Quyển sách mang tâm can một người Anh

Phạm Toàn

 

Tôi không thể viết lời giới thiệu cuốn sách này một cách “cổ điển”. Chắc chắn tôi biết làm và cũng hơi thạo cách giới thiệu sách “nhà nghề”. Nhưng tác giả cuốn sách này lại là một người mà thế hệ chúng tôi được phép gọi bằng Anh và vô cùng sung sướng gọi Người ấy là Anh.

Tôi cũng còn được gọi nhiều người khác nữa bằng Anh như vậy.

Năm 1941, gia đình tôi (cũng như nhiều gia đình khác) đã “chạy loạn” khỏi Hà Nội về quê để tránh bom quân Đồng Minh ném xuống quân Nhật. Tôi rời cái ngõ Đức Khánh nhỏ bé ở phố Hàm Long để về quê ngoại mênh mông ở làng Cự Lộc (nay thuộc khu Trung Hòa – Nhân Chính) – nơi mà sau này khi đọc “Hồng Lâu Mộng” tôi vẫn thường nghĩ đến.

Năm 1942 tôi vào học lớp Nhì năm thứ 2, năm sau học lớp Nhất ở trường Chính Kinh, lớp Nhì do thầy Bính dạy, lớp Nhất do thầy Đính dạy – thầy Đính-Điếu bát – vì thầy có cái điều bát để trên bậc tường hành lang nhìn xuống cột cờ dưới sân trường, thỉnh thoảng lại ghé làm một hơi. Thầy Quý thì hiền, nhưng thầy Đính thì hơi “dữ đòn”! Quan hệ giữa chúng tôi với cả hai thầy đều là xa xôi cách biệt.

Vì thế mà, đến ngày chủ nhật hàng tuần, chúng tôi lại được đổi đời trong đoàn Hướng đạo sinh Nhân Mục (áo sơ mi nâu, khăn quàng xanh).Trưởng đoàn là thầy đốc học Cao Đắc Tiếu, ngang tuổi với bố tôi, nhưng cứ đến chủ nhật thầy lại thành Anh của chúng tôi. Thầy cũng là Anh của chính các con thầy: anh Cao Đắc Hiếu (hy sinh ngay năm đầu Toàn quốc kháng chiến), anh Cao Đắc Hưng, người là đại sứ nước ta tại ba nước Châu Phi trước khi về hưu, người đội trưởng đội Trâu mà tôi là đội viên, người đã đặt cho tôi biệt hiệu Tí Toàn.

Trong đoàn, và trong đội Trâu, Tí Toàn là bé nhất. Thực ra còn Nguyến Tiến Cường (hoặc Càng) cũng bé, nhưng Càng vào đoàn trước Tí Toàn nửa năm, Càng trở thành người dạy Tí Toàn nhiều điều, từ dạy đan cái khuyên thay cách thắt nút khăn quàng, sau này, vào những năm 1970 khi Càng-Cường đã là Vụ phó ở Bộ Giáo dục, đồng chí ấy còn dạy cho Tí Toàn nhiều điều, vì lớn mà vẫn mải mê những điều không khôn. Bé lớn, tất cả đều là Anh Em. Tất cả cùng nhau “sắp sẵn” (khẩu hiệu của Hướng đạo sinh, dịch từ điều lệ viết bằng tiếng Anh – sau này phong trào Thiếu niên dùng chữ “sẵn sàng” hợp lý hơn). Tất cả cùng nhau hát những bài ca nung nấu và sục sôi – “Thần dân nghe chăng Sơn hà nguy biến? Hận thù đằng đằng, Biên thùy rung chuyển… (Hội nghị Diên Hồng) – Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng trong khói sương chiều ám trên dòng sông, Nhị Hà còn đây, Nhị Hà còn đó, xác quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông… (Thăng Long hành khúc) … và những “Hờn sông Gianh”, “Ải Chi Lăng”, “Bạch Đằng Giang”… và cả những lời kêu gọi tha thiết Người xưa đâu tá có khóc những đêm lạnh lẽo?Người xưa đâu tá có khóc những khi trời chiều?(Người xưa đâu tá?)…

Những bài hát ấy theo chúng tôi đi cắm trại có khi từ chiều và tối thứ bảy sang cả ngày Chủ nhật. Học thông tin, học cứu thương, học làm cầu, học tìm lá cây thuốc, học xác định phương hướng bằng sao trời, học chống muỗi khi ngủ đêm không màn ngoài trời, … và nhất là học mỗi ngày làm một việc thiện … Đặc biệt là, tuy không chính thức nói ra lời, nhưng có một nội dung không bao giờ biến mất khỏi tâm trí từng người: học yêu nước và sẵn sàng giúp nước, cứu nước. Khi Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, đoàn Nhân Mục có mặt ở quảng trường trước Nhà Hát lớn cả ngày 17 và ngày 19 tháng 8-1945, sau đó còn có mặt ở Quân Hoàn Long (ấp Thái Hà bây giờ). Theo trínhớ của tôi, thì tất cả các tráng sinh của đoàn Nhân Mục non chục anh đều trở thành sĩ quan quân đội cách mạng ngay từ những ngày đầu. Những người còn sống hiện nay có Hoàng Việt Hiệp, Nguyến Tiến Điếm, Nguyễn Côn, Nguyễn Hải Hùng và Nguyễn Hải Hào… và Tí Toàn nữa, người đang viết những dòng này, với những đóng góp bé tí xíu…

* * *

Cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?” là một lời kêu gọi yêu nước và là một lời dặn dò sẵn sàng (“sắp sẵn” – như khẩu hiệu của Hướng đạo sinh) cho những hành động yêu nước cụ thể. Lời kêu gọi đó không vang lên từ một ảo tưởng.Lời kêu gọi đó đã được thực thi trong đời sống thực của các đoàn viên Hướng đạo sinh. Lời kêu gọi đó được nung nấu trong lòng một nhà sử học yêu nước, mà sau này, dù có là Đại tá cục trưởng ở Bộ Tổng tham mưu, dù có là Hiệu trưởng trường võ bị Trần Quốc Tuấn, thì vẫn cứ thân mật và thánh thiện là một Anh Thúy.

Nhìn cách làm việc của Hoàng Đạo Thúy, ta thấy ra với nhà trí thức điều quan trọng ở đời không phải là cắm cúi viết dăm ba cuốn sách, mà là tạo ra một sự sống mang một sức sống như cuốn sách mong muốn, để cho sức sống của cuốn sách lại phả vào cuộc sống, sao cho Sách và Đời cùng cuốn nhau đi.

Tại sao Hoàng Đạo Thúy lại tổ chức phong trào Hướng Đạo sinh và viết sách “Trai nước Nam làm gì?” và tổ chức in vào năm 1943?

Những ai ở Hà Nội (và các thành phố lớn khác của nước nhà) vào đầu những năm 1940 hẳn còn nhớ cuộc sống với những nét không thể quên như sau:

(a) đời sống người dân nghèo càng ngày càng bi đát mà nạn chết đỏi mùa đông cuối năm 1944 sang những ngày rét chết người đầu năm 1945 là cao điểm của thảm cảnh;

(b) bọn cầm quyền phát xít trong thế đường cùng càng ngày càng điên cuồng bắt bớ, cầm tù, đánh đập, dọa nạt, khủng bố ngầm hoặc công nhiên, hòng làm cho thanh niên phải sống rụt cổ sợ hãi;

(c) thế lực thống trị ranh ma tạo ra không khí sống đồi trụy và “đẹp” cũng để làm cho thanh niên mê mải, nay thi xe hoa, mai thi Hoa hậu, mốt nữa lại Lễ hội đón rước những tên tuổi từ nước nảo nước nào tới cổ vũ chophong trào Vui vẻ trẻ trung, khẩu hiệu dắt dẫn một lối sống hãy quên đi hiện trạng đất nước.

Hoàng Đạo Thúy tin cậy và thân tình gửi “Trai nước Nam làm gì?” như một tổng kết cho những Hướng đạo sinh của mình, và cũng chân tình, không dài dòng, gửi cho cả những bạn đọc được tin cậy

Anh,

Tôi biết rằng tôi có thể nói thẳng với anh

kèm theo một chữ ký và một cái tên giản dị không đặt kèm bất cứ hoa hòe hoa sói nào để hấp dẫn hoặc hù dọa.

Phần đầu của cuốn sách nói đến hiện trạng thanh niên và tình hình thế giới cũng như trong nước. Phải giải thích đơn giản sao cho mọi người đọc đều hiểu vì sao Chiến tranh đang làm đen ngòm bầu trời nhân loại – Thế giới đã ốm rồi. Thế giới không lối thoát: kinh tế khủng hoảng thừa, chiến tranh phải nổ ra. Thế giới bệnh hoạn: nhiều sản phẩm vật chất, mà hoàn toàn thiếu sản phẩm của Đạo đức. Những đại họa đó cũng cần được phân tích nốt vào bối cảnh làm nảy sinh những chứng của căn bệnh mà các chàng Trai nước Nam đang mắc, và mắc nặng, đó là cảnh ăn chơi vui vẻ trẻ trung dẫn họ vào chỗ chết và giục họ quên chết để được chết ngập dầntrong phong trào vui vẻ trẻ trung (và trai gái, cờ bạc, rượu chè, hút xách).

Nhưng Dân tộc Việt Nam này không thể để con em mình sống như thế! Hoàng Đạo Thúy phân tích về những giống nòi đã chết để cho thấy cái chết không chỉ đến với những con người như những sinh mệnh riêng lẻ, mà cái chết còn đến với cả những cộng đồng có lúc từng vô cùng mạnh mẽ, tưởng đâu như là những cộng đồng bách chiến bách thắng và tồn tại thiên thu vĩnh cửu.

Là một nhà Sử học với tầm nhìn sâu sắc, lại là một nhà hoạt động xã hội với tầm nhìn quảng đại, Hoàng Đạo Thúy phân tích cho các chàng Trai nước Nam thấy sứ mệnh của các bạn trẻ làphải sống như những anh hùng không cần để lại tên như Lê Phán Quan, như những anh hùng lưu danh muôn đời từ các anh hùng đao binh đời Trần, đến các anh hùng thất thế như Võ Tánh, đến cả những anh hùng thầm lặng dâng Thất trảm sớ như ông Văn Trinh …

Nhưng làm gì để noi theo được những gương sáng đó? Hoàng Đạo Thúy đã phân tích dần từng điều để nâng cao nhận thức cho những chàng Trai nước Nam biết họ nên làm gì và phải làm gì.

Trước hết là phải nhận thức cho rõ về TA. Ta từ đâu tới lập nghiệp trên miền đất phương Nam này? Ta có cái gì gắn bó để thành một Dân tộc? Ta có những tính tốt gì và Ta có những thói xâu gì? (Mở ngoặc, hì hì: ở đoạn này, Cụ Thúy chỉ ra chừng 20 cái tốt và cũng chừng nấy cái thói xấu của người Việt ta). Sau hết, Hoàng Đạo Thúy đứng trên Con Đường (“Đạo”) Nho để chỉ ra những điều cần hiểu và những việc cần làm trên Con Đường ấy – cái con đường mà Hoàng Đạo Thúy thấy được một điều rất lạ: người dân Tàu cũng theo đạo Nho, nhưng họ chỉ mải Làm, mà không mải Lễ. Còn người Việt thì đã “Việt hóa” đạo Nho trong cả việc tôn sùng các Thánh Nho của chung, đồng thời rất chăm lo vun bón việc tôn thờ Tổ tiên của riêng từng gia đình.

Dưới góc nhìn Nho học, Hoàng Đạo Thúy giải thích và làm đẹp những việc làm bình thường của con người, để thấy việc trai gái đến với nhau, việc tổ chức một lễ cưới mang một giá trị tinh thần cao quý tới đâu, mong sao thanh niên không phung phí vào những trò chơi “thanh sắc”. Không chỉ dừng lại ở những giá trị tinh thần, Hoàng Đạo Thúy còn dắt dẫn thiết thực các chàng Trai nước Nam lập nghiệp, xây dựng đất nước bằng việc có trong tay một nghề nghiệp – là điều các chàng trai cần, và cũng là điều Nước Ta Cần.

Những điều vừa giới thiệu là trí tuệ và là tâm can của Hoàng Đạo Thúy – người sẽ mãi mãi là người Anh của những thế hệ từng nhờ Anh và các hoạt động Hướng Đạo sinh do Anh và Tạ Quang Bửu tổ chứcmà đã tự tạo ra những cuộc đổi đời khó có bút mực nào mô tả cho đủ.

* * *

Với lòng kính yêu đến vô cùng tác giả Hoàng Đạo Thúy trong việc giới thiệu sách này cho độc giả đương thời, cho tôi được nói vài ba điều chính mình đang còn ngơ ngác.

Điều thứ nhất là việc tác giả nhắc đến Thống chế Pétain và việc ông này lôi dân tộc ôngtrở về với cái Đức như là cốt lõi của đời sống. Pétain từng kêu gọi “Cần lao – Gia đình – Tổ quốc”, giản đơn là hãy lao động để cho dân giàu nước mạnh. Khốn nỗi, làm mãi rồi, làm từ đời ông cha sang đời con cháu, có khi nào ngưng làm đâu, nhưng sao gia đình vẫn không êm tổ quốc vẫn không ấm? Chuyện này, chắc là Trai gái nước Nam độc giả thời nay tiếp tục tự giải đáp lấy.

Điều thứ hai là chất Nho học thấm đẫm cuốn sách, từ suy nghĩ về thời thế chung đến suy nghĩ về cách sống riêng. Cao hơn và xa hơn cả chất Nho học là lời kêu gọi của Hoàng Đạo Thúy về chí khí như là “một cái sức mạnh rất lớn của tâm và của hồn.[…] Người có chí theo được mãi một mục đích, gặp gian nan mà lòng không nản, trên đường xa gối không chồn, vững dạ bền gan, cái chết không dọa nổi”. Tôi ghi nhận sự trong sáng đến vô cùng của tác giả. Nhưng tôi nghi ngờ khả năng thực thi.Chuyện này, chắc là cuộc sống thực sẽ có lời giải đáp.

Một điều nữa, không thuộc nội dung cuốn sách, mà thuộc việc tổ chức in cuốn sách lần đầu vào năm 1943 –anh Ngô Nhật Quang của nhà in Xuân Thu. Năm 2003 anh Quang qua đời.Các con anh thu xếp chờ tôi từ xa trở về, trong đêm viết xong điếu văn cho cuộc tang lễ hôm sau. Việc viết lời giới thiệu này giúp tôi có cơ hội nhớ lại người bạn hơn tôi hai chục tuổi, và cả hai tuy không nói ra nhưng đều nghĩ mình đã sống như là Trai nước Nam.

Những Trai nước Nam biết mình phải làm gì và thực sự đã làm gần như người Anh Hoàng Đạo Thúy bảo ban và trông đợi.

Hà Nội, tháng 9-2014

Comments are closed.