Quen mà lạ, chuyện làng quê…

(Đọc thơ Nguyễn Thị Hải [1])

Hoàng Hưng

một dòng tiẻu sử

Mở sách đọc vài bài, bỗng bồi hồi như gặp lại một thời… tưởng như không bao giờ trở lại. Giữa một mùa hè nghiệt ngã, đầy biến động, đầy bức xúc, đầy trăn trở, đầy dự cảm không lành[2]… bỗng được dìu vào một cảnh giới an nhiên, của hoa cải vàng và bướm, và… những âm thanh đã quá lâu không nghe, như vọng lại từ một làng quê Yên Đổ xa xưa (làng xóm người về nghe xao xác, nợ nần năm cũ hỏi lung tung…),  nhưng lại là rất mới:


Hoa cải



Nhà bà hàng xóm trồng một đám cải
Rau cải ăn hoài hủy suốt mùa đông
Sau cùng sót lại một đám hoa cải
Tặng lũ bướm xuân vừa mới ra ràng



Rau củ mùa đông



Trong màn sương muối giá buốt
Những người đi chợ sớm
Gánh rau thồ củ
Kĩu kịt
Mẹ tôi cầm vài đồng tiền
Chờ sẵn đầu cầu
Ới gọi bán rau gì đấy
Đáp lại là
Xu hào xà lách bắp cải cà chua
Cải đắng cải ngọt súp lơ
Khoai tây rau mùi rau diếp



Những rau củ mùa đông
Lần lượt qua cầu
Mờ ảo trong sương
Và hiện ra rất thực
Trong chiếc rổ của mẹ

Không phải những bức tranh quê lắm màu của cô hoạ sĩ hàng tỉnh (Anh Thơ), câu ca dao tình tứ của chàng trai phố huyện (Nguyễn Bính), câu hát quan họ dặt dìu của anh lính nhớ quê (Hoàng Cầm), cái ngỗ ngược nghênh ngang của cậu trai làng nhiễm máu giang hồ bạt tử (Đồng Đức Bốn)… Làng quê này là những mẩu chuyện nho nhỏ, không đầu không đuôi, chẳng có chuyện gì, như vơ vẩn… của một cô gái đích thị người làng. Với giọng kể thật thà, lời mộc mạc, chẳng chút tu từ. Những ghi chép tình cờ bắt gặp trong sổ tay của một cô học trò làng về mọi sinh hoạt ngày thường ở làng, đủ tình đủ cảnh.

Một bắt chợt ý nhị, đáng yêu:

Cô dâu



Cầm chổi quét xác pháo tơi bời
Ngửi nốt mùi thuốc pháo thơm ấm
Khuôn mặt đầy đặn như nàng Tiết Bảo Thoa
Đã rửa sạch phấn son đám cưới
Mỉm cười ý nhị với anh chồng tốt mã mà đoảng
Đang ngẩn ngơ nhìn

Một cảnh quen thuộc trong nhà qua cái nhìn dí dỏm:

Giọt nước mưa



Bà cụ còn giận chuyện ngày hôm kia
Cháu ngủ say rồi vẫn vỗ ru



Giọt trước rỏ đâu
Giọt sau rỏ đấy



Ông con dỗi
Mặt hằm hằm không nói
Hút thuốc lào phả khói
Vào trời mưa

Một hí hoạ dân dã:


Tiếng kèn



Khi làng trên lúc xóm dưới
Khi kề ngay bên vách
Kèn đám ma như bông hoa sắt
Mà cái cuống gắn chặt vào vòm miệng hôi sặc mùi thuốc lào và rượu thịt được thết đãi
Cật lực thổi ra âm thanh buổi lễ chết
Loan báo khắp vùng



Bà cụ ngồi nhai trầu nét mặt cau có
Bảo đám ma tao may mà tao chết
Không cũng bị chúng nó thổi cho thủng lỗ tai

Thế thôi cũng đáng để yêu một giọng thơ làm sống lại cái làng quê mới đây mà đã không thể còn gặp được sau vài chục năm đô thị hoá ào ạt xô bồ bừa bãi trên khắp đất nước!

***

Nhưng còn hơn thế. Ngoài những cảnh, tình dễ thấy ở làng, và cũng là quen trong văn chương về làng lâu xưa, cô gái làng này bắt được những cảnh tượng khá lạ.

Có cái gì đó như dấu hiệu của một thiên nhiên đe doạ:

Trăng đỏ



Đêm tối có người đi đến
Không đánh tiếng
Cứ bước sầm sầm
Kéo lại hỏi chuyện gì
Bèn ngửa mặt lên trời
Trỏ vào vầng trăng đỏ quạch
Quầng ngũ sắc rừng rực 
Nói như đinh đóng cột
Thể nào mai cũng mưa

Có cái gì đó như một gương mặt bí mật mơ hồ lọt vào giữa đám đông quen thuộc:

Làng nhỏ



Một cơn bão
Một trận lũ
Cô lập ngôi làng nhỏ
Mọi người tụ tập xem cây cầu gãy
Ngoảnh lại thấy rặt người làng
Có mỗi một người khách lạ
Đến nhà ông B tuần trước
Đi mất trước cơn bão tới

Thì ra cô gái làng này không đơn giản. Cô có chiều hướng suy tư, hướng nội trong những sinh hoạt diễn ra đơn điệu của làng quê:

Tát nước



Mảnh ruộng thì to
Gầu dây thì nhỏ
Hai người lẳng lặng tát
Tát triền miên
Đến độ
Quên luôn mảnh ruộng
Quên luôn chiếc gầu
Quên luôn bản thân
Đầu óc trống rỗng
Đúng lúc ấy mẹ bảo
Gượm. Đổi bên cái nào



Cầu ao



Chậm rãi rửa từng lá rau trên cầu ao nhà mình
Đưa mắt nhìn sang cầu ao đối diện
Sắp tới giờ bà cụ nhà ấy vo gạo nấu bữa trưa
Nhưng cũng có thể thằng con ra tập bơi
Thân thể đang lớn của nó duỗi căng trong làn nước
Mình nghĩ mình hóa thành đá
Bất động trong không gian này mãi mãi
Chú tâm rửa sạch từng lá rau
Những vệt bùn, con sâu nhỏ
Thì mình sẽ trì hoãn được thời gian
Trì hoãn được dòng chảy của đời mình
Để nó không cuốn mình phăng phăng về phía trước



Ôm rổ rau xanh ngắt
Dưới gốc hòe mùa không hoa
Mình đợi mãi
Mà chẳng có ai ra cả



Có phải vì thế mà cô bắt được từ hư không những hình bóng quá khứ:

Hướng nhà



Từ hướng nam xoay ngược sang hướng bắc
Trổ một lối ngõ mới ra đường
Xây gian bếp, khoảng sân mới
Nhà trước thành vườn sau
Chìm dần vào quên lãng
Đứa cháu đích tôn thừa kế mảnh đất tổ tiên
Một đêm sáng trăng mở cửa sổ buồng ngủ
Trông thấy bà nội quá cố nhiều năm trước
Dò dẫm bước xuống bậc cầu ao hoang phế
Tấm lưng còng nhỏ bé
Kì cọ chiếc nồi gang đã bán đồng nát khi nào

Mà cô suy tưởng từ những cái “thực” đến những cái “ảo”, như cái “tính linh”, “ông buồn ông vui”; mà cô sống thực với “ông Thênh ông Thang“, với “cái mênh mang” ?

Thợ mộc



Ngừng tay đục giữa đám dăm bào mùn cưa
Mùi thịt gỗ váng vất nồng đượm
Lão thợ mộc nhìn ra mảnh vườn
Thư thả ngắm con gà trống chộn rộn khoe trổ bộ mã lòe loẹt
                                   với lũ gà mái chân chỉ chất phác và nhẹ dạ
Trong thoáng chốc nó như hóa công hóa phượng
Rạo rực tính linh
Hóa thân ảo diệu trên cành táo sum suê xanh biếc
Lão thợ mộc nhắm nghiền đôi mắt
Nhớ thật kĩ trong óc khoảnh khắc biến hiện vừa rồi
Trước khi trở lại với mũi đục và phiến gỗ



Trong gỗ sẽ sống thiên thu con chim phượng hoàng linh thánh mang cặp mắt gà nhà
                                                     thuần lương thảo dã
Bí mật của bậc sáng tạo ẩn dật trong nghề mọn đổi cơm mua rượu chốn quê mùa




Ngõ



Tiếng cười phá lên trong ngõ
Rồi tắt đi thành cái mím chi
Rồi thành nét vành nghiêm nghị
Rồi thì khóe mép trễ xuống rầu rầu
Ngõ gì mà dài thế
Một người mà như hai
Ông buồn đánh tráo ông vui
Ở quãng nào chẳng rõ



 

Chú



Đúng lúc tôi nghĩ mình có hai ông chú
Một ông tên Thênh
Một ông tên Thang
Nghe cứ mênh mang
Thì từ đằng xa
Chú tôi đi lại
Vai quang gánh
Gánh nhẹ hều
Như không gánh
Tôi nép sang vệ chào
  “Chú”
Chú mơ hồ chào
  “Cháu”
Như không phải chú
Như không phải cháu
Như tôi mới chào cái mênh mang
Và thế rồi mênh mang chào lại

Điều đáng nói là tất cả những gì mang dáng dấp “triết lý” ấy đều hết sức giản dị, chân thật, tự nó toát lên từ câu chuyện vơ vẩn, vụn vặt.
Bởi trong cuộc đời, thực ra cái thực và cái ảo lẫn làm một như đoạn ống dây tưới này. Nhà thơ có nhìn ra nó hay không mà thôi! 


Ống dây tưới



Bị vứt lại giữa vườn
Cạnh những luống rau xanh tốt
Vào lúc nửa đêm
Bỗng hóa thành con rắn
Trườn đi
Không tiếng động
Giữa màn sương rơi xuống lộp độp



Đến rạng sáng
Người ta trông thấy nó
Vấy bùn nằm cứng đờ
Còn nguyên đoạn dây thun băng bó
Cho một lần thương tích cũ

Đến đây, không khỏi liên tưởng một bài thơ rất ngắn đã làm nên cả một trường phải thơ đầu thế kỷ 20 ở Mỹ (imagism):
 

Quá nhiều thứ phụ thuộc
vào



một chiếc xe cút kít
đỏ



tráng men mưa



bên lũ gà con
màu trắng

(Williams Carlos Williams)

Chỉ sự vật, không lời bình, không cảm xúc, nhưng là sự vật ôm chứa trong bản thân nó tư tưởng.

Là một kẻ suốt nửa đời người đi tìm cái MỚI LẠ trong thơ thế giới, hôm nay bỗng thấy mình bồi hồi khi bắt gặp cái LẠ MÀ QUEN trong thơ của một cô gái làng Việt thời nay. Như một vạt cải hoa vàng gặp lại sau chặng đường dài leo núi trèo non…

Plano, TX tháng 12/2018


[i] Một dòng tiểu sử của bạn tôi, NXB Đà Nẵng & DOMINO BOOKS 2018.

[2] Nhận được tập thơ vào giữa mùa hè 2018, trước những ngày toàn quốc biểu tình chống Luật Đặc khu và luật An ninh mạng.

Comments are closed.