Những tục hát lạ trên đất Bắc Ninh

Nguyễn Hùng Vĩ

 

Ca trù (trong đó có hình thức Hát cửa đình) và Quan họ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Đặc biệt đối với Quan họ, sự bảo tồn nó chính đã là thành quả của nền nghệ thuật cách mạng chúng ta trong 65 năm qua. Tuy nhiên, nhiệm vụ tiếp tục giữ gìn, bảo lưu và phát triển vẫn là một thách thức trong công tác văn hóa. Trong sự nghiệp này, việc nghiên cứu sâu hơn sinh hoạt dân nhạc trên vùng đất Bắc Ninh có một ý nghĩa quan trọng để tìm hiểu cội nguồn và các phương thức vận động của dân ca này, cũng như việc gạn đục khơi trong cho dòng chảy hướng đến tương lai của nó.

Điểm lại các công trình sưu tầm và nghiên cứu Quan họ từ 65 năm qua, một điều dễ nhận thấy là những ghi chép về các tục hát liên quan đến Quan họ trước năm 1945, đặc biệt, những ghi chép Hán Nôm được rất ít các học giả quan tâm. Đây là hạn chế của cả một thời kì nghiên cứu cũng như góc độ tiếp cận của các nhà nghiên cứu.

Trong bài này, chúng tôi giới thiệu một số tục hát lạ trên đất Bắc Ninh để ngày Xuân, bạn đọc thưởng thức và cùng suy ngẫm trong không khí hội hè thư giãn.

Tài liệu bài viết được tổng thuật và rút ra dựa trên những ghi chép dân tục năm Khải Định thứ 5 (1920), do Viễn Đông Bác Cổ chủ trương và các nhà nho Việt Nam tiến hành khai báo. Tài liệu này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thị Hường – Nguyễn Tô Lan dịch, Đinh Khắc Thuân hiệu đính và được in trong cuốn Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2009.

Tục hát quanh đình xã Quảng Lãm, huyện Võ Giàng

Tài liệu Bắc Ninh tỉnh khảo dị ghi như sau: Lại nói, xã ấy có tục trai gái ngồi lẫn chỗ nhau rồi hát vào ngày mồng 5 tháng 3 hàng năm vậy…. Đến chiều các ông lão ra đình, thuê đào nương đến đình hát hầu thần. Các cô gái trong làng không được ra đình, chỉ ra ngoài ngõ trong làng, ngoài ngõ có mấy chục cô ngồi chơi và hát. Các chàng trai ngồi xuống, lấy tay ôm lấy cổ áo cô gái rồi hát. Trai gái ngồi hát, nếu có đôi trai gái nào có ý thuận tình yêu nhau thì đi sang ngõ khác, vào chỗ tối không để người khác biết, đôi trai gái này giao hợp với nhau, sau đó lại về ngõ cũ ngồi hát. Cô gái trở về ngõ cũ, chàng trai thì không trở về ngõ này, lại đi sang ngõ khác. Còn như đêm ấy, trai gái thuận tình giao phối, có người con trai lấy cô ấy làm vợ, có người chỉ giao phối, không lấy cô gái ấy làm vợ. Nếu người con gái có mang thì chàng trai mới lấy làm vợ…. Chỉ có đêm mùng 5 tháng 3 là cho các nam nữ chơi và hát trong làng, nếu thuận tình thì giao dâm… Nếu là đêm hôm khác, trai gái trong làng mà giao dâm, tuần phiên bắt được sẽ bắt đôi trai gái này trói ở công sở… và phạt mỗi người 3 quan tiền.

Tài liệu này còn ghi việc cách giải thích của dân làng về tục hát này là có một năm làng không cho nam nữ giao dâm nên năm đó trong xã bất an, trẻ em và trâu bò dịch bệnh, chết nhiều cho nên về sau dân không dám bỏ tục này. Những câu hát được cũng khá thú vị ví như: Hỡi người quân tử đi đâu – Ngõ này thanh mát làu làu chẳng chơi/ Chúng ta duyên phận bởi giời – Xưa nay kì ngộ mấy người hỡi anh/ Nhà ông có đống dấm to – Có con gái lớn không cho lấy chồng – Ai vào cứ bảo rằng không – Để con gái lớn chổng mông mà gào… Xa xôi xin chớ ngại ngùng – Mai sau loan phượng vui chung một nhà

Tục hát và đánh chen ở xã Nga Hoàng, huyện Võ Giàng.

Tài liệu viết: Lại hỏi, xã ấy vào ngày 11 tháng 2 có lệ nhập tịch tế thần…Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, mướn ca kỹ đến hát hầu thần ở đình. Ca kỹ hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì người con trai cũng đến chỗ đó đứng, con trai thân áp sát vào giữa đám con gái, thân người con trai sát thân người con gái, tay người con trai điểm vào ngực người con gái.

Đêm đó thuê ca kỹ đến hát thờ thần từ 7,8 giờ tối đến 4,5 giờ sáng mới thôi. Đêm ấy từ lúc ca kỹ bắt đầu đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở ngoài đình, hai người giao dâm với nhau, không dám làm việc đó ở trong đình, vì đôi trai gái sợ có uế khí với thần. Trai gái sát người vào nhau điểm ngực ở trong đình thì được, nhưng nếu đã giao dâm với nhau thì không được ở trong đình. Nếu như đêm ấy xã thuê ca kỹ hát thờ thần, không có con trai con gái trong xã ra đình xem hát, không có người con gái nào để đánh chen điểm ngực, thì đêm đó, mọi người dân xã trong đình tự nhiên sinh ra cãi nhau, hoặc người ca kỹ gây sự với người trong xã, hoặc người trong xã gây sự với nhau, mọi người sinh ra ẩu đả. Cho nên, năm nào vào đêm hôm đó, ca hát hầu thần cũng có nam nữ ra đình xem hát, đánh chen, điểm ngực thì mới tránh được nảy sinh những chuyện bất bình.

Hát thờ thần và hát nằm với nhau ở làng Diềm

Làng Diềm tức xã Viêm Xá, tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng ngày xưa, tương truyền là một trong những nơi gạo cội của hát Quan họ. Tài liệu Bắc Ninh tỉnh khảo dị ghi: Lại nói xã ấy có một đình, phụng thờ hai vị thần hoàng, thánh ông hiệu là Tam Giang Đại vương, thánh bà hiệu là Hoàng hậu. Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng khai xuân… Ngày 10 tháng 8, nhập tịch mở hội tế hai vị thần.

Lại như trai gái xã ấy giao lưu với xã Hoài Bão ở huyện Tiên Du. Nam nữ làm một hội hát, xã Viêm Xá gồm 10 người con trai, 10 người con gái, xã Hoài Bão gồm 10 người con trai, 10 người con gái. Nam nữ hai xã này hợp thành một phường ca hát. Đến ngày xã Viêm Xá mở hội xuân hay ngày nhập tịch thờ hai vị thần, dân xã sai một người con trai mang trầu cau đến xã mời con trai con gái xã Hoài Bão sang xã Viêm Xá hát; nhưng con gái xã Hoài Bão không đi mà chỉ có các chàng trai đến xã Viêm Xá. Con trai xã Hoài Bão ca với các cô gái xã Viêm Xá. Nếu ngày nào theo tục lệ là ngày xã Hoài Bão thờ thần, thì xã Hoài Bão cũng sai một người con trai mang trầu cau sang mời trai gái xã Viêm Xá đến, nhưng con gái xã Viêm Xá không đi, chỉ có con trai đến xã Hoài Bão hát với các cô gái xã Hoài Bão…

Lại hỏi, xã ấy vào ngày 4 tháng giêng có tục con trai con gái đến đình thờ thần, rồi đến đêm thì cùng nhau về nhà chị cả, hát với con trai xã Hoài Bão. Đêm ấy làng này con gái có chồng và con gái chưa chồng cũng đều đến nhà hị cả. Con trai Hoài Bão với con trai xã ấy ngồi một bên… con gái ngồi một bên trong nhà chị cả. Chị cả sai người nhà làm tiệc rượu mời các chàng trai xã Hoài Bão ăn uống no say, sau đó mới hát. Trai gái hát từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng thì tắt đèn trong nhà, trai gái cùng nằm mà hát. Lúc tắt đèn, anh cả hát với chị cả, anh hai hát với chị hai…, anh bé hát với em bé, còn những người con trai thuận tình với người con gái nào thì cũng hát với cô ấy. Nếu như chàng trai con gái nào yêu nhau, giả vờ đi ra tiểu tiện ở ngoài nhà, cùng đi ra ngoài nhà mà giao phối, thường thì người trong nhà cũng không biết. Sau đó lại vào trong nhà rồi hát, hát đến 4,5 giờ sáng mới thôi. Con trai xã Viêm Xá về nhà, con trai xã Hoài Bão về xã Hoài Bão, rồi con gái xã Viêm Xá tiễn con trai xã Hoài Bão về, chị cả tiễn anh cả, chị hai tiễn anh hai, chị ba tiễn anh ba, chị tư tiễn anh tư, chị năm tiễn anh năm, em bé tiễn anh bé, mỗi người tiễn một đường, không đi chung một đường, hoặc đi cách xa đường nhau. Lúc 4,5 giờ sáng vẫn đương tối chưa sáng, trai gái tiễn nhau về cũng làm việc giao phối ở bên đường, lúc đó không ai biết. Xã này có tục ấy, nên người nào có con gái không cho đi hát đêm ấy thì bị những người cho con gái đi hát cười. Cười rằng: “Những người có con gái không cho đi hát cũng hư mất đời, lại không tuân lệ làng.”

Một số câu hát được ghi lại như sau:

Nam: Khen cho cũng thực duyên trời- Đưa ra kết mấy những người bạn loan. Nữ: Giầu này xin gửi bạn loan- Công này kể núi Thái Sơn nào tày- Yêu nhau ăn miếng giầu này- Ăn giầu rồi sẽ giải bày niềm đan / Nam: Muốn cho đôi chữ ái ân- Lòng tôi muốn kết trước sân giãi bày. Nữ: Muốn cho đôi chữ một dòng- Trên trời chưa định trong lòng đã vui….

Tục hát úp đèn thờ thần, điểm ngực ở Ném Thượng

Làng Ném Thượng sáng ngày Rằm tháng giêng có tục giết lợn tế thần. Tối hôm đó mời đào nương đến hát. Tài liệu trên chép:

Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần. Mọi việc xong thì người già ngồi một gian bên trong đình xem hát. 3,4 người kỳ mục ngồi ở gian giữa, trong chỗ có hương án, đánh trống xem hát. Đào nương đứng ở ngoài hương án mà ca hát. Đàn ông, đàn bà, người già trong làng đều ra đình xem và nghe hát.

Ca hát từ đó đến 8,9 giờ tối thì thắp đèn, hát đến chừng 2 giờ đêm. Một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, lấy một cái chõ úp lên trên đèn (chú thích: Tục cổ thì tắt đèn đi, nay thì lấy chõ úp lên), trong đình, trong cung ấy tối om om. Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới nhảy xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà.

Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người không sờ ngực nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để nghe hát…

Nếu năm nào nhập tịch tế thần không mướn đào nương đến đình hát thờ thần, lại không sờ ngực đào nương, không có đàn ông sờ ngực đàn bà thì năm ấy trong làng trâu bò lợn gà phần nhiều đều bệnh tật, người người đều không được yên… Nếu có mướn đào nương đến hát và đàn ông sờ ngực đàn bà ở trong đình thì năm đấy nhân dân được bình yên, trâu bò lợn gà sinh sôi nảy nở, lúa má tằm tang tươi tốt.

Tục trên được ghi lại do người ghi chứng kiến tại chỗ vào đêm 15 tháng giêng năm 1920 tại đình Niệm Thượng.

Những ghi chép vào đầu thế kỉ trước trên đây quả là những tài liệu thú vị cho chúng ta hiểu hơn về một vùng dân ca nổi tiếng mà trong đó hát Cửa đình và hát Quan họ phát triển, sinh sôi cũng như với nhiều tài liệu dân tục khác giúp chúng ta sẽ nhìn rõ hơn quá trình hình thành và phát triển các dân ca này. Theo PGS.TS Dân tộc học Lê Sĩ Giáo, năm 1968, khi sưu tầm tài liệu cho luận văn về hội Lim, ông đã từng nghe nhiều cụ già kể ra những tục lạ trong sinh hoạt dân ca tương tự. Bản thân người viết bài này qua quá trình quan tâm lâu dài đến hát Quan họ cũng từng nghe các nghệ nhân nơi này nơi khác, nửa kín nửa hở mách cho các tục như trên. Nay thêm những tài liệu ghi chép sớm nên mới mạnh dạn trình bày cùng độc giả. Hát Quan họ ngày nay đang phát triển một cách mạnh mẽ theo xu hướng nghệ thuật cao và lành mạnh hóa. Đó là một biểu hiện mới đáng trân trọng và cũng là thành công của sự nghiệp văn hóa thời đại chúng ta.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.