“Nhà văn dị thường và độc đáo” ghi lại cuộc đời mình, gồm cả chuyện phá thai, tình yêu và sự không chung thủy

Alex Marshall, Alexandra Alter, Laura CappelleAurelien Breeden

Hồng Anh dịch

Lời người dịch: Tối qua khi giải Nobel văn học vừa được công bố, chúng tôi đã dịch bài theo dòng sự kiện của tờ The New York Times (link bài dịch đầu tiên của chúng tôi: http://vanviet.info/van-de-hom-nay/giai-nobel-van-hoc-duoc-trao-cho-annie-ernaux/ ). Bản gốc đầu tiên đó về sau được The New York Times tiếp tục cập nhật và cho đến trưa nay, nội dung đã thay đổi khá nhiều, hầu như thành một bài mới. Vì vậy, chúng tôi dịch cập nhật thêm bài dưới đây, và đăng thành một bài độc lập, so với phiên bản cũ.

clip_image002

Annie Ernaux năm 2020. Ảnh: Isabelle Eshraghi gửi The New York Times

Trong nhiều thập kỷ, nhà văn người Pháp Annie Ernaux đã mổ xẻ những khoảnh khắc nhục nhã, riêng tư và tai tiếng nhất trong quá khứ của bà với độ chính xác gần như lâm sàng: “Tôi sẽ thực hiện một nghiên cứu dân tộc học về bản thân mình” – bà viết trong cuốn hồi ký năm 1997 “Shame” (“Xấu hổ”)[1].

Hôm thứ Năm, bà đã được trao một trong những danh hiệu cao quý nhất của văn học, giải Nobel, cho tác phẩm của mình. Tác phẩm của Ernaux đã nói đặc biệt với phụ nữ và những người khác, giống như bà, xuất thân từ một tầng lớp lao động hiếm khi được miêu tả rõ ràng như vậy trong văn học: Bà đã mô tả quá trình mình được nuôi dạy trong một thị trấn nhỏ ở Normandy, một vụ phá thai bất hợp pháp bà thực hiện vào những năm 1960, sự không hài lòng của bà với cuộc sống gia đình, và một cuộc tình cuồng nhiệt ngoài hôn nhân.

Đó là một sự lựa chọn rất đáng lưu ý của ủy ban Nobel để tôn vinh một nhà văn có tác phẩm được đúc kết từ những trải nghiệm hết sức cá nhân và thường không có gì đặc biệt. Mats Malm, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan quyết định giải thưởng, công bố quyết định này tại một cuộc họp báo ở Stockholm, ca ngợi “lòng dũng cảm và sự sắc bén theo kiểu lâm sàng trong cách bà khám phá ra căn nguyên, sự ghẻ lạnh và những chế định tập thể đối với ký ức cá nhân”.

Trong một cuộc họp báo tại văn phòng Paris của Gallimard, nhà xuất bản in sách của bà, Ernaux, 82 tuổi, hứa sẽ tiếp tục viết. “Nhận giải Nobel, đối với tôi, là một trách nhiệm phải tiếp tục”, bà nói.

Bà cảm thấy bị bắt buộc phải tiếp tục xem xét nhất là sự bất bình đẳng và những cuộc đấu tranh mà phụ nữ phải đối mặt. Bà nói: “Từ tình trạng của tôi với tư cách là phụ nữ mà nói, với tôi, dường như phụ nữ chúng tôi chưa được bình đẳng về quyền tự do và quyền lực”.

Ernaux chỉ mới là người phụ nữ thứ 17 được trao giải Nobel, trong số 119 nhà văn nhận giải kể từ khi nó được thành lập vào năm 1901. Bà là người phụ nữ thứ hai nhận giải ba năm sau khi Louise Glück, nhà thơ người Mỹ, được trao giải năm 2020.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Ernaux viết tự truyện có tính hư cấu, bà nhanh chóng vứt bỏ ý định vờ chế ra một cốt truyện để bắt đầu viết hồi ký, mặc dù bà thường phản đối việc dán nhãn tác phẩm của mình là hư cấu hoặc phi hư cấu.

Dan Simon, người sáng lập Seven Stories Press, là nhà xuất bản sách Ernaux bằng tiếng Anh 31 năm nay, cho biết: “Điều nào bà viết, từ ngữ nào cũng vậy, đều đúng theo nghĩa đen và thực tế. "Và dẫu thế, đây là những tác phẩm tuyệt vời của trí tưởng tượng."

Những trải nghiệm mà bà viết trong những năm 1980 và 1990 – mang thai ngoài ý muốn và phá thai, những cuộc tình của bà, sự giằng xé về hôn nhân và việc làm mẹ – bị một số người bảo thủ về các vấn đề xã hội coi là gây sốc, nhưng lại gây được tiếng vang sâu sắc với một lượng độc giả rộng rãi.

Ernaux mô tả việc viết của bà là một hành động chính trị, một hành động nhằm bộc lộ sự bất bình đẳng xã hội cố hữu, và so sánh việc sử dụng ngôn ngữ của bà với “một con dao”. Bà chịu ảnh hưởng của Simone de Beauvoir, nhà xã hội học Pierre Bourdieu và của biến động xã hội tháng 5 năm 1968 ở Pháp, khi có nhiều tuần biểu tình, đình công và bất ổn dân sự. Bà mô tả văn xuôi của mình là "tàn bạo một cách bộc trực, thuộc tầng lớp lao động và đôi khi tục tĩu."

Bà thường đặt những kinh nghiệm và ký ức riêng tư của mình trong bối cảnh văn hóa và xã hội Pháp, đối chiếu cuộc sống của bà và những cuộc đấu tranh phổ quát hơn của phụ nữ và tầng lớp lao động. Tác phẩm của bà ghi lại khoảnh khắc thay đổi xã hội mạnh mẽ ở Pháp, rời xa các giá trị Công giáo truyền thống và hướng tới nhiều hơn các chuẩn tắc có tính thế tục, dễ dãi và giải phóng về tình dục.

Tiểu thuyết gia Hari Kunzru, người thường dạy tác phẩm của Ernaux cho các sinh viên lớp viết văn tại Đại học New York, nói: “Khi bà mới viết văn, cách bà đặt bản thân và cuộc sống của mình vào trung tâm của những câu hỏi lớn về sự thay đổi xã hội ở Pháp quả là quá thách thức đối với nền tảng đã xác lập. “Trong nền văn học đã xác lập, không ai nghĩ một phụ nữ thuộc tầng lớp lao động ở miền Bắc nước Pháp lại làm như thế, nhưng bà đã biến mình thành một người đóng thế đầy quyền lực. Bà muốn nói về cái chung thông qua cái riêng”.

Ernaux sinh năm 1940 và lớn lên trong một gia đình Công giáo thuộc tầng lớp lao động ở Yvetot, một thị trấn nhỏ ở Normandy, nơi cha mẹ bà có một cửa hàng tạp hóa và quán cà phê. Cha bà bạo lực và ngược đãi, và khi bà 12 tuổi, bà nhìn thấy cha cố giết mẹ, một sự kiện mà bà viết một cách bộc trực gây sốc trong "Xấu hổ": "Cha tôi đã cố giết mẹ tôi vào một ngày Chủ nhật của tháng 6, trong đầu giờ chiều”, dòng đầu tiên viết.

Bà thử sáng tác khi học đại học, nhưng cuốn sách của bà bị các nhà xuất bản từ chối vì “quá tham vọng”, bà kể với tờ The Times năm 2020. Bà không tiếp tục viết lách cho đến tuổi 30, khi đã là một bà mẹ đã có gia đình và hai người con, và là một giáo viên tiếng Pháp.

Nỗ lực đó đã dẫn đến cuốn sách đầu tiên của bà vào năm 1974, “Cleaned Out” (“Sạch sành sanh”)[2], một cuốn tiểu thuyết tự truyện sâu sắc bà viết mà không cho chồng biết vì ông coi thường công việc viết lách của bà. Sau khi bà bán cuốn sách cho Gallimard, một nhà xuất bản có uy tín, ông chồng nổi giận vì bà giấu ông ý định viết truyện, giả vờ đang viết luận án Tiến sĩ. Cuộc hôn nhân tan vỡ ngay sau khi bà xuất bản cuốn sách thứ ba, "A Frozen Woman" (“Người đàn bà đông cứng”)[3], vào năm 1981, trong đó bộc lộ sự khó chịu của bà với hôn nhân và việc làm mẹ. Sau khi ly hôn, Ernaux không bao giờ tái hôn và nói rằng bà thích tự do sống một mình.

Bà tìm thấy thành công thương mại rộng rãi ở Pháp vào năm 1992, khi phát hành “Simple Passion” ("Niềm đam mê đơn giản")[4], một cuốn sách kể chi tiết về mối tình của bà với một nhà ngoại giao nước ngoài đã kết hôn. Nó làm những người bảo thủ về các vấn đề xã hội nổi giận vì cách miêu tả không biện hộ về ham muốn của phụ nữ, nhưng lại gây ấn tượng mạnh với độc giả vì sự miêu tả thẳng thắn về khao khát tình dục không được chấp nhận về mặt đạo đức. Cuốn sách đã bán được 200.000 bản trong hai tháng đầu tiên.

“Các ông các bà tâm sự với tôi, nói với tôi rằng ước gì họ viết cuốn sách đó”, Ernaux nói với The Times vào năm 2020.

Ernaux đã thường xuyên xem xét đi xem xét lại cùng một sự kiện trong cuộc sống của mình từ các góc độ khác nhau. “Happening” ("Xảy ra"), cuốn hồi ký năm 2000 của bà, là một tường thuật rõ ràng về việc phá thai của bà vào năm 1963 khi còn là một sinh viên đại học, một sự kiện quan trọng mà lần đầu tiên bà cố gắng trình bày trong tiểu thuyết, với "Cleaned Out". Sau khi ghi lại mối tình của mình với nhà ngoại giao trong “Niềm đam mê đơn giản”, bà cho độc giả một cái nhìn thoáng qua mà không lọc lựa về mối quan hệ đó khi bà phát hành nhật ký của mình, bao gồm các đoạn ghi chép từ năm 1988 đến năm 1990, trong một tập có tựa đề “Getting Lost” (“Lạc lối”)[5].

Nhà phê bình Dwight Garner của tờ Times viết trong bài đánh giá về cuốn sách này: “Sự bộc trực gần như nguyên thủy trong giọng văn của bà thật khỏe mạnh. Cứ như thể bà đang dùng dao khắc từng câu lên mặt bàn vậy.”

Bà mất hàng mấy chục năm để viết về một trong những sự kiện đau khổ nhất trong cuộc đời mình – một trải nghiệm bối rối về tình dục của bà vào mùa hè năm 1958, khi 18 tuổi, khiến bà cảm thấy xấu hổ và bị ruồng bỏ, dẫn đến trầm cảm và rối loạn ăn uống. “Tôi được trời phú có trí nhớ mạnh mẽ về sự xấu hổ, chi tiết và không thể nguôi ngoai hơn bất kỳ cái gì khác, một thiên bẩm độc nhất vô nhị về sự xấu hổ”, bà viết trong cuốn hồi ký “A Girl’s Story” (“Câu chuyện của một cô gái”)[6].

Các học giả, nhà phê bình và đồng nghiệp ca ngợi tác phẩm của bà vì cách bà kết nối ký ức cá nhân với kinh nghiệm tập thể, đặc biệt là đối với phụ nữ và những người thuộc tầng lớp lao động. Nhà văn Pháp Édouard Louis, tác giả cuốn sách “The End of Eddy” (Sự kết thúc của Eddy”)[7], cho rằng Ernaux còn lật đổ những giả định về những gì có thể là văn học.

Louis, người viết về cội rễ giai cấp công nhân của mình, cho biết: “Bà đã đạt được một cuộc cách mạng hình thức cực kỳ quan trọng trong văn học, tránh xa những ẩn dụ, những câu văn và nhân vật đẹp đẽ. Annie Ernaux không cố gắng để phù hợp với các định nghĩa hiện có về văn học, về cái đẹp: Bà tìm ra cái của riêng mình.”

clip_image004

Sách của Annie Ernaux được trưng bày tại Viện Hàn lâm Thụy Điển ở Stockholm sau khi công bố Ernaux được trao giải Nobel Văn học 2022. Jonathan Nackstrand / Agence France-Presse – Getty Images

Mặc dù Ernaux đã được tôn vinh từ lâu ở Pháp và đã được dịch rộng rãi trong nhiều thập kỷ, nhưng bà không được công nhận nhiều trong thế giới nói tiếng Anh cho đến khi cuốn hồi ký “The Years” (“Năm tháng”)[8] của bà lọt vào danh sách rút gọn của Giải International Booker năm 2019. Cuốn sách vừa là một tài liệu về trải nghiệm của Ernaux, vừa là một cuốn hồi ký thế hệ về nước Pháp thời hậu chiến, và ghi lại sự chuyển hướng sang sự giải phóng tình dục và chủ nghĩa tiêu dùng.

Edmund White viết trên tờ The New York Times: “Đây là một cuốn tự truyện không giống như bất kỳ cuốn tự truyện nào bạn từng đọc; bạn có thể gọi nó là cuốn tự truyện tập thể”.

Những người hâm mộ Ernaux nói rằng tác phẩm của bà trở nên phi thường một phần là do sự bình thường của những trải nghiệm mà bà ghi lại. Bà viết về sự tẻ nhạt của hôn nhân và việc làm mẹ, sự bối rối và giằng xé trong lần trải nghiệm tình dục đầu tiên của bà, nỗi buồn khôn nguôi khi chứng kiến cảnh cha mẹ già yếu đi.

Nhà văn Francine Prose cho biết: “Giọng điệu của bà vô cảm một cách rõ ràng, ngay cả khi bà đang nói về những chuyện rất khó nói. Tôi không thể nghĩ về bất kỳ ai giống như bà. Bạn thực sự không thể nói thể loại này là gì, đó không phải là hư cấu có tính tự truyện, mà nói một cách nghiêm ngặt thì cũng không phải là hồi ký. Cứ như thể bà đã phát minh ra thể loại của riêng mình và hoàn thiện nó”.

Ernaux từ lâu đã được nhắm đến giải thưởng Nobel, được trao cho toàn bộ tác phẩm của một nhà văn, trị giá 10 triệu krona Thụy Điển, vào khoảng 911.000 đô la. Trong số những người thắng giải trước đây có Toni Morrison, J.M. Coetzee và thậm chí Bob Dylan.

Viện Hàn lâm Thụy Điển đã cố gắng gia tăng sự đa dạng của các tác giả được xem xét, sau khi vấp phải những lời chỉ trích rằng, trước thông báo hôm thứ Năm, 95 trong số 118 người đoạt giải Nobel trước đây là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ và chỉ có 16 phụ nữ.

Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel của Viện Hàn lâm, đã bảo vệ sự lựa chọn thêm một nhà văn châu Âu nữa, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng có rất ít nhà văn nữ đoạt giải và rằng “điều chúng tôi chú ý trước hết phải là chất lượng văn học. ”

Đối với Ernaux, trí nhớ và trải nghiệm cá nhân không phải là thứ được khai thác và viết ra một lần, mà là thứ cần được xem lại và diễn giải lại liên tục.

“Đối với tôi, viết lách đã và vẫn là một cách để rọi ánh sáng vào những điều mà người ta cảm thấy nhưng không rõ ràng”, bà nói tại cuộc họp báo. "Viết là một con đường dẫn đến kiến thức."

[1] Nhan đề nguyên tác: “La Honte”. (Tất cả chú thích trong bài là của người dịch)

[2] Nhan đề nguyên tác: “Les Armoires vide”.

[3] Nhan đề nguyên tác: “La Femme gelée”.

[4] Nhan đề nguyên tác: “Passion simple”.

[5] Nhan đề nguyên tác: “Se perdre”.

[6] Nhan đề nguyên tác: “Mémoire de fille”.

[7] Nhan đề nguyên tác: “En finir avec Eddy Bellegueule”.

[8] Nhan đề nguyên tác: “Les Années”.

Comments are closed.