Những nhận xét về cuốn PHỐ HOÀI của Trần Thị Trường

Chân dung TTT. Hải Kiên vẽ

Attachment-1 (1)1/ Cảm nhận sớm Phố Hoài của cố Nhà giáo Phạm Toàn (Ông viết bài này cho Lời tựa cuốn sách trước khi ông mất 3 tháng)

Bản thảo cuốn tiểu thuyết mới nhất năm nay 2019 của Trần Thị Trường có tên là Phố Hoài. Một tên sách ngắn gọn súc tích như một tứ thơ. Như một nét vẽ. Hoặc một hương vị du ca…

Trong tiếng Việt, ta có những từ Hán Việt yếu tố “hoài” đứng trước – hoài cổ, hoài niệm, hoài vọng, hoài hương … Là từ Hán Việt, nhưng nghĩa của những từ này thường không khó hiểu, rất dễ cảm nhận ngay cả với người ít học. Vì người Việt mình đã quen với yếu tố hoài thuần Việt… thương hoài, ngóng hoài, trông hoài, đợi hoài, mong hoài, nhắn hoài, nhắc hoài, nhớ hoài, gọi hoài

Bây giờ ta có cả một con phố viết hoa trang trọng Phố Hoài. Nữ văn gia Trần Thị Trường đến tuổi gác kiếm, lòng vẫn đau đáu muốn nhắc hoài cho mọi người về một điều những điều vô vàn điều mọi người có thể quên hoài quên hủy.

Trần Thị Trường nhắc nhớ mọi người đừng dửng dưng với một loạt những điều đã chết. Những bức tượng lồng lộng cao mà tao nhã ở phố Hoài đã chết thật rồi. Những ký ức về những điều có thật ở phố Hoài bị con người làm cho chết thật rồi, chết ngay trong phố Hoài. Còn lo những điều tươi tốt sắp nảy sinh cũng phải chết. Làm cho chết, vì quên và vì muốn quên. Bảy mươi năm, ba thế hệ nối nhau, ai nhớ hết mà chẳng quên. Lại còn muốn quên hết, và làm cho chết, vì chán nản, không muốn nhớ nữa. Làm cho chết, vì vẫn còn sợ hãi. Làm cho chết, vì những tình cờ đã làm cho đời người thay đổi buộc con người phải quên, nhớ hoài mà chi…

* * *

Nhà văn Trần Thị Trường là người theo đạo Công giáo. Đọc bản thảo Phố Hoài lần này giúp tôi thêm tin chắc chị là người Công giáo.

Một thời gian dài, tôi không tin lắm và cũng chẳng bận xác minh xem chị có phải là giáo dân không. Đối với gia đình bên chồng chị cũng vậy. Tôi là bạn của một thầy giáo là anh ruột chồng chị, một người theo Đạo nhưng mấy chục năm cũng phải giấu biệt. Cả chục năm sau, nghe Trường giới thiệu anh chồng, mới biết bạn mình khéo lẩn giữa phố Hoài. Chồng của Trường, tôi chỉ gặp một hoặc hai lần trong đời, và chỉ cảm nhận mà chẳng dám nói ra, rằng anh họa sĩ đó khó có thể sống lâu. Trên gương mặt đen đủi, một đôi mắt mở rất to mà không thèm nhìn, một dáng dấp vội vã hấp tấp mặc dù cử động chậm chạp. Mãi vài năm gần đây, tôi mới biết đến nơi Trần Thị Trường mới dọn về ở, ngôi nhà có cái vườn ấm áp um tùm hang đá và tượng Thánh, và bên trong nhà thì đầy tranh bức nào cũng mang máng hơi hướng đạo Chúa. Lần ấy, trước bữa ăn có mấy người bạn, tôi bảo “Trường làm dấu đi, rồi chúng mình cùng ăn”. Bữa đó, tôi thấy Trần Thị Trường thuộc Kinh thật, chứ không luôn luôn “phóng tác” tại chỗ như một luật sư bạn tôi, cũng là người Đạo gốc.

Có một gia đình Công giáo, gia đình ông Ký, con cái đông đúc và cả nhà đều ngoan đạo, từ hai ông bà Ký đến các con các cháu như những nốt nhạc cao thấp khác nhau rơi nhẹ vào dòng câu chuyện do Trần Thị Trường kể, một giai điệu âm thầm, chịu đựng. Mãi về sau, mấy chục năm sau, tình cờ có ngày 30 tháng Tư, các nốt nhạc gặp nhau, và người ta cao giọng kể cho nhau, người già kể cho người trẻ, anh em chị em đồng lứa kể lại cho nhau về chú Joan và về địa danh Cổng Trời, về một linh mục “thuộc họ hàng nhà ta” cùng với những linh mục khác “không thuộc họ hàng nhà ta” đã sống cùng những người trước khi được Chúa gọi về bên Ngài… Mà Chúa ơi, sao Chúa gọi các con của Ngài muộn vậy, chẳng lẽ Chúa không thấy những cực hình họ gặp mỗi ngày sao, Ngài muốn thử thách họ đến bao giờ nữa, Chúa ơi?

Trong câu chuyện kể một hơi một mạch của mình, Trần Thị Trường cố ý để lại những tên người thật, những con người với những sự việc đã được ghi nhận và đã được ghi lại, này là nhà văn Tuân Nguyễn ngu ngu ngơ ngơ vào tù vẫn chưa biết rõ vì sao mình vào tù chẳng lẽ có mấy câu thơ mấy bài thơ anh an hem em trăng trăng sao sao đó mà vào tù ư, này là nhà văn hóa cựu bộ trưởng Nguyễn Hữu Đang, rồi cả ông con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, người bị vướng vào vụ án tình báo gì đó, khi đi tù thì người bạn đời vẫn đang còn trẻ, khi ra tù thì người bạn đời đã quá tuổi năm mươi, chỉ kịp gặp nhau cho phải lễ, rồi “nàng” cắt tóc đi tu…

Những con người thật ở Cổng Trời và những Trại quanh quanh con đường rừng heo hút đó, và cả những con người chưa lên trại… Trần Thị Trường kể hết ra bằng tên thật, nhạc sĩ Dương Thụ, nhà thơ Dương Tường, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, giáo sự tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại… rồi Nguyễn Huy Thiệp và Hoàng Ngọc Hiến… rồi tên tôi và nhiều tên nữa cũng được hoặc bị nhà văn Trần Thị Trường đưa vào bản thảo… Tôi thắc mắc hỏi nhà văn, được Trường giải đáp “anh có thấy không khí câu chuyện em kể trở nên cập nhật hơn, hiện thực hơn không?” thì tôi cũng đành chấp nhận là nó có tính hiện thực thật, hiện thực như trải nghiệm tranh luận với Trần Thị Trường thì đừng mong thắng, hòa là mừng rồi.

* * *

Cái “mảng hiện thực” đó tỏa ra ôm trùm vô số mảnh đời, với những nhân vật có thật nay đã mang một tên khác. Chàng ca sĩ nhạc vàng với cái tên Lộc Vàng nay đã thành Hoàng, nhưng thân phận vẫn thế, cũng vẫn Hoàng Vàng, hát nhạc vàng, và đi tù mười năm, và nhất quyết không chịu cải tạo, vì không thấy hát nhạc vàng là một tội hình sự… Người thầm yêu Lộc Vàng tên thật là Mai nay đã thành cô Lan với anh Hoàng, nhưng cái tình quyến luyến vẫn không thay đổi, vẫn tròn mắt ngồi chân cầu thang nghe hát, vẫn yêu thầm nhớ vụng và chờ người đi tù trở về với mình, vẫn kiên quyết đăng lý kết hôn dù phải bỏ công việc “trong biên chế” để trở về làm dân thường đi bán đậu phụ nuôi mình rồi nuôi chồng và nuôi các con … Vẫn con người ấy đêm đêm ôm con đi nghe Hoàng hát vừa để thưởng thức cái véo von trẻ thơ của Hoàng và vừa để cảnh giác, “hễ anh bị bắt nữa, em còn biết mà đi tìm” … Còn nhiều hiện thực nữa, cho đến cái hiện thực khi Lan bệnh nặng, biết mình khó qua khỏi, vẫn xin Hoàng hát cho nghe lần cuối, và đó là lần được nghe Niệm khúc cuối của người đã đưa em đi đến cuối cuộc đời, không như một lời hứa trong bài hát, mà là một hành động, một sự thủy chung hiện hình.

Phố Hoài của Trần Thị Trường còn ôm “mảng hiện thực” rộng sang vụ nạn Kiều, sang các cuộc vượt biên, … , sang những nhà “tư sản” sống thênh thang phải thu gọn diện tích cho những người “có công”, từ đó có những cảnh dở khóc dở cười con trai gặp bố nói chuyện muốn cưới vợ, nhưng bố đã kịp nhận ngay ra điều con trai muốn nói, đó là chuyện cưới xong thì ở đâu, và thế là có cả chuyện cầm phiếu đi mua giường cưới nhưng nằn nì cô bán hàng xin được mua áo quan, mà lại mua áo quan loại chưa lắp ráp, loại gỗ tốt nhỉnh hơn đồng bọn, để đem về làm gác lửng phòng tân hôn, …, rồi còn có cả những cặp đôi Nam và Thanh, Hằng và Quyết đi tìm nhau suốt năm mươi năm đời người, khi gặp nhau thì Nam và Thanh đều đã già, không ai cắt tóc đi tu như con dâu cụ Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng cuộc đời thế là đủ hết, cặp đôi Hằng và Quyết đi tìm nhau cũng chừng ấy năm giời mà chẳng gặp, dù rằng vẫn vô tình gặp “kẻ thù” trên đường đi thăm nuôi người đang đi “học tập” đi đi mãi hoặc là đi mãi không về, ấy vậy mà thân thiết mà thương đau mà tận tình cưu mang không thua cưu mang đồng đội đồng chí đồng minh…

Thương lắm, đọc bản thảo Phố Hoài của Trường thấy thương lắm, nhưng càng thấy lạ một điều, ấy là các nhân vật trong câu chuyện Trần Thị Trường đem kể, tất cả đều hiền, người nào cũng hiền, không một ai dám làm một điều độc địa… nhân vật nào cũng vun quén hạnh phúc cho mình, cho người yêu, cho con, cho cháu, cho bè bạn… (trừ duy nhất một nhân vật vợ “đồng chí Quyết”, mà chuyện kể cũng chỉ loáng thoáng…). Ngay cả tay áp phe lăn lộn nước ngoài nay về nước ra tay buôn bán cũng hiền hòa khác hẳn những đại gia chẳng phải Trần Thị Trường không biết, nhưng chắc là Trường không chú ý…

Người hiền hòa đến thảm sầu có lẽ là chú Hoa kiều A Pẩu nay trong Phố Hoài đã mang tên mới A Hòa, và tình yêu hết mực với Liên cô gái An Nam người Thủ đô yêu dấu, nói đến vượt biên là giẫy nảy, nói đến đi tìm hạnh phúc là lo lắng hơn là lo mất người yêu… Thế rồi hai anh chị ra đi trên con thuyền vượt biên di tản. Và nhà văn Trần Thị Trường đã hành hạ họ hành hạ cả con tàu khi kể chuyện A Pẩu- A Hòa ngồi canh xác nàng vắt ngang mạn thuyền suốt chặng đường còn lại ngồi canh giữ cái hạnh phúc đã bị hải tặc bắn chết…

* * *

Nhà văn Trần Thị Trường bảo tôi “anh đọc và viết cho em nhận xét, ngày mười tháng này em gửi Tạ Duy Anh đọc”. Tôi bảo Trường rằng Tạ Duy Anh khó tính về chữ nghĩa lắm đấy, nên Trường cần chữa lại những chỗ cuối mỗi câu chuyện thường lặp đi lặp lại “nàng òa khóc”, “nước mắt nàng lã chã”, “và nàng khóc”…

Song nghĩ lại, thấy chẳng cần nói gì với tác giả. Câu chuyện chỉ có thế. Ở Phố Hoài nhiều chuyện như vậy lắm. Em phải kể nhanh, kể thật nhanh thật ngắn, kẻo quên mất. Không thể quên được. Quên thì thương lắm, vì đây là chuyện của mình, của nhà văn, của bè bạn, của đồng bào, … của cả một cái Phố Hoài những bẩy chục năm…

Hà Nội, bắt đầu viết ngày giỗ Trịnh Công Sơn

Viết xong hôm nay 6 tháng 3 năm 2019

2/ Nhận xét của Nhà văn Tạ Duy Anh

CHÀO MỪNG TIỂU THUYẾT PHỐ HOÀI

Trần Thị Trường đã làm một cuộc “dấn thân” đúng nghĩa, một cú đánh cược (liệu có phải là cuối cùng) với văn nghiệp của mình khi viết tiểu thuyết Phố Hoài. Đau đớn và can đảm, là những thứ dễ nhận thấy nhất ở ngòi bút của bà nhà văn giầu năng lượng sống và rất nhân hậu này. Chọn lối viết “kể lại những cuộc đời”, cuốn sách dày đặc các nhân vật, đại diện cho thân phận của nhiều thế hệ người Việt, với tham vọng không giấu diếm là làm nên một bức tranh tổng thể, hiện thực tới từng milimet về xã hội Việt Nam trong quãng nửa thế kỉ?
Ấn tượng và gây đau đớn nhất là loại nhân vật trí thức cũ, từ việc bắt phải lột xác, cứ dần dần chấp nhận tự nguyện lột xác, để thành những kẻ chỉ còn thứ năng lực nổi trội là phục tùng vô điều kiện và nói dối. Đám trí thức thực sự tinh hoa này, sau nỗi hậm hực vì “sinh nhầm thời”, sau một vài giãy dụa nhưng không lại được với thời cuộc luôn lù lù bóng ma cơm áo, tâm hồn cứ mốc meo dần, ý chí cứ teo tóp dần để cuối cùng tự thấy mình “có tội”, mà cái tội lớn nhất là đã không sớm thấy thời đại mới thuộc về những người lao động chân tay.
Xin chúc mừng và cảm ơn tác giả.
Tôi xin tiện thể đăng lại nhận xét khi biên tập xong cuốn tiểu thuyết:

“Nếu tôi được đặt tên cho cuốn tiểu thuyết, tôi sẽ chọn NHỚ KHỔ. Tôi tin rằng, sẽ không ai trong thế hệ này viết như Trần Thị Trường nữa, không phải ở cái lối viết cổ điển về hình thức, mẫu mực có phần thái quá về ngôn ngữ thể hiện, mà bởi vì không ai trong thế hệ bà còn cơ hội được sống, được dấn thân, hoặc dám trải nghiệm cả đời sống vật chất lẫn tâm linh khắc nghiệt như bà.
Bất cứ ai đọc Phố hoài một cách nghiêm túc, cũng sẽ như tôi, nhất định phải nhìn Trần Thị Trường một cách rất khác, so với những gì nhiều người vẫn ấn tượng có phần kẻ cả về bà nhà văn này. Chúng ta sẽ kính trọng, thương xót và biết ơn bà nhiều hơn. Cái vẻ bề ngoài lãng mạn, hơi bất cần, hơi đại chúng dễ khiến ta lầm tưởng về một sự hời hợt trong những công việc gắn với tên bà. Vì thế, cũng giống như tôi, bạn đọc chắc chắn sẽ kinh ngạc khi đọc Phố hoài.
Tôi không bàn về hình thức hay nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết này. Tôi bị cuốn hút bởi cái nội dung chứa đầy nước mắt, dẫn đưa tôi vào cái đường hầm có thể đi xuyên cả một thời kì lịch sử bi đát và tăm tối của nó. Không thể ngờ tác giả của nó vẫn giữ được nguyên vẹn sự trong trẻo, với một lương tâm lớn đến thế, một lương tâm mà chạm tới đâu, bóng tối thì co lại, còn ánh sáng tìm mọi cách để bừng lên.
Liệu còn có thể đòi hỏi gì hơn thế, ở một nhà văn?
Không có gì quá đáng khi bảo rằng, Phố hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh. Ở đó con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn vào chính cái cuộc đời đáng sợ ấy”

3/ Lời nhận xét của Nhà văn Nguyễn Thành Phong

HÀ NỘI HẠNG HAI

(Tạm ghi về PHỐ HOÀI,
Sách mới của Trần Thị Trường)

Trong lịch sử Hà Nội hiện đại, có nhiều hạng người. Có công dân hạng một, hạng hai, hạng ba… cho đến lớp người bần hàn. Họ đi qua lịch sử với nhiều tư thế: “Chân ta bước, lòng ung dung tự hào”, “vừa đi vừa cúi đầu ngẫm nghĩ”, “sấp mặt xuống để tồn tại”, cho đến cả tư thế “bò người ra để mà sống”…
Dù là hạng người nào, tư thế tồn tại thế nào, thì mỗi con người Hà Nội đã góp vào Hà Nội, làm thành Hà Nội, từ trước đây cho đến bây giờ.

Sách, báo đã viết chán ra rồi về những con người “Hà Nội hạng một” với tư thế ung dung, tự hào…

“Phố Hoài”, gần 400 trang khổ lớn, đầy chữ, tác phẩm văn xuôi mới nhất của nữ nhà văn Trần Thị Trường với những nhân vật chủ yếu là “Hà Nội hạng hai” trở xuống, là câu chuyện chính.

Một tác phẩm văn xuôi không ghi thế loại. Và thực tế, là phi thế loại, là trộn lẫn tất cả các thể loại, từ ghi chép, tản văn, bút ký báo chí, đến như truyện ngắn, và có những chương được dựng nên bằng trí tưởng tượng bởi bút pháp tiểu thuyết. Tất cả là để truyền tải một miền ký ức.

Ký ức Trần Thị Trường dựng nên trong “Phố Hoài” đã làm tôi đau nhói, nhiều trang ứa nước mắt. Ký ức ấy làm tôi thao thức!

Trần Thị Trường định nghĩa lớp nhân vật này qua suy nghĩ của nhân vật Thanh: “họ đều là những người thuộc dòng dõi trí thức gốc Hà Nội, họ rất giỏi giang, nhưng họ đều bị “cán bộ thế hệ mới” đánh trượt họ xuống thành công dân hạng hai”. “Họ sống khổ sở, vẫy vùng trong cái thế giới hỗn độn không thể ngóc đầu lên được” (tr 332). Nhiều người trong số này theo Công giáo với đúng nghĩa là tiếp nhận những giá trị tiến bộ từ tôn giáo này một cách nhân bản, chân thành nhất… Nhiều người nữa trong số này là những văn nghệ sỹ vang bóng một thời…

Tôi đã sống ở Hà Nội đến nay là trên bốn mươi năm. Câu chuyện trong”Phố Hoài” của Trần Thị Trường dài hơn, chừng bảy mươi năm. Những nhân vật của Trần Thị Trường, tôi đã gặp, đã nghe kể, đã đọc, đã biết về nguyên mẫu ngoài đời. Trần Thị Trường đã tập hợp lại trong một bối cảnh mà chị dựng lên, để khắc hoạ sống động hơn, dễ hình dung hơn. Trần Thị Trường làm điều này tốt hơn cả mọi người viết khác, bởi chính chị là một nguyên mẫu trong số các nhân vật ấy, bởi chính chị có được năng lực cảm nhận, lưu giữ trong ký ức của mình về những năm tháng ấy. Và chị cũng là một nhà văn biết “sống và nhớ lấy”.

Mọi người rồi sẽ đọc và sẽ có những nhận định rất khác nhau về “Phố Hoài” của Trần Thị Trường.
Với tôi, những câu chuyện về “Hà Nội hạng hai” này là một nhắc nhớ về những gì tạo nên sức bền bất diệt của những giá trị văn hóa và nhân cách căn cốt khi con người ta đã được bồi đắp thành giá trị sống.

Lớp công dân hạng hai này đã phải sống khốn khổ, nhọc nhằn, nhưng chính họ góp lại mà thành hào hoa văn hiến Hà Nội. Họ có vùi mình làm nghề móc cống trong những không gian đen tối và thối hoắc để kiếm sống, thì họ vẫn cứ hào hoa và tiếp tục sáng tạo nên hào hoa, như Chu Hoạch, như Nam… Họ có thể bị đày ải triền miên trong tù tội, trong đè nén, bất an, thì họ vẫn trung trinh với nghệ thuật, với con người mà họ đã lựa chọn, như Hoàng, như Toán… Họ có thể đã trao thân, hay trao tình, ngỡ như một thời khắc bồng bột của tuổi trẻ, mà rồi mãi mãi dài lâu chỉ sống duy nhất với tình đầu ấy, như Hằng, như Thanh… Có cả những người không phải gốc Hà Nội, mà nhập được những phẩm cách này thì cũng mãi bền sâu chất Hà Nội như chàng trai Hoa kiều A Hoà… Nhiều lắm những nhân vật như đã kể trên trong “Phố Hoài”…

Bảy mươi năm, qua bao biến cố động trời rung đất, cải tạo tư sản tréo ngoe, chiến tranh bom dội người chết, hậu chiến đói khát triền miên, vượt biên cướp biển tàn khốc, cho đến phát triển kinh tế, lừa giật, mưu kế mánh mung, thì chính lớp người này vẫn không, hoặc rất ít bị tha hoá, bị biến mất chất người nhất. Vì thế, những phẩm chất này rồi sẽ được truyền lại cho những đời sau, chính là một hy vọng của tương lai Hà Nội.

Trần Thị Trường đã bền bỉ và dũng cảm viết nên tác phẩm này. Nhà văn thẳng thắn đề cập đến những sai lầm, trung thực với cảm nhận của mình, nhưng không hề cay cú, phẫn uất. Tác phẩm này tràn đầy yêu đương, thương nhớ những gì đã qua và vì thế mà nồng hậu hy vọng dành cho những gì đang tới!

Hà Nội, 13/2/2020

Comments are closed.