Nguyễn Thanh Giang
Chu Văn An sinh ngày 25/8 (có tài liệu nói 15/8) năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1282), tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội và mất ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), hưởng thọ 78 tuổi, đã từng đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ ngày nay) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Tâm huyết với nghề dạy học, không màng danh lợi, Chu Văn An bắt đầu sự nghiệp với một mái tranh đơn sơ ở làng Huỳnh Cung, giáp với làng Quang quê mẹ. Tuy là trường ở làng quê, nhưng cũng có thư viện. Thầy Chu dạy học trò từ hạng ấu học, mộng học, trung tập và đại tập (tương đương với vỡ lòng, tiểu học, trung học và đại học). Học trò nhiều nơi, từ Kinh Bắc, Sơn Nam, Châu Hồng, Châu Hoan tìm đến theo học rất đông, tới 3.000 người. Trường Huỳnh Cung đã đào tạo nên rất nhiều trò giỏi. Khoa thi năm 1314, dưới thời vua Trần Minh Tông, trường có hai học trò đỗ Thái học sinh là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, cả hai đều làm quan dưới triều Trần (Lê Quát được thăng đến chức Thượng thư).
Tài đức và danh tiếng của thầy Chu vang đến kinh đô Thăng Long, vua Trần Minh Tông (lên ngôi năm 1314) mời ông ra kinh thành dạy học tại Quốc Tử Giám, ngôi trường lâu đời, chuyên đào tạo các hoàng tử, con các vị quan lại.
Vua Trần Minh Tông đã cắt cử thầy Chu Văn An chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương chức Phó Hiệu trưởng) và giao Thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông) cho thầy Chu dạy dỗ. Đứng đầu Quốc Tử Giám lúc này là quan Tể tướng Trần Nguyên Đán (ông ngoại của danh nhân Nguyễn Trãi, cũng là ông nội của danh tướng Trần Nguyên Hãn).
Theo thư tịch cũ thì Chu Văn An viết nhiều sách, ông đã để lại cho đời sau những tác phẩm: hai tập thơ Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều ẩn thi tập bằng chữ Hán. Ông còn viết một cuốn sách biện luận giản ước về Tứ thư nhan đề Tứ thư thuyết ước. Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây thì Chu Văn An còn là một nhà đông y đã biên soạn quyển Y học yếu giải gồm những lý luận cơ bản về chữa trị bệnh bằng Đông y. Khi ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng tên thụy cho ông là Văn Trinh. Ngô Thế Vinh, nhà văn học nổi tiếng thế kỷ 19 trong bài văn bia ở đền Phượng Sơn đã thích nghĩa hai chữ “Văn Trinh” như sau: “Văn, đức chi biểu dã. Trinh, đức chỉ chính cổ dã” (Văn là sự bên ngoài (thuần nhất) của đức, Trinh là tính chính trực, kiên định của đức). Tên thụy như vậy nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: bên ngoài thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực, kiên định. Trong lịch sử giáo dục nước nhà, ông cũng đã giành được địa vị cao quí bậc nhất, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Ông đã vượt qua ngưỡng cửa: làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời.
Đồng thời với nhiệm vụ dạy học cho vua, thầy Chu Văn An đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình.
Thời vua Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông trị vì, đất nước thanh bình, chính sự tốt đẹp. Đến khi vua Hiến Tông ở ngôi được 12 năm thì mất (1329 – 1341), người em là Trần Hạo (Trần Dụ Tông) nối ngôi. Qua những năm đầu chính sự vẫn còn tương đối yên ổn, nhưng sau khi thượng hoàng Trần Minh Tông qua đời (1357) thì tình hình đất nước bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống. Trong triều, bọn gian thần bắt đầu lộng hành, kéo bè kết đảng. Vua Trần Dụ Tông lơ là, bỏ bê việc triều chính. Việt Nam sử lược chép về vua Dụ Tông như sau: “Suốt ngày lo rượu chè, chơi bời, xây cung điện, đào hồ, đắp núi để thưởng ngoạn, lại cho người giàu vào cung đánh bạc”.
Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, Chu Văn An đã nhiều lần can gián nhưng bất thành. Dâng sớ xin chém bảy tên gian thần cũng không được chuẩn y vì bọn chúng đều là nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ”, cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Hưng) lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), rồi mất tại đó.
Theo cuốn Vương triều sụp đổ, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm gồm có: Trâu Canh, Mai Thọ Đức, Bùi Khâm, Văn Hiến, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu, Đoàn Nhữ Cẩu.
Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn, đi theo quân Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã hàng phục và cúi đầu xin cư trú. Được cho làm ngự y, y đã ra sức băng hoại triều đình bằng thú dâm đãng, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý, làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 13 tuổi. Để bày trò phục dương, y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương. Y còn bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, bảo đấy là phương thuốc tăng cường sinh khí. Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia.
Thất trảm sớ do Chu Văn An soạn là một tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng. Dù chưa được biết nội dung cụ thể, ba tiếng Thất trảm sớ mỗi khi đọc lên người nghe đều thấy uy nghi, linh thiêng như lời phán thánh thần. Nhà sử học Lê Tung (thế kỷ XV) viết: “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”. Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) có thơ: “Thất trảm vô vi tồn quốc luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm”, nghĩa là: “Sớ Thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận/ Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng”. Cao Bá Quát cũng từng ngợi ca: “Thất trảm yêu ma phải rợn lòng/ Trời đất soi chung vầng hào khí/ Nước non còn mãi nếp cao phong”.
Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của thầy Chu là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu.
Chu Văn An được người đời coi như Sao Đẩu, Sao Khuê và tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Phan Huy Chú xiển dương: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cương thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.
Trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An, cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km hiện nay vẫn còn lăng mộ và đền thờ Chu Văn An. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998. Trong đền có đôi câu đối thờ:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
Dịch:
Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân!
Đôi câu đối trong đền thờ thần ở quê ông thì ghi như sau:
Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận.
Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô.
(Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải.
Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa).
Trong đôi câu đối trên, Chu đình có hai nghĩa: sân son và sân họ Chu, chỉ Chu Văn An. Hình ảnh “Mây lành từ nghiên mực bay lên” liên quan đến một huyền thoại vẫn được lưu truyền nói về ngôi trường và nhân cách, đạo đức của thầy Chu:
Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, trong số rất đông học trò từ tứ xứ kéo đến theo học có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. Cho người dò la tìm hiểu thì thấy cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: “Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Được thầy khuyến dụ, người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng. Nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai biến làng này thành một làng văn học, quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, v.v.
Sử sách từ cổ chí kim đều nhất trí tôn vinh đạo đức, tư cách, khí tiết Chu Văn An ở mức tột đỉnh. Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá về quan điểm, tư tưởng của ông thì chưa được bàn thảo thấu đáo để xác định thật thỏa đáng. Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư viết:
“Nội dung dạy học của ông ngày nay không còn được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn ông đã nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng – Mạnh dần dần chiếm thế độc tôn. Ta biết rằng, dưới thời Lý cũng như thời Trần, đạo Phật là quốc giáo. Nhiều vị vua đi sâu vào Phật học và có những lý thuyết riêng cho Phật giáo Việt Nam, dân chúng cũng rất mộ Phật. Để làm cho Nho học có một vị trí lớn trong giáo dục thời bấy giờ không phải là điều đơn giản, nhưng Chu Văn An đã làm được điều này, khiến cho mọi tầng lớp vua quan sùng Nho về sau đều biết ơn ông. Ta không thấy ông trực tiếp bài bác Phật giáo, nhưng các học trò được ông dạy dỗ, khi ra làm quan lại phê phán đạo Phật. Bởi vì bài Phật để tôn Nho là theo đúng phương hướng, ý chí người thầy của họ”.
Võ đoán trên có lẽ xuất phát từ ý kiến của Bùi Huy Bích.
Trong miếu thờ Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung còn ghi lời của Bùi Huy Bích (1744 – 1802) như sau: “Kính nghĩ phu tử, tinh thông về lý học, khi ra đời (xuất thế) cũng vì Lễ, khi ở ẩn (thoái ẩn) cũng vì nghĩa. Những học trò của ngài đã đem bày tỏ rõ ràng được đạo Nho, chống lại tà thuyết, gạt bỏ mê tín. Phong thái và ảnh hưởng của ngài dù đến trăm năm sau cũng cảm thấy như chính mình đang ở gần ngài. Trong Kinh thi, chẳng đã có câu: Núi cao, ngửa trông thấy càng cao, đường lớn càng đi càng thấy xa…”
Theo Bùi Huy Bích, Chu Văn An chủ xướng bốn quan điểm sau: “Cùng lý: bàn cãi cho biết lý lẽ của sự vật. Chính tâm: luôn luôn giữ lòng mình cho chính, không làm điều gì trái với lương tâm. Tịch tà: chống lại tà thuyết, những điều nhảm nhí. Cự bí: đấu tranh vượt mọi khó khăn, chống lại những sự việc làm hại đến nhân tâm. Ở bốn quan điểm này, chúng ta thấy Chu Văn An quan tâm đầy đủ cả hai mặt trí dục và đức dục, học và hành”.
Lời võ đoán của Ngô Sĩ Liên có lẽ không đúng, Chu Văn An là một nho sĩ tiết tháo nhưng không sùng Nho và không hề “bài Phật để tôn Nho”. Bậc chân nho thì không thể xuất thế.
Đạo Phật cho thế gian là vô thường, ảo hóa, trong đó có cả bản thân con người. Bước đầu của người tu Phật trong một hình thức nào đó phải xa lìa thế gian. Trong khi đó Đạo Nho đề cao thuyết Chính danh. Trong mối tương quan xã hội, mọi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận. Cách thức hành đạo của bậc quân tử theo Nho giáo phải là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tu thân xong thì phải ra làm quan, làm chính trị, để bình thiên hạ.
Sau khi tu thân đến mức đỗ Thái học sinh, Chu Văn An đã không ra làm quan ngay. Bất mãn vì Thất trảm sớ không được thực thi, ông bỏ triều đình về ở ẩn đã đành, khi vua Trần Dụ Tông vời về triều trao chính sự, ông cũng khăng khăng từ chối. Vua sai nội thần đem quần áo ban tặng, ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác. Hiến tử Hoàng Thái hậu (bà nội vua) đành tiếc nuối: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Sao có thể đem bổng cao chức trọng mà dụ dỗ người ta…”.
Khi Trần Nghệ Tông (1370-1372) lên ngôi, Chu Văn An vui mừng ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng cũng không nhận chức tước gì, lại trở về núi cũ. Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi:
– Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của Thầy, sao Thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?
Nhà giáo Chu Văn An nói:
– Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì. Các con có nhớ Đức Thái Tông triều Trần ta đã nói gì khi Trần Thủ Độ mời người trở lại làm vua không? Ngài nói: “Nếu làm vua mà làm cho dân giàu, nước mạnh thì hãy làm. Còn ngôi vua ư? Ta coi ngôi vua như chiếc dép rách mà thôi!”.
Chu Văn An không hề bài Phật mà còn sùng Phật hơn Nho. Trong khi đấng “siêu đẳng”, “siêu việt” của Đạo Nho là “Thiên tử”, “Thánh hiền”; của Đạo Phật là “Phật”, là “Thần” thì Chu Văn An lập đền thờ “người học trò thủy thần” của mình, mặc dù người ấy đã bị Trời đánh.
Để minh giải quan điểm, tư tưởng, tình cảm Chu Văn An, thử điểm qua thơ văn của Người.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng Chu Văn An rất đắc đạo với Phật, với Lão. Đoạn dẫn sau đây trích từ bài Chu An ngạnh trực của Giáo sư:
“Trong thơ Chu Văn An, cảm thức về con người tự do được nhắc đi nhắc lại dưới nhiều hình ảnh, và đều là hình ảnh mượn từ những biểu thức nghệ thuật xưa cũ. Có khi đó là một cánh chim âu ung dung tự tại vốn đã thấp thoáng trong thơ Hà Tốn (480-520) đời Tấn. Cánh chim âu bay biểu đạt tư tưởng Lão Trang hiện diện từ trong nỗi thèm khát đoạn tuyệt nhanh với quãng đời quá khứ của nhà thơ để được sống tiêu dao, không còn băn khoăn lo nghĩ:
Đứng đếm thuyền về trước bến đình,
Sáo thu theo gió giật đầu ghềnh.
Nắng tàn ngâm dứt, phôi pha thắm,
Chiều tối ngút nghìn, vời vợi thanh.
Danh phận trôi theo cơn mộng ảo,
Hải hồ vui với kiếp lênh đênh.
Tự đi tự đến nào ai quản,
Thèm cánh chim âu giữa sóng xanh
(Bản dịch bài thơ “Giang đình tác”)
Lại có khi Chu An mượn hình ảnh cái giếng cổ không gợn sóng và đám mây cô đơn quyến luyến mãi hốc núi để bày tỏ chí mình. Giếng và mây rất tĩnh được nhà thơ đặt vào giữa một khung cảnh có chút gì chao động – sự tương phản hé mở một đấu tranh âm thầm trong nội giới:
Quạnh hiu nhà núi trọn ngày nhàn.
Liếp trúc che nghiêng, dịu khí hàn.
Biếc ngát sắc mây, trời chếnh choáng,
Hồng đầm cành nụ, móc chưa tan.
Lòng như giếng cổ không xao sóng,
Thân tự mây côi mải luyến ngàn.
Thông sắp hết hương, trà nhạt khói.
Chim khe cất tiếng, mộng xuân tàn.
(Bản dịch bài “Xuân hiểu”)
Cả bài thơ cho thấy một sự chống đỡ thụ động, từ cái rét nhẹ phải chống liếp tre che chắn, đến cơn say của màn trời thẫm biếc làm người ngắm cảnh cũng đâm ra chao đảo. Nhưng khi đã xác định “lòng như nước giếng xưa không gợn sóng” và “thân tựa mây côi không ra khỏi núi” thì mọi rung động chốc lát bị đẩy lùi. Sự cân bằng được lập lại bằng cái vẻ đạm nhạt thường thấy, và trong thẳm sâu của nhà thơ một tiếng nói cất lên: mộng xuân tàn. Bài thơ có thế nhằm bộc lộ kín đáo một thái độ cân nhắc dứt khoát, không nghiêng ngả trước những lời mời mọc phú quý của nhà Trần, mà cũng có thể là dấu hiệu của sự khai ngộ Phật Giáo ở Chu Văn An, bắt đầu tìm thấy cái tâm yên định. Sau này, Nguyễn Du (1765-1820) cũng dùng biểu tượng “giếng cổ” để nói đến cõi lòng trong lặng của ông: “Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh / Tinh thủy vô ba đào / Bất bị nhân khiên xỉ / Thử tâm chung bất dao / Túng bị nhân khiên xi / Nhất dao hoàn phục chỉ / Trạm trạm nhất phiến tâm / Minh nguyệt cổ thủy tinh” – (Trăng sáng soi giếng xưa / Giếng xưa không nổi sóng/ Không bị người khuấy động / Tâm này chung quy không lung lay / Nếu bị người khuấy động / Lay rồi lại trở lại lặng yên / Trong vắt một tấm lòng / Như trăng sáng lồng vào giếng xưa”.
Một người bị dòng đời xô đẩy đến cùng cực cỡ Nguyễn Du mà tâm vẫn giữ được bình lặng và rỗng không, hệt như ánh trăng xuyên suốt lòng giếng, thì quả là một trình độ tu Thiền đã đến bậc thượng thừa. Chu Văn An kín đáo hơn Nguyễn Du, không giãi bày mọi ngóc ngách của cái tâm cho ai biết, nhưng ở nhiều bài ông đã mượn thiên nhiên để nói hộ mình. Thiên nhiên ấy thật trống trải và hồn nhiên như nó có, chính là phản chiếu sự vô tâm tức Phật của nhà thơ.
Trong bài “Đề Dương Công Thủy Hoa đình” – (Đề đình Hoa Sen của ông Dương), Chu Văn An còn nâng con người Lão Trang và Phật giáo lên một bậc. Ông muốn tìm đến một Bạch Liên xã ở giữa đầm sen Đông Lâm của Pháp sư Tuệ Viễn (334-416) (người chủ trương “Thần bất diệt luận”) đời Đông Tấn để luyện cho “hình” và “thần” của mình trở nên tinh khiết, sống giữa khung cảnh sen vây bốn phía mà không cần biết mình thanh tịnh, không ăn thức ăn phàm tục mà chỉ mong ăn hạt sen và uống sương móc, để nhập vào hàng ngũ “áo đen áo tía” của Đạo gia, thành con người vô ý hoàn toàn:
Nước biếc chứa ao vuông,
Sen vây bốn phía đặc.
Trên xây đình Thuỷ Hoa,
Ý cùng sen sánh đức.
Thoang thoảng gió xa đưa,
Ghế ngồi thơm sực nức.
Thần diệu dạo chơi xem,
Nhởn nhơ lòng tự đắc.
Thân thanh tịnh chẳng hay,
Cùng sen chỉ gang tấc,
Trăng trong ấy bạn bầu,
Mây nhàn cùng thức giấc.
Khát nghiêng bầu móc trong,
Đói ăn chùm quả ngọc.
Ngoái trông gác chuyện đời,
Nhởn nhơ chơi tám cực
(Bản dịch bài “Đề Dương công Thủy Hoa đình”)
Cũng có thể Chu Văn An ngày càng đọc sâu kinh điển Đạo giáo và tự mình thực hành Đạo giáo như La Sơn Phu từ chứ không chỉ còn là mơ ước, bởi trong một bài thơ khác: “Kính họa thơ vua đề kinh sách Đạo giáo” ông đã đề cập đến điều này:
Ngoài sân hạc múa, cửa trùm mây,
Uống hết sương hoa sảng khoái thay.
Dưới rặng bích đào vô sự hết,
Muốn lau đàn đá gió Đông đây.
Uống sương, ăn hoa chính là một trong những phương pháp của Đạo giáo thần tiên (khác Đạo giáo phù thủy) giúp người tu hành đạt đến trường sinh bất lão. Nhưng cái chính mà ta muốn nói là trong khi luyện tập trường sinh, Chu An đã tìm thấy một phương diện thứ ba của con người tự do tự tại: con người vô sự. Thiên nhiên trong thơ ông đã có vô tâm, vô ý nay còn bao hàm cả cái ý vô sự của ông”.
Thực ra Chu Văn An không hề “vô tâm, vô ý, vô sự”, cũng không “đoạn tuyệt nhanh với quãng đời quá khứ để được sống tiêu dao, không còn băn khoăn lo nghĩ” như Nguyễn Huệ Chi diễn giải.
Trong Chu Văn An đâu đó vẫn mang mang một nỗi buồn vương vấn: “Đường quanh cỏ biếc vắng người / Tiếng chim khách núi đôi hồi kêu mây” (Bài thơ Vịnh cảnh núi Chí Linh), “Công danh quá khứ như là mộng /Hồ hải chu du một tang bồng” (Bài thơ Cảm tác ở đình bên sông); một nỗi buồn tàn tạ: “Hương tàn, trà nguội, mấy tuần/Chim khe, lảnh lót, kêu xuân, mộng tàn” (Bài thơ Xuân sớm).
Không chỉ mang mang buồn mà còn vời vợi ngóng trông như những khi Chu Văn An ngày ngày ra tìm kiếm ở “Ao Rùa”, một cái ao lớn ngay gần am ở ẩn của Chu Văn An:
Ao rùa
Bên cầu trăng nước tịch dương
Lá hoa sen lặng tựa nương giữa hồ.
Rồng đâu? Ao cũ cá đùa
Mây đầy núi vắng hạc chưa trở về
Quế thơm đường đá gồ ghề
Nước đầm rêu biếc như che cổng tùng
Phải đâu tro đất lạnh lùng
Nhắc đời vua trước lệ lòng thầm rơi.
(Bản dịch bài Miết trì)
Có trăng nước, lá hoa, có đường quế thơm, có cổng tùng, có rêu biếc, có núi đầy mây, có cá đùa … nhưng câu hỏi “Rồng đâu?” và lời thán “hạc chưa trở về” dội lên làm ta thấy nhà thơ vẫn buồn trơ trọi vì không tìm thấy những đối tượng cần tìm. Rồng hay hạc, hay vị vua anh minh đời trước Trần Minh Tông?
Lòng không lạnh lùng như tro đất nên lệ cứ rơi. Lệ rơi khi nhắc đời vua trước. Ở đây khóc không vì buồn, vì tủi mà khóc vì nhớ, vì mong. Còn khóc tức là còn yêu, còn lưu luyến, còn trông chờ.
Nỗi vấn vương lưu luyến trong lòng Chu Văn An đã một lần ta từng bắt gặp trong bài thơ “Vọng Thái lăng” làm khi nhà thơ đi qua lăng Trần Anh Tông ở Đông Triều:
Tùng bách âm u trời sắp tối
Cỏ như rêu phủ đá chìm nổi
Ngàn non ảm đạm, gió thêm sầu
Vạn thuở tiêu tan, mây khuất lối
Hoa suối sắp rơi, mưa bụi mờ
Chim đồng không hót. núi trơ trọi
Mấy phen dùng dắng đi lại dừng
Hoang rậm mênh mông xanh cỏ nội
Không chỉ vấn vương, lưu luyến mà còn khắc khoải xót đau đến hãi hùng:
Thân nhàn nhẹ tựa áng mây vần
Gió mát bên tai dứt tục trần
Xa cách cõi đời thanh cõi Phật
Oanh kêu, hoa rỏ máu ngoài sân
(Bản dịch bài Thôn Nam sơ tiều phại).
Rõ ràng nhà thơ đã tự dối lòng. Thân nhàn đã thênh thênh nhẹ tựa mây mà sao trước cảnh thần tiên, có tiếng oanh thỏ thẻ, có gió mát bên tai mà vẫn thấy mầu hoa như máu rỏ.
Chu Văn An vừa “hữu vi”, vừa “vô vi” ; vừa Nho, vừa Phật, vừa Lão. Khi Nho là Nho rất chính danh, lúc Phật là Phật rất mộ đạo, lúc Lão là Lão rất thanh tịnh. Nếu ‘Thánh hiền’ là con người lý tưởng của Nho Giáo; ‘Tiên’ là con người lý tưởng của Lão Giáo; ‘Phật’ là con người lý tưởng của Phật Giáo thì ông là con người của tam giáo đồng nguyên mang đủ tố chất của Thánh, của Phật, của Tiên.
Một người chân chính trong hệ “Tam giáo đồng nguyên” có thể theo Nho nhập thế hành đạo vào tuổi trẻ, có thể theo Lão – Trang để tiêu dao, thanh thoát trong lúc thất bại đau khổ, và có thể theo Phật để giảm trừ tham, sân, si bớt đi những hệ lụy gian trần.
Liên hệ với thời nay, tôi bỗng nhớ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư Milovan Djilas khi ông nói: “20 tuổi mà không theo Cộng Sản, là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng Sản, là không có cái đầu”
Ở Việt Nam, những hậu duệ khả kính của Chu Văn An có thể kể: Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Phạm Quế Dương, Vi Đức Hồi …Vì chống áp bức, bất công, giành độc lập dân tộc, họ đã theo Cộng sản dấn thân vào lửa khói chông gai, đói khổ tù đầy đi làm cách mạng. Song họ khả úy hơn Chu Văn An ở chỗ khi nhận ra những mục tiêu cách mạng bị đánh tráo, họ không chán nản về ở ẩn mà vẫn tiếp tục đấu tranh kiên cường cho dù lại bị giam cầm, đày đọa.
Phải chi những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ít ra được như vua Trần Dụ Tông, không đủ sáng suốt thực thi Thất trảm sớ nhưng trước thái độ khinh khi, mạn thượng tự ý bỏ triều đình ra đi đã không nỡ trừng phạt mà vẫn trân trọng mời Chu Văn An về triều bàn chính sự.