Nguyễn Lệ Uyên
Hình như, chỉ sau khi Nguyễn Viện “bị” ra khỏi tòa soạn một tờ báo ở Sài Gòn (chỉ vì những tư tưởng và hành vi đứng hẳn phía bên lề rất trái) thì ông mới vùi mình trong căn phòng hẹp, hăng say viết, háo hức viết, viết đến dại khờ máu me tinh huyết từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết, với một thái độ không dạng chân, thỏa hiệp; không đánh đĩ ngòi bút. 15 tác phẩm lần lượt ra đời trong chừng ấy năm ngắn ngủi, chứng tỏ ông đã chọn lựa con đường đi “đúng” cho riêng ông. Những tác phẩm được xuất bản, hầu hết đều in “chui’ dưới tên nhà xuất bản Cửa và trên các trang mạng (sau này Tiếng Quê Hương và Chương Văn, HK tái bản).
Việc làm này cũng dễ hiểu, bởi không một nhà xuất bản nào trong nước dám liều mạng in tác phẩm ông; thứ đến, khi phát hành liệu độc giả có chấp nhận cái bút pháp bông phèng hổ lổn trong mớ chữ nghĩa bị lật tung lên, như một viên đá cố ý ném vào bãi phân, văng tung tóe. Và, hơn hết liệu “bọn họ” có chịu để yên cho ông?
Lối văn chương bốc mùi của Nguyễn Viện khiến lắm kẻ ngồi lề rất phải phải bịt mũi, nhăn mặt; khiến cho các quan ngài nắm giữ tư tưởng văn hóa ở xứ sở mà cái đuôi “isme” (luôn đóng vai trò định hướng cho mọi tư tưởng, hành động) mong sao cho chủ nhân của đống chữ nghĩa mang tính phản kháng kia trương sình lên, giãy chết tức thì, sau khi đã chán chê nhảy múa!
Khốn nỗi, Nguyễn Viện chưa thể trương sình, bởi “sứ mạng” ông tự khoác lên mình mới chỉ là bước khởi đầu; nhân cách chưa bôi trơn; miệng chưa bị dán băng dính, tay chưa bị trói; chân vẫn bước đi trên những con đường ngập ngụa phân rác, không gian rộng bốc thối khiến năm giác quan đứng dậy “đồng khởi”, tung hê. Vậy là ông cứ ung dung viết những gì ông thấy, nghe, sờ, đụng (cả chuyện lên giường xuống chiếu, chuyện tinh dịch chảy tràn bốc mùi và không bốc mùi, mà không cần biết có tính đảng, tính dân dân hay tính thú gì gì…) theo một style riêng như ông tự thừa nhận ở ngay đầu tiểu thuyết Nhảy múa để chết (1):
“Câu chuyện của tôi không chỉ là những diễn biến, những sự kiện có thật hay hư cấu, mà còn là chính cấu trúc, bút pháp và ngôn ngữ của nó theo cách con người bị xé bỏ”. Con người bị xé bỏ đó, theo ông là “những mảnh vụn bê bết máu của nó là văn chương”.
Với cách viết như thế ở tác phẩm văn học, hẳn nhiên rằng ông đang thuộc về trường phái hậu hiện đại (postmodernisme) như lời “tự thú” trong cái tựa dài ba trang giấy in, như một tuyên ngôn: “…Với Nhảy Múa Để Chết tôi lại hoàn toàn rơi vào trạng thái “hậu hiện đại” và tôi đã viết nó như một diễn ngôn hậu hiện đại đích thực”. (Đây là một trường phái tương tự như trường phái Dadaisme hay Letterisme trước kia ở phương Tây, nghĩa là dùng chữ nghĩa để lật tung, để dập nát văn chương thành những lát cắt, mảnh vụn tơi tả). Đúng như trang www.vanviet.info trên chapeau giới thiệu Nhảy múa để chết: “Từ góc nhìn của người cầm bút không bị chi phối bởi hệ ý thức bệnh hoạn, giáo điều đang từng bước tàn phá nhân cách con người và di sản văn hóa cộng đồng, Nguyễn Viện phân tích các hiện tượng xã hội đương đại giống như hội chứng tâm thần tạo ra phản ứng dây chuyền chống lại sự “nghiêm túc một cách đểu giả” của thiết chế độc tài toàn trị. “Nhảy múa để chết” của Nguyễn Viện giống như một trò chơi xếp hình mà ở đó, mỗi chi tiết là một mảnh vỡ bắn ra từ một vụ nổ Bigbang nhân tạo”.
So với những tác phẩm trước như Rồng và Rắn hay Đĩ Thúi, Đi & Đến thì lần này ở Nhảy múa để chết là những vết chém khốc liệt hơn nhiều, sự thật được phơi bày ra trong một không gian cũng rộng hơn nhiều: “Không cần phải quan sát kỹ người ta cũng sẽ thấy ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh cái độc tài độc trị của chính quyền là cái vô trật tự bừa phứa của nhân dân”. Hệ lụy cho cái bừa phứa kia là gì, ông lập tức chỉ ra:
Bên cạnh cái chính thống chuyên chế là cư dân vỉa hè vô thừa nhận.
Bên cạnh cái quyền lực chuyên chính trung tâm là sự từ chối và lưu vong.
Bên cạnh cái vô thần là mê tín.
Bên cạnh cái hiện đại là lạc hậu.
Bên cạnh cái hãnh tiến vô lối là mặc cảm tự ti.
Bên cạnh cái “kinh tế thị trường” là “định hướng xã hội chủ nghĩa”…
Để lý giải cho từng cái “bên cạnh” ấy, ông đã phải dùng postmodernisme trong văn chương như một sợi lạt xỏ vào mang những con cá lớn nhỏ mà ông xắn quần lội xuống đồng sình, trong gần 40 năm dài bầm dập lý lịch, tem phiếu để mò bắt lên. Ông bắt và xỏ từ con cá lóc, cá trê … chí đến cá lòng tong và cả tép rong nữa! Ông xỏ xâu tất cả lại và mang toòng teeng trên thắt lưng rớm máu, ném ra giữa chợ đời với sự biến dạng, méo mó với vạn thứ mùi hôi hám nhất trần gian.
Là tiểu thuyết, nhưng Nhảy múa để chết không có chương hồi, chỉ là những đoạn khúc gãy vụn, dập nát liên kết với nhau không thứ tự đan xen giữa những hồi tưởng, hiện thực xã hội lồng vào những ảo tượng để lấp tràn lỗ hổng “trống rỗng” trong từng mỗi nhân vật, vừa thật vừa ma quỷ vừa thánh thần. Họ, những nhân vật ấy từ trong xã hội thường ngày bị túm tóc lôi ra, từ dưới tầng sâu địa ngục câu móc lên và từ thiên đường trì kéo xuống. Những cô Hai, cô Ba, cô Tư và Tôi và Hắn luôn dính lẹo vào nhau, cả nghĩa đen và bóng trong một bối cảnh chật nức đến ngột ngạt. Đó là sự tồn tại rất hiển nhiên của những cuộc làm tình nhầy nhụa bằng thân xác, bằng tư tưởng liệt kháng trong một xã hội nhầy nhụa, xem chừng vô đạo đức, vô nhân tính hơn bất cứ một thời đại nhân vật tiểu thuyết nào, nhưng được mặc nhiên chấp nhận bởi tính phi văn hóa của chính nó được trịnh trọng đặt nền móng trên sự hoang tưởng cực kỳ man rợ!
Bối cảnh ấy, lúc trong thành phố, khi ở một đỉnh núi, lúc lưng chừng trời và cả trên giường chiếu lầy nhầy những tinh dịch tinh trùng nhảy múa mà mắt cô Hai, cô Ba cùng hắn đều nhận biết với niềm hân hoan của loại cảm xúc xem ra vừa gần gũi vừa xa lạ. Và mặc dầu Nguyễn Viện đã lôi cả Freud ra báng bổ lối phân tâm học bới móc nhân vật trong văn chương, nhưng chính ngay cả tác giả cũng tự nhận ra rằng từ ma quỷ đến ma cô, chí đến một khoảng trống chật kín, đến cái thòng lọng… đã đẩy các nhân vật của ông luôn ước muốn thõng chân vào cõi miền tự sát như là cách duy nhất cứu rỗi linh hồn, là cách xóa bỏ sự đĩ thõa trong đời sống. Nhưng, ông không tìm thấy được sự đồng cảm, chỉ vì thấy ma nhiều hơn người! Xem ra không còn là hiện tượng mà là bản chất của sự vật đã được mặc định như mặc khải về sự phục sinh; vì thừa nhận sự tồn tại so sánh giữa ma và người cũng đồng nghĩa với một xã hoại băng hoại, dần hồi biến thái tan rã và, cũng đã được một nhà văn miền Bắc rút tựa cho quyển tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma (2).
Đây có lẽ là mệnh đề hóa giải tiên thiên cho sự đến và đi, cho sự hiện hữu và mất hút, cho những cú nhảy múa lăn nhào của các nhân vật bị Nguyễn Viện trói bằng ngôn ngữ dạng háng, cởi truồng trong đời sống, có thật và không thật: “Dù không muốn, lá cờ đã cuốn lấy tôi và gói tôi lại như một cái bánh chưng. Tôi lớn tiếng kêu: “Hãy thả tôi ra”. Nhưng lá cờ đã biến thành chiếc áo quan vững chắc”. Vậy là chấm hết mọi giãy dụa. Chấm hết mọi tự do. Cái còn lại trong “cõi người ta” được giới hạn trong cỗ quan tài, một khoảng không quá chật chội, đồng thời cũng quá thênh thang để “nhảy múa”. Cú nhảy đầu tiên là làm tình để thấy máu. Đó là máu trinh tiết của cô Hai mỗi khi hắn làm tình và “tấm khăn khô cứng như vỏ cây” của cô Ba mỗi khi hắn dạng háng khạc nhổ lên đó, cũng như sau này hắn và các cô Hai Ba Tư làm tình trong lớp không khí trong suốt lúc ở bờ suối, khi trong căn phòng tênh hênh, đôi khi làm tình qua trí tưởng tượng lúc đàn dê lao lên, bốc mùi giao phối thanh khiết giữa lưng chừng núi.
Tất cả các nhân vật của Nguyễn Viện trong cuốn tiểu thuyết này đều là những tên nổi loạn, những tên giặc cỏ khi mà mọi suy tư và hành động của con người bị phong tỏa, bị rút phép thông công và đẩy họ vào “đường xuống âm phủ”. Trong miên man trôi dạt và đau đớn, vô khả tín, họ cũng kịp nhận ra rằng: “Sự cộng hưởng tốc độ khi trượt xuống với những chiếc quần lót trong ý nghĩa biểu tượng một lá cờ tạo ra những âm thanh của tiếng rên không thể xác định sung sướng hay đau khổ. Và nó không thể không tạo ta vấn đề, các hồn ma có sống, chiến đấu vì lá cờ đó không?”.
Câu tra vấn theo cách tự giày vò lập tức được trả lời ngay bằng một cú đấm khác một cách hiển nhiên, tỉnh bơ và tàn bạo, máu lạnh và nhân từ: “Có lẽ không ở đâu như trong các xã hội mà chế độ độc tài ngự trị, khái niệm và ngữ nghĩa của ngôn từ lại bị đánh tráo và áp đặt trắng trợn đến thế. Tự do và đồng thuận, độc lập và độc tôn, dân chủ và lãnh đạo, nhân văn và man rợ… Đặc biệt là các từ cộng sản, xã hội chủ nghĩa, dân tộc, tổ quốc, yêu nước … không những bị đánh tráo mà còn bị đánh đĩ”.
Bầy người ngoi ngóp kia là những cô Hai, cô Ba, cô Tư và Tôi và Hắn đã biến thành cóc nhái trong con kênh nước đen tanh tưởi. Họ cố quẫy đạp, vẫy vùng để ngoi lên khỏi lớp rong tanh ngòm như lời khuyến dụ của cô Ba: “Anh quan tâm đến chuyện chính trị làm gì. Nó là thứ nhất thời và dơ bẩn. Hãy đi với em tới tận cùng cái giấc mơ nghệ thuật”. Hắn hiểu điều đó hơn ai hết, một giấc mơ lộng lẫy những máu: “Giấc mơ nghệ thuật của anh có những người bị vặn họng, bẻ tay, bị đánh què. Đó là giấc mơ của máu”.
Cái “nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” theo Nguyễn Viện là một cây bánh chưng không có nếp, nhân thịt đậu mà toàn là những hạt sạn được gói kín trong lớp lá dong như một dối trá và lừa mị được nâng cấp hoàn chỉnh, như một cái dọc tẩu long sòng sọc khói thuốc phiện! Nền văn hóa ấy được thiết lập bởi các định chế phong kiến cổ hũ cộng với những lý luận vớ vẩn, lỗi thời của một ông tây “triết gia bị táo bón”. Cả hai được chỉ định bởi những tạp ngôn bóng nhẫy, để giao phối dưới dạng pha trứng của con cá cái phun ra và tinh trùng của con đực phóng trùm lên, cuối cùng cái dúm lầy nhầy kia cũng sinh ra, không phải bầy cá thuần khiết mà là những con vật có đuôi, lúc bơi dưới nước, lúc lẫn cẫn trên bờ, khi thì tí tởn trên cành cao! Đó là nền văn hóa dân tộc rất phi văn hóa, phi dân tộc được thông qua các nhân vật mà Nguyễn Viện đã dùng chiếc chổi quét chợ cầu Muối nhúng xuống cống rãnh rồi vẩy lên tấm toan thành bức tranh văn hóa dân gian đậm những sắc màu Lập thể, Siêu thực, Đa đa, Hậu hiện đại… “Cô Tư nhất định cho rằng, Khổng Tử là người ba phải và cái ông Karl Marx là người dở hơi. Cái ba phải giao hợp phối ngẫu với dở hơi đã đẻ ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa diêu bông”.
Lá diêu bông là sự hoang tưởng. Hoàng Cầm đã chẻ ngang, xẻ dọc và bằm nát cái lá diêu bông văn hóa kia từ ngày chị bảo đứa nào tìm thấy lá sẽ lấy làm chồng. Những kẻ ngủ mê, từ thế hệ này qua thế hệ khác điên cuồng tìm kiếm… Ngày cưới chị vẫn đi tìm, đến khi chị ba con, bầy người nhếch nhác càng điên cuồng hơn, lao đầu vào cuộc tìm kiếm chiếc lá mơ hồ, vớ vẩn, biểu tượng của nền văn hóa xã hội Việt bị đánh đố, đánh đĩ đến tơi bời hoa lá.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời… ới Diêu Bông!
Ới Diêu Bông! Tiếng kêu như tiếng thét vỡ toang lồng ngực của con cuốc.
Ới Diêu Bông! Một bãi máu và hàng triệu bãi máu tanh ngòm phủ tràn hồn dân tộc.
Ới diêu bông cũng chính là cái thiết chế văn hóa diêu bông dân tộc được định dạng một cách kỳ dị đã tồn tại từ thế hệ này nối qua thế hệ khác, đã phá nát cả phong tục tập quán lẫn đạo đức tốt đẹp của tổ tiên hao tốn biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt có khi có cả máu, để gầy dựng nên hơn 4.000 năm qua?
Chiếc lá hoang tưởng kia đã dẫn dắt hàng triệu triệu con người bị bịt mắt, khóa miệng bước tới, lao lên và bước tới, bước tới và tiến lên cái lổ hổng không bờ bến, để đến lúc chân chồn, gối mỏi, sức tàn lực kiệt mới thu hết chút hơi mòn văng vu vơ như cụ Phan Khôi từng văng ra trong những ngày nổ ra cuộc cách mạng chữ nghĩa Nhân Văn Giai Phẩm, những ngày đen tối nhất trong lịch sử văn học Việt Nam:
Tiến lên ta cứ tiến lên
Tiến lên ta cứ tiến lên hàng đầu
Hàng đầu chẳng biết đi đâu
Đi đâu chẳng biết hàng đầu tiến lên.
Với một thiết chế văn hóa diêu bông như vậy, tất phải đưa đến những hệ quả về sự xói mòn nhân cách đồng nghĩa với sự tiêu vong tức thì của tri thức, bởi sự bệnh hoạn khởi tán từ cơ thể liệt kháng, bắt đầu phân hủy.
Sự báng bổ và lăng nhục một nền văn hóa có truyền thống, rồi lại xỏ mũi nền văn hóa ấy áp giải như một tử tù ra pháp trường là sự tan rã và giãy chết của của bầy người bị đè ngửa tiêm vi trùng dịch hạch, thổ tả và chích virus HIV vào ngay cái sinh thực khí của dân tộc.
Cái thảm họa nhãn tiền đã khiến cho nhân vật của Nguyễn Viện không còn đủ tỉnh táo để gào thét, phản kháng mà chỉ còn là những lời thì thào uất ức, phẫn nộ và bất lực mà những cái đầu mẫn tuệ chỉ phun ra được mỗi một từ: “hèn nhát”!
Nguyễn Viện đã đầu hàng bằng cách để cho nhân vật lăn lộn và nức nở với tiếng nói của chính mình đang lúc giãy chết lâm sàng: “Lẽ ra anh nên chết đi. Một cuộc tự sát sẽ là ý nghĩa lớn nhất cuộc đời anh và nó minh chứng cho sự hiện hữu của anh. Nhưng anh không dám chết. Cũng như chưa bao giờ anh dám sống hết ý nghĩa của mình. Anh là một con sâu ngọ nguậy. Nó làm ngứa háng em và làm bẩn cái hang em. Tại sao phải vuốt ve nó chứ?
Em nghĩ anh nên cắt bỏ nó, vì nó chỉ là một cục thịt thừa tuyên xưng thời ảm đạm. Thay vì nổi loạn, nó chỉ biết cúi đầu và sám hối vì những điều không phải nó gây ra. Vì nó không có khả năng gây ra bất cứ điều gì. Người ta bảo nó là nguyên nhân của những bất ổn xã hội. Nó không đáng được một huy chương như thế. Bởi vì nó không thể tự nổi loạn. Nó chỉ là một nỗi buồn cay đắng. Và ngọn cờ nó giương lên chỉ là những cái quần lót màu khăn tang. Chào mừng sự chết.
Mà ngay cả sự chết cũng từ chối nó. Nó trở thành biểu trưng cho sự liệt kháng. Cho một dân tộc. Cho một lịch sử. Cho sự đứng lại. Nó không biết khóc cho dù khóc ngoài quan ải. Mà có còn không quan ải cho một đất nước.”
Nhân vật của ông giờ bơ vơ đã đành, nhưng chính ông, tôi dám chắc cũng lạc lõng không kém sau những tiếng gào thét bi phẫn. Tiếng gào thét từ trái tim chân chính không làm ai cảm thấy xấu hổ cả. Cả một hệ thống cứ lừng lững bước tới, hết những anh công an phường tới ông tổ trưởng dân phố cùng những bản kiểm điểm phơi ra như một chiến thắng rực rỡ của kẻ thất bại.
Vâng, Nghệ thuật là một suy tưởng về đời sống, chứ không phải về cái chết! (L’art est une méditation de la vie, non de la mort). Xin dẫn lời của nhà văn, triết gia Jean Paul Sartre để nói về sự thất bại rực rỡ của các nhân vật ông dựng lên trong Nhảy múa để chết.
_______________
(1) Nhảy múa để chết, Nguyễn Viện, NXB Tiếng Quê Hương, HK, 2013.
(2) Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường