Nhà tiên tri yếm thế

Điểm sách của Ryszard Legutko, First Things, tháng 1 – 2019

Hiếu Tân dịch

Trên đe dưới búa (Between Two Millstones), cuốn 1

Hồi ký lưu vong, 1974–1978

Aleksandr Solzhenitsyn

Notre Dame, 480 tr., 35 $

Tập đầu cuốn hồi kí về lưu vong của Solzhenitsyn, Trên đe dưới búa, mở đầu bằng việc tác giả bị trục xuất khỏi Liên Xô và đóng lại với việc ông ngắm phong cảnh từ ngôi nhà của ông ở Vermont và nghĩ về nước Nga. Về mặt trí thức, thời kì này bắt đầu bằng việc xuất bản Thư gửi các Lãnh đạo Liên Xô, được viết trước khi bị trục xuất, nhưng xuất hiện dưới dạng in sau khi ông rời nước Nga và kết thúc bằng bài diễn văn của ông tại lễ phát bằng Đại học Harvard năm 1978. Thư đã gây ra một phản ứng phê phán từ Andrei Sakharov, một nhân vật anh hùng khác của phe đối lập chống cộng ở Liên Xô. Diễn văn Harvard làm bung ra một cơn thác lũ phê bình từ mọi phiá.

Điều làm cho người đọc ngỡ ngàng nhất là việc Solzhenitsyn ít quan tâm đến cuộc sống ở những nước mà ông đã đến thăm và sống, và việc ông chìm đắm trong đời sống Nga ở quên nhà và nước ngoài. Bất cứ lúc nào ông nhắc đến những nhân vật chính trị quan trọng ở Tây Âu hoặc Mỹ, thì thường là vì ông không gặp họ, hoặc, như trường hợp vua Tây Ban Nha hay tổng thống Ronald Reagan, ông từ chối lời mời của họ. Trong một số trường hợp hiếm hoi khi lời mời được chấp nhận, ông có ít lời tốt đẹp để nói. Chẳng hạn, ông kết luận rằng cuộc gặp Pierre Trudeau là “hoàn toàn không cần thiết.” Mơ ước của ông là “định cư ở nơi nào có người Nga, để chúng tôi có thể thở một chút không khí Nga, và trẻ con có thể lớn lên trong một môi trường Nga.”

Thật ra ngay từ đầu Solzhenitsyn đã có những nghi ngờ trầm trọng và những nhận thức hạn chế về phương Tây. Ông thấy mình là một người xa lạ với giới tinh hoa nghệ thuật, trí thức và chính trị phương Tây.

Tôi chưa hề cảm thấy một cốt lõi tầm cỡ của công luận phương Tây đã bắt đầu quay ra chống lại tôi từ cách nay hai năm để phản ứng lại nhiều ấn phẩm… vì sự tập trung kiên định của tôi vào Giáo lý Cơ đốc Chính thống… [và] vì tôi lên án những người cách mạng và những người tự do… tôi không chỉ mắc tội chống lại các đạo luật về những tiêu chuẩn nghệ thuật được thừa nhận, mà bây giờ… còn phạm tội chống lại cả sự đoan chính về chính trị nữa.

Điều mà một số người cảm thấy đặc biệt khó chịu là việc ông thẳng thừng bác bỏ hòa dịu (détente) vào lúc đó được coi là mở đầu một kỉ nguyên mới của hòa bình và hợp tác giữa Thế giới Tự do với phe Liên Xô. Đó là lí do cố gắng trao cho ông danh hiệu công dân danh dự không bao giờ thành công. Tổng thống Ford từ chối gặp Solzhenitsyn, và Ngoại trưởng Henry ­Kissinger, một trong những đạo diễn của tiến trình hòa dịu, đã nói rằng “những quan điểm chiến đấu của Alexander Solzhenitsyn là mối đe dọa cho hòa bình,” và “nếu những quan điểm của ông ta trở thành chinh sách quốc gia của Hoa Kỳ thì chúng ta phải đối mặt với nguy cơ đáng kể về xung đột quân sự.”

Nhưng như tôi đã nói, tập đầu của Trên đe dưới búa hầu như là về nước Nga và người Nga, không phải về Mỹ và Tây Âu, cả hai được Solzhenitsyn nhận dạng chung là “phương Tây.” Đây là thành ngữ chuẩn trong tất cả các thứ tiếng của các nước thuộc phe Liên Xô, mặc dù những nghĩa rộng của no có thay đổi. Ở Ba Lan, “phương Tây” có nghĩa là các nước ở về phia tây của Bức Màn Sắt, tự do và thịnh vượng, nhiều màu sắc, giàu có về văn hóa và rộn ràng sự sống mà chúng ta, những người Ba Lan, bị ngăn cách một cách thô bạo, nhưng chúng ta xứng đáng được sống trong đó, và chúng ta thật sự thuộc về nó. Đối với Nga, phương Tây là Bọn chúng. Sự hiện diện ngoại lai này sẽ được ngưỡng mộ và bắt chước hay bị vứt bỏ vì sự khô cằn về tinh thần của nó và nhiều tội lỗi khác, đã là – như mọi người đều biết – một vấn đề mà người Nga tranh cãi quanh năm.

Solzhenitsyn nói về ba con đường mở ra cho giới trí thức Nga: chủ nghĩa xã hội, tự do và dân tộc. Trên con đường thứ nhất ông đặt anh em Roy và Zhores Medvedev, thứ hai, Andrei Sakharov, và thứ ba, bản thân ông. Vì Solzhenitsyn coi chủ nghĩa Marx là một sản phẩm của văn hóa phương Tây, nên có vẻ như Sakharov và anh em Medvedev có nhiều điểm chung với nó. Tuy nhiên dù sự giận dữ của ông với Sakharov có mạnh đến đâu, và luận cứ lí thuyết của ông về chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Marx là gì đi nữa, ông cũng không bao giờ đặt Sakharov bên cạnh Roy Medvedev, người mà Solzhenitsyn cực kì căm ghét. Thái độ của ông với Zhores Medvedev đỡ tiêu cực hơn, nhưng ông không thể tha thứ ông kia đã tuyên bố “Chúng tôi không có một chế độ [ở Liên Xô], nhưng có một chính phủ giống như bất kì nước nào khác, và nó cai quản chúng tôi thông qua hiến pháp.” Sakharov chắc chắn không bao giờ nói một điều như thế.

Quan điểm của Solzhenitsyn về nước Nga có lẽ được thể hiện rõ nhất trong Thư gửi các Lãnh đạo Liên xô. Ông mô tả sự tàn phá của xã hội Xô Viết, đặc biệt những tiêu chuẩn đạo đức và môi trường tự nhiên của nó, mà ông quy cho bản chất phá hoại của chủ nghĩa cộng sản và hệ tư tưởng Marxist. Ông dự đoán một sự khôi phục thông qua một loại chế độ toàn trị không-tư-tưởng-hệ, nó cho phép các lãnh đạo giữ quyền lực của họ nhưng đồng thời cho họ một bàn tay tự do để làm những cái cách cần thiết. Trên bình diện tinh thần, ông tin rằng Giáo lý Cơ đốc Chính thống có thể đổi mới linh hồn Nga. Văn bản đó là một hỗn hợp giữa mô tả thực tế, với một chiến lược về chủ nghĩa hiện thực chính trị và những nghiền ngẫm của một tiên tri dân tộc.

Phản ứng điềm đạm, thậm chí có tính phê phán của Sakharov đối với Thư có thể được mong đợi nhưng đồng thời nó làm tác giả thất vọng. Solzhenitsyn nhận xét rằng rất nhiều điểm mà Sakharov trách ông không có trong văn bản, và ông đã đúng. Có vẻ như phản ứng của nhà bất đồng chính kiến đối với Thư là do đặc tính chia rẽ cơ bản của giới trí thức Nga hơn là những gì bản thân văn bản đó thật sự nói. Và khó mà đứng về phía nào trong cuộc xung đột cơ bản ấy, vì cả hai địch thủ đều có một số lí lẽ vững, và cả hai mắc vào những mâu thuẫn nghiêm trọng, đặc biệt khi nói về nước Nga.

Sakharov vẽ một bức tranh khá đen tối về xã hội Nga, bị phá hủy bởi những nền độc tài liên tiếp lặp lại, và bị cô lập khỏi nền văn minh phương Tây (“tinh thần nô lệ, xun xoe khúm núm tồn tại ở Nga nhiều thế kỉ, kết hợp với sự khinh bỉ nhân dân của nhiều nước khác, những sắc tộc khác và những niềm tin khác”). Đồng thời ông tin tưởng mạnh mẽ và nền dân chủ như một giải pháp cho những vấn đề của nước Nga. Trái lại Solzhenitsyn khăng khăng cho rằng nước Nga có một bản sắc mạnh mẽ và giàu có, (“dân tộc như một con người”) sẽ thịnh vượng khi dân tộc thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông đề xuất một nền cai trị độc tài toàn trị, sợ sự bùng nổ của chủ nghĩa bạo lực quá khích, có thể theo sau quá trình dân chủ hóa nhanh chóng. Nói cách khác, với Sakharov cái mà một xã hội về bản chất là bệnh hoạn cần là nền dân chủ, trong khi đối với Solzhenitsyn cái mà một dân tộc về bản chất là mạnh khỏe cần là nền độc tài toàn trị.

Sự trớ trêu còn sâu xa hơn. Sakharov viết rằng trong quá khứ ở nước Nga có “nhiều tấm gương đẹp về những nỗ lực dân chủ, bắt đầu với những cải cách dân chủ mà Alexander II phát động.” Alexander II không phải là một nhà dân chủ, nhưng là một ông vua chuyên chế khai sáng, có lẽ nhân từ hơn những người trước và sau ông, nhưng dù sao cũng vẫn là một ông vua chuyên chế. Tôi không biết Solzhenitsyn có viết về Alexander II không, nhưng tôi ngờ rằng Solzhenitsyn rất có thể tính sa hoàng Nga đặc biệt này vào trong số những nhà cai trị độc tài mà nước Nga cần.

Solzhenitsyn phản ứng giận dữ với những ai chỉ nói điều xấu về dân tộc Nga, và từ quan điểm của mình, ông đã có một lý lẽ ad hominem (bỏ bóng đá người) chống lại họ. Lăng mạ và kết tội dân tộc và đất nước của người ta làm cho sự đối lập với một chế độ phi-nhân trở nên không có căn cứ và không có hi vọng, vì đất nước và dân tộc ấy rõ ràng không xứng đáng được khá hơn. Tại sao chiến đấu chống cộng nếu nước Nga không có chủ nghĩa cộng sản cũng đã phải chịu số phận bi đát rồi? Ngoài ra, những ai lăng mạ và kết tội dân tộc mà lại thuộc về chính dân tộc ấy, dù muốn hay không, thì việc anh ta loại mình ra khỏi bất kì mối ràng buộc nào với nó là vô nghĩa.

Solzhenitsyn không giấu sự tức giận của ông đối với những người bạn đồng chí bất đồng chính kiến của ông đã ngả theo những cám dỗ như thế. Trong số những người bị ông phê bình có Andrei Sinyavsky, (còn có tên Abram Tertz). Ông viết, “tôi nổ tung khi thấy bài baáo huênh hoang, khệnh klhạng của hắn, trong đó hắn gọi nước Nga là ‘Con chó cái của anh.’ Tôi thấy trong đó (và bằng những lời lẽ không mơ hồ) sự ra đời của cả một phong trào thù địch với nước Nga. Bài báo gai góc, hoàn toàn kích động, loạn óc, được dành để lăng mạ ‘chúng,’ không phải ‘chúng ta,’ một hướng đi vô ích chưa bao giờ có được cái gì tích cực trong lịch sử.”

Lý lẽ nghe chừng đúng, chỉ có điều nó ad hominem. Nó không có sức mạnh của sự thích đáng ad rem. Sự thật là sự lớn mạnh của cường quốc Nga từ thế kỉ mười sáu và mười bảy đã không mang lại văn minh hoặc cải cách chính trị cho những vùng lãnh thổ mà sa hoàng thôn tính, cũng không cải thiện các thiết chế hiện có. Ngược lại, ách thống trị của Nga có nghĩa là thụt lùi, vô cảm, tàn bạo, vô pháp, thối nát, vô lễ nghĩa và giáo dục suy tàn. Chủ nghĩa đế quốc Nga không có bất kì mặt tốt nào, và không ngạc nhiên khi các dân tộc Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan nhớ đến nó như một thảm họa lịch sử. Về phương diện này, nước Nga khác với đế quốc Phổ và đế quốc Áo-Hung, là những nước dù có tàn bạo thế nào với các dân tộc lệ thuộc, cũng đã có những ảnh hưởng văn minh lên chúng.

Ngay cả tinh thần Nga mà Solzhenitsyn hết lời ca ngợi cũng không gây ấn tượng lên các dân tộc bị chinh phục. Trái lại, ách thống trị Nga quá bạo ngược và giai cấp thống trị quá bại hoại, không mang được những giá trị tinh thần. Trong thực tế chúng luôn luôn đối chọi về mặt tinh thần. Giáo hội Cơ đốc Chính thống không thể bắt rễ vào các xã hội trong đó Giáo hội Cơ đốc phương Tây trong nhiều thế kỉ đã là lực lượng tôn giáo chủ yếu. Ngoài ra, Nhà thờ Chính giáo Nga phụng sự chế độ chuyên quyền quá sâu nên không thể có sức hấp dẫn về mặt tinh thần.

Điều thú vị là với sự thù địch phổ biến thậm chí khinh bỉ đối với nước Nga, giới tinh hoa Đông Âu bị thu hút hết sức vào nền nghệ thuật Nga vĩ đại, đặc biệt là văn học, trong các thế kỉ mười chín và hai mươi. Nếu có thiên tài nào ở Nga, thì nó nằm trong các tác phẩm của các nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà soạn nhạc Nga. Không may, cho đến nay những thành tựu này chưa tràn sang các lĩnh vực khác của đời sống – chính trị không, luật không, đạo đức công cộng không, không có trong nước Nga sa hoàng, không có trong nước Nga Xô viết, không có trong nước Nga của Putin.

Các nhà văn Nga vĩ đại đã có cái nhìn mơ hồ về đất nước của mình. Khi người ta đọc Chiến tranh và Hòa bình và Anna Karenina cùa Tolstoy, người ta chịu ấn tượng về chất lượng cuộc sống trong các tầng lớp thượng lưu và trung lưu Nga, rất giống với những người cùng địa vị ở phương Tây, và đôi khi trội hơn. Họ lịch sự, phong nhã, với những tâm hồn tinh tế và những lí tưởng đạo đức cao cả. Họ có thể vượt tầng lớp quý tộc Pháp hoặc Anh. Trong Chiến tranh và Hòa bình có một cảnh hai sĩ quan Nga mặc đồng phục quân Pháp vào doanh trại Pháp để khám phá kế hoạch của kẻ thù. Họ đã không bị phát hiện vì giọng nói ngoại quốc, rõ ràng vì họ không hề có giọng ngoại quốc.

Tuy nhiên cũng chính Tolstoy trong Phục sinh đã trình bày một bức tranh hoàn toàn khác về nước Nga, một đất nước của bất công, nghèo đói, vô vọng, đau đớn, thống khổ, một dân tộc cần cứu chuộc chứ không phải cần khả năng cứu chuộc người khác. Đây là một dân tộc hoàn toàn khác cái dân tộc chiến thắng mà chúng ta đọc trong Chiến tranh và Hòa bình, được dẫn dắt bởi tằng lớp tinh hoa oai hùng, đánh bại người Pháp không chỉ trên chiến trường mà cả qua cảm giác sâu sắc về bản sắc và trí khôn ngoan lịch sử của nó.

Sẽ là không công bằng nếu nói rằng sự mơ hồ tương tự hoàn toàn vắng bóng trong Solzhenitsyn. Chẳng hạn ông đã từng thú nhận rằng ông mất hết can đảm khi ông biết về Cách mạng Tháng Hai từ những hồ sơ của viện Hoover; rằng biểu hiện đầu tiên của nền tự do chính trị Nga, thay vì đem lại cho dân tộc một sức đẩy mới, lại hoá ra “không thành công, thực chất là đẩy lùi.” Nhưng dù ông có thể có nghi ngờ gì về nước Nga và tiềm năng chính trị của nó, tư tưởng cơ bản của ông vẫn là Liên Xô về thực chất là một thực thể không-Nga. Vì vậy mới có cơn thịnh nộ của ông về quyển Nước Nga dưới chế độ cũ, của Richard Pipes, một mô tả thuyết phục về truyền thống chuyên quyền của Nga đã dọn đường như thế nào cho một chế độ cộng sản vô sỉ hơn rất nhiều. Cũng vì thế ông mới khẳng định rằng một khi hệ tư tưởng cộng sản bị dẹp đi, một cuộc phục hưng mới sẽ bắt đầu, mặc dù chúng ta chưa bao giờ được nói cho biết cuộc phục hưng ấy có diện mạo thế nào, và những biên giới của nó sẽ nằm ở đâu. Liệu nước Nga của ngày hômn nay, hai mươi lăm năm sau khi chủ nghĩa cộng sản biến mất, có được phục hưng theo nghĩa mà Solzhenitsyn thấy thích hợp hay không, là một câu hỏi riêng rẽ.

Trong khi Thư… trình bày quan điểm của Solzhenitsyn về nước Nga, thì diễn văn Harvard đưa ra cái nhìn của ông về phương Tây. Không may, Trên đe dưới búa hé mở rất ít về việc Solzhenitsyn đã đi đến những phê phán khắc nghiệt thể hiện trong bài nói tại lễ phát bằng như thế nào. Tất nhiên người ta có thể tìm thấy mối liên hệ giữa việc Solzhenitsyn không ưa các nhà báo từ ngày đầu tiên ông sống bên ngoài Liên Xô, và sự phê phán của ông đối với truyền thông trong diễn văn Harvard hoặc sự bực bội của ông đối với các luật sư đã làm cho quyền xuất bản của ông trở nên rắc rối và việc ông chê bai tư tưởng pháp luật của phương Tây, nhưng như thế sẽ làm đơn giản hóa vấn đề đi ghê gớm. Sự thật là diễn văn đó chứa những lí lẽ chuẩn chống lại nền văn minh phương Tây từ một người đến từ phương Đông cộng sản; những năm ít ỏi Solzhenitsyn sống ở phương Tây không phải một cuộc phiêu lưu đi tìm để hiểu một thế giới mới, mà chỉ khẳng định những chẩn đoán ban đầu của ông. Đây không cần và không phải là chê trách. Nó cũng không hàm ý rằng quan điểm của Solzhenitsyn là nông cạn. Hiểu biết sâu sắc của ông về hệ thống cộng sản cung cấp cho ông những kiến thức cần thiết để ông chẩn đoán những bệnh trạng của xã hội phương Tây. Ông chê trách phương Tây không phải vì nó khác với xã hội cộng sản, mà bởi vì nó không khác đến mức như những người ủng hộ nó tin tưởng. Đúng là ông bắt đầu bằng những lí lẽ khuôn mẫu, nhưng ông sử dụng chúng một cách hết sức tinh vi và đi đến những kết luận rất không rõ ràng. Đó là lí do bài văn chịu được thử thách của thời gian hơn rất nhiều so với Thư gửi lãnh đạo

Phần lớn luận cứ của Solzhenitsyn dao động xung quanh giả thiết cho rằng xã hội phương Tây về bản chất là khô khan, hình thức, lạnh lùng, thiếu cá tính, thế tục, trừu tượng, và được xây dựng trên khế ước chứ không trên phong tục. Đây là một loại tuyên bố thường được phát ra, đôi khi một cách tự hào, bởi chính người phương Tây, nhưng thường không được người bên ngoài đồng tình. Và nó cứ quay đi quay lại với nhiều phiên bản khác nhau từ thế kỉ mười chín. Nhưng Solzhenitsyn xây dựng nó với nhiều luận cứ và nhận xét phụ của chính ông. Đôi khi ông tìm thấy một câu thích hợp để gọi tên nó ra. Chẳng hạn, câu thành ngữ của ông “Tự do thiên về cái xấu.” Những người ủng hộ tự do và chủ nghĩa tự do tỏ ra phẫn nộ trước một lời kết tội như thế, nhưng Solzhenitsyn đúng. Quan niệm phóng khoáng về tự do có xu hướng ưu ái hành vi không đạo đức và ghét hành vi đạo đức. Những người theo chủ nghĩa tự do luôn luôn nói rằng chúng ta không có những lí do đủ mạnh để cấm sách báo khiêu dâm, tục tĩu, báng bổ, nạo phá thai, hoặc ma túy. Tất cả những thứ đó được coi là hậu quả không tránh khỏi của tự do. Người ta bảo chúng ta rằng một khi chấp nhận tự do, chúng ta đã đồng ý với những chuyện đó, một phần hoặc toàn bộ, ngay cả nếu chúng ta thấy bị xúc phạm.

Cũng những người theo chủ nghĩa tự do này ác cảm với những khái niệm như chân lí, lòng tốt và đạo đức, chỉ cần nhắc đến chúng trong các cuộc thảo luận công khai là đã chọc tức họ rất mạnh, phản ứng của phía họ như phản xạ giật đầu gối. Những cố gắng ca ngợi hay khuyến khích đức tốt đụng phải một lí lẽ reductio ad Hitlerum  (quy về Hitler – một lối ngụy biện quy chụp) và những câu thần chú của toà án Dị giáo Tây Ban Nha, tất cả những cái này cốt cho thấy những ý tưởng đó tất yếu sinh ra chủ nghĩa độc đoán, áp bức, và ý thức hệ khủng bố. Nhưng khẳng định rằng chủ nghĩa toàn trị dựa trên sự ngự trị tuyệt đối của sự thật và đạo đức là một sai lầm khổng lồ. Ngược lại, chìa khóa cho thống trị toàn trị là không có sự thật và không có những chân lí vĩnh cửu mà người ta có thể cầu đến. Mọi thứ có thể thay đổi qua một đêm: cái gì là đúng và tốt hôm nay trở thành phản phúc vào ngày hôm sau.

Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do biết rõ hơn. Ngôn ngữ của sự ưng thuận những hậu quả xấu của tự do biến thành lời hùng biện nồng nhiệt về việc vứt bỏ hoàn toàn, mỉa mai cay độc, và thậm chí đôi khi cuồng loạn mỗi khi nhắc đến chân lí hoặc đạo đức. Những người theo chủ nghĩa tự do khiến chúng ta quen với một lối nói sáo rỗng rằng có một loại thị trường tự do của đạo đức, tương đương với một nền kinh tế thị trường trong đó mọi cá nhân được tự do theo đuổi những mục tiêu riêng của mình, không bị xáo trộn bởi những thẩm quyền đạo đức, đúng như những hành động kinh tế tự do không nên bị chính phủ can thiệp. Dưới ánh sáng của chiến lược này, sự thả lỏng đạo đức rõ ràng được ưa thích hơn kỉ luật đạo đức, mà về lâu dài sẽ dẫn đến cái mà Solzhenitsyn gọi là “tự do thiên về cái xấu.” Câu thành ngữ này nghe có vẻ hơi quá đáng, nhưng nó tóm được chính xác cái khuynh hướng cố hữu.

Hoặc hãy xem phê phán của ông về cái mà ông gọi là thái độ “hợp pháp.” Điều này thường bị bác bỏ với lời khẳng định rằng Solzhenitsyn không hiểu luật pháp phương Tây và sự cần thiết phải phân biệt giữa luật pháp và đạo đức. Có lẽ ông không hiểu, nhưng điều ấy không cản trở ông chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng mà phần lớn người phương Tây gạt sang một bên. Trong vòng bốn thập niên kể từ diễn văn Harvard, đã có vô số trường hợp pháp lý thay thế đạo đức và để đạo đức bao quát quyết định về sống và chết, tốt và xấu, đúng và sai.

Chúng ta đã được các luật sư nói cho biết khi nào con người bắt đầu là con người, khi nào sự sống có thể chấm dứt, hôn nhân là gì: tình dục hay gia đình, và nhiều sự việc khác có bản chất triết học sâu xa. Tất cả những vấn đề này đã được quyết định bởi các tòa án, một cách dứt khoát, với việc sử dụng lí lẽ gian lận rằng những phán quyết không phải là đạo đức mà là pháp lý, và chúng đã thay đổi ngoạn mục gương mặt đạo đức của các xã hội hiện đại. Hơn nữa, cũng chính những tòa án này ngày nay đã quyết định rằng lời lẽ của những người bảo vệ đạo đức đôi khi có thể bị trừng phạt. Thật choáng khi thấy những thành viên của một nghề ngiệp ngay từ đầu đã bị nhìn một cách nhạo báng và ngờ vực sâu sắc nay trở thành những thánh tông đồ cũng như những người thi hành một nền đạo đức mới.

Hoặc hãy xem những nhận xét phê phán gay gắt của ông về các nhà báo và giới trí thức. Quan điểm của Solzhenitsyn, không phải như nhiều người quả quyết – là một nhân vật của những thiên hướng độc đoán truyền thống ông phải bực bội và chán ghét sự đa dạng ý kiến, những ý tưởng chối tai, và dòng chảy hỗn loạn các lí lẽ đặc trưng cho xã hội phương Tây. Quan điểm của ông trái lại: rằng xã hội này, rơi vào trạng thái ngủ bởi diễn ngôn đơn điệu của nó về chủ nghĩa đa nguyên, không thấy rằng nó đang sinh sôi “những hình mẫu lí lẽ được chấp nhận chung,” vỗ về “bản năng bầy đàn” cổ võ “đừng cạnh tranh, mà hãy thống nhất.” Kết luận này ngày nay có vẻ không quá vô lí; nhưng bốn mươi năm trước, nó có mùi báng bổ.

Tất cả những lí lẽ của Solzhenitsyn trong diễn văn Harvard đều có thể biện hộ được, và tất cả chúng ngày nay thấy càng thêm thích đáng. Điều này mang lại cho bài diễn văn một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ lịch sử, mà còn là một dấu mốc trong cuộc tranh luận về thời đại chúng ta. người ta chỉ có thể mong cho Trên đe dưới búa rọi thêm ánh sáng lên cái nền của bài nói.

Dù là cái nền nào, nó chỉ củng cố uy tín của Solzhenitsyn ở chỗ ông có khả năng nhìn xã hội phương Tây bằng cặp mắt sắc sảo, không bị ảnh hưởng của bài ca muôn thuở “quê hương yêu dấu” đã ru ngủ nhiều người phương Tây trong niềm tự mãn. Ông không coi bất kì lối nghĩ sáo mòn nào là đương nhiên – rằng chân lí và điều thiện là toàn trị, rằng chúng ta phải phân biệt giữa pháp luật và đạo đức, rằng xã hội hiện đại vốn dĩ là đa nguyên, và nhiều thứ khác – và đã đương đầu với chúng bằng một kinh nghiệm nguyên sơ, ông không chỉ phát hiện ra rằng chúng là sai, mà còn rằng điều ngược lại có thể gần với sự thật hơn. Thật ngạc nhiên là Solzhenitsyn đã không thể nhìn đất nước của chính ông theo cách tương đối vô tư, không thành kiến như vậy. Những tình cám mà ông có đối với nước Nga – thương, yêu, hi vọng – làm lóe lên tài năng kể chuyện để ghi chép những nỗi thống khổ của nhân dân Nga và mổ xẻ bộ máy hiểm độc của chủ nghĩa cộng sản Xô viết, đã không giúp được ông trong cuộc vật lộn với bản sắc của nước Nga và vai trò của nó trong lịch sử.

Ryszard Legutko là giáo sư triết tại Đại học Jagiellonian ở Kraków.

Comments are closed.