Nỗi buồn nhân tính – Bàn về truyện ngắn “Bội phản” của Bảo Ninh

Hạ Lộ* 

Bao-Ninh-1

Nhà văn Bảo Ninh

Tiểu thuyết của Bảo Ninh, thường dùng ngôn ngữ tự sự và góc nhìn độc đáo để thu hút độc giả, ví dụ tác phẩm thành danh “Nỗi buồn chiến tranh” của ông đã đi ngược lại với phong cách đại tự sự của văn đàn Việt Nam đương thời, lấy hồi ức thấm đẫm thương cảm của một người lính bình thường tên Kiên lên án những đau thương mà chiến tranh đem đến cho xã hội và từng cá nhân, làm chấn động cả văn đàn. Từ đó trở đi, nhiều bóng đè chiến tranh đã xen vào trong không ít tác phẩm của ông. Tuy nhiên, là một nhà văn có trách nhiệm xã hội và sứ mệnh lịch sử, Bảo Ninh cũng liên tục tìm tòi những đề tài và phương pháp sáng tác mới, không ngừng vượt qua bản thân mình. Năm 2009, ông xuất bản tập truyện ngắn “Văn mới”, những tác phẩm trong đó từ hình thức đến nội dung đều có những cách tân rõ rệt so với trước. Trong đó, “Bội phản”, là một trong số những tác phẩm tiêu biểu.

Văn xuôi tự sự Việt Nam có một truyền thống, đó là phản ánh cuộc sống xã hội thông qua vận mệnh của nhân vật nữ. Cho dù là “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, hay “Cung oán ngâm khúc” cũng đều như vậy. Bảo Ninh trong “Bội phản” không biết vô tình hay hữu ý đã kế thừa truyền thống này. Truyện tuy lấy hồi ức về mùa hạ năm 17 tuổi của một thanh niên nhà giàu “tôi” để triển khai, nhưng tất cả các câu chuyện lại xoay quanh một người con gái yếu đuối mà đặc biệt tên Thảo, trên một ý nghĩa nào đó có thể nói tác phẩm này là một “Câu chuyện về Thảo.” Tuy nhiên, nhà văn không hề đặt tên như vậy, thậm chí không giống với tên gọi của bất cứ tác phẩm nào trong “Văn mới”, “Bội phản” trực tiếp dùng từ Hán Việt làm tên, “bội phản” là nội dung chủ yếu, là tư tưởng trung tâm của tác phẩm, là một tổng kết mang ý nghĩa nhân tính. Cách đặt tên này, so với tên gốc của “Truyện Kiều” – “Đoạn trường tân thanh” có sự gặp gỡ diệu kì, như hai khúc nhạc khác nhau mà hiệu quả như nhau.

NỘI DUNG TRUYỆN: TRÀN NGẬP SỰ KIỆN BỘI PHẢN

 “Bội phản” vẫn kế thừa phương thức tự sự mang tính hồi ức của tác giả, nhìn bề ngoài tưởng như lạnh lùng, nhưng dưới mặt nước bình lặng ấy là cả một đại dương đang cuộn sóng.

Mở đầu truyện miêu tả Thảo là một người con gái đặc biệt, trừ những người thuộc về số ít được gọi là chính nhân quân tử ra, những người đàn ông bình thường nhìn thấy cô sẽ đều “không tài gì thấy Thảo lại có thể nhịn nhìn”. Tiếp theo, tác giả kể về cuộc sống vất vả bôn ba của Thảo và vài hộ gia đình sống ở “nhà phụ sân sau” khu biệt thự nhà tôi. Dưới hoàn cảnh như vậy, quan hệ của tôi và Thảo rất đỗi bình thường, nhưng sau đó không biết run rủi thế nào, Thảo lại đồng thời có rất nhiều quan hệ với anh chị em trong gia đình “tôi”, mà những mối quan hệ này lại chính là một chuỗi liên hoàn những sự kiện bội phản:

Một tuần trước lễ cưới của chị gái, “tôi” đã bắt gặp Thảo trong lần đi tuần cùng với đội dân phòng ở vườn thực vật, bất ngờ là từ chiếc xe đạp bên cạnh Thảo mà biết được anh rể tương lai – Quân đã phản bội lại chị gái “tôi”. “Tôi” 17 tuổi, có lẽ lần đầu nhìn thấy một thân thể khác giới lõa lồ, vô thức đi đến giúp Thảo cài lại cúc áo, mong muốn được tiếp xúc gần với da thịt của cô hơn. Bởi bí mật nhỏ này, và cũng vì chị gái “sẵn sàng trả giá bằng cả tính mệnh cho tình yêu” làm cho tôi không nỡ nhẫn tâm vạch trần sự giả dối của Quân, sau đó chị gái và Quân cử hành hôn lễ như dự kiến. Anh trai tên Minh đang làm luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô cũ, vì bố của bạn gái bị đột quỵ mà phải cấp tốc về nước cưới chạy tang với chị Diễm – con em cán bộ cấp cao, đẹp vào loại nhất khu phố. Nhưng, sau khi nhìn thấy Thảo, anh trai Minh đã phản bội hôn ước, không quan tâm dến dòng dõi, tuyên bố sẽ ở bên Thảo. Đồng thời, anh Quân cả ngày tỏ vẻ yêu thương với chị gái “tôi”, nhưng mỗi đêm đều lợi dụng lúc người vợ đang mang bầu ngủ say chuồn đến nhà Thảo vụng trộm. Mà Thảo thì, một mặt chấp nhận sự quan tâm của anh trai “tôi” như một người tình, một mặt lại vụng trộm với anh rể “tôi”; sau khi anh trai “tôi” cùng với cô giải quyết hậu sự của cha cô, cô đột nhiên bán nhà và tài sản, biến mất không tăm tích. Trong quá trình này, anh rể Quân luôn tìm cách chuyển công tác vào Nam. Nhưng trước khi vào Nam một ngày, anh ta lại đột nhiên thay đổi ý định, lấy lí do phải quan tâm đến gia đình, hủy bỏ tất cả thủ tục đã làm xong cho việc chuyển công tác. Lúc “tôi” giúp anh đi trả vé ở ga tàu, phát hiện ra Thảo đứng trên sân ga dường như đang chờ một ai đó, vì người đó không đến mà tuyệt vọng. Câu chuyện đến đây dừng lại, để lại cho người đọc một khoảng không gian tưởng tượng cực lớn.

Trong truyện ngắn chỉ khoảng trên dưới 1 vạn chữ này, tác giả đã dựng nên một bức tranh nhân tình thế thái phức tạp mà ở đó mọi người phản bội lẫn nhau. Trong truyện ngắn chỗ nào cũng đầy rẫy sự phản bội: Thảo phản bội Minh; Minh phản bội vị hôn thê tương lai Diễm và gia đình mình; tôi phản bội anh trai chị gái; Quân phản bội tất cả những gì anh ta có thể phản bội (vợ, Thảo, thậm chí cả bản thân mình). Những người phản bội này đã phản bội người khác, và cũng bị người khác phản bội. Đọc truyện ngắn này, liên tưởng đến tác phẩm trước đây của ông, người đọc không kìm được sẽ như Kiên – nhân vật chính trong “Nỗi buồn chiến tranh” gào thét và truy vấn một cách thống khổ với cuộc sống thời hậu chiến

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT: ĐẶC TÍNH CỦA NHÓM NHÂN VẬT BỘI PHẢN

            Mỗi nhân vật trong truyện ngắn này đều rất đặc sắc.

Đầu tiên là Thảo, đây là nhân vật chính thực sự của toàn thiên chuyện, những từ ngữ trực tiếp miêu tả cô không hề nhiều, thậm chí cũng không hề miêu tả ngoại hình của cô, tất cả những gì liên quan đến cô dường như đều được thể hiện ra trong quan sát của “tôi”. Thảo cũng như cái tên của cô, hèn mọn như vậy, nhỏ bé như vậy nhưng lại kiên nhẫn, tràn đầy sức sống. Cô sống ở khoảng sân sau nhà “tôi”, bởi vì các anh trai một người hi sinh trên chiến trường, một người trong ngục, bất đắc dĩ cô phải bỏ học giữa chừng, chăm sóc người cha bệnh nặng. Hơn nữa bởi vì thiếu năng lực mưu sinh, cô không thể không mỗi đêm ra ngoài, làm công việc thấp hèn đó. Cho dù truyện ngắn không hề trực tiếp đề cập đến công việc Thảo làm là công việc thấp hèn như thế nào, nhưng người đọc có thể đoán ra nó nhất định là có liên quan đến đàn ông.

Trong truyện ngắn có nhắc đến: “người hơi đàng hoàng một chút, là không nhìn hoặc là tránh nhìn Thảo”, điều này nói lên đàn ông nhìn Thảo chẳng có ý tốt đẹp gì, trong ánh mắt họ hàm ẩn những dục vọng không phù hợp với đạo đức. Quân, anh trai Minh đều có những vướng mắc tình cảm với cô, buổi tối trong vườn thực vật, “tôi” và cô không hề quen biết, nhưng bất giác không thể kìm được, cài lại cúc áo cho cô, điều này nói rõ trên người của Thảo có rất nhiều tố chất có thể hấp dẫn người khác giới. Đương nhiên những người đàn ông trên đường nhìn Thảo, là bởi vì Thảo rất bé mọn, yếu đuối, đồng thời cũng rất có sức hấp dẫn, điều này làm cho trong ánh nhìn của đàn ông hỗn tạp rất nhiều loại tình cảm như hiếu kì, chế giễu, coi khinh, chiếm hữu,…. Cô cũng nhất định đã thông qua quan hệ ám muội với một vài người đàn ông để đổi lấy sự trợ giúp về kinh tế, duy trì cuộc sống. Ví dụ đội trưởng đội dân phòng trong truyện ngắn lúc nhìn thấy Thảo đã biểu hiện có chút bất thường, nói những câu như “Cái thằng đó (là) thằng nào thế, sao thằng đểu, thằng hèn thế mà cũng theo”, thể hiện đội trưởng dân phòng và Thảo đã từng quen biết, quan hệ không hề bình thường.

Truyện ngắn không trực tiếp miêu tả Thảo đã cám dỗ đàn ông như thế nào, nhưng dựa vào những lời đồn của những người đàn bà trong mảnh sân sau, chị gái “tôi” sau khi biết được chân tướng gọi cô là “con đĩ”, cho thấy Thảo không phải là một người con gái có thể chấp nhận theo quan niệm truyền thống. Tuy nhiên, cũng như hành động bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, là một người con gái đơn thân, không có công việc ổn định, lại phải chăm sóc người cha bệnh nặng, thứ duy nhất mà cô có thể bán chỉ có thể là chính mình, điều này có thể xem như vì chữ hiếu mà mất chữ trinh. Sau khi Quân và chị gái “tôi” kết hôn, hai người sống đối diện trước mặt Thảo, Thảo cũng không hề oán hận, thậm chí, lựa chọn cách lặng lẽ tránh đi. Chỉ dựa vào điểm này, người đọc có thể biết Thảo nếu không phải là độ lượng một cách khác thường, thì cũng là có những dự định xa hơn. Quả nhiên, sự xuất hiện của Thảo trong đoạn kết đã giải thích hiện tượng này, Thảo có lí tưởng, cô muốn chạy trốn khỏi hoàn cảnh cũ, muốn xa rời những lời dị nghị của mọi người, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Cô vì lí tưởng này mà liên tục nhẫn nại. Nhưng bi kịch ở chỗ, Thảo đã quá tin tưởng Quân, hoặc là đã thực sự yêu Quân. Nếu không phải là như vậy, cô hoàn toàn có thể lợi dụng cơ hội kết hôn với anh Minh.

Thứ hai, “tôi” cũng là một nhân vật vô cùng đặc biệt. “Tôi” khá mâu thuẫn: một mặt, “tôi” dường như rất ngây thơ, là một người chưa bước sâu vào cuộc sống, thái độ dửng dưng, không quan tâm đến điều gì. Ở một phương diện khác, “tôi” lại là một kẻ hiểu đời, bộc lộ ra ở vẻ thâm trầm lạnh lùng. “Tôi” trong bất cứ việc gì cũng đều thể hiện sự thuận tùng, không để xảy ra sự cố gì. Khi Quân ở rể, “tôi” không hề có dị nghị, cho dù tôi không muốn nhường anh ta gian phòng rộng rãi; khi anh trai phản nghịch, “tôi” cũng không nói gì, chỉ âm thầm khâm phục anh; sau khi biết Quân phản bội chị gái, “tôi” không hề vạch trần anh ta, mà chỉ giả vờ như không biết. Nhân vật như vậy, chính là đại biểu của một người bình thường như hàng ngàn hàng vạn người khác.

Người thứ ba là Quân, cũng như cái tên của anh ta, anh ta luôn chiến đấu, nhưng chỉ là vì lợi ích của mình. Trong thế giới của anh ta, chỉ có lợi ích của mình là cao nhất. Anh ta giỏi ngụy trang, sau việc trong vườn thực vật, anh ta vẫn đến nhà “tôi” như không có việc gì, hơn nữa, rất nhanh tạo được vỏ bọc về một tổ ấm hạnh phúc dưới mắt người yêu. Nhà văn không hề miêu tả hoàn cảnh xuất thân của Quân. Nhưng từ việc anh ta chấp nhận ở rể, cho thấy điều kiện kinh tế của nhà anh ta chắc chắn là thấp kém, chí ít thì cũng thấp hơn nhà “tôi”. Tình cảm mà anh ta nảy sinh với Thảo sâu sắc hơn những người khác, cho thấy họ có thể là cùng một tầng lớp. Anh ta bất chấp tất cả để leo cành cao, muốn thông qua hôn nhân để thay đổi số phận; nhưng từ trong cõi lòng, anh ta có thể có nhiều đồng cảm hơn với Thảo. Có lẽ cuộc hôn nhân kia được nhen nhóm từ một suy nghĩ ích kỉ nên sau này mới dẫn đến một loạt những hành vi ích kỉ như vậy. Vừa nhìn thấy đội dân phòng, anh ta đã vứt bỏ lại Thảo, có lẽ là không muốn vì Thảo mà hủy hoại cành cao không dễ gì trèo lên được của mình; tiếp theo, để ở rể trong nhà “tôi”, anh ta tiếp tục vứt bỏ lại Thảo một cách vô tình; tuy nhiên, sau khi nhìn thấy tình yêu giữa anh Minh và Thảo, anh ta lại sinh lòng đố kị, một lần nữa khôi phục tình yêu của mình với Thảo, thậm chí còn có kế hoạch bỏ trốn. Cuối cùng, anh ta cân nhắc lợi hại, một lần nữa phản bội lại Thảo. Sự phản bội chồng chất của anh ta với Thảo, đương nhiên, đồng thời cũng là sự phản bội của anh ta với chị gái “tôi”. Anh ta giống như một người lính bị lạc giữa cánh đồng hoang, vừa khao khát tìm thấy một tổ chức có thể che chở cho mình, lại muốn hưởng thụ niềm vui của sự tự do; tuy nhiên, dù sao cũng không thể cùng một lúc đạt được cả hai điều.

Cuối cùng nói về người anh trai tên Minh. Truyện ngắn đạt đến cao trào khi viết đến câu chuyện giữa Minh – anh trai “tôi” và Thảo. Minh là con em của gia đình gia thế du học trời Tây, nhưng trước đêm hôn lễ lại hủy hôn để yêu một người con gái mọn hèn như Thảo. Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình học tập tại đất nước tự do làm anh ta tràn đầy tinh thần phản nghịch, cho dù là yêu Thảo, hay quyết tâm bỏ nhà ra đi, đều thể hiện phong cách tự do cá nhân của anh ta. Nhìn từ góc độ của “tôi”, anh trai không hề yêu Thảo đến mức độ có thể hủy bỏ hôn ước, anh ta chỉ đang bảo vệ quyền tự quyết của mình. Anh vừa trở về từ Liên Xô, tiếp nhận tư tưởng tự do yêu đương, tưởng rằng việc yêu đương là việc của hai người. Mặt khác, Thảo dường như cũng không thực sự yêu Minh hoặc là không dám làm tổn thương đến sự thuần khiết của Minh, từ nhiều chi tiết có thể thấy, Minh giống như đơn phương một phía hơn. Cho dù là tuyên thệ trước cổng, hay xưng hô thân mật trong buổi giỗ, đều là hành vi đơn phương của anh ta, Thảo không hề chủ động. Việc yêu đơn phương này và cả gan hủy hôn trước đó của Minh, dường như chỉ là để chứng minh mình phải thoát khỏi sự trói buộc của truyền thống, học tập tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của phương Tây.

 NGHỆ THUẬT KHOẢNG TRỐNG: SỰ PHÊ PHÁN VÀ THƯƠNG XÓT KHÔNG LỜI

Truyện ngắn của Bảo Ninh rất hấp dẫn người đọc, nhưng, khi bạn muốn nắm bắt điều gì đó, nó lại lặng lẽ vuột qua. “Bội phản” cũng như vậy, tất cả đều cần người đọc tự mình tưởng tượng, tự mình lấp đầy. Ví dụ kết thúc truyện xét đến cùng là thế nào? Câu đố đã được giải như thế nào? Là Thảo sẽ trở về làm ầm lên, hay là lương tâm của Quân lên tiếng? Tác giả không viết một từ.

Hình thức này rất giống với thủ pháp “khoảng trống” trong nghệ thuật Trung Quốc. “Khoảng trống” vốn là thủ pháp quan trọng trong sáng tác hội họa Trung Quốc, sau đó lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực nghệ thuật. “Khoảng trống” trong tranh Trung Quốc là một sáng tạo nghệ thuật được xây dựng trên nền tảng tưởng tượng nghệ thuật, nó thông qua quan hệ hư thực, qua cái “không” để nói cái “có”, kiếm tìm những tạo hình ý tượng trong mỹ thuật, thể hiện nghệ thuật đặc thù trong hội họa Trung Quốc.” Ví dụ, bức tranh “Hàn giang độc điếu đồ” của Mã Viễn thời Nam Tống, trong bức tranh, ta chỉ nhìn thấy một con thuyền nhỏ, một ngư ông buông câu, không có một làn nước, nhưng lại làm cho người ta cảm thấy khói sóng mênh mông. Chỗ trống dành cho sự tưởng tượng, nghệ thuật “khoảng trống” lấy cái “không” để nói cái “có” là như vậy, nó thể hiện cái gọi là “cái vắng mặt còn có giá trị hơn cái có mặt”. “Bội phản” của Bảo Ninh chính là một tác phẩm sử dụng điêu luyện nghệ thuật “khoảng trống”.

Ví dụ, sau khi anh Quân và chị gái “tôi” kết hôn, vì sao Thảo lại không oán hận? Lúc đầu độc giả có thể sẽ tưởng rằng hoặc là Thảo quá độ lượng; hoặc là cô và Quân đã cắt đứt quan hệ với nhau, sẵn sàng chấp nhận hiện thực. Sự thực không như vậy, Thảo không chỉ trách Quân, sau đó lúc Quân đi tìm Thảo, Thảo cũng không hề phản đối, trái lại còn để cho Quân vào ở nhà mình qua đêm. Nhưng khi Quân nhìn thấy Thảo và Minh thân mật với nhau, anh ta lại hút thuốc uống rượu, tiều tụy vạn phần. Chính lúc này, người đọc cần có năng lực tưởng tượng để phán đoán, để điền vào khoảng trống mà tác giả để lại: có lẽ Thảo và Quân từng có một ước định, Quân đáp ứng Thảo sẽ đưa cô rời xa khỏi nơi đây, nhưng điều kiện là không thể làm phiền nhiễu đến cuộc sống hiện giờ của Quân. Như vậy, Quân mới có thể dám hẹn Thảo trước lễ cưới một tuần, và chỉ có Thảo và Quân đã thương lượng trước với nhau, nên lúc biết rằng Quân sắp kết hôn, cô mới có thể bình tĩnh như vậy.

Dưới tiền đề tiên đoán này, cả câu chuyện chắc hẳn như thế này: cho dù là do quyền thế của gia đình “tôi” hay là tình yêu thật sự giữa hai người, Quân đã theo đuổi chị gái rất nhiều năm, nhưng sau khi Quân gặp Thảo, anh ta phát hiện ra mình muốn chọn Thảo hơn, nhưng lại không bằng lòng vứt bỏ người chị đã sắp có trong tay. Cho nên Quân hứa với Thảo, anh ta sẽ đưa Thảo đi, điều kiện là Thảo tạm thời không quấy rầy cuộc sống của anh ta. Thế là, Thảo nhẫn nhịn tất cả mọi việc trước mắt, chờ đợi Quân thực hiện lời hứa. Nhưng, mãi khi người cha qua đời, Thảo vẫn không thấy Quân hành động, cô bắt đầu nghi ngờ Quân có giữ gìn lời hứa, cảm thấy Quân lừa dối mình. Cho nên cô đã làm một việc động trời, yêu anh trai “tôi”. Một là có thể kiểm nghiệm Quân, hai là nếu như Quân thực sự lừa dối mình, anh trai cũng có thể là một lựa chọn không tồi. Cho nên, độc giả đọc ra Thảo không hề thực sự yêu anh trai, cô chỉ lợi dụng anh trai mà thôi.

Nhưng đây chỉ là một khả năng trong số nhiều khả năng, quan hệ giữa Thảo và Quân, Thảo và anh trai, Thảo và tôi còn có rất nhiều giả thiết. Cả câu chuyện có rất nhiều tình tiết không được viết rõ ràng, nhưng lại vẫn đảm bảo sự nối liền của các tình tiết, giống như là nghệ thuật “khoảng trống” trong tranh Trung Quốc, giữa các khoảng trống để lại không gian liên tưởng vô hạn cho người đọc. Những tình tiết nhà văn không miêu tả, còn sâu sắc hơn cả những tình tiết mà có thể được trực tiếp nhìn thấy, để lại dư âm vô tận trong lòng người đọc. Người đọc bắt buộc phải phối hợp cùng tác giả, dùng lô gic đi lấp đầy những câu chuyện mà ông chưa nói ra. Trong truyện, cho dù là sự vô tình bạc nghĩa của “tôi”, sự tuyệt đối tự tin của Quân, sự truy cầu của Thảo hay là sự phản nghịch và phản kháng của anh trai Minh, tất cả đều là vì bản thân mình. Thế giới không phải giản đơn là hai đối cực, không có cái gọi là yêu hay không yêu tuyệt đối, không có cái gọi là hận hay không hận tuyệt đối, người đọc tìm thấy rất nhiều cái cớ để biện giải cho sự lựa chọn của mình. Thế giới diễn ra trong tiếng khóc cười phản bội và bị phản bội, lừa dối và bị lừa dối này, do vô số người tạo thành, và cũng có vô số những khả năng. Nhìn nhân tình thế thái phức tạp sâu xa, thế sự vô thường, chẳng qua chỉ là những màn kịch bi hài mà tự mỗi người làm đạo diễn mà thôi.

Tuy nhiên, trong truyện ngắn này, tác giả không giống như tiểu thuyết về chiến tranh trước đó trực tiếp bộc lộ thái độ phê phán. Ông dường như không hề có bất kì một lời lẽ oán thán và trách cứ nào với xã hội, cũng không hề miêu tả các nhân vật đã giở thủ đoạn phản bội thế nào, người bị phản bội có phản ứng tình cảm ra sao, không hề có những màn kịch liệt dữ dội. Tiểu thuyết có tên là “Bội phản”, nhưng nhìn ở một góc độ khác, tất cả các nhân vật không phải là không phục tùng, tất cả họ phục tùng theo trái tim mình, bắt nguồn từ sự ích kỉ của con người. Sau khi đọc xong truyện ngắn này, chúng ta không biết nên lấy lí luận đạo đức để đi phê phán nhân vật nào, không nỡ phê phán bất cứ nhân vật nào, bởi vì mỗi nhân vật trong tiểu thuyết đều là chính bản thân ta, chúng ta chẳng phải là đang sống trong một thế giới được đan dệt bằng những bội phản sao, chẳng phải là sống trong thế giới ích kỉ của riêng mình sao?

Tóm lại, truyện ngắn “Bội phản” có thể được xem như lời đồng vọng từ xa với “Nỗi buồn chiến tranh, điểm không giống là đây là nỗi buồn nhân tính của con người trong hoàn cảnh hòa bình. Phải chăng có thể nói: đề tài này cũng là một loại “bội phản” với đề tài chiến tranh ông vẫn quen viết trước đó.

 *PGS.TS, Bộ môn ngôn ngữ và văn học Việt Nam, khoa Đông Nam Á, trường Đại học Bắc Kinh

 Theo Phê bình văn học

Comments are closed.