Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn

Nguyễn Phú Yên

Trịnh Công Sơn (TCS) là một trong số những người viết nhạc tình nhiều nhất. NS Thanh Tùng còn cho rằng TCS là người viết tình ca hay nhất thế kỷ XX. Dù tán đồng hay không, chúng ta cũng thừa nhận TCS viết nhiều bản nhạc tình rất hay. Tuy vậy để được nổi tiếng, TCS không chỉ có tình ca. Và chỉ có tình ca thôi thì ông cũng chưa trở thành một hiện tượng trong nền tân nhạc Việt Nam. Phải đợi đến giữa thập niên 1960, TCS được chú ý hơn với những bài nhạc phản chiến của mình. 

Nói đến phản chiến thì phải thừa nhận cả dân tộc Việt Nam vào thời điểm ấy đều phản chiến cả, đơn giản vì đất nước và dân tộc đã phải trải qua bao nhiêu điêu linh, thống khổ với nhiều cuộc chiến tranh rồi. Ta có thể tìm thấy những bài ca phản chiến của nhiều nhạc sĩ trong dòng nhạc lính, trong phong trào du ca, phong trào thanh niên sinh viên… Nhưng phải đợi đến TCS thì phản chiến mới trở thành một dòng nhạc riêng.

Sau những bài ca trữ tình nhẹ nhàng về tình yêu, về quê hương, TCS đã viết những giai điệu mang tính thời sự hơn, thể hiện tâm trạng khắc khoải của người thanh niên trước vận nước, tác động rõ rệt vào đời sống xã hội. Những giai điệu đó khởi phát từ thành phố quê hương ông rồi lan ra cả nước. Bửu Chỉ đã nói về nhạc phản chiến của TCS như sau: “Phản chiến ở đây là bày tỏ thái độ của mình không tán thành chiến tranh, và sự không tán thành này có ý nghĩa là một sự đồng cảm, chia sẻ với những con người đang phải gánh chịu những nỗi mất mát, đau thương trong chiến tranh. Đồng cảm mà không đứng ở ngoài, đứng ở một bên; mà đứng ở cái thế chung cùng một phận, một định mệnh” (1).

Để hiểu quá trình hình thành ca khúc phản chiến của TCS, ta thử ngược dòng với các tác phẩm đầu tay của ông. Thật vậy, TCS khởi đầu sự nghiệp bằng những ca khúc trữ tình. Năm 1959, ông viết Ướt mi và trong suốt thời gian học tại Trường Sư phạm Qui Nhơn (1962-1964), một loạt ca khúc của ông như Thương một người, Nhìn những mùa thu đi, Hạ trắng, Biển nhớ… lần lượt ra đời và được phổ biến rộng rãi. Sau đó mới đến dòng nhạc phản chiến của ông. Tất cả tác phẩm đó không thể tách rời nhau, chúng gắn bó mật thiết như thể đó là tâm huyết từ một bản ngã duy nhất của người nghệ sĩ.

Gần như một định mệnh, TCS bị đẩy vào trong những nỗi ám ảnh không nguôi. Nguồn cảm xúc của ông bắt đầu từ những ám ảnh đó. Ngay ở các tác phẩm viết vào giai đoạn đầu tiên, ông khởi đi từ những giọt nước mắt. Nước mắt trong cuộc tình (người ơi nước mắt hoen mi rồi), nước mắt của các bà mẹ (nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn), nước mắt cho người dân Việt (giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong). Nước mắt ấy là nước mắt từ nỗi buồn, nó bao trùm lên thân phận con người, thân phận của dân tộc da vàng và cả quê hương thần thoại của ông. Buồn từ khi vừa mới được hoài thai (tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người), tưởng như con người ra đời dưới một “phúc âm buồn” (người nằm yên không kêu than buốt xương da mình), và như thế buồn cả kiếp người (ôi trái tim phiền muộn/ đã vui lại một giờ, tuổi buồn em mang đi trong hư vô), buồn trong từng cuộc tình (buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này, tình buồn làm cơn say, buồn bã với những môi hôn), buồn trong tiếng ru của mẹ (mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn), buồn cho quê hương (ôi quê hương đã lầm than, sao còn còn chiến tranh). Và thế hệ anh ra đời đã bị ném vào cuộc chiến tranh để rồi họ sớm thao thức và âu lo (từng tuổi xuân đã già…, ngày thật dài trong âu lo/ rồi từng đêm bom đạn phá/ người Việt nhìn sao xa lạ/ người Việt nhìn nhau căm thù). 

Từ những khúc tình ca ban đầu, TCS đã đi xa hơn với sự thao thức về cuộc đời và thân phận con người và quê hương. Như ông đã thú nhận, từ nhỏ trong gia đình ông đã thấm được tinh thần của nhà Phật. Khi lớn lên ông quan tâm đến các trào lưu tư tưởng phương Tây. Thật vậy, thế hệ của ông chắc hẳn đã tiếp nhận các dòng triết học khác nhau, trong đó có chủ nghĩa hiện sinh, đã du nhập vào miền Nam lúc đó. Đúng như Thái Kim Lan đã nhận định: “Những danh từ như hiện sinh, buồn chán, xao xuyến, hư vô, thời gian, hữu hạn và vô hạn, buồn nôn, thân phận con người, sự vô nghĩa của cuộc đời, nỗi hoài công phi lý của Sisyphus, ý niệm về siêu hình, bản thể học đã như những tiếng gõ bí ẩn vào cánh cửa tâm hồn của lớp thanh niên trẻ chúng tôi thời ấy như những mời gọi phiêu lưu vào những vùng đất lạ của tri thức… Sơn hát với những ưu tư thầm kín nhất của tuổi hai mươi chúng tôi, với những tư duy của thế hệ trẻ chúng tôi và với một cách đặt vấn đề – biệt ngữ của phong trào học triết học siêu hình thời ấy, khác với những người nhạc sĩ đi trước” (2). 

TCS đã có những băn khoăn triết học như thế giữa lúc cuộc chiến đã đi vào tầm mức khốc liệt. 

Năm 1963, tình hình chính trị miền Nam rối ren. Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam. Là một thanh niên thời chiến, TCS không thể bàng quan để đi tìm lấy tháp ngà của chính mình. Ông vẫn phải đối diện với thực trạng chiến tranh. Những thống khổ, bi đát của một dân tộc đã in hằn trong tâm trí ông. Từ đó đã bắt đầu hình thành ý thức phản chiến ở TCS. Có thể nhận ra ý thức đó manh nha từ tập nhạc đầu tiên của ông: Ca khúc Trịnh Công Sơn (thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận) (1966), sau đó đã phát triển rõ hơn với các tập nhạc Ca khúc Da vàng (cuối 1966, đầu 1967), Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1970) và Phụ khúc Da vàng (1972). TCS phô bày rõ nét cảm xúc cũng như tư tưởng của ông trước cuộc chiến. Chính TCS đã viết: “Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương. Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này” (lời tựa tập Kinh Việt Nam).

Trước hết, ông nhận ra thân phận người con trai lứa tuổi hai mươi bị cuốn đi trong cơn lốc chiến tranh: 

Đứa con của mẹ da vàng

Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương.

Hai mươi năm đàn con đi lính đi rồi không về

Đứa con da vàng của mẹ, ngủ đi con

Hai mươi năm đàn con khôn lớn ra ngoài chiến trường

Đứa con da vàng Lạc Hồng, ngủ đi con

Hò ho ho ho, sao ngủ tuổi hai mươi…

(Ngủ đi con)

Ông nhìn thấy quê hương đầy bom đạn và người dân khốn khó mà ông phải chứng kiến từng mỗi phút giây:

Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè

Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương…

(Xin mặt trời ngủ yên)

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn

Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân…

(Ca dao mẹ)

Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm

Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong…

(Nước mắt cho quê hương)

Chiến tranh đem lại cảm giác hãi hùng vì đập vào mắt ông là hình ảnh ghê rợn:

Một buổi sáng mùa xuân

Một đứa bé ra đồng

Đạp trái mìn nổ chậm

Xác không còn đôi chân.

(Một buổi sáng mùa xuân)

Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co…

Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này,

Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai…

(Bài ca dành cho những xác người)

Những hình ảnh bi thương dồn dập khiến cho đôi khi con người dường như mất hồn với hình ảnh kinh hoàng khi nó thở than bên những xác người chất chồng: 

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người

Tôi đã thấy tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

Sự cùng cực trong tâm thức khiến con người đôi khi cũng trở nên như nửa điên nửa dại:

Mẹ vỗ tay reo mừng xác con

Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình…

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

Chị vỗ tay hoan hô hòa bình…

(Hát trên những xác người)

Nếu ca từ của ông trong thời kỳ đầu còn mang tính chất hoa mỹ, đầy ẩn dụ thì trong ca khúc phản chiến, ca từ đó dần dần mang tính chất hiện thực hơn. Ông nhận ra chiến tranh đang đến gần với phố thị:

– Ghế đá công viên dời ra đường phố

Người già co ro chiều thiu thiu ngủ

Người già co ro buồn nghe tiếng nổ

Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi…

(Người già em bé)

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…

Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng

Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.

Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn

Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành

Từng vùng thịt xương có mẹ có em…

Người chết hai lần thịt da nát tan.

(Đại bác ru đêm)

– Một ngày mùa đông một người Việt Nam thôi lên đầu non

Súng từ thị thành súng từ ruộng làng nổ xé da con

Phố chợ thật buồn cuộn dây gai chắn

Chắc mẹ hiền lành rồi cũng tủi thân.

(Ngụ ngôn mùa đông)

Và như thế nỗi ám ảnh chết chóc từ trong trang triết lý hiển hiện dần trong thực tế với cái chết trùng vây của bao lớp người trai thế hệ:

Tôi có người yêu chết trận Chư Prông

Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông

Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mùng

Chết lạnh lùng mình cháy như than.

(Tình ca người mất trí)

Chiến tranh mà ông mô tả ở đây có tính chất phiếm định. Ông nhìn chiến tranh bằng cái tâm của mình. Tác giả không chỉ rõ đâu là nguồn gốc chiến tranh, đâu là kẻ thù và kẻ thù của ai. Nếu có sự thù hận thì cũng là hận thù chiến tranh đã lấy mất sự thanh bình, và trái tim người nghệ sĩ cũng không muốn nhắm vào một ai:

– Em chưa hát ca dao một lần

Em chỉ có con tim căm hờn.

(Người con gái Việt Nam)

Trong bản thảo bài Gia tài của mẹ, TCS đã sửa chữa, bôi xóa nhiều lần trên từ “nội chiến”. Tác giả chắc hẳn đã băn khoăn, cân nhắc lắm từ này nhưng cuối cùng ông đã giữ lại. Có thể vào lúc đó có người đồng ý, có người không. Đây là vấn đề dành cho các nhà chính trị, các nhà lý luận nhưng với đôi mắt khắc khoải của người nghệ sĩ, TCS đã thấy được màu da xác chết ngã xuống vẫn là màu da vàng người Việt, dòng máu đổ xuống trên quê hương mình cũng là dòng máu của người Việt. Những người anh em ở hai chiến tuyến bắn giết nhau để rồi đất nước chỉ là cảnh hoang tàn:

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ ruộng đồng khô khan

Gia tài của mẹ nhà cháy từng hàng…

Nhưng nỗi đau lớn hơn cả là khi thấy lũ người này trên đất nước:

– Gia tài của mẹ một bọn lai căng

Gia tài của mẹ một lũ bội tình.

(Gia tài của mẹ)

Chính TCS đã trần tình về những lời ca ông viết trong khoảng thời gian từ 1966 đến 1972: “Những khúc hát này đúng ra không nên có, nhưng bởi trên những con đường, những thành phố và những xác chết của tháng 5 (1972), một lần nữa tôi không thể nào quên đi tiếng kêu thất thanh của đám người cùng khổ. Cuộc chiến đã không muốn ngừng và có lẽ còn mang nhiều bộ mặt mới mẻ, thảm khốc hơn” (lời tựa tập Phụ khúc Da vàng).

Ông không ngừng nhận diện quê hương, nhận diện từng khuôn mặt bạn bè, anh em:

– Nhưng hôm nay quê hương là miền Nam

Quê hương là trái sáng, quê hương chở đầy hòm

Quê hương làm nhà hầm, quê hương thở đạn mìn

Những đứa trẻ chạy bom.

Nhưng hôm nay quê hương là Hà Nội

Quê hương là tù đày, những phố nhà tả tơi.

(Nhưng hôm nay)

Đây đó ngập tràn hình ảnh của chết chóc, hình ảnh xương máu của người Việt:

– Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Mẹ già lên núi tìm xương con mình.

(Tôi sẽ đi thăm)

Ôi cái chết đau thương vô tình

Ôi đất nước u mê ngàn năm.

(Người con gái Việt Nam)

– Một ngày dài trên quê hương ngày Việt Nam hoang tàn quá

Một ruộng đồng trơ đất đỏ một đàn bò không luống cỏ

Một ngày dài trên quê hương người Việt Nam quên mình sống

Một ngục tù nuôi da vàng người Việt nằm nhớ nước non.

(Ngày dài trên quê hương)

Không thể không nhắc đến xã hội miền Nam bấy giờ có một lớp người với tâm trạng rối bời, trôi vào cuộc sống buồn chán, buông thả, suy đồi, chỉ biết hiện tại, lãng quên mọi trách nhiệm, sống gấp, sống vội… TCS luôn nhắc đến từ “da vàng” – đồng nghĩa với mặc cảm nhược tiểu, hèn kém, van xin đó:

– Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi

Còn thấy gì ngoài bom lửa đạn

Anh chị này, sao vui mừng làm người cúi xin.

(Hãy sống giùm tôi)

– Người nô lệ da vàng ngồi yên, ngồi yên trong căn nhà nhỏ

Đèn thắp thì mờ. Ngồi yên quên nước quên non,

Ngồi yên xin áo xin cơm…

(Đi tìm quê hương)

Đến lúc cảm thấy bất lực trước hiện tại, họ chỉ còn trông chờ một điều tốt đẹp sẽ đến:

Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ

Trong căn nhà nhỏ mẹ vẫn ngồi chờ

Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu

Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù…

Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong

Chờ trên vầng trán mẹ thắp lên bình minh

Chờ khô nước mắt chờ đá reo ca

Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà

Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ.

(Chờ nhìn quê hương sáng chói)

Nhưng dường như tất cả nỗi chờ mong đã trở nên quá mong manh:

– Hai mươi năm chờ từng phút giây

(Đồng dao hòa bình)

– Bao nhiêu năm chờ đã héo hon

(Dân ta vẫn sống)

– Huế Sài Gòn Hà Nội, quê hương ơi sao vẫn còn xa

Huế Sài Gòn Hà Nội, bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ

Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau…

(Huế Sài Gòn Hà Nội)

Trong bối cảnh đó, cả một thế hệ đành nuôi lấy cho mình niềm tự tin, đôi khi cũng cháy bỏng:

– Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội

Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn

Nhưng sao lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin

Vì quê hương sẽ có ngày hòa bình

Cố nuôi vững bền những tình thương lớn.

(Chưa mất niềm tin)

TCS đã kịp trở lại với những trăn trở, ưu tư, suy xét để rồi nhận ra đằng sau nỗi đau chiến tranh là muôn triệu tấm lòng cùng chung niềm mơ ước hòa bình. Ông đã hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập của nhân dân:

– Đêm thôi dài cho mai này người Việt hái lúa ngoài đồng chín

Đêm no lành đêm thanh bình người Việt thấy tương lai rất gần.

(Đêm bây giờ đêm mai)

Tôi lên đường với anh, ta đi thấy lại ruộng vườn

Mặt trời nào rực sáng trong con tim.

(Dân ta vẫn sống)

– Những sớm mai Việt Nam tình ta bay theo sóng ngọn cờ

Dựng người mới như cây sang mùa, người vượt tới những trời xa.

(Dựng lại người, dựng lại nhà)

Một viễn cảnh tươi đẹp được vẽ vời trong niềm hân hoan của dân tộc:

– Dọn đường về ngày mai trường học dựng mọi nơi

Tay mãi dựng phố nhà trong kiến thiết mới

Hòa bình đến đây cho dân ta về vui với cánh đồng.

(Ngày mai đây bình yên)

Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn

Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên.

(Ta thấy gì đêm nay)

– Chính chúng ta phải nói hòa bình

Khi tim người rực lửa cầu mong

Chính chúng ta phải có mọi quyền

Đứng lên đòi thống nhất quê hương.

(Chính chúng ta phải nói hòa bình)

– Hôm nay tiếng hòa bình đã thấy

Trên môi người trên môi ta trên môi em

Trên môi những người Việt nghèo khốn.

(Đồng dao hòa bình)

TCS ca hát, kêu gọi thức tỉnh, kêu gọi tình anh em nhưng có lúc nhận ra sự nỗ lực vô vọng của chính mình. Trái tim người nghệ sĩ với ước mong cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới có lúc đã mỏi mệt và tuyệt vọng trước tiếng gào thét của chiến tranh:

– Đường anh em sao đi hoài không tới

Đường văn minh xương cao cùng với núi

Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối

Trái đau thương cho con mới ra đời.

(Hãy nhìn lại)

Nhạc sĩ Văn Cao đã nói về TCS như sau: “Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui, biết đau tận cùng những nỗi đau của Tồ quốc mẹ hiền” (3). TCS đã vui và đã đau như thế trong thời tuổi trẻ chiến tranh của mình. Nhìn lại, ta thấy ca khúc phản chiến chính là điểm sáng trong nội dung tư tưởng âm nhạc của TCS. Chính dòng nhạc phản chiến, chứ không phải các bài tình ca của ông, với Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, Phụ khúc Da vàng đã làm nên “hiện tượng TCS”. 

Sự lên tiếng đó có ý nghĩa như một lời tố cáo. Lời phản chiến là lời ca của lương tâm và lòng nhân ái. Thật vậy những giai điệu một thời của TCS cũng đã khêu gợi tình tự dân tộc, sự thức tỉnh tâm thức và lương tri của một thế hệ thanh niên; để rồi sau đó tiếp nối hiện tượng Miên Đức Thắng – một cái nhìn tích cực hơn về chiến tranh và đất nước. Đó là cánh cửa mở ra một khuynh hướng mới, một dòng nhạc mới trong nền tân nhạc ở miền Nam.

N.P.Y.

————-

(1) Bửu Chỉ, Đường bay nghệ thuật & Ký ức trần gian, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2012, t.85.

(2) Thái Kim Lan, Trịnh Công Sơn – nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca, (http://www.trinh-cong-son.com/thaiklan.html).

(3) Nhiều tác giả, Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2001, t.122.

Comments are closed.