Nhìn lại một nền văn học

Lê Hoài Nguyên

Vừa rồi, nhân sự kiện năm cuốn tiểu thuyết, trong đó có Vòng tay học trò, của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam tái bản, trên một số báo và trang mạng chính thống có mấy bài ca ngợi hơi ồn ào cái gọi là đưa văn học miền Nam 1954-1975 trở lại Việt Nam – có lẽ trở lại với miền Bắc, Hà Nội thì đúng hơn.

Thực ra Văn học miền Nam 1954-1975 không chết khi nó bị thiêu hủy trong ngọn lửa hung hãn của Phong trào bài trừ Văn hóa phản động đồi trụy. Nó vẫn sống và được bảo quản ở những người dân Việt thực lòng yêu quý văn hóa dân tộc Việt Nam, ở cộng đồng người Việt hải ngoại. Nó cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu hải ngoại tổng kết như Võ Phiến, Thụy Khuê, Nguyễn Vy Khanh, Trần Hoài Thư, Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo, Đặng Tiến…

Chỉ có điều rất đáng tiếc rằng những thông tin đó rất nhiều người nghiên cứu, lý luận phê bình miền Bắc, Hà Nội hầu như không biết hoặc cố tình không biết.

Từ tháng 7-2014 khi trang web Văn Việt của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam ra đời, Ban Biên tập đã quyết định lập chuyên mục Văn học Miền Nam 54-75 do hai nhà văn Hoàng Hưng và Lê Hoài Nguyên phụ trách. Trong gần tám năm, đến nay chuyên mục đã đăng đến kỳ 717, giới thiệu được phần cơ bản nhất gồm vài chục bài nghiên cứu tổng quan và gần 100 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, triết học có tên tuổi ở miền Nam từ 1954 đến 1975. Về danh mục tác phẩm, hầu hết các tác phẩm nổi tiếng trên đủ mọi lĩnh vực đã được giới thiệu phần khảo cứu và phần trích nội dung chính.

Vì các báo giấy và mạng chính thống, lề phải không dám đăng thông tin của chúng tôi nên hôm nay chúng tôi xin nhắc lại bài Nhìn lại một nền văn học của nhà văn Lê Hoài Nguyên đăng trên chuyên mục Văn học Miền Nam 54-75 (kỳ 12), ngày 3- 8-2014.

Văn Việt

 

Hôm nay đã sắp 40 năm ngày chấm dứt của nền văn học ấy. Từ thập niên 80, 90 giới nghiên cứu phê bình quen gọi là nền Văn học thực dân mới hoặc Văn học đô thị miền Nam 1954-1975. Những nhà văn đã sinh ra nền văn học đó thì gọi nó là Văn học Sài Gòn hoặc Văn học Việt Nam Cộng hòa.

Từ sau 1975 còn có một nền văn học nối dài do nhiều chủ nhân của nó định cư ở nước ngoài làm lại đã phát triển 40 năm nay với tên gọi lúc đầu là Văn học lưu vong, sau là Văn học hải ngoại hay như từ năm 1993 tôi đã gọi một cách ấm cúng trong bối cảnh đương thời là nền Văn học Người Việt ngoài nước*.

Hôm nay nhiều người Việt đã không còn nhìn nhận sự kiện 30-4-1975 như là một sự kiện thuần túy sắt máu, cũng như không còn nhìn nhận toàn bộ nền văn minh vật chất và tinh thần của xã hội miền Nam chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ để lại.

Cũng trong hoàn cảnh nhiều người trong giới viết văn, nghiên cứu phê bình trong nước đã nhìn nhận hai nền văn học ở trên là một tiến trình phát triển, một bộ phận hiển nhiên không thể bỏ đi của nền Văn học hiện đại Việt Nam.

Từ lâu tôi đã nghĩ đến có một ngày như thế khi tôi còn trẻ chứng kiến các khối văn hóa phẩm khổng lồ chuẩn bị được đem đi tiêu hủy. Trong số các ấn phẩm tôi còn kịp nhận ra tên của những kiệt tác gia của nhân loại mà ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội tôi chưa được đọc.

Thời gian và tình thế dân tộc, đất nước đã đủ để mỗi người Việt Nam hôm nay nhìn rõ cái lẽ phải trái một thời, có những đại cuộc viển vông, có những niềm tin ấu trĩ, những xung đột huynh đệ thảm khốc, những ý tưởng manh nha ngược chiều đương thời nay trở thành chân lý… Tôi thấy mình đang phải thoát ra khỏi các tín điều để tìm ra một cách lý giải mới về lịch sử, văn hóa đất nước qua các biến thiên thời cuộc cho đến hôm nay.

Trở lại khởi điểm các nhà mác xít Việt Nam đã nói về cái nền văn hóa ở miền Nam 1954-1975. Họ đã quả quyết rằng cái nền văn hóa ấy hoàn toàn chỉ là sản phẩm của người Mỹ mang đến, hoàn toàn do các chính sách nô dịch của người Mỹ và chính quyền tay sai Mỹ nặn ra. Họ đã bỏ qua tính độc lập của văn hóa, bỏ qua các thành tố thuần túy văn hóa của một nửa dân tộc tự xây dựng nên để tồn tại trong sự đối lập với chính quyền, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt…

Họ quên rằng trong hàng chục thế kỷ đã qua, dân tộc Việt Nam đã có nhiều thời kỳ sống dưới ách đô hộ nước ngoài nhưng không một ngoại bang nào, không một chính thể nào có thể thay thế được nền văn hóa Việt bằng nền văn hóa của họ. Hai là không thể lẫn lộn cái gọi là sự xâm lược văn hóa với sự lan tỏa ảnh hưởng của những nền văn minh trong văn hóa của những dân tộc phát triển theo sau các đạo quân đế quốc như của Trung Hoa, Pháp và Mỹ đối với nước ta. Chính thể nào, quốc gia, cộng hòa hay cộng sản cũng đều có bộ máy văn hóa để tuyên truyền cho nó, cố gắng áp đặt ý chí của nó nhằm tạo ra một bộ mặt văn hóa minh họa cho bản chất của nó nhưng xét đến cùng các chính thể không thể lãnh đạo được toàn bộ nền văn hóa của một dân tộc. Ngoài yếu tố bản thể tự nhiên, các nền văn hóa tư sản hay cộng sản bao giờ cũng có yếu tố dân tộc, hiện thực, yếu tố mới, yếu tố đẹp, yếu tố phản kháng, yếu tố chống chiến tranh, bạo lực… Vậy thì nền văn hóa của cả nửa dân tộc Việt xây dựng ở miền Nam trong 20 năm 1954-1975 không chỉ có mỗi hình thái nô dịch đồi trụy. Hiển nhiên nó vẫn chảy theo lộ trình của văn hóa dân tộc Việt có từ ngàn năm. Chỉ tiếc rằng thế giới quan vụ lợi về chính trị đã làm cho giới nghiên cứu bấy lâu nay gạt bỏ hết phần giá trị của nó.

Vậy thì cần phải nhìn văn hóa, văn học miền Nam 1954-1975 với cách nhìn của hôm nay trong tiến trình lịch sử dân tộc, với các giá trị của tiến bộ xã hội, của con người, với xu thế phát triển của thế giới hiện tại. Phê phán những người vì mục đích tiền bạc hoặc hư vinh mà phục vụ cho guồng máy tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng cũng cần phân biệt những người còn ý thức về sự tồn vong của dân tộc, đất nước, về sự đau khổ của đồng loại, những người sáng tạo vì vẻ đẹp của dân tộc. Thậm chí trong bối cảnh chiến tranh lúc đó, thái độ lưỡng lự, hoang mang, u sầu thôi cũng góp phần không hun nóng thêm những cái đầu khát vọng chiến tranh. Hoặc một tác phẩm phản ánh khách quan sự thật băng hoại của xã hội miền Nam cũng có ý nghĩa thức tỉnh tích cực lương tri của cộng đồng. Hoặc những cố gắng cách tân nghệ thuật đưa ngôn ngữ Việt tiếp cận các phương thức biểu hiện hiện đại, các tư tưởng của triết học thế giới đương thời cũng là đáng quý.

Đó là lý do tại sao những phần giá trị của văn hóa, văn học miền Nam 1954-1975 vẫn sống âm ỉ trong lòng nhiều người miền Nam, cả người miền Bắc, và cả thế hệ trẻ hôm nay.

Sức sống ấy bất chấp những nỗ lực của những người thắng cuộc sau 30-4-1975 đã huy động một bộ máy tuyên truyền, một hệ thống truy quét khổng lồ để tiêu diệt nó.

Như vậy không thể đơn giản quy chiếu toàn bộ nền Văn học miền Nam 1954-1975 dưới góc độ phản động – đồi trụy mà phải nhìn nó như nó vốn tồn tại như một lẽ tự nhiên với đầy đủ các thang bậc giá trị. Cùng với khuynh hướng phục vụ chính thể chế độ Việt Nam Cộng hòa, nền văn học ấy còn có các khuynh hướng khác như:

Khuynh hướng hiện thực

Khuynh hướng phản kháng lại chính quyền

Khuynh hướng chống chiến tranh

Khuynh hướng tình tự quê hương đất nước

Khuynh hướng cách tân nghệ thuật

Các khuynh hướng có thể tồn tại trong một nhóm tác giả hoặc đan xen trong mỗi tác giả. Vì thế sự đánh giá mỗi tác phẩm tác giả của nền Văn học miền Nam 1954-1975 cũng không hề đơn giản.

Với trang Văn học miền Nam 1954-1975 chúng tôi chỉ có tham vọng ghi nhận một cách nhìn mới về nền văn học này và cố gắng sưu tầm các kết quả nghiên cứu đánh giá về nó và tập hợp một tủ sách đại diện cho các khuynh hướng của nó hầu giúp cho đồng nghiệp và bạn đọc tiếp cận được đời sống văn học một nửa đất nước trong hai mươi năm chia cắt.

Tháng 7-2014

* Chú thích: Bài Một cách nhìn mười tám năm Văn học Việt ngoài nước. Tạp chí Quê Hương – Ban Việt kiều Trung ương, số 8-1993.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.