhân vật của mình trong một không gian cụ thể nhưng người đọc vẫn nhìn thấy “bầu khí quyển” mà nhân vật đã sống và hít thở. Bầu khí quyển ấy ô nhiễm, oi bức, ngột ngạt đến mức các nhân vật của Nguyễn Viện thường có ước vọng được đập phá, được trốn chạy, được nổ tung thậm chí được chối bỏ, khước từ, cự tuyệt với những gì thuộc về mình. Vì thế mà ta nhận thấy Nguyễn Viện đã phá tung những ràng buộc của hình thức tác phẩm. Ông ưa dùng những câu đơn ngắn, đặt chúng trong sự nối tiếp dồn dập đến nghẹt thở. Các yếu tố kịch, thơ được ông đan dệt, kết nối khá nhuần nhuyễn tạo thành những tác phẩm giàu tính triết lý.
3.
Đọc tác phẩm của Nguyễn Viện, người đọc như bước vào những “ma trận”. Ông thường dùng kết cấu song song (hay chuỗi xoắn kép) trong tác phẩm của mình. Và nếu cứ đi tìm sự rành mạch trong cốt truyện với những tình tiết rõ ràng cụ thể người đọc sẽ mãi chỉ đứng ngoài cửa của “ngôi nhà bí ẩn” ấy. Vì thực tế, mạch truyện trong tác phẩm Nguyễn Viện không đi theo logic tuyến tính thông thường. Truyện của ông là mạch truyện phi tuyến tính. Đây chính là một “phương thuốc” hữu hiệu nhằm tạo ra nhiều tầng, nhiều vỉa, nhiều lớp nghĩa cho tác phẩm. Trong “Cơn đau thắt giữa hai đùi”, đằng sau câu chuyện về một kẻ bệnh hoạn muốn thay đổi giới tính còn là một cái nhìn dửng dưng thoả hiệp với cái quái đản? còn là ước vọng được thay đổi cho dù chỉ là sự thay đổi về thể xác? hay còn là một điều gì khác nữa được toát lên từ những dòng chữ xô đẩy nhau, chen lấn nhau kia? Tác phẩm “Thần Kim Quy chưa chết” là câu chuyện về người họa sỹ vẽ rùa? Hay là lời khái quát về nền nghệ thuật của một dân tộc? Hay còn là những ẩn ý chưa nói hết khi tác giả hạ bút: “Đến lúc ấy hắn mới ngộ ra rằng, cây cọ thần của đời hắn chính là người đàn bà trời cho kia, chẳng có thần Kim Quy nào cả. Nhưng cũng đúng lúc ấy, thần Kim Quy xuất hiện trước mặt hắn nói: “Bản quyền của những bức tranh mày vẽ phải thuộc về ta”? Còn “Mưa nước bọt” lại nêu ra sự lẫn lộn trong cảm giác của con người về cuộc sống, là lời khẳng định về số phận cô đơn của con người hay còn là lối giễu nhại trước những gì đã trở thành chân lý, v.v…
Chuỗi xoắn kép được thể hiện bằng dấu hiệu hình thức rất dễ nhận thấy. Phông chữ của các mạch truyện được in khác nhau. Có khi người đọc tìm thấy những chữ kiểu giống nhau để ghép lại. Kiểu đọc này thường phải “nhảy cóc” giữa văn bản vì chúng được in vụn rời với nhau. Song cũng có khi đọc lần lượt từ đầu đến cuối để tìm thấy sự dồn nét, kết nối chằng chịt bất tận của lời văn. Kiểu đọc này tuân theo trật tự thông thường của tác phẩm và hầu như nó đem lại cho người đọc cảm giác thật về cuộc sống: bức bối, ngột ngạt, vì tư tưởng muốn vượt thoát nhưng bàn chân bị níu giữ, trì kéo bởi một sức mạnh vô hình. Câu trúc song song này nhiều khi được tác giả sắp xếp các sự việc một cách chặt chẽ gần gũi nhau. Nhưng cũng có khi khoảng cách những chuyện ấy rất lớn. Người đọc ngạc nhiên thực sự khi khám phá ra tầng tầng lớp lớp những vỉa ý nghĩa trong một văn bản dài có khi không đầy trang giấy. Và mỗi người có thể có một cách lý giải từ đó tự đi tìm cho mình một kết luận. Cho nên sẽ rất ngớ ngẩn cho những ai muốn cột chặt tác phẩm Nguyễn Viện và một ba rem, một đường biên ý nghĩa nào đó.
Nhìn chung, cấu trúc song song là một kiểu kết cấu mới mà Nguyễn Viện đã tạo ra nhằm dồn nén chữ nghĩa, đạt tới sức nặng của một văn bản cực kỳ gọn nhẹ. Đó cũng là kiểu văn bản thích ứng với cuộc sống hiện đại của con người khi mà con người quá bận bịu, không có nhiều thời giờ để nhấm nháp những văn bản dài hơi.
4.
Đọc Nguyễn Viện, ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tác phẩm của ông lạ, độc đáo không chỉ ở việc đi vào hiện thực mảnh vỡ, tạo kết cấu song song mà ông còn tạo ra văn bản đồng sáng tạo. Trong lời giới thiệu truyện “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”, toà soạn Tiền Vệ viết:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. “Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai” là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”…
Đây là một thao tác, một phương pháp viết mới chưa từng xuất hiện ở Việt Nam (và có lẽ cũng chưa từng có ở nơi nào khác).
Trước kia độc giả – tác phẩm – tác giả là ba khâu gần như độc lập tách rời nhau. Mỗi khâu tự đóng khung trong khuôn khổ của chúng. Tác phẩm là đứa con tinh thần của tác giả, tác phẩm nhiều khi là “chiếc loa” phát ngôn cho tác giả. Còn độc giả tiếp nhận, bị “dẫn dắt” theo định hướng của nhà văn. Với “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”, Nguyễn Viện đã xóa nhoà ranh giới, phá vỡ bức tường ngăn cách giữa tác phẩm – tác giả – độc giả. Quá trình sáng tạo sẽ không chỉ còn là sân chơi của tác giả độc chiếm mà người đọc đã được lôi kéo, mời mọc vào một cuộc chơi có thể cực ngắn, cũng có thể kéo dài đến vô tận. Dung lượng trong tác phẩm vì thể trở thành vô giới hạn, sự tiếp nhận của độc giả vì thể cực kì dân chủ, tự do. Ta hãy thử thưởng thức một đoạn :
Bí mật thứ ba của Đ: “Em ăn chay trường nên thấy nhiều tâm tướng lạ”.
Thư của Chiều: “Em đang làm luận án tốt nghiệp. Huế trưa nóng vỡ đầu, đêm lạnh cắt da. Em cũng không biết rồi em sẽ ra sao”.
Thư của LL: “Em nghe hơi nồi chõ mọi người thỉnh thoảng nhắc đến bác. Cũng tò mò, muốn tìm đọc truyện của bác. Hà Nội đang lạnh. Ở Sài Gòn bác thế nào?”
Tôi nói với Đ: Em ăn chay trường thì nên tụng anh sẽ đáo bỉ ngạn. Nói với Chiều: Nóng ban ngày lạnh ban đêm là dấu hiệu của khí huyết loạn, cần phải điều hòa kinh nguyệt. Nói với LL: Đọc truyện anh thì không cần đắp chăn. (“Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]”)
Khoan xét đến nội dung của những “mail” này thì rõ ràng đây là một động thái mới của Nguyễn Viện. Ông đã dám phá vỡ những đường biên có sẵn, bứt phá khỏi đường mòn cũ nhàm.
Từ ngày đầu “khởi xướng” (6/11/2004) cho đến khi kết thúc, “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh” đã kéo dài đến kỳ thứ 49. Đó là tín hiệu vui cho không chỉ với Nguyễn Viện mà cho cả nền văn học Việt. Vì độc giả Việt đã không quay lưng lại với những thử nghiệm bước đầu này. Điều đó cũng cho ta thấy rằng một lớp độc giả mới với cách tiếp nhận mới đang hình thành (dù vẫn còn dè dặt và thận trọng). Nói như Nguyễn Hưng Quốc:
Mỗi thử nghiệm, nếu không làm xuất hiện những đỉnh cao, thật cao trong sáng tạo thì ít nhất nó cũng làm cánh đồng văn học nghệ thuật được đa dạng hơn, nhãn giới thẩm mỹ của những người làm văn nghệ được mở rộng hơn, và tâm lý của người đọc cũng dần dần bao dung hơn, từ đó, dễ chấp nhận những cái mới hơn. Bởi vậy, tôi không tin là trong lãnh vực văn học nghệ thuật, người ta có thể tìm ra một lý do chính đáng nào để từ chối việc tìm tòi hay tiếp nhận các thử nghiệm.[7]
Đến đây chúng ta không thể không nhớ tới Lỗ Tấn. Trong một bài tạp văn của mình, ông đã kể về một người không thích đi theo kiểu cũ đã học tập cách đi của người Cam Thiền. Người Cam Thiền không cho học và anh ta đã quên mất cách đi cũ của mình thành ra phải bò. Thoạt trông, Nguyễn Viện cũng giống như con người kia: không chịu đi theo lối cũ mà muốn có một kiểu đi của riêng mình. Nhưng chúng ta đều có cơ sở để hi vọng: Nguyễn Viện khác với người trong câu chuyện của Lỗ Tấn ở chỗ: Ông cuối cùng không phải bò mà bước đi bằng một kiểu của riêng ông: độc đáo, mới lạ và không kém phần hấp dẫn.
Viết xong tháng 4 năm 2006
Đại học Vinh
Nguồn: http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4863
SÁCH MỚI
EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH… Tiểu thuyết mở của Nguyễn Viện, phiên bản mới do NXB Sống phát hành. Bán trên mạng lưới toàn cầu amazon.com : http://www.amazon.com/Mat-Hay-Mail-Cho-Vietnamese/dp/1508924759/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1427215690&sr=8-1&keywords=Em+Co+Gi+Bi+Mat%2C+Hay+Mail+Cho+Anh
”Đọc Nguyễn Viện, ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tác phẩm của ông lạ, độc đáo không chỉ ở việc đi vào hiện thực mảnh vỡ, tạo kết cấu song song mà ông còn tạo ra văn bản đồng sáng tạo. Trong lời giới thiệu truyện “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”, toà soạn Tiền Vệ viết:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. “Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai” là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”…
Đây là một thao tác, một phương pháp viết mới chưa từng xuất hiện ở Việt Nam (và có lẽ cũng chưa từng có ở nơi nào khác).”
(http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4863)