Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ cuối)

Thụy Khuê

Kết luận

Nhìn lại diện mạo phê bình văn học Âu châu thế kỷ XX, những khuynh hướng khác nhau trong nửa đầu thế kỷ, gần như đã phát triển một cách độc lập. Những “trường phái” ít có điều kiện trao đổi hoặc phối hợp với nhau, vì hai lẽ: Đại chiến thứ nhất và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đưa đến hậu quả phân chia thế giới, lãnh địa. Việc dịch thuật chưa mở rộng kể cả ở những nước có truyền thống văn học như Pháp, Đức… Vì vậy, phê bình Nga và Đức hầu như không “biết” nhau. Thêm nữa, các thể chế độc tài Stalin và Hittler thống trị dựa trên sự đàn áp tư tưởng, tác phẩm nghiên cứu của nhiều nhà phê bình bị vùi dập, bản thân nhà phê bình bị đe dọa. Để trốn tránh chế độ độc tài, một số nhà phê bình Nga và Đức phải chạy ra nước ngoài. Rồi đại chiến thứ hai gây thêm đổ vỡ, tan nát, làm khựng việc giao lưu tư tưởng một lần nữa. Đó là những lý do khiến những khuynh hướng phê bình nửa đầu thế kỷ XX, tuy phong phú, nhưng không liên lạc mật thiết với nhau. Mỗi cá nhân, mỗi xu hướng làm việc riêng rẽ, ít có sự kết hợp tư tưởng một cách “toàn cầu” như hiện nay.

Tại Nga, trường phái Hình thức khai trương ngành khảo sát văn bản từ thập niên 1920-1930, dựa trên ngữ học. Mikhail Bakhtin đứng riêng một cõi, những tác phẩm của ông bị trù dập trong nhiều thập kỷ. Xuất phát từ nhóm Hình thức, nhưng Bakhtin cực lực chống lại tính cách “máy móc” của họ, ông cho rằng một chủ trương phê bình chỉ chuyên chú vào văn bản và chỉ dựa vào những quy ước ngôn ngữ không thôi, thì sẽ đi ra ngoài văn học. Theo Bakhtin, đằng sau tác phẩm là tác giả, là một con người và đằng sau con người là một xã hội, một lịch sử. Vì vậy, sự nghiên cứu văn bản chỉ có ý nghĩa khi chúng ta – thông qua văn bản – tìm thấy đời sống, tìm thấy xã hội và con người. Bakhtin muốn xây dựng một nền xã hội học phê bình, khác với nền ngữ học phê bình của trường phái Hình thức. Hai khuynh hướng đối lập giữa Bakhtin và trường phái Hình thức Nga, thực sự, lại bổ sung cho nhau, đưa phê bình Nga lên ngôi vị hàng đầu, trong việc khai phá phê bình văn học trong nửa đầu thế kỷ XX.

Song song và độc lập với phê bình Nga là phê bình Đức trước thế chiến. Nếu phê bình Nga dựa trên ngữ học, thì phê bình Đức dựa trên bác ngữ học. Điểm đáng chú ý đầu tiên là các nhà bác ngữ Đức, như Gundolf, Curtius, Auerbach, Spitzer, đã mở rộng không gian phê bình ra ngoài biên giới quốc gia, phát sinh tinh thần Âu châu hợp nhất, từ trước thế chiến thứ hai, và họ là những người đầu tiên đã sử dụng và phát triển hai khái niệm so sánhliên văn bản như một phương pháp trong phê bình văn học. Bác ngữ là khoa học đào sâu đến tận nguồn gốc lịch sử ngôn ngữ. Phê bình bác ngữ học tìm mối tương quan giữa các ngôn ngữ cùng chung gốc La-tinh, qua sự so sánh các tác phẩm văn chương. Đối với những nhà phê bình Đức, phê bình không nên chỉ nhắm vào một đối tượng là cuốn sách này, cuốn sách kia, hoặc khoanh tròn trong nền văn học của nước này hay nước khác, mà phải mở rộng lãnh vực, và họ đề nghị nghiên cứu nền văn học Âu Châu gồm các tiếng có nguồn gốc chữ La-tinh, như một toàn thể, vì các nước ấy có chung một nền văn hoá gốc và những khuôn mẫu tư tưởng gốc. Một quan niệm Âu Châu toàn khối như thế, có thể xem như đã manh nha cho tinh thần “toàn cầu” sau này, nhưng ở thời điểm đó, còn mang thêm một ý nghĩa khác: chống lại tinh thần dân tộc cực đoan của Đức Quốc Xã và gợi ý cho một nền nghiên cứu văn học so sánhliên văn bản mà nửa sau thế kỷ XX, sẽ được mở rộng và đào sâu.

Nhưng phê bình Nga và Đức, vì điều kiện lịch sử đã nói trên, không phát triển được ở Âu Châu trước thế chiến thứ hai. Khoảng giữa thế kỷ XX, một trường phái khác, chịu ảnh hưởng của phê bình Đức, đã giữ vai trò chủ chốt trong việc phát triển phê bình ở đại học, đó là trường phái Phê bình ý thức ở Genève. Trường phái Thụy Sĩ, trước tiên, chủ trương chống lại hai phương pháp phê bình thịnh hành trong thế kỷ XIX, là phê bình thực nghiệm và tiểu sử phê bình ấn tượng. Phê bình thực nghiệm dựa trên triết học thực nghiệm của Auguste Comte, đem những kinh nghiệm thực chứng trong đời sống áp dụng vào phê bình, chỉ ra cái “sai” cái “đúng” của tác phẩm, Vũ Ngọc Phan đi theo con đường này; còn phê bình tiểu sử dựa trên tiểu sử nhà văn để tạo nên những chân dung văn học trong đó văn bản được đưa vào như những chứng từ. Đại diện tiêu biểu ở Pháp của phê bình thực nghiệm và tiểu sử là Sainte-Beuve được Lanson tiếp nối. Việt Nam chịu ảnh hưởng của Lanson. Phê bình ấn tượng nói lên những ấn tượng mà văn bản gây nên cho bản thân nhà phê bình, Hoài Thanh chịu ảnh hưởng của phê bình ấn tượng.

Đả phá những lối viết phê bình của thế kỷ XIX, được coi là dựa trên những yếu tố ngoài văn bản, trường phái ý thức chủ trương khám phá quan hệ nội tại giữa người đọc và người viết qua tác phẩm. Vai trò của người đọc được đưa ra, được khảo sát và đề cao. Georges Poulet, một trong những thành viên chủ chốt cho rằng phê bình ý thức là sự đồng quy giữa hai ý thức: ý thức người viết và ý thức người đọc. Phê bình ý thức ở Thụy Sĩ có thể coi là mở đầu cho khuynh hướng phê bình mới, nửa sau thế kỷ XX, ở Pháp.

Phê bình văn học Pháp trổi dạy khoảng giữa thế kỷ XX, bao gồm những nhà phê bình và triết gia độc lập như Bachelard, Sartre, Blanchot… không thể xếp họ vào một trường phái, một khuynh hướng nào. Ảnh hưởng triết học hiện sinh (tìm bản thể của con người), những nhà phê bình này tìm cách thám hiểm chiều sâu của cõi viết. Bachelard muốn biết tưởng tượng dựng nên từ cõi nào, và ông thấy tưởng tượng dựng nên từ những vật chất mà chúng ta tiếp xúc từ tuổi thơ, qua bốn yếu tố cơ bản là nước, lửa, đấtkhông khí, nơi chôn rau cắt rốn của con người. Sartre mổ xẻ tưởng tượng bằng siêu hình học và hiện tượng luận để mô tả hành trình thiết lập một hình ảnh trong óc con người, xác định đời sống của tưởng tượng. Sartre thấy tự do là điều kiện cơ bản cho hành động viết và đọc, không có tự do con người không thể viết và cũng không thể đọc được; và nhiệm vụ của nhà văn là vén màn cho mọi người thấy tình huống của cuộc đới. Blanchot cho rằng tác giả đã chết khi tác phẩm chào đời, tác giả không còn một quyền gì trên tác phẩm của mình khi nó đã xuất hiện trước công chúng.

Nửa sau thế kỷ XX, khuynh hướng phê bình ký hiệu học được phát triển ở Âu châu, mà Umberto Eco (Ý) và Roland Barthes (Pháp) là hai khuôn mặt tiêu biểu. Ký hiệu học đưa phê bình vào một không gian mới, mở rộng tới vô cùng địa hạt phê bình: Tất cả mọi ký hiệu, dấu hiệu, đều có thể là một biểu tượng diễn tả ý nghĩa của tác phẩm. Phê bình ký hiệu học là sự phá bung tất cả các loại dấu hiệu khác ngoài ngôn ngữ, để đoán và hiểu những ý nghĩa xa nhất, có thể có được trong một tác phẩm. Ví dụ xem phim Shining (1980), một trong những kiệt tác về kinh dị, người ta có thể mổ xẻ từng dấu hiệu nhỏ mà đạo diễn Kubrick đã sắp xếp trong một viễn ảnh hay cận ảnh, như những hộp ghi chữ Calumet, hay máu tuôn từ khung thang máy đóng kín… để chỉ những ý ngầm của đạo diễn đằng sau câu chuyện kinh dị, như cuộc diệt chủng người da đỏ trên đất Mỹ, cuộc diệt chủng người Do thái trong lò thiêu của Đức Quốc Xã, v.v.

Phê bình từ nay, là sự mổ xẻ một tác phẩm, qua toàn bộ ký hiệu trong sách hay dấu hiệu trong phim, trong tác phẩm nghệ thuật, để tìm đến hồng tâm, đến trái tim của tác giả và tác phẩm.

*

Cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX này, tập hợp những bài viết từ 2005 đến ngày nay, gửi tới những bạn trẻ, đang ngồi trên ghế đại học hay có dự định bước chân vào lãnh vực phê bình. Hành trang của bạn rất mỏng, vì tình trạng đặc biệt của nước ta. Bạn cũng giống tôi khi mới bước vào nghề: vì không đủ trình độ Pháp văn để đọc các sách lý thuyết văn học và triết học, tôi phải học lại tiếng Pháp từ đầu, mặc dù đã sống ở Pháp trên hai chục năm. Còn bạn, bạn đang bước vào ngưỡng cửa nền phê bình, trong điều kiện thiếu thốn gần như toàn diện, bởi vì ở nước ta chưa có một hệ thống dịch thuật đáng tin cậy.

Khởi đi từ con số không về phê bình, tôi đã níu vào một chữ, để tiến dần tới những điểm phức tạp hơn trong hệ thống ngôn ngữ. Trên đường đi, có những người thầy dẫn dắt, có những nhà tư tưởng dẫn đường, có những cuốn sách đáng đọc, phải đọc, có những cuốn sách vô bổ, làm mất thì giờ của ta, có những lý thuyết nền tảng cho phê bình, có những lý thuyết rởm, vô trách nhiệm, tất cả đều “nổi tiếng” và ta phải chọn, bởi vì không ai có thể hấp thụ được tất cả, đọc được tất cả.

Cuốn sách này gửi đến bạn, người yêu thích và có khả năng phê bình, nhưng chưa đủ hành trang để làm một nghề. Bởi vì phê bình cũng là một nghề như trăm nghìn nghề khác (tuy đôi khi không kiếm ra tiền, bạn phải làm thêm một nghề khác để sống) nghĩa là phải học, chứ không thể chỉ viết bằng cái “khiếu” trời cho.

Cuốn sách này gửi đến bạn, những kinh nghiệm của một kẻ xa nước từ năm 18 tuổi. Bắt dầu viết phê bình 25 năm sau, ở tuổi 43, nhưng những vị thầy đầu tiên, dạy vỡ lòng cho tôi, đều là người Việt: Nguyễn Hiến Lê, chỉ cách viết một câu văn, cách đọc và hiểu một đoạn văn, chỉ cách gạch bớt những chữ thừa… Đó là bài học i-tờ về sự viết, sự đọc, nền tảng của phê bình. Hoàng Xuân Hãn chỉ cách làm việc của một nhà biên khảo khoa học. Trần Thái Đỉnh chỉ dẫn những khái niệm đầu tiên về triết học hiện sinh và Nguyễn Văn Trung dẫn vào phê bình văn học, phương pháp hiện đại.

Chúng ta không biết rõ phương Đông có những thành quả gì về phê bình, chỉ thấy thấp thoáng bóng Kim Thánh Thán qua sự mô tả của Trần Trọng San. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải học của phương Tây. Bất luận ở đâu, làm phê bình là bạn phải làm việc với từ điển (kinh nghiệm của Eco) là bạn phải đọc, dịchhọc cùng một lúc. Việc làm này giúp ta hiểu rõ hơn mối tương quan giữa hai ngôn ngữ khác nhau và buộc ta, đôi khi phải tìm tới nguồn gốc từ nguyên để hiểu nghĩa một chữ.

Ngày nay, ta không thể viết phê bình như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, và cũng không thể viết theo lối xưng tụng hoặc kết án của xã hội chủ nghĩa, bạn phải tìm một cách viết khác. Nhưng bạn cũng không thể chạy thi với những loại chủ nghĩa hữu danh vô thực, dày đặc trên sách báo, internet, mà bạn cần hiểu khá tường tận về những nhà phê bình, những người đi trước, đã dò dẫm, đã tìm ra những phương pháp luận mới. Bởi phê bình là sự hợp tác chặt chẽ giữa văn chương và khoa học: cần có sự mẫn cảm và óc sáng tạo để hiểu một văn bản, nhưng cũng cần phương pháp luận để phân tích và đào sâu.

Thế kỷ XX là thế kỷ của phê bình, ai cũng biết như vậy. Nhưng hành trình ấy xảy ra như thế nào? Trong sự mênh mông của các tác gia và các lập thuyết bày ra trước mắt, tôi cố gắng chọn để giới thiệu với bạn một số tác gia chính, là cha đẻ của một lập thuyết hay một phương pháp, có ảnh hưởng sâu rộng đến người sau.

Trước tiên, ta cần trở lại từ đầu, từ nguồn gốc phê bình văn học qua người thầy cổ đại Aristote, bởi vì những gì Aristote gieo mầm, vẫn còn là nền tảng cho phê bình hiện đại, nhất là những thuật ngữ như thi học, thi pháp (poétique) có từ thời Socrate, Platon, được Aristote đào sâu và mở rộng thành một ngành học khảo sát văn chương.

Người thầy của phê bình hiện đại là một nhà ngữ học: Ferdinand de Saussure, bởi chữ trong thơ là chứng từ của sự đa nghĩa, đa hình ảnh, bao trùm lên tất cả các thể loại văn chương khác. Vì thế, nếu không có sự phân tích ngữ học, sự tìm hiểu bản thể của tiếng nói, từ cách phát âm đến sự biểu dương tiếng nói bằng chữ, và hệ thống nghĩa liên kết với chữ, chúng ta không thể có một nền phê bình như ngày nay. Tất cả những phát minh sau về các thủ pháp phê bình khác nhau như phê bình xã hội học của Bakhtin, phê bình bác ngữ học của Leo Spitzer và Auerbach, phê bình phân tâm hiện sinh của Sartre, phê bình phân tâm vật chất của Bachelard, phê bình ký hiệu học của Eco và Barthes… đều liên quan đến cấu trúc ngữ học. Vì thế, ta không thể viết phê bình mà không biết qua về ngữ học.

Phê bình còn là sự thực hiện hai phương pháp khoa học: so sánhliên văn bản, có từ thời thượng cổ, được nhóm phê bình triết ngữ học Đức vận dụng và áp dụng vào việc nghiên cứu những chữ có nguồn gốc La-tinh; và họ đã chứng minh rằng tất cả những văn bản này liên lạc mật thiết với nhau. Từ sự so sánh, họ suy ra tính nối tiếp và hợp lưu, sẽ được gọi là liên văn bản giữa các nền văn hoá La-tinh châu Âu, tư tưởng này sẽ trở thành sự kết hợp các nước châu Âu trong một thị trường chung, để đối đầu với Mỹ và các lục địa khác.

Giả sử Á Châu có một nền nghiên cứu văn học liên văn bản về các ngôn ngữ có nguồn gốc chữ Hán như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam thì chúng ta cũng sẽ tìm ra được rất nhiều mối tương giao giữa các nền văn học này, bởi chúng cùng phát xuất từ nền văn hoá gốc Trung Hoa. Khi đọc tiểu thuyết của những tác giả Nhật, như Murasaki, Kawabata, ta thấy lại những hình ảnh trong Cung Oán, Chinh Phụ, Kiều… dưới những bối cảnh khác hẳn: vừa gần gụi vừa lạ kỳ, như thể những hình ảnh đó, từ hạt gốc Hán nhưng khi được gieo sang những mảnh đất khác, đã thấm nhuần phong thổ, khí hậu, văn hoá và được nuôi dưỡng trong tâm hồn các dân tộc khác nhau, chúng lớn lên trong những thân xác mới, trở thành những tư tưởng mới; nói khác đi, chúng đã được Nhật hoá, Triều hóa, Việt hóa một cách tài tình.

Bây giờ, tác phẩm hiện ra trước mắt bạn, đầu tiên, như một xác chết vô hồn, nói theo Sartre, bạn phải đánh thức những con chữ chết ấy sống lại, tức là bạn phải đọc nó. Nhưng đọc một lần nhiều khi chưa đủ, Spitzer kể: Với những kinh nghiệm và phương pháp tích lũy từ nhiều năm, vậy mà biết bao lần tôi vẫn thấy đầu óc trống rỗng trước trang giấy đầy chữ phải đọc, nó không mang lại cho mình một cảm giác nào, như một sinh viên năm thứ nhất. Phương pháp duy nhất để thoát khỏi ngõ bí là bạn cứ phải đọc đi đọc lại, với quyết tâm và tin tưởng, tìm cách nhập vào không khí bài thơ, vào không khí tác phẩm. Rồi chợt một chữ, hay một câu thơ hiện lên, cho ta thấy mối liên lạc giữa ta và bài thơ. Sau này tôi nhận thấy phút “lóe sáng” ấy là dấu hiệu cho biết cái chi tiết và cái tổng thể đã tìm ra mẫu số chung: nó chỉ cho ta thấy hồng tâm của văn bản. Tóm lại, bạn phải thấy giây phút loé sáng đó, Spitzer gọi là déclic, thì mới có thể làm việc được.

Trong khi làm việc, một số yếu tố khác, sẽ giúp ta đào sâu vấn đề: như những khám phá của Bachelard về tưởng tượng vật chất, của Sartre về phân tích hiện sinh, của Blanchot về sự im lặng của văn chương, những khám phá của nền Ký hiệu học về dấu hiệu và biểu tượng của dấu hiệu, đều là những căn bản triết học và kinh nhiệm thực tiễn mà phê bình có thể dựa vào. Nhưng bạn không thể dùng chúng trong trạng thái sống, chưa nghiền nát, bằng cách kể lể: chủ nghĩa này chủ nghĩa kia, như ta thường thấy trong những văn bản tồi, cốt phô trương kiến thức, mà bạn phải nghiền nát những lý thuyết ấy trong bạn, tiêu hoá chúng, biến chúng trở thành máu huyết của bạn, để khi viết, chúng từ tim mạch bạn bắn ra.

Chúng ta bắt buộc phải dùng lý thuyết Tây phương để phê bình tác phẩm tiếng Việt Nam. Đó là một thử thách. Muốn vượt qua trở lực này, trước hết chúng ta phải yêu tiếng Việt, phải bỏ tất cả những sự vọng ngoại, đã thâm nhập vào ta từ thủa sơ sinh, từ lúc mẹ đẻ, coi người Tây phương, vì họ “văn minh” hơn, họ luôn luôn hơn ta trên mọi phương diện, và ta cứ việc chép lại họ như con vẹt.

Chúng ta phải thay thế mặc cảm tự ty này, bằng một niềm tin khác: rằng người Tây phương khác ta, có những điều họ biết, ta chưa biết, có những điều ta biết mà họ chưa biết, chúng ta học họ để bổ sung những thiếu vắng của ta: Phê bình của ta là một thiếu vắng. Sự lười biếng, chỉ muốn học nhanh, học lóm, không chịu suy nghĩ của ta là bệnh nặng.

Chỉ có sự làm việc và học hỏi sẽ giúp ta làm nên sức mạnh của riêng mình, giúp ta xây dựng một ngành phê bình riêng, có nhã độ và minh triết Á Đông.

Đường còn dài, sớm cũng phải nửa thế kỷ nữa, bởi hiện giờ chúng ta đang ở mức độ sao chép tất cả những gì người Tây phương viết mà không kiểm chứng lại và chúng ta chưa thực sự có ý kiến, có tiếng nói của riêng mình.

Chúc bạn thượng lộ bình an.

Thụy Khuê

Yên Cơ, Les Issambres ngày 10/ 11/2016

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/

Kỳ 16: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-16/

Kỳ 17: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-17/

Kỳ 18: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-18/

Kỳ 19: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-19/

Kỳ 20: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-20/

Kỳ 21: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-21/

Kỳ 22 : http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-22/

Kỳ 23: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-23/

Kỳ 24: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-24/

Kỳ 25: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx/

Kỳ 26: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-26/

Kỳ 27: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-27/

Kỳ 28: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-28/

Kỳ 29: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-29/

Comments are closed.