Mai Quỳnh
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
(Để gió cuốn đi – Trịnh Công Sơn)
Tôi đã đọc nhiều lần hai cuốn bút ký ấy; lần nào cũng thêm nhận thức mới và trăn trở, suy tư nhiều hơn. Sức cuốn hút của hơn bảy trăm trang in do đâu? Tài năng? Lao động nhà văn? Đúng cả. Nhưng còn cần gì nữa nơi người viết?
– Còn “cần có một tấm lòng”. Vâng, Tấm lòng Nguyên Ngọc.
Tấm lòng ấy không để gió cuốn đi về cõi hư không mà in đậm trên dấu chân ông trong cuộc vạn lý trường chinh hơn 70 năm trường, in đậm trong hàng chồng sách báo ông đã đọc và nổi lên rõ mồn một trên từng trang viết của ông.
Hai cuốn bút ký liên tiếp xuất bản, tái bản trong các năm 2011, 2015, 2021, 2022 (NXB Phụ Nữ, NXB Trẻ, Nhã Nam) đã đánh động không gian phê bình văn học bằng một loạt bài, sơ sơ hơn hai mươi bài bình luận có cánh trên các báo, tạp chí trung ương, địa phương: Người Đô Thị, Dân Việt, Văn nghệ Quân đội, Ngày Nay, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ Mới, Người Hà Nội, Hà Nội Mới, Quảng Nam, CA Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Đắc Lắk… Những cây bút tên tuổi góp mặt đầy đủ: PGS.TS. Phạm Thị Phương, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thạch, Nhà Phê bình-Nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn, Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Nhà báo Lam Điền, Kiều Bích Hậu, Ngô Thuận Phát, Thúy Hạnh, Hoàng Định, Ngân Hà, Trương Tử Kỳ, Khánh Thư, Xuân Lan, Elle Team, Suzuki Katsuhiko…
Những bài viết sâu sắc, khách quan, mỗi bài một vẻ đã làm nổi bật giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật tác phẩm. Xin phép được trích dẫn sau đây một số đề bài:
Về bút ký Dọc đường:
1. Lam Điền – Đọc ‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc, ước ao một thế hệ khổng lồ…[1]
2. Mai Anh Tuấn – Nguyên Ngọc của “Dọc đường”: Suy tư như là lẽ sống[2]
3. Ngô Thuận Phát – ‘Dọc đường’: Chân dung chuyển động của Nguyên Ngọc[3]
4. Lê Thiếu Nhơn – Nguyên Ngọc dọc đường, theo những phận người[4]
5. Báo Phụ Nữ Mới – “Dọc đường” của Nguyên Ngọc: Những trằn trọc khôn nguôi của người trí thức[5]
6. Phạm Xuân Nguyên – Đọc sách cùng bạn: Người đi dọc đường[6]
v.v.
Về bút ký Các bạn tôi ở trên ấy:
1. Kiều Bích Hậu – ‘Các bạn tôi ở trên ấy’ – câu chuyện dài day dứt về xứ đẹp hoang sơ[7]
2. Phạm Thị Phương – Các bạn tôi ở trên ấy: Essay về Tây Nguyên[8]
3. Khánh Thư – Tái bản tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” của nhà văn Nguyên Ngọc[9]
4. Trương Tử Kỳ – Yêu Tây nguyên qua từng trang bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” của nhà văn Nguyên Ngọc[10]
5. Nguyễn Xuân Thạch – Các bạn tôi ở trên ấy – cuốn sách hay nhất của nhà văn Nguyên Ngọc[11]
6. Phạm Xuân Nguyên – Đọc sách cùng bạn: Hiền minh của rừng[12]
7. Quỳnh Hoa – ‘Căn phòng Tây Nguyên’ còn chưa biết hết[13]
8. Suzuki Katsuhito (Nhật) – Các bạn tôi ở trên ấy vừa ra mắt độc giả Nhật Bản[14]
v.v.
Bạn đọc dễ dàng tìm đọc những bài báo đó trên mạng.
Tiếp nhận và tán thưởng tất cả các trang bình luận công tâm đó, tôi hướng suy nghĩ về những điều căn cốt làm nên giá trị tác phẩm.
Nhà văn đã đi. Ông tự nhận mình là “Người ham sống”. Pham Xuân Nguyên gắn cho ông biệt danh: “Nguyên Ngọc – Người Đi”. Ông đã đi đến những nơi cùng trời cuối đất, thâm sơn cùng cốc trên quê hương đất nước mà ông yêu đến tận đáy lòng mình. Đôi chân con người bé nhỏ nặng chưa đến 45 ký ấy đã lang thang từ miền biên viễn Lũng Cú, Mèo Vạc, Đồng Văn đến Đất Mũi Cà Mau; từ rừng rú Tây Nguyên đến Đồng bằng ven biển Miền Trung. Ông đi để trải nghiệm và chỉ cho ta vẻ đẹp đến nao lòng cảnh trí bên ngoài cùng tầng sâu văn hóa, văn minh bên trong. Ông đi để khắc họa chân dung rõ nét nhất những con người ông đã gặp và trân quý. Từ “những người khổng lồ” đầu thế kỷ trước đến các chính khách, tướng lĩnh ngày nay; từ trí thức văn nghệ sĩ danh tiếng đến cư dân xa xôi ẩn mình đây đó. Chỉ riêng trong hai tập bút ký này, tôi đã kiểm đếm được hơn một trăm nhân vật đã khuất hay còn hiện hữu; mỗi người có nét đẹp riêng không lẫn với ai. Ông đi, nghiêng về phía những con người lẩn khuất, ẩn danh hay theo lời một nhà văn Nhật, nghiêng về phía yếu mà đi. Như bạn thân ông, nhà thơ, dịch giả Dương Tường cho khắc lên mộ chí của mình bài thơ Một câu: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Phải chăng, những tấm lòng đồng điệu ấy là một trong những chất keo kết dính một số văn nghệ sĩ tiêu biểu thời nay lại với nhau.
Nhà văn đã đọc. Không dám ngoa ngôn là “thiên kinh vạn quyển”; nhưng ông đã đọc chăm chỉ “cổ kim đông tây” từ năm 11-12 tuổi cho đến khi già (xem: Châu công tử, quý tộc Hội An thời vang bóng). Tôi tự hỏi, không biết bao lần ông, theo Linda Lê dẫn Chalamov, “đã tự tháo lui, tự làm rỗng chính mình, để nạp vào một “mình” mới, tự sáng tạo lại mình. (xem Sách và đọc, hai điều kỳ lạ). Tôi mong bạn đọc không phiền lòng khi dẫn ra đây phần nào cái sức đọc của Nguyên Ngọc.
Nhà văn đã viết 9 trang sách Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ; 4 trang Khí tiết của người làm báo; 4 trang Sự công bằng lịch sử được trả lại và 6 trang Nghĩ tiếp về Phạm Quỳnh; cộng lại vỏn vẹn 23 trang in. Tôi đã làm bản liệt kê sơ bộ những tác giả, sách, báo tham khảo liên hệ tới bốn bài ký ấy:
Phan Châu Trinh (1872-1926): Phan Châu Trinh toàn tập (ba tập). Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936): 6 tác phẩm sáng tác, 17 tác phẩm chuyển ngữ Pháp -Việt, Hán-Pháp, Việt-Pháp; được vinh danh ông tổ của nghề báo, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút các báo Notre Journal, Notre Revue, Đông Dương Tạp chí, Trung Bắc Tân Văn, Học báo, L’Annam Nouveau. Phạm Quỳnh (1892-1945): 11 tác phẩm Dịch thuật, Khảo luận, Văn Du ký, 1 tiểu luận viết bằng tiếng Pháp; Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nam Phong Tạp chí tồn tại 17 năm (1917-1934) ra được 201 số. Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947): 7 tác phẩm, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tiếng Dân (La Voix du Peuple) tồn tại 16 năm (1927-1943) ra được 1.766 số, v.v.
Viết 7 trang sách Đôi chân trần của tâm hồn và 7 trang nữa Không gian… của Nguyễn Ngọc Tư nhằm trình bày và thuyết phục bạn đọc về những đặc sắc của nhà văn trẻ này, ông đã viện dẫn 6 tác gia hiện đại Nhật Bản: Kawabata Yasunari (1899-1972) Nobel Văn học 1968, Akugatawa Ryunosuke (1892-1927), Mishima Youkyo (1925-1970), Kenzaburo Oe (1935-2023) Nobel Văn học 1994, Muzakami (1949-), Giải Franz Kafka, Yoshimoto Banana (1964-). Các tác giả trên đều có tác phẩm chuyển ngữ qua tiếng Việt như: Đèn không hắt bóng, Rừng Na uy, Tiếng núi, Đẹp và Buồn, Kim Các Tự…
Và phải kể thêm những sách khảo cứu dân tộc học nguyên bản tiếng Pháp của Léopold Cadière, Henri Maître, George Condominas, Anne de Hautecloque-Howe…
Như thế đó, để viết nên những trang phi hư cấu nghiêm ngặt, chính luận chặt chẽ, triết luận sâu xa trộn lẫn với tưởng tượng bay bổng, trữ tình say đắm, suy tư lan man… Nguyên Ngọc đã phải cất công lục lọi, tìm đọc hàng chồng sách báo phủ bụi thời gian xưa và nay.
Sau đi và đọc là suy tư trăn trở, day dứt khôn nguôi. Nguyên Ngọc thận trọng trong từng câu chữ, nhất là khi chạm đến những vấn để nhạy cảm. Dè dặt nhưng ông không bỏ cuộc, không bẻ cong ngòi bút. Tấm lòng trước sau như một đó đã tác động đến tâm trí người đọc. Và động đến cả trái tim họ. Nhà báo kỳ cựu Lam Điền viết: “Đến khi đọc những gì Nguyên Ngọc viết về trí thức, mới không dừng được hai dòng nước mắt ứa ra vì thương cảm: Một ông già quá tuổi cổ lai hy từng quăng đời mình vào lịch sử từ hồi “mấy lần đất nước đứng lên”, nay dè dặt từng câu chữ, thận trọng trước sau để nói về trí thức. Là vì nói trong một hội nghị quan trọng”. Nhưng ông vẫn đàng hoàng nói lên: “Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Không có tự do tư tưởng thật sự, cụ thể, thiết thực thì không có trí thức”.
Đi, Đọc để rồi ông viết. Viết, với ông là một hành trình khó nhọc (chữ của Nguyên Ngọc). Đã bao lần viết rồi xóa, viết tiếp lại xóa… cứ thế hàng chồng giấy nháp bỏ đi cho cô con gái chuyên Toán sử dụng lại. Phải có tấm lòng yêu đất nước này, yêu con người này thậm sâu, ông mới không buông bút. Hơn bảy trăm trang viết cô đọng của ông và hơn hai mười bài bình luận công tâm đã nói giùm ta điều đó, Ngay cả những du ký hoặc trích hồi ký: Còn một Hà Nội, ở phía sau, Đò dọc Trường giang, Châu công tử, quý tộc Hội An thời vang bóng, Những người chị của tôi ở phố Hội, Trở lại Mèo Vạc, Những ngày lang thang, Lan man Miền Tây, bạn đọc vẫn nhận ra sự chọn lựa chăm chút của ông trong từng câu chữ.
Cuối cùng, tấm lòng Nguyên Ngọc qua hai tập sách đã đánh thức những khát khao khám phá. Quỳnh Hoa ví Các bạn tôi ở trên ấy như “một chùm chìa khóa xanh” giúp người đọc mở ra “căn phòng Tây Nguyên còn chưa biết hết”. Tôi nghĩ, ngoài bạn đọc thông thường, những nhà Dân tộc học, Tây Nguyên học, Xã hội học, Khảo cổ, Nghiên cứu Lịch sử, Điêu khắc, Kiến trúc, Hội họa… có thể tìm thấy ở đây những góc khuất, những gợi mở sáng tác và đề tài nghiên cứu dài hơi. Ví như: chùa Bút Tháp, con rồng đá Chi Nhị, tượng nhà mồ Tây nguyên…
Văn Nguyên Ngọc, như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, là “thứ văn trong sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt”[15]. Nhà Phê bình – Nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên không kiệm lời bình: Đọc những trang văn Nguyên Ngọc “cuốn hút người đọc vì đẹp, nó đẹp từ ngôn từ đến vần điệu. Ông viết nhẹ nhàng mà sâu lắng… Ông dùng từ ngữ chính xác, nhiều sắc thái, sắc độ, uyển chuyển linh hoạt theo mạch nghĩ mạch cảm của mình. Đọc văn ông khoái cảm như thơ, nhất là ở phần hồi ký”.
Tôi đi xa hơn một chút, đọc những trang văn ấy rồi lắng mình trong tưởng tượng, nghệ sĩ có thể bắt gặp những phút giây yên-sĩ-phi-lý-thuần (inspiration – cảm hứng), để tạo tác nên một tác phẩm để đời. Tôi không thể không trích đoạn văn đẹp này trình bạn đọc: “…Nhưng tất cả những cái ấy, cả những hiểm nguy của cuộc chiến đấu đang chờ phía trước nữa, đều chẳng nghĩa lý gì so với cảnh đẹp đến nghẹt thở nơi đất trời núi non biên giới. Những sườn núi Nùng thoáng rộng đến vô cùng, nở nang và hoang vắng như những khuôn ngực đàn bà hoang sơ nào đấy, tưởng có thể hít thở đến ngợp cả hai khuôn phổi hương da thịt nồng nàn của đất thuở khai thiên còn nguyên vẹn. Đường đi trên các sống núi, ngước lên thăm thẳm màu xanh biên thùy, nhìn xuống thung sâu hun hút, lác đác những bản làng nhỏ xíu phơi mình trong nắng chói chang… Ở đây tất cả đều siêu thực, núi non, mây gió, đất trời, xóm mạc, sông suối, con người, và cả những con ngựa này nữa, lên cao chúng bỗng trở nên trầm mặc và nhẹ tênh, có thể chúng cũng biết nói đấy nhưng không mở miệng nên lời được chỉ vì đắm đuối bởi cái đẹp quá thể tràn ngập bốn bề” … “Lại một ngày rong ruổi đi giữa siêu thực. Chẳng hạn là siêu hay là thực cô gái H’mông phơi váy ở cái làng bé tẹo treo lơ lửng ven sườn núi tít dưới sâu hút kia, chiếc váy lanh phơi trên đá, nở xòe hệt một đóa hoa trắng long lanh?” (Trích Trở lại Mèo Vạc).
Tôi gửi cho đứa cháu đang học năm cuối Đại học Mỹ thuật Hà Nội cuốn Dọc đường và căn dặn: Cháu hãy đi và đọc, đọc nhiều lần những trang văn siêu mà thực, thực mà siêu này. Biết đâu, giữa chừng, một giây phút thăng hoa, cháu sẽ lia cây cọ trên tấm vóc kia, mải miết dựng nên bức tranh “Màu xanh miền biên viễn” mà núi non, đất trời mênh mông mang sắc chàm pha màu gió (Bắc Sơn – Văn Cao), một màu xanh Nùng bát ngát nở xòe trên đó đóa hoa trắng long lanh. Màu xanh khó tả ấy trong tranh của cháu tương phản với màu vàng rực rỡ trong Nhớ một chiều Tây Bắc của cố Họa sĩ Phan Kế An!
Đi, Đọc, Suy ngẫm, Tích lũy, Viết. Tôi tin rằng, Nhà văn còn cẩn trọng giữ lại nhiều trang bản thảo.
Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, chúng tôi vẫn đang chờ đọc ông.
Sài Gòn, đầu mùa mưa tháng 5, 2024
[1] https://nguoidothi.net.vn/doc-doc-duong-cua-nguyen-ngoc-uoc-ao-mot-the-he-khong-lo-35957.html
[2] https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/nguyen-ngoc-cua-doc-duong-suy-tu-nhu-la-le-song/20220908022214493p1c879.htm
[3] http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/doc-duong-chan-dung-chuyen-dong-cua-nguyen-ngoc_13455.html
[4] http://www.lethieunhon.vn/2022/10/nguyen-ngoc-doc-uong-theo-nhung-phan.html
[5] https://phunumoi.net.vn/doc-duong-cua-nguyen-ngoc-nhung-tran-troc-khon-nguoi-cua-nguoi-tri-thuc-d254233.html
[6] https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-nguoi-di-doc-duong-20220617112718709.htm
[7] https://thanhnien.vn/cac-ban-toi-o-tren-ay-cau-chuyen-dai-day-dut-ve-xu-dep-nguyen-so-1851080325.htm
[8] https://nguoidothi.net.vn/cac-ban-toi-o-tren-ay-essay-ve-tay-nguyen-11055.html
[9] https://nguoihanoi.vn/tai-ban-tap-but-ky-cac-ban-toi-o-tren-ay-cua-nha-van-nguyen-ngoc-5384.html
[10] https://www.baodaklak.vn/channel/3522/201401/yeu-tay-nguyen-qua-tung-trang-but-ky-cac-ban-toi-o-tren-ay-cua-nha-van-nguyen-ngoc-2286065/
[11] https://nxbphunu.com.vn/cac-ban-toi-o-tren-ay-cuon-sach-hay-nhat-cua-nha-van-nguyen-ngoc/
[12] https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-hien-minh-cua-rung-
[13] https://suckhoedoisong.vn/can-phong-tay-nguyen-con-chua-biet-het-169196336.htm
[14] http://vanviet.info/van/cun-sach-cac-ba%CC%A3n-ti-o%CC%89-trn-y-vua-ra-mat-truoc-d%CC%A3c-gia%CC%89-nh%CC%A3t-ba%CC%89n/
[15] Tốt và tài đến như Nguyên Ngọc, Văn nghệ số 44 ra ngày 3/11/2007.