Nhà thơ Thanh Thảo
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ
Hội Nhà Văn Việt Nam
Thơ Nguyễn Thanh Giang mộc mạc mà thỏ thẻ với tôi nhiều thú vị. Anh nói đây là tập thơ của cả đời mình. Có lẽ đúng. Vì 3 phần tập thơ thì 2 phần đã “dính” với nghề và nghiệp của anh rồi: nếu phần 1 là “Những mẩu quặng đời” thì phần 3 là “Hành trình địa chất”. Anh dành trọn phần 2 cho “Quê hương và đất nước” như mọi người Việt làm thơ yêu nước vẫn dành.
Nguyễn Thanh Giang là một nhà địa-vật lý. Suốt bao nhiêu năm trong đời mình, anh đã có những đóng góp đáng kể cho đất nước qua chuyên môn rộng và sâu của mình. Đó là một người sống chết với từng mẩu quặng, sống chết với nghề: nghề địa chất. Và đã trải đời mình trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu của bản đồ Tổ quốc. Nghề và nghiệp đã đưa anh tới với Thơ. Tình yêu đất nước, yêu những người dân bình dị anh đã gặp và đã thân quen suốt “hành trình địa chất” đã đưa anh tới với Thơ.
Tôi còn nhớ khi học ở khoa Văn đại học Tổng hợp, những năm sơ tán ở Đại Từ – Thái Nguyên, tôi đã đọc được tập thơ “Sức mới” với lời giới thiệu nhiệt thành của Chế Lan Viên. Đó gần như là tập “Thơ trẻ” đầu tiên của miền Bắc. Chúng tôi hồi đó còn rất trẻ, nên dĩ nhiên thơ trẻ, thơ được làm bởi những người trẻ thu hút chúng tôi nhiều nhất. Tôi nhớ, trong tập “Sức mới” ấy có một bài thơ của Nguyễn Thanh Giang. Hồi đó, có thơ in trong một tuyển thơ như vậy là ghê lắm rồi, là bắt đầu nổi tiếng rồi. Chính Phạm Tiến Duật và nhiều nhà thơ thành danh sau này đều đã bước ra từ tập thơ “Sức mới” in giấy xấu ấy.
Bẵng đi quá nhiều năm, không thấy Nguyễn Thanh Giang công bố thơ nữa, cứ nghĩ là anh đã bỏ thơ sang làm chuyện khác rồi. Cho tới một ngày, tình cờ ở một nhà ga tỉnh lẻ, tôi lần đầu được gặp Nguyễn Thanh Giang qua giới thiệu của một người bạn đang chờ tàu. Lúc ấy Nguyễn Thanh Giang đã nổi tiếng lắm rồi, nhưng là ở một “khu vực” khác. Người ta nói, công an hay an ninh mật gì đó theo anh khắp nơi. Nhưng hôm ở nhà ga tỉnh lẻ, anh đi đâu ghé qua đấy, tôi hình như không thấy có bạn công an nào theo anh. Chỉ có nắng. Và gió. Và dòng người chen chúc nhau ở một nhà ga khi tàu sắp tới. Khi tôi nhắc về bài thơ ở tập “Sức mới”, Nguyễn Thanh Giang thổ lộ là anh vẫn làm thơ, anh còn yêu thơ lắm. Rồi tàu đến, chúng tôi chia tay. Nguyễn Thanh Giang lên tàu, cũng không thấy ai theo dõi gì, hay là có mà tôi không biết. Tôi vốn thật thà, và cũng không quá coi trọng chuyện ai theo dõi ai.
Phải nói, gần như ba phần tư tập thơ Nguyễn Thanh Giang là “thơ mậu dịch quốc doanh”, theo cách nói xếch mé của một vài “nhà” gọi là “phê bình” trên mạng internet bây giờ. Đó là thơ yêu nước, thơ kháng chiến, thơ chống giặc ngoại xâm. Nó song hành với những bát phở “không người lái”, với từng đề-xi-mét vải thô được cấp phát, với từng chút “mỳ chính” (bột ngọt) phân phối tới mỗi người lính, mỗi cán bộ, mỗi người dân trong những năm tháng cực kỳ thiếu thốn ở miền Bắc Việt Nam:
“Anh muốn về thăm nơi nặng tình nặng nghĩa
Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm
Nơi các em dựng trường bằng tiền mót khoai xúc tép
Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân”
(Nhớ về xóm cũ)
Phải thấy nhân dân từ góc nhìn như thế thì mới có những câu thơ như nhà điêu khắc tạc vào đá khi viết về một người đồng hương lớn của mình:
“Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim
Lầm lũi xám những chiều hoang biền biệt
Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt”
(Nhớ Hữu Loan)
Và khi nhớ về một nhà thơ nổi tiếng của miền ven biển Quảng Ngãi, nơi “nước bao vây cách biển nửa ngày sông”, Nguyễn Thanh Giang vẫn định hướng được tầm vóc của “những mảnh hồn làng” hôm nay:
“Ông có về lại vườn xưa hái quả
Thăm con sông từng tắm mát đời ta
Chú còng gió giương càng chào biển cả
Những mảnh hồn làng phấp phới tận Hoàng Sa”
(Nhớ Tế Hanh)
Và trong một đêm ngủ ở làng cổ Đường Lâm quê hương Ngô Quyền, Nguyễn Thanh Giang vụt nghe và thấy:
“Chiều đọc tin ngư phủ mình bị giết
Ước biển Đông vút cọc nhọn Bạch Đằng
Đêm nghe vọng tiếng tù và hối thúc
Thấy Ngô Quyền lẫm liệt vung gươm”
(Đêm ngủ ở Đường Lâm)
Không thể gọi bằng một tên nào khác, đó là thơ yêu nước. Người ta cứ tưởng khi đã thanh bình rồi thì lòng yêu nước cũng “lặn” mất tiêu trong thơ. Không phải đâu! Và đất nước ta bây giờ cũng chưa thật sự thanh bình. Kẻ thù vẫn ngày đêm rình rập, đe dọa. Biển Đông vẫn cuộn sóng. Ngư dân ra khơi đánh cá trên những ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa vẫn liên tục bị khủng bố. Người làm thơ yêu nước bây giờ vẫn canh cánh trong lòng bao nỗi niềm như thuở xưa Cụ Đồ Chiểu hằng khắc khoải: “Bao giờ trời đất an ngôi cũ/Mừng thấy non sông bặt gió Tây/”. Gió Tây ấy, bây giờ là gió(bấc) Bắc.
Mà gió bấc là gió bấc, gió nồm là gió nồm, không có kiểu “chúng ta cùng gió bấc gió nồm” như ai đó nói.
Đọc thơ Nguyễn Thanh Giang, tôi cứ muốn dừng lâu ở những đoạn thơ hồn nhiên thời kháng chiến của anh:
“Bấy lâu măng chấm muối vừng
Bữa nay giềng mẻ thơm lừng suối khe
Đi mười cây số mua bia
Bi đông mở nút cũng nghe nổ giòn
Chúc nhau chân cứng đá mòn
Tay vừa chạm cốc, cây rừng đã say”
(Tết trong thung lũng)
Những câu thơ như thế nó khiến cuộc đời chúng ta vốn nhiều buồn phiền trở nên dễ sống hơn. Cũng như bài thơ tặng cháu đích tôn này:
“Mơ màng thấy nước biển dâng
Thuyền vào tận ngõ nhưng không còn mình
Tưởng đà qua mấy mươi năm
Tỉnh ra biết cháu đái dầm ướt lưng”
(Nước biển dâng)
Rất tự tại.
Tôi biết, người vợ tảo tần của Nguyễn Thanh Giang là con gái nhà thơ Thôi Hữu-một nhà thơ yêu nước với bài thơ nổi tiếng “Lên Cấm Sơn” mà từ hồi đi học chúng tôi từng ngưỡng mộ. Thơ là chuyện của đất nước, của nhân loại mà cũng là chuyện của nhà ta, của mỗi gia đình Việt. Dù thơ chẳng cho ta danh phận gì, nhưng thơ định phận cho ta, thơ là phần thưởng của ta, nói như một nhà thơ Nga-Xô viết:
“Và những huân chương, không cần
Không cần lăng xăng huênh hoang
Với nhà thơ chúng ta-phần thưởng
Chính là số phận mình”
Khi “phần thưởng” của mình chính là số phận mình, thì cần chi phải lắm lời, phải không ạ?
Quảng Ngãi, qua Tết Đoan Ngọ 2013
Nguồn: “Những mẩu quặng dọc đường”, thơ Nguyễn Thanh Giang, NXB Hội Nhà văn, 2013