Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (kỳ 16)

Lã Nguyên

VỀ TRUYỆN NGẮN MA VĂN KHÁNG

Truyện ngắn Ma văn Kháng có hình hài, diện mạo rất riêng. Không nên nghĩ thể loại chỉ là câu chuyện hình thức, mà trước hết là vấn đề nội dung. Nó thể hiện một thái độ, một cách cắt nghĩa, một kiểu quan hệ của nhà văn với con người và đời sống.

Có người viết văn cứ y như là để phán truyền, để tiên tri, để nói lời đầu tiên và cũng là lời cuối cùng về thé giới. Họ xuất hiện trước độc giả với rất nhiều tư cách, nhưng người đọc thật khó nhận ra tư cách nhà văn, tư cách nghệ sĩ trên những trang viết của họ. Tôi gọi những nhà văn như thế là những cây bút nghiệp dư. Mà đã là cây bút nghiệp dư, thì dẫu có năng khiếu bẩm sinh, dù viết nhiều, viết khỏe bao nhiệu, nhà văn vẫn thường phải mô phỏng, bắt chước những khuôn mẫu, hình thức thể loại có sẵn.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng có diện mạo, hình hài riêng, vì ngay từ những sáng tác đầu tay, người cầm bút đã đến với người đọc trong tư cách một nhà văn có ý thức về chỗ đứng trong vương quốc văn chương, nghệ thuật.

Các nhà nghiên cứu thường nhận xét, rằng cho đến nay, tiểu thuyết và truyện ngắn của Ma Văn Kháng vẫn tập trung vào hai đề tài chính là cuộc sống của đồng bào vùng núi cao phía bắc Tổ quốc và đời sống thành thị đầy phức tạp trong cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đất nước sau chiến thắng 1975. Đó không phải là những đề tài mới. Chắc chắn, Ma Văn Kháng thừa biết, ngay từ những năm năm mươi, Tô Hoài đã viết rất hay về miền núi Tây Bắc. Cho nên, Ma Văn Kháng không có ý định nói lời đầu tiên về thế giới, mà cũng không lặp lại lời nói của những người đi trước. Trong truyện Trăng soi sân nhỏ, Ma Văn Kháng đã để cho một nhân vật nghĩ như thế này: “… Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật”.

   “Đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn”, Ma Văn Kháng đã cất lên tiếng nói riêng. Nhiều sáng tác được Ma Văn Kháng viết ra cứ y như là để nối lời, tiếp lời, đúng hơn là để đối thoại, tranh biện với các ý thức xã hội, ý thức nghệ thuật của thời đại. Có vô khối những cuộc đối thoại, tranh biện trong tiểu thuyết, truyện ngắn Ma Văn Kháng: tranh biện về con người, về cuộc đời, về văn chương nghệ thuật. Giọng tranh biện cất lên từ mạch trần thuật, ngôn ngữ nhân vật, từ những hình tượng được xây dựng cứ y như là để chọi lại với hình tượng trong sáng tác của ai đó. Đọc Ma Văn Kháng, ta liên tiếp bắt gặp những câu trần thuật biểu hiện sự phủ định một ý thức cũ, bộc lộ một thức nhận mới bằng những cụm tù tình thái, ví như “nào phải”, “đâu phải”, hay là “thì ra”, “hoá ra”. Dĩ nhiên, muốn đối thoại, tranh biện, nhà văn phải có tư tưởng nghệ thuật riêng. Tôi hiểu tư tưởng nghệ thuật là toàn bộ quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời đã hoá thành cảm hứng thẩm mĩ. Bởi vì, khi đã đi qua cửa ngõ tâm hồn nhà văn, cuộc đời và con người chỉ còn là cái bi hay cái hài, cái thấp hèn phàm tục, hay cái đẹp, cái hào hùng cao cả. Cảm hứng thẩm mĩ vừa gắn bó máu thịt với cá tính sáng tạo của nhà văn, vừa là phạm trù lịch sử. Trước năm 1975, văn chương rưng rưng một cảm hứng trước cái cao cả hào hùng. Sau năm 1975, như để trả lại sự cân bằng, cái méo mó nghịch dị, cái phàm tục dơ dáng từng làm dậy hứng cho không biết bao nhiêu sáng tác văn chương. Tạng nghệ sĩ của Ma Văn Kháng hình như chỉ thích ứng với cái đẹp. Dĩ nhiên, dựa vào khuynh hướng cảm hứng trước cái đẹp cũng có thể nhận ra những trường phái, những phong cách nghệ thuật và những cá tính sáng tạo khác nhau. Ví như cảm hứng lãng mạn thường hướng tới cái đẹp trinh nguyên, cái đẹp e ấp kín đáo, thướt tha yểu điệu, hoặc cái đẹp của phương xa xứ lạ, cái đẹp phi thường, phong trần, dạn dĩ. Ta hiểu vì sao văn thơ lãng mạn thường gửi gắm cảm hứng vào những bức tranh quê, vào thiên nhiên hoang sơ, vào hình ảnh những tiểu thư khuê các, hoặc những tráng sĩ, chinh phu. Ma Văn Kháng là nhà văn của cái đẹp trong dòng đời sinh hoá, bình dị, hồn nhiên, cái đẹp trong hạnh phúc được làm người với ý nghĩa đích thực của nó chứ không phải là cái gì khác. Còn nhớ, vào quãng đầu năm 1984, tôi đọc truyện ngắn Ngày đẹp trời của Ma Văn Kháng in trên báo. Đó là năm tháng nền văn học của chúng ta vừa trăn trở đổi mới, vừa vận động theo quán tính của văn học thời chiến. Ba mươi năm chiến tranh là thời đại “ra ngõ gặp anh hùng”. Văn học viết về chiến tranh của chúng ta là nền văn học của những người anh hùng. Đặt vào bối cảnh ấy sẽ thấy, Ngày đẹp trời của Ma Văn Kháng đã mang đến cho người đọc một thông điệp mới mẻ. Các vị anh hùng ngàn đời còn được con người ngưỡng mộ. Nhưng người anh hùng chỉ có thể tìm thấy sự bằng an, tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong “cuộc sống đích thực như một con người giữa nhân tình gần gụi” (Tôi nhấn mạnh.- L.N.). Đó là lẽ “nhân thiên hợp nhất”, là tư tưởng, là cảm hứng chủ đạo của thiên truyện. Hoá ra nhan đề của tác phẩm có ý nghĩa biểu tượng. Ngày đẹp trời là ngày một con người cao thượng muốn âm thầm hi sinh, “dìm mình vào khắc khổ để quên lãng”, đã quay rở về với cuộc sống bình dị của những con người thuần hậu, “một cuộc sống do họ chủ động đứng ra xếp sắp theo bản chất thuần hậu” của mình. Có lẽ vì cái ý nghĩa biểu tượng ấy đã thể hiện được tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, nên hai năm sau, năm 1986, Ma Văn Kháng cho in cả một tập truyện ngắn mang chung tựa đề Ngày đẹp trời.

Đọc Ma Văn Kháng, thấy xuyên suốt những trang văn một triết luận đời sống hết sức nhất quán. Triết luận ấy lấy tình người, tính người và sự hồn nhiên làm mẫu số để nhà văn trò chuyện về con người và cuộc đời. Các nhà văn thường miêu tả ngoại hình để nói chuyện tính cách. Ma Văn Kháng thường miêu tả tướng hình để thể hiện tính người, tình người. Bởi vì cái tính thường lộ ra ở cái tướng, nhất là ở những kẻ ác tính, ác tâm. Những truyện hay nhất của Ma Văn Kháng là những truyện nói về “dòng đời”, “mạch sống”. Đời có dòng chìm và dòng nổi, chảy trôi theo mạch ngầm và mạch lộ thiên. Nổi trên mạch lộ thiên thường là cái phù vân, dang dở, luẩn quẩn trong những âm mưu toan tính, loanh quanh tụ tán theo lợi, theo danh. Chìm dưới mạch ngầm là cái căn cốt của tính người, tình người. Mạch nổi được gắn kết lỏng lẻo bằng sự cưỡng chế, thói đạo đức giả và căn bệnh lãnh cảm, nên nhí nhố, ồn ào, mà gượng gạo, nhàm chán. Mạch ngầm là dòng chảy tự nhiên của niềm vui, nỗi đau và niềm đam mê vô lượng của con người, kiếp người, nên thầm thào mà cường tráng, hồn nhiên, dào dạt. Mạch nổi là cái méo mó nguỵ tạo. Cái mĩ, cái thiện, cái chân lặng lẽ chảy trôi dưới mạch ngầm. Mạch nổi là cái nhất thời, là sự phi lí, sự lầm lạc của con người, đời người. Mạch ngầm là sự đại giác ngộ của lương tri, của tâm linh sâu thẳm trường cửu của con người. Dòng nổi và dòng chìm, mạch ngầm và mạch lộ thiên, sự sống và cái chết hoà trộn vào nhau, sinh sinh, hoá hoá tạo thành dòng đời chảy trôi miên viễn.

Chưa hẳn Ma Văn Kháng đã có ý muốn nói như thế. Nhưng câu chữ và thế giới hình tượng trong truyện ngắn của nhà văn đã nói lên cái ý ấy. Cho nên, tôi thấy chất men khơi dậy cảm hứng sáng tạo của Ma Văn Kháng không phải là gì khác, mà chính là niềm đam mê được thổ lộ trên trang giấy tình yêu da diết và niềm hứng khởi vô biên trước vẻ đẹp của dòng đời sinh hoá hồn nhiên, vẻ đẹp bình dị mà lớn lao trong niềm vui, niềm hạnh phúc được làm người với ý nghĩa đích thực của nó. Đó là cảm hứng trước vẻ đẹp nhân bản, vừa mang tinh thần thuần khiết phương Đông, vừa phồn thực, cường tráng thấm đẫm cảm quan hiện đại.

Đời phồn tạp àm thành sinh động. Cảm hứng của Ma Văn Kháng vì thế cũng có nhiều sắc điệu. Cho nên, sau hai chục năm (tính từ 1978, là năm khai sinh Đồng bạc trắng hoa xoè), đã gặt hái tám tiểu thuyết, sáu tập truyện ngắn, câu chữ của Ma Văn Khấng giống như đất canh tác sẵn nguồn phù sa, nên không xơ xác bạc màu, mà vẫn ánh lên nhung tuyết, hồn cốt. Để tiện việc phân tích tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, dựa vào sắc điệu cảm hứng thẩm mĩ, tôi tạm chia đội quân truyện ngắn rất đông đúc của Ma Văn Kháng thành ba nhóm:

– Nhóm thứ nhất là những truyện ngắn thể hiện cái nhức nhối, xót xa, giận mà thương cho sự hoang dã mông muội của những kẻ chưa thành người và những người không được làm người.

– Nhóm thứ hai là những truyện ngắn cất lên tiếng nói cảm khái thâm trầm trước thế sự hôm nay.

– Nhóm thứ ba là những truyện ngắn thể hiện cảm hứng trào lộng trang nghiêm (thuật ngữ của M. Bakhtin) trước vẻ đẹp của cuộc đời sinh hoá hồn nhiên.

Đây là cách phân chia có tính chất tương đối, vì nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng có thể cùng một lúc xếp vào nhóm này hay nhóm kia, nhưng một số truyện xếp vào nhóm nào cũng thấy chưa ổn.

*

Hầu hết những truyện ngắn thuộc nhóm thứ nhất là những tác phẩm viết về đề tài miền núi. Khi Ma Văn Kháng đến với văn đàn thì cuộc sống miền núi phía bắc Tổ quốc đã được miêu tả qua một cái nhìn ổn định trong những tác phẩm xuất sắc tạo nên thành tựu của văn xuôi thời kháng chiến chống Pháp. Canh tác trên một mảnh đất đã có người cày xới, Ma Văn Kháng không dừng lại ở cái nhìn quen thuộc gói gọn trong quan điểm giai cấp. Nhìn từ góc độ ấy, nhà văn khó mà giúp người đọc nhận ra sự khác biệt lớn lao giữa đời sống miền núi và đời sống miền xuôi. Miền xuôi có tri huyện, chánh tổng, lí trưởng, thì miền núi có quan châu, thống lí, thổ ti câu kết với thực dân áp bức bóc lột quần chúng một cách dã man. Miền xuôi có những người nông dân phải bán con, bấn chó, bỏ làng lên huyện, ra tỉnh, thì miền núi cũng có những người nông dân bị biến thành con trâu, con ngựa, phải bỏ đất, bỏ mường. Rốt cuộc, miền núi chỉ khác miền xuôi ở phong tục tập quán, thiên nhiên giàu chất thơ, ở cách cảm, cách nghĩ.

Thực ra, Ma Văn Kháng không viết về miền núi phía Bắc nói chung. Mọi sự chú ý của nhà văn đều hướng về vùng biên ải. Vùng biên ải là nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Các truyện ngắn Giàng Tả, Vệ sĩ của quan châu, Ông lão gác vườn và con chó Phúm, Người thợ bạc ở phố cũ, Mã Đại Câu, người quét chợ Mường Cang, Móng vuốt thời gian, Thím Hoóng… đều là những truyện ngắn đặc sắc viết về vùng biên ải. Đây mới dúng là mảnh đất cung cấp nhiều chất liệu giúp Ma Văn Kháng đưa ra những khái quát nghệ thuật mới mẻ. “Biên ải lúc nào cũng có hình sắc của thời mới khai thiên. Đất hoang hoá chỉ cho phép tồn tại dưới ánh mặt trời những thế lực hùng mạnh, những thủ lĩnh gian ác, những thủ lĩnh thông thạo chiến chinh và kéo theo nó bọn theo đóm ăn tàn, những bản chất bán khai kinh thiên động địa”. Ma Văn Kháng đã viết như thế trong truyện Vệ sĩ của quan châu. Đời sống con người và xã hội vùng biên ải gắn chặt với một trình độ văn hoá, một giới hạn văn minh. Thế giới ở thời mới khai thiên là nơi ngự trị của cái hoang sơ rừng rú. Vô khối con người ở đây không ý thức được hành vi của mình. Cho nên, không phải ai dính líu với địch đều là kẻ thù của nhân dân. Có lẽ Ma Văn Kháng đã viết Giàng Tảđể nói lời minh oan cho những con người như thế. Lí lịch trích ngang của Giàng Tả rất phức tạp, lúc ở với địch, lúc lại theo giúp bộ đội ta. Ngày giải phóng, chính quyền ta gọi Giàng Tả “đến tập trung học tập trong trại cải tạo những kẻ lầm đường theo giặc”. Trong con mắt của chủ tịch Lao Chải, Giàng Tả “không phải là đầu sỏ phỉ, chỉ là phỉ viên, nhưng cúc cung tận tuỵ với chủ nó lắm! Lão này gớm lắm!… Gan, ngoan cố lắm”. Anh ta không cần biết Giàng Tả là người “bụng dạ thật thà, nhân hậu, ngay thẳng”. Bởi vì anh ta không thể biết, trước sau, Giàng Tả vẫn chỉ là “cái anh chàng khoẻ như vâm, chuyên đi làm thuê”, “là một sức khoẻ phi thường mà lại hồn nhiên”. Nhà văn đã để cho nhân vật người kể chuyện “thở một hơi dài não nuột”, sau khi nghe lời buộc tội Giàng Tả của viên chủ tịch xã Lao Chải. Chao ôi! Với những cách nhìn như thế thì, “Cái đáng biết lại không biết. Cái không nên quên lại quên. Lịch sử thế là mất đi cái hồn nhiên của nó”.

Chốn hoang sơ rừng rú “của thời mới khai thiên” sản sinh ra cái hồn nhiên, thuần phác. Đó cũng là vương quốc tự do của bản năng tàn bạo. Ở đó, “những bản năng bán khai” được buông phóng không còn giới hạn. Khun trong truyện Vệ sĩ của quan châu là một “bản năng bán khai kinh thiên động địa”. Hắn ngửi được hơi lạ trong gió, nghe được bằng da thịt, nhìn xuyên đêm tối. Hắn thích giết người và không sợ bị người ta giết. Bản năng hiện hình trên cả cái thân xác của hắn. Hắn là “một đống bù xù hỗn mang mông muội”. Người ta băn khuăn không hiểu là “quỷ sứ hiện hình vào Khun hay chính Khun klà quỷ sứ siêu đẳng”. Khun tàn ác và bạo liệt, nhưng y không ý thức được hành động của mình. Khi miêu tả bản tính tàn bạo của đời sống rừng rú, bút lực của Ma Văn Kháng trở nên dữ dội, mạnh mẽ khác thường.

Trong thời đại thống trị giai cấp, mọi sự hồn nhiên, ngây thơ, vô ý thức, cả lòng tốt lẫn sự tàn bạo đều hoặc là bị đè bẹp, chà đạp, hoặc là bị mua chuộc lợi dụng. Giàng Tả là trường hợp như thế. Khun cũng là một trường hợp như thế. Quan châu Vàng A Ký đã biến Khun thành “nanh hổ, vuốt gấu, răng chó, dao, súng, đao phủ khát máu, chết chóc mù loà”, thành tay sai gian ác “gớm guốc còn hơn chủ”.

Biên ải vốn là vùng đất dữ dội. Dữ dội vì đó là nơi diễn ra liên miên “những cuộc chinh chiến, sát phạt tàn hại giữa các bầy đoàn, phe cánh”. Bản tính tàn bạo, rừng rú, bản năng đao phủ lại luôn luôn được dung dưỡng, buông phóng phục vụ cho những cuộc sát phạt, tàn hại lẫn nhau ấy. Cho nên, đất biên ải càng trở nên dữ dội, baọ liệt. Ở đó, với những người lương thiện như thím Hoóng (Thím Hoóng), cái hạnh phúc được làm người, theo nghĩa giản đơn là yên bình sinh sống, bỗng trở nên quá lớn lao, không bao giờ có được. Ma Văn Kháng là nhà văn có những trang viết hay nhất về cái bạo liệt, dữ dội của miền biên ải. Nhà văn đã làm giàu thêm cảm xúc và kinh nghiệm thẩm mĩ của người đọc băng những trang viết như vậy.

Nhiều tác phẩm viết về cuộc sống của các dân tộc miền núi đã gợi dậy ở chúng ta ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường lòng căm thù và niềm cảm thông: căm thù bọn thực dân cướp nước, bọn lang đạo, phìa tạo xấu xa, tàn ác, cảm thông với cuộc sống lầm than của quần chúng bị áp bức, bóc lột. Nhưng Giàng Tả nằm ở đâu trong miền cảm xúc của chúng ta? Làm sao có thể xem Giàng Tả là kẻ thù! Chẳng ai thèm chấp một Mã Đại Câu “ăn cháo đái bát”, ngu dại tới mức bị giết mà vẫn không biết mình bị lừa. Sáng tác của Ma Văn Kháng gợi dậy ở người đọc tình cảm xót xa, vừa giận, vừa thương: xót xa những kiếp người không được làm người, thương cho sự hoang sơ mông muội và giận thaycho sự bạo tàn, man rợ mang “hình sắc của thời mới khai thiên”. Nhiều tác phẩm được đọc hồi còn là học trò gây cho ta cảm giác, rằng mọi vấn đề của đời sống miền núi hình như đã được giải quyết xong xuôi: có áp bức, có đấu tranh, quần chúng đã vùng lên đánh đuổi được thực dân, xoá bỏ chế độ lang đạo, đời từ nay thế là có hướng đi. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Ma Văn Kháng để lại trong tâm hồn người đọc nỗi nhức nhối khôn nguôi về sự “hồi tổ”, “lộn giống” cùng “bản tính của đời sống rừng rú” ở miền biên ải. Cái nhìn hiện đại được tựa chắc trên nền tảng quan niệm về tính “hồn nhiên” của lịch sử (diễn đạt theo ngôn ngữ khái niệm, thì đó là quan niệm hiện thực khách quan, quan niệm biện chứng lịch sử) đã khiến cho nhãn quan giai cấp của nhà văn Ma Văn Kháng trở nên thấu triệt và thấm đẫm tinh thần nhân bản.

*

Già nửa số truyện ngắn của Ma Văn Kháng thuộc nhóm thứ hai. Đề tài chủ yếu của những truyện ngắn này là đời sống thành thị trong sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước sau chiến thắng 1975. Đây là mảng truyện ngắn đã đặt Ma Văn Kháng vào đội ngũ những cây bút đang có nhiều đóng góp to lớn vào việc đổi mới nền văn xuôi nghệ thuật của dân tộc. Đưa truyện ngắn xích lại gần tiểu thuyết là nét đổi mới quan trọng bậc nhất mà ta có thể tìm thấy trong sáng tác của Ma Văn Kháng và nhiều cây bút khác. Khái niệm tiểu thuyết được sử dụng ở đây nhằm chỉ một nguyên tắc tư duy nghệ thuật, chứ không phải một hình thức, khuôn mẫu thể loại. Đặc trưng cơ bản của nguyên tắc tư duy nghệ thuật này là sự xoá bỏ hoàn toàn khoảng cách giá trị giữa người kể chuyện và đối tượng trần thuật. Suốt ba mươi năm chiến tranh, văn thơ ta đã cân đo đời sống đất nước bằng những chiều kích vĩ mô. Thế giới được bổ đôi, chia thành hai nửa địch và ta đối đầu với nhau như nước với lửa, sống với chết. Trong thế giới ấy “lịch sử chọn ta làm điểm tựa”. Ta đốt lửa trong tim để hoá thành Đancô, phơi phới một niềm tin “làm người lính đi đầu”. Thời ấy, văn thơ đã nhìn cuộc sống hiện tại bằng con mắt của tương lai, con mắt của cháu con, hậu bối như thế. Trong con mắt của tương lai, hiện tại không còn là hiện tại như vốn dĩ, mà đã hoá thành một quá khứ tuyệt đối, quá khứ lí tưởng. Ta không còn là ta mà trở thành tổ tiên, không sống với thời hiện tại, mà thuộc về thế giới của những khởi nguyên, của những người đi đầu hoàn hảo nhất, ưu tú nhất. Đối tượng trần thuật và người kể chuyện thành ra có một khoảng cách giá trị cao vòi vọi. Cho nên, người kể chuyện bao giờ cũng giữ tâm thế cung kính, ngưỡng mộ trước đối tượng trần thuật của mình.

Sau năm 1975, khi đất nước thanh bình, tư duy tiểu thuyết ngày càng chiếm thế ưu thắng trong ý thức nghệ thuật. Tư duy tiểu thuyết kéo đối tượng trần thuật xích lại gần với người kể chuyện, đặt người kể chuyện và đối tượng trần thuật vào cùng một đẳng cấp giá trị. Cho nên, người kể chuyện có thể trần thuật về đối tượng của mình bằng thái độ thân mật, thân tình, thậm chí, bỗ bã, suồng sã. Nếu tư duy tiểu thuyết chưa chiếm thế ưu thắng trong ý thức nghệ thuật của xã hội và giới sáng tác thì chắc chắn, Ma Văn Kháng không thể miêu tả chân dung một cán bộ đương chức, đại diện cho chính quyền,- lại đang trên đà thăng tiến, bắt đầu là chủ tịch xã, phó chủ tịch huyện, rồi có cơ trúng chủ tịch huyện,- như thế này: “Chiến tuổi ngoại tứ tuần, người to, đầu nhỏ, mặt vênh, mắt ngưỡng thiên, mắt chỉ địa, mày rậm, môi thâm, sẹo đầu, sẹo cổ, tóc lởm khởm, tiếng nói the thé. Con người diện mạo, hình trạng dị dạng nọ, một thời đi làm ở mỏ than, ăn cắp bị đuổi về, thuộc nòi lục lâm, dâm bôn khét tiếng. Dân quê vốn ngu, hèn, sợ Chiến hơn sợ cọp” (Người đánh trống trường).

Việc kéo đối tượng trần thuật xích lại gần người kể chuyện đã mở đường cho văn xuôi tự sự miêu tả đời sống hiện tại như nó đang tiếp diễn, đầy những dang dở, phù vân. Cánh cửa dân chủ của tư duy nghệ thuật được mở rộng, chất văn xuôi và những chuyện không đâu của cuộc sống hàng ngày, thường ngày ùa vào tiểu thuyết và truyện ngắn. Trung du, chiều mưa buồn, Trái chín mùa thu, Mẹ già, Bồ nông ở biển, Trăng soi sân nhỏ, Người đánh trống trường, Chọn chồng, Anh cả tôi, người sung sướng, Cô giáo chủ nhiệm, Heo may, gió lộng, Người giúp việc, Mảnh đạn, Một chốn nương thân, Mẹ và con, Quê nội, Đợi chờ, Nhà nhiều tầng, Mất điện… Chỉ cần ngần ấy cái nhan đề, liệt kê một cách lộn xộn những tác phẩm thuộc nhóm truyện thứ hai của Ma Văn Kháng cũng đủ chứng tỏ, những câu chuyện về cái thường ngày, hàng ngày, về những con người nhỏ bé, vô danh, tưởng như vô nghĩa đã chiếm một khoảng rộng như thế nào trong sáng tác của nhà văn. Sẽ chẳng có gì để nói, nếu phải tóm tắ cốt truyện của từng tác phẩm. Loanh quanh chỉ thấy toàn những chuyện vặt vãnh: chuyện một cô gái chọn chồng lấy phải thằng cha chẳng ra gì, một anh nhà báo xuống cơ sở đánh quả, chuyện lục đục mẹ chồng, nàng dâu, chuyện chị em, con cháu trong một buổi thanh minh tảo mộ, chuyện hai đứa trẻ cùng học, cùng lớn lên với nhau trong một ngôi nhà chung cư, chuyện mất điện… Nhưng chính những câu chuyện vặt vãnh ấy lại nói lên một sự thật: nguyên tắc tư duy tiểu thuyết đã mở rộng tối đa khu vực tiếp xúc giữa mảng truyện ngắn viết về đời sống thành thị của Ma Văn Kháng với cuộc đời phồn tạp.

Đưa cái thường ngày vào văn xuôi chưa phải là nhân tố quan trọng bậc nhất khiến truyện ngắn xích lại gần tiểu thuyết. Trong tư duy tiểu thuyết, người kể chuyện và đối tượng trần thuật được đặt trên một mặt bằng giá trị ngang nhau. Nó cho phép nhà văn thoát li kinh nghiệm cộng đồng,dựa hẳn vào kinh nghiệm cá nhân, không phải để ngợi ca hay thuật lại, kể lại, mà để phân tích, giải thích, luận bàn về toàn bộ đời sống hiện thực. Cho nên, nhiệt tình trong tư duy tiểu thuyết thường hướng vào việc khám phá cái ngả nghiêng, chao đảo, sự vênh lệch, trật khớp của con người và đời sống của con người. Nội dung xã hội của truyện ngắn Ma Văn Kháng không giới hạn ở mức độ “miêu tả đời sống thành thị hôm nay với những eo xèo, phức tạp, xen lẫn yếu tố tiêu cực và tích cực”, như nhận xét của một số nhà nghiên cứu, phê bình. Mang chiều sâu của một triết luận nhân bản về đời sống, nội dung xã hội của truyện ngắn Ma Văn Kháng bao giờ cũng vượt ra ý nghĩa của đề tài và chất liệu. Kể những chuyện eo xèo thường ngày, nhà văn muốn làm nổi bật sự lạc điệu, trật khớp đang diễn ra ở mọi ngõ ngách, mỗi “góc sân nhỏ”, nhằm gợi dậy ở ta ấn tượng về sự phi lí, bất ổn trong quan hệ đời sống của con người hôm nay. Có lẽ đó mới đúng là nội dung mang ý nghĩa xã hội quan trọng toát lên từ những truyện ngắn viết về đời sống thành thị của Ma Văn Kháng.

Hoà chung vào bản hợp tấu của nền văn xuôi đậm chất tiểu thuyết sau năm 1975, nhóm truyện ngắn viết về đời sống thành thị của Ma Văn Kháng vẫn là tiếng nói riêng của một tư tưởng nghệ thuật, một cảm hứng thẩm mĩ không thể trộn lẫn. Hồn vía của cảm hứng ấy, tư tưởng ấy vẫn là một quan niệm thấm đẫm tinh thần nhân bản về vẻ đẹp của tình người, tính người như là căn cốt của cuộc đời bình dị, hồn nhiên. Trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng có nhiều cảnh đốn mạt, nhếch nhác đến thảm hại của con người. Gốc gác của sự nhếch nhác, đốn mạt ấy dường như chẳng có mấy liên quan tới hoàn cảnh xuất thân hay lập trường quan điểm. Ma Văn Kháng miêu tả sự đốn mạt, ma quái, tà nguỵ của cuộc đời từ góc độ nhân tính. Sự thiếu hụt nhân tính, thói vụ lợi tầm thường, thói đạo đức giả, thói đố kị, ghen ghét, tính ích kỉ thâm căn, không có khả năng thương yêu người khác ngoài mình, ngoài huyết thống, căn bệnh lãnh cảm… là những nguyên nhân đang từng ngày, từng giờ giết chết sự hồn nhiên, giản dị trong mọi mối quan hệ của đời sống con người. Các truyện ngắn Người đánh trống trường, Trăng soi sân nhỏ, Bồ nông ở biển, Chọn chồng, Cô giáo chủ nhiệm, Mảnh đạn, Quê nội, Đợi chờ, Xóm giềng, Mất điện... đều ít hay nhiều toát lên tinh thần âý. Về phương diện này, truyện Mảnh đạn là tác phẩm có nhiều hàm ý. Thiên truyện để lại trong lòng ta một niềm day dứt khôn nguôi: người ta hoá điên vì vết thương chiến tranh để lại hay vì xú khí của thói ích kỉ và căn bệnh lãnh cảm đang vây bọc quanh mình?Truyện Tóc huyền màu bạc trắng cũng chứa đựng một triết lí sâu xa: hoá ra lô gíc không phải là lịch sử được trừu tượng hoá. Có một thứ lịch sử lạnh lùng, tàn nhẫn với thân phận của con người tới mức lô gíc của lí trí thông thường không thể giải thích được.

   Mảng truyện ngắn viết về cuộc sống thành thị của Ma Văn Kháng không phải là những tiếng reo hân hoan trước sự thăng hoa của tình đời, tình người. Đằng sau câu chữ của những tác phẩm ấy, người đọc nhận ra tiếng nói ngậm ngùi, cảm khái chứa đựng tình thương và nỗi buồn mênh mông trước một nhân thế đang phai lạt nhân tình.

*

Ma Văn Kháng buồn đời, thương đời mà không chán đời. Nhà văn nhiều khi giận đời mà chưa bao giờ căm đời. Bởi vì, quan niệm nhân bản về con người trong truyện Ma Văn Kháng thấm đẫm tinh thần lạc quan. Tinh thần lạc quan ấy có cơ sở ở niềm tin của nhà văn vào ý thức, lí trí và tính năng động như là bản chất của sự sống con người. Mạch truyện của Tóc huyền màu bạc trắngngầm chứa một triết lí rất lạc quan: “Người là con vật có lí trí và rất uyển chuyển. Nó biết cách sống cả trong những hàon cảnh khủng khiếp nhất”. Truyện Anh thợ chữa khoá cũng toát lên một tinh thần lạc quan như thế về tính năng động đầy ý thức của cuộc sống con người: “Mưu sinh, tự lo toan hoá ra là cuộc sống khởi thuỷ, vĩnh hằng, là dòng sông tuôn chảy dồi dào, phù hợp với cái hăm hở vốn có của con người”. Tinh thần lạc quan của Ma Văn Kháng còn có cơ sở ở niềm tin vào bản năng, vô thức, tiềm thức, vùng sâu thẳm, đầy bí ẩn trong thế giới tâm linh, nơi lưu giữ vĩnh hằng phần nhân tính tạo nên mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất của sự sống con người. Niềm tin và tinh thần lạc quan ấy thấm đượm trong từng tác phẩm của nhà văn và đặc biệt toả sáng ở những truyện ngắn mà tôi tạm xếp vào nhóm truyện thể hiện cảm hứng trào lộng trang nghiêm trước vẻ đẹp của dòng đời sinh hoa hồn nhiên.

Anh thợ chữa khoá, Thanh minh, trời trong sáng, Seo ly, kẻ khuấy động tình trường, Ngẫu sự, Những người đàn bà là những truyện ngắn tiêu biểu thuộc nhóm này. Anh thợ chữa khoá là truyện ngắn hấp dẫn, hàm súc, có nhiều lớp nghĩa. Có thể tìm thấy ở đây hình ảnh con người sống cuộc đời nhỏ nhoi, chết cái chết vô nghĩa, nhưng rất xứng danh là Con Người với hai chữ viết hoa. Cũng có thể tìm thấy ở đây triết lí về sức mạnh của nỗi đau: nỗi đau xoá tan hận thù, dập tắt lửa ghen, khiến cho những người đàn bà vốn ngàn đời “Chồng chung ai dễ ai nhường cho ai” xích lại gần nhau. Cuộc sống vốn giàu chất thơ, nhưng phải thiết tha yêu sống, ta mới phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Ma Văn Kháng nhận ra vẻ đẹp trong dòng chảy tự nhiên của đời sống qua âm thanh những tiếng rao của đội ngũ những người làm dịch vụ, các thứ nghề lặt vặt, linh tinh. Nghe những tiếng rao đi qua cửa mà nhà văn “hình dung ra đó là dòng chảy sinh động, tươi vui, trong đó người giao tiếp với người thật bình đẳng, nồng nàn”. Tác phẩm gợi dậy ở người đọc niềm vui, nỗi buồn như chính cuộc đời đầy những buồn vui. Quan trọng hơn, thiên truyện mài sắc cái nhìn của ta, để ta thêm yêu cuộc sống ngay ở cả những nơi lấm láp nhất, nhiều luỵ tục nhất.

Con người hăm hở trong hoạt động mưu sinh. Trong tình ái, hình như con người còn hăm hở hưon nhiều. Đó cũng là lẽ tự nhiên của âm dương hoà hợp, tạo nên sự sống trường cửu, hồn nhiên và cường tráng. Ở ta, Ma Văn Kháng là nhà văn đầu tiên viết được những truyện ngắn khoái hoạt và hả hê nhất nói về lòng ái dục của con người. Những người đàn bà là một trong những thiên truyện khoái hoạt và hả hê như thế. Truyện kể về những người đàn bà sống trong một ngôi nhà chung cư. Họ có nghề ngỗng riêng, số phận riêng, “nhưng cùng thích nói tục, cùng một lòng ái dục, ham mê chuyện tình ái”. Họ đều có những cuộc tình vụng trộm và ai cũng thích nghe kể chuyện tình vụng trộm của người khác . Qua những câu chuyện của họ, thấy hoá ra, còn có một “dòng sông tình ngầm chảy dào dạt”. Dòng sông ấy “thầm thào chảy ở bên dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy”. Nó “thầm thào chảy, nhưng dào dạt vô cùng”. Cho nên, cực nhọc và đáng thương biết bao là những người đàn bà muốn “chèo con thuyền ngược bến”, “chống lại cả một dòng nước xuôi dòng xô đẩy”. Mạch truyện còn toát lên nhiệt tình đối lập “cái khoái lạc vô lượng của dục tình, cái sung sướng vô biên của trò ái ân vụng trộm” với “căn bệnh lãnh cảm cùng thói đạo đức giả” được dung dưỡng bởi cái gọi là “hôn nhân” do “bọn đàn ông cực kì khôn ngoan (…) chế tạo ra để hạ người đàn bà xuống đại vị thứ hai trong cuộc sống”.

Thấp thoáng trong truyện Tóc huyền màu bạc trắng có nhân vật là anh hoạ sĩ trẻ. Cậu hoạ sĩ này bị bắt, bị tù chỉ vì trót dại “đi theo mấy bậc đàn anh vẽ tranh đàn bà khoả thân”. Anh chàng quản giáo mắng cậu ta xa xả là “tên dâm ô đồi truỵ”. Nhưng “cậu hoạ sĩ chỉ im lặng cười. Tranh cãi cái gì được ở đây nhỉ? Mà chẳng phải chi ở đây! Có ai đi tranh cãi với lịch sử không?”. Đúng thế! Lịch sử chỉ cho phép vẽ tranh đàn bà trong một mớ xiêm y và chỉ thừa nhận quan hệ tình ái trong hôn nhân. Lịch sử ấy đã được thể chế hoá trong cả ý thức xã hội lẫn trong ý thức nghệ thuật. Chả thế mà văn thơ trung đại thường đồng nhất chữ “tình” với hôn nhân và chữ “nghĩa”. Văn học đương đại của chúng ta từng một thời miêu tả tình yêu như là sự hoà hợp của những con người cùng chung lí tưởng. Văn học lãng mạn trước đó nói nhiều tới những rung động tình yêu ngoài hôn nhân, tình yêu như là sự giao cảm của cảm giác đậm màu sắc dục. Nhưng bản tình ca réo rắt nhất của thơ văn lãng mạn thường vẫn dừng lại ở khúc “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Ma Văn Kháng không thừa nhận, cũng không “im lặng cười” trước cái “lịch sử cao hơn lô gíc” ấy. Trong nhiều truyện ngắn (Móng vuốt thời gian, Anh cả tôi, người sung sướng…chẳng hạn), nhà văn chế giễu, lên án thói dâm bôn và lối sống hành lạc. Đồng thời, trong nhiều truyện ngắn (ví nhưSeo Ly, kẻ khuấy động tình trường, Ngẫu sự, Những người đàn bà…), Ma Văn Kháng lại quyết đứng ra để minh oan, chiêu tuyết cho những “cuộc ái ân vụng trộm” và lòng đắm dục của con người. Vừa hiện đại, vừa tiếp nối dòng sông dào dạt của nghệ thuật dân gian, Ma Văn Kháng đã cất lên khúc tấu trào lộng trang nghiêm trước vẻ đẹp phồn thực, cường tráng của dòng đời sinh hoá hồn nhiên.

*

Viết văn cũng là một nghề. Mà đã là một nghệ thì văn chương cũng có phương diện tiểu xảo, phương diện kĩ thuật của nó. Chả thế mà tiếp xúc với văn học Trung Hoa, ta nhận ra ngay bốn yếu tố: kì – quái – sử – xảo, như là những yếu tố cấu thành tạo nên nguyên tắc tổ chức thể loại tiểu thuyết cổ điển của dân tộc này. Nhưng trong sáng tác của những nhà văn có tâm huyết với văn, với đời, kinh nghiệm nghề nghiệp bao giờ cũng chịu khuất phục trước tư tưởng nghệ thuật đã hoá thành cảm hứng thẩm mĩ của họ. Chính tư tưởng nghệ thuật hoá thành cảm hứng thẩm mĩ trong sáng tác của Ma Văn Kháng đã tạo ra một diện mạo, một hình hài truyện ngắn riêng của nhà văn này.

Tính công khai bộc lộ chủ đề và sự cố ý tô đậm chân dung tính cách nhân vật là đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Ma Văn Kháng.

Như đã nói, thế giới hình tượng trong truyện ngắn Ma Văn Kháng được tạo dựng vững chắc trên cái nền của một tư tưởng nghệ thuật, một khuynh hướng cảm hứng thẩm mĩ. Nội dung tư tưởng của truyện ngắn Ma Văn Kháng thường vượt ra bên ngoài giới hạn của đề tài và chất liệu. Ma Văn Kháng không phải là cây bút viết văn theo lối tả chân. Nhà văn này cũng không thuộc trường phái chủ nghĩa hiện thực phơi bày. Cho nên, đề tài và chất liệu chỉ là xương, thịt được Ma Văn Kháng sử dụng, tổ chức lại thành cơ thể tác phẩm mà hồn vía là một khía cạnh nào đấy trong quan niệm nhân sinh của nhà văn. Quan niệm nhân sinh của Ma Văn Kháng lại xuất phát từ nhiềm tin vào lí trí, vào ý thức như một nhân tố tạo nên sự năng động của đời sống con người. Nhà văn rất quan tâm tới nghĩa lí của chuyện đời. Ma Văn Kháng kể lại chuyện Mã – Đại – Câu, vì những câu chuyện có nhiều bí ẩn, kì quái ở phố chợ Mường Cang “đều thua chuyện Mã – Đại – Câu hết; thua về độ dài, về tình tiết và về nghĩa lí nữa” (Mã – Đại – Câu, người quét chợ Mường Cang. Chữ in nghiêng là tôi nhấn mạnh.- L.N.). Cũng chính vì thế, mỗi truyện ngắn của Ma Văn Kháng thường có một ý nghĩa then chốt, diễn đạt theo ngôn ngữ lí luận, thì đó là một chủ đề sáng tỏ, một tư tưởng chủ đạo.

Ma Văn Kháng không biến văn chương thành phương tiện minh hoạ giản đơn cho tư tưởng chủ quan của bản thân. Sáng tác của Ma Văn Kháng chứng tỏ nhà văn không có ý định nói lời đầu tiên về thế giới. Chân lí chỉ có thể nảy sinh trong quá trình va xiết giữa các ý kiến khác nhau. Cho nên, với Ma Văn Kháng, viết văn là cái cách để người cầm bút nối lời, tiếp lời, để tranh luận, đối thoại với các ý thức xã hội và ý thức nghệ thuật. Truyện Ma Văn Kháng có nhiều câu viết theo kiểu đá ngang, tạt móc để nêu vấn đề và cất lên giọng đối thoại, tranh biện. Lần theo sáng tác của Ma Văn Kháng, thấy hệ thống những vấn đề được nêu ra để tranh biện, đối thoại hết sức phong phú, đa dạng. Tất cả những vấn đề ấy đều có liên quan tới quan niệm về con người, về đời sống và bản thân văn chương nghệ thuật.

Yêu cầu đối thoại, tranh biện buộc người cầm bút phải công khai bộc lộ chủ đề, ý nghĩa then chốt của tác phẩm. Chủ đề mỗi truyện ngắn của Ma Văn Kháng được bộc lộ công khai qua những hình tượng nhân vật được miêu tả y như là để chọi lại với hình tượng nhân vật trong sáng tác của một nhà văn nào đó. Chủ đề truyện ngắn Ma Văn Kháng được bộc lộ công khai đầy đủ nhất qua ngôn ngữ người kể chuyện. Qua ngôn ngữ người kể chuyện, ta nhận ra nhận ra chủ đề trongThanh minh, trời trong sáng là quan hệ giữa sự sống và cái chết, “Người chết không phải là người còn sống, nhưng cũng không phải là người chết hẳn, vô tăm tích; người chết còn tạo lập với người sống một mối liên hệ vô hình, nhưng bất tử và vô cùng thiêng liêng”. Trong Trăng soi sân nhỏ, người kể chuyện gửi tới bạn đọc thông điệp: “Cả thói vụ lợi tầm thường kiểu xôi thịt và căn bệnh ảo tưởng của kẻ thất học, yểu nhược, ốm o lúc này đang thiếu hẳn sự chia xẻ của một tấm lòng quảng đại và sự chỉ bảo gay gắt”. Có thể kéo dài thêm rất nhiều ví dụ như thế về sự công khai bộc lộ chủ đề trong truyện ngắn Ma Văn Kháng.

Không phải truyện ngắn nào của Ma Văn Kháng cũng khắc hoạ được những tính cách sắc sảo, sinh động. Nhưng khi đã đưa nhân vật vào tác phẩm, bao giờ nhà văn cũng cố ý tô đậm chân dung tính cách của nó. Cho nên, nhân vật của Ma Văn Kháng dù phức tạp đến đâu, có những biểu hiện phong phú như thế nào, sau khi tiếp xúc, ta dễ dàng nhận diện và có thể xếp được ngay nhân vật ấy vào một hạng người nào đó: cao thượng hay đê tiện, độc ác hay nhân từ, ích kỉ hay hảo tâm…

Mọi thể văn tự sự truyền thống đề ít hay nhiều mang tính ngụ ngôn. Cho nên, chủ đề của tác phẩm tự sự truyền thống bộc lộ công khai tới mức có thể đồng nhất nó với một khái niệm. Truyện ngắn hiện đại ra đời cùng với báo chí. Gắn liền với đời sống báo chí, truyện ngắn là loại tác phẩm được viết ra để đọc liền một mạch. Truyện ngắn hiện đại vì thế cũng thường có một chủ đề sáng tỏ. Về phương diện này, truyện ngắn Ma Văn Kháng là sự kế thừa của tác phẩm tự sự truyền thống. Mặt khác, công khai bộc lộ chủ đề, cố ý tô đậm chan dung tính cách nhân vật hình như cũng là cái cách để Ma Văn Kháng đối thoại với lối viết đang cố ý dấu kín chủ đề, xoá nhoà ranh giới tính cách để tạo nên sự mơ hồ, đa nghĩa, nhiều khi rất khó hiểu, trong tác phẩm.

Lồng giai thoại vào cốt truyện, sáng tạo giai thoại có hàm nghĩa sâu xa cũng là đặc điểm dễ nhận biết của truyện ngắn Ma Văn Kháng.

Như đã nói, truyện ngắn sau 1975 nói chung, truyện ngắn Ma Văn Kháng nói riêng, có khuynh hướng xích lại gần tiểu thuyết. Tiểu thuyết là văn tự sự. Nhưng nguyên tắc tổ chức thể loại của tiểu thuyết không giống với nguyên tắc tổ chức thể loại của tác phẩm tự sự truyền thống. Tac phẩm tự sự truyền thống không cần tạo ra một hệ thống chi tiết hấp dẫn trên bề mặt, mà chỉ cần tạo ra một cốt truyện chặt chẽ chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Tạo ra bề mặt tác phẩm được đan dệt bởi một hệ thống chi tiết sinh động, đa dạng để thể hiện sự phồn tạp của đời sống như nó vốn có là yêu cầu quan trọng bậc nhất của văn tiểu thuyết. Truyện ngắn vừa phải có bề mặt rậm rạp, sinh động của tiểu thuyết, vừa phải có hàm nghĩa sâu xa của tác phẩm tự sự truyền thống. Đây là yêu cầu đặt ra trước các cây bút truyện ngắn, đòi hỏi mỗi nhà văn phải có cách xử lí nghệ thuật riêng.

Lồng giai thoại vào cốt truyện là cách xử lí nghệ thuật mà ta thường bắt gặp trong truyện ngắn Ma Văn Kháng. Truyện Thanh minh, trời trong sáng có cái giai thoại lí thú về một thằng cha giám đốc “nói ngọng líu, ngọng lô, e lờ nó nói thành en nờ”. Truyện Người đánh trống trường có tới bốn cái giai thoại buồn cười. Trong số các cây bút truyện ngắn hiện nay không thấy có ai sử dụng nhiều mô-tip giai thoại dân gian như Ma Văn Kháng.

Ma Văn Kháng không dừng lại ở việc sử dụng giai thoại dân gian. “Cuộc đời thì nghiêm túc mà viết như đùa bỡn”. Ma Văn Kháng đã hư cấu theo kiểu giai thoại chuyện mấy ông tổng biên tập nào đó đã nhận xét như thế về truyện Tóc huyền màu bạc trắng. Có thể tìm thấy rất nhiều truyện ngắn “viết như đùa bỡn” trong sáng tác của Ma Văn Kháng: đùa bỡn bằng cách tạo ra những câu chuyện lí thú, hấp dẫn, đùa bỡn ở giọng kể, giọng tả… Cho nên, nếu hiểu giai thoại là những câu chuyện lí thú, hấp dẫn, thì truyện ngắn Ma Văn Kháng đầy ắp giai thoại. Giai thoại dân gian lí thú, hấp dẫn mà không cần hàm ý sâu xa. Truyện ngắn Ma Văn Kháng có hàm ý sâu xa, mà vẫn hấp dẫn, lí thú. Tôi gọi Ma Văn Kháng là cây bút truyện ngắn sáng tác giai thoại có nhiều hàm ý. Càng ngày, Ma Văn Kháng càng có nhiều truyện ngắn chứa đựng hàm ý sâu xá như thế. Truyện ngắn có nhiều hàm ý, mà vẫn công khai bộc lộ chủ đề là cách viết riêng của Ma Văn Kháng.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng còn có khuynh hướng mở rộng các thành phần mạch trần thuật, hoà văn nói vào văn viết.

Đọc truyện ngắn Ma Văn Kháng, tôi có cảm giác như thế này. Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, giọng của nhân vật người kể chuyện thường xuyên lấn lướt giọng các nhân vật hành động. Nhà văn đã sáng tạo ra hình tượng người kể chuyện toàn năng, biết hết, thấy tất, mang nhiều nét xác thực tâm lí, gần gũi với hình tượng tác giả. Những gì nhân vật người kể chuyện suy ngẫm, trăn trở hình như cũng chính là những điều đang suy ngẫm trăn trở của nhà văn. Hình thức người kể chuyện toàn năng cho phép tác giả mở rộng thành phần lời văn trong mạch trần thuật. Dòng trần thuật của truyện ngắn Ma Văn Kháng là sự kết hợp hài hoà giưa mạch kể và mạch tả. Người kể chuyện thường xuyên phanh mạch kể, hãm mạch tả, bắt chúng dừng lại để bình luận, đánh giá, giải thích, hoặc cất lên tiếng nói trữ tình thâm trầm, sâu lắng.

Giọng người kể chuyện lấn lướt giọng nhân vật hành động, nhưng lời văn trong truyện ngắn Ma Văn Kháng không đơn điệu về phương diện phong cách. Nhà văn sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, trước hết là tục ngữ, thành ngữ, đem văn nói hoà trộn vào văn viết, tạo thành mạch trần thuật đa tạp giọng điệu rất đậm chất tiểu thuyết.

*

Ma Văn Kháng là cây bút lực lưỡng đang đà sung sức. Truyện ngắn Ma Văn Kháng đang vận động theo hướng hiện đại hoá. Cho nên, bài viết này không có tham vọng bao quát toàn diện, mà chỉ cố gắng nắm bắt cái lí, cái lô gíc nội tại của mối quan hệ giữa tư tưởng nghệ thuật và hình thức thể loại của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Còn nhiều vấn đề cần đặt ra trước tư duy khoa học. Vận động theo hướng hiện đại hoá, truyện ngắn Ma Văn Kháng sẽ đi về đâu? Quan hệ giữa truyện ngắn và tiểu thuyết Ma Văn Kháng? Về phương diện ngôn từ, đâu là đóng góp của Ma Văn Kháng cho sự phát triển của nền văn xuôi nghệ thuật Việt Nam? Những vấn đề này, tôi hi vọng sẽ được trình bày trong một dịp khác.

Đồng Bát, 1-5-1999

Comments are closed.