Ocean Vương – Nỗi bơ vơ của ám ảnh chiến tranh và những vết thương hồi quy

Lê Huỳnh Lâm

Tôi có trong tay hai tập thơ của Ocean Vương cả bản tiếng Anh (Night Sky with Exit Wounds, Copper Canyon Press, 2016) và tiếng Việt (Trời đêm những vết thương xuyên thấu do Hoàng Hưng dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018). Tập thơ là tiếng vọng của những âm thanh từ thập niên 60, 70 trong ký ức Việt Nam va dội vào tâm thức chàng trai thua tôi hơn 20 tuổi, những hình ảnh và mùi của thịt khét, khói bụi, thuốc súng, màu đỏ, mảnh vỡ, thây người, đồ hộp, tiếng OK, hình ảnh ngón tay cái giương lên cùng bốn ngón khác nắm lại,… những gương mặt thất thần, những tiếng la hét,…

Tôi cũng làm thơ, thế hệ của tôi nhiều người đã và đang làm thơ. Vậy tại sao những hình ảnh và âm thanh về chiến tranh trong thơ Vương, hầu hết không xuất hiện trong thơ các thế hệ chúng tôi và sau chúng tôi đang sống tại Việt Nam? Tại sao là Vương, cậu bé sinh năm 1988, Vương làm thơ và ám ảnh về chiến tranh Việt Nam…? Câu hỏi này người nào sẽ trả lời? Những người làm thơ hay một lực lượng khác?

Liên tưởng người cha và ám ảnh chiến tranh

Tôi đã nhìn qua lỗ khóa, không nhìn

Người đàn ông đang tắm vòi sen, mà nhìn mưa rơi qua ông: những dây đàn ghita tanh tách trên đôi vai gồng lên.

Ông đang hát, đó là lý do

Tôi nhớ chuyện này. Giọng hát.

(Ngưỡng cửa)

Trong cuộc sống nhiều khi chỉ một tiếng động, một hình ảnh cũng đủ gợi nhắc, như chiếc chìa khóa nhỏ mở ra cả không gian ký ức đang ẩn sâu dưới tầng ý thức, dù thuộc phạm trù của trí nhớ nhưng dạng dữ liệu đó luôn chờ đợi một xúc tác đủ để khoái hoạt cho sự gắn kết và hình thành một thực tại mới. Như trong bài Ngưỡng cửa, dù chỉ nghe tiếng va đập, vỡ ra của những hạt nước trong phòng tắm, nhưng tác giả đã liên tưởng đến cơn mưa xuyên qua người đàn ông và những giai điệu vang vọng từ những sợi dây đàn ghita… tất cả điều đó có được là do giọng hát của người đàn ông. Từ không gian của ngưỡng cửa hình ảnh người cha nằm bất động trong một buổi sáng đã hiện lên trong tâm trí của Ocean Vương.

Để sáng hôm ấy, cha tôi đã dừng

Con ngựa non dừng trong mưa trút

Và lắng nghe hơi thở nghẹt

Trong bài thơ Telemachus, tác giả đã mượn câu chuyện người con trai Telemachus đi tìm cha là Odysseus bị lạc trên biển cả sau trận đánh thành Troy trong thần thoại Hy Lạp. Ở đây, Ocean Vương như đã hóa thân vào nhân vật Telemachus để tìm cha mình, nhưng bi kịch thay Telemachus còn có niềm hy vọng để tìm lại cha mình, còn Ocean Vương chỉ là một cuộc tìm kiếm của ý thức để dẫn đưa vào tiềm thức như một bổn phận của bản năng. May mắn thay tác giả là một thi sĩ nên khả năng liên tưởng mạnh và nhanh để nhận ra người cha mình trong anh và quanh cuộc sống của anh, khi mà những câu hỏi đều không nhận được câu trả lời từ người cha, mà chỉ là những vết đạn của chiến tranh…

Giống như mọi đứa con ngoan, tôi kéo cha tôi ra khỏi nước, nắm tóc mà lôi

Bởi vì thành phố

Bên kia bờ không còn

Khi chúng tôi bỏ đi. Bởi vì ngôi nhà thờ bị đánh bom

Tôi quỳ gối bên ông để xem mình có thể

Chìm đến tận đâu. Ba biết con là ai

Không hở Ba? Nhưng câu trả lời không bao giờ có. Câu trả lời là lỗ đạn ở lưng ông.

Yếu tố liên tưởng trong thơ Ocean Vương khiến người đọc bất ngờ rơi vào cung bậc cảm xúc của tác giả như cách mà chính anh đã tâm sự:

Tôi đã không biết cái giá

Của việc đi vào một bài ca – là lạc mất

Lối về

(Ngưỡng cửa)

Ở đây, tác giả đã cố ý ngắt dòng để đẩy người đọc đến điểm mà họ nghĩ là kết thúc và sau đó, anh lại mở ra cho độc giả một không gian khác của thực tại.

Ông nằm bất động đến nỗi tôi tưởng

Ông là cha của ai kia, đã được tìm thấy

Theo cách một cái chai màu xanh có thể hiện ra

ở chân một thằng bé, chứa đựng cả một năm

mà nó chưa bao giờ đụng tới.

Và trong những câu thơ trong bài Telemachus là sự biến hiện liên tục trong tâm trí tác giả.

Tôi lật ông

Nằm ngửa. Để đối diện nó. Ngôi nhà thờ

Trong hai con mắt màu biển đen.

Trong bài thơ Ca khúc ban mai với thành phố cháy.

Như màn kịch trong những chương hồi liên tưởng của tác giả. Anh dựng lên những bối cảnh gồm nhiều tuyến nhân vật, chàng, nàng, người lính, viên cảnh sát, xe nhà binh, những đứa trẻ, xe đạp, con chó đen, góa phụ, cánh sát trưởng, tôi, chiếc trực thăng, một nữ tu,…

Bên cạnh tuyến nhân vật là âm thanh của bản nhạc Giáng sinh trắng, âm thanh từ radio và sự chuyển màu sắc từ trắng sang đen, từ trắng sang đỏ.

Điều kỳ lạ là Ocean Vương viết về ngày 29/4/1975, dù 13 năm sau đó tác giả mới ra đời.

Nhịp điệu bài thơ không buồn thảm như hình ảnh trong bài thơ. Có lẽ do trên nền bản nhạc White Christmas của Irving Berlin tràn đầy đức tin và hy vọng nên những hình ảnh về kinh khiếp về chiến tranh trong bài thơ như đã được hóa giải và cứu rỗi phần nào.

Bài hát chạy qua thành phố như một góa phụ

Trên chiếc bàn đầu giường, một nhánh ngọc lan vươn ra như một điều bí mật.

Những bài thơ xuôi như những tự sự buồn

Trong tập thơ của tác giả Ocean Vương có những bài thơ theo phong cách thơ xuôi không vần điệu, như bài Bài văn của kẻ nhập cư, người đọc cảm nhận bài thơ như một truyện ngắn với hai nhân vật chính là: anh, em đang đối thoại bằng những lời thơ, cùng sự thăng hoa của ân ái dẫn đưa tâm trí đi đến một thế giơi tưởng tượng đậm chất thần thoại, phiêu lưu, mạo hiểm theo phong cách Mỹ.

Sương mù cuốn hết lên. Và chúng tôi thấy nó. Chân trời – đột nhiên biến mất. Mặt nước huy hoàng dẫn tới chỗ sụt mạnh. Sạch sẽ và nhân từ – đúng như anh muốn.

Hay trong bài Cha tôi viết từ nhà tù.

Là những tự sự để diễn tả nội tâm bằng những hình ảnh bủa vây tâm trí của tác giả, Ocean Vương như thể nhập vào dòng tâm thức của người cha để viết nên nỗi đau tột cùng mà những chiến binh phải cam chịu trong và sau cuộc chiến và đã tạo thành hội chứng chiến tranh Việt Nam như một căn bệnh đã ám ảnh hầu hết những người tham chiến. Đó là sự hoảng loạn tâm lý, cơn ám ảnh triền miên của máu và nước mắt…

Hai bàn tay ấy đây / đôi đêm chúng thức dậy khi bị xúc động bởi âm nhạc hay đúng ra là những giọt mưa.

Tiếp nhận và nối kết

Nếu văn hóa Mỹ đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, các sự kiện nhân văn, những tin tức cụ thể hiện thực, hay đức tin vào đấng tạo hóa,… là những gì người đọc nhận ra trong tập thơ Ocean Vương, thì thỉnh thoảng trong thơ anh thể hiện những tiếng lời Việt ngữ cùng những hình ảnh của Việt Nam mà anh hấp thụ từ gia đình qua lời kể của bà ngoại và người mẹ anh…

6/2022

L.H.L

Comments are closed.