Những dấu ấn riêng trong thơ Pháp Hoan

(Đọc tập thơ Lịch mùa và những bài thơ trên blog https://phaphoan.wordpress.com/)

Sơn Ca

Cái tôi trong thơ không mạnh, nhưng thơ có dấu ấn riêng, và đằng sau ngôn từ, nhịp điệu là cả một tâm hồn tự do, trí tưởng tượng phong phú và sự trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi tôi đọc thơ Pháp Hoan. Thơ Pháp Hoan là cả một thế giới mà những điều buồn bã hoặc đen tối được viết lại với một lăng kính trong trẻo và thơ mộng, một thế giới quan sinh động, khiến tôi liên tưởng đến những con người bay lượn và những sắc mầu rực rỡ trong tranh của Chagall.

received_2053537728002215_1

Nhà thơ Pháp Hoan

Thơ Pháp Hoan khiến người đọc phải thay đổi cách đọc thơ. Đọc lần 1 để có một sự cảm nhận thoáng qua. Đọc lần 2 để tìm những hình ảnh đẹp. Đọc lần 3 để tìm nhịp điệu. Đọc lần 4 để xếp loại những bài thơ theo từng đề tài. Đọc lần 5 để hiểu những hình ảnh ẩn dụ bên trong và có những bài không phải để hiểu. Đọc lần 6 để xem cách mà Pháp Hoan muốn tự làm mới mình, muốn làm khác đi và những khám phá thử nghiệm lạ trong thơ. Tất nhiên với việc nghiên cứu từng vấn đề như vậy, cho mỗi vấn đề, nếu chỉ đọc một lần vẫn không đủ, phải là 6 x n lần. Có tập thơ nào bạn kiên nhẫn đọc nhiều lần đến vậy? Ở đây tôi không muốn dùng từ thích tập thơ, mà tôi muốn nói rằng có những tác giả khiến người đọc phải thay đổi cách đọc của mình, nếu như muốn tìm hiểu tường tận về thơ. Đọc để hiểu rằng thơ hoàn toàn không phải là cảm xúc thoáng qua, một vài hình ảnh đẹp hay nhịp điệu dễ đi vào lòng người. Thơ cũng không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà đằng sau đó là một tâm hồn, một trải nghiệm sống, một cách lao động tìm tòi và người đọc thơ cũng cần mang tâm hồn, trải nghiệm sống cũng như sự lao động tìm tòi của mình để cộng hưởng, xuyên qua những đám mây ngôn từ đầy mơ hồ và bí ẩn của thơ.

Phần lớn chúng ta khi sống, cái tôi cá nhân cao, nên lồ lộ ra hết trong thơ, cái tôi cao mà thơ lại không có cái riêng. Trong thơ Pháp Hoan, cái tôi như hòa mình vào trong thiên nhiên, cỏ cây và muông thú. Trong bài Về tôn giáo và tâm linh trên blog của mình, Pháp Hoan viết: “Thiên nhiên là tôn giáo của tôi, là triết học của tôi/nơi tôi tìm thấy bản thân mình vẹn toàn và thấu suốt.” Không gian thơ Pháp Hoan tràn ngập hình ảnh những cánh rừng, ngọn núi, biển cả, dòng sông, gió, mưa, bầu trời, những vì sao…Hơn một lần Pháp Hoan để tâm hồn mình hóa thân vào trong những con vật: “Tôi thấy mình là một con thỏ trắng”, “Tôi là con ếch nhỏ”, “Tôi thấy mình là loài cá chép làm biếng suy tư”, “Tôi…mơ thấy mình là con dê trắng”…

PhapHoan-ConLuavaToi2

Tranh Pháp Hoan vẽ

Cũng chính vì sự hòa mình trong thiên nhiên ấy, nên nét nổi bật có thể dễ thấy nhất trong thơ Pháp Hoan là những hình ảnh đẹp. Những hình ảnh thơ đẹp xuyên suốt cả tập lịch mùa mà mỗi một bài thơ đều mang đến cho ta một sự ví von, một sự ẩn dụ thú vị. Thiên nhiên như khuôn nhạc và Pháp Hoan khéo léo đặt sự ẩn dụ của mình như đặt những nốt nhạc lên khuôn.

“Bầy ngựa trắng vội vàng quay trở lại

Bên trong những giấc mơ

Nhưng con bé nhất chậm chân không về kịp

Trước khi tôi tỉnh giấc

Nó chồm lên trong dáng vẻ hãi hùng

Rồi hóa thành bông tuyết đầu tiên rơi vào bầu trời mùa đông”

(Giấc mộng đầu đông – Lịch mùa, AJARpress 2016)

“Những đám mây bắt đầu nóng chảy giữa đôi tay chín mềm đầy vết cắn mùa thu.”

(Ngày làm biếng – Lịch mùa)

Tiếp nối mạch thơ của tập Lịch mùa, những bài thơ trên blog của Pháp Hoan được làm trong 2 năm trở lại đây cũng có những bài thơ mà hình ảnh của nó gây bất ngờ bởi sự tưởng tượng độc đáo:

Tôi ngã người trên cỏ trên rêu

mắt nhìn mặt trời qua kẽ lá

nuốt hạt sương rơi, nhựa tuôn xối xả

tôi làm tình cùng thiên nhiên

(Rừng sớm – Thơ trên blog)

Thiên nhiên đan dệt như tấm áo choàng khoác lên trên những bài thơ. Thiên nhiên tươi đẹp còn hiện hữu cả trên xác chết đang phân rữa.

“Rồi từ cuống họng tôi những bông hoa chui ra

những bông hoa khác từ đôi mắt tôi

từ đầu những ngón tay

từ đôi tai

từ lồng ngực…

chúng đang chiếm đoạt lấy thân thể tôi

chúng đang làm tâm tư tôi trở nên bấn loạn

Bất chợt tôi nhớ ra là mình đã qua đời vài năm trước đó

và tấm thân bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho đám hoa lá mùa xuân.”

(Mùa xuân sau một cái chết – Lịch mùa)

sau-khi-c491e1bb8dc-te1baadp-thc6a1-le1bb8bch-mc3b9a-2017

Cảm hứng khi đọc tập thơ Lịch mùa, tranh của Nguyễn Man Nhiên

Nét riêng tiếp theo trong thơ Pháp Hoan không thể không kể đến là triết lý nhân sinh, triết lý đạo Phật được đan cài vào trong thơ, trong đó phải kể đến hình ảnh của sự mang thai, sự sinh nở, cái chết, những linh hồn và kiếp luân hồi. Chắc hẳn không có nhiều người viết về người mẹ mang thai và sinh nở, sự ra đời của một con người đẹp như Pháp Hoan.

Hoa táo nở tròn trắng dịu trong chiếc khăn thêu

như bí mật đứa em gái sáng nay vừa mãn phần khai mở

(Bí mật của mùa đông – Lịch mùa)

Khi những bà mẹ mang trong mình một hài nhi

Thân thể người trở thành thánh đường của những niềm vui bất tận

Mái vòm cao dần nâng bầu trời rộng lớn thêm ra

(Hài nhi – Lịch mùa)

Tôi ra đi từ bông huệ

giừa màu xanh bất tận của phương đông

(Giây phút trước bình minh – Lịch mùa)

Như trái cây đỏ

tôi bám

vào tử cung của mẹ

….

đến khi tôi chín

và tôi rụng

vào thế giới con người

(1992 – thơ trên blog)

Theo lẽ hiểu thông thường, những nhà thơ nữ phải là những người viết hay về đề tài này hơn cả. Nhưng Pháp Hoan đã thực sự gây bất ngờ vì sự mang thai và sinh nở của một người thiếu phụ trong thơ anh thực sự thơ, thực sự đẹp. Nó làm cho người đọc có cảm giác nhẹ nhàng, hạnh phúc, như sắp sửa đón một điều gì đó nhỏ bé mà diệu kỳ đang đến với cuộc đời. Trong các bài thơ của Pháp Hoan ta thấp thoáng thấy hình ảnh người mẹ, người em gái. Hẳn rằng tình cảm trìu mến với những người phụ nữ trong gia đình đã nuôi dưỡng cho anh có những hình ảnh thơ về sự sinh nở hay như vậy.

Nói về triết lý của Đạo Phật thì sinh không thể tách rời với tử. Trong thơ Pháp Hoan có thể tìm thấy hình ảnh về cái chết đẹp, huyền bí và nhẹ nhàng trong những bài như “Biến cố mùa đông”, “Mùa xuân sau một cái chết”, “Cô gái chơi hạc cầm” (trong tập Lịch mùa) và những bài thơ “Chết nước”, “Thánh đường”, “Những con mắt” “Xích đu”, “Mi xanh.” (trên blog). Tuy nhiên tôi thấy thơ về cái chết trong tập Lịch mùa được miêu tả đắt giá và gây tượng sâu hơn là những bài thơ viết về cái chết được đăng tải trên blog.

Sau cái chết là những linh hồn được nhắc đến trong bài “Xuân”, “Cô gái chơi hạc cầm”, “Nhạc mùa” trong Lịch Mùa. Viết về nhân quả, luân hồi, trên blog có một bài thơ khá ấn tượng, kể về một cậu bé hay chơi một mình bên một giếng nước trong rừng và trộm nhìn ở dưới đó bên dưới có cả một thế giới cổ tích lung linh. Và vì đã uống nước ở đó nên bây giờ phải trả giá,

“khi hằng đêm, bên trang giấy trắng

tôi luôn nghe thấy những tiếng thét la

vọng về từ cuồng phong bão tố”

(Giếng nước trong rừng)

chan-dung-3-copy1

Tranh của Pháp Hoan vẽ

“Thơ về thơ” trong thơ Pháp Hoan cũng là một đề tài được Pháp Hoan chú tâm trăn trở và khai thác rất nhiều ở phần thơ trên blog, như thể đó là “nỗi buồn của anh con đường anh lựa chọn”.

Một loạt các bài thơ như “Chân dung của John Baldessari như một nhà thơ Việt”, “Café đêm”, “Mùa xuân trầm mặc”, “Chốn đồng quê”, “Chữ”, “Mất ngủ” viết về thơ rất hay. Những bài thơ như con nai đi lạc vào rừng và chìm vào trong cánh rừng chữ, và rồi bất ngờ,

“Thơ thoáng hiện ra trên khung cửa sổ

khi ánh đèn một chiếc xe tải lướt qua

và như khói thuốc, thơ tan ra

trên môi của gã đàn ông mất ngủ”

(Mất ngủ – thơ trên blog)

Nói về đề tài trong thơ Pháp Hoan, ngoài về thiên nhiên, triết lý nhân sinh, thơ về thơ, không thể không nhắc đến chùm thơ về tự do ở cuối tập Lịch mùa. Pháp Hoan không chỉ tiếp cận tự do từ trong tâm hồn của một nhà thơ, tự do không chấp ngã từ triết lý Đạo Phật của một phật tử, mà còn tiếp cận tinh thần tự do của một công dân, mang ước mơ về hòa bình cho quê hương và nhân loại. “Bay”, “Rồi sẽ đến một ngày”, “Nói”, “Đâu đó trên bản đồ lương tâm”, “Khi tôi thức dậy buổi sớm mai”, là những bài thơ thể hiện góc nhìn thời cuộc nhưng không lên gân, không đao to búa lớn, vẫn tiếp nối được mạch thơ đậm những hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng.

Nói về tính nhạc trong thơ Pháp Hoan, phải kể đến sự sử dụng một cách dầy đặc và phong phú từ láy tượng thanh và tượng hình, tạo nên nhiều hiệu ứng đẹp, đặc biệt trong bài “Mưa” và bài “Nhạc mùa”. Rền rĩ. Rung rinh. Chập chờn. Gà gật. Ngột ngạt. Dữ dội. Mơ màng. Đùng đục. Rên rỉ. Bền bỉ. Âm thầm. Thầm thỉ. Rỉ rả. Buồn bã.

“Có tiếng sấm nổ trên cánh đồng như báo trước cơn dông

và tiếng mưa rơi trên mái nhà lợp rạ

bánh xay nước thầm thỉ trong đêm trời mùa hạ

dàn đồng ca côn trùng rỉ rả dưới trăng rằm

những cây tùng buồn bã đứng trong bóng tối lặng câm

khi ánh trăng nhẹ đi qua trong khu vườn yên tĩnh

khắp không gian thấm đẫm hương hoa và táo chín

tôi thấy mình tan vào giữa thinh lặng đất trời”

(Nhạc mùa – Lịch mùa)

Đoạn thơ trên hội tụ hình ảnh đẹp, cảm xúc, sự dịch chuyển của không gian và thời gian, sử dụng từ tượng thanh tượng hình, được gieo cả vần lưng vần cuối trong câu thơ, cái tôi tan vào trong thiên nhiên.

Hình thức và nhịp điệu trong thơ Pháp Hoan có sự khác nhau rõ nét giữa tập Lịch mùa (viết từ 2011 đến năm 2013) và những bài thơ trên blog (viết gần đây.) Trong Lịch mùa đa số nhịp của các bài thơ đồng đều nhau và các câu thơ thường có độ dài đủ tạo nên sự gợn sóng. Những bài thơ gần đây Pháp Hoan có ý thức viết tìm tòi, thử nghiệm và phá cách, nên giữa các bài thơ với nhau có thể thấy hình thức thơ đa dạng hơn, từng câu thơ ngắn hoặc rất ngắn so với tập Lịch mùa. Có những bài thử nghiệm thành công nhưng có những bài cảm giác chưa đạt hiệu quả. Ngoài ra, khi so sánh hai tập thơ với nhau tôi nhận thấy rằng, nghệ thuật thực sự cần một sự mơ hồ, cần sự xóa nhòa đi các đường nét, cần sự dịch chuyển của không gian thời gian, để tạo khoảng không cho độc giả chiêm nghiệm hoặc tạo cho độc giả một sự thẩm thấu mà bất chợt một lúc nào đó bỗng thấy mình ở trong bài thơ đó. Ví dụ như trong bài thơ “Biến cố mùa đông” có hình ảnh một cây cổ thụ già đổ xuống mặt băng tạo ra một vết nứt dài,và:

“Vết nứt lớn thêm ra, phân thành nhiều nhánh nhỏ

trong khi linh hồn cổ thụ đang chậm chạp trôi ra ngoài”

Đây là một hình ảnh ấn tượng trong tập thơ Lịch mùa, nó làm người ta nhớ ngay trong lần đầu đọc. Rồi bỗng một ngày khi đang chuẩn bị chìm vào trong giấc ngủ, tôi cũng có cảm giác mình giống như một cái cây cổ thụ đang nằm xuống và có linh hồn đang chậm chạp trôi ra ngoài. Ở đây có thể nói, sự thành công của một vài bài thơ nằm ở chỗ nó đi từ cảm giác và trải nghiệm của nhà thơ và thông qua ngôn từ, một lúc nào đó nó đi vào cảm giác và trải nghiệm của người đọc. Cho dù khởi nguồn của sự lý giải và liên tưởng của nhà thơ và của người đọc là hai hình ảnh, hai thế giới khác nhau. Cũng như nếu có một người đọc thứ 3 hay người đọc thứ n, thì văn bản hay ngôn từ vẫn nằm đấy như một cái xác cây cổ thụ, nhưng linh hồn của thơ bắt đầu trôi ra bên ngoài, và chậm chậm đến với những vũ trụ riêng tư của từng độc giả.

Những bài thơ trên blog, chắc hẳn còn phải trải qua nhiều sự tuyển chọn và sẽ được tác giả cân nhắc kỹ nếu chọn đăng cho tập thơ tiếp theo, nên cũng có những bài thơ không thực sự thơ như thế. Nhưng trong phần thơ mới được viết này lại có những bài gây một ấn tượng khác hẳn các bài thơ đã gặp trong tập Lịch mùa. Đây là một sự thử nghiệm cái tôi khác, không phải là cái tôi thơ mộng của Pháp Hoan mà là một cái tôi hiện thực đầy trăn trở về cuộc sống và thi ca. Đó là bài Café đêm. Hình ảnh tả thực, rõ ràng, không ẩn dụ, nhịp điệu không tuôn trào lượn sóng mà bị ngắt bởi những dấu phẩy ở giữa câu, thơ vắt dòng và cái tôi mang tên “hắn”.

“Bóng người thưa dần trên phố, đồng hồ trên tường

gõ nhịp, với lấy chiếc áo choàng, hắn bước ra khỏi quán

hít lấy một hơi dài, khong khí sạch trào vào

buồng phổi, chuông nhà thơ điểm 12 tiếng,

tiếng gõ chữ trong tim dừng lại.

Bài thơ chấm dứt.”

(Café đêm – thơ trên blog)

unnamed1

Bìa tập thơ Lịch mùa của Pháp Hoan, AJAR phát hành năm 2016. Pháp Hoan sinh năm 1992, Bình Thuận. Từng sống và làm việc tại viện Phật học ứng dụng châu Âu (Đức Quốc). Có tác phẩm xuất hiện trên Tiền Vệ. Lịch mùa là tập thơ đầu tay của Pháp Hoan.

Trong một số các thử nghiệm thất bại của những bài thơ mới làm về sau này, tôi nghĩ đây là một bài thơ thành công. Và tôi không muốn đưa cho Pháp Hoan một lời khuyên hay sự định hướng nào vì tôi chợt nhớ tới đạo diễn Trần Anh Hùng. Mỗi một lần ra mắt tác phẩm Trần Anh Hùng đều mang đến một sự thử nghiệm mới, một cuộc chơi mới, một bộ phim với một phong cách không hề giống những gì anh đã từng làm, dù những bộ phim trước đã từng được khán giả vô cùng yêu thích và mến mộ. Với Pháp Hoan, Lịch mùa hẳn đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, nên thách thức của Pháp Hoan trong tập thơ sau rất lớn, hoặc không để mất chính mình nhưng cũng phải vượt qua bóng mình.

Tôi muốn khép lại bài viết này bằng hai câu thơ của Pháp Hoan:

Trên nền trời xanh một ngôi sao băng vừa cháy

và con cá nhỏ giữa đại dương cũng vừa mới lên đường

(Đường đi của cơn bão – Lịch mùa)

Đây là hai câu thơ không phải đặc sắc thơ nhất trong tập thơ Lịch mùa, nhưng là hai câu thơ duyên dáng mà tôi nghĩ nó khái quát một cách ngắn gọn nhất về thơ Pháp Hoan. Nói về nhạc tính trong hai câu thơ trên ta có thể thấy cách sử dụng những thanh điệu thật tinh tế, làm tôn lên vẻ đẹp của hình ảnh. Câu đầu tiên sử dụng một loạt các thanh bằng và chỉ duy nhất trong từ “cháy” có âm thanh ở tông cao vút lên, làm rực sáng hình ảnh của ngôi sao băng. Câu thứ hai cũng sử dụng một loạt các thanh bằng và có hai thanh trắc ở tông thấp hơn một chút của dấu ngã nơi chữ “giữa” và chữ “cũng”, khiến ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh của một con cá nhỏ đang tung tăng bơi giữa đại dương.

Pháp Hoan từng ví thơ của mình như một con nai trong rừng lá rậm, tôi chờ đợi ở tập thơ sau con nai ấy đeo thêm một chiếc chuông ở ngực, để sau mỗi bước chân của nó ta nghe rõ thêm những tiếng nhạc ngân vang. Hoặc tôi cũng không biết nữa, bởi biết đâu ở tập thơ sau thơ của Pháp Hoan lại là một ẩn số khác.

Nguồn: https://sonca.fr/2018/11/09/nhung-dau-an-rieng-trong-tho-phap-hoan/

Comments are closed.