Nhân Việt. N°4

(Nhân cách giáo lý Việt tộc)

Nhân quyền – nhân trí[i]

Lê Hữu Khóa[ii]

Chỉ có một kiếp để làm người – trước và trong – cũng chỉ một cuộc đời, chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn nhân quyền mở cửa đón nhân trí, rồi nhân trí nắm tay dắt nhân quyền đi xa về hướng lành, đi rộng vào hướng tốt, đi sâu vào hướng hay, và đi cao lên vào hướng đẹp. Nhân quyền không phải là một đường lối chính trị, cũng không phải là một ý thức hệ, nó cũng chẳng phải là một đặc sản văn hoá của phương Tây; nó là lõi của nhân phẩm, rễ của nhân đạo, cội của nhân tâm, nguồn của nhân tính, không có nhân quyền làm nội dung thì tất cả những định nghĩa về nhân phẩm, nhân đạo, nhân tâm, nhân tính, nhân lý, nhân đạo, nhân nghĩa… đều là những định nghĩa thiếu sót, hụt hẫng, què cụt, thui chột… Nhân quyền là nội công của nhân trí, nhân trí là bản lĩnh của nhân quyền; mọi chính quyền, mọi chính phủ, mọi đảng phái, mọi lãnh đạo không tôn trọng nhân quyền không những đều phản lại nhân tâm, nhân lý, nhân đạo, nhân tính, mà phản lại luôn cả tiến bộ và văn minh. Nhân quyền cũng không phải là một lý thuyết đúng để chỉ đưa nó vào hiến pháp một cách mơ hồ, để đó rồi quên đó, mà nó là chuyện thực tiễn hàng ngày từ giáo dục tới bảo hiểm xã hội về sức khoẻ và y tế, từ chuyện tự do phát biểu tới chuyện tự do truyền thông, tự do theo nghĩa thực nhất, sâu nhất, rộng nhất, cao nhất, dày nhất, tức là theo nghĩa thông minh nhất. Ý lực của nhân quyền còn nằm ở một chỗ khác: không có nền tảng của nhân quyền thì mọi định nghĩa về lòng yêu nước sẽ mất chỗ dựa, đòi hỏi người ta hy sinh để bảo vệ Đất Nước, mà không bảo vệ nhân quyền của người ta thì chỉ là trò lừa đảo, xảo trá. Ý lực của nhân quyền là một sức mạnh thật sự, nó hướng dẫn các lý luận, các lập luận, các diễn luận của bài này, và tác giả bài này còn xin được đi xa hơn: không có nhân quyền thì chắc chắn là nhân cách sẽ bị đe doạ, rồi hư hao, dẫn tới què quặt, nếu nhân cách được định nghĩa theo nhân phẩm, vì chính nhân phẩm làm ra phong cách cho một cộng đồng, làm ra tư cách cho một cá nhân. Như vậy đừng nói nhân quyền là chuyện viển vông, nó là chuyện của thân, của tâm, của trí trong mỗi cá nhân; là chuyện đạo lý và luân lý của một quốc gia; vì nhân quyền là phương hướng chủ đạo của kiếp làm người, muốn làm người thì phải loại ra khỏi môi trường của nhân sinh của mình cái kiếp “nửa dơi, nửa chuột”, “người không ra người, ngợm không ra ngợm”. Như vậy, nhân quyền là phẩm của nhân, nó là trí của tâm, nó là lý của trí. Đối với người Việt Nam chúng ta, nhân quyền là một phạm trù tri thức ba hệ vấn đề liên kết với nhau chặt chẽ: vừa của Việt tộc, vừa của mỗi người Việt, vừa của xã hội Việt Nam. Muốn có nhân quyền thì phải đấu tranh, nhưng thực chất của một xã hội có nhân quyền là một xã hội bảo đảm sự an toàn cho mọi người, từ sức khỏe tới trường học, từ tự do tới bình đẳng, mà an toàn được hiểu theo nghĩa bảo toàn, bảo an, bảo đảm. Điều này rất rõ trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, điều 22, của Pháp, quê hương khai sinh hai cuộc cách mạng cho nhân sinh – cách mạng dân chủ và cách mạng nhân quyền: “Mỗi người là một phần tử của xã hội được quyền hưởng mọi bảo hiểm xã hội. Hiện nay, lực lượng lãnh đạo nào quên câu này là có lỗi, đảng phái nào muốn xoá bỏ nội dung này là có tội với dân tộc, với đất nước họ.

Nhân quyền, từ nhân tâm lãnh đạo

Trong một quốc gia mà chính quyền thực sự muốn “xoá đói, giảm nghèo”, tức là chính quyền đó muốn xoá các vết chàm, vết thẹo, vết bẩn của dân tộc đó; Nhật Bản đã làm được, Hàn Quốc đã làm xong, Trung Quốc đã làm được thật mạnh và đang thành công trong ba mươi năm qua, Việt tộc cũng nằm trong khu vực văn hoá Tam giáo đồng nguyên như họ, vẫn chưa làm được, tại sao? Chỉ có hai giả thuyết hợp lý: một là dân ta kém, hai là lãnh đạo sai. Hai giả thuyết nhưng thật sự chỉ có một câu trả lời: nếu một dân tộc kém mà lãnh đạo giỏi, thì lãnh đạo phải làm cho dân khôn lên, khá lên, như vậy mọi chuyện đường lối trên đời này đều từ khả năng lãnh đạo mà ra. Vì, muốn “xoá đói, giảm nghèo”, thì phải thắng cho bằng được “nghèo nàn, lạc hậu”, bằng nhân trí, vì nếu nhân trí mà loại được lạc hậu, thì nó sẽ khử luôn nghèo nàn. Muốn lãnh đạo thì phải có nhân trí của nhân trí. Trí của trí trí nhìn xa, trông rộng”, trí của cái khôn (người khôn chưa đắn đã đo, chưa ra tới biển đã dò nông sâu), đây là định nghĩa dành cho chữ trí của những người muốn lãnh đạo. Không có lập luận này rõ ràng trong tư duy lãnh đạo thì đừng lãnh đạo! Hãy cụ thể hoá tiền đề này, vì tiền đề này không rõ trong đầu của một số lãnh đạo hiện nay: một lực lượng muốn lãnh đạo một quốc gia, của một dân tộc, thì trước hết phải biết làm cho được chuyện lãnh đạo một xã hội; một chính quyền trong thực tế hàng ngày, trước hết là một chính quyền đối với một đời sống xã hội, đối với tất cả sinh hoạt của xã hội đó. Vì xã hội là chân tướng của một quốc gia, hình hài của một dân tộc. Tên gọi của chính quyền đó đã có hơn một thế kỷ nay: “Etat-providence”, một chính quyền biết bảo trợ dân nghèo, biết bảo đảm an toàn lãnh thổ, biết bảo an công bằng xã hội. Bảo trợ, bảo đảm, bảo an bằng đường lối chính trị lãnh đạo của mình, tức bằng trí của mình. Bảo trợ, bảo đảm, bảo an tức là bảo hiểm. Chính quyền phải làm công tác bảo hiểm cho toàn xã hội, thì ai sẽ làm bảo hiểm cho chính quyền? Người bảo hiểm cho chính quyền chính là chân lý của nhân quyền, biết dùng nhân trí để lập ra nhân đức, giờ đã là một tổng thể nhân-trí-đức, sẽ thể nghiệm, sẽ kiểm nghiệm, sẽ xử lý mỗi cá nhân lãnh đạo qua tiêu chuẩn nhân-trí-đức của nó; tất cả được gạn lọc đầy đủ từ ứng cử tới bầu cử, được kiểm soát toàn bộ qua công pháp và tư pháp, cơ chế này có tên gọi là dân chủ, anh (chị) em sinh đôi với nhân quyền. Đây không phải chỉ là chuyện của Việt Nam, mà là chuyện của tất cả các chính quyền đang có mặt trên mặt đất này. Như vậy công cụ chân chính của một chính quyền biết bảo trợ, bảo đảm, bảo an, bảo hiểm cho xã hội là gì? Thứ nhất là dùng công cụ bảo hiểm qua luật pháp và định chế, cùng lúc có các chính sách bảo trợvĩ mô, từ kinh tế tới giáo dục, từ tài chính tới y tế… Thứ nhì là dùng công cụ bảo hiểm qua quy định của tự do được tạo ra từ ba thế quân bình của nhân quyền: bảo đảm tính mạng và tương lai của mỗi cá nhân tức là mỗi thành viên trong xã hội; chính sách bảo trợ xã hội dựa vào sự đóng góp của toàn xã hội, làm nền tảng cho ngân sách quốc gia; chính sách lãnh đạo bảo vệ quyền lợi của cá nhân, kể cả những biến cố xấu có thể tới với cá nhân này, bằng các định chế tương trợ, trong đó y tế và kinh tế đóng vai trò bảo hộ. Cả ba công cụ chân chính này đều bị xoá mờ trầm trọng trong xã hội ViệtNam hiện nay, vì nó bị đụt khoét hằng ngày từ trong trứng nước bởi ba tệ nạn: tham nhũng, hối lộ, bè đảng; ba tệ nạn này như trọng bệnh, lại còn đeo theo ba ung thư: lãnh đạo không tôn trọng nhân tâm, bổ nhiệm không tôn trọng nhân trí, công an không tôn trọng nhân quyền. Trí lực của một chính quyền là dùng tài lực của xã hội để bảo vệ cá nhân, đây là một định nghĩa sắc nhọn của phạm trù nhân quyền; xã hội như vậy không còn là một cộng đồng mộng tưởng, một tập thể huyền ảo mà là chỗ dựa cho mọi cá nhân, từ một chính quyền biết dùng tài sản xã hội để bảo trợ cho mỗi thành viên, mỗi cá nhân. Xã hội từ một định nghĩa mơ hồ, giờ đã là xã hội cụ thể của mỗi cá nhân và của tất cả các cá nhân (société des individus). Nếu không còn những đe doạ về sinh mạng, sức khoẻ, bệnh tật, thì xã hội đó sẽ đi về hướng hay, đẹp, tốt, lành, ngày càng văn minh, cho nên định nghĩa nhân quyền được nâng lên cao một bậc nữa, và nhân trí kích thích được chuyện này: không những bảo hiểm cho mỗi cá nhân, mà còn phải lo phát triển năng khiếu, tiềm năng của mỗi cá nhân. Và, nếu khai thác thành công năng khiếu, tiềm năng này, thì chính mỗi cá nhân sẽ phục vụ khôn ngoan hơn, sẽ đóng góp tốt lành hơn cho xã hội của họ, cho gia đình của họ, cho định chế của họ. ĐCSVN tự cho mình độc quyền bảo vệ giai cấp công nhân, nhưng thực tế hàng ngày thì đàn áp giai cấp này một cách thô bạo nhất từ các cuộc biểu tình chống bóc lột, khi công nhân đòi hỏi an toàn lao động, chống lại các chính sách thụt lùi mới về bảo hiểm xã hội. Cấm các công đoàn tự do sinh hoạt cùng lúc bắt bớ lãnh đạo của các công đoàn tự do, của ĐCSVN là một hành vi phản nhân quyền mà hằng ngày các hội đoàn nhân đạo báo cáo thường xuyên báo cáo với các hội đồng của Liên Hiệp Quốc. Thậm tệ nhất cho Việt tộc là ĐCSVN đã đàn áp công nhân bằng phản xạ “thượng đội, hạ đạp”, đội lên các tập đoàn ngoại quốc mà họ nhận hối lộ, trong đó đa số là Trung Quốc, đạp xuống nhân quyền của đồng bào lao động của họ, những nhận định này rất rõ trong các kết quả điều tra quốc tế về quyền lao động trên đất nước chúng ta. Những tên bồi bút, những kẻ đang xuyên tạc cho rằng nhân quyền là “diễn biến hoà bình”, “ý đồ xấu của phương Tây”, họ có biết là họ tục, tệ, tồi như thế nào không trước thế giới và trước nhân cách giáo lý của Việt tộc? Những kẻ này không bao giờ đủ can đảm xuất hiện trong các hội nghị, hội thảo, hội đàm cấp quốc tế để lý luận, để lập luận, để diễn luận rõ ràng quan điểm của họ, họ rất sợ lộ chân tướng gian xảo của họ trước thế giới, trước tiến bộ, trước văn minh. “Diễn biến hoà bình” là một cụm từ vô nghĩa nếu không lấy nó ra để tranh luận cho tới nơi tới chốn; nếu sử dụng ngữ văn loại này để chụp mũ, vu khống, thì tự biến cái khốn nạn của ngữ pháp thành cái khốn kiếp của kẻ giật dây nó, khi muốn “vu oan, giá hoạ” cho kẻ khác, biến cái khuyết tật của một tư duy vô lực “gà què ăn quẩn cối xay thành cái tư cách vô tri “khôn nhà, dại chợ” của mình. Không có tư cách thì làm sao có nhân cách, không có nhân cách thì làm sao hiểu, thấu, nhận, thương nhân quyền được. Khi bọn người này còn xun xoe chung quanh các bộ máy lãnh đạo độc đảng, độc tôn, độc quyền, thì Việt tộc ta bao giờ có nhân trí? Bao giờ được hưởng nhân quyền? Nhưng nhân quyền có thể tới từ nhân tâm lãnh đạo!

Đề nghị 1. Nhân quyền từ nhân tâm lãnh đạo: chính các lãnh đạo của ĐCSVN phải tìm lối ra bằng cách cho nhân quyền và nhân trí một định nghĩa cao đẹp nhất, tức là đầy đủ nhất và thông minh nhất để đưa xã hội Việt Nam vào hướng tiến bộ, dân tộc vào lối văn minh, theo lẽ phải của toàn cầu hoá hiện nay, chỉ có cách này mới tránh được xung đột trong xã hội và nội chiến trong dân tộc.

Nhân trí, từ cá thể dân chủ

Phạm trù chính quyền nắm xã hội, đã đi tới phạm trù chính quyền bảo vệ và thăng hoa cá nhân, nhân loại đã hưởng nó từ hơn hai thế kỷ nay, cách mạng dân chủ sánh vai cùng cách mạng công nghiệp, cách mạng khoa học kỹ thuật song hành cùng toàn cầu hoá tri thức và nhân quyền đang hiển hiện trước mắt mọi người, đây toàn là chuyện thực sự, thực tế, thực tiễn; kẻ nào nói ngược lại, không ngoan cố thì cũng thuộc loại cực đoan, không nguỵ biện thì cũng thuộc loài lừa đảo. Phạm trù chính quyền bảo vệ và thăng hoa cá nhân, không phải chỉ là hệ vấn đề của cá nhân, mà là lĩnh vực tích cực nhất của định nghĩa về chủ thể, vì ở đây cá nhân không còn đơn thuần là cá nhân, mà đã trở thành tác-nhân-sản-xuất-của-xã-hội, vì chính họ nuôi sống xã hội qua kinh nghiệm, qua kiến thức, qua ý thức, qua chân tài, qua đạo lý của nhân quyền trong họ, để nâng cao xã hội của họ lên. Hai quốc gia có bề dày về cách mạng dân chủ, và cách mạng công nghiệp là Anh Quốc và Pháp Quốc, có những nhận định khác nhau về vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của mỗi cá nhân. Tại Anh Quốc, Beveridge phân tích rằng: nếu xã hội bị chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt, thì chính quyền được phép điều chỉnh lại chủ nghĩa cá nhân đó, vì nó có thể sinh ra chủ nghĩa ích kỷ, điều chỉnh vừa qua định chế, vừa qua pháp luật, để trong đời sống xã hội tập thể có chỗ đứng, để sinh hoạt xã hội bảo vệ được cộng đồng. Tại Pháp Quốc, Jouvenel lập luận khác: nếu trong xã hội đã biết lo cho cá nhân, thì xã hội đó phải chấp nhận có cạnh trạnh, có xung đột, có đấu đá giữa các cá nhân, chuyện chính là kẻ lãnh đạo phải biết mở con đường tiến thân cho những kẻ có tài. Nếu trong xã hội đã có chuyện bất bình đẳng, thì kẻ lãnh đạo nên nhu thuận theo trình độ của mỗi tầng lớp xã hội mà bảo đảm tốt chuyện gặt hái các thành quả xã hội của họ theo hướng đi lên, để mỗi tầng lớp xã hội này được đổi kiếp của họ theo hướng cao đẹp; thâu chuyện bất bình đẳng nhỏ dần, ngắn dần, để chuyện bất bình đẳng không thành hố sâu không lấp được trong xã hội. Muốn làm được việc này thì phải bảo đảm được vấn đề công ăn, việc làm; cùng lúc lo đầy đủ vấn đề bảo hiểm xã hội. Những kẻ lãnh đạo bất tài thường viện ba cái cớ để không làm các việc mà Beveridge và Jouvenel đã phân tích, cớ của họ là: “nói dễ, làm khó”, “lực bất tòng tâm”, “cái khó bó cái khôn”, nhưng những kẻ này lừa người chưa được nên vội lừa mình, vì sao? Vì nhân quyền có nội dung lý luận thực tiễn của nó, vì nhân trí có tiềm năng diễn luận thực tế của nó. Chính quyền được sinh ra từ thượng nguồn là để bảo an lãnh thổ quốc gia, nhưng muốn tồn tại trong chính nghĩa thì chính quyền đó phải có kiến thức để làm ra luật, vừa bảo vệ tiền đồ của dân tộc, vừa bảo đảm sự phát triển của xã hội, cho nên sau đó chính quyền vừa là nền móng quốc phòng, cũng vừa là động cơ của nhân trí trong mọi chính sách phát triển. Nhưng có chính quyền khôn và có chính quyền dại, một chính quyền khôn là một lực lượng lãnh đạo xem dân tộc mình không phải chỉ là một tập hợp dân chúng đồng loạt “cá mè một lứa”, mà là tổng thể thông minh của những chủ thể sáng tạo, “mỗi người một vẻ”, đủ trí tuệ để sử dụng lao động của mình với kỹ thuật tinh tế, đưa năng suất lên cao, đưa hiệu suấtvào rộng trong sản xuất. Như vậy nhân quyền đã được định nghĩa ngay trong lao động, đây không phải là chuyện hư ảo, mà là sự thực, giờ đã thành sử của nhân loại: các dân tộc thành công trong chuyện này, họ có văn minh vì có dân chủ; họ có tiền của vì có tiến bộ. Khi phân tích về các dân tộc thành công này, tôi tìm thấy có ba nội chất nhân quyền trong nhân trí của họ: biến lý trí thành hiệu năng, biến bình đẳng thành đạo lý, biến tự do thành chính sách; ba động lực này đủ sức vừa đẩy lùi được nghèo nàn, lạc hậu, vừa dẹp bỏ được mê tín, dị đoan. Các xã hội thành công này luôn có các chính quyền tôn trọng cá nhân, trước hết là biết giáo dục về ý thức cho mỗi cá nhân, một ý thức có bổn phận với cộng đồng, có trách nhiệm với tập thể, dùng tự do của mình để sáng tạo, đưa xã hội vào hướng hay, đẹp, tốt, lành. Như vậy, nhân quyền đã được trợ lực bởi nhân trí, nơi mà mọi người được sống trong một không gian vừa có cá nhân tính, vừa có xã hội tính, không lạc lõng trong cơ chế, không mồ côi trong định chế; vì chính quyền của họ khi nắm quyền lực đã biết tin tưởng và trao truyền được các kiến thức văn minh cần thiết tới mỗi cá nhân, để cá nhân được sáng tạo trong lao động với tư cách của chủ thể. Chủ thể khi hành động với kiến thức và ý thức, tức là chủ thể đó đã vào đúng quỹ đạo văn minh và tiến bộ của nhân loại, và cá-nhân-quyền nhờ “an cư lạc nghiệp nên đã tạo ra được tiền đề cho chuyện “trong ấm, ngoài êm cho chính quyền. Một chính quyền khôn đủ lực để đưa cá nhân ra khỏi không gian của chủ nghĩa bản năng “ăn tươi, nuốt sống”, ngày càng tới gần với không gian của ý thức “ăn coi nồi, ngồi coi hướng. Các dân tộc thành công chuyện này là nhờ chính quyền của họ đã xây dựng được một nội dung nhân quyền qua cá thể xã hội, một cá thể biết chấp nhận, biết tuân thủ, biết bảo quản các quy định của tập thể, của cơ chế, của luật pháp. Đào càng sâu vào các thành tích về văn minh, xới lên các thành quả về nhân quyền của nhân loại, chúng ta phải nhận diện rõ một nội lực khác của nhân tính là sự cùng hợp tác, như một tổng lực, từ cá nhân tới gia đình, từ tập thể tới cộng đồng, từ công đoàn tới đảng phái… trong tất cả các sinh hoạt xã hội, trong bối cảnh một sự vận hành lớn của nhân sinh. Cùng hợp tác trong sản suất để cùng chia sẻ trong thành công, “đồng hội, đồng thuyền”, đây vừa là chỗ dựa, vừa là sức bật của nhân quyền. Thực chất thì đây là sức mạnh “quang minh chính đại” của dân chủ, vì dân chủ là một thể chế độc nhất của con người với đúng tên gọi “đường đường chính chính” của nó, vì tên gọi của nó dựa trên “luật chơi, trò chơi và sân chơi” của chính nó tạo ra, từ ứng cử tới bầu cử trong một thể chế tam quyền phân lập, có định kỳ và có kiểm tra. Những ai đã sống trong các thể chế dân chủ nhận ra rất rõ cái trò “lập lờ đánh lận con đen” của các chế độ độc tài, độc đảng, không dân chủ mà dám nói mình là dân chủ thì chỉ là loại “ăn gian, nói dối. Sự xúc phạm trắng trợn nhất cho Việt tộc hiện nay là cái hoạn bệnh của Hiến pháp nhập nội với cái ung thư của lập pháp. Điều 4 trong Hiến pháp áp đặt ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo dân tộc Việt Nam (mà hiện nay các liên minh nhân quyền thế giới xếp Hiến pháp này vào hàng đầu trong các hiến pháp phản nhân quyền nhất của nhân loại), thể hiện cùng cái ung thư lập pháp, biến cái độc đảng trong hiến pháp thành cái độc quyền trong Quốc hội, một xảo thuật để biến 10% số lượng đảng viên trong tổng số của dân tộc của một đất nước gần một trăm triệu dân mà đảng viên ĐCSVN giữ hơn 90% số ghế dân biểu trong Quốc hội; một chuyện không thể có trong một chế độ thực sự dân chủ. Chúng ta ước mơ dứt khoát cho Việt tộc một điều: một xã hội muốn thực hiện tự do, muốn thực hiện công bằng phải là một xã hội thực sự dân chủ.

Đề nghị 2. Nhân trí từ cá thể dân chủ phải được ghi nhận và thực hành được từ hiến pháp tới luật pháp, từ giáo dục tới lao động, từ kinh tế tới chính trị… phải được chính quyền, chính phủ công nhận từ hành chính tới định chế, từ đào tạo tới bổ nhiệm, từ bầu cử tới truyền thông… trong một hệ đa nguyên được bảo đảm từ hiến pháp tới lập pháp, từ tư pháp tới công pháp, từ chính quyền tới pháp quyền.

Nhân trí, môi sinh của nhân quyền

Nhân quyền là hải đăng cho mọi đường lối chống độc tài, tìm văn minh, hỗ trợ cho dân trí làm sức bật của mọi quốc sách của một chính quyền, để có được lực lượng lãnh đạo thông minh, khôn ngoan trên con đường phát triển đất nước. Chính quyền thực sự được dân tộc bầu ra chắc chắn sẽ không có phản xạ đàn áp dân chúng bằng một chính quyền do một đảng, một nhóm đưa ra; chính quyền thực sự được dân tộc bầu ra có phản xạ bảo vệ dân hơn một chính quyền do một đảng, một nhóm đưa ra; đây là sự thật của nhân sử, chân lý của nhân sinh, kinh nghiệm của nhân lý. Nhân quyền khi trở thành đường lối, thì nó khẳng định được mọi cá nhân đều là chủ thể, độc lập trong tự do và tự chủ trong bình đẳng; chắc chắn các xung đột giữa các cá nhân sẽ có, và định chế sẽ có mặt, từ hành chính tới luật pháp, từ đạo lý tới giáo dục, để xử lý và giải quyết các mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cá nhân này. Khi công nhận điều này, thì một chính sách thực sự dựa trên nhân quyền là một chương trình trực tiếp chống độc tài, chống độc đảng, chống độc tôn, đây là đường đi, lối về của chính trị, vì nhân tâm nên bảo vệ nhân quyền, vì nhân đức nên bảo vệ nhân trí, tất cả sẽ cùng nhau bảo vệ nhân phẩm. Việt tộc không thể nào để xảy ra việc lấy bạc tỷ để xây các tượng Hồ Chí Minh trong các tỉnh hiện nay, qua đó các lãnh đạo từ trung ương tới địa phương mượn cớ để biển thủ, để bòn rút, để chấm mút… trong khi nợ công ngày càng ngập đầu mà chưa có cách giải quyết, trong khi con em chúng ta trên nhiều vùng của đất nước thì học trong các trường ốc mà mái trường không biết bao giờ sẽ sụp trên đầu các em, bao giờ nước lũ sẽ cuốn trôi lớp của các em. Cả nước đều thấy giáo dục bị sa đoạ một cách tồi tệ, cùng các điều kiện vật chất trường lớp xuống cấp một cách quá tệ hại, lớp học ở một số nơi còn thua chuồng thú, và càng đi lên cao trong khu vực đại học thì đầy dẫy chuyện học giả, thi giả, bằng giả… Các em học sinh, sinh viên thương yêu, nhân cách giáo lý Việt tộc dạy ta đoàn kết với nhau trong khi sa cơ: “sẩy cha, còn chú, sẩy mẹ, bú dì”; trong toàn cầu hoá giáo dục hiện nay, các em sẽ có các hùng lực của các sách giáo khoa, giáo trình, giáo án của thế giới tới từ các chú, các dì có thể rất xa về địa lý, nhưng nhờ qua mạng thông tin toàn cầu hoá, mặc dầu họ không cùng thống tộc, không cùng họ hàng, không cùng văn hoá với Việt tộc nhưng nhân lý của họ hay nên giáo lý của họ tốt, giáo dục của họ đẹp vì dân chủ của họ lành, các em cứ tìm họ mà học, học cái hay, đẹp, tốt, lành, dù từ xa tới còn hơn cúi đầu “lãnh đủ” cái tồi, xấu, thấp, hèn của một thể chế vô trách nhiệm với các em!

Một chủ thể độc lập trong tự do và tự chủ trong bình đẳng, thì ta không nên nhìn các cá nhân chỉ qua hành động của họ, mà phải xem đây là môi sinh nhân trí của mỗi cá nhân, ngày càng rộng theo sự phát triển của kiến thức, của truyền thông, của khoa học kỹ thuật. Môi sinh nhân trí sinh ra môi sinh tự lập cá nhân; chuyện này rất rõ trong nhân cách giáo lý Việt tộc: tu thân để phòng thân, phòng thân vì biết thủ thân, thủ thân để lập thân, lập thân để tiến thân, đây là quyền làm cá nhân, quyền làm chủ thể, quyền làm người rất bình thường và chính đáng, nếu một lực lượng lãnh đạo không thực hiện được việc này cho mỗi cá nhân, thì họ chưa hiểu, chưa thấu được hệ vấn đề môi sinh của nhân quyền. Trong một môi trường xã hội có văn minh vì biết bảo vệ mọi cá thể, luôn luôn có hai thực thể đi đôi với nhau: thực thể thứ nhất là một chính quyền liêm chính quản lý các định chế hiện hữu trong pháp lý để bảo vệ tất cả các thành quả của tự do và dân chủ đã gặt hái được, từ đầu phiếu tới ứng cử, từ giữ gìn tri thức tới bảo hiểm xã hội… cùng lúc có thực thể thứ hai mang nội chất của tự do và công bằng, luôn ở thế tiến công, từ đòi hỏi tới đấu tranh, từ sáng tạo tới chỉnh đốn các cơ chế, đòi hỏi nhân quyền qua quyền làm người của mỗi cá thể. Chính quyền không những phải lo cho các cá nhân già yếu, mà phải lo luôn cho các cá nhân tật nguyền, lo trọn vẹn cho trẻ em và không quên bảo vệ phụ nữ trước các hậu quả bạo hành của nam giới… Các cuộc điều tra quốc tế so sánh về sức khoẻ cộng đồng các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để lộ ra một nhận định bi ai về thể lực của người Việt, với chế độ dinh dưỡng kém, thể lực yếu, thân thể thấp, vắng bóng lạ thường trong tất cả các kỷ lục thể thao. Giống nòi Việt tộc đã, đang suy kiệt? Đây là trách nhiệm của một lực lượng lãnh đạo bất tài hoặc bất tâm, rút tài lực của nhân dân qua đường tham ô, tham nhũng, vô tâm hoặc vô tri nạo rỗng thể lực Việt tộc, đây là một trong những hậu quả mất nhân quyền, thầm lặng, sâu kín nhưng quá trầm trọng cho mai hậu. Các số liệu về y tế, rút ra từ báo cáo của các bệnh viện: 7 người/ 1 giường, khu vực nhi khoa thì 6 trẻ/ 1 giường, đi kèm theo các lời than vãn của các chức trách trong y giới: bệnh nhân ngủ trong hành lang, ngủ dưới gầm giường, điều kiện vệ sinh và điều trị thiếu nhân tâm, thiếu nhân phẩm. Thiếu nhân tâm, thiếu nhân phẩm ra từ cái vô tâm của chính sách, tới từ cái vô nhân của lãnh đạo.

Trong một môi trường xã hội có văn minh biết lo cho dân, tất cả những ai ở thế yếu, kém, nhỏ, thấp đều có quyền đòi hỏi một chỗ đứng ngang hàng với các kẻ mạnh, giàu, cao, lớn trong xã hội, trước mắt là qua luật pháp, giáo dục và y tế. Tự cho phép mình thường xuyên đòi hỏi để luật bù trừ được tính toán lại, quyết định lại, tổ chức lại ngày một công bằng hơn, mà mục đích chính là để bảo vệ các cá thể yếu thế trong cộng đồng, các cá nhân thất thế trong tập thể. Nhưng không có một cá thể nào đứng ngoài cộng đồng, cũng như đứng trên tập thể, tự cho phép mình lấy của công làm của riêng, cá thể luôn nằm trong tổ chức của xã hội, quyền năng của cá thể cũng như quyền lực của lãnh đạo, luôn được định nghĩa, định chất, định lượng từ quan hệ trong xã hội, qua các sinh hoạt của xã hội. Đây không phải là chuyện sống quây quần theo đàn, sống tự tồn theo bầy, mà sinh sống theo một tổ chức phức hợp, có giáo dục đi đôi với đạo lý, có kinh tế đi đôi với văn hoá, chữa bệnh đi đôi với phòng bệnh… Ở đây nhân tính làm nội lực cho nhân sinh, con người khi muốn sống chung với nhau, thì mọi kinh nghiệm du mục riêng rẽ vô tổ chức trước đó phải bị loại bỏ, giờ đây phải chấp nhận được quản lý bởi các định chế có đủ sức làm hai việc: bảo vệ sự bình đẳng về quyền lợi của mỗi cá thể, cùng lúc phải bảo đảm cả tài sản của mỗi cá thể đó, tài sản vật chất và tài sản sáng tạo. Khi định nghĩa về xã hội học, Durkheim khẳng định: cá nhân không những sinh ra trong xã hội, mà sinh ra từ xã hội, như vậy xã hội tính có chỗ trung tâm trong cá nhân tính; vấn đề của nhân quyền là bảo vệ cho bằng được cá nhân tính trước các bạo động của độc tài, trước các bạo hành của độc đảng, cùng lúc bảo vệ luôn xã hội tính của cá nhân, trước các thái độ vô chính phủ, trước các hành động vô trách nhiệm sinh ra từ bản năng ích kỷ của cá nhân. Chuyện Tố Hữu dùng công an riêng của mình, lấy danh nghĩa của ĐCSVN, chụp mũ tập thơ Về Kinh Bắc, rồi bắt và giam cầm tác giả tập thơ là thi sĩ Hoàng Cầm trong nhiều năm – khi mà ích kỷ khi đã nhập nội với ganh tỵ, thì tỵ hiềm sẽ keo sơn với tội ác – là một chuyện phản nhân quyền vô cùng đau đớn của giới văn nghệ sĩ Việt Nam dưới quyền lực lãnh đạo thô bạo, phản nhân quyền. Cũng như trước đó ĐCSVN đã truy diệt phòng trào Nhân Văn – Giai Phẩm, sau cải cách ruộng đất, một cách vô nhân đạo, không qua pháp lý vì không có nhân trí, không qua nhân lý vì không trân quý nhân quyền. Việt tộc nên luôn luôn cẩn trọng với một số thái độ thờ ơ, vô tâm đã có trong cuộc sống tập thể và cộng đồng hiện nay, cái tư duy “ai chết mặc ai” vừa phản xã hội tính, vừa phản cá nhân tính, không biết rằng nhân sinh luôn tuỳ thuộc vào nhân tính, mà nhân tính muốn trường tồn phải dựa vào nhân tâm, nhân đạo, nhân phẩm, nhân đức. Khi nghiên cứu các quan hệ xã hội giữa chính quyền và cá nhân, xã hội học nhận ra là mỗi lần sự tự chủ của cá nhân được củng cố, được phát triển thì có sự phân hoá trong tập thể, phải hiểu phân hoá ở đây theo nghĩa tích cực, tức là cơ chế của cộng đồng phải thích ứng, tuỳ nghi, nhu thuận để đủ sức quản lý các quyền tự chủ mới, các quyền tự do mới. Một chính quyền giỏi là một chính quyền làm được “chuyện nước đôi này: không ngừng phát huy các quyền tự chủ mới, các quyền tự do mới cho cá nhân, cùng lúc linh động tổ chức các cơ chế, luôn theo kịp các thể hiện nhân quyền mới sinh ra từ các nhân trí mới. Chính quyền giỏi này hiểu được một chuyện cốt lõi trong tổ chức xã hội là mỗi lần cá nhân được tôn vinh lên, thì quyền năng của xã hội cũng rộng ra, từ văn hoá tới pháp luật, từ giáo dục tới nghệ thuật… Vì muốn tăng quyền độc lập của cá nhân lên cao, thì cùng lúc phải đủ sức linh động quản lý xã hội sâu rộng ra. Cái bất công, cái bất bình đẳng của các xã hội có chính quyền độc tài, có chính phủ độc đảng là cái thô bạo chống lại tự chủ và tự do cá nhân, qua hành vi thô thiển hoá các tổ chức xã hội, dùng tuyên truyền để chống nhân quyền, dùng nhồi sọ để loại nhân trí. Gần đây, các thanh thiếu niên Việt nam đã dùng internet qua hệ Youtube để nói lên hoài bão, ước mong, chí nguyện về tự do, dân chủ và nhân quyền của mình trước thế giới, trước nhân loại, trước toàn cầu hoá, đây là một cuộc cách mạng nhân lý rất thông minh, vì nó vừa cao, vừa sâu, vừa rộng, nó không những nói rõ được nhân cách giáo lý Việt tộc trong chuyện đừng “lấy vải thưa mà che mắt thánh của một chế độ không tôn trọng nhân quyền, vì trong định nghĩa của nhân quyền thì lương tâm và liêm sỉ là một, một tổng lực để tự bảo vệ mình, và cũng để bảo vệ đồng loại của mình, “thương người như thể thương thân. Hãy cùng nhau nhận định sâu hơn về dân chủ: dân chủ thực luôn sinh ra nhân quyền thực, có thực mới vực được đạo, khả năng của dân chủ là tôn trọng tính chủ động của cá nhân, từ học tới hành, từ làm ăn tới làm giàu, nhưng chính xã hội dân chủ đó sẽ hướng dẫn cá nhân bằng giá trị của đạo lý cao đẹp, của luân lý tốt lành, với các sinh hoạt tâm linh có nhân đạo, với các sinh hoạt văn hoá có nhân tâm, với các sinh hoạt nghệ thuật có nhân phẩm. Như vậy kẻ yếu sẽ không thành người bại; kể cả triệu phú, tỷ phú cũng được cứu vớt bằng kiến thức và ý thức, để không trở thành trọc phú. Mandeville nhận định “cái đức công” không sợ “cái lợi tư”, vì nó đi trên vai, trên đầu cái tham lam, cái ích kỷ, cái vật chất, nó còn mở đường cho mọi người thấy chân trời của nó, để từ đó thế giới quan của cá nhân được rộng ra, để vũ trụ quan của cá thể được lớn lên; để nhân sinh quan của chủ thể được cao hơn.

Đề nghị 3. Nhân trí là môi sinh của nhân quyền, phát huy nhân trí là phát huy nhân tính theo nghĩa toàn diện nhất, từ giáo dục tới y tế, từ văn hoá tới kinh tế… đặt tự chủ và tự do cá nhân làm trung tâm cùng lúc xây dựng một khung vừa rộng, một nền vừa vững về đạo lý cao đẹp, luân lý tốt lành, sinh hoạt tâm linh có nhân đạo, sinh hoạt văn hoá có nhân tâm, sinh hoạt nghệ thuật có nhân phẩm, và chính quyền phải nhận đầy đủ nhiệm vụ và trách nhiệm qua chính sách lãnh đạo, qua đường lối lãnh đạo của họ, được kiểm tra bằng một pháp quyền liêm chính.

Nhân quyền, từ cá thể nhân trí

Mỗi lần nhân quyền được hiểu rộng ra, sâu ra, cao ra, thì định nghĩa về cá nhân được mở ra, mới ra, sáng ra; chính chuyện này làm cho ý lực muốn sống chung trong một xã hội phải luôn được điều chỉnh, được hoàn thiện, được cải tiến, từ quan hệ xã hội tới định chế xã hội, từ sinh hoạt xã hội tới tổ chức xã hội. Các biến động lớn của toàn cầu hoá hiện nay được kích thích bởi tự do truyền thông càng làm cho quá trình cá nhân hoá ngày càng nhanh, ngày càng mạnh; các nghiên cứu gần đây cho thấy lối ra và cách giải quyết phương trình nan giải này nằm trong một hệ vấn đề đôi: xã hội hoá cá nhân đi đôi với cá nhân hoá bằng xã hội tính. Xã hội hoá cá nhân là năng lực của xã hội chuyển hoá cá nhân theo hướng cùng hợp tác, cùng tham gia, cùng giải quyết, cùng chia sẻ các trở ngại của tập thể, các khó khăn của cộng đồng. Cá nhân hoá bằng xã hội tính là sự hiểu biết và tiếp nhận các ý thức, các đạo lý, qua giáo dục của gia đình, của học đường, của xã hội, để biết bảo vệ tự do và quyền lợi của cá nhân mình, nhưng cùng lúc phải “biết người, biết ta”, “biết trên, biết dưới”, “biết trên kính, dưới nhường”; nhân cách giáo lý Việt tộc giáo dưỡng rất sắc sảo hai chuyện này; nội công của Nhân Việt là ở đây. Đừng tránh né hệ vấn đề tự do cá nhân, mà thẳng thắn đặt nó vào trung tâm các chính sách lãnh đạo để phát triển xã hội, đưa dân tộc đi lên. ĐCSVN giữ thói quen ngăn chặn và kiểm duyệt, trừng phạt và bắt bớ… từ gần một thế kỷ nay, thì chỉ làm trò cười cho các thế hệ mai sau; trước mắt là làm trò hề trước thế giới văn minh. Bắt bớ các blogger, đóng cửa các blog, công an tưởng dùng bạo quyền một cách thô bạo thì không ai dám làm gì được mình, họ lầm! Hậu quả không lường được! Các cơ quan, các hội đoàn, các liên minh về nhân quyền của thế giới đã xếp lãnh đạo ĐCSVN vào loại lãnh đạo không có nhân tính, nhân đạo, nhân tâm, với một hệ thống công an mang vật tính, súc tính, man tính. Hiện nay, tất cả tội ác của công an không nằm trong biên bản của công an, không được quản lý bởi Bộ Công an, không được giám sát bởi chính quyền, dưới quyền lãnh đạo ĐCSVN, mà nó đã thành tư liệu, thống kê, thư viện, văn khố… trên internet với hàng triệu tin tức, phóng sự, dữ kiện, chứng từ… có hình ảnh, có âm thanh mà thế giới thấy rất rõ là nhân quyền bị chà đạp, miệt thị, phỉ báng bằng nhiều cách, rất vô tâm, rất bất nhân trên đất nước Việt Nam. Công an hàng ngày đánh chết người, hàng ngày hành hung, bạo động với nhân dân từ chợ ra đường, từ nông thôn ra thành thị, từ miền núi tới miền xuôi, từ nhà ga tới sân bay, từ chùa chiền tới nhà thờ… Các lãnh đạo ĐCSVN đang đưa Việt tộc đi về đâu? Trong khi nhân cách giáo lý Việt tộc thì rất rõ, được Nguyễn Trãi đúc kết đã thành mô hình luân lý: “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Chuyện này càng rõ trước mắt mọi người năm nay 2015: tổng thống Mỹ vui vẻ mở rộng cửa Nhà Trắng đón tiếp ký giả dân chủ và nhân quyền Điếu Cày, tươi cười vui vẻ trò truyện trong một môi trường văn minh đầy nhân trí; cùng lúc đó lãnh đạo ĐCSVN phải điều đình ở thế thấp vóc, ở thế nghiêng dạng, cho chuyến đi thăm Mỹ của Tổng bí thư ĐCSVN. Trước báo chí thế giới, các lãnh đạo Mỹ hiên ngang và nói thẳng, nói rõ về vấn đề nhân quyền trên đất nước Việt Nam trong sự “yên lặng lắng nghe” của các lãnh đạo Việt Nam, vì trong hệ vấn đề nhân quyền các lãnh đạo Mỹ đã chủ động coi đây là chuyện trung tâm trong quan hệ của hai nước. Nhân cách giáo lý Việt tộc dạy chúng ta rõ chuyện này: “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, mà trên thượng nguồn là trứng rồng lại đẻ ra rồng, liu điu lại đẻ ra dòng liu điu”, cho nên ở hạ nguồn thì “nồi nào úp vung nấy Tự do cá nhân là nội lực vận hành của xã hội, tính chủ động cá nhân dẫn tới những phong trào tích cực làm tiền đề cho văn minh và tiến bộ, trực tiếp phục vụ cho nhân quyền và nhân trí, vì cá nhân giờ đã trở thành tác nhân trực tiếp làm ra kiến thức, tri thức, của cải, tiền tài cho xã hội. Khi một kiến thức mới ra đời, chúng ta phải tìm cho ra tác giả của kiến thức đó, để biết lý tưởng và hoài bão của tác giả này, để hiểu đúng nhân quyền của cá nhân này; như vậy, sau một doanh nghiệp phát đạt, phải thấy doanh nhân tạo ra nó, để hiểu thêm động cơ và quyền lợi doanh nhân này, để thấu rõ nhân sinh quan của doanh nhân này. Tự do cá nhân luôn dựa vào tư tưởng cá nhân, một lực lượng lãnh đạo khôn ngoan trước hệ vấn đề đôi nhân quyền nhân trí, là một tập hợp tinh hoa hiểu được cội, rễ, lõi, nguồn của tự do, vì tự do không phải chuyện của giáo điều mà là kết quả tất yếu của nhân tính, không phải chỉ là khung của nhân sinh mà là nền của nhân phẩm. Tự do cá nhân không có sẵn trong bẩm sinh mà tới từ sức mạnh của nhân loại luôn dùng văn minh để tự giải phóng mình, luôn dụng tiến bộ để tự chuyển hoá mình. Dunoyer phân tích rằng: lịch sử của nhân loại luôn được sử dụng không những như kiến thức, mà còn được khai thác như một tri thức để chế tác ý thức, luôn tìm cách đưa nhân sinh đi theo hướng nhân phẩm. Khi lịch sử biến kinh nghiệm thành kiến thức, được hỗ trợ bằng đạo lý và luân lý, thì con người sẽ biết làm ra luật để bảo vệ cá nhân, tập thể và cộng đồng, luật không đơn thuần cho một giai cấp, không đơn giản cho một chế độ, mà là bộ luật, trong đó có luật hình sự và luật gia đình, có luật hành chính và có luật thương mại… tất cả được bảo trợ bằng hiến pháp, có chính thể của tư pháp, có công lực của pháp quyền. Spencer yêu cầu nếu làm luật để bảo vệ tự do cá nhân, thì đừng làm một cách hình thức, mà phải làm vừa cụ thể, vừa ở thế sẵn sàng, hễ chế độ mà thô bạo, hễ hành chính mà bạo hành, hễ công an và quân đội mà bạo động đe doạ tính mạng dân chúng, thì luật phải có mặt ngay, với luật sư chính trực, toà án công minh, để vô hiệu hoá ngay mọi bạo quyền. Như vậy, luật được làm ra để bảo vệ tự do cá nhân, phải luôn cụ thể, phải luôn ở thế sẵn sàng, thì phải đi cùng với một chính quyền xã hội, chính quyền này hoàn toàn ngược lại với loại chính quyền độc tài bằng quân đội, với loại chính phủ độc đảng bằng công an. Chính quyền xã hội bảo vệ cá nhân bằng chính sách sáng suốt của hệ vấn đề sống chung (l’être-ensemble) trong đó cá nhân chọn lựa tỉnh táo cùng sống chung với các cá nhân khác trong cùng một môi trường xã hội, trong đó tính mạng và tương lai của mỗi cá nhân được bảo đảm bằng luật. Dicey còn phân tích thực tiễn hơn: trong tiến trình bảo vệ tự do, luôn có sự xung đột giữa chủ nghĩa tập thể chống lại chủ nghĩa cá nhân, vấn đề không còn là bảo vệ tập thể và hy sinh cá nhân, mà xét xử nghiêm minh, lý của cá nhân đúng hay lý của tập thể đúng, tất cả phải dựa trên cái lý của nhân quyền và cái lý của nhân trí. Schatz công nhận rằng mỗi lần có xung đột giữa cá nhân và tập thể, thì phản xạ của xã hội là bênh vực tập thể, một phản xạ bất công “cả vú lấp miệng em”, sinh ra từ thói quen “áo mặc sao qua khỏi đầu. Trong nhân cách giáo lý Việt tộc, ông bà ta vẫn dặn dò con cháu “sống có tình, có nghĩa”, chúng ta xin tổ tiên được thêm vào một câu mới: “sống có công bằng, xử có công pháp” để giáo dục và bảo vệ cá nhân của cộng đồng và cả các thế hệ sau. Mill rất thực tế khi cho rằng chính quyền luôn tìm cách thao túng xã hội, giới hạn tự do cá nhân, để củng cố quyền lực của mình, nên có những bước lùi về nhân quyền trên một số quốc gia trong lịch sử chung của nhân loại; cho nên muốn thật sự bảo vệ tự do cá nhân thì lập ra các luật ngăn trước (droit d’anticipation) để làm rào chặn các thủ đoạn của bạo quyền. Weber cũng có nhận định này và cảnh giác các lực lượng đòi hỏi tự do trong xã hội phải cẩn trọng với hành chính, nó như con dao hai lưỡi, và khi nó bị chính quyền độc tài biến thành công cụ thì nó trở thành quan liêu, bao cấp, sẵn sàng coi thường tính mạng, số phận và nhân phẩm cá nhân. Khi nghiên cứu về tổ chức hành chính quản lý các sinh hoạt xã hội, Schumpeter có thêm vào nhận định khác: một doanh nghiệp không thể có, nếu không có doanh nhân, hành chính cũng vậy không thể có nếu không có các cá nhân; chính các cá nhân điều hành bộ máy hành chính và các cá nhân sử dụng bộ máy hành chính sẽ đấu tranh làm thay đổi tệ quan liêu, tục hủ lậu của hành chính. Trong một chế độ thật sự dân chủ, thì cá nhân trong thiên nhiên giờ đã thành chủ thể của xã hội, chính quyền độc quyền lãnh đạo giờ đã thành chính quyền xã hội bảo đảm được tự do của mọi cá nhân; trong đó mỗi cá nhân có quyền đòi hỏi chính quyền vừa phải bảo vệ tài năng và vừa phải bảo vệ tài sản của họ. Tự do cá nhân luôn đi đôi với độc lập của cá nhân, chuyện này không hề bất hợp với việc các cá nhân muốn sống chung với nhau trong cùng một xã hội, vì chính xã hội là nơi bảo đảm được chủ quyền của cá nhân, từ vật chất tới kinh tế, từ sáng tạo tới sáng tác, từ thành quả tới thành công, tránh được chuyện vô chính phủ “cá lớn nuốt cá bé của luật rừng, tức là không có luật. Chúng ta cũng không quên phân tích của Greef, một xã hội đầy đủ nhân quyền là nơi mà đặc tính, đặc điểm của mỗi cá nhân được tôn trọng, mặc dù các đặc tính cá nhân, đặc điểm của cá thể bó buộc các định chế xã hội phải luôn luôn linh động trong đa nguyên, luôn luôn nhanh nhạy trong đa dạng để các đặc tính, đặc điểm này có chỗ đứng, có chỗ sống. Trong nhân cách giáo lý Việt tộc, chúng ta nên dặn dò con cháu đừng có phản xạ run sợ trước luật rừng, rừng nào cọp nấy, rừng và cọp sinh tồn trong điều kiện thiên nhiên, xa nhân tính nên xa nhân quyền, vô tri về công bằng nên vô minh về pháp luật, chúng ta nên giáo dục nhau phải có pháp quyền để bảo vệ công bằng và tự do của mỗi cá nhân, vì nhân trí không hề sợ cọp, sợ rừng. Chúng ta cũng đừng sợ các quan lại loại mới được bao che bởi chế độ độc đảng, độc tài hiện nay, dám “xài lại” xảo thuật của bọn quan lại phong kiến xa xưa: “miệng nhà quan có gang, có thép”; chúng ta không sợ loại người này và thẳng thắn yêu cầu: “miệng nhà quan phải tôn trọng luật pháp, gang phải được uốn nắn bằng tư pháp, thép phải được rèn luyện bằng công pháp! Để mọi tiếng nói được tôn trọng như nhau, để mọi cách hành xử phải nằm trong khung của luật lệ; để mọi hành vi phải dựa trên nền của luật pháp. Hãy đi thêm một bước diễn luận nữa với cá-nhân-quyền trong một xã hội dân chủ để thực hiện được hai phương thức của Smilles: self-made-man (cá nhân tự làm)sefl-help (cá nhân tự lo); chuyện này không hề mơ hồ trong các xã hội văn minh hiện nay, nó là chuyện có thực hằng ngày, thí dụ: tất cả cá nhân lái xe đều phải tôn trọng luật lưu thông để tránh tai nạn, nhưng tất cả cá nhân lái xe này đều trả tiền đóng bảo hiểm để ngừa tai nạn, phòng khi có bất trắc giao thông xảy ra. Nó ngược lại với một số hành động gian lận “mua âm, bán dương, sau khi đã buôn thần, bán thánh” hiện nay của các lãnh đạo ngay trong các nghĩa trang liệt sĩ, mặc dầu họ không phải liệt sĩ, họ tự chế ra khu từ trần, để giành chỗ tốt, đất cao khi qua đời, theo kiểu phong kiến hủ bại chiếu trên, chiếu dưới, với xảo thuật ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau, xâm phạm nhân quyền ngay trên lãnh địa thiêng liêng của cái chết. Trong Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du có một lời than để đời: “Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm, để nói lên cái (bi) nhân sinh quan của cụ trước thế thái nhân tình (không nhân tính). Xin kính cẩn thưa với cụ Tiên Điền: nếu lấy nhân tính để soi nhân lý, lấy nhân lý để rọi nhân trí, thì ta có thể lập luận rằng: nếu cõi âm mà có những người giữ cho bằng được nhân phẩm của họ thì chắc là nó hơn hẳn cõi dương hiện nay của các lãnh đạo của chế độ này đang giành chỗ trong các nghĩa trang liệt sĩ!

Đề nghị 4. Nhân quyền, từ cá thể nhân trí, trong đó cá nhân hoá tự do đi cùng với xã hội hoá cá nhân trong hệ vấn đề bảo đảm trọn vẹn chủ quyền của cá nhân, từ sáng tạo tới sáng tác, nơi mà đặc tính, đặc điểm của mỗi cá nhân được tôn trọng, trong đó cá nhân có quyền đòi hỏi chính quyền vừa phải bảo vệ tài năng và tài sản của họ, trong đó tính mạng và tương lai của mỗi cá nhân được bảo đảm bằng luật.

Nhân quyền, từ giá trị cá nhân luận dân chủ

Thượng đế vắng mặt trong hệ vấn đề nhân quyền, thần linh cũng không xuất hiện trong hệ vấn đề nhân trí, xử lý hai hệ vấn đề này là chuyện giữa các con người, là chuyện giữa người với người, chúng ta cũng đừng kêu gọi thượng đế hoặc thần linh làm trọng tài, kể cả tôn giáo cũng đừng nên can thiệp một cách “vô ý, vô tứ” vào hai việc này, như đã được phân tích trong Concordat, năm 1801: “Tôn giáo làm ra một xã hội được xây dựng trong quan hệ giữa con người và thượng đế, còn xã hội của con người là xã hội giữa con người và chính quyền. Trong các quốc gia tôn trọng nhân quyền, tôn vinh nhân trí, thì dân chủ đã đủ bản lĩnh, đủ nội công, đủ tầm vóc đặt tôn giáo vào đúng chỗ của nó, không để tôn giáo quyết định vào các việc nhân đạo mà tôn giáo không xử lý được, không để tôn giáo hành động vào các việc nhân lý mà tôn giáo không hành xử được. Vì nhân đạo đòi hỏi phải có công bằng về pháp luật, vì nhân lý đòi hỏi phải chống bất bình đẳng bằng công pháp; đừng trông chờ thượng đế, thần linh, tôn giáo làm ra pháp luật và công pháp. Sau khi đã đưa dạng siêu nhiên (surnaturel) của thượng đế, thần linh, tôn giáo ra khỏi các định chế, xã hội dân chủ cũng đẩy lùi được dạng thiên nhiên (naturel) của bản năng, đói ăn, khát uống, giờ đây con người đã tới đúng dạng nhân tính (humain), biết lấy kinh nghiệm hay làm thành kiến thức tốt, lấy đạo lý lành làm thành giáo dục đẹp. Trong lịch sử nhân loại, con người không hề rời bỏ quan hệ siêu nhiên với thượng đế, thần linh, nhưng hiểu biết của con người về tôn giáo là hiểu biết có điều kiện; còn hiểu biết của con người về khoa học là hiểu biết không cần điều kiện. Một bên là tôn giáo không được đặt lại vấn đề, mặc dù không kiểm chứng được là có thượng đế, có thiên đường hay không? Còn một bên là khoa học luôn luôn tính chuyện: thí nghiệm lại, tính toán lại, khảo tra lại. Niềm tin về thượng đế phải ở thế trường cửu một cách vô điều kiện, ngược lại không có một chân lý nào của khoa học là vĩnh hằng cả. Cái giống nhau, cái hội tụ giữa khoa học và dân chủ là ở đây, không có gì trường cửu, không có gì vĩnh hằng, phải luôn luôn làm rõ ra để thấy sự thật, phải luôn luôn làm sáng ra để thấy chân lý, phải luôn luôn làm tốt hơn, khá hơn ra để thấy lẽ phải. Mà hiện nay, những con người thông minh, những chính quyền khôn ngoan đã đưa vào trong quan hệ giữa con người và chính quyền một phương hướng chủ đạo hoàn toàn mới trong văn minh nhân loại: giá trị cá nhân luận dân chủ (valeur de l’individualisme démocratique). Khi cá nhân luận dân chủ này ra đời, nó không những bị các lực lượng độc tài, độc đảng hủ lậu tấn công liên tục một cách vô minh, mà cũng bị luôn cả giáo hội cùng các linh mục giáo điều xỉ vả ngày đêm một cách vô tri. Nhưng trong toàn cầu hoá hiện nay, thì nó hiển nhiên xuất hiện ở những nơi văn minh nhất, lại còn làm hải đăng cho tất cả các xã hội đang còn tăm tối trong các chế độ phản nhân quyền, chống nhân trí. Nó đương nhiên thành chủ đề, thành định đề, thành tiền đề giữa các dân tộc văn minh tiến bộ khi trao đổi với nhau, nó thành “miếng trầu là đầu câu chuyện” của toàn cầu hoá nhân quyền hiện nay. Nó là hình ảnh của em thiếu niên 15 tuổi, Tuấn Anh lên internet qua hệ Youtube, kêu gọi thế giới hãy bảo vệ cha mẹ, ông bà của em, mà công an đã hành hung tàn nhẫn khi đến cướp đất, cướp nhà của gia đình em, từ ông ngoại đến cha mẹ của em bị đánh trọng thương, chính em cũng bị tra tấn dã man trong đồn công an, sau đó lại bị đuổi học; cả ba thế hệ cùng một gia đình mà số phận thua xa súc vật. Và, câu cuối cùng trong lời trần tình của em là nhân quyền không được tôn trọng tại Việt Nam, Liên Hiệp Quốc hãy tìm mọi cách để bảo vệ những con người đang sống trên đất nước này! Nghe lời kêu gọi của em, chúng ta thấy thương em, muốn chia sẻ các khổ nạn này cùng với gia đình của em, cùng lúc chúng ta thấy bị xúc phạm nặng nề như gia đình của em. Hình ảnh Việt tộc đó sao? Tại sao Việt tộc lại lâm vào cái cảnh vô nhân này? Nhưng đây cũng là một chứng từ quý báu của nhân quyền, đánh dấu cho một vùng nhận thức mới về nhân trí, trong một bối cảnh vô cùng thuận lợi của toàn cầu hoá dân chủ hiện nay: mọi cá nhân, dù chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng đã ý thức được nhân quyền của mình, và đã báo động đúng lúc cho nhân loại biết: kiếp làm người trên đất nước này, đã có 4000 năm văn hiến, nhưng nhân quyền dân tộc này đang bị chà đạp thậm tệ! Cái lý muốn sống còn phải được hỗ trợ bằng cái quyền được làm người một cách trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất, trong quan hệ xã hội mà người với người biết đối xử tử tế với nhau, xem nhau như bát nước đầy. Như vậy, hệ vấn đề nhân quyền khi được chuyển tải bằng các phương tiện truyền thông dân chủ đã cho phép thẩm định hai loại chính quyền trong bối cảnh toàn cầu hoá mà tin tức có thường xuyên làm cho thông tin được liên tục, không ngừng nghỉ: loại thứ nhất là chính quyền đáng tin cậy vì biết tôn trọng nhân quyền, tôn vinh nhân trí; và loại thứ nhì là loại chính quyền không đáng tin cậy vì không tôn trọng nhân quyền, không biết tôn vinh nhân trí, cả hai được đánh giá trực tiếp, khi dữ kiện đã thành chứng từ trên internet, dựa trên phương pháp cổ xưa nhưng rất hiệu quả: “vô trương bất tín (không thấy thì không tin), thấy mới tin! Các tổ chức nhân đạo quốc tế mà tôi biết thường lấy các phóng sự trên internet có cảnh các vị lãnh đạo của ĐCSVN và các tướng lãnh của Bộ Công an vào các chùa, đứng thắp hương vào những ngày lễ, họ biết cúi đầu, biết chắp tay, biết khẩn lạy… những hình ảnh này được đem ra so với các phóng sự khác cũng trên internet: công an của các vị lãnh đạo này đánh đập, bắn giết dân chúng, kể cả các phụ nữ đang mang thai; để thấy đây thực sự là trò “phô trương bất tín. Thật bi đát cho Việt tộc! Các liên minh nhân quyền quốc tế mà tôi biết cũng vậy, họ chỉ làm đơn giản một chuyện là họ lấy các phóng sự trên internet về Việt Nam: một bên là cảnh đàn áp các cuộc biểu tình mà công an đánh đập không xót xa đồng bào của họ; một bên là cảnh công an bị dân chúng tấn công trong các cuộc biểu tình mà hình ảnh là do các đài truyền hình của chế độ rao truyền trên các kênh chính thức của chính quyền. Thực hư rất rõ, một bên là sự thực của tổng thể, một bên là quan điểm một chiều, làm công cụ cho tuyên truyền; nhưng tại sao chính quyền lại tuyên truyền ở một trình độ thấp kém như vậy, làm cho các tổ chức nhân quyền, nhân đạo quốc tế không thể nào thông cảm với một chế độ phản nhân trí như vậy? Lại chưa hết, đất nước đang trong cảnh chỉ mành treo chuông trước hiểm hoạ thôn tính của Bắc Kinh, thì một số lãnh đạo ĐCSVN lại dùng internet để truyền lan chuyện đấu đá, chém giết nội bộ của họ qua mạng Chân dung quyền lực, trong đó người dân thấy các lãnh đạo ĐCSVN không những là các con đỉa đói trong tham ô, tham nhũng với lòng tham không đáy, mà còn là những tên sát nhân, sẵn sàng giết hại đồng đảng để chiếm quyền lực. Khả năng của khoa học kỹ thuật truyền thông thật sự đã mở ra một không gian mới về quyền làm người, một bối cảnh mới cho nhân quyền có chỗ đứng trung tâm, nó giúp cho nhân loại trong các vùng văn hoá khác nhau gần nhau hơn, sẵn sàng biết bảo vệ nhân quyền chung để bảo vệ lẫn nhau trong nhân sinh toàn cầu hiện nay. Chính quyền của một quốc gia không còn độc quyền về lãnh thổ và biên giới của quốc gia đó, và dân tộc sống trong quốc gia này giờ ít nhiều đã được thế giới che chở, nếu bị chính quyền đó bạo hành. Các quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong các định chế quốc gia, giờ cũng bị – hoặc cũng được – các hùng lực truyền thông toàn cầu hoá tác động liên tục, tin tức trực tiếp kèm theo hình ảnh trực tiếp, kích thích hệ dây chuyền đề nghị – tranh luận – đàm phán – quyết định – hành động, phải kịp thời, phải đúng lúc, phải nhanh nhẹn. Thật đáng mừng là cái bạo quyền hàng dọc độc tài thưở nọ, từ từ phải tìm cách tồn tại tử tế trước cái hùng lực mới của truyền thông hàng ngang, được trợ lực bởi cái ngoại lực của toàn cầu hoá, ngày càng tỉnh táo về nhân trí, ngày càng sáng suốt về nhân quyền. Chưa bao giờ sức tự chủ của cá nhân, sức nhạy bén của tập thể, sức phản hồi của cộng đồng được phát huy một cách thuận lợi như trong điều kiện truyền thông toàn cầu hoá hiện nay.

Đề nghị 5. Nhân quyền, từ giá trị cá nhân luận dân chủ là hướng đưa Việt tộc vào quỹ đạo nhân quyền, vào chân trời nhân trí, nó không những phải được bảo vệ bằng hiến pháp, công pháp, luật pháp mà phải bằng chủ trương, chính sách, quyết tâm của chính quyền từ định chế tới hành chính, từ giáo dục tới y tế, từ văn hoá tới kinh tế… và luôn được hỗ trợ, che chở, bảo vệ bởi các lực lượng xã hội chủ đạo trong tri thức, trong khoa học, trong đạo lý.

******

Năm nay 2015, ĐCSVN muốn có những “lễ lớn”: 40 năm thống nhất đất nước, 70 năm Tuyên ngôn độc lập, không quên 85 năm thành lập ĐCSVN; chúng ta có nên để chuyện “lễ mừng” lấn át sinh hoạt của tư duy về các ngày tháng này không? Mỗi cá nhân được (nhân) quyền đánh giá về các sự kiện lịch sử này với tự do (nhân) lý trí của mình, trước hai câu hỏi: Tiền đồ dân tộc sẽ ra sao? Dân tộc ta sẽ khá lên chăng để làm chủ trọn vẹn được vận mệnh của mình? Cũng năm nay, tại Pháp là nơi sinh ra cuộc cách mạng dân chủ và bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, có một sự cố hay về (nhân) trí thức, đó là cuộc tranh luận giữa hai tư tưởng gia hàng đầu trong học thuật hiện nay: Alain Badiou, một triết gia đa năng, đa nghệ và luôn tin vào chủ thuyết cộng thể (cộng sản – cộng đồng – tập thể), đối diện với Marcel Gauchet, triết gia chính trị, dòng thác chủ đạo của chủ thuyết dân chủ, ngọn hải đăng của luận thuyết nhân quyền; đối diện với nhau – nhưng thật ra là đối đầu với nhau – về tương lai của nhân loại qua tương lai của dân chủ và nhân quyền. Từ tranh luận về dữ kiện đến bất đồng trong phân tích, rất dị biệt từ diễn luận tới phán đoán trước các dự phóng của nhân sinh, ngay trên đài truyền hình quốc gia, vào cuối tuần, lúc nhiều người nghe, xem, chú ý, sau nhiều giờ tranh luận trôi qua, chủ trì của chương trình yêu cầu mỗi bên phải dứt khoát kết cuộc! Và, Alain Badiou kết trước: “con người luôn có mơ ước về một chế độ cộng thể (cộng sản – cộng đồng – tập thể) vì muốn sống chung với nhau. Đến lượt Marcel Gauchet làm việc kết (của kết), ông nói: “Vấn đề không phải chỉ là mơ ước về một chế độ, mà là kinh nghiệm của nhân loại giờ đã thành kiến thức cho nhân trí, vì từ tạo thiên lập địa đến nay con người đã biết, đã sống, đã trải nghiệm với các chế độ cộng thể (cộng sản – cộng đồng – tập thể), tất cả các chế độ cộng thể này đều thất bại, từ tự do tới dân chủ, từ hành pháp tới lập pháp, từ tư pháp tới công pháp, từ kinh tế tới giáo dục, từ hiệu quả tới năng suất… như vậy, vấn đề của con người không phải mơ ước, mà là ý thức làm người, ý thức tới từ nhân quyền và nhân trí.

(Gánh dông tố nhân sinh, tìm nhân lý, tin nhân trí, nắm nhân quyền, nhập nội vào dòng sinh mạng của Việt tộc).

Kỷ (và) niệm Quốc Khánh 2015.

.


[i]Nhân trí vị nhân quyền, nghiên cứu về văn hoá, giảng dạy về nhân học, trong học thuật động cơ học hỏi của tôi luôn dựa trên tự do cá nhân tôi; tôi yêu nhân tính, quý nhân sinh, trọng nhân quyền, không bị đảng phái nào thao túng, không bị bè nhóm nào khống chế, không bị một ý thức hệ nào điều khiển; tri thức luận là động cơ khởi đầu cho tôi suy nghĩ; thương nước, yêu nòi là sức nội kết giữa tư duy và diễn luận khi tôi viết bài này.

[ii]Lê Hữu Khoá,

Giáo sư Đại học Charles de Gaulle,

Giám đốc Ban Cao học châu Á,

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á,

Giám đốc xuất bản Anthropol-Asie,

Giám sát viên Chương trình Chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc.

Comments are closed.