Nhân Việt: N°3

(Nhân cách giáo lý Việt tộc)

Nhân tâm-niềm tin[i]

Lê Hữu Khóa[ii]

Các cuộc nghiên cứu, điều tra, điền dã gần đây của khoa học xã hội nhân văn về lòng dân với chế độ hiện nay trên đất nước chúng ta, từ chính trị học qua dân tộc học, từ tâm lý học qua xã hội học, có cùng một mẫu số chung trong kết luận tổng kết là chuyện mất lòng tin của dân chúng đối với đường lối, cách tổ chức và quản lý xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Lý giải bằng các dữ kiện cụ thể trong đời sống hàng ngày, lý luận bằng kết quả thực nghiệm của nghiên cứu, lập luận bằng kiến thức của các ngành khoa học xã hội nhân văn, từ đó rút ra những diễn luận có tuệ giác, là chuyện phải làm của một người nặng lòng với đất nước, cũng là chuyện của mọi thành viên của công đồng Việt tộc, nó không phải là chuyện riêng của một đảng, một nhóm, một phái nào… Nếu trong lòng dân có chuyện mất niềm tin thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chuyện có thể xảy ra là số phận dân tộc đó sẽ bị – hoặc sẽ được – thay đổi, vì lòng tin luôn có chỗ đứng trung tâm trong lòng người, nó giữ thế thăng bằng của nhân tâm trước các biến thiên của cuộc sống, nó sẽ điều kiện hoá mọi lập luận của tác giả và là chủ đề chính của bài này. Quá trình giải luận của bài này dựa trên cách vận hành của niềm tin: niềm tin tổ chức mọi hành động, mọi quyết định, mọi sáng tạo, niềm tin tạo ra cái để làm cái lõi cho niềm tin. Một cái phải mạnh khi thuyết phục, phải cứng khi lý luận, phải bền trong thử thách và nhất là phải khôn, tức là biết mở cửa khi gặp các lý khác, cũng khôn bằng hoặc khôn hơn nó, như vậy cái lý này nó vừa cứng vía trong đấu tranh, nó vừa nhu thuận trong giao tác, trước các khác, đã mở cõi thì đừng ngăn miền” (Bùi Giáng). Cái cũng là cái rễ cho niềm tin; và niềm tin trong bài này hoàn toàn ngược lại với các niềm tin mù quáng, cuồng tín, quá khích, cực đoan, một chiều, chủ quan, huyền hoặc… Tin vào cái , rồi lấy cái để hiểu cái tin, lấy cái tin để chế tác cái niềm, cái lòng là câu chuyện chính của bài này.

Niềm tin, lòng tin

Đọc lại Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, trong bối cảnh đất nước bị đe doạ, chỉ mành treo chuông, phải lấy ít đánh nhiều, phải lấy yếu đánh mạnh, ta thấy rõ chân tướng của niềm tin lúc đầu chỉ là một hạt giống, là một mầm non dù nhỏ bé nhưng được bảo vệ vững vàng trên lòng tin là một mảnh đất, mà Việt tộc gọi là đất nước, không bao giờ chịu khuất phục bất cứ bọn ngoại xâm nào. Niềm tin không nhất thiết được xây dựng bằng lòng mộ đạo đối với một tôn giáo, lòng tin không nhất thiết được chế tác bằng sự dấn thân tuyệt đối cho một ý thức hệ; tin mình và tin đồng loại trong cuộc sống chung được xây dựng trên đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, nó khác xa với các hành vi cuồng đạo, với các hành động cuồng tín. Niềm tin có cội rễ trong quan hệ xã hội, vì lòng tin có ngọn nguồn trong luân lý cộng đồng; nó là sự trông chờ có cơ sở của con người đối với đồng loại của mình, mà không cần một sự can thiệp nào của thương đế, mà không cần một sự cầu cạnh gì đối với bất cứ tập đoàn lãnh đạo nào, nó là chuyện, như Khổng Tử lý giải: đạo lý giữa người và người. Hãy tìm cách định lượng, định chất để tìm hướng định nghĩa cho niềm tin: nếu một dân tộc mà tin một chính quyền, một chính phủ, một đảng lãnh đạo, tức là dân tộc đó đang cân, đo, đong, đếm để nghiệm, thử, xét, xem chính quyền đó, chính phủ đó, đảng đó có được chiều cao, chiều dài, chiều sâu, chiều rộng tới đâu, so với lòng tin của dân tộc đó. Và, nếu chính quyền đó, chính phủ đó, đảng đó quá thấp, quá tồi, quá tệ, quá xấu thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có ít nhất là bốn chuyện sẽ xảy ra khi mất niềm tin (confiance): thứ nhất là sự xuất hiện của bất tín (défiance), dẫn tới chuyện thứ nhì là ngờ vực (méfiance), chóng chầy gì cũng tới chuyện thứ ba là do dự, chần chừ, phân vân (hésitation), tất cả ba chuyện trên đưa tới chuyện thứ tư, tới hậu quả mất phương hướng trong cộng đồng quốc gia, trước tương lai, sống vật vờ trong tâm lý hoảng sợ sự phản bội (la peur de la trahison).Trong lịch sử trí thức và triết học phương Tây, có một câu chuyện phản bội giữa hai trí thức, giữa hai Nam Tào và Bắc Đẩu của triết học thế kỷ thứ hai mươi; giữa Husserl[iii], gốc Do Thái, người thầy khai sinh ra hiện tượng học (phénomènologie)(mà dân tộc ta có một chuyên gia tài ba, sắc sảo về trường phái này là bác Trần Đức Thảo). Và, môn sinh tin yêu của Husserl không ai khác hơn là Heidegger, chủng tộc Đức, đã cúi đầu, khoanh tay trước thảm hoạ tàn sát người Do Thái, đồng bào của Husserl, do Đức Quốc Xã tổ chức trong đệ nghị thế chiến. Từ thất vọng qua tuyệt vọng trước thái độ kém hèn của Heidegger, mà Husserl đã định nghĩa niềm tin là tình bạn chung thuỷ của tâm hồn còn phản bội là đất của phi nhân, Husserl dặn trí thức hãy thận trọng trước sự phản bội và đừng dung túng, đừng nhượng bộ nó: “Une attaque contre les racines les plus profondes de notre existence, vì nó tấn công vào cái rễ sâu nhất của nhân sinh, rồi để lại một vết thương sâu đậm giữa những tâm hồn chung thuỷ, nó giết tình người trong trứng nước, nó làm chúng ta bị tổn thương về nhân tính và cả về linh hồn. Nếu niềm tin là người bạn chung thuỷ của tâm hồn, còn phản bội là phi nhân, thì phản bội luôn gây ra một sự chấn thương dài lâu khi con người đoạn tuyệt với niềm tin ban đầu, nhất là khi sự phản bội lấy cái lợi hèn để bóp chết cái lý sáng trong tình người, Husserl tin rằng luôn luôn có một vùng tối tăm, mờ ám của sự phản bội, vì kẻ phản bội thường phải giấu cái lý nguyên thuỷ của sự phản bội, và kẻ này chỉ đưa ra cái cớ bên ngoài mà không dám đưa ra sự thật, vì kẻ phản bội biết là luôn luôn có sự liên minh chặt chẽ giữa sự thật – chân lý – lẽ phải, kẻ phản bội luôn rất sợ bị lột mặt nạ. Chuyện xa rồi chuyện gần, chuyện người rồi chuyện ta, trong hơn thế một thế kỷ qua, Việt tộc đã bị phản bội biết bao nhiêu lần trong các chuyện ý thức hệ, trong các chuyện chính trị, trong các chuyện lãnh đạo, mà kẻ bị phản bội là những chiến sĩ kháng chiến đã thấy cảnh cha mẹ mình bị thảm sát trong cải cách ruộng đất sau 1954, thấy niềm tin cách mạng của mình đang bị các kẻ lãnh đạo tồi tệ lạm dụng để giết hại gia đình mình. Chuyện xưa rồi chuyện nay, chuyện hy sinh rồi chuyện bán buôn, các thế hệ chiến sĩ kháng chiến tiếp theo cũng đang thấy bao công lao của mình trong chuyện hy sinh để đất nước được thống nhất năm 1975; giờ đây qua hệ thống hối lộ, tham nhũng, có những lãnh đạo đã bán những vùng, những miền, những nơi, từ núi tới đồi, từ bãi biển tới đảo cho ngoại quốc, cho ngoại bang, thậm chí cho kẻ thù muôn kiếp của Việt tộc là bá quyền Bắc Kinh. Người dân Việt rất tỉnh táo trên chuyện này, sự phản bội này được họ đặt tên bằng trực quan, trực cảm của họ, họ gọi bọn này là bọn bán nước.

Niềm tin, đức tin

Khi chuẩn bị biểu tình chống chiến tranh Mỹ tại Việt Nam ngay thủ đô Hoa Kỳ, mục sư L. King hỏi thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Trên đoạn đường đi biểu tình thì dùng khẩu hiệu gì để nói lên tính hiếu hoà bất bạo động để chống lại cái bạo lực giết chóc của chiến tranh?”, thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời: “Hãy lấy lời của một bài hát của Phạm Duy: Tôi từ chối giết người, vì giết người rồi, tôi sống với ai?”. Từ chối giết người vừa là cái tin, cũng là cái đức, đức bảo vệ nhân sinh, đức bảo trì nhân phẩm, đức bảo quản nhân tính, đức bảo hộ nhân đạo, đức bảo trọng nhân tâm… Tin chuyện chống giết người là đúng, vì cái đức này đường đường chính chính, đi trên vai, trên lưng cái chiến tranh chết chóc bừa bãi. Niềm tin bảo vệ cho bằng được nhân sinh dựa trên đức tin bảo trì nhân đức. Đức tin đây không phải là tin một đấng quyền năng siêu việt nào cả, cũng không phải là tin một thượng đế vô hình, mà nó là đức trọng (vertu), phẩm của phẩm (qualité), giá trị của giá trị (valeur). Vì là giá trị nên phải cảm nhận nó bằng luân lý, đạo lý, tâm linh, và không bao giờ mua bán nó được; không bao giờ “đánh lận con đen” với nó được. Triết học luân lý và tâm lý học xã hội cùng nhìn nhận rằng niềm tin vừa là hành vi, vừa là phong cách làm nên nhân cách của nhân tâm, đặt niềm tin vào nhau để cùng nhau đối phó với các hoạn nạn trong cuộc đời, từ đó có chuyện che chở nhau, bảo vệ nhau, trong tương trợ (entraide), một loại tình người có vai vóc cao nhất. Che chở nhau, bảo vệ nhau, tức là đang củng cố quan hệ giữa người với người, ngày thêm vững, thêm mạnh, thêm chắc, chấp nhận mọi thử thách, trước các biến thiên của kiếp người, dấn thân vào dông tố, vào bão táp mà không sợ lẻ loi, không sợ bị bỏ rơi, tôn giáo làm được chuyện này trong lịch sử của nhân sinh. Nếu tôn giáo dùng niềm tin để đi tìm con đường tâm linh, rồi cứu rỗi con người ra khỏi hoạn nạn, như vậy kết tội tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng là một thái độ rất hồ đồ. Còn hiện nay, nhiều kẻ tu hành, từ thượng toạ tới hoà thượng, mượn chùa chiền để tổ chức các trò mê tín, dị đoạn, chiêu hồn, cầu vía để làm thương mại bất chính, lại là một chuyện hồ đồ khác, vì họ đang nạo rỗng niềm tin của các tín đồ của họ. Có một điểm trọng tâm trong mọi niềm tin là ý lực muốn chuyển khổ đau thành hạnh phúc, niềm tin mà đích thực thì gọi là chánh tín, nó đòi hỏi phải được thực chứng, tức là được thể nghiệm qua sự thật, cả hai được nuôi dưỡng bằng hai nội lực của nhân tâm là: ý chí và ước mong, mang chiến bào cho niềm tin, tên gọi của nó là chí nguyện. Niềm tin là rễ sâu nếu nó sống trên đất, niềm tin là dòng chảy nếu sống với nước, xuyên thời gian, nó ngược lại với chuyện tuyên truyền, nhồi sọ trong ý thức hệ chính trị, nó ngược xa với chuỵên “buôn thần, bán thánh” qua mê tín, dị đoan trong một số nơi thờ tụng hiện nay. Những kẻ đi buôn chính trị và tôn giáo nên suy nghĩ kỹ: mỗi lần con người mất niềm tin, là họ bị mất hai chuyện: mất lý tưởng và mất hạnh phúc.

Paul Ricœur, trường giang của triết luân lý, bình nguyên thênh thang của hiện tượng luận, cho rằng niềm tin tạo dựng nên cộng đồng, con người vừa muốn sống chung với nhau, vừa muốn chia sẻ với nhau những đồ án trong tương lai, nhưng cộng đồng thì rất mong manh, dễ đổ, dễ tan, dễ vỡ, và chuyện sống còn của một cộng đồng luôn tuỳ thuộc vào niềm tin tập thể, vì nó là giá trị gốc của nhân sinh quan trong mỗi cá nhân. Giá trị của niềm tin được nuôi sống như ước vọng vượt qua thăng trầm của lịch sử, nhưng cùng lúc cũng là thực tế luôn xét nghiệm và đánh giá lại niềm tin trước những thử thách mới của thời cuộc, tình thế… trước những chuyện thay lòng đổi dạ của những kẻ xấu, tồi, ác, độc trong cộng đồng. Tin vào giá trị của cộng đồng thì đừng nên quá khích, chỉ làm ngộp thở các chân trời của các thế hệ sau; tin vào giá trị của một tương lai tốt lành thì đừng buông tay, cúi đầu, vì nội chất của niềm tin là một năng lượng vô song, một nội lực hùng tráng, nó cất giữ trong kho tàng của nó ba kho báu tinh khôi: tự mình biết tôn trọng mình; ân cần với đồng loại trong khó khăn của cuộc đời, tin tưởng vào định chế được sinh ra bởi lý tưởng của niềm tin. Niềm tin không rời hoài bão trong thử thách của thời gian, tin rằng quan hệ tốt giữa người và người sẽ sinh ra được một xã hội tốt, được hỗ trợ bởi những định chế tốt, tin vào cái tốt như tin vào một điềm lành cho hiện tại, cho mai sau. Con người tạo ra niềm tin vì họ tin vào cái tin của họ, đây không phải là lý thuyết suông, mà nó là tiền đề của đạo lý, thượng nguồn của luân lý: lấy cái tốt chế tác ra cái lành, lấy cái lành tạo ra cái hay, lấy cái hay để sản sinh ra cái đẹp. Cho nên, Kant tin là cái thiện luôn gắn liền với cái mỹ; trong mỹ thuật, mỹ học luôn ẩn hiện cái lý, cái luân. Niềm tin là cánh cửa mở, nó không phải là cánh cửa đóng, mở để làm ba chuyện: để cảm nhận cái hay, đẹp, tốt, lành; để dựng nên cho bằng được cái thoả ước cùng nhau sống chung trong một cộng đồng, một xã hội biết và hiểu hạnh phúc để có hạnh phúc; để có chung một môi trường đạo lý. Hãy phạm trù hoá ba chuyện này: cảm nhận thuộc về hệ vấn đề giá trị; thoả ước thuộc về hệ vấn đề định chế; đạo lý thuộc về hệ vấn đề của nhân tâm. Đưa chuyện đổi chác vào niềm tin là có lỗi, đưa chuyện mua bán vào niềm tin là có tội. Cái biết, cái hiểu của niềm tin là một loại kiến thức bao trùm, một loại tri thức sắc nhọn; kẻ nào biến niềm tin thành chuyện thực dụng lỗ lời, thì kẻ đó không có chỗ đứng trong cộng đồng. Chuyện niềm tin là chuyện chân trời – tương lai của tương lai – niềm tin rất xa lạ với loại quan hệ “tiền trao, cháo múc”, khi đã “cạn tàu, ráo máng” với nhau, thì lúc đó coi như đã mất niềm tin.

Niềm tin, tin yêu

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn trẻ thì: “Tôi yêu mọi người, cỏ cây, nhân loại… , cuối đời thì: “Tôi là ai mà yêu quá đời này, đây không còn là tình yêu nhỏ hẹp của hai người, mà là tình thương phủ trùm lên cuộc sống, chan hoà với muôn loài, mà Phật học sẵn sàng gọi là vô lượng tâm, tâm chứa bao nhiêu lượng cũng được, tình yêu và tình thương như vậy có một chỗ dựa là tin yêu, tin đời và tin người, cái hèn mọn của ích kỷ sẽ không có chỗ để dung thân. Chính trị học giáo dục và xã hội học đạo lý, cùng nhau nhận diện niềm tin vừa là tâm nguyện, vừa là hoài bão, nó xuất hiện với danh chính ngôn thuận giữa cuộc sống để chống lại hai loại ích kỷ, hàng ngày nhan nhản giữa chợ đời: ích kỷ tương đối (l’égoïsme relatif), sống chỉ để bảo vệ tư lợi của mình, và ích kỷ tuyệt đối (l’égoïsme absolu) không những sống chỉ để bảo vệ tư lợi của mình, mà còn loại ra khỏi môi trường hành động của mình những ai có ý phản kháng, luôn cả những ai có ý định tranh cãi với mình, đây là nội chất của ĐCSVN từ hơn nửa thế kỷ nay, độc đảng nên độc quyền, độc tôn nên độc tài. Sự thật mất lòng, và nói lên sự thật có thể bị hãm hại, nhưng sự thật là sự thật, nền của chân lý, gốc của lẽ phải. Chuyện gì đang xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay: làm lãnh đạo Đảng thì cần vơ vét, nhưng không cần niềm tin; trong gia đình thì cha mẹ, anh, em triệt hại nhau chỉ vì một mảnh đất, một cái nhà, một gia tài, cần tiền chớ không cần tình, tình đây là tình nghĩa, tình người chỗ dựa của niềm tin. Bề trên ăn ở sỗ sàng, bầy dưới ê chề tha hồ bạo ngược; chữ tin, dẫn đường cho chữ tín, cả hai chữ vắng tiếng, vắng mặt, vắng bóng một cách lạ kỳ trong quan hệ hàng ngày hiện nay giữa đồng bào mình! Nhân cách Việt tộc rồi sẽ đi về đâu? Dưới đời Trần có nhiều chuyện thật hay, thật đẹp, ngoài những minh vương, ngoài những chiến công làm nên vai vóc của Việt tộc, ba lần dẹp Mông, giữ cho đất nước vừa bình, vừa an; các điều tra sử học cho thấy đây là thời mà Việt tộc có đời sống tâm linh rất cao: nhiều đồng bào tập thiền, luyện thiền, tu thiền, dưỡng thiền, cả nước thiền với đời sống tâm linh sạch đẹp, với Phật hoàng có chiều cao đạo lý, với niềm tin cộng đồng thật trong sáng. Cái ích kỷ, cái tham lam, cái vơ vét, xa lạ trong không khí thiền này; thiền cho sáng suốt, thiền cho tỉnh táo, thiền để nắm chắc: niệm, định, tuệ. Huyền Trân công chúa nhận trách nhiệm giữ hoà bình cho hai nước Đại Việt và Chiêm Thành, chấp nhận cuộc hôn nhân với Chế Mân, với niềm tin thái hoà cho hai dân tộc; khi về lại quê cha đất tổ, cũng đi tu, nhập thiền, mà còn biết lo rất đầy đủ cho dân địa phương chung quanh mái chùa mà vị minh mẫu này chủ trì. Nhân cách giáo lý Việt tộc này đẹp như vậy, tại sao chế độ hiện nay không mang ra hiển vinh nó trong học đường, trong xã hội, trong giáo khoa, trong định chế? Chúng ta đang bàn về nội công của các minh vương, bản lĩnh của các minh mẫu, chúng ta “thỉnh nguyện” các vị muốn lãnh đạo đất nước trong những tháng năm tới, không cần phải đi tu, mà chỉ cần sáng suốt bồi đắp lại niềm tin, tỉnh táo gầy dựng lại lòng tin; vì mất niềm tin, vì bỏ lòng tin là đã đặt bước, gởi thân mình vào nơi tà đạo rồi.

Trong tác phẩm Métaphysique de l’amour (Siêu hình học tình yêu), Schopenhauer phân tích cái tỉnh táo thấp hèn, cái sáng suốt tồi xấu của các kẻ ích kỷ: “Loại người không bao giờ thấy mình sai lầm trước tư lợi”, kẻ này đếm từng đồng, tính từng cắc một, thì làm sao đếm sai, tính lầm được. Tính toán tủn mủn, bòn rút keo kiệt, luôn thấy mình khôn hơn những người chung quanh. Nhưng ông bà ta dạy: “khôn quá, hoá dại”, vì không có niềm tin được tưới tẩm bằng đạo lý, vì không có lòng tin được vun xới bởi tâm linh, nên hay rơi vào thảm hoạ “bỏ của, chạy lấy thân”, trước những biến động của nhân thế, sống kiếp “thạch sùng tiếc của”, khi họ kể về chuyện mất của, thì càng làm cho nhân cách họ thấp hèn hơn. Tôi sống tại Âu châu cũng gần nửa thế kỷ, thường thấy cảnh “bi hài kịch” cuả các bạo chúa, vơ vét tiền của, vàng bạc, châu báu của dân tộc mình, rồi gởi vào các ngân hàng Âu châu, khi tới ngày tàn của các bạo chúa này mà tiền của vẫn “kẹt” trong các ngân hàng này, không lấy ra được, vì pháp lý chưa điều tra xong, vì công pháp quốc tế chưa thẩm định xong. Gia đình các tên bạo chúa này sống vất va, vất vưởng như ”bụi đời, còn các bạo chúa thì vật và vật vờ nửa “oan hồn, nửa “âm binh. Các kẻ đang vơ vét của cải của Việt tộc hiện nay nên “thiền” để có “niệm, định, tuệ trong câu chuyện “bụi đờioan hồnâm binh này. Người có niềm tin là người buông bỏ được phản xạ ích kỷ, can đảm tự giải phẫu các con tính tư lợi thấp hèn của mình để tìm chiều cao trong ý nghĩa làm người, lấy niềm tin hay, đẹp, tốt, lành để xây dựng nên nhân cách, lấy nhân cách làm tư cách, rồi biến tư cách thành phong cách, gạt hẳn bóng dáng “bụi đờioan hồnâm binh ra khỏi môi trường nhân tâm của mình. Hãy tự nhận diện ra mình bằng chính niềm tin của mình, mà thi sĩ Celan đúc kết thành niềm tin đôi: “Je suis toi, quand je suis moi!”, tôi là bạn, khi tôi là tôi.

Niềm tin, niềm vui

Thi sĩ Tô Thuỳ Yên, dòng nước ngầm nghẹn ngào với bao biến nạn của Việt tộc, mưa nguồn của bao nỗi khổ đau chiến loạn của thế kỷ hai mươi, sau những năm dài trong ngục tù cải tạo, ngày được trở về lại Sài Gòn, sắp thấy lại gia đình, ngôi nhà, bạn bè… đã tự dựng cho mình một niềm tin mới, nó bắt đầu là niềm vui của tự do rất mới, tự do kích thích mỗi cá nhân phải xây dựng lại nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của mình, trong bài Ta về: “Ta về một bóng trên đường lớn… Ta về khai phá bùa thiên yểm, thức dậy đi nào gỗ đá ơi… Ta về qua những truông cùng phá… Thế giới vui từ mỗi lẻ loi…. Vui từ mỗi lẻ loi, đã thành chất keo kết niềm tin với niềm vui, khi kết lại rồi thì khó tách được niềm vui ra khỏi niềm tin. Không oán thù, không cừu hận ai, vui trong lẻ loi, cô đơn, cô độc; vui luôn trong thanh bạch, thanh đạm, thanh bần; vui luôn trong thử thách, cam go, trầm luân. Khổng Tử thấy được chuyện này: “người ta không sợ nghèo túng, chỉ sợ bất công. Bất công tới từ bất bình đẳng, bất công và bất bình thiêu huỷ niềm tin, giết chồi lộc của niềm vui. Các vị lãnh đạo đang bòn rút tài nguyên đất nước, chấm mút của cải xã hội, làm suy kiệt sinh lực đồng bào, hãy suy nghĩ về thái độ của mình, vì Việt tộc vừa mất niềm tin nơi lãnh đạo, vừa mất niềm vui trong cuộc sống, thì nguy hiểm không lường được! Trong đám người lãnh đạo xấu, ta đừng quên là họ khi lọt vào guồng máy lãnh đạo thì củng cố bộ máy tuyên truyền qua xảo thuật ngu dân hoá, tự xem mình khôn hơn dân tộc mình, thái độ xem dân chúng là “ngu muội, dễ lừa”; loại người này, họ bị ung thư tư duy mà họ không biết. Trong những ngày tháng điên đảo của cách mạng Pháp, Hugo đã chỉ thẳng vào mặt bọn con buôn chính trị này đang khai thác con bài ngu dân để tha hoá tri thức dân tộc họ: “C’est insensé de croire que je ne suis pas toi!”, thật bất thường khi anh tưởng tôi không phải là anh. Tôi cũng là anh, vì tôi cũng có tri giác, nhận thức, thông minh như anh; chỉ có anh là vô tri, vô minh, vô giác, mới không thấy kẻ chung quanh anh, thiên hạ rất sáng suốt, tỉnh táo. Câu này khác với câu suy bụng ta ra bụng người, vì câu của Hugo đặc biệt dành cho những kẻ chuyên giật dây trong chuyện buôn bán chính trị, biến chính trường thành thương trường. Giữa thế kỷ vừa qua, tại Hoa Kỳ cũng có một trường phái xã hội học xuất sắc của Garfulkel, với tên gọi ethnométhodologie (dân tộc phương pháp học), cũng luôn nhắc nhở các chuyên gia, các trí thức, các học giả đừng tự đặt mình cao hơn người thường dân, đừng tự coi mình giỏi hơn người đời, nếu đặt mọi người vào cùng một thế cuộc, vào cùng một tình huống, mà tác giả này gọi là ở đây (ici)bây giờ (maintenant), thì chưa chắc ai sẽ khôn hơn ai! Trong suốt cuộc sống làm người, mỗi lần chúng ta gặp loại người “dạy đời ta, không phải bằng cái khôn ngoan của nhân loại mà chỉ bằng cái lươn lẹo trong tư lợi của họ, lúc đó niềm tin của chúng ta bị xúc phạm. Xin kể câu chyện về lịch sử của trí thức Việt kiều của thế kỷ hai mươi vừa qua tại Pháp: thế hệ đầu tiên giữa hai thế chiến với các nhân vật có niềm tin: Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện… xuất sắc trong học thuật, tinh chuyên trong nghề nghiệp, chấp nhận về nước sau 1945 với ý nguyện chống thực dân để giành lại độc lập dân tộc, sau đó mỗi người một bi kịch, nhưng họ không để mất nhân cách của họ trước bạo hành của chuyên chế, trước bạo lực của độc tài. Thế hệ tiếp theo thì sao? Cũng có những người xuất sắc trong học thuật, tinh chuyên trong nghề nghiệp, chấp nhận về nước sau 1975 với ý nguyện xây dựng lại đất nước sau những năm dài chiến tranh, nhưng tiếc thay trong số người này lại có hai nhân vật, hai anh em, về nước để nhận bổng lộc của chế độ, qua cơ chế của Ban Việt kiều trung ương, với tư cách thấp hèn của loại người nịnh hót, tâng bốc quyền lực, làm đồng bào “xem rẻ Việt kiều, làm cho Việt kiều “thấy nhục” khi đồng bào mình nhắc tới họ. Muốn đồng bào quê nhà viết sử của đất nước tới nơi tới chốn, thì Việt kiều cũng phải viết sử của “xa đất, xa nước” tới nơi tới chốn, từ đó tự xét mình thật cặn kẽ, như cụ Tiên Điền đã căn dặn: “Phải dò cho tới tận nguồn lạch sông. Đừng cào cào, xới xới, hãy đào sâu, đào rộng để thấy một chuyện lạ khác về lòng tin trong sinh hoạt trí thức Việt kiều trước và sau 1975, khi thế hệ chúng tôi còn là sinh viên, phải “thưa, bẩm, dạ, vâng” với một loại đàn anh mang tiếng là trí thức, là tiến bộ, là theo cách mạng, là biết dấn thân… Chuyện lạ là mỗi lần chúng tôi lấy sáng kiến về dân chủ, về công bằng, về pháp chế thì họ luôn lấy cái hèn nhát của họ để dập tắt sự can đảm cần thiết trong chuyện giữ vững niềm tin của thế hệ chúng tôi. Thật tức cười khi họ giải thích cái hèn nhát của họ bằng cái mà họ gọi là khôn khéo của minh triết, kín đáo của hiền triết. Ngữ văn và ngữ pháp của Việt ngữ rất minh bạch: minh triết, hiền triết dựa trên sáng suốt và tỉnh táo, khi thấy đúng thì làm, không lùi trước cái xấu, tồi, độc, ác, nếu cần quyết định thì dùng can đảm mà quyết đoán. Ngược lại, cái hèn nhát diệt sáng suốt, huỷ tỉnh táo, triệt can đảm, vùi quyết đoán. Lạ hơn nữa là mỗi lần họ nghe kể về các thành quả, các thành công của thế hệ đàn em, thì họ lại dùng kinh nghiệm thất bại của họ trong nghề nghiệp, trong tri thức, trong xã hội… để vừa giả đò phân tích, vừa cố tình hạ giá các thành quả, các thành công của thế hệ đàn em. May mà, các thành quả, các thành công của thế hệ đàn em đã trở thành niềm vui để đàn em giữ được niềm tin trước các thử thách của cuộc đời, của đất nước. Có lần, tôi lấy câu chuyện này ra tâm sự với điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, người mẹ tinh thần của tôi trong cuộc sống vong thân nơi xứ người, thì bà lý giải rằng: “Lấy thất bại cũ để phán đoán thành công mới, thì có thể đây là chuyện vô thức hoặc tiềm thức của một loại người trong dân tộc ta, đã bị đô hộ, bị nô lệ lâu quá chăng?”. Các thế hệ trẻ của Việt tộc, các bạn nghĩ thế nào về các câu chuyện Việt kiều này? Có hai tác giả lớn trong văn học pháp là Flaubert và Maupassant, hai đỉnh núi ngang trời của tiểu thuyết luận, hai ngọn thuỷ triều trải rộng của văn chương, rất tâm giao, đắc khí khi cả hai đều định nghĩa niềm tin là: “Việc trao truyền sự nhạy cảm của nhau qua các thế hệ, nhạy về cái hay trong tư duy để sau đó đưa nó vào đời sống xã hội, mà xã hội là nơi tác chế ra kiến thức của nhân loại, lấy từ niềm tin tới từ tư duy của mỗi người. Niềm tin và niềm vui luôn có một chỗ đứng thân quen trong nhân cách giáo lý Việt tộc. Hãy nhớ lại câu chuyện của Nguyên phi Ỷ Lan, nội công của minh mẫu, bản lĩnh của hiền mẫu, đã can đảm đứng ra cáng đáng việc nước, khi Vua Lý phải đi bình Chiêm, nhận đầy đủ trách nhiệm “trong ấm, ngoài êm” của một người phụ nữ, luôn lạc quan, yêu đời, sống với niềm vui, lại trao truyền được niềm tin của mình tới quần thần chung quanh. Ở đây, không phải là “trong ấm, ngoài êm” chỉ của một gia đình mà của cả một dân tộc. Với một niềm vui trong sáng và thành thật, nam giới chúng ta hãy cầu mong có thật nhiều phụ nữ sẽ vào thật nhiều các chức năng lãnh đạo sắp tới trong giai đoạn mới, với phong cách giáo lý Việt tộc của hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan, Huyền Trân… Vì một thể chế có liêm sỉ là thể chế đó luật pháp hoá được chuyện bình-đẳng-để-bình-quyền, bình-quyền-để-chia-quyền, bình-đẳng-trong-quyền-lực-và-quyền-lợi, thật sự bình đẳng giữa nam và nữ trong tam quyền phân lập, mà nhiều quốc gia văn minh phương Tây đã làm và đang làm mạnh mẽ trong định chế và cơ chế của họ, bất cứ người đàn ông Việt Nam nào chống lại chuyện này đều là bất chính.

Niềm tin, đồng thuận

Thi sĩ Hoàng Cầm, của thi ca biết biến niềm tin thành đam mê, đứa con tin yêu của Kinh Bắc, ngọn gió Bấc đầy năng lực đánh thức được bao ước vọng tự do, phải thẳng lưng khi bị vây hãm bởi bạo lực, luôn cảnh tỉnh chúng ta hãy thận trọng với các loại nhà tù vô hình: “Ta con phù du ao trời chật chội/ Đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao. Ao trời không phải là bầu trời, ao trời là nhà tù vô hình, bầu trời có sao, có gió mới thật là tự do. Hiện nay, trong xã hội học vi mô của Mỹ, có sự xuất hiện thật thông minh các công trình của Goffman về quan hệ giữa niềm tin, truyền thông và tin tức, sự tác động qua lại của chúng trong quá trình nhận thức thể hiện các giá trị đạo lý của cuộc sống, trong đó sự sai lầm của nhận thức về tin tức luôn dẫn đến cái thất bại của niềm tin, nếu ta để niềm tin bị đóng khung bằng chủ quan vô tri trước tin tức, trước truyền thông, nếu ta không đủ tri giác để phân tích tin tức, không động lòng thương đồng loại khi trong truyền thông có nội chất của khổ đau. Trong cuộc sống hàng ngày, từ tin tức tới hình ảnh, từ vô tri tới vô tâm, ta sống trong một cái khung chủ quan, thì cái khung chủ quan cá nhân này tạo cho ta một thói quen, rất tiện lợi trong cách xử lý truyền thông và giao tế, nhưng chính cái khung chủ quan này sẽ trở thành một nhà tù, mà mỗi cá nhân sống như một con ngựa khi đã bị bịt mắt, thì chỉ biết đi về một hướng, hướng của người nài ngựa, ra lệnh cho nó. Đây là vấn đề của đất nước ta hiện nay, của loại tin tức một chiều, tạo ra các con người nhìn mà không thấy, vì muốn thấy thì phải có các chất liệu của kiến thức, của nhận thức, của ý thức, cả ba cũng là chất liệu của niềm tin. Có những kẻ giàu có, khi ra đường thấy đồng bào mình nghèo đói mà không thấy thương tâm, lại còn tỏ vẻ khinh miệt. Nhìn mà không thấy, không thấy thì không hiểu, không hiểu được thì làm sao thương được? Tình thương luôn là cơn mưa, xuất hiện để tưới mát niềm tin, làm cho những hạt giống tốt đẹp của niềm tin có thể nảy lộc, đâm chồi ngay trên những mảnh đất khô cằn vì khổ đau.

Trong những năm qua, triết học luân lý đã mở đường cho xã hội học đạo lý trong điều tra, nghiên cứu, điền dã và diễn luận về các hành động trong xã hội dựa trên các tình cảm luân lý, được củng cố bởi những lý luận luân lý, mà khi có được các lý luận này thì con người đã nắm trong tay ba nguyên tắc cốt lõi: nguyên tắc thể hiện luân lý trong cách hành xử hàng ngày; nguyên tắc phán đoán bằng luân lý các chuyện xảy ra trong xã hội; nguyên tắc sử dụng luân lý một cách cụ thể vào cuộc sống. Đây là một sự đồng thuận có sức nội kết vững, sức kết lý cao, để xây dựng và bảo vệ niềm tin. Cả ba nguyên tắc này được hỗ trợ bởi một sự đồng thuận khác: đạo lý (éthique, nguyên ngữ là ethos từ tiếng Hy Lạp), và luân lý (morale, nguyên ngữ là more từ tiếng La tinh), đạo lý dẫn ta về hướng hay, đẹp, tốt, lành; luân lý dắt tay ta trên con đường nhận ra bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng, xã hội, và quốc gia. Có vài tác giả phương Tây cho rằng đạo lý trú trong phạm trù cá nhân, luân lý ẩn trong phạm trù tập thể, khi một đạo lý cá nhân được đám đông công nhận thì nó trở thành luân lý. Câu chuyện chính của chúng ta trong bài này là niềm tin, và niềm tin vừa là đạo lý, vừa là luân lý ngay trong thưở sơ sinh của nó. Bền hơn nữa, niềm tin là cầu nối huyền diệu giữa hai loại đạo lý: đạo lý khuôn phép (éthique normative) nói lên những gì ta phải làm trong cuộc sống, và đạo lý mô tả (éthique descriptive), hướng dẫn ta thấy các đặc thù, đặc điểm, đặc sắc của mỗi phán đoán về đạo lý. Vì phán đoán đạo lý về giáo dục không phải là phán đoán đạo lý về văn hoá, vì phán đoán đạo lý về tôn giáo không phải là phán đoán đạo lý về chính trị; như vậy ta tránh được các hiểu lầm “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, ông nói gà, bà nói vịt”, râu ông, cắm cằm bà. Vững hơn nữa, đạo lý và niềm tin luôn đồng thuận trong phạm trù của giá trị, giá trị đòi hỏi con người tin, dùng lý để luận, rồi dùng luận để củng cố cái tin, nhưng phải nói rõ là giá trị đạo lý của niềm tin hoàn toàn khác với các giá trị của khoa học thực nghiệm, vì giá trị đạo lý của niềm tin không mang ra thí nghiệm được. Chuyện lạ là dù không thí nghiệm được nhưng nó có mặt trong xã hội, trong cộng đồng, trong nhân sinh như một hằng số, vừa phổ biến trong quan hệ giữa người và người, vừa cụ thể trong ước nguyện, hoài bão, lý tưởng của mỗi cá nhân. Trong những công trình nghiên cứu gần đây của tâm lý học xã hội và xã hội học hành động, ta thấy rõ có hai hệ vấn đề khác nhau trong nhận định về giá trị. Các trường phái của Mỹ thì lập ra chủ thuyết core value, dựa trên self-reliance (ta chỉ tuỳ thuộc vào ta), khi nhận diện, đánh giá, phán đoán về các hành động của mình. Khác hẳn với Âu châu, nghiên cứu giá trị theo ba hướng được sắp xếp vào một cấu trúc luận với ba định đề: có một quan hệ hàng dọc giữa những giá trị khác nhau, tức là có những giá trị này quan trọng hơn những giá trị kia; mỗi giá trị có định hướng riêng của mình tức là có cách hành động riêng; mỗi giá trị lại được tổ chức theo hệ thống riêng, nếu muốn thực hiện được giá trị này thì phải nắm được ba yếu tố chính là: con người, thời gian và hành động. Một người có thể giải thích chớp nhoáng niềm tin của mình, nhưng cần thời gian và hành động hiệu quả để biến niềm tin của mình thành thực tế. Các kinh nghiệm diễn luận này yêu cầu chúng ta phải công nhận là có nhiều giá trị khác nhau, có nhiều đạo lý khác nhau, có nhiều niềm tin khác nhau, giá trị của cá nhân có khi không phải là luân lý của tập thể, như vậy có niềm tin, vẫn chưa đủ, muốn niềm tin này sống còn thì phải phân biệt hai loại phán đoán khác nhau: phán đoán để đánh giá đạo lý của mỗi giá trị và phán đoán để đánh giá mỗi thực tế của cuộc sống. Tổ tiên ta rất rõ về hai cách phán đoán này, và để lại những dấu ấn xuất sắc trong phong cách đạo lý giữ nước của Việt tộc. Trong đời Lý, dân tộc ta có một kiện tướng: Lý Thường Kiệt. Khi phán đoán để đánh giá xong ý đồ thâm, độc, ác, hiểm của nhà Tống là xâm lăng nước ta, thì phán đoán đã biến thành quyết đoán trong thực tế: đánh địch trước khi địch đánh ta, ngăn chận ý đồ chiến tranh của địch ngay trên đất địch. Ngay trên thượng nguồn, ta đã không cho phép địch biến quê hương đất nước ta thành bãi chiến trường. Về chiến thuật quân sự cũng như về cách vận hành địa lý, đánh trước để tạo bất ngờ, để tạo yếu tố quyết định chắc thắng trên chiến trường; về bản lĩnh quân sự cũng như về chiến tranh tâm lý, Lý tướng quân nói cho quân và dân ta biết là ta không hề sợ Hán tặc, vì chúng ta “đi guốc trong bụng của chúng nó.

Niềm tin, nhân trí

Thanh Tâm Tuyền, ngọn núi xa tắp của thơ tự do, dòng thác trầm lực của văn xuôi cận đại, cũng là thi sĩ của sự mất niềm tin sâu thẳm, luôn vấn nạn giống nòi bị dẫn dắt bởi những ý thức hệ bạo ngược, đã có một định nghĩa thật đẹp về niềm tin: “… Giật mìn ngay những vùng trời riêng rẽta chui xuống hố cá nhân, ôm ngày mai vào lồng ngực, tình yêu làm giáp sắt, ta rút về chiến khu, pháo đài dựng lên tua tủa niềm tin, nguyện chiếm lại đại lộ bờ cây tâm sự… . Trong niềm tin có hai chuyện cốt lõi: ngày mai tình yêu, tình yêu đây vừa là tình yêu đôi lứa, vừa là tình yêu đồng loại, nếu cần chúng ta sẽ có hố cá nhân, chiến khu, pháo đài dựng lên tua tủa, để bảo vệ cho bằng được niềm tin, nếu không bọn xấu, tồi, độc, ác sẽ tính chuyện giật mìn ngay những vùng trời riêng rẽ của chúng ta. Nguồn cội của niềm tin vẫn là lý trí của con người trước những thử thách của vũ trụ, của thiên nhiên, của xã hội, của chuyện sống còn trong nhân sinh; nếu chúng ta muốn nhân tính bám trụ sâu trong nhân tâm, thì chúng ta phải dựa trên ba cái gốc: kinh nghiệm được chuyển hoá thành kiến thức; kiến thức được xét nghiệm bởi đạo lý; đạo lý được kết tinh bởi ý thức, mà ý thức này giờ đây đã trở thành hải đăng cho niềm tin. Trong triết học phân tích, khi Hume xây dựng lý thuyết của kiến thức, đã nhận định rằng có lẽ lý trí của con người được thể hiện qua cuộc sống cũng để phục vụ những hoài bão của nhân tính, cho nên mỗi cá nhân trong chúng ta khi hành động, đều có cái lý về hành động của mình, cái lý có thể tới từ động cơ tình cảm, con người không bao giờ duy lý một cách máy móc tuyệt đối. Sau một thế kỷ, lý thuyết duy lý đã trở thành chủ thuyết duy lý hiện đại, tìm cách giải thích các hành động, qua lăng kính của cái ; các công trình gần đây của Coleman đã lập được nhịp cầu cho chủ nghĩa duy lý cá nhân đến gần với quyền lợi của tập thể, khi tác giả này nhận ra mọi hành động duy lý đều có cách giải thích riêng cho nó, rồi tự nó thuyết phục nó, và nó có sức thuyết phục với tất cả người chung quanh, vì nó biết mang tư lợi lên cân, đo, đong, đếm với các hậu quả tốt và xấu trước khi hành động, mà không cần kêu cứu các chủ thuyết khác về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… giải thích hộ nó. Hành động duy lý tự mình lý giải được những việc mình làm, chủ thuyết duy lý này cho rằng các cách giải thích dùng thượng đế, siêu hình, dị đoan… đều mơ hồ, đều không có chỗ đứng để tạo được một niềm tin đứng đắn, chỉ làm tối đen thêm nhân cách. Tổng kết hơn một thế kỷ học thuật, chủ thuyết duy lý đã tìm đủ mọi lý lẽ để đánh đổ những niềm tin mù quáng, cuồng tín, huyền hoặc; gần đây lại được sự hỗ trợ của tri thức luận, được củng cố mạnh mẽ bởi thần kinh học mà trong giới học thuật hiện nay đã đặt hẳn cho nó môt cái tên gọn hơn: khoa học bộ óc. Dứt khoát giải thích là mọi chuyện giữa người với người đều là chuyện giữa những bộ óc; thượng đế, thần linh, mê tín… bị đẩy lùi như những giả thuyết, có cũng được, mà không có cũng được. Nhưng các tác giả của chủ thuyết duy lý này dường như chưa đào sâu hai loại duy lý trong nhân sinh: duy lý dựa trên trật tự của luân lý và duy lý dựa trên thông minh cá nhân, vì có những tình huống, có những thế thái nhân tình mà hai loại duy lý này xung đột, đối chọi, khử trừ nhau. Việt Nam nằm trong cái nôi chung, cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khu vực tam giáo đồng nguyên (Khổng, Lão, Phật), có đạo thờ ông bà, nhưng vắng mặt Ấn Độ giáo, và trong giáo thoại của đạo này có truyền thuyết Gaita, xử lý rồi lý giải sự xung đột, đối chọi, khử trừ nhau giữa duy lý dựa trên trật tự luân lý và duy lý dựa trên thông minh cá nhân. Gaita là một bài học mà người thầy Krisna giảng cho môn sinh mình là Azura, chuyện lạ là bài học này không diễn ra trong một lớp học, mà xảy ra trên một chiến trường, và như mọi chiến trường, luôn có hai bên: địch và ta, với chiến tuyến phân định rõ rệt. Bên ta có thầy Krisna điều binh khiển tướng, với sự trợ lý của của môn sinh Azura, vừa quan sát, vừa học binh lược của thầy mình. Bài học đầu tiên thật dễ hiểu: ta phải diệt địch, nếu không địch sẽ diệt ta. Nhưng các bài học tiếp theo thật khủng khiếp: khi binh lính của địch tới gần, qua trực quan mình Azura nhận ra có người mình quen biết, đây là hàng xóm, kia là bạn bè; kinh hãi hơn là tướng tá của địch quân lại là bà con quyến thuộc của mình, rồi từ kinh hãi qua thất kinh, khi Azura khám phá ra vị chỉ huy tối cao của địch quân, đứng trong hậu đài giật dây cả một chiến trường không ai khác hơn là người thầy kính yêu của mình: Krisna. Người thầy tuyệt vời không ai khác hơn là tên phản bội vô cùng thâm độc. Các bạn trẻ của Việt tộc, ta rút ra được gì trong bài học này? Một bài học vô cùng quý báu, qua phương pháp luận đột biến thay ngôi, đổi vị của Krisna, người thầy này dặn mọi môn sinh phải luôn luôn tỉnh táo để luôn luôn cảnh giác, nhất quyết không rơi vào chuyện đặt niềm tin một cách vô điều kiện với bất cứ ai, với bất cứ ý thức hệ nào, với bất cứ đảng phái nào, với bất cứ lãnh tụ nào. Kết thúc bài học này là lời tâm sự của người thầy Krisna với môn sinh Azura: “Tại sao con tin thầy một cách mù quáng vậy? Tại sao con không để lý trí thông minh cá nhân con tự đặt một giả thuyết là thầy cũng có thể là tên phản trắc vô luân!”. Các bạn ơi, đừng để bất cứ một niềm tin vô điều kiện nào làm cho lý trí sáng suốt cá nhân của ta bị thui chột; đừng để sự thông minh của mình bị bóp chết từ trong trứng nước bởi một niềm tin mù quáng về ngôi thứ, về vị thế của kẻ lãnh đạo mình. Nếu các bạn muốn bảo vệ sự thông minh của mình, thì trước hết phải có tự do cá nhân của riêng mình, phải thật tự do từ tư duy ra hành động. Có một bài học khác trong Phật giáo, xa cái bạo động của chiến trường, vắng cái hung tàn của chiến cuộc, nhưng dạy ta thật nhiều chỉ số và chỉ báo trong việc giữ niềm tin một cách sáng suốt, đó là phạm trù giáo khoa trong bài học trước khi Phật qua đời: Hải đảo tự thân. Khi biết Phật sắp qua đời, nhiều môn sinh đã khóc, vì họ bi quan, khi thầy mình qua đời, thì mình sẽ mất từ tuệ giác tới tâm linh, từ kiến thức tới kinh nghiệm, từ lý luận tới phương hướng; nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của tăng đoàn sẽ ra sao? Sẽ đi về đâu? Và, Phật đã giảng bài Hải đảo tự thân, trong đó lời khuyên chính là mỗi cá nhân phải độc lập trong tư duy để tu thân; phải tự chủ trong hành động để phòng thân; phải chủ động trong nhân cách để lập thân, theo luận nghĩa vững chắc của từ, bi, hỷ, xả. Một bài học duy lý, xa màu sắc tôn giáo, đem lập luận nhân lý gần hơn nữa với lý luận của lý trí khoa học, một bài học đầy nhân trí, xa thần linh, tránh thượng đế, nơi mà mỗi thân là một đảo, bị bao vây bởi đại dương, nhưng vẩn biết đứng vững vàng trước mọi giông tố. Bài học Hải đảo tự thân, Nguyễn Trãi đã làm được theo phong cách của riêng mình, từ chính trị tới binh lược, từ lý luận tới luân lý, từ chuyện chờ thời trong những năm ròng tại Đông Quan, tới chuyện án binh cũng trong nhiều năm dài trên núi Chí Linh. Chuyện chờ đợi thời cơ, không phải là chuyện khoanh tay, ngồi yên, thụ động, mà nó dựa trên cái sáng suốt của lý, cái tỉnh táo của trí, chờ đợi trong chủ động, có cân nhắc, có tính toán, chuyện này rất rõ trong lập luận của cụ Ức Trai “Đố trời mà biết thời, lại có chí để thành công, đợi thời chờ dịp, giấu sắc giấu tài, ăn thường nếm mật, ngủ thường nằm gai. Bọn quân Minh ngoại xâm dù mạnh, dù nhiều tới đâu, ta sẽ thắng chúng bằng kiên trì trong chiến đấu, bằng bền gan trong thử thách, bằng vững tâm trong trầm luân. Các bạn à, Nguyễn Trãi đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong nhân cách giáo lý Việt tộc qua chữ nhẫn.

Niềm tin, nhân lý

Quang Dũng, dòng suối êm ả nhưng bền bỉ chảy qua bao địa danh của Việt tộc, cũng là đôi mắt sâu thẳm của thi ca nhìn thấu mọi địa lý của quê hương có lúc phải thành chiến trường của bọn thực dân thế kỷ vừa qua, gởi niềm tin của mình trong chiến dịch Tây Tiến: … Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm…. Tin là tin vào một cái lý, rồi biến lý lẽ thành lý tưởng, có nội công của ước vọng, có bản lĩnh của hoài bão. Khi niềm tin đã có chỗ đứng trung tâm trong tư duy, con người chấp nhận thử thách; như vậy quá trình nuôi niềm tin vẫn là quá trình duy lý hoá nhân sinh quan của mỗi người trong chúng ta, muốn đưa cuộc sống thăng hoa.Trong thử thách những lý lẽ vững nhất sẽ biến thành nhân lý, sống sót qua trầm luân, những lý lẽ vững nhất này sẽ vừa là kết luận của nhân sinh quan, vừa là chỗ dựa cho mọi quyết định, từ đó làm nguồn cội của mọi hành động. Một niềm tin không phải là một mô hình cứng ngắc như một khuôn bánh, mà nó linh động, luôn tìm cách hoàn chỉnh hoá, trong lúc nó được gặp gỡ các niềm tin khác, có thể hay, đẹp, tốt, lành hơn nó. Việt tộc ta hãy nhìn hàng xóm láng giềng để học họ. Sức mở của toàn cầu hoá là sức mạnh của thế giới hoá niềm tin, một bối cảnh vô cùng thuận lợi để ta trau chuốt các niềm tin đã có nơi ta, kiến thức mới mỗi ngày tới ồ ạt qua các mạng truyền thông, dẫn theo không những các kinh nghiệm lành, các sáng tác đẹp, các tri thức tốt, các khám phá hay của nhân loại, hãy chế tác chúng thành năng lượng của nhân tâm Việt tộc, hãy dựa vào sức mạnh mới nhân chủ (dân chủ của dân chủ) của toàn cầu hoá để hiện đại hoá nhân tâm (nhân tính của nhân tính), để chuyển hoá chính mình, từ xã hội qua môi trường, từ trí tuệ tới sáng tạo. Niềm tin là thượng nguồn trong mọi sáng tạo của tư duy, hãy biến nó thành sáng tạo ngay trong cuộc sống của dân tộc ta, đẩy nó lên cao theo chiều hướng tốt đẹp của nhân phẩm. Các bạn trí thức của Việt tộc nên tâm nguyện rằng niềm tin còn là một biểu đồ dựng nên một hệ thống tri thức hướng dẫn mỗi cá nhân trong quan hệ xã hội, mà các quan hệ xã hội này ẩn tàng những đồ án tương lai của dân tộc; và những đồ án này nếu được công nhận là hay, đẹp, tốt, lành, thì chúng sẽ trở thành một hệ thống của đạo lý, mặc dù luật pháp và chính trị không nhắc gì tới chúng, cũng chỉ vì không theo kịp chúng. Chưa là thực tế của xã hội, nhưng niềm tin đã trở thành một loại tình cảm luân lý, với niềm tin vững vàng được hỗ trợ bởi các giá trị, không cần phải tuyệt đối duy lý, vì niềm tin này được trợ lực bởi một giá trị vô song khác: nhân phẩm, làm người một cách toàn diện nhất, làm người một cách cao đẹp nhất. Habermas, nhà triết học giải thể được các hiệu lực của truyền thông, nhà xã hội học giải mã được các hiệu quả của đối thoại, đứa con yêu quý của học thuật Đức, một quốc gia ngày càng vắng bóng các nhà tư tưởng gia vai vóc; ông luôn nhắc nhở ta khi tìm nội dung của một truyền thông, của một cuộc đối thoại thì phải đi tìm ba nội dung sau đây để hiệu quả hoá niềm tin của ta trước các quan hệ giữa người và người: Tiềm năng tri thức trong truyền thông và đối thoại qua kiến thức làm nền cho lý luận và ý thức; tiềm năng truyền đạt qua tính thuyết phục của ngôn ngữ dựa trên quyết đoán của nhân tính; tiềm năng luận thuyết qua cách tận dụng niềm tin đưa trình độ tin tức của người nghe hoặc người đối thoại lên mức độ cao rộng của đạo lý. Ba tiềm năng này quyết định tính chính xác và sáng suốt của lời nói, của cách sử dụng các phương tiện truyền thông.Ý kiến của Becker về cách xử lý các kinh nghiệm của truyền thông và đối thoại củng cố lý luận này, và ông đề nghị hẳn một mô thức truyền đạt tính hữu dụng (modèle de l’utilité espérée, the utility maximizing approach) dựa trên các kinh nghiệm không phải chỉ là những dữ kiện bình thường, mà là một mô hình có chỗ dựa của các lý luận nội chất của niềm tin, chỉ đạo các hành động duy lý, làm nhân sinh quan cho mọi quyết định, một loại nhân sinh quan mà ai cũng có thể hiểu được, mà không cần phải kêu gọi các cách giải thích khác ngoài niềm tin này. Như vậy, nội chất tri thức của lý lẽ giúp ta hiểu được quá trình hình thành một quan điểm trong cuộc sống, nơi có nhiều cá nhân với các quan điểm vô thưởng, vô phạt; mà cũng là nơi có nhiều chủ thể có trách nhiệm từ lời nói tới lý luận, có bổn phận từ tri thức tới phương pháp truyền đạt, có ý thức từ đạo lý tới quyết định. Tức là có niềm tin, có nhân tâm. Các tác giả hiện đại của chủ thuyết duy lý, từ cách xây dựng quan điểm tới cách xây dựng niềm tin, đều đồng ý với nhau là có nhiều khác biệt giữa thứ tự của giá trịthứ tự của sự thật, nhưng cả hai đều được xây dựng bằng một hệ thống duy lý được lý luận, lập luận, chứng minh, tổng kết qua đó các phán đoán về giá trị là các phán đoán về các sinh hoạt của con người, tuỳ thuộc vừa vào hoàn cảnh của thực tế, vừa vào mức độ và trình độ của mỗi cá nhân. Cho nên, tất cả các sinh hoạt thất bại của con người tới từ sự sai lạc về niềm tin, ngay trong cách xây dựng cái lý làm lõi cho niềm tin; vì vậy trong thực tế: tình thương yêu đã thành chiến tranh, lý tưởng đã thành ích kỷ, cách mạng đã thành tham nhũng. Hãy suy diễn sâu hơn: nếu cứu cánh biện minh được cho phương tiện, thì phải chứng minh toàn bộ cứu cánh đó qua toàn diện của sự thật; vì vậy tất cả phương tiện đều đáng ngờ vực, đều đáng nghi ngại, khi nó không được chứng minh toàn hảo bởi cứu cánh của nó trong thực tế; xảo thuật chính trị không phải là giá trị phổ biến của nhân sinh. Mọi hành động phải có ba chỗ dựa sau đây: giá trị của niềm tin, tri thức về xã hội, hiểu biết về thực tế; nếu một hành động mất ba chỗ dựa này thì sẽ trở thành một loại hành động khó giải thích, khó thuyết phục, khó thông cảm được. Cái lý phải đi với cái nhân, bản thân cái nhân không phải chỉ đi với cái hay, đẹp, tốt lành, mà còn phải nhập nội với cái thật, thực, đúng, trúng.

Việt tộc có một người thầy thật đáng quý trọng, hiền tài tin yêu của Hải Dương, chủ thể tinh hoa của Hải Phòng, giải toả cái mù mờ, cái mất phương hướng, cái mất niềm tin của Nguyễn Hoàng, nhà tiên tri thông suốt mọi thăng trầm của thời Trịnh Nguyễn phân tranh: Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nếu đánh giá cụ Bạch Vân chỉ qua tài năng tiên đoán của cụ, cũng còn bất công với cụ, phải thấy rõ cụ hơn qua câu chuyện nhân tâm của cụ trong chuyện giữ niềm tin. Vì, chuyện nhân đức trong nhân tính của Việt tộc được cụ viết rất rõ qua giáo dục, giáo khoa, giáo án, giáo trình của cụ dành cho nhân dân sống quanh bên cụ. Qua đó, cụ báo động cho nhân dân biết là bọn quan lại trong triều Lê, chung quanh chúa Trịnh là bọn chỉ thấy tư lợi, mà không đau đáu với số phận của đất nước đang lâm nguy tới tận gốc rễ. Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm và Mạnh Tử gặp được nhau, họ sẽ rất tâm đắc, vì họ đặt nhân dân họ trên vua, trên vương, trên triều của họ. Niềm tin phải dựa trên phương hướng của đạo lý, chính đạo lý tạo ý nghĩa cho niềm tin, cái hay muốn được lâu dài, nó phải được công nhận là tốt trong quan hệ xã hội, cái đúng trong pháp luật, rồi phải thành cái trúng, cái chính xác trong pháp hành. Luật pháp phải có định nghĩa rõ ràng về cái đức của nó, một cái đức có ba rễ: trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi. Sự ân cần, chỗ dựa của tương trợ, luôn cần trách nhiệm, bổn phận để xây dựng công bằng của pháp lý, nó vượt qua quan hệ giữa hai cá nhân, vì nó tới từ nhân lý theo nghĩa bao trùm nhất, nó là cội của quan hệ xã hội, nó là gốc của định chế, nó là rễ của dự phóng tương lai để đưa cuộc sống về hướng thiện. Hoàn cảnh, lời hứa, niềm tin khi kết tụ thành nội kết bền vững với thời gian, sẽ làm xuất hiện ra cái ai? chớ không phải cái gì?; vì, cái ai? thuộc về cái nhân; còn cái gì? thuộc về vật chất. Giữ lời hứa như giữ niềm tin là giữ bền bỉ cái nhân qua không gian, qua thời gian, qua biến thiên của kiếp làm người, nó khác xa cái hằng số trong vật chất, của cái gì? chỉ dựa trên cái tính toán lâu dài của tư lợi. Ngược lại, cái ai? của cái nhân là cái “đá mòn nhưng dạ chẳng mòn.

Niềm tin, tỉnh ngộ

Trần Dần, thi sĩ không nguôi bất khuất, đứa con tin yêu của chân lý nhân tâm, thi pháp toả sáng giữa bóng đêm bạo lực, một con tàu nhân tính đơn côi trong lòng muôn hải lý nhân sinh, luôn nhắc chúng ta phải hàng ngày canh giữ nhân tâm: “Bỗng nhói ngang lưng, máu rỏ xuống bùn. Lưng tôi có tên nào chém trộm… Ôi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh. Hãy nhìn xem: có phải vết dao ?… ”. Bọn người phản bội không những là bọn “chó cắn trộm” như ông bà ta đã dặn dò con cháu, mà chúng còn có thể nhẫn tâm chém trộm, chúng sẵn sàng giết người vì tư lợi. Trong nhận định các dạng thể hiện của cái lý, Kalberg thấy xuất hiện hai loại lý, loại thứ nhất được điều khiển bởi giá trị, loại thứ hai được điều khiển bởi cứu cánh của tư lợi, như vậy một niềm tin có giá trị đạo lý thuộc loại thứ nhất, và chúng ta phải luôn luôn cẩn trọng với loại thứ hai, vì nó có thể núp sau lưng, hoặc núp ngay trong lời lẽ tốt lành của loại thứ nhất để giật dây, để thao túng, để tha hoá các niềm tin có giá trị đạo lý. Đối với loại thứ hai này, với nhân cách giáo lý Việt tộc, ông cha ta đã lột mặt nạ nó, đó là loại không những “thừa nước đục thả câu” mà còn tồi tệ hơn nữa trong cách ứng xử “mượn đầu heo nấu cháo”; chúng luôn khai thác tình huống “đục nước béo cò với cái ích kỷ thấp hèn của chúng “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau. Các thành viên của Việt tộc thân yêu: niềm tin nhận trách nhiệm, còn tư lợi chỉ tìm tìm lời; niềm tin kham bổn phận, còn ích kỷ tránh đóng góp các bạn à. Khổng giáo hiểu rõ chuyện này trong hệ vấn đề trật tự: quân, sư, phụ, ở đây tri thức của vừa làm nền, vừa làm cầu nối giữa quânphụ, tri thức chuyển tải không những kiến thức của luân lý, của đạo lý, mà còn là chiều cao của tâm linh trong lịch sử của một dân tộc. Có ba nguyên tắc về đạo lý khi con người chuẩn bị các hành động của mình: nguyên tắc về giá trị và quyền lợi phải bình đẳng cho mỗi cá nhân, nguyên tắc bình quyền trước của cải của mỗi cá nhân, nguyên tắc chống bất công bằng luật pháp cụ thể. Chỉ cần hiểu rõ ba nguyên tắc này là chống được chuyện hối lộ tham nhũng của các lãnh đạo hiện nay, tránh luôn được chuyện công an uy hiếp nhân quyền, loại được luôn phản xạ tranh giành quyền bính trong việc tổ chức đại hội Đảng đang xảy ra. Khi nguyên cứu về thể chế của dân chủ, Tocqueville có nhận định là giá trị của niềm tin không phải luôn luôn là một chọn lựa hoàn toàn duy lý, cá nhân có yêu thích khác nhau trước các định đề của dân chủ và cộng hoà: công bằng, tự do, bác ái, người này thích cái này, thì người khác thích cái khác, đa nguyên về giá trị là bản chất của dân chủ, chính cái đa nguyên khi nhập vào quan hệ xã hội với danh chính ngôn thuận của nó dựa trên ích lợi chung của tập thể, giúp ta hiểu được là xung đột về quyền lợi luôn luôn có, nhưng cũng luôn luôn được trọng tài bởi nguyên tắc ích lợi chung của tập thể. Luận thuyết công lý của Rawls từ nửa thế kỷ qua làm sáng tỏ chuyện này: mỗi cá nhân có quyền như nhau trước hệ thống pháp luật với quyền tự do căn bản được pháp luật công nhận và bảo vệ. Quyền tự do căn bản này là mặt bằng của tất cả nguyên tắc của công lý, mọi người như nhau về tự do, về quyền lợi. Chuyện đặc quyền, đặc ân, đặc lợi cho đảng viên trong khi bổ nhiệm nhân lực do ĐCSVN độc tôn, độc trị, độc ban bố là chuyện hoàn toàn bất bình thường và bệnh hoạn không những đối với dân chủ và cộng hoà, mà cũng đối với công lý và pháp luật; vì nó đi ngược lại cái công bằng trong chuyên môn, chuyên ngành, chuyên nghề lúc bố trí nhân sự, thậm chí nó còn chống lại nhân lý và nhân trí. Một phán đoán có nhân lý là một phán đoán rất cụ thể dựa trên một nhân trí rất dễ hiểu là: muốn người ta tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người ta, như vậy nhân phẩm mới có chỗ dựa là nhân đạo. Arendt đề nghị luôn trong triết học chính trị là luật pháp phải bảo vệ chúng ta trước các bất công tới từ kẻ khác, và phải bảo vệ luôn tất cả kẻ khác trước các bất công tới từ chúng ta. Các lãnh đạo của ĐCSVN, các đại biểu Quốc hội, các chức trách của bộ công an phải nghiệm, phải niệm, phải suy về điều này, vì khi tự cho mình đặc quyền, đặc ân, đặc lợi là đã tạo ra bất công, đã diệt niềm tin của dân tộc đối với mình. Một chế độ bất công là một chế độ tự cho phép mình làm ba việc bất chính dưới ba chiêu bài: lý lẽ của nhà nước (raison d’Etat), luân lý giáo điều của chính quyền (moralisme d’Etat), lập luận của chủ nghĩa phụ quyền (paternalisme d’Etat). Khi Stuart Mill phân tích về tự do, ông yêu cầu tất cả chính quyền phải xem tự do là nguyên tắc của đạo lý: “Không khó gì để ta chứng thực được, bằng nhiều thí dụ, khi ta nghe nói về sự cấm đoán của một loại công an luân lý, khi tự do vô cùng chính đáng của cá nhân bị chà đạp, tự do này là một nhân quyền phổ biến nhất của nhân loại”. Đi làm cách mạng vì muốn đòi tự do cho mình, khi cướp được chính quyền thì chà đạp lên tự do của kẻ khác, của dân tộc, hỏi sao dân tộc không mất niềm tin nơi mình! Tự do là nội công của niềm tin, niềm tin là bản lĩnh của tự do.

Tất cả mô hình luân lý chính quyền đều bất chính nếu các mô hình trọng ta mà không trọng người; bắt kẻ khác theo luật chơi của mình, mà không cần biết là đạo lý của người khác có thể công bằng hơn, công lý hơn, tức là thông minh hơn mình, là một loại vô minh nguy hiểm. Nếu yêu cầu kẻ khác tôn trọng giá trị của mình thì mình phải thể hiện đầy đủ là mình hiểu, mình thông, mình thấu các giá trị của kẻ khác; còn chưa hiểu cái hay, đẹp, tốt, lành của kẻ khác, thì ít ra cũng phải hiểu một cái mà trong đạo đức học gọi là: đạo lý tối thiểu (éthique minimaliste), tức là tuyệt đối không hãm hại, không quấy nhiễu, không trù dập, không đè nén kẻ khác. Còn muốn hiểu đạo lý tối đa (éthique maximaliste), cũng rất dễ: phải thương dân chúng đang đói nghèo, phải giúp người khác trong hoạn nạn, phải nâng đỡ đồng loại trong khó khăn. Xã hội học phân định rõ có hai loại người trong xã hội vắng niềm tin, rỗng lòng tin: loại cá nhân nguyên tử (atomistes) nhỏ như nguyên tử, thì sống trong xã hội chỉ để thực hiện các tư lợi của mình; loại cá nhân tụ đàn (holistes) sống và giao số phận mình cho đám đông định đoạt. Từ xa xưa trong cổ triết hy lạp, Aristote đã phân tích rành mạch là: nếu niềm tin là cơ sở của đạo đức, thì trong đạo đức luôn có một phần cảm xúc, phần này là thiết yếu vì có cảm xúc, tức là đã có cảm nhận về nhân đạo, cảm động về nhân tâm; cho tới nay những nhà tư tưởng hiện đại vẫn đồng ý với cách diễn luận này. Một niềm tin đúng luôn được kèm theo một tình cảm luân lý đúng, cả hai tạo điều kiện tốt cho nhân sinh đi vào hướng nhân phẩm. Như vậy khi ta xét nghiệm về cái đạo của đức, thì ta phải công nhận là có một nhân lý bắt buộc ta tôn trọng của công và sẵn sàng hy sinh của tư. Khổng giáo còn nói rõ hơn: có chức phải có đức. Chỉ cần một câu này, và nếu thực hiện một cách thành thực và liêm sỉ là sẽ vệ sinh hoá, sạch sẽ hoá được ĐCSVN. Niềm tin được xây dựng vừa trên ý thức của xã hội, vừa trên ý thức của luân lý, chuyện đầu tiên là cái lý về chủ quyền: các của cải trong xã hội, các tài nguyên trên đất nước là của chung của dân tộc, không phải của riêng tôi, và nó sẽ không bao giờ là của tôi nếu tôi muốn trao truyền các của cải, các tài nguyên của đất nước này cho các thế hệ mai sau, như tổ tiên của tôi đã làm cho thế hệ chúng tôi. Cái lý chủ quyền về của chung, giúp cho tôi sống chung được với đồng bào tôi, giúp mọi người bảo vệ được công bằng, và bảo trì được công lý; tức là bảo đảm được niềm tin. Ngược lại cái bất công sinh ra cái bất bình, không chóng thì chầy sinh ra cái bất nhẫn, nạn nhân của bất tín, lúc đó niềm tin đã bị nạo rỗng, nhường chỗ cho sự vùng dậy để đòi lại nhân phẩm, sự vùng lên để lấy nhân tâm. Thẳng lưng vùng dậy để chống bất công luôn lấy năng lượng đấu tranh từ trong chuyện xây dựng lại niềm tin.

*********

Gần đây, trong nhân gian ta, ngoài đường trong phố, cũng như các chuyên gia quốc tế đang theo dõi tình hình Việt Nam, có cùng nhau một nhận định và đã biến nó thành bi kịch diễn luận về tình hình đất nước ta hiện nay: “Theo Trung Quốc thì còn Đảng, nhưng mất Nước; theo Mỹ thì còn Nước, nhưng mất Đảng. Câu này, tưởng có tri giác nhưng thật ra vẫn mờ ảo vô minh, tưởng minh bạch nhưng vẫn bày biện vô tri. Theo Trung Quốc thì mất Nước là chắc rồi, nhưng Đảng cũng không còn, nếu một Đảng mà chỉ có phản xạ “quỳ lạy để triều cống” thì không phải là một Đảng mà chỉ là một nhóm Việt gian. Theo Mỹ nếu Mỹ đúng, nếu Mỹ có cách hỗ trợ Việt Nam đúng từ chính trị tới quân sự, nếu lương tri người Mỹ đồng thuận với nhân tâm Việt tộc, cả khi Mỹ đặt vấn đề nhân quyền, thì đây là cách đặt vấn đề đúng, vì vấn đề nhân quyền không phải là của riêng Mỹ, mà là chuyện của cả nhân loại văn minh hiện nay, vì nhân quyền nhân chủ, là nhân trí, là nhân đạo, là nhân tâm. Vào cuối thế kỷ qua, khi biết tôi đi lần mò nghiên cứu sử học về chuyện “triều cống” của Việt tộc trong suốt quá trình giữ nước của tổ tiên ta, chỉ vì ta muốn sống hoà bình, yên nước, yên dân, trước ý đồ xâm lăng thường xuyên của Hán triều, ông cha phải nhận “lệ triều cống, tôi muốn hiểu rõ cách “dựng cảnh, theo tuồng” trong vở kịch khó chấp nhận đối với nhân cách giáo lý Việt tộc, có lần bác Hoàng Xuân Hãn giải thích với tôi: “Khi qua tận thủ đô Trung Quốc để làm việc triều cống, thì vua Tàu ngồi trên, đoàn sứ giả ta vừa phải ngồi dưới, vừa phải ở thế quỳ lạy để dâng tặng các đồ vật triều cống. Nhưng ông cha ta dặn nhau là khi phải quỳ lạy, thì bày ra bài vị của tổ tiên ta, đặt ở kế bên, và chỉ quỳ lạy hướng bàn thờ, vong linh tổ tiên ta mà thôi, không quỳ lạy về phía vua Tàu. Các bạn đọc, các trí thức, các thanh niên, các chính khách sắp lãnh đạo đất nước này trong tình thế hiện nay nên nhớ là: từ nay chúng ta cũng vậy, sẽ không bao giờ quỳ lạy trước bất cứ một cường quốc, một ngoại bang nào!

(Đò dọc, vững tay chèo, theo tổ tiên, xuôi cùng dòng sinh mạng của Việt tộc).

Kỷ (và) niệm Cách mạng Tháng Tám.

Lê Hữu Khoá


[i] Nhân lý vị nhân tâm, nghiên cứu về văn hoá, giảng dạy về nhân học, trong học thuật động cơ học hỏi của tôi luôn dựa trên tự do cá nhân tôi; tôi yêu nhân tính, quý nhân sinh, trọng nhân quyền, không bị đảng phái nào thao túng, không bị bè nhóm nào khống chế, không bị một ý thức hệ nào điều khiển; tri thức luận là động cơ khởi đầu cho tôi suy nghĩ; thương nước, yêu nòi là sức nội kết giữa tư duy và diễn luận khi tôi viết bài này.

[ii] Giáo sư Đại học Charles de Gaulle,

Giám đốc Ban Cao học châu Á,

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á,

Giám sát viên Chương trình Chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc.

[iii] Thư mục và công trình của tất cả tác giả được trích trong bài này có đầy đủ trong bộ sách Anthropologie du Vietnam (Nhân học Việt Nam), Lê Hữu Khoá, nhà xuất bản Les Indes Savantes, collection Anthropol-Asie.Paris.

Comments are closed.