“On Earth We’re Briefly Gorgeous” của Ocean Vương: Tôi đã đọc và đã được

Đặng Quốc Thông

(Viết tặng Huan Cung, người mà nhân dịp tôi ghé thăm Cali hai tuần trước đã cho tôi mượn tác phẩm này để đem về đọc ở Houston)

1.

Con viết vì người ta dạy đừng bao giờ bắt đầu một câu bằng từ “tại vì”. Nhưng con đâu định viết ra một câu – con đang cố thoát ra. Bởi vì tự do, như con được dạy, chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi.” (tr. 4)

Con biết nói sao cho mẹ hiểu, rằng chuyện mẹ đang diễn tả đấy, nó chính là sự viết? Con biết nói sao cho mẹ hiểu rằng, rốt cuộc, hai mẹ con mình vẫn rất gần nhau, cái bóng của bàn tay mẹ và cái bóng của bàn tay con, trên hai trang giấy khác nhau, nhập lại làm một?” (tr. 6)

Đất nước là gì ngoài một câu không biên giới, như một cuộc đời?” (tr. 9)

Trên đây là những đoạn trích vụn từ phần đầu của quyển “On Earth We’re Briefly Gorgeous” của Ocean Vương. Quyển này đã được Khánh Nguyên dịch ra tiếng Việt với tên “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” và được Nhã Nam phát hành khoảng giữa tháng 12 năm 2021. Toàn bộ những đoạn trích dẫn trong bài viết sau đây là được mượn từ bản dịch của Khánh Nguyên, tôi chỉ mạn phép chỉnh sửa đôi chỗ mà theo tôi là không thật đúng ý với nguyên tác.

Chẳng hạn, một từ mà Ocean Vương dùng lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong tác phẩm của mình là từ “sentence”. Từ này có hai nghĩa: (1) câu, một tổ hợp từ bị giam hãm giữa hai dấu chấm, và (2) bản án tù. Ocean Vuong viết: “I am writing because they told me to never start a sentence with because. But I wasn’t trying to make a sentence—I was trying to break free. Because freedom, I am told, is nothing but the distance between the hunter and its prey”. Bản dịch tiếng Việt ghi, nguyên văn: “Con viết vì người ta dạy đừng bao giờ bắt đầu một câu (sentence) bằng vì. Nhưng con đâu định viết ra một bản án (sentence) – con đang cố thoát ra. Bởi vì tự do, như con được dạy, chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi.

Ở một đoạn khác, anh viết: “If we are lucky, the end of the sentence is where we might begin” (tr. 10). Bản dịch tiếng Việt ghi, cũng nguyên văn: “Nếu ta may mắn, kết thúc một bản-án-câu sẽ là lúc ta có thể bắt đầu”.

Khánh Nguyên đã tỏ ra rất thận trọng, một sự thận trọng cần thiết và đáng khen ngợi, khi dịch từ “sentence” này ra tiếng Việt, dịch mà vẫn chua từ tiếng Anh trong nguyên bản để chừa khả năng cho một cách hiểu khác. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, theo tôi, chữ “sentence” này trong nguyên bản chỉ có thể dịch là “câu”, “câu” chứ không phải “bản án”, “câu” như một phản ánh của nỗi ám ảnh nghẹt thở mà Ocean Vương luôn cảm giác về cái bủa vây giam hãm mà ngôn ngữ và những quy luật ngữ pháp của nó áp đặt lên thế giới nội tâm mình.

2.

On Earth We’re Briefly Gorgeous” là một tác phẩm được tác giả hình dung như một quyển tiểu thuyết viết theo hình thức một lá thư và kể về những năm trưởng thành của một cậu bé Việt di cư qua Mỹ lúc mới hai tuổi cùng với người mẹ mù chữ tên Hồng và bà ngoại tên Lan, một cô gái quê ở Gò Công Đông thời trước 1975, từng là một gái điếm do hoàn cảnh thời chiến đồng thời cũng lại là vợ của một anh lính Mỹ. Câu truyện, mà nhân vật trung tâm là Cún Con, phản ánh một tâm hồn cùng cực cô đơn khi phải lớn lên và khẳng định sự hiện hữu trên thế gian giữa một xã hội xa lạ về tiếng nói, về màu da mà không có một cộng đồng đồng chủng xung quanh đủ lớn để hỗ trợ. Truyện dày đặc những mảnh vụn hồi ức không liền lạc, lộn xộn, cài răng lược thời gian, cài răng lược không gian, những mảnh vụn hồi ức này lúc tàn nhẫn lúc đáng thương, lúc cảm động lúc lại tuyệt vọng, dĩ nhiên là cũng có những thoáng qua êm đềm hạnh phúc, kiểu hạnh phúc cỏn con của gia đình mẹ Lê.

Với những ai không được cảnh báo trước, đọc “On Earth We’re Briefly Gorgeous” sẽ thấy rất ngỡ ngàng và khó hiểu. Có ba lý do cho sự ngỡ ngàng, khó hiểu này.

Thứ nhất, để tránh nhàm chán cho chính mình và cho độc giả, Ocean Vương, hẳn anh đã phải đọc rất kỹ Roland Barthes, luôn cố tình phá vỡ một cách rất cực đoan nguyên tắc truyền thống của tiểu thuyết là kết cấu truyện kể theo tuyến tính. Chính anh đã thố lộ điều này trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Việt ngày 16/1/2022 nhân dịp Nhã Nam ra mắt bản dịch tiếng Việt “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”: “Be very suspicious of Western models as supreme models. I never go into a project with a clear plan… Create new patterns in novel writing, do away with the traditional and the accepted…” (Phải nghi ngờ các hình mẫu tiểu thuyết cũ rích của Châu Âu, phải sáng tạo những hình thức mới của riêng mình…).

Nhưng đó chỉ mới là về vấn đề kỹ thuật. Về nội dung, tôi có cảm nhận Ocean Vương viết không phải để biện giải hoặc chứng minh một điều gì, mà để tự giải toả những ẩn ức của riêng mình. Anh viết ngay đầu trang hai: “I’m writing because they told me to never start a sentence with because, but I wasn’t trying to make a sentence—I was trying to break free. Because freedom, I am told, is nothing but the distance the hunter and its prey” (Con viết vì người ta dạy đừng bao giờ bắt đầu một câu bằng từ “tại vì”. Nhưng con đâu định viết ra một câu – con đang cố thoát ra. Bởi vì tự do, như con được dạy, chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi).

(Bởi vì tự do, như con được dạy, chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi… Có phải Ocean Vương đang viết về thân phận người Việt trong và sau cuộc chiến, về bà anh, mẹ anh, và về chính anh, những mảnh đời mà cuộc chiến đã biến họ thành những kẻ trốn chạy, mà với họ tự do chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi? Nếu quả là như thế thì, khi nhìn thân phận Việt Nam bằng suy tư của truyền thống văn học Âu Châu, trong mắt tôi, thoắt chốc Ocean Vương đã biến thành một Kafka, một Nikos Kazantzakis, một Thomas Wolfe, một Hemingway, một Carson McCullers và nhiều người khác, những người mà, với họ, viết vẫn luôn là và chỉ là một nỗ lực tự giải toả)

Ngay việc anh chọn viết tiểu thuyết theo hình thức những lá thư tâm tình gửi mẹ, mà lại là một người mẹ không biết đọc ngay cả tiếng Việt, cũng phần nào nói lên nhu cầu tự giải toả này. Biện giải hoặc chứng minh thì cần nhất là tính lôgic, phải nói sao cho người nghe dễ hiểu, dễ theo dõi, có phá bỏ nguyên tắc thì cũng chỉ trong vòng chừng mực để độc giả có thể tiêu hoá, còn viết để tự giải toả ẩn ức là viết cho chính mình, mà cho chính mình thì chẳng cần quy luật, miễn sao mình thoả mãn được nhu cầu viết của mình là đủ. Có lẽ chính vì điều này mà trong tác phẩm của mình, Ocean Vương sẵn sàng nhảy cóc các ý tưởng, các ý tưởng chỉ được nối với nhau bằng những liên kết thuần túy hình thức, chứ không phải bằng những liên kết nội dung, và nhiều khi, ngay cả những liên kết hình thức đó cũng chẳng có nữa, vì không cần thiết, vì chúng đã hiện diện sẵn trong đầu anh rồi.

Để minh họa sơ cho cái mà tôi gọi là “nhảy cóc các ý tưởng” trong “On Earth We’re Briefly Gorgeous”, ta thử điểm qua “trật tự” các mẩu truyện kể trong chương thứ nhất, tổng cộng 12 trang.

Sau dòng mở đầu “Để con bắt đầu lại nhé. Thưa mẹ…” là nửa trang nói về tiêu bản đầu hươu treo phiá trên nhà vệ sinh ở một trạm dừng nghỉ bên đường. Ngay tiếp đó là 4 dòng về việc viết, rồi 12 dòng về sự thiên di của loài bướm vua, 9 dòng về việc Cún Con giả lính phục kích làm mẹ hết hồn, 12 dòng về việc cô giáo dạy Cún Con đọc, 2 dòng về việc lúc bốn tuổi bị mẹ vả vào miệng, 9 dòng về Cún Con dạy mẹ đọc theo cách cô giáo nhưng thất bại, 2 dòng tả Cún Con bị mẹ ném cái TV remote control vào đầu, 13 dòng về mẹ Cún Con nổi hứng đòi học vẽ, 2 dòng Cún Con bị mẹ quẳng hộp Logo vào đầu toé máu, 5 dòng về Roland Barthes, nửa trang về hai mẹ con “lên đồ” đi siêu thị nhưng đến nơi cũng chỉ dám mua vài cục kẹo sô-cô-la vừa đi vừa mút cho ra vẻ sang trọng, rồi 3 dòng Cún Con đưa tay che đầu vì những cú đấm của mẹ, 5 dòng về việc hai mẹ con rời siêu thị về nhà, 4 dòng về hai con hươu trước cửa nhà lúc hừng đông. Sau đó là những đoạn lụn vụn về việc thiên di của bướm vua, về miếng thịt quay ở hiệu Tàu, về Cún Con bị mẹ quẳng bình sữa vào lưng, về hai mẹ con hí hửng đi Goodwill mua quần áo cũ, về việc Cún Con thấy hồn người anh em họ hiện về, về sự viết, về chuyện xảy ra ở tiệm nơi mẹ làm móng tay cho khách, về việc Cún Con yêu cầu mẹ ngừng đánh mình, về việc mẹ nghe nhạc, về con mắt như là “sự sáng tạo cô đơn nhất của thượng đế”, về Cún Con mặc áo đầm của mẹ và bị bọn trẻ gọi là “bống”, rồi lại về bướm vua…

Nói chung, toàn bộ tác phẩm cứ nhảy cóc như thế, những hồi ức cứ liên miên, lan man, chuyện nọ xen chuyên kia. Mặc dù, xét tổng thể, những mẩu chuyện kể đó cũng có đi theo một cấu trúc phát triển chung và do đó hẳn phải mang một thông điệp nhất định, nhưng độc giả mà cứ nấn ná để khám phá ra cho bằng được trật tự cần có và các thông điệp ẩn chìm này thì cũng hết hơi, mà phần chắc là cũng không có kết quả, nên tốt nhất là đành phải chịu mất kiên nhẫn để đọc tràn tới.

(Mà cần gì phải cố truy tìm cái trật tự cần có và các thông điệp ẩn chìm nhỉ? Ocean Vương viết để hé cho chúng ta một khe cửa nhìn vào tâm hồn anh, tâm hồn đó có lộn xộn thì đã sao? Tại sao lại phải cố sắp xếp lại cho có trật tự cái tâm hồn đó. Nếu đọc Ocean Vuong mà chúng ta thấy được cái lộn xộn đó thì có nghĩa là chúng ta đọc đã đạt. Vả, chính sự lộn xộn đó cũng có thể đã mang một thông điệp, phải chăng?)

3.

Theo bài viết của Nguyễn Huy Hoàng đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 30/01/2018, khi nhắc đến tác phẩm thơ đoạt giải của mình có tựa “Night Sky With Exit Wounds” (Trời đêm với những vết thương xuyên thấu), Ocean Vương nói: “Tôi nhìn văn bản và bài thơ như một bức ảnh, như một cái gì đó còn đang lớn lên, và với tôi, tập thơ này chỉ là bức ảnh chụp một cái cây, và cái cây đã lớn vượt ra ngoài những gì được lưu lại trong sách. Vậy nên cách duy nhất để nắm bắt nó một lần nữa là viết cuốn sách tiếp theo”. Cuốn sách tiếp theo đó chính là tác phẩm “On Earth We’re Briefly Gorgeous”.

Vì là một sự tiếp theo, nên tác phẩm văn xuôi được gọi là tiểu thuyết này của Ocean Vương cũng mang những đặc tính của tác phẩm trước đó, tức là đậm tính thi ca. Mà thi ca, trừ khi là truyện thơ, thường sẽ rất bí hiểm, vì nó biểu hiện cái thế giới nội tâm sâu thẳm và bí ẩn của một con người, ở người bình thường thì thế giới đó đã mông lung, khó nắm bắt với người khác lắm rồi, ở nhà thơ thì sự mông lung bí hiểm sẽ nhân lên bội phần. Dĩ nhiên những liên tưởng nảy sinh trong và từ thế giới nội tâm sâu thẳm bí hiểm bội phần đó thì càng bội phần khó đoán định. Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam đã nói ở trên, Ocean Vương phát biểu: “The book is the fingerprint of the mind, no two different people could write the same book” (Tác phẩm là dấu vân tay của tâm hồn, hai người khác nhau không bao giờ có thể viết hai quyển sách giống nhau). Bởi vậy mà trong “On Earth We’re Briefly Gorgeous” có nhan nhản những liên tưởng rất lạ lùng và bí hiểm, ít nhất là đối với chính tôi, thí dụ:

Ở tuổi hai mươi tám lúc này [anh đang kể về bà ngoại Lan của mình], chị đã sinh ra một đứa con gái đang quấn trong MỘT MẢNH TRỜI TRỘM VỀ TỪ MỘT NGÀY TRONG VẮT.” (tr. 40)

Sẽ có ai lạc mất trong câu chuyện ta tự kể cho mình? Sẽ có ai lạc mất trong chính chúng ta? Rốt cuộc, MỘT CÂU CHUYỆN CŨNG GIỐNG VỚI VIỆC NUỐT. MỞ MIỆNG RA, NÓI THÀNH LỜI, LÀ CHỪA LẠI MỖI XƯƠNG, MÃI MÃI KHÔNG ĐƯỢC KỂ ĐẾN. Đó là một đất nước xinh đẹp vì ta còn đang thở.” (tr. 43)

Người phụ nữ đứng giữa vũng nước tiểu của mình. Không, CHỊ ĐANG ĐỨNG TRONG CÁI DẤU CHẤM TO NHƯ NGƯỜI THẬT Ở NGAY CUỐI CÂU CỦA CHỊ, vẫn còn sống. Người lính Mỹ trẻ quay đầu, đi trở lại vị trí ở chốt kiểm soát. Người lính trẻ còn lại khẽ đưa tay lên vành nón sắt và gật đầu với chị, tuy ngón tay, chị nhận ra, vẫn để trên cò súng… Người phụ nữ đi tới. Qua chỗ người lính, chị liếc một lần cuối khẩu súng trường. Họng súng, chị nhận ra, KHÔNG TỐI HƠN MIỆNG CON CHỊ LÀ BAO. Đèn chớp một lần, nhưng vẫn sáng.” (tr. 44)

Rất nhiều những liên tưởng, những so sánh lạ lẫm, bất ngờ và bất thường như trên, cùng với hai đoạn dài, từ trang 154 đến 160 và từ trang 173 đến 193, là những đoạn chỉ chứa toàn những câu rời rạc, những ý nhảy cóc, xuống dòng liên tục, ngòi viết như bị vô thức đẩy đi. Trong bài “Đọc Ocean Vuong – On Earth We’re Briefly Gorgeous”, Lê Khải Việt nhận xét: “Ocean Vuong dẫn dắt người đọc bằng xương sống truyện dựa trên cấu trúc gia đình ba thế hệ, nhưng Ocean Vuong thu hút bằng kỹ năng luyến láy hình ảnh, hình tượng, làm rối tung các cách hiểu, giày vò ý nghĩa của từ ngữ. Không nghi ngờ gì nữa, một nhà thơ cầm bút viết tiểu thuyết!

Đây là lý do thứ hai khiến khi đọc “On Earth We’re Briefly Gorgeous” một số độc giả sẽ thấy rất ngỡ ngàng và khó hiểu. Tôi đã đọc và cũng đã hoàn toàn chẳng hiểu.

(Nhưng cũng phải nói thêm ngay rằng, trong suốt chương đầu của quyển tiểu thuyết, tôi quả là có cực kỳ bất an vì sự đọc mà không hiểu của mình, nhưng sau đó thì tôi đã vượt thắng được cảm giác đó, để đắm mình vào một niềm vui sướng khác, niềm vui sướng của ngôn ngữ. Ocean Vương nói: “Linguistic pleasure, both in terms of making it and reading it. If the poem gives you pleasure, then you have understood it, then you have got everything from it… When I read books in libraries, I just look for pleasure and surprise.”)

4.

Một lý do nữa khiến “On Earth We’re Briefly Gorgeous” rất khó đọc, “khó đọc” ở đây theo nghĩa “không bao giờ có thể hiểu trọn vẹn”, đặc biệt là với những ai không rành tiếng Mỹ, và/hoặc không từng trải nghiệm sâu đời sống thường nhật ở Mỹ – như phần lớn độc giả Việt Nam chỉ tiếp cận tác phẩm này thông qua bản dịch tiếng Việt –, chính là nằm ở chỗ anh đã đưa vào tác phẩm của mình quá nhiều yếu tố ngôn ngữ-văn hoá đặc thù Mỹ. Trong buổi giao lưu trực tuyến đã nói ở trên nhân dịp Nhã Nam ra mắt bản dịch tiếng Việt có tựa “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, cô điều phối buổi giao lưu đề nghị Ocean Vuong cho biết cảm tưởng về bản Việt dịch. Sau lời ngợi khen và cám ơn người dịch, Ocean Vuong cũng phát biểu thêm là tác phẩm của anh rất khó dịch ra bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới. Và anh đã cho một thí dụ liên quan ngay đến từ “gorgeous” trong tựa sách.

Anh giải thích, trong những năm 90, ở Mỹ, đã bùng phát đại dịch AIDS mà nạn nhân đa phần là những người đồng tính, tiếng Mỹ gọi họ là “queer”, nghĩa phổ thông của từ này là “dị”. Ngày nào trên TV, trên báo chí cũng có cảnh tượng những người đồng tính tử vong, thân hình họ teo tóp, mặt mũi họ héo hắt, xám xịt. Chính vì điều này mà dần dần chữ “queer” mang một ý nghĩa rất tiêu cực và xã hội Mỹ tỏ ra ghẻ lạnh với họ. Để động viên nhau “bạn ơi đừng tuyệt vọng”, cộng đồng đồng tính đã chọn cho mình một danh xưng mới là “gorgeous”, nghĩa là “rực rỡ”. Trong tiếng Việt, cũng như trong hầu hết các tiếng Âu châu khác, không có từ với nội hàm tương đương, thành thử người đọc bản dịch tiếng Việt không thể hiểu và cảm nhận được chiều sâu ý nghĩa của từ tiếng Anh này.

(Nghe Ocean Vương giải thích, tôi nghĩ ngay đến một hiện tượng xã hội tương tự khác, đó là hiện tượng người da đen ở Mỹ luôn dạy con cái mình câu cửa miệng: “Black is beauty”)

Cũng như người đọc bản dịch tiếng Việt có lẽ sẽ không bao giờ hiểu và cảm được cái vẻ tội nghiệp đến buồn cười khi Ocean Vương mô tả tỉ mỉ cảnh hai mẹ con Cún Con bỏ ra hàng giờ trang điểm và “lên đồ đầm” để đi “shopping”: Quả thực là có “shopping” nhưng cũng chỉ dám và chỉ đủ tiền để mua được vài thanh kẹo sô-cô-la, ở một trung tâm thương mại mà với họ là một nơi chốn cực kỳ sang trọng nhưng với đa số người Mỹ lại thường chỉ là chốn để bát phố thư giãn cuối tuần với áo thun, quần đùi và đôi dép lết!

Và người đọc bản dịch tiếng Việt khi nghe đến cửa hàng bán đồ cũ Goodwill (Thiện Tâm) cũng sẽ chỉ đơn giản thấy cám cảnh cho số phận di dân da màu chứ không thể hình dung và cảm được cái phấn khích, cái hào hứng khiến người quan sát thấy ấm áp tình người của hai mẹ con Cún Con, nhất là đứa bé, mỗi tuần vào những ngày thứ Tư lại được tạm quên đi cái nghèo để hể hả, háo hức đàn đúm nhau bước vào một trong chuỗi cửa hàng nổi tiếng nhất nước Mỹ – nổi tiếng vì là biểu tượng trong sáng của sự nhân đạo, nhân văn, hào phóng của người dân xứ sở này –, để được trịnh trọng và niềm nở chào đón ngay từ cửa vào: “Welcome to Goodwill”, để được hiên ngang mua sắm thoả chí tất tần tật mọi thứ, từ bức tranh treo tường đến bàn ghế sa-lông, từ bộ giường tủ đến áo quần, giày dép, nhiều thứ còn như mới, thậm chí mới toanh hoặc tốt hơn mới vì là hàng hiệu, ở giá cực thấp, đã cực thấp nhưng thứ Tư còn được giảm thêm 50%, và để trở về nhà cuối buổi với niềm vui và sự phấn khích của một ngày tuyệt vời thắng lợi.

5.

On Earth We’re Briefly Gorgeous” xuất hiện sáu tuần liền trên danh sách bestseller của tờ The New York Times và đã bán được hơn một triệu bản bằng 40 thứ tiếng trên khắp thế giới. Riêng ở Mỹ, “On Earth We Are Briefly Gorgeous” đã thu về cho NXB Penguin khoảng 1.5 triệu đô la. Thật là một vinh dự quá tuyệt cho một nhà văn trẻ người Mỹ gốc Việt nói năng nhỏ nhẹ, nói được cả hai thứ tiếng, ở cuối buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Việt còn biết nói: “Quê ngoại tôi ở Gò Công Đông, các bạn có ghé qua xin thắp giùm cho mấy cây nhang. Chào các bạn, cám ơn, mô Phật!” (lại còn biết chắp tay lại như đang lạy Phật nữa chứ!)

Ngoài muôn vàn lời ngợi khen quyển sách, cũng có những ý kiến trái chiều.

Cũng trên tờ The New York Times ở Mỹ số ra ngày 27/5/2019, Dwight Garner đánh giá: “Những đoạn viết của Vuong về các tiệm làm móng tay và cách các bà mẹ nuôi dạy con cái của họ trong các tiệm đó rất cảm động và hiếm khi không xuất sắc. Nhưng đồng thời, “On Earth We’re Briefly Gorgeous” cũng lại chứa đầy những đoạn viết khoa trương, làm màu, với sự thanh tẩy tâm hồn gượng ép và sự sâu sắc thổi phồng, giả tạo. Có đủ những điều này khiến cho cốt truyện của cuốn tiểu thuyết bị lún sâu vào bùn.

Còn trên tờ The Guardian ở Anh Quốc số ra ngày 14/6/2019, Tessa Hadley tuy đánh giá cao quyển tiểu thuyết này của Ocean Vương, mô tả là nó rất cảm động, nhưng đồng thời cũng chỉ ra rằng “dòng chảy của câu chuyện được truyền tải bằng quá nhiều của một kiểu viết khác: một sự bình luận quá lộ liễu về ý nghĩa của những gì đang xảy ra hoặc một kiểu than thở trữ tình có tính đồng ca giữa các cảnh.”

Với những khó hiểu cả về hình thức lẫn nội dung của “On Earth We’re Briefly Gorgeous” như tôi đã trình bày ở những phần trước, cùng với hai ý kiến trái chiều vừa điểm qua ở trên, câu hỏi là tác phẩm này của Ocean Vương có đáng đọc?

Với riêng tôi là rất đáng: Bất kể chúng ta đọc với mục đích hoặc trọng tâm gì, mỗi người đọc chắc chắn sẽ cảm nhận được một niềm vui sướng nào đó từ tiểu thuyết rất lạ này của Ocean Vương. Mà niềm vui sướng là điểm cốt lõi, bởi Ocean Vương cũng đã nói: If the poem gives you pleasure, then you have understood it, then you have got everything from it…

Đọc Ocean Vương, đoạn nào hiểu được thì hiểu, và thưởng thức. Tôi đã đọc và đã thưởng thức những đoạn sau đây:

Đoạn tả mẹ của Cún Con, một cô thợ làm móng người Việt, theo yêu cầu rụt rè của bà khách già người Mỹ, đã đưa hai bàn tay xoa nắn vùng không khí ở nơi cẳng chân đã bị cụt của bà, xoa nắn để cho bà và bởi vì bà cảm giác nó vẫn còn ở đó. Hoặc đoạn hai mẹ con lên đồ để đi chơi siêu thị và cố ra vẻ phong lưu bằng cách vừa nghênh ngang nghiêng ngó vừa mút mút mấy thanh sô-cô-la chỉ có giá mấy đồng lẻ. Những đoạn viết này, nếu chưa đủ bừng sáng tính nhân bản với ta, thì cũng khiến lòng ta ngập tràn sự ấm áp.

Hoặc đoạn Cún Con bị đám học sinh trẻ nít Mỹ xô đẩy dập mặt vào cửa kiếng xe buýt buổi sáng trên đường đến trường vì tội nó không da trắng tóc vàng và không nói được tiếng Mỹ. Hoặc đoạn Cún Con đang hí hửng cưỡi chiếc xe đạp màu hồng ưa thích mới được mẹ mua cho từ cửa hàng Goodwill thì bị mấy đứa trẻ Mỹ trong cùng khu phố nhào lại xô ngã và cạo nát lớp sơn xe cho chừa cái tật bống lại cái. Đọc những đoạn tự sự này của Ocean Vương, tôi tự nhiên nhớ đến con trai tên Huy của tôi, nhớ cái bài luận văn nó viết năm 17 tuổi khi nộp đơn xin vào các trường đại học.

“… The facts of my story are straightforward. After the call that would change our lives – that my grandmother had cancer and was slipping away, my family decided to uproot itself and replant in American soil. Against the advice of several relatives living in California, my dad’s “lone ranger” spirit guided him to Texas, where life was affordable. I can tell you how impoverished we were, four immigrants living on an income of eighteen-thousand dollars a year, dragging furniture off the streets – a couch here spilling its insides, a table there kneeling handicapped; how we became mechanics, always fixing one more second-hand appliance; how my parents spent nights taking classes and keeling over textbooks, and waking up before the sun to work; and how I, following their example, tried my best to excel in school, regularly visiting the library, practicing English with Amelia Bedelia, Magic Tree House, and Roald Dahl. Those are the facts… but cold facts say nothing of warm bodies.

I was four when death descended: broken wails piercing over a droning chant, incense burning yellow, oceans of tears. I was four when I witnessed my mom, a proud professor in Vietnam, sweeping the floor of a McDonald’s, picking up the disgusting refuse left behind. I was four when suddenly the world around me disappeared and I fell, and the impact was internal. There are no words to describe the anger and confusion and sadness. Ra-tatatatatata, the machine guns fired, one after another, making holes in me before I even knew to react. How could I ever call this place home? Dad often lamented at how frugal I had become with words: “You used to be the gregarious boy, running with everyone and laughing that big cackle always.” Somewhere along the line, I had withdrawn into an introvert, shying away from everything and everyone. Even from my family I shrank. My Vietnamese identity became unrecognizable. Estranged from these two worlds, I wandered in that grey area of used-to-bes and in-betweens – Vietnameseish and Americanish…”

Dịch với sự trợ giúp của Google:

“… Sự thật trong câu chuyện của tôi rất rõ ràng. Sau cuộc gọi làm thay đổi cuộc đời chúng tôi – rằng bà ngoại tôi mắc bệnh ung thư và sắp qua đời, gia đình tôi quyết định nhổ rễ và trồng lại trên đất Mỹ. Bất chấp lời khuyên của một số người thân sống ở California, tinh thần “lone ranger” (người săn đuổi đơn độc) của bố tôi đã hướng dẫn ông đến Texas, nơi có giá sinh hoạt phải chăng hơn. Tôi có thể kể cho bạn nghe chúng tôi nghèo đến mức nào, bốn người nhập cư sống với thu nhập mười tám nghìn đô la một năm, săn lùng đồ đạc thải trên đường phố về dùng – một chiếc ghế dài bị thủng ruột ở nơi này, một cái bàn gãy chân ở nơi kia; cách chúng tôi trở thành thợ cơ khí, luôn sửa chữa một thiết bị cũ nào đó; bố mẹ tôi đã thức đêm đến lớp, đọc sách và thức dậy trước hừng đông để đến sở làm; và theo gương họ, tôi đã cố gắng hết sức để đạt thành tích xuất sắc ở trường, thường xuyên đến thư viện, luyện tiếng Anh với các tập truyện tranh Amelia Bedelia, Magic Tree House và Roald Dahl. Tất cả điều đó đều là sự thật… nhưng sự thật lạnh lùng chẳng nói lên điều gì về tâm hồn thơ dại.

Tôi lên bốn khi cái chết ập đến với bà ngoại: những tiếng than khóc đứt quãng xuyên qua tiếng tụng kinh đều đều, những thẻ hương cháy vàng, nước mắt như đại dương. Tôi lên bốn khi chứng kiến mẹ tôi, một giáo sư đáng tự hào ở Việt Nam, đang quét sàn cửa hàng McDonald’s, nhặt những thứ rác rưởi kinh tởm còn sót lại. Khi tôi lên bốn thì đột nhiên thế giới xung quanh tôi biến mất và tôi bị xô ngã, tác động nằm ở bên trong. Không có từ nào có thể diễn tả được sự tức giận, bối rối và buồn bã. Ra-tatatatatata, những họng súng máy lần lượt khai hỏa, tạo ra những lỗ thủng trên người tôi trước khi tôi kịp phản ứng. Làm sao tôi có thể gọi xứ sở này là nhà? Bố thường than thở về việc tôi đã trở nên quá lặng lẽ: “Con từng là cậu bé hớn hở, hoà đồng, luôn chạy theo mọi người và luôn cười lớn”. Ở đâu đó trong quãng đời thơ dại của mình, tôi đã rút về làm một đứa trẻ hướng nội, né tránh mọi thứ và mọi người. Ngay cả với gia đình tôi, tôi cũng thu mình lại. Căn cước Việt của tôi đã không còn nhận ra được nữa. Xa cách với cả hai thế giới, tôi lang thang trong vùng xám xịt của những cái-đã-từng và những cái-ở-giữa – nhợt nhạt chút Việt, nhợt nhạt chút Mỹ…”

Sau này, khi đã quyết định chọn vào học ở Dartmouth gần biên giới Canada, Huy có cho tôi đọc bài luận văn này. Tôi đã đọc và đã khóc. Tôi lớn lên với các tác phẩm văn học Mỹ, việc rời Việt Nam định cư ở Mỹ với tôi nhẹ lòng như một chuyến trở về chốn cũ, nên tôi nào hiểu rằng, với những đứa trẻ như Huy, như Ocean Vương, trải nghiệm đó đã để lại nhiều chấn thương tinh thần.

6.

Ngoài những đoạn viết nếu chưa đủ bừng sáng tính nhân bản với ta thì cũng khiến lòng ta ngập tràn sự ấm áp như vừa nói ở trên, trong “On Earth We’re Briefly Gorgeous” còn có một trường đoạn nữa tôi thấy rất thú vị và cũng rất ghê rợn. Đó là toàn bộ chương Ba, mô tả cảnh Mậu Thân, trực thăng vần vũ và làng mạc bốc cháy, bà ngoại của Cún Con, khi đó hai tám tuổi và đang ôm trong tay đứa bé gái mới sanh sau này là mẹ của Cún Con, bị hai anh lính Mỹ trẻ măng chĩa súng ngăn không cho trở lại vào làng khiến cô sợ hãi tè cả trong quần thấm xuống đất thành một dấu chấm câu khổng lồ, trong khi cùng lúc nhưng ở một không gian khác sâu trong rừng, năm ông Việt Cộng, hàm răng ám khói vừa vẩu vừa sún lỗ chỗ trông như những cục xúc xắc, đang ngồi phiá sau một xưởng quân giới nốc rượu vodka và múc ăn óc khỉ sống qua một cái lỗ khoét trên mặt bàn theo kiểu Từ Hy Thái Hậu ngày trước để tăng cường “bản lãnh đàn ông”.

Chương Ba này sử dụng thủ pháp nghệ thuật “cài răng lược thời gian, cài răng lược không gian” tuy không hoàn toàn mới lạ nhưng rất xuất sắc ở chỗ nó có khả năng đồng thời cho độc giả nhìn được ba phiên bản lịch sử: Một của cô gái quê ôm trong tay đứa con mới sinh, đang hớt ha hớt hải và thất tha thất thểu vì bom đạn chiến tranh, miệng không ngớt lải nhải: “Nô beng beng! Nô beng beng! U Ét Ây năm bờ oăn! U Ét Ây năm bờ oăn!”

Một của anh lính Mỹ, cuối cùng cũng nhấc ba-ri-e cho cô gái quành trở vào làng đơn giản chỉ vì khi nhìn thấy đứa bé cô gái đang bồng trên tay, cậu đã tưởng tượng: “Ai đó cậu ta quen có thể là cha đứa bé – trung sĩ của cậu, tiểu đội trưởng của cậu, chiến hữu trong trung đội của cậu, như Michael, như George, như Thomas, như Raymond, như Jackson… Cậu nghĩ đến họ, khẩu súng trường siết chặt trong tay, mắt dán vào đứa con gái mang dòng máu Mỹ trước mũi khẩu súng Mỹ”.

Và một của những người lính phía bên kia, ở sâu trong rừng và đang ngồi đợi ăn óc khỉ. Sau đây là những đoạn trích dẫn đã được nối lại cho liền mạch truyện:

“… cánh cửa mở ra, mấy người đàn ông đặt ly xuống, vài người tranh thủ uống cạn chỗ rượu. Một ông còng lưng có mái tóc bạc chải gọn qua bên dắt vào một con khỉ đuôi dài, to cỡ con chó, có dây buộc quanh cổ. Không ai nói gì. Cả mười cặp mắt dán vào con thú đang khập khiễng vào phòng, bộ lông đỏ bị cháy sém đẫm mùi rượu và phân, do nó đã bị ép uống vodka và morphine trong chuồng nguyên buổi sáng.

“… Ông già khòm lưng dẫn con khỉ vào dưới gầm bàn, tròng đầu nó qua cái lỗ khoét chính giữa bàn. Một chai rượu nữa được khui. Nắp chai vặn đánh tách còn mấy người đàn ông với tay lấy ly.

Con khỉ bị cột vào thanh ngang dưới bàn. Nó quẫy đạp. Một cái đai da buộc mõm nó lại, tiếng la của nó nghe ư ư như tiếng máy nhả sợi dây câu vung tít xa trên mặt hồ.

“… Ông già tóc bạc giơ ly lên chúc rượu cả bàn, cười toe toét. Năm cái ly khác cũng giơ lên… [bằng] những cánh tay chốc lát nữa sẽ nắm lấy dao mổ mở hộp sọ con khỉ ra như mở nắp lọ. Những người này sẽ thay phiên nhau xúc não của nó ăn, nhúng vào rượu hay nhai cùng tép tỏi để trong dĩa sứ, trong lúc con khỉ quẫy đạp liên hồi dưới chân. Như sợi dây câu vung ra hết lần này đến lần khác nhưng không bao giờ chạm nước. Đám đàn ông tin rằng món ăn này tránh cho họ bị yếu sinh lý, rằng con khỉ càng quẫy đạp, thì hiệu quả càng cao. Bọn họ làm điều này vì tương lai dòng giống – vì đám con cháu trai gái của họ.

“… Khỉ đuôi dài có khả năng tự vấn và nội quan, những đặc tính một thời từng được cho là chỉ thuộc về con người. Một vài loài đã thể hiện hành vi cho thấy khả năng phán xét, sáng tạo, thậm chí là sử dụng ngôn ngữ. Chúng có thể nhớ lại những hình ảnh trong quá khứ và áp dụng vào giải quyết vấn đề hiện tại. Nói cách khác, khỉ huy động ký ức để sống sót…”

Chỉ một chương viết dài mười trang giấy này, bằng thủ pháp nghệ thuật “cài răng lược thời gian, cài răng lược không gian”, đã ăn đứt “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.

7.

Rồi còn những chương mô tả quan hệ đồng tính giữa Cún Con lúc 15, 16 tuổi và Trevor, cháu nội của ông chủ cánh đồng bắp nơi Cún Con trốn mẹ đến xin làm công cùng với những di dân người Mễ. Những chương này chiếm khá nhiều trang trong tiểu thuyết và được Lê Khải Việt đánh giá là hay nhất trong toàn bộ tác phẩm. Nhưng tôi thì không biết nói gì. Với tôi, chuyện này quá xa lạ. Và cũng xa lạ luôn với tôi là đoạn Ocean Vương qua miệng Cún Con mô tả những người Mễ hèn mọn này và liên tưởng câu nói “Lo siento” luôn sẵn sàng trên cửa miệng của họ với câu “I’m sorry” đầy vẻ cam chịu và nhẫn nhục luôn sẵn trên miệng những bà mẹ người Việt làm công trong các tiệm móng tay ở khắp nơi trên đất Mỹ sau biến cố 1975. Đọc đoạn này tôi hiểu, và đau, và tức giận, cũng chẳng biết tôi tức giận ai.

8.

Người đọc “On Earth We’re Briefly Gorgeous” bản nguyên tác sẽ còn được hưởng thêm một niềm vui sướng khác nữa, đặc biệt là ở những đoạn đọc mà không hiểu. Ocean Vương bảo trong gia đình anh hình như có di truyền chứng dyslexia. Anh cũng bảo: “Tôi viết rất chậm và xem từ ngữ như những vật thể. Tôi luôn cố gắng tìm từ ngữ ở trong từ ngữ… nếu không có từ ngữ để nói gì đó thì ta phải tự tạo ra – cho phép tôi tạo ra những hình ảnh cho riêng mình khi viết.” (Nguyễn Huy Hoàng, Ocean Vuong: Tiếng Việt có một cách nhìn rất lạ về thế giới, rất thơ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 30/01/2018).

Ngôn ngữ của Ocean Vương trong “On Earth We’re Gorgeous”, vì thế, rất lạ. Có vẻ như anh bị ám ảnh bởi ngôn ngữ nói chung và, đặc biệt và cụ thể, bị ám ảnh bởi các quy định văn phạm về kết cấu câu, cũng như về các dấu chấm câu. Có vẻ như các dấu chấm câu sẽ khiến cho câu của anh nghẹt thở, và anh luôn cố vùng thoát ra khỏi nó, để đạt đến tự do. Ngoài việc thoải mái đưa vào văn bản rất nhiều từ lóng mang nghĩa rất khác với nghĩa phổ thông, anh rất “tự do” dùng và tạo từ, chẳng hạn từ “ghost”, từ “other”, v.v., được anh dùng rất nhiều lần theo dạng động từ: “The thing is, I don’t want my sadness to be OTHERED from me just as I don’t want my happiness to be OTHERED” (tr. 181). Anh cũng sẵn sàng dùng “after”, ít nhất là hai lần ở hai chỗ khác nhau, như một trạng từ đứng độc lập, chẳng hạn: “AFTER, at night, the men will come home renewed, their stomachs full, and press themselves against their wives and lovers” (SAU ĐÓ, vào buổi tối, những người này sẽ về nhà, tươi mới, bụng căng đầy, rồi áp người vào vợ và người yêu mình). Nếu việc sử dụng “ghost” và “other” như một động từ có thể tìm thấy được ở một ngóc ngách nào đó trong tự điển, thì việc dùng “when” như một trạng từ đứng độc lập chắc chắn là một thách thức quy tắc văn phạm. Ác nỗi, cái thách thức văn phạm đó của anh, đọc riết cũng thấy đầy âm hưởng thi ca!

Tóm lại, ngôn ngữ trong “On Earth We’re Briefly Gorgeous” của Ocean Vương có thể không lô-gic nhưng rõ ràng là đầy hình tượng, vậy nên đọc anh ở những đoạn không hiểu thì đừng cố hiểu như khi đọc tiểu thuyết, mà chỉ nên cảm nhận bằng các giác quan như khi ta đọc thi ca, hoặc khi ta thưởng thức một tác phẩm âm nhạc và hội họa. Làm như thế ta sẽ thấy được đắm mình vào một màn trình diễn đỉnh cao của nghệ thuật tung hứng ngôn từ, một bản giao hưởng bất tận của các âm thanh chữ, của sự kết hợp các âm thanh chữ đó thành những ý tưởng, những liên tưởng, những so sánh, lạ lẫm, tinh khôi, tươi rói.

Để rồi, khi đắm mình vào bản giao hưởng đó, ta sẽ chợt nhận ra, bằng trực giác hơn là bằng lý trí, rằng nằm sâu phía sau tất cả cái đẹp lóng lánh của câu chữ và những xếp đặt hình ảnh lộn xộn và ngẫu nhiên trong “On Earth We’re Briefly Gorgeous” là một tâm hồn cô đơn, đau đớn đến cùng cực, đang quẫy đạp để thoát ra ngoài giới hạn của câu chữ là cái mà anh tưởng là không biên giới, mà anh coi là lẽ sống, cái phao cứu sinh, nhưng cuối cùng anh vẫn bị mắc kẹt ở dấu chấm cuối câu, cái dấu chấm câu đó cứ to dần to dần và đen ngòm, nó khiến cho cái đẹp lóng lánh ở những chương đầu tác phẩm trở nên tăm tối một cách vô vọng dần về những chương cuối. Một đoạn trong tác phẩm, Ocean Vuong viết: “If we are lucky, the end of the sentence is where we might begin” (Nếu ta may mắn, cái kết thúc của câu sẽ là lúc ta có thể bắt đầu). Hy vọng rằng tâm hồn anh sẽ có được sự may mắn mà anh luôn khát khao, để cái lóng lánh đẹp của tâm hồn đó chung cuộc đừng chỉ là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”.

Houston, 10/26/2024

 

 

Comments are closed.