Nhân 200 năm sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022): Nguyễn Đình Chiểu, tấm lòng yêu nước rực sáng của một nho sĩ

Nguyễn Phú Yên

Thời đại Nguyễn Đình Chiểu

Năm 1820, sau khi Minh Mạng lên ngôi, quan Tả quân Lê Văn Duyệt vào trấn Gia Định thành. Thân phụ Nguyễn Đình Chiểu (NĐC) theo Lê Văn Duyệt vào Nam, về lập nghiệp ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Đây cũng là nơi NĐC ra đời hai năm sau đó. Từ thuở nhỏ NĐC đã phải chứng kiến nhiều cảnh suy sụp của kỷ cương phong kiến, đạo lý làm người ở quê nhà, đó là việc những quan lại ganh ghét Lê Văn Duyệt đã san bằng mộ ông ta, đặt vòng xích sắt lên trên mốc đá có ghi 8 chữ “quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (đây là nơi tên hoạn quan lộng quyền là Lê Văn Duyệt bị phép nước xử tội chết). Sau đó là việc Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, nổi dậy chiếm thành, bắt quan bố chính Bạch Xuân Nguyên đem đến nhà thờ Lê Văn Duyệt tẩm dầu làm đuốc sống để tế lễ.

Trong thời buổi nhiễu nhương ấy, gia đình NĐC nhiều phen chạy loạn. NĐC ắt hẳn đau lòng vì phải bỏ học, lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn. Thân phụ NĐC lặng lẽ đưa con về Huế để NĐC được tiếp tục học tập. Trong hoàn cảnh ấy, NĐC vẫn miệt mài đèn sách, suy ngẫm về đạo lý thánh hiền giữa lúc nước nhà rối ren, giặc ngoài xâm lấn.

Sau mười năm công lao đèn sách, NĐC hăm hở ra ứng thí. Khoa thi năm 1843, NĐC đỗ tú tài. Năm 1847 NĐC trở ra Huế để chuẩn bị cho kỳ thi hai năm sau đó. Đúng vào thời gian mà NĐC phơi phới thân tâm để lo đường công danh thì cũng là lúc ông chứng kiến việc quân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng. Theo GS Ngô Vĩnh Long, “Việc cửa biển Đà Nẵng bị tấn công có thể dự liệu được chứ không có gì bất ngờ, vì năm 1845 chiến thuyền Constitution của hải quân Mỹ từng đến đây với ý định buộc Triều đình Huế thả một giám mục người Pháp bị tuyên án tử hình”[1]. Cái ước vọng lập thân phù thế của người nho sĩ không khỏi bị thử thách và NĐC chắc hẳn phải đau xót trước vận nước xoay vần. Nỗi niềm ấy càng bộc phát và hòa với nỗi đau riêng của ông – cái tin mẹ mất tại quê nhà:

“Hai hàng nước mắt ròng ròng

Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu.

Cánh buồm bao quản gió xiêu

Nghìn trùng non nước chín chiều ruột đau”.

Thế là NĐC đành bỏ dở khoa thi, cùng với em trở vào Nam chịu tang mẹ. Đó là cảnh “lỡ bề báo hiếu lỡ đường lập thân” (Lục Vân Tiên). Vì quá lo buồn và khóc thương mẹ, NĐC ngã bệnh, phải ở lại Quảng Nam để chạy chữa tại nhà một thầy thuốc vốn dòng ngư y. Trong lúc phải lưu lại dưỡng bệnh và chờ ghe bầu về Nam, NĐC đã dùng hết thời gian để học thêm nghề thuốc, thông suốt về y học Đông phương. NĐC đã học các sách Nội kinh, Ngoại khoa, Y học, Đông y, Ngân hải, Kinh lạc, Can mục, Cập nghiệm, Ngư trản… Thời gian này NĐC đau buồn, khóc lóc nhiều quá nên bị mù:

“Ôi thôi con mắt đã mang lấy sầu

Mịt mù nào thấy chi đâu”.

Năm 1850 sau khi bị mù, NĐC trở về Gia Định, chắc rằng mộng khoa danh không còn nhưng NĐC không vì vậy mà thất vọng não nề. Tuy từ cửa Khổng sân Trình mà ra song NĐC không phân định cuộc đời bằng hai lối “xuất xử” rạch ròi như các nho gia ngày trước. Tuy thân tàn tật, NĐC không chịu sống an phận một mình mà ông cảm thấy có bổn phận phải giúp đời.

Năm 1851, NĐC mở trường dạy học, đem cái đạo mà mình ôm ấp truyền lại cho các môn sinh. Lại còn giỏi nghề thuốc, NĐC còn chữa bệnh cho mọi người được tiếng thơm một cõi:

“Trời đông sùi sụt gọi mưa tây

Đau ốm người dân cậy có thầy”.

Với ông đó chẳng phải là nghề sinh sống, mà giúp đời cũng chẳng phải vì lợi danh:

“Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”.

Tấm lòng của NĐC không cao quý sao được khi ông đem sở học, tài năng để làm cho mọi người được mừng vui, còn bản thân ông thì “dẫu cho bữa cháo bữa cơm cũng đành”.

Năm 1859 khi thành Gia Định thất thủ, NĐC về ở quê vợ là Thanh Ba, Cần Giuộc. Tại nơi này, hai năm sau NĐC đã chứng kiến cuộc chiến đấu giữa nghĩa binh Cần Giuộc và giặc Pháp. Sự hy sinh của nghĩa binh đã để lại trong lòng NĐC mối xúc cảm sâu sắc, tràn trề và nỗi xót đau trào lên đầu ngọn bút:

“Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng

Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”.

“Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều

Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”…

Năm 1862, ba tỉnh miền Đông Nam kỳ rơi vào tay giặc Pháp, NĐC một lần nữa đau lòng dời về ở Ba Tri, Bến Tre:

“Vì câu danh nghĩa phải đi ra

Day mũi thuyền nam dạ xót xa”.

Trong thời gian về Cần Giuộc, NĐC thường bàn bạc chính sự với lãnh binh Trương Định. Rõ ràng ông đứng về phía nghĩa binh, căm thù giặc cướp nước. Khi Trương Định hy sinh, NĐC vô cùng đau xót. Ông bày tỏ tình cảm của mình qua 12 bài thơ liên hoàn và một bài văn tế với lời văn thống thiết, đồng thời vẫn sục sôi lòng “địch khái”.

 

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu

Tấm lòng vì nước vì dân của NĐC đến lúc này đã sáng tỏ. Tấm lòng đó không những được ký thác trong văn thơ mà còn được biểu hiện bằng hành động nữa. Cùng với bạn cũ là Phan Văn Trị, ông bàn luận về cảnh nước mất nhà tan, về cách đánh Pháp, lên án kẻ làm việc cho Pháp như Tôn Thọ Tường. Tâm hồn trọng nghĩa và đức độ ấy của NĐC gìn giữ qua bao thăng trầm và biến loạn:

“Tấm lòng ngay chúa thấu trời cao

Năm ải không ngừng một lưỡi đao

Cuốn kinh bát loạn tay nào mỏi

Ngọn đuốc phò nguy gió dễ xao”.

Trong cuốn Nỗi lòng Đồ Chiểu, Phan Văn Hùm có viết: “[…] tiên sinh có quan tâm đến một điều là điều nước mất. Điều đó tiên sinh không bao giờ quên đặng, mà mãi đến lúc buông hơi thở cuối cùng tiên sinh cũng hãy còn ôm bên lòng canh cánh”[2]. Cho nên dẫu bị mù, NĐC không muốn làm một người vô dụng mà ngược lại đã nghiễm nhiên trở thành một người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến của nhân dân trong thế kỷ XIX.

Năm 1867 cả sáu tỉnh Nam kỳ rơi vào tay giặc Pháp. Bọn chúng có thêm điều kiện để đàn áp những cuộc nổi dậy của nghĩa binh. Những sĩ phu yêu nước lần lượt bị hy sinh, trong đó có người chiến sĩ Phan Công Tòng là người mà NĐC nhiều phen góp bàn mưu lược. Ông đau lòng viết một bài điếu văn gồm 10 bài thơ thất ngôn bát cú ngợi ca người anh hùng “thà thác chẳng đầu Tây”:

“Thương ôi! người ngọc ở Bình Đông
Lớn nhỏ trong làng thảy mến trông.
Biết đạo khác bầy con mắt tục
Dạy dân nắm giữ tấm lòng công.
Đặng danh vừa rạng bề nhà cửa,
Vì nghĩa riêng đền nợ núi sông.
Một trận trải gan trời đất thấy,
So xưa nào thẹn tiếng anh hùng”.

Nhìn đất nước tan tành, NĐC đôi lúc không khỏi ngao ngán, muốn quên thế sự để giữ tấm lòng sạch trong:

“Ai toan cho thấu máy trời sâu

Sự thế nghe thôi đã lắc đầu”.

“Gặp cơn trời tối thà đui

Khỏi gay con mắt lại nuôi đặng lòng”.

Ông tự xét mình dẫu tài cao chí lớn nhưng chẳng đổi thay gì được vận nước. Ông tỏ lòng đau xót:

“Nói ra thời nước mắt trào

Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi”.

Từ đây ông một lòng giữ tròn khí tiết, sống cuộc đời thanh bạch và cao cả cho trọn “lòng đạo” mà ông hằng ôm ấp. Cuộc sống mòn mỏi với tấm lòng ưu tư về cảnh đen tối của đất nước kéo dài cho đến lúc ông qua đời năm 1888.

Thông qua cuộc đời và hành trạng của NĐC, chúng ta có thể hiểu dược sự hình thành và phát triển tư tưởng của nhà thơ tiêu biểu cho văn chương yêu nước miền Nam thế kỷ XIX. Tiến trình ấy có thể phân chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ lúc NĐC ra đời cho đến năm 1859. Đây là khoảng thời gian mà ông được gia đình chăm lo giáo dục trong khuôn khổ ý thức hệ Nho giáo (mà thật ra cho đến lúc cuối đời, NĐC mãi mãi vẫn là một nho sĩ). Ngay từ lúc thơ ấu NĐC đã được bà mẹ và thầy vỡ lòng dạy những bài học đạo đức cơ bản của Nho giáo. Cho đến thời gian tám năm học tập ở Huế, tuy tận mắt nhìn thấy những mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị, bước đầu suy nghĩ về thời thế, kỷ cương giềng mối xã hội, về công danh hoạn lộ của mình, song NĐC vẫn miệt mài với chữ nghĩa thánh hiền với đạo lý nho gia. Chắc chắn rằng NĐC chưa hề đi ra khỏi hệ thống quan niệm đạo đức và thẩm mỹ mà ông được học tập và rèn luyện. Đó là nền tảng xác lập quan niệm nhân sinh, từ đó hình thành con đường lập thân cố hữu của nho gia; tức là quá trình đi từ học tập (tu thân, tề gia) đến xuất thế (trị quốc, bình thiên hạ). Cái mốc đầu tiên trên con đường đó được đánh dấu vào năm 1843, tức là khi NĐC thi đỗ tú tài. Nếu không có cái bất hạnh riêng tư của gia đình và bản thân, chắc chắn NĐC sẽ tiếp tục dấn thân sâu hơn nữa trên con đường lập thân ấy. Biết đâu bằng tài năng và công lao đèn sách của mình, NĐC sẽ không cắm thêm những cái mốc lớn lao hơn, vinh quang hơn? Cho đến giờ phút ấy NĐC vẫn là một môn sinh trung thành của Nho giáo. Điều này chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn trong tác phẩm truyện kể đầu tiên của ông sáng tác trong giai đoạn này là tác phẩm Lục Vân Tiên. Tất cả những điều hay, cái đẹp của tư tưởng Khổng Mạnh mà NĐC rút tỉa qua những tháng năm học tập đều được ông đúc kết thông qua một truyện kể nôm na với lối cấu trúc truyền thống tự sự dân gian kiểu “có hậu”. Dù có thể phân tích rõ nét tác phẩm Lục Vân Tiên bằng nhãn quan nào đi nữa thì ý nghĩa của chính nó trước sau vẫn là tính chất giáo huấn. Có nghĩa bằng tác phẩm truyện kể của mình – mà trước hết phổ biến thông qua lối diễn xướng dân gian –, NĐC muốn dạy người đời bài học trung hiếu tiết nghĩa, những phạm trù cơ bản của tư tưởng nho gia.

Tuy nhiên bài học ấy không hề khô cằn, lý thuyết mà trái lại đầy sức sống và sinh động, ở đó qua các nhân vật có thể tìm thấy lý tưởng nhân nghĩa, đức tính trọng nghĩa khinh tài, tinh thần dũng cảm, ghét gian ác, tình yêu cao quý và đẹp đẽ… Người dân Nam Bộ khi nghe, khi đọc Lục Vân Tiên đều có thể tìm thấy mình ở trong đó qua những nhân vật tích cực chinh phục trái tim của họ. Họ thấy mình là Lục Vân Tiên, Hán Minh, Tử Trực hoặc là Nguyệt Nga, Kim Liên, hoặc là ông Quán, ông Tiều, ông Ngư, Lão bà. Đặc biệt nhân vật chính là một chàng trai nhiều tình cảm nhưng đầy bản lĩnh trước những hoàn cảnh éo le, khác hẳn những chàng trai yếu đuối trong Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần

Như vậy cái lý tưởng đạo đức nho gia – mà NĐC thể hiện với một chừng mực cách tân nào đó, chừng mực phù hợp với xã hội – lịch sử nào đó – vẫn là nền tảng xuyên suốt tác phẩm để đi theo với đông đảo quần chúng nhân dân. Không dễ gì để nhân dân ủng hộ nếu nội dung của một tác phẩm văn học đi ngược với nguyện vọng, lý tưởng của nhân dân. Tác phẩm của NĐC, trong đó có Lục Vân Tiên, chứng minh được rằng NĐC đã thể hiện được nguyện vọng của nhân dân, tiêu biểu cho lý tưởng của quần chúng.

Để làm được điều này, ở đây ta sẽ không quên phân tích bối cảnh lịch sử và đời sống văn hóa tư tưởng của người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh lúc bấy giờ. Nhà Nguyễn qua các triều đại vẫn tiếp tục củng cố địa vị giai cấp thống trị của mình, duy trì chế độ phong kiến quân chủ với các giềng mối trật tự xã hội cũ kỹ đến tận các vùng đất xa xôi. Cho đến khi có tiếng súng xâm lăng của giặc Pháp báo trước cơn sóng biến đổi của thời đại, thay vì học tập sự canh tân phục vụ dân tộc qua việc tiếp xúc buôn bán, truyền đạo của người Tây phương, nhà Nguyễn áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, quay mặt trước nền văn minh mới. Cũng vì lo cho vương quyền của mình, nhà Nguyễn phát huy khả năng quân đội để trấn áp những cuộc nổi dậy của nông dân và sĩ phu, duy trì hệ thống quan lại và giáo dục thi cử từ chương phục vụ chế độ phong kiến. Tuy càng về sau hệ thống đạo đức, kỷ cương phong kiến chịu sự tác động của thời đại đã trở nên lỏng lẻo và không tránh khỏi sự rạn nứt, đổ vỡ, song đời sống của người dân cơ bản vẫn không ra ngoài hệ tư tưởng Nho giáo. Nền văn hóa Việt Nam bấy giờ tuy dung nạp nhiều yếu tố và từ nhiều căn nguyên khác nhau vẫn mang đậm sắc thái của xã hội phong kiến. Do vậy những chuẩn mực chính thống của đạo đức Nho giáo tuy bị thử thách trước những xu hướng tiến bộ của nhân dân, kể cả những nho sĩ thức thời và yêu nước vẫn còn khắc ghi trong tâm hồn đông đảo quần chúng nhân dân. NĐC là sản phẩm của nền giáo dục từ nơi cửa Khổng sân Trình, ông làm sao quên được những chuẩn mực ấy? NĐC sẽ dạy cho môn sinh của mình những gì nếu không phải là những chuẩn mực ấy? Phải chăng đó là cách thế thực hiện vai trò kẻ sĩ trong xã hội cũ, là cách thế hành đạo của nhà nho? Phải nói rằng ở giai đoạn đầu đời NĐC rất gắn bó với đạo lý của nho gia, cho nên thơ văn của ông thể hiện rõ rệt quan niệm “văn dĩ tải đạo”. Ta hãy nghe những lời thơ ông viết:

“Xưa nay đều chọn đường trung hiếu

Sách vở còn ghi lẽ chính tà

Năm phẩm rừng nhu săn sóc lấy

Ấy là đạo vị ở lòng ta”

(Đạo người)

“Nét mực tụ kinh ngăn đứa loạn

Dấu xe hành đạo rạch trong trần”

(Chạnh tưởng Khổng Tử)

“Hai chữ cang thường dằn các nước

Một câu trung hiếu dựng muôn nhà”

(Than đạo)

“Hoa trái rừng nhu ra sức hái

Nghê kình hiển thánh ráng công mò”.

(Tứ dân – sĩ)

Giai đoạn 2 kể từ năm 1859 cho đến lúc NĐC qua đời. Đây là giai đoạn mà tư tưởng NĐC có sự chuyển biến sâu sắc. Thời gian non 10 năm ở Gia Định để dạy học và làm thuốc, NĐC những tưởng sẽ được yên ổn mà hành đạo trong cảnh đui mù. Song thời cuộc biến đổi mau chóng: năm 1859 thành Gia Định thất thủ, năm 1862 ba tỉnh miền Đông rơi vào tay giặc Pháp. Ngay tại quê nhà NĐC hẳn đã nghe tiếng súng xâm lăng, lòng không khỏi chua xót vì cảnh “dưa chia khăn xé”, “nửa Tống nửa Liêu” (Văn tế Trương Định). Con người nhà nho trong NĐC không còn yên thân được nữa, con người ấy bị dày vò, xâu xé trước thực tế đau lòng khiến ông phải thức tỉnh. Có thức tỉnh mới thấy được trên đường chạy giặc:

“Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

(Chạy giặc)

Từ đây NĐC thấy rằng giặc Pháp chẳng phải là giặc Ô qua của Lục Vân Tiên, bởi vì chúng không chỉ có cướp đất (làm chư hầu) mà còn cướp dân, làm đảo lộn xã hội, đổi thay phong hóa, đem tà đạo thay cho chính đạo. NĐC không buồn sao được nếu môn sinh của mình quên mất bài học tri ngôn (học chữ nghĩa thánh hiền) – dưỡng khí (tu thân, tề gia, nhân nghĩa, nuôi dưỡng chính khí) – tập nghĩa (gom việc nghĩa để hành đạo), nếu quần chúng nhân dân không còn đón nhận những điều trung hiếu tiết hạnh của truyện Lục Vân Tiên? Vậy thì người nho sĩ trước thực tế đó phải biết “vệ đạo”:

“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương”

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Muốn bảo vệ chính đạo chỉ có cách là phải đánh giặc, đuổi quân xâm lược”:

“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Nếu còn giặc thì không còn nước, chẳng còn dân. Không còn dân còn nước thì chẳng còn chính đạo. Lý tưởng nhân nghĩa giờ đây đã được phát triển và trở thành lý tưởng yêu nước thương dân. Đặt vào thời đại NĐC, lý tưởng nhân nghĩa đã mang một nội dung mới, phù hợp với tư tưởng tiến bộ xã hội. Lòng yêu nước của ông chắc hẳn còn bị quan niệm trung quân chi phối: sống thờ vua, chết cũng thờ vua; song đến lúc này hình ảnh ông vua đã bị phai mờ trước bối cảnh lịch sử đen tối và địa vị ông vua xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ lại cho dân (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh):

“Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại”.

(Văn tế Trương Định)

Nhân cách Nguyễn Đình Chiểu

Quan niệm trung quân đã nhường chỗ cho tư tưởng thân dân. Dẫu cho còn ở Gia Định hoặc về Thanh Ba, NĐC thật sự đã gần gũi với mọi người, đã hòa mình vào đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân và đã nhận ra ở họ một sức mạnh có thể thay thế những “trang dẹp loạn” (Chạy giặc) lúc vận nước ngả nghiêng. Hình ảnh người nông dân trong thơ NĐC đầy tính chất hiện thực. Họ là “dân ấp dân lân”, “côi cút làm ăn, riêng lo nghèo khó” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) nhưng vẫn là những anh hùng không tên tuổi, xứng đáng với sự mệnh mà thời đại giao cho.

Tấn bi kịch của đất nước ngày càng mở rộng theo bước chân xâm lăng của giặc Pháp trên khắp sáu tỉnh Nam kỳ. Sức mạnh quân sự của phương Tây cùng với sự bội phản của bọn tay sai lần lượt đánh ngã những sĩ phu yêu nước đầy tài năng. NĐC đau xót, lòng cảm thấy cảm khái trước sự hy sinh của những anh hùng ấy. Cái chết của họ chỉ làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho ông. Trong cuộc đời đui mù, ông đã bao lần ra đi rời khỏi nhượng địa để không cùng sống với quân thù. Nếu ở giai đoạn trước NĐC là hình ảnh của người mù trung hiếu Lục Vân Tiên thì ở giai đoạn 2 ông chính là người mù yêu nước Kỳ Nhân Sư. Ông là người ca ngợi hết lòng nghĩa binh trong hàng ngũ chống Pháp, đồng thời tỏ thái độ chính trị rõ rệt đối với việc nhà vua cắt đất:

“Kể từ Thạch Tấn ở ngôi,

U Yên mấy quận cắt bồi Khiết Đan

Sinh dân nào xiết bùn than

U Yên trọn cũng giao bàn về Liêu”

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Như vậy trong giai đoạn cuối đời NĐC, quan niệm trung quân của nho gia đã bị thực tế lịch sử làm lung lay. Giờ đây chữ “quân” phải đồng nghĩa với minh quân. NĐC đã làm cái công việc dung hòa những yếu tố tích cực nhất của Nho giáo với đời sống văn hóa đạo đức của quần chúng để giữ thế quân bình cho xã hội. NĐC không muốn thay đổi cuộc diện bằng bạo lực theo kiểu Cao Bá Quát, mà ông tin rằng chỉ cần chấn chỉnh lại tổ chức xã hội, trọng dụng kẻ sĩ có tài năng và đạo đức, có minh quân như Nghiêu Thuấn, Võ Thang thì xã hội sẽ tốt đẹp, tức đời trị:

– “Phương cũ vua tôi gìn trước mắt”

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

– “Ngày nào trời đất an ngôi cũ

Mừng thấy non sông bặt gió tây”

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Từ thực tế xã hội Việt Nam bị kìm hãm trong một thứ trật tự thủ cựu, những sĩ phu yêu nước như NĐC chưa tìm ra con đường nào khác ngoài cái đạo nho gia, sự va chạm với sức mạnh mới của phương Tây dẫn đến cảnh nước mất nhà tan là lẽ đương nhiên. Tinh thần yêu nước của nhân dân đã đưa đất nước vượt qua những thử thách lớn lao, qua những thăng trầm vinh nhục song đất nước đã không phát triển được thời ấy bởi chính hệ tư tưởng lỗi thời, chưa thể vạch ra cho kẻ sĩ con đường cứu nước hiệu quả được. Chính tình cảnh đó đã khiến cho NĐC mang tâm trạng ngao ngán, buồn thương cho đến những ngày cuối cùng của đời mình. Nói cho cùng, cho dẫu ước mơ của ông không còn phù hợp vào giai đoạn ấy, song NĐC đã để lại cho đời tấm gương của một nho sĩ yêu nước rực sáng trong cuối thế kỷ XIX của đất nước ta.

N.P.Y.


[1] https://tuoitre.vn/160-nam-ngay-da-nang-khang-phap-ky-1-thanh-luy-thu-lua-20181024115137281.htm

[2] Phan Văn Hùm, Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai). Sài Gòn: Tân Việt, 1957, tr. 29.

Comments are closed.