Ý niệm về cái nhẹ trong bộ phim Honor de Cavalleria của Albert Serra

Đặng Hương Giang

 

Theo chủ blog https://hieutn1979.wordpress.com/, bài viết dưới đây thực chất là bài tập của Đặng Hương Giang, sinh viên năm thứ hai, K63 Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện trong khuôn khổ học phần Lý luận văn học.

Văn Việt

 

Honor

Albert Serra có trong tay một nghìn trang tiểu thuyết viết về cuộc phiêu lưu của hiệp sĩ Don Quixote và giám mã Sancho Panza, một dàn diễn viên không chuyên, một ekip sẵn sàng cho những cuộc thử nghiệm điện ảnh không hoàn hảo, và Honor de Cavalleria ra đời như minh chứng cho đích đến của cuộc chơi phóng túng, đầy khinh khoái, một cú nổ tung của niềm thỏa mãn cảm xúc bằng những khuôn hình không thể tối giản hơn. Milan Kundera từng đặt ra niềm băn khoăn, chúng ta đã tìm đến ý nghĩa cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Cervantes bằng một câu trả lời hay là sự khẳng định đạo lý1? Với bộ phim chuyển thể đầu tay, Albert Serra đã tìm thấy, đích xác là, câu trả lời cho những ý niệm tưởng rõ ràng mà mơ hồ Cervantes đưa ra, về ngôi làng không tên ở xứ Mancha, có một chàng hiệp sĩ hiên ngang chinh phục những điều viển vông, một bác giám mã cưỡi lừa cả tin vào phần thưởng không có thực, cùng muôn vàn các nhân vật ngơ ngác khác, với những xung đột buồn cười, những bài học đắt giá. Chúng ta hẳn sẽ bỡ ngỡ khi phải bước vào câu trả lời của Albert Serra, vì không thể tìm thấy một ngôi làng nào, chẳng có trận đánh nào, thiếu luôn cả cối xay gió, cả sự ăn năn mà Don Quixote rốt cuộc trước khi chết cũng nhận ra. Tất cả các không gian trong nhà, những rào cản của một ngôi làng đã biến mất, Don Quixote và Sancho Panza của Albert Serra đi cùng nhau trên những cánh đồng mênh mang, dưới những cơn gió hào sảng, những tia nắng huyền diệu, và tiếng dế kêu rả rích của trời hè thoáng đãng; cùng trò chuyện về Chúa Trời và đức tin, về nỗi tuyệt vọng, về những ước nguyện gia cố cho thân thể đương tàn mà tinh thần hiệp sĩ thì ngày thêm mạnh mẽ. Sức nặng của không gian, của bộ áo giáp, hay ý niệm về thân thể và sự tồn tại đã bị trượt nghĩa để hướng đến niềm xác tín phi trọng lượng. Điều duy nhất còn lại là tinh thần hiệp sĩ, hiện hữu nhưng không hiện hình, nhẹ nhõm mà chi phối toàn thể hành động. Albert Serra tìm đến câu trả lời cho ý nghĩa của di sản mà Cervantes để lại, bằng ý niệm vững chãi về cái nhẹ hiện diện như một phương thức giải trừ trọng lượng, nhưng đồng thời chứa đựng nhiều ẩn dụ của những dự phóng suy tư. Liệu rằng câu trả lời của Serra qua 108 phút chuyển thể điện ảnh này có mang đến cho chúng ta chân dung tinh thần trọn vẹn của Don Quixote và Sancho Panza, của Cervantes? Albert Serra còn tiến xa hơn thế, bởi lẽ rằng, như đạo diễn đã nói: “Tôi không kể lại một câu chuyện phiên lưu, tôi chỉ đang phiêu lưu theo một câu chuyện kể”.

I/ Thế nào là nhẹ?

Chúng ta hẳn sẽ vẫn còn nhớ đến Cosimo, chàng nam tước xứ BóngRâm đã sống một cuộc đời không chạm chân xuống đất kể từ khi mười hai tuổi. Tôi sẽ bắt đầu tiểu luận này bằng một hình ảnh, với niềm tin tưởng nó sẽ gieo lấy hình dung tốt hơn cả cho ý niệm về cái nhẹ tồn tại như một đặc tính và phẩm chất cần có của nghệ thuật và của đời sống.

Cosimo, kẻ đang hấp hối, ngay tại cái khoảnh khắc sợi dây mỏ neo tạt ngang gần mình, liền bật ra một trong những cú phóng thông lệ của thời trai trẻ, chộp lấy sợi dây, chân trụ trên cái mỏ neo, thân bẻ gập, chúng tôi nhìn thấy anh bay đi như thế, theo chiều gió, tuyến bay của quả cầu hơi chậm lại một chút, rồi khuất về phía biển…

Quả khí cầu, băng qua vịnh, đáp xuống được lên bờ bên kia. Trên sợi dây thừng chỉ còn cái mỏ neo. Các nhà lái khí cầu, mệt đứt hơi để tìm cách giữ vững lối đáp, không biết gì cả. Người ta giả định rằng cái ông lão hấp hối ấy có lẽ đã biến mất trong lúc đang bay trên vịnh. [2;360-361]

Cú phóng thông lệ của thời trai trẻ, một lần nữa đánh dấu sự ra đi của Cosimo, kết thúc cuộc đời trên cây như một lời thề nguyền sẽ nhìn mặt đất bằng khoảng cách chàng tạo ra. Trong cơn hấp hối, mọi sinh lực đã dồn nén lại để thể hiện cú nhảy theo chiều gió cuối cùng, hoàn thành ước muốn được nhấc mình ra khỏi sự nặng nề của khế ước xã hội. Những cuộc tình ái, những mối suy tư và các quan hệ đời sống không tài nào kéo chàng ra khỏi sự quyến rũ mê hoặc của những tán cây chằng chịt như mạng nhện. Như thể rằng, cú phóng lên mấu cây sồi xanh sau món ốc sên đầy tử khí chàng không chịu nổi là phép ứng xử huyền thoại của thế kỉ XVIII, được tái hiện dưới ngòi bút nhẹ nhõm của nhà văn Ý thế kỉ XX Italo Calvino.

1/ Cái nhẹ như là sự giải trừ trọng lượng

Bài giảng đầu tiên trong Những bài giảng Mỹ – sáu điểm ghi nhớ cho thiên kỷ tới đã được Italo Calvino ưu ái dành cho việc thể hiện những quan điểm về cái nhẹ, như một triển vọng dành cho văn chương của thiên kỷ mới, thông qua việc khẳng định tính nhẹ không phải là một khiếm khuyết mà là một giá trị. Trong bốn mươi năm cầm bút, Italo Calvino chưa từng rời bỏ tuyên ngôn “sự hiện diện của tôi đồng nghĩa với một sự giảm bớt trọng lượng, tôi đã cố sức bỏ đi gánh nặng khỏi những khuôn mặt người, hoặc khỏi những thiên thể, hoặc khỏi các thành phố, nhất là tôi đã cố công nhấc bỏ trọng lượng khỏi cấu trúc truyện và ngôn ngữ”. Sự nhấc bỏ trọng lượng ấy có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta lại cần đến tính nhẹ như một phương ngôn, đồng thời là lối giải thoát tốt nhất? Italo Calvino kiếm tìm những biểu hiện của tính nhẹ trong văn học cổ kim, và say sưa khám phá giá trị của chúng. Đó là lối nhẹ nhõm giàu chất suy tư, khác hẳn với sự nhẹ nhõm phù phiếm. Trong khi các nhà văn muốn tái hiện thời kỳ mình đang sống bằng những chất liệu tích lũy được, nghĩa là tất thảy cái nặng nề và trơ ì mà sự kiện mang lại, đều gặp cản trở khi xử lí hình ảnh và ngôn ngữ, Italo Calvino nhận ra thế giới này là một tảng đá. Thật vô ích nếu chúng ta dùng trọng lượng để đọ cuộc với trọng lượng. Chính vì vậy, để tránh đi những va chạm có nguy cơ gây thương tích, hay tránh việc bị hóa đá trước sự lạnh lẽo và nặng nề của tảng đá khổng lồ, không còn cách nào khác, chúng ta phải khiến cơ thể và suy tư của mình bay lên, đạt tới ngưỡng phi trọng lượng.

Ý niệm về phạm trù nặng – nhẹ hình thành từ đâu? Minh họa sau đây sẽ giúp chúng ta nhận ra câu trả lời:

Honor 2Honor 3

Ý thức về trọng lượng của vật và lực hấp dẫn của Trái Đất đã đưa chúng ta đến cách nhìn giản đơn nhất về sức nặng – nhẹ. Trọng lực là thứ vô hình nhưng có khả năng tạo nên hình dung cụ thể về trọng lượng, khiến cho vạn vật được níu giữ trên mặt đất và tương tác với các chiều kích không – thời gian. Về điều này, nghệ thuật nhạy cảm hơn trong việc phát hiện ảo giác về lực hấp dẫn, trước khi Einstein đưa ra ý niệm mới về “gravity” theo thuyết tương đối rộng. Thực tế cho thấy, “các nghệ sĩ nhào lộn là nhóm người chuyên biệt nhất thường xuyên cưỡng lại các định luật của lực hấp dẫn”[5;425].

Honor 4

Edgar Degas, La La ở rạp xiếc Fernado, Paris (1867)

Honor 5

Georges Seurat, Rạp xiếc (1891)       

Honor 6

Pablo Picasso, Chú bé nhào lộn trên quả bóng (1905)

Bằng cách chơi đùa với trọng lực, những nghệ sĩ xiếc dường như đánh mất khái niệm về trọng lượng. Ngay khi điều này xảy ra, phạm trù nặng – nhẹ dường như không còn tồn tại. Tôi cho rằng, để đạt tới ngưỡng nhẹ, chúng ta buộc phải ý thức triệt để về tính nặng, mặt khác, để hướng tới trạng thái thăng hoa đầy khinh khoái, chúng ta phải tạm quên đi trọng lực đang níu giữ trọng lượng của mình. Ba bức tranh về chủ đề nhào lộn thể hiện cảm giác chênh vênh về sự níu giữ của trọng lực. Những nghệ sĩ khéo léo thể hiện sức mạnh của thân thể, ở đây ý niệm về trọng lượng cơ thể đã hoàn toàn bị xóa bỏ, nhằm thể hiện sự linh hoạt và khả năng bay bổng. Miễn là không bị ngã nhào, sức nặng của cơ thể hoàn toàn có thể chơi đùa và giễu nhại quyền năng của trọng lực. Chính tại thời điểm này, chúng ta nhận thấy rõ ràng sự khoái lạc mà cảm giác khinh khoái mang lại.

Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, giải trừ sức nặng của trọng lượng thông qua nỗ lực tạo ra thế giới phản hấp dẫn vẫn chưa thể khai thác hết giá trị của cái nhẹ. Lực hấp dẫn của những sự kiện đời sống tác động lên tâm trí con người, chứ không phải trọng lượng của họ, đã minh chứng suy tư mới là một tảng đá nặng nề, và sức đè nén của nó thì biến chuyển huyền bí như ma thuật.

2/ Cái nhẹ như là một tiết lộ về ý niệm mới của sức nặng

Giá trị của cái nhẹ không đơn thuần dừng lại ở việc ý thức về trọng lượng để giải trừ nó, nghĩa là tìm mọi cách vượt lên trên trọng lực nhằm tìm kiếm một không gian khác. Tôi muốn đi đến việc khẳng định giá trị này được tạo tác dựa trên việc xuyên qua những khối đá khổng lồ, nỗ lực chống lại sự hóa đá mà đôi mắt của Medusa gây ra. Điều đó có nghĩa, cái nhẹ không tồn tại như lớp bọt nổi được vớt vát từ những thứ mang sức nặng, mà nó đảm nhiệm vai trò đối cực và hoàn toàn có khả năng kháng cự. Về tính chất này, tôi cho rằng sức nặng không còn mang ý nghĩa đè nén và trấn áp của trọng lượng. Ngay cả sức nặng cũng cần phi trọng lượng thì cái nhẹ mới đạt tới ngưỡng toàn trị quyền năng.

Tôi sẽ tiếp tục dẫn ra hai ví dụ minh họa của Leonard Shlain để dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận luận điểm này.

Honor 7

René Magritte, Lâu đài ở dãy Pyrénées (1959)

Honor 8

Salvador Dali, Biểu tượng bất khả tri (1932)

Bức tranh của René Magritte là sự kết hợp cùng lúc sức nặng của tảng đá và lâu đài, song chúng nhẹ nhàng lửng lơ. Khi chúng ta tưởng như thế giới này không còn gì nặng nề bằng khối đá và tòa lâu đài ấy, chúng dường như hóa thành một đám mây phiêu bồng. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là việc đánh đổ sự tồn tại lực hấp dẫn của Magritte. Chúng ta hãy nhìn bức tranh ấy, trong sự hài hòa của hình khối và màu sắc, khối trọng lượng khổng lồ ấy chẳng phải đang được bao bọc và nâng đỡ bởi sự vi tế và nhẹ bẫng của những luồng không khí và ánh sáng hay sao? Biểu tượng bất khả tri của Dali là một hình dung khác về sức mạnh của ánh sáng.

Dali đã thể hiện chính xác đến kì lạ hình ảnh một chùm sáng sẽ như thế nào khi đi qua không gian bị uốn cong ở gần một đối tượng có khối lượng lớn. Trong tác phẩm này, một chiếc thìa bạc bị kéo dài ra đến hết mức, trông không khác gì một luồng ánh sáng, đi vào tranh từ góc trên bên phải. Chiếc thìa, với tư cách là một chùm ánh sáng, sau đó vượt qua khoảng không gian tối và kín như bưng chỉ chứa một vật nhỏ có khố lượng với hình thù không rõ ràng; chiếc cán thìa mỏng mảnh uốn vòng quanh vật rồi lại duỗi thẳng ra. Miệng thìa nhỏ chứa một chiếc đồng hồ bé xíu được vẽ như thật, có kim dừng lại vĩnh viễn vào lúc 6 giờ 4 phút. Chỉ với một bức họa siêu thực như thế, Dali đã diễn tả cùng một lúc tất cả các ý niệm về ánh sáng bị lệch hướng, không gian bị uốn cong và thời gian bị dừng lại. Trong toàn bộ nghệ thuật, thật khó mà tìm thất một tác phẩm nào khác có thể miêu tả sáng tạo hơn về tác động của khối lượng lên không – thời gian ở gần nó, như là bức Biểu tượng bất khả tri.[5;438]

Chỉ vài dòng ngắn ngủi phân tích bức họa, vật lí đã giúp L.Shlain nhìn nhận rõ nét bản chất của luồng ánh sáng bị bẻ cong khi tiếp xúc với một vật, nhưng đồng thời, trực cảm nghệ thuật của Dali buộc Shlain dành sự ngưỡng mộ cho danh họa Siêu thực này. Và chúng ta nhận ra, những thứ tưởng chừng phi trọng lượng như ánh sáng, lại ẩn chứa trong nó sức mạnh đối kháng với vật có trọng lượng, tuy không thể xuyên thấu nhưng bằng mọi cách lách qua và tiếp tục lộ trình của mình.

Cái nhẹ tự thân đã mang một sức mạnh, trong sự tương tác với sức nặng. Song, tôi muốn hướng đến một sức mạnh lớn lao hơn, đó là khả năng cấu thành sức nặng của nó. Vật lý lượng tử sẽ giúp chúng ta giải đáp khả năng này của cái nhẹ, cụ thể hơn là ở chương Các hạt cơ bản và các lực trong tự nhiên trong cuốn sách nổi tiếng của Stephen Hawking, Lược sử thời gian. Hawking bắt đầu diễn giải bằng việc đưa ra quan điểm của Aristotle, toàn bộ vật chất trong vũ trụ này được tạo thành từ bốn yếu tố cơ bản: đất, không khí, nước và lửa. Đến thế kỉ XIX, vật lý hiện đại đã phá vỡ niềm xác tín rằng nguyên tử là thứ không thể phân chia và cho ra đời sự tồn tại của hạt cơ bản, nhưng chưa thỏa mãn, các nhà khoa học hứa hẹn sẽ phát minh những loại hạt nhỏ hơn cấu thành nên vật chất. Italo Calvino trong bài giảng về cái nhẹ cũng đã đưa ra những ví dụ thuyết phục, rằng thế giới được đặt trên những thực thể tế vi, chúng có vai trò kiến tạo nên những thực thể mang trọng lượng lớn, như thông tin DNA, như các loại hạt quark, như dòng bit thông tin.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, khác với lần đầu tiên, không cung cấp hình ảnh đè bẹp của những máy cán hay những dòng thép nguội, mà hiện ra như là những bit của một dòng thác thông tin chạy qua những dòng mạch dưới hình thức những xung điện. Máy móc bằng kim loại vẫn tồn tại, nhưng chúng tuân theo lệnh những bit không thể đo đếm3.

Nguồn gốc sự sống của chúng ta được thực thi theo mệnh lệnh của các vì sao. Các ngôi sao là tổ tiên nguyên thủy của tất cả mọi dạng thức sống. Các ngôi sao chết đi, tro bụi của chúng bắn tung vào vũ trụ tối tăm và trở thành hạt giống tạo nên tôi và anh. [5;446]

Quay lại với ý niệm về cái nhẹ trong sáng tác nghệ thuật, chính xác là cách thức phản ánh thế giới thực, tôi tin rằng Milan Kundera đã có thể khái quát nó bằng nhận định sau: “Với Proust, vũ trụ bên trong của con người là huyền diệu, là một cõi vô tận không ngừng khiến ta kinh ngạc. Nhưng đấy chẳng phải là điều ngạc nhiên của Kafka. Ông không tự hỏi đâu là những động cơ bên trong quyết định ứng xử của con người. Ông đặt một câu hỏi khác về căn bản: đâu là những khả năng còn lại của con người trong một thế giới mà những quyết định từ bên ngoài trở thành nặng trĩu đến nỗi những động cơ bên trong chẳng còn chút trọng lượng nào nữa?”2 Khả năng còn lại ấy là con đường dẫn dắt chúng ta tìm hiểu ý niệm về cái nhẹ trong nghệ thuật, qua những đúc kết hình tượng và ngôn ngữ trong các tác phẩm, để minh chứng đấy là một sức mạnh không thể lường trước, và dường như, chúng đang hé lộ một sức nặng khác mà ta chẳng tài nào hình dung nổi.

Một tiểu thuyết gia có thể tái hiện được, một cách khó khăn, tư tưởng của anh ta về cái nhẹ, minh họa nó bằng những ví dụ rút ra từ cuộc sống đương đại, mà không đặt nó ra thành một đối tượng không thể nắm bắt của một cuộc truy tầm bất tận. Milan Kundera đã làm điều đó một cách sáng sủa và trực tiếp. Tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của ông, trên thực tế, là một nhận định cay đắng về tính nặng không thể tránh khỏi của đời sống, tác giả không chỉ lên tiếng về sự áp bức và tuyệt vọng tràn ngập thuộc về số phận đất nước bất hạnh của ông, mà đúng hơn là về một thân phận con người, cũng chính là thân phận của chúng ta, mặc cho chúng ta có một số phận đáng thèm muốn hơn rất nhiều. Trọng lượng của đời sống, với Kundera, hiển lộ trong tất cả các hình thức của bó buộc: cả công cộng lẫn riêng tư, những bó buộc cuối cùng tóm được mọi tồn tại trong những cái mắt lưới ngày càng ken sát hơn của một mạng lưới dày đặc. Cuốn tiểu thuyết cho chúng ta thấy, bằng cách nào, trong cuộc sống, tất cả những gì chúng ta lựa chọn và thích thú vì tính nhẹ của chúng đều nhanh chóng tiết lộ hóa ra chúng lại mang một sức nặng không thể chịu đựng.4

Trở lại với ví dụ về chàng Cosimo và cú phóng cuối cùng của cuộc đời mà tôi đã đưa ra, có thể nói nỗ lực này minh chứng cho khả năng còn lại đã tiết lộ sự thật về một cú nhảy, tưởng chừng nhẹ nhõm nhưng là kết quả của toàn bộ năng lượng còn lại, nhằm hướng đến hóa giải sức nén mà suốt đời mình, Cosimo treo thân thể lơ lửng trên những trụ đỡ mỏng manh của các cành cây.

Tôi sẽ kết thúc luận điểm này bằng việc đưa ra một tứ thơ của Kyorai, mà tôi cho rằng đã thể hiện được sức nặng hữu hình cũng như vô hình đè nén chúng ta:

Ôi, giá lạnh!

Tôi chẳng thể ngẩng đầu

Ngắm nhìn vầng trăng khuyết.

Luôn luôn tồn tại một khoảng cách bất di bất dịch giữa thế giới đau thương – ta – khát vọng hóa giải, cũng như việc luôn phải đối mặt với mâu thuẫn giữa sức nặng tưởng chừng không thể chịu đựng với ý niệm về cái nhẹ như một phương thức kháng cự. Tuy nhiên, nói như Italo Calvino, đây sẽ là thiên niên kỷ chúng ta cần đến đôi dép gắn cánh của Perseus để bay lên một không gian khác, cần đến cú nhảy khéo léo và không thể đoán trước của Cavalcanti, cần bước vọt thoát của Mercutio, hay chiếc xô rỗng của Kafka mà người kỵ sĩ dùng để tìm than, cũng như những chiếc thảm bay, ngựa bay và sự nâng đỡ của các vị thần chui ra từ những cây đèn trong Nghìn lẻ một đêm. Chúng ta cần hơn hết một ý thức tuyệt đối về trọng lượng, cũng như niềm tin tưởng hoàn toàn vào việc ta không những có thể giải trừ sức nặng của cơ thể và suy tư của chính mình mà còn đủ đầy tự tin đối chọi với sức nặng thế giới này đè nén.

II/ Albert Serra và cuộc thử nghiệm chuyển thể Honor de Cavalleria

Với những đặc tính nhẹ tồn tại như phẩm chất cần thiết đối với nghệ thuật và đời sống, tôi sẽ quy chiếu chúng vào chuyển thể điện ảnh cuốn tiểu thuyết vĩ đại bậc nhất của nhân loại, Don Quixote, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha của Miguel de Cervantes. Honor de Cavalleria, như tôi đã nói, là câu trả lời thể hiện khả năng nắm bắt tinh thần Cervantes của Albert Serra. Điều ấy không chỉ biểu hiện qua sự đồng điệu tinh thần giữa Cervantes và Serra, vì cùng chung dòng máu Tây Ban Nha, mà còn ở việc nhận thấy tín hiệu thẩm mỹ Cervantes khéo léo che chắn. Serra đón nhận tín hiệu Cervantes phát ra từ 400 năm về trước, đồng thời biến tấu chúng trên nền văn hóa mang đậm hơi thở đương đại nhưng vẫn phát huy được cái nhìn hồn nhiên và nghịch dị của thầy trò Don Quixote – Sancho Panza qua những hành trình phiêu lưu không mỏi mệt, với khát vọng vươn đến tinh thần hiệp sĩ toàn diện. Ở câu trả lời của Serra, không gì nằm ngoài ý niệm về cái nhẹ là một sự hiển lộ đầy thành công và táo bạo. Thành phố biến mất, bộ áo giáp biến mất, nàng Dulcinea chạy trốn ở nơi nào, và cối xay gió cũng chẳng còn vết tích của sự tồn tại, Don Quixote chết không nước mắt, không ăn năn, hối cãi, và cuộc đời Sancho Panza là một sự nối dài sau cái chết của người bạn đồng hành. Cuộc phiêu lưu của Serra với điện ảnh song hành với cuộc phiêu lưu của Don Quixote với lí tưởng hiệp sĩ đã ngưng đọng như một vật thể trôi nổi trong chân không, hướng đến sự hóa giải mọi trọng lượng vốn tồn tại.

PV: Hãy miêu tả một chút về Honor de Cavalleria?

AS: Đây là một chuyển thể tinh thần Don Quixote. Bộ phim hướng đến việc phác họa tinh thần của hai nhân vật chính. Thực tế đó là phép ẩn dụ của tiểu thuyết và buộc chúng ta kiếm tìm. Thông qua các mảnh ghép đơn giản, tôi đã tạo ra bầu không khí cụ thể, rõ ràng. Do đó, những đoạn thoại có vẻ nhàm tẻ. Tất cả mọi thứ hiển lộ tự nhiên mà không có dấu vết của cấu trúc tường thuật. Điều này khiến tôi đặt ra câu hỏi cho cách xử lí những tiểu tiết, nhằm thể hiện mục đích trên, ví dụ như, một người luôn nhìn lên bầu trời, còn người kia luôn nhìn xuống mặt đất.
PV: Bạn đã có một quyết định táo bạo, đó là làm việc với dàn diễn viên không chuyên.

AS: Diễn viên chuyên nghiệp không khiến tôi hứng thú. Vì họ rất dễ đoán trước. Sẽ vui thích hơn nếu ta tìm kiếm cảm hứng mới. Tôi rút kinh nghiệm từ khoa học, và luôn thôi thúc mình tìm đến những gương mặt, những cảm giác mới. Điều đó lí giải tại sao tôi sử dụng một bộ máy làm việc rất trực quan. Trong lúc quay, có một số cảnh, một số chuyển động ống kính tôi vận dụng đã xác định các chủ đề đối thoại, mà ở đấy, diễn viên có thể gia giảm sự phóng túng của mình. Sự thật là điều này tôi học hỏi từ Passolini. Phim của tôi không có diễn tập. Hơn thế nữa, các cảnh quay luôn theo đúng diễn tiến. Những cảnh quay bạn xem được cũng chính là cảnh quay đầu tiên.

PV: Điều gì khiến cho bạn thành công?

AS: Tôi chọn ra một chủ đề khác thường, và tôi cố gắng tái hiện chúng càng nguyên sơ càng tốt để tạo ra những chấn động đối với người xem. Tôi hướng mình theo phong cách làm phim giàu chất thơ. Kể chuyện khiến tôi thấy thật buồn tẻ. Thay vì miêu tả, tôi phản ánh thế giới này.

PV: Ông chịu ảnh hưởng từ vở kịch “Trong khi chờ Godot” của Samuel Beckett?

AS: Quả nhiên rồi. Don Quixote và Sancho Panza cũng đang chờ đợi.

PV: Bộ phim này là một thách thức với người xem.

AS: Khán giả hiện nay thường bảo thủ trong việc xem phim. Nhưng tôi vẫn muốn tiếp cận nhiều đối tượng, có thể chỉ là ở rạp. Cha tôi đã xem bộ phim này. Tuy không hiểu nhưng ông vẫn ngồi xem. Giống như thăm thú bảo tàng, ông không đi chỉ vì thích thú mà vì phải làm việc. Trong một bộ phim, có thể bạn không hoàn toàn thích, nhưng hãy thưởng thức nó. Điện ảnh bây giờ vẫn tuân theo cấu trúc truyện kể, ngay cả với phim thể nghiệm. Tôi muốn phá vỡ điều này trong Honor de Cavalleria. Tôi muốn khơi gợi cảm xúc ở người xem.

Nếu như dấu hiệu cơ bản của việc chuyển thể một tác phẩm văn học gắn liền với biểu hiện chuyển dịch kết cấu tự sự từ văn bản này đến một hình thức nghệ thuật khác5 thì ở Honor de Cavalleria, Albert Serra tiến tới phủ định triệt để quan niệm này. Với phong cách làm phim phá vỡ sự tồn tại của một cấu trúc tự sự, Serra chú trọng vào việc tạo nên những tiểu tiết cũng như lặp lại chúng thường xuyên nhằm gợi nên ở người xem một sự thôi thúc tự giải nghĩa. Điều đó cũng tương ứng với việc bộ phim đã phá đi những giới hạn của không – thời gian, đồng thời giản lược triệt để những biến cố. Bộ phim chuyển tải những khoảng lặng trong tác phẩm, nhưng là một sự chuyển tải ẩn dụ mạnh mẽ. Chẳng hạn như nghi thức trao vòng nguyệt quế rất chậm rãi nhưng đầy cảm xúc. Ngay khi tình huống được đẩy lên cao trào, lập tức chúng đã tự hủy tính chất tồn tại như một sự kiện. Và đơn thuần chỉ còn lại những rời rạc của hình ảnh và âm thanh. Sự hiện diện độc lập và không có tương tác chủ đề của các khuôn hình khiến ta nhớ đến thủ pháp kinh điển của điện ảnh, montage. Thực tế duy nhất tồn tại trong bộ phim về Don Quixote là thực tế tinh thần chứ không phải là sự kiện. Điều đó khiến cho sự căng thẳng giữa thực tại tinh thần và cuộc sống thường nhật của hai nhân vật chính là chủ đề xuyên suốt bộ phim, khiến cấu trúc tự sự bị lu mờ. Chính bởi điều này, tôi sẽ tiến hành nối kết những khuôn hình có cùng trường liên tưởng để tạo ra một hình dung về sự khinh khoái mà Serra đặt vào nhân vật của mình, thông qua các diễn viên nghiệp dư chỉ được phép “đóng vai” một lần duy nhất trước ống kính.

1/ Ý thức về thân thể

DQ: Sancho, nó được sửa rồi chứ?

SP: Đã xong rồi thưa ngài.

DQ: Thật à? Ta có thấy anh làm gì đâu.

Nó được sửa rồi chứ hả?

SP: Đã xong thưa ngài.

DQ: Nó sẽ không làm ta đau chứ?

Ta muốn anh giúp ta một việc.

DQ: Nó sẽ không làm ta đau chứ?

SP: Không phải lúc này đâu ngài.

DQ: Ta cần nhờ anh một việc. Hãy đi và tìm giúp ta một vòng nguyệt quế! Đi và tìm giúp ta một vòng nguyệt quế. Anh làm được không?

SP: Được, thưa ngài.

DQ: Hãy tìm một vòng nguyệt quế. Đi và kiếm lấy một cái. (SP ngại ngần) Anh có thể chứ hả?

Tôi vừa dẫn ra đoạn thoại mở đầu bộ phim, và phải mất một khoảng thời gian đủ dài để chờ đợi tiếng nói của Don Quixote và Sancho Panza, chúng ta nhận thấy phần mở đầu này đã phảng phất không khí nặng nề của sự mỏi mệt. Trong khi Don Quixote rên lên những tiếng khẽ khàng và não nề, đồng thời xoa bóp cơ thể mỏi nhừ sau một ngày dài, Sancho Panza lặng lẽ sửa lại bộ áo giáp cho ông chủ. Khuôn hình được quét rộng, nhưng khoảng cách hai nhân vật từ đầu phim đã thể hiện giữa họ luôn có một tường thành không thể vượt qua. Tiếng dế kêu rả rích, ánh sáng dần tàn lụi. Những thanh âm và hình ảnh hòa quyện vào nhau tự nhiên rồi xuất hiện lặng lẽ, không cao trào như một cảnh huống lặp lại đều đặn của những ngày trước đó.

Theo diễn giải của Auerbach, chuyến đi đầu tiên của Don Quixote đã giúp chàng thoát khỏi tình thế không chịu nổi mà chàng phải chịu đựng quá lâu [1;197], tôi cho rằng, việc giải phóng thân thể khỏi một không gian tù túng đã khiến cho ý chí được phóng thích. Hai thầy trò lang thang qua các đồng cỏ, Quixote mặc áo giáp và đội vòng lá khô Panza làm cho. Nhịp điệu uể oải, trễ nải của ánh nắng gắt gao mùa hè là một thước đo xác định tốc độ của bộ phim. Máy quay đôi khi tiếp cận các nhân vật ở góc độ tiệm cận, dõi theo việc họ ngủ, có khi chỉ ngồi nhìn xa xăm mà không nói năng gì. Khi họ đang ở xa, tiếng nói của họ cũng nhỏ dần và mất hút. Khi hoàng hôn buông xuống, chúng ta cảm thấy mình bị cản trở tầm nhìn, ánh sáng yếu dần, chỉ còn ánh trăng chếch trên cao soi xuống những hình hài lờ mờ và yếu ớt. Âm thanh được gia tăng, tiếng côn trùng kêu rả rích xen lẫn với những tiếng thở dài mệt nhọc của thầy trò hiệp sĩ sau một hành trình dài chẳng biết khi nào sẽ kết thúc. Khi Quixote rút kiếm vung vẩy những đường chém trong gió ở rừng ô liu, hay lúc ông ở trong không gian đậm màu sắc dystopia, ta nhận ra ông đang chiến đấu với những thứ chẳng những không hiện hữu mà còn không hiện hình. Serra khai thác triệt để sự chân thật của không gian, của bối cảnh thực tế. Không nhằm tạo nên một không gian đặc quánh mùi hiệp sĩ và những trận đánh, Serra tạo nên một không gian tự nhiên, và không gian đó sinh ra chỉ để dành cho Don Quixote và Panza thực hiện chuyến phiêu lưu của mình. Don Quixote và Panza hoàn toàn thuộc về không gian ấy, ở họ có một sự gắn kết tuyệt đối với không gian. Màu sắc hiệp sĩ thể hiện qua từng khuôn hình, là không gian sống chết của Sancho Panza và Don Quioxte, một không gian máu thịt. Không gian ấy gắn liền với ý thức về thân thể và sự tồn tại. Chúng ta đều nhận thấy rằng, bản thân không gian không mang nghĩa, chúng chỉ có ý nghĩa khi có sự tồn tại của con người, chính xác là chủ thể tự ý thức có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Quixote còn ý thức về sự tồn tại của thân thể thông qua việc nhận thấy những dấu hiệu mỏi mệt của bộ máy sinh học có hạn sử dụng. Don Quixote hoài niệm về xã hội utopia, về thời đại Vàng, một nơi quỷ dữ không tồn tại, và chẳng có vấn đề gì xảy ra cả. Con người rất yêu thương nhau. Thật ra thời Adam và Eva cũng không có biến động gì. Không ai giận dữ, không ai gây gổ, mọi người rất yêu thương nhau. Đó là thời của hòa bình và yên ổn. Nhưng tiếc thay, thời đại Don Quixote lại nhuốm màu sắc dystopia.

DQ: Ta không biết nhiều về các loài chim. Anh biết chứ, Sancho?

[Sancho Panza đưa cho Don Quixote một cuốn sách về loài chim và nói chuyện phiếm. Mặt trăng dần lên cao, đỏ ối]

DQ: Những chú chim bay ngang qua nhưng ta không thể nhìn thấy chúng.

Một viễn cảnh tận thế bao trùm phân cảnh này, trời sập xuống tối đen như mực, ở phía xa, bầu trời như sáp nhập với mặt đất, có bốn kỵ sĩ cưỡi ngựa chiến tiến về Don Quixote, gợi lên màn Khải huyền. Chúa gọi Don Quixote về với Người. Không rõ đây là thực, hay là mơ. Nhưng rõ ràng, ngay lúc ấy, Sancho Panza bị bỏ mặc và cô độc trong hành trình còn lại. Chúng ta băn khoăn liệu có phải ngay sau đêm trăng đỏ ối ấy, bộ phim chỉ đang lượm lặt và hồi cố những kí ức của Sancho Panza về người thầy, người bạn đồng hành? Ở một không gian khác, Don Quixote bước đi trong sự kháng cự sức gió kinh hoàng. Ông dùng thân thể mình hình dung ra kẻ thù, gọi tên kẻ thù, gọi tên Sancho. Bắt đầu từ lúc này, ý thức về thân thể, về cái chết trở nên mãnh liệt và lặp lại như một chủ đề. Bộ phim tạo dựng kết cấu bằng việc thiết lập những ý thức xâu chuỗi và xuyên suốt này.

2/ Bộ áo giáp biến mất

Chúng ta vẫn thường có thói quen nhận diện bản chất sự vật thông qua trang phục của nó. Vì thế, việc cho rằng phẩm chất người hiệp sĩ được thể hiện qua bộ áo giáp không phải là điều khó hiểu. Về điều này, tôi cho rằng hình ảnh hiệp sĩ không hiện hữu của Italo Calvino, chàng Agilulfo sẽ trở thành một dẫn chứng thuyết phục. Agilulfo không hiện hình bằng một thân thể, mà hiện hữu bằng sức mạnh của ý chí. Agilulfo hiện diện trong doanh trại của Hoàng đế Charlemagne bằng trang phục áo giáp. Khoác lên bộ áo giáp nặng nề nhưng đầy đủ khả năng che chắn cho khối ý chí vô hình bên trong là cách thức tối ưu để Agilulfo tìm kiếm cho mình một danh nghĩa. Điều đó thể hiện cảm thức gắn sự tồn tại của mình vào vật ngoài thân, đồng thời biểu lộ lớp nghĩa mỉa mai trước một thời đại phán xét con người qua đồng phục.

Không hiếm khi người ta bắt gặp danh nghĩa, tư tưởng, hình thái, cơ chế không tương ứng gì với tính hiện hữu. Mặt khác, thế gian đã đầy ắp sự vật, năng lực, và những con người không danh hiệu cũng chẳng kỳ tích xuất chúng. Đó là cái thời khi ý chí và lòng kiên gan trong việc hiện hữu, để lại dấu ấn, cọ xát với tất cả những gì hiện diện đã không được vận dụng trọn vẹn, bởi vì nhiều người đã không phản ứng gì – do khốn khó, do u minh, hoặc do dù có thế nào họ cũng không sao – thế nên một số tính cách ấy đã bị mai một vào hư không. Rồi cũng có thể tới một lúc nào đó, cái ý chí, cái ý thức tự thân ấy, vốn hết sức tan loãng, đã tụ lại, kết đóng với nhau, như thể các hạt bụi nước không thể nhận thấy tụ lại thành các cụm mây, và cái mối tụ đóng ấy, do tình cờ hay do bản năng, bắt gặp một danh hiệu, một dòng tộc – như hồi đó thường còn để trống – một cấp bậc trong quân ngũ, một tổng thể các nhiệm vụ để tiến hành với các quy tắc đã xác lập – và nhất là – một bộ áo giáp trống rỗng, không có nó, với thời gian như nước chảy qua cầu, ngay cả một kẻ hiện hữu cũng có nguy cơ bị biến mất, huống chi một kẻ không hiện hữu…Thế nên Agilulfo nhà Guildiverni đã khởi sự hoạt động và săn tìm vinh quang. [3;53-54]

Don Quixote trong hình dung của Serra, cũng như hiệp sĩ Agilulfo tìm kiếm những hạt bụi ý chí và danh dự có nguy cơ tụ lại và kết đóng mà ngay cả bộ áo giáp cũng không tài nào ngăn cản được. Ý thức được điều này, Don Quixote nhanh chóng nhận ra việc trú ngụ thân thể, chính xác là sự tồn tại của mình vào bộ áo giáp nặng nề có khả năng trở thành nguy cơ. Không còn cách nào khác, Don Quixote di dời đến nơi trú ngụ khác, náu ẩn mình trong tinh thần hiệp sĩ.

Nếu như ở đầu phim, Sancho Panza đều đặn thực hiện việc khoác lên người Don Quixote bộ áo giáp và thanh kiếm, chậm rãi như một nghi lễ thì càng về cuối phim, công việc ấy không còn xuất hiện.

DQ: Đưa giúp ta thanh kiếm, Sancho!

Đeo vào giúp ta.

Anh làm sai rồi. Anh cứ như đang ngái ngủ. Đêm qua anh ngáy nhiều lắm.

SP: Tôi ngáy thế nào cơ?

Don Quixote cẩn trọng tiến đến nghi lễ khoác phục trang trong một thái độ nghiêm túc và đầy quyền uy. Don Quixote xem bộ áo giáp là một công cụ biểu hiện quyền lực, ít nhất là đối với Sancho Panza. Sự hiện hữu của bộ áo giáp mang lại cho Don Quixote một sức mạnh. Và đương nhiên, tiềm thức của Quixote sản sinh ra sức mạnh trao cho bộ áo giáp chứ bản thân chiếc áo không chứa đựng ý niệm này. Cũng như việc ý thức về trọng lượng của thân thể sẽ mang đến một nhu cầu giải thoát chúng dựa trên sự nhẹ nhõm của ý chí, ở đây, việc giải trừ sức nặng của bộ áo giáp sẽ khiến cho Quixote hoàn toàn tin tưởng vào tinh thần hiệp sĩ được tích lũy từ đức tin và kinh nghiệm.

DQ: Trông anh thật mỏi mệt, Sancho.

Rất mỏi mệt.

Anh sẽ cảm thấy khá hơn nhanh thôi.

Phấn chấn lên đi, Sancho.

[Sancho lắc đầu]

DQ: Hãy nhìn lên bầu trời. Nói điều gì đấy với Chúa Trời và Ngài sẽ nghe thấy. Hãy cầu xin Ngài ban cho sức mạnh. Chúa dõi theo chúng ta.

Thật đấy, Sancho, hãy nghe lời ta bảo và chúng ta sẽ có sức mạnh.

Anh có thấy khá hơn chưa?

Nhìn lên trời cao một lát thôi và thư thái nào!

[Sancho làm theo lời Don Quixote]

DQ: Nói với Chúa: “Chúa ơi, đừng bỏ mặc chúng con”

SP: Chúa ơi, đừng bỏ mặc chúng con.

DQ: Hãy ban cho chúng con sức mạnh, thật nhiều sức mạnh.

Thả lỏng đi Sancho, Chúa sẽ ban cho anh sức mạnh.

Anh có thấy khá hơn chưa?

[Sancho khẽ lắc đầu]

DQ: Sẽ khá hơn mà Sancho.

Cố lên Sancho, đừng ủ ê như thế nữa.

Nhìn kìa, trông anh đầy năng lượng. Anh chẳng thấy thế sao?

Phải không nào?

SP: Đúng thế.

DQ: Nhìn lên trời cao đi.

Don Quixote đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa Trời. Nếu như trong tiểu thuyết, Quixote của Cervantes luôn nghĩ về Dulcinea trước khi nhớ đến Chúa, vì chàng cho rằng đó là tục lệ của giới hiệp sĩ giang hồ, thì Serra đã đẩy đức tin của Quixote lên đến tuyệt đối. Trong suốt bộ phim, khi cần đến một lời hùng biện, Quixote nghĩ ngay đến Chúa, nghĩ đến con đường mà Chúa khổ công tạo ra để giúp con người thoát khỏi sự đày ải. Quixote nhân danh cho Chúa Trời, chứ không phải là bộ áo giáp để thực hiện những cuộc chạm trán đòi hỏi công lý. Tất cả những phép xử lí chuyển thể của Serra đều hướng đến cảm quan về cái mơ hồ, không có thực. Chúng nhẹ nhõm như những cơn gió nhưng cũng thật nặng nề khi Quixote buộc phải hình dung ra một kẻ thù hiện diện trước mắt. Chúng trong trẻo như bầu trời trên cao nhưng cũng đầy hoài nghi khi buông xuống những ý niệm không rõ ràng về Chúa. Khi cần Chúa, Quixote dạy Sancho ngước lên trời và cầu cứu. Chúa là cả bầu trời, Chúa cũng có thể chỉ là một chấm nhỏ xíu hiện hữu đâu đó giữa các vì tinh tú. Hướng đến Chúa, hướng đến tinh thần hiệp sĩ mạnh mẽ và tuyệt đối này, Quixote không cần bộ áo giáp như một thứ phục trang hay tuyên ngôn.

3/ Don Quixote trở lại

Ý thức về thân thể hay bộ áo giáp như một thứ có giới hạn và bị ràng buộc, Don Quixote kết thúc hành trình phiêu lưu của mình bằng cái chết về mặt sinh học. Thực tế tiểu thuyết cho thấy, Don Quixote đã đau đớn đến chết vì nhận ra tác hại ghê gớm của sự điên rồ bấy lâu. Điều đó có nghĩa là, Don Quixote chết đi ngay khi ý thức được việc mình biến thành “kẻ khác” là điều vô lí. Và hơn thế nữa, Quixote cảm thấy những lí lẽ của mình sẽ tiềm tàng nguy cơ hủy diệt trật tự thế giới vốn có. Độc giả cảm thấy thỏa mãn với cái kết này, vì cho rằng Cervantes tỉnh táo đã sớm giúp Quixote thoát khỏi sự đày đọa điên rồ mà chàng tự tạo ra. Nhưng không phải ai cũng nhất trí với sự hối cãi này, Serra nhận ra, Don Quixote buộc phải chết, vì đó là lẽ tự nhiên, là “ngày hết date” của thân xác. Don Quixote phải về với Chúa vì chàng đã mỏi mệt với kiếp nhân sinh, nhưng cũng là lúc chàng hoàn thành sứ mệnh mà Chùa Trời phó thác. Chàng đã dẫn dắt Sancho đến với Chúa, để phụng sự Chúa, nhưng cũng chính là phụng sự niềm yêu thích của Sancho. Chúng ta hãy đọc lại đoạn thoại giữa Sancho và một kỵ sĩ lạ mặt khác:

KS: Hãy nói với tôi đi. Hẳn là anh có thứ để nói!

SP: Ừ thì có rất nhiều cuộc phiêu lưu.

KS: Cuộc phiêu lưu ư?

SP: Những cuộc phiêu lưu mang tinh thần hiệp sĩ.

KS: Hồi còn bé, anh có thích những món đồ gắn với những cuộc phiêu lưu và hiệp sĩ không?

SP: Tôi chưa bao giờ.

KS: Anh đã bao giờ sát hại ai chưa?

SP: Tôi chưa. Nhưng Quixote thì có đấy.

KS: Thật sao?

Bao nhiêu mạng?

SP: Hai.

KS: Hai sao?

Ông ấy đã giết họ ra sao? Anh có chứng kiến không?

SP: Với lưỡi kiếm của ông ta.

KS: Quixote có phải là tay kiếm cừ không?

SP: Quixote biết nhiều thứ.

KS: Kể tôi nghe Quixote đã sát hại hai mạng người bằng thanh kiếm ra làm sao.

SP: Như thế này.

[SP làm một động tác rất nhẹ nhõm và chẳng màng tiếp tục]

KS: Sao anh lại chu du cùng Quixote?

SP: Vì tôi thích.

KS: Với Quixote sao?

[SP gật đầu]

KS: Anh có còn là Sancho nếu Quixote chẳng có trên cõi đời này?

SP: Ai biết nhỉ?

KS: Anh có nghĩ Quixote hiểu anh không?

SP: Tôi nghĩ có đấy.

KS: Quixote bây giờ ở đâu?

Anh sẽ đợi chờ Quixote chứ?

SP: Đúng vậy.

KS: Liệu có lâu không?

Quixote có bao giờ để anh phải đợi lâu không?

SP: Cũng đôi khi đấy.

KS: Quixote là một hiệp sĩ.

SP: Đúng vậy.

KS: Quixote có vợ không?

SP: Có.

KS: Sao anh không trở về nhà và lấy vợ nhỉ?

SP: Chắc là thế.

KS: Anh có nghĩ mình sẽ làm gì sau khi kết thúc mọi thứ thế này?

SP: Tôi chưa biết.

KS: Thế lúc trước anh làm nghề gì?

SP: Tôi làm việc chân tay.

KS: Anh đã xây nên nhiều ngôi nhà chứ?

Anh có thể xây một ngôi nhà cho riêng mình mà.

SP: Tôi không đủ sức xây cho mình một ngôi nhà đâu.

Sancho yêu thích việc được trải nghiệm cùng Quixote. Và chàng mơ hồ nhận ra dường như ý nghĩa tồn tại của mình gắn liền với sự tồn tại của Don Quixote. Nhưng đồng thời hãy nhớ lại cảnh quay này:

DQ: Sancho! Ta đang đợi anh đấy? Anh đang giận sao? Anh không nghe ta gọi anh sao.

SP: Tôi đi đây.

DQ: Đừng để ta phải hét lớn. Quay lại đây ngay. Anh sẽ đi đâu chứ? Anh luôn lạc đường.

Quay lại ngay, Sancho.

Sancho, quay lại ngay.

[SP vẫn tiếp tục đi không ngoái đầu lại]

Tạm biệt Sancho.

Đồ hèn.

Sau tất cả những gì ta làm cho anh, anh chẳng xứng đáng đi cùng ta nữa.

Tạm biệt Sancho.

Anh đi cùng ta chứ? Nói có đi nào.

Tạm biệt Sancho.

DQ: Nghĩ mà xem anh đã lạc lối thế nào? Nếu ta không lên tiếng, anh sẽ chẳng quay lại. Anh có nghĩ về những gì ta đã nói không đấy? Nghĩ đi Sancho. Nghĩ về những điều ta nói. Nó tốt cho anh và cho cả Chúa. Bởi lẽ rằng anh đã lạc lối. Ta sẽ dẫn dắt anh vì ta cũng từng lạc lối. Ta đã lạc đường nhưng ta tìm thấy lối ra. Anh có còn muốn đi cùng ta không, Sancho? Chúng ta sẽ tìm thấy lối đi. Nhưng trước hết hãy đưa tay anh cho ta. Chúa bảo chúng ta là anh em. Ta là anh, còn Sancho là em.

[SP đưa tay cho DQ]

Hãy nhìn lên trời cao và nói: “Mãi mãi như thế”

Chúng ta hãy nhìn lên trời cao và nói: “Chúa ơi, ngài thật vĩ đại”

SP: Chúa ơi, ngài thật vĩ đại.

DQ: Ngài thật vĩ đại, Chúa ơi!

Mãi là như thế.

Chúa nghe chúng ta nói gì đấy, Sancho ạ.

SP: Vâng.

DQ: Chúa nghe cả đấy. Tuy ở trên cao kia nhưng Chúa là lối đi khả tín.

SP: Vâng.

DQ: Xin Chúa hãy nâng đỡ Sancho. Anh ấy nguyện đi theo con đường của Người. Hãy nâng đỡ Sancho. Chúa lên tiếng gọi con, con sẽ có mặt. Thưa Chúa, con sẽ có mặt, nhưng giờ con phải giúp Sancho nhận thấy lối đi của Người. Con cần thời gian trước khi đến với Người. Con phải ở bên Sancho.

Nếu Don Quixote giữ khoảng cách với Sancho Panza vì cho rằng anh ta chẳng hiểu gì về Chúa, thì Chúa Trời sẽ khiến Don Quixote gục ngã trong niềm tuyệt vọng đau đớn, Sancho cũng không hiểu được ngài. Điều này giải thích cho việc Serra lặp đi lặp lại hình ảnh Don Quixote nhìn lên bầu trời, rằng ta chỉ có thể tìm thấy niềm sẻ chia bởi một con người chứ không phải là Chúa Trời. Sancho là một lời nhắc nhở, thậm chí là sự kìm hãm tinh thần của Quixote trong những lúc ông quá phấn khích với tư tưởng hiệp sĩ của mình. Erich Auerbach đã đặt ra câu hỏi, liệu Sancho có coi thường hay giễu cợt Quixote không? Ngay lập tức, ông cho rằng, Sancho yêu và tôn sùng chàng, dù lắm khi nhận ra Quixote có vẻ điên rồ. Auerbach cho rằng, xã hội kiểu Don Quixote làm Sancho tốt hơn và thông minh hơn vốn có và sự thông tuệ của chàng không phải là sự thông tuệ của một người điên mà đó là phẩm cách của một kẻ khiêm nhường, có ý thức. Sancho Panza không phải là đầy tớ tháo vát như trong tiểu thuyết của Cervantes, ở anh là một sự hoài nghi ẩn sau vẻ chậm chạp nhút nhát nhưng hơn ai hết, Sancho hiểu rõ ý nghĩa công việc của mình, và anh nuôi dưỡng niềm tin từ con số không tròn trĩnh.

Don Quixote và Sancho không đặt ra một điểm dừng nào cho cuộc phiêu lưu. Trong suốt hành trình, họ nói với nhau những mẩu truyện nhỏ về đức tin, về việc nuôi một đàn chó, hay việc hiểu về những loài chim, và tình bạn của họ gắn kết từ đấy. Họ sẽ nghỉ ngơi khi thấy mệt mỏi, khi ánh sáng lụi tàn. Họ sẽ xa nhau khi cảm thấy ngột ngạt và cần khoảng cách. Nhưng họ cũng sẽ phải cách xa mãi mãi khi tâm hồn Sancho hiểu ra những điều mà Quixote gửi gắm. Ngay khi Sancho nhận thấy được điều này, Don Quixote đã quay trở lại, bằng một hình dung tinh thần và ý chí không mỏi mệt. Điều này khiến cho tôi nhận ra mối dây ràng buộc càng tình tiết đứt đoạn và các đoạn thoại nứt rạn trong bộ phim, đó chính là sự trở về của cái nhẹ như một tiết lộ về ý niệm mới của sức nặng. Sự trở về của Quixote không hiện hình nhưng hiện hữu trong tâm trí của Sancho có sức mạnh hơn bất kì một lời thuyết phục hay trách cứ nào. Lẽ đương nhiên, niềm tin mà Sancho có được là kết quả của một quá trình trải nghiệm cùng Don Quixote, nhưng ở khía cạnh khác, chẳng phải hình dung về những hồi cố có sức mạnh lớn hơn bất kì một hiện diện nào của ngôn từ sao?

DQ: Anh biết đấy Sancho, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều cuộc phiêu lưu. Và tuy chúng ta thắng trận nhưng ta vẫn buồn rầu. Cuộc sống là lộ trình của những ủ dột. Ủ dột là bởi trên đời này toàn những kẻ kém cỏi. Chúa cho ta thấy con đường dẫn đến sự chết chóc. Người bảo rằng, “Lại đây nào, Quixote, lại đây”. Ta mỏi mệt lắm Sancho. Nhưng anh phải tiếp tục công việc ta giao phó. Ta biết Chúa đã gọi tên ta rồi. Và ta cảm thấy uể oải vì nhận thấy mùi chết chóc. Nhưng ta đặt niềm tin vào anh, Sancho. Chúa nói rằng, anh phải đảm đương công việc mà Chúa đã bắt đầu, Chúa gửi gắm vào anh. Anh phải thề rằng anh sẽ gánh lấy trách nhiệm này. Ta cũng phải chết thôi, Sancho. Quixote yêu mến Sancho, và Chúa cũng thế. Anh không thấy ta hư hao sao? Chúa gọi ta lên thiên đường. Chúa gọi thế đấy, Sancho. Nhưng từ thiên đường, ta sẽ dõi theo anh như việc anh theo đuổi con đường của ta. Sancho, anh làm được điều đó chứ? Nói là có thể đi Sancho?

SP: Tôi có thể.

DQ: Ta muốn rơi nước mắt rồi này. Anh biết tại sao không? Vì ta nhận thấy mình đang bỏ rơi anh.

Càng về cuối phim, SP ngẩng nhìn trời nhiều hơn bao giờ hết. Vì ngay chính lúc này, anh thấy nhớ DQ, như thể nhớ những lời dặn dò, nhớ những câu chuyện, nhớ sự điên rồ của DQ mà anh rất mực yêu mến.

DQ: Anh thấy không, Sancho? Tinh thần hiệp sĩ là điều văn minh. Nó đền đáp cho những người dám nói sự thật, và trừng trị những kẻ dối trá. Tinh thần hiệp sĩ là ngọn nguồn của mọi hành động. Hiểu không Sancho? Từ những tia sáng trong mắt anh, ta biết là anh hiểu.

Cảnh quay cuối thâu nhận sự vật như một thấu kính lồi, tạo cảm giác lùi xa về không – thời gian, khiến cho câu chuyện này như là một hồi ức. Nhịp điệu cuối phim là một bản nhạc trầm tĩnh, yên ắng, gợi cảm thức hoài nhớ thế giới utopia từ thực trạng dystopia, nghĩa là con người phải vận động tâm trí để kháng cự thế giới, buộc phải khai thác những niềm khả tín còn sót lại.

Albert Serra giữ lại linh hồn sầu muộn đáng thương của Don Quixote, đồng thời kích hoạt những ẩn ức tâm hồn của Sancho Panza. Panza không còn là một anh giám mã hồn nhiên và vô ưu trong tiểu thuyết, Panza không hân hoan khi nhận được món lợi tức Quixote trao trả trước khi chết, Panza nhận thấy việc hướng tầm mắt lên phía xa xăm của bầu trời là một điều cần thiết để đón nhận nguồn sức mạnh mà Chúa Trời và Don Quixote gửi gắm.

Tôi sẽ kết thúc tiểu luận này bằng một huyền thoại Hy Lạp. Đó là câu chuyện về hoàng tử Cadmus xứ Phoenicia, chàng giết con rồng khổng lồ và ném những chiếc răng nhọn sắc của nó xuống đất. Không lâu sau đó, những chiếc răng nảy vọt lên một đội quân dũng mãnh. Và hình ảnh này dễ làm chúng ta liên tưởng đến những thiết chế, trật tự được xác lập trong quân sự, trong xã hội, trong những hàng chữ cái. Sự trật tự ấy là một đè nén không thể chịu đựng được, nảy sinh từ những chiếc răng nhỏ bé. Cái nhẹ tồn tại trong vũ trụ nhờ một sự tích lũy những nguồn năng lượng không hề ít ỏi, và chúng được giải phóng trong một sự hiện hình phi trọng lượng nhưng là sự hiện hữu đầy kìm nén. Như thể Italo Calvino đề ra cái nhẹ là một ý niệm trong sáng tác văn chương, một phép ửng xử của đời sống hiện đại, tôi cho rằng đây là một ý niệm hứa hẹn sẽ tạo nên nguồn cảm hứng màu mỡ cho những thể nghiệm suy tư đời thường và sáng tạo nghệ thuật.

 

CHÚ THÍCH:

  • (1) Đọc thêm: Milan Kundera, Di sản bị mất giá của Cervantes

  • (2) Đọc thêm: Milan Kundera, Trò chuyện về tiểu thuyết

(3), (4) Đọc thêm: Italo Calvino, Những bài giảng Mỹ – Sáu điểm ghi nhớ cho thiên niên kỷ tới, Cao Việt Dũng dịch, tạp chí Văn học nước ngoài, số 1, 2 năm 2007

(5) Đọc thêm: Kathleen Murray, To Have and Have Not: An Adaptive System, in trong True to the spirit, Colin MacCabe, Katheleen Murray, and Rick Warner biên tập, Oxford University Press, 2011

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Erich Auerbach, Mimésis – Phương thức biểu hiện thực tại trong văn học phương Tây, Phùng Kiên dịch, NXB Tri thức, 2014

  • Italo Calvino, Nam tước trên cây, NXB Văn học, 2009

  • Italo Calvino, Hiệp sĩ không hiện hữu, NXB Văn học, 2012

  • Stephen Hawking, Lược sử thời gian, Cao Chi, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Trẻ, 2012

  • Leonard Shlain, Nghệ thuật và vật lí, Trần Mạnh Hà, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Tri thức, 2014

 

Nguồn: https://hieutn1979.wordpress.com/2015/05/13/y-niem-ve-cai-nhe-trong-bo-phim-honor-de-cavalleria-cua-albert-serra/

Comments are closed.