Nhà Phê bình văn-chương và Nghiên cứu văn-học Nguyễn Văn Trung

Nguyễn Vy Khanh

Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930 tại tỉnh Hà Nam, giáo sư triết và văn-học, và là một nhà phê-bình văn-học hiện-đại thế hệ mới sau 1954, với các bút hiệu khác: Hoàng Thái Linh, Phan Mai. Năm 1951 được nhà dòng tu gửi đi du học ở Âu Châu, ở Toulouse rồi sang Bỉ học Đại học Louvain, đậu cử nhân triết học, theo ban tiến sĩ triết học (luận án Tiến sĩ triết học trình năm 1961). Cuối năm 1955 về Sài gòn, dạy triết ở trường Chu Văn An. Từ 1957, dạy triết tại Đại học Huế và từ 1961 dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài-gòn, trưởng ban Triết và Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài-Gòn, ủy viên Ủy ban Dịch thuật thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa. Sau 1975, ông chuyển sang nghiên cứu văn-hóa miền Nam lục-tỉnh (Lục Châu Học) và năm 1994, định cư ở Montréal (Canada). Ông từng cộng tác, đăng bài trên các nhật báo Sống Đạo, Tin Sáng, Dân Chủ Mới, Sống Đạo, Hoà Bình,… các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Nghiên Cứu Văn Học, Thái Độ, v.v…và là chủ biên các tạp-chí Đại Học, Hành Trình Đất Nước.


Giáo-sư Nguyễn Văn Trung có các công trình biên-khảo, nghị luận về văn học và liên hệ đến triết học, xã hội và tôn giáo, phần lớn đều do nhà xuất-bản Nam Sơn ở Sài-Gòn ấn hành. Bộ Lược Khảo Văn Học (1963-) là công trình quan trọng nhất về phê-bình và lý luận văn-học ở miền Nam, xuất-bản sau tập Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu Thuyết (1962). Trước 1975, giáo-sư đã có các tác-phẩm xuất bản:

Về triết học: Triết Học Tổng Quát (Vĩnh Bảo, 1957), Danh Từ Triết Học (chung với LM Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần Văn Tuyên, LM Xuân Corpet; Huế: Đại Học, 1958), Biện Chứng Giải Thoát trong Phật Giáo (Đại Học, 1958), La conception bouddhique du Devenir: essai sur la notion de devenir selon le Sthaviravâda (Thèse, 1959. 164 tr.; Xã Hội, 1962), Ngôn Ngữ và Thân Xác (Trình Bày, 1968), Ca Tụng Thân Xác (Nam Sơn, 1967), Hành Trình Trí Thức của Karl Marx (1- “Con người và cuộc đời”; Nam Sơn 1969), Đưa Vào Triết Học (Nam Sơn, 1970), các tập Nhận Định I (“Văn-chương, giáo-dục, triết-lý, tôn-giáo”, Nguyễn Du, 1958), II (Đại Học, 1959), III (Nam Sơn, 1963), IV (Nam Sơn, 1966), V (Nam Sơn, 1969) và VI (Nam Sơn, 1972), và các sách giáo khoa: Luận Lý Học (Á Châu, 1957; Nam Sơn, 1960), Đạo Đức Học (Á Châu, 1957), Luận Triết Học (tập I, Nam Sơn, 1960), Phương Pháp Làm Luận Triết Học (Nam Sơn, 196?),

Về văn học: Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu Thuyết (Cơ sở xuất bản Tự Do, 1962; Nam Sơn, 1965), Lược Khảo Văn Học, tập I (Những vấn-đề tổng-quát, Nam Sơn 1963), II (Ngôn ngữ văn chương và kịch, 1965), III (Nghiên cứu và phê bình văn học, 1968) [ngoài ra còn có thêm tập Lược Khảo Văn Học: tài liệu đọc “Dành riêng cho sinh viên Đại học Văn khoa niên khóa 1965-1966”], Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại (Nam Sơn, 1963) (16), Nhà Văn Người Là Ai Với Ai? (“Văn-chương và chính-trị”, Nam Sơn 1965), Chữ và Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc (Nam Sơn, 1974), Trường Hợp Phạm Quỳnh (phỏng vấn những người viết sách báo đương thời với Phạm Quỳnh; Nam Sơn 1974), Chủ Đích Nam Phong (Tủ sách Tìm về Dân-tộc, Trí Đăng, 1972), Vụ Án Truyện Kiều (tập hợp những bài viết trong vụ tranh luận về truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh năm 1924, xuất-bản năm 1972) (17).

Ngoài ra, ông còn viết Góp Phần Phê Phán Giáo Dục và Đại Học (Trình Bày, 1967), Đại-Học và Phát Triển Quốc Gia (“Phụ-lục: Phác họa dự án cải tổ Đại-Học Văn Khoa”, Tổng Hội Sinh viên Sài-Gòn, 1967. 71 tr.), “Xã hội chủ nghĩa trước vấn đề độc lập quốc gia và giải phóng dân tộc” (ronéo, 1967) và là đồng tác-giả các tuyển tập văn-học Chân Dung Nguyễn Du (Nam Sơn, 1960) và về chính-trị xã-hội: Người Công Giáo Trước Thời Đại (nhiều tác giả; Đạo và Đời, 1961), Lương Tâm Công Giáo và Công Bằng Xă Hội (Nam Sơn, 1963), v.v.

Hành trình trí thức của giáo-sư Nguyễn Văn Trung trải qua nhiều giai đoạn: từ cuối thập niên 1950 đến biến cố 1-11-1963, ông viết và giới thiệu các lý thuyết và triết học Hiện sinh thuần lý hoặc áp dụng cho văn-chương, đã chọn “Sartre làm mẫu mực cho mình”; từ sau 1964, ông “từ bỏ tất cả những gì đã viết trước đây về hiện sinh theo chiều hướng triết lý thuần túy” (“Sartre trong đời tôi”. Bách Khoa, 265 & 266, 15-1-1968), nhìn nhận “thật là chướng nếu cứ tiếp tục trình bày một thứ biên-khảo sáng-tác thoát ly viễn mơ (…) tôi thấy không thể giữ thái độ trên được nữa” (Lời Nói Đầu. Nhận Định 5), ông dấn thân xã-hội chính-trị, đã phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký. Trong chiều hướng thời thượng đó, trong Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc (1974), giáo sư Trung đã đưa ra luận điểm bôi đen thành quả đóng góp với dân-tộc, cho rằng việc “sáng lập và sử-dụng chữ quốc-ngữ nhằm mục đích cô lập người công giáo Việt-Nam với cộng đồng dân-tộc bằng cách xóa bỏ chữ Nho, chữ Nôm, …” (18). Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy cũng xuất hành từ những luận điểm của giáo-sư Trung trong các tác-phẩm này để làm luận án đại học và biên-khảo về Trương Vĩnh Ký và văn-học miền Nam!

Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu Thuyết trình bày Tổng quát về văn-chương, Xây dựng tác-phẩm tiểu-thuyết bàn về nhân-vật và con người trong tiểu-thuyết và không-gian của tiểu-thuyết. Phụ lục nói về quan niệm tiểu-thuyết mới phủ nhận con người của Nathalie Sarraute và quan niệm truyện là thơ của Michel Butor. Mục-đích để “giới thiệu một phác họa những nét lớn của một quan niệm phê-bình văn-học” và “nhấn mạnh vào sự kiện đa nguyên về thẩm mỹ của tiểu-thuyết”, với một cái nhìn văn-học tiến bộ, hiện-đại với viễn tượng, kết quả không nhất thiết tính toán trước được, theo ông, “một tác-phẩm nghệ-thuật cũng có một công dụng hữu ích, nhưng công dụng ở đây là cái kết quả đến sau, không phải là bản chất, yếu tính của nghệ phẩm. (…) Đó là sự khác biệt giữa ý hướng nghệ-thuật và ý hướng cần lao; cần lao giống nghệ-thuật ở điểm cả hai đều nhằm biến đổi, sáng-tạo, nhưng khác nhau về mục-đích sáng tạo. Một đằng nhằm công dụng ích lởi, một đằng nhằm thưởng ngoạn. Nghệ-thuật là một thứ chơi, chữ chơi hiểu theo nghĩa tổng quát của nó chỉ thị một hoạt động tự nó có một mục-đích tự tại: chơi để chơi. Vì nếu chơi mà kiếm lợi sinh nhai thì không còn phải là chơi nữa…” (tr. 18).

Theo giáo-sư, tiểu-thuyết phải là sản phẩm của tưởng tượng: “Có một sự khác biệt về ý hướng viết giữa một nhà văn và một nhà sử học hay một nhà suy tưởng, vì vũ trụ của văn-chương không phải là vũ trụ của sự-kiện, chân-lý và hành-động, mà là vũ trụ của tưởng tượng” (tr. 48). Sau đó ông đi xa hơn khi bàn đến ngụy tín trong văn-chương: “khi viết, tôi chỉ như bơi trong vũ trụ của tưởng tượng mà vẫn tưởng nó là thật. Do đó không thể viết, nếu ý hướng viết không thiết yếu bao hàm cái mà J.P. Sartre gọi là “Ngụy tín” (La mauvaise foi), nghĩa là tự dối mình mà không biết, một nhầm lẫn mà không biết là mình nhầm lẫn; vì ngụy tín chính là một niềm tin (La mauvaise foi est foi)… Có thể nói: viết là một cách phản bội thực tại, vì đằng sau những chữ có vẻ linh động, quyến rũ, người ta chỉ tìm thấy một trống rỗng càng ngày càng sâu khi càng đi vào mô tả. (…) Cho nên mọi sự xẩy ra đối với người viết cũng như người đọc, nếu không có thái độ giả vờ là niềm tin đó, không thể có tiểu-thuyết. Và do đó, có thể nói: viết, đọc tiểu-thuyết là một quên lãng, một đãng trí hiểu theo nghĩa rất mạnh của nó” (tr. 50-51). Khi viết về Michel Butor, giáo-sư Nguyễn Văn Trung đã có nhận định gây chú ý: “Thơ vừa có thể là thực, vừa là không thực. Thực vì bắt đầu từ cuộc đời hằng ngày, không thực vì bao giờ cũng vượt xa nó. Thơ đưa chúng ta vào một thế-giới huyền ảo, sâu xa của tưởng tượng, tôn giáo, thần thoại. Thế-giới đó không phủ nhận cuộc đời hằng ngày nhưng chỉ khác biệt thôi… (19).

Những tư tưởng, lý luận phân tích văn-học của giáo-sư rất mới vào thời đó, và đã bị một số phê-bình của các nhà văn căn cứ trên cứu-cánh của tiểu-thuyết và văn-chương phải có đóng góp cho xã-hội, văn-học, và nhà văn có vai trò tích cực và quan hệ xã-hội!

Bộ Lược Khảo Văn Học (1963-) gồm 3 tập: 1- Những vấn-đề tổng quát, 2-Ngôn-ngữ văn-chương và kịch và 3-Nghiên cứu và phê-bình văn-học. Khi mới xuất-bản đã chinh phục giới nghiên cứu và phê-bình văn-học ở miền Nam. Ngay Lời nói đầu, ông cho biết “muốn tìm hiểu văn-chương, thiết tưởng có thể lấy ngôn-ngữ làm khởi điểm suy tưởng nhằm giải đáp những vấn-đề văn-chương đặt ra. Sáng tác văn-chương, làm văn-học là đụng chân tới tiếng nói, chữ viết. Do đó vấn-đề nền tảng sẽ là xác định ngôn-ngữ của văn-chương khác với ngôn-ngữ hằng ngày hoặc ngôn-ngữ của biên-khảo như thế nào” “ngôn-ngữ văn-chương, nghệ-thuật luôn luôn là một ngôn-ngữ gián tiếp: nói bằng cách không nói ra, hoặc cái nói, viết ra chỉ là dấu hiệu của cái không nói ra. Ngôn-ngữ gián tiếp là ngôn-ngữ ám chỉ, là tiếng nói câm lặng (Viết là gì). Từ sự phân biệt nền tảng ấy chúng ta có thể tìm thấy một hướng đi để nhìn những vấn-đề nội-dung, hình-thức, tương quan giữa văn-học và xã-hội, giữa luân lý và văn-học (chương Viết cái gì), hoặc vấn-đề liên đới ‘dấn thân’ của nhà văn trong xã-hội (chương Tại sao viết), vấn-đề qui định những điều kiện sáng-tác xây dựng tác-phẩm (Viết thế nào) và sau cùng vấn-đề mục-đích của văn-học (Viết cho ai)” (tr. 13-14).

Theo giáo-sư, nội-dung và hình-thức tuy hai mà một không thể tách biệt nhau, cũng như văn-chương và xã-hội có mối tương quan mật thiết, do đó nhà văn có nhiệm vụ vượt lên hoàn cảnh của riêng mình để hướng về một sứ-mạngvăn-hóa cao hơn: “Nhà văn viết là để thực hiện một sứ mệnh cao cả. Do đó, văn-chương bao hàm tính chất nhân-bản, hay chứa đựng một chủ nghĩa nhân đạo. Nhân bản vì văn-chương biểu lộ một niềm tin ở con người, tôn trọng con người chống lại mọi hình-thức chà đạp, bóc lột, bóp nghẹt, khinh miệt con người.

Văn-chương là một sự đối kháng và nhà văn là một người phản kháng. Dĩ nhiên nhà văn chỉ thực hiện được sứ mệnh trên ở một mức độ cao nếu nhà văn tha thiết với con người gắn bó nhiều với cuộc đời, đồng thời có thể cảm trước được những điều người khác chỉ mơ hồ cảm thấy, biết trước được hướng phải tiến lên mà người khác chỉ lờ mờ nhìn thấy” (tr. 152), sau khi đã khẳng định: “không thể đòi hỏi ở nhà văn một thái độ dấn thân vào đời giống như thái độ mà nhà chiến-tranh hay trí thức… mà là vấn-đề thực hiện ý thức đó thế nào” (tr. 113).

Ngoài ra trong tập 1 của bộ biên-khảo này, giáo-sư Trung đã đề cao phép “phê bình bút pháp” mà theo ông, “Hình thức văn chương là cách tổ chức, xây dựng ngôn ngữ để biểu hiện nội dung văn chương. Nó bao gồm một sự chú ý sáng tạo, xếp đặt hình ảnh những chữ, những câu, những đoạn theo một cơ cấu nào đó” (tr. 71); “Hình thức trong văn chương là kiến trúc của tác phẩm. Nó qui định những tương quan giữa các phần, bộ phận đó với nhau...” (tr. 72),… Trong phần cuối tập 3, sau khi đã giới thiệu các phương pháp phê-bình văn-học thường dùng hoặc chưa được sử-dụng ở Việt-Nam, giáo-sư Trung mở ra, xem”phê-bình là một sáng-tạo” với hai kết luận: 1-”Tác-phẩm, khi đã hoàn thành đối với tác-giả, tách rời tác-giả, trở thành một sự vật độc lập, và tuy bên trong nó vẫn chuyên chở một ý nghĩa, lời gửi nào đó của tác-giả, đối với độc giả, bây giờ, nó cũng chỉ còn là một hệ thống những tín hiệu mà bản chất là hàm hồ, nghĩa là có thể chuyên chở nhiều ý nghĩa khác mà người đọc, nhà phê-bình có thể gán cho nó”, và 2-”Người đọc, nhà phê-bình khi đi tới tác-phẩm, chỉ còn là một hệ thống tín hiệu có thể mặc nhiều ý nghĩa, không thể tránh được một sự cần thiết đứng ở một vị trí quan điểm nào đó để lãnh hội tác-phẩm (…) tác-phẩm không những chỉ là tín hiệu, mà còn là vết tích” (…) nhà phê-bình không phải chỉ là nhắc lại tác-giả nhưng còn là một sáng-tạo (…) Một tác-phẩm chỉ sống mãi nếu có khả năng đón nhận những sức sống mới mà nhữ g thời đại tiếp sau bồi bổ cho. Nhưng chỉ có khả năng đón nhận cái mới nếu nó không khép kín, hoàn tất. Cho nên tác-phẩm sống là một công trình luôn luôn còn đang hình thành đối với người đọc và nhà phê-bình…” (tr. 350-357).

Tập 3 về Nghiên cứu và phê-bình văn-học, giáo-sư trình bày và hệ thống hóa các phương-pháp phê-bình hiện-đại nhất vào thời đó, như phê bình văn bản của J-P Sartre và Bachelard (Trước đó, đã đăng tải tiểu luận với tựa “Những quan niệm phê bình mới”, Nghiên Cứu Văn Học, số 7-1968). Với Sartre, phê bình văn học theo hiện tượng luận làm công việc phân tách, trình bày kiến trúc xây dựng tác phẩm, bút pháp: một lối chấm câu, xuống hàng, một cách tạo hình ảnh, một quan niệm sử dụng những yếu tố ngôn ngữ, ngữ pháp (dùng động từ, tĩnh từ hay trạng từ, v.v.), một cách lựa chọn ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, v.v.; sau đó sẽ khai triển ý nghĩa hiện sinh của bút pháp hiểu như một lối viết riêng biệt, là chủ ý chọn lựa của nhà văn, đồng nghĩa với những ý hướng căn bản về thái độ cảm nghĩ, ứng xử trước cuộc đời. Như vậy, với hiện tượng luận hiện sinh mỗi tác phẩm văn học đã là một cấu trúc ý hướng hiện sinh trọn vẹn và đủ đầy. Phân tích văn học vì thế là hành vi phân tích ý hướng hiện sinh được phóng chiếu vào trong văn bản, hoặc ngược lại, từ văn bản ra.

Các bài khác ông viết về cơ cấu luận: “Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn-đề tiếp thu” (Bách Khoa, số 293-294, 15-3 & 1-4-1969; Nhận Định V); “Phê bình mới, phê bình cũ” (Bách khoa, số 381, 15-11-1972); “Phác họa hiện tượng luận về thẩm mỹ học của tiểu thuyết” của Nguyễn Văn Trung (Đại Học, số 2, 1961),…

Các tập Nhận Định theo hình-thức của các tập Situations của Jean-Paul Sartre, ActuellesCarnets của Albert Camus, v.v. Tập I (1957-8) đến tập VI (1972) là những tạp-văn triết lý về những vấn-đề triết học, xã-hội và văn-học, mỗi tập chủ đề riêng, với phương-pháp nhận thức và tra hỏi, đặt vấn-đề, “… một nỗ lực giải quyết những thắc mắc của một người trong hoàn cảnh riêng biệt của mình (...) như tiếng chuông thức tỉnh tôi tự đi tìm cho mình một giải đáp phù hợp với những thắc mắc riêng tư của tôi (… và) để mỗi người sẽ nhận định và tìm cho cuộc đời mình một ý nghĩa, vì không ai có thể làm hộ ai, mỗi người trách nhiệm đời minh” (NĐ I, tr. 2,3). Các chủ đề trùng hợp ở nhiều tập như văn-hóa, trí thức nhưng có thể ghi nhận các đề tài chính của tập I là văn-hóa và chính-trị, tập II là văn-hóa, sứ-mạngngười trí thức, liên hệ nam-nữ, tập III là trí thức, thân xác, tập IV như phụ đề ghi là “chiến-tranh, cách-mạng, hòa-bình”, và tập V là trí thức, phản kháng, văn-hóa dân-tộc, v.v. Vì là nhận định cho hôm nay, trước mặt, cho nên sau vài năm, cái nhìn đã có thể khác, như giáo-sư đã viết ngay trong tập II “Nhìn lại một chặng đường ‘nhận định’ rất nhiều ý kiến nêu lên trong tập bây giờ tác-giả đã phủ nhận hoặc thấy phải nhận định lại, bổ sung thêm…” (II, tr. 8).

Nhiều bài viết của giáo-sư trên các tạp-chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa, v.v., một số về sau được tuyển lại xuất-bản, ở đây xin ghi nhận một số bài đã góp phần phổ biến các phương-pháp nhận định, phê-bình văn-chương hiện-đại:

– Tìm hiểu tác-phẩm văn-nghệ; Văn-chương Hiện sinh; “Tiểu-thuyết mới” trong văn-chương Pháp ngày nay; v.v. Và phổ biến triết học hiện sinh, nhất là của J.P. Sartre: Vấn-đề giải thoát con người trong Phật giáo và tư tưởng của J.P Sartre; Những tình bạn dang dở; Văn chương và siêu hình học; Thi ca và triết học; Văn chương hiện sinh; Luân lý và văn học; Sartre trong đời tôi; Cái nhìn hay đám cưới với cuộc đời; Tưởng niệm Camus; Vài cảm nghĩ về tình cảm phi lý của kẻ lưu đày; Cuộc đời như một tra hỏi; Đọc vũ trụ chữ nghĩa của J.P Sartre; Quê hương và lưu đày, giới thiệu Camus. Người phản kháng; Những tình bạn dang dở; Triết học hiện sinh, giờ thứ 25 của của triết học Tây phương; Dịch và giới thiệu: Người đàn bà ngoại tình của Camus (Sáng Tạo, b.m., số 6, 12-1960 & 1-1961), v.v.

Trong Ca Tụng Thân Xác, để thể chất hóa con người, giáo-sư sử-dụng hiện-tượng luận để phân tích thân phận con người như là thân xác, ngũ giác, hơn là siêu hình, trí thức,… Dùng khái niệm “thân xác” (Ca Tụng Thân Xác, 1966; “Thân xác và nghệ-thuật nhân cái chết của M. Monroe” III, “Ảo ảnh Thanh Thúy” IV,…), “ngụy tín” (Trường Hợp Phạm Quỳnh. 1974) để phê phán những kẻ tự cho là duy tâm nhưng theo giáo-sư thật ra cũng theo duy vật.

*

Giáo sư Nguyễn Văn Trung là người đã sớm nêu lên và đặt vấn-đề triết học trong tương quan với văn-chương. Trong bài “Văn chương và siêu hình học”, dưới bút hiệu Hoàng Thái Linh, ông viết: “… Để giới thiệu văn chương Âu châu hiện đại nói chung và văn chương Pháp nói riêng, chúng tôi chọn đầu đề “Văn chương và siêu hình học” vì nét đặc biệt của văn chương đó là tính cách triết lý của nó. Dĩ nhiên, những A. Camus, J.P. Sartre, André Malraux… mỗi người có sắc thái riêng, không ai gống ai, nhưng tất cả đều gặp nhau trên một vài nét chính. Lời nói, giọng nói của họ khác nhau, nhưng hình như họ đều bắt đầu từ khởi điểm, cùng bàn đến một vấn đề… Tháng chạp năm 1946, trong buổi diễn thuyết do Ủy Ban Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức ở giảng đường đại học Sorbonne, Malraux đã nói: “Cuối thế kỷ XIX, Nietzsche lớn tiếng tuyên bố Thượng đế đã chết với một giọng bi đát. Và ai cũng hiểu câu đó muốn nói gì; câu đó có nghĩa là từ đây người sẽ làm chủ cuộc đời mình vì Thượng đế đã chết. Nhưng ngày nay, vấn đề đặt ra cho chúng ta là ở trên mảnh đất Âu châu cũ kỹ này, con người đã chết hay chưa?”. Câu hỏi trên của A. Malraux đưa chúng ta vào bầu không khí chung của văn chương Âu châu. Đó là một bầu không khí thắc mắc, hoài nghi, băn khoăn, muốn đặt vấn đề lại những giải pháp đã biến thành tin tưởng của những thế hệ trước… Đời sống có ý nghĩa gì không, đời đáng sống hay không đáng sống “trước những cái vô lý cuộc đời? Cái gì làm cơ sở cho hành động. Một nhân bản xây trên những nhận xét đó phải như thế nào? Đọc chuyện, chúng ta chỉ thấy hiện lên trong trí những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, cái chết, mối tương quan giữa người với người, với vũ trụ. Tiểu thuyết vì thế không còn tính chất lãng mạn, xa thực tế, thoát ly. Văn chương hiện đại Pháp nhập thế (engagée) không phải để xoa dịu, giải trí nhưng là gây thắc mắc, suy nghĩ để nhận định một thái độ sống… Thái độ đó bao hàm một nhân bản mới. Văn chương không còn là mô tả, tri thức, nhưng là một giải phóng, muốn bênh vực con người trước mọi hình thức chà đạp, giản lược con người vào phương tiện, đồ dùng. Chính trong hoàn cảnh bi đát đó, con người mới khám phá thấy người đồng loại cùng chung một thân phận, một kiếp người. Văn chương không còn phải là tiếng nói của cảm xúc cá nhân, nhưng là tình yêu bao trùm cả loài người, lo lắng số phận cả nhân loại và bảo vệ mhững giá trị phổ biến trong con người…” (20).

Giáo-sư cũng đã hơn một lần đề cập đến thái độ ngụy tín (trong Đưa Vào Triết Học,…). Trong bài “Nhà văn nhìn vào mình hay từ hiện tượng bè phái đến văn chương vô danh” (Nghiên Cứu Văn Học, số 3, 1968, tr. 129), ông tả thái độ ngụy tín là: không dám nhìn vào mình để tra hỏi về chính việc viết văn, bình văn của mình là vì muốn được an tâm, yên ổn để sáng tác, phê bình trong những quan niệm niềm tin đã trở thành thiên kiến, giáo điều. Chính ước muốn được an tâm là yếu tố “phản kháng”, nói theo ngôn ngữ của phân tâm học, ngăn chặn nhà văn, nhà phê bình tự kiểm thảo để biết mình là ai, đối với ai để có cái nhìn đích thực về việc làm của mình, không còn tự lừa dối bằng những niềm tin cuối cùng chỉ là ảo tưởng. Thái độ viết văn của mình, thái độ không chấp nhận người khác của mình vì người khác cũng không chấp nhận mình. Nên thay vì chỉ biết nhìn nhau để rồi không chấp nhận nhau, hãy trở về nhìn vào mình hay cùng nhau nhìn về giới mình để có thể thấy biết đâu là hiện tượng bè phái, những cuộc bút chiến. Sự tự lừa dối mình của nhà văn bằng những ảo tưởng có thể hoàn toàn vô thức hoặc ở khởi điểm, có biết nhưng về sau, quên đi và cũng trở thành vô thức, và khi người ta phê bình thì lại nổi giận vì đã coi là quan trọng điều mình viết. Đó là thái độ ngụy tín”.

Nguyễn Trọng Văn dù chống đối thái độ chính-trị của giáo-sư Nguyễn Văn Trung nhưng trên Bách Khoa số 264 (1-1-1968) trong bài “Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung” đã nhận định rằng: “Ông Trung là người có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Tây Phương… Ông trình bày một cách gọn gàng, mạch lạc. Những triết học hiện sinh, những danh từ có tính cách văn nghệ, triết lý dần được du nhập và phổ biến. Những Hiện tượng luận, đối thoại, tha nhấn, phản kháng, vong thân, ngụy tín, huyền thoại, thông cảm, những Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Sartre, Camus.. đã được Nguyễn Văn Trung trình bày hàng chục năm trước trong Sáng Tạo, Bách Khoa, Thông Cảm, Thế Kỷ 20,…”.

Sinh hoạt học thuật và văn-nghệ ở miền Nam thời 20 năm này, Nguyễn Văn Trung đã là một thành-tố căn bản, vừa có tính cách chuyên chở ý tưởng trào lưu mới vừa nguồn tư tưởng vừa là một thành phần xúc-tác quan-trọng cho một số sinh hoạt báo-chí, biên-khảo, phê-bình và sáng-tác văn-nghệ – như về hiện sinh, dấn thân, chính-trị xã-hội,… Với một văn phong rành mạch, cụ thể, trực diện, v.v., với một thái độ trí thức, thao thức, nhìn xa, chấp nhận trao đổi,… những gì ông viết và thuyết giảng đã thuyết phục, kêu gọi lên đường và hơn một thế hệ trẻ đã nhận chịu ảnh-hưởng từ ông. Chúng tôi sẽ trở lại với các công trình nghiên cứu và lý luận văn học của ông trong phần Văn học hải ngoại.

Chú-thích:

16- Giáo-sư Nguyễn Văn Trung soạn Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp ở Việt Nam sau bài diễn thuyết năm 1962 về Vụ án truyện Kiều tố Phạm Quỳnh tay sai Pháp ru ngủ thanh niên, trí thức, gây nhiều chỉ trích, phê phán trong Nam cũng như ngoài Bắc.

17- Năm 1972-73, Trung Tâm Alpha ở Sài-Gòn in 2 tập với tựa đề Phạm Quỳnh của tác-giả Nguyễn Văn Trung: tập 1 tổng quát về PQ, tập 2 về “PQ, văn-học và chính-trị”.

18- Sau 1975, giáo sư Nguyễn Văn Trung nghiên cứu về văn-hóa Nam-kỳ lục-tỉnh và nhìn lại những chặng đường đã qua. Trong tập tài liệu Vấn-Đề Công Giáo Đặt Cho Dân Tộc (1988), ông đã hết lòng chứng minh chống lại cái “thiên kiến hầu như đã trở thành chân lý là người công giáo Việt-Nam liên hệ với thực dân đế quốc và lai căng về văn-hóa”, thành kiến mà chính một số người công giáo (trong đó có giáo sư thời trước 1975) đã nhìn nhận và từ đó tìm trở về dân-tộc (như nhóm Đối Diện, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, v.v.). Ông tiếc việc có những người ngoài Công giáo đã và vẫn trích dẫn những lập luận của ông thời đó. Ông lập lại và chứng minh thêm qua hai biên khảo khác là Đạo Chúa Ở Việt-Nam (1999?) và Dịch Thuật Và Lý Luận Dịch Thuật (2002).

19- Nguyễn Văn Trung. “Truyện là thơ trong tiểu-thuyết của Michel Butor”. Bách Khoa, số 113, 15-9-1961, tr. 70.

20- Hoàng Thái Linh. “Văn chương và siêu hình học”. Sáng Tạo, số 10, 7-1957, tr. 19-24.

Nguyễn Vy Khanh

[Văn-Học Miền Nam 1954-1975. Quyển thượng: Tổng-quan (Toronto: Nguyễn Publishings, t.b. 2018; Chương 5- Phê bình văn-chương và Nghiên cứu văn-học, tr. 461-469]

Comments are closed.