Rốt cùng, phê bình văn học làm gì?

Inrasara

 

Nhà phê bình không là tri âm của nhà văn

Khi nói nhà phê bình là tri âm của nhà văn, ta thầm hiểu với nhau rằng phê bình song hành với sáng tác, thậm chí đi sau sáng tác. Bổn phận của nhà phê bình không gì hơn là luận giải tác phẩm. Ở đó nhà phê bình càng hiểu đúng ý nhà văn muốn nói gì trong tác phẩm càng tốt.

Thật sự không có chuyện Bá Nha – Tử Kì trong văn học. Nếu có, ít thôi. Nếu có, cũng không cần khuyến khích.

Câu nói của Nguyễn Tuân lúc trà dư tửu hậu: “Bao giờ tao chết nhớ chôn tao với một thằng phê bình” thường được dẫn ra với thái độ trên ngó xuống của kẻ sáng tác đối với người làm phê bình. Có không ít người viết văn, làm thơ coi đó như một chân lí đinh đóng. Và, khoái. Như thể nhà phê bình luôn ở tư thế lọt tọt theo đuôi để giải thích sao cho đúng, bình luận sao cho hay, nhưng thường thì các luận giải kia sai/ lệch/ không đủ đầy về cái tư tưởng “cao siêu” được tác giả gửi gắm vào tác phẩm.

Thế nhưng, giải thích tác phẩm chỉ là một trong vài chức năng của phê bình. Mà giải thích kia cũng không cần phải trúng ý tác giả nữa. Trước tác phẩm, mỗi độc giả đọc, thả hồn mơ màng, hiểu và giải thích theo cách của mình. Cách đọc của nhà phê bình chuyên nghiệp hơn, nhưng dẫu sao họ cũng đọc theo cách riêng của họ. Họ viết cách hiểu đó ra, kẻ sáng tác thấy sai/ lệch ý mình, và… ghét!

Chuyện ngược đời, chính lối đọc sai/ lệch kia mới làm cho một tác phẩm văn chương mang nội hàm rộng hơn, sức sống và sự lan tỏa lớn hơn. Để mỗi hệ thống phê bình đọc nó theo cách riêng của mình, mỗi thời đại giải thích nó theo cách hiểu của thời đại mình. Và hơn thế nữa…

Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương. Nó đa dạng ở đối tượng phê bình. Có thể phê bình về một tác phẩm hay một tác giả, một trào lưu hay thời đoạn văn chương, cũng có thể nhấn vào việc đọc, viết hay vào chính phê bình. Phê bình đa dạng ở hình thức. Hình thức có thể là phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành và phê bình lí thuyết. Phê bình đương đại còn thể hiện qua sự đa dạng ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới của tác phẩm (Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, Văn Mới, California, 2007).

Ba xu hướng phê bình

Thử bàn về ba xu hướng của người làm phê bình văn học.

Thứ nhất, là xu hướng thủ kho. Nhà phê bình “lập biên bản” mọi sự kiện, tác giả – tác phẩm, trào lưu cùng các vấn đề bên lề nhưng có liên quan mật thiết với văn học. Từ đó họ đánh giá, xếp hạng. Chú ý: Ở đây nhà phê bình không chối bỏ bất kì “sự kiện” văn học nào. Đó là lối phê bình có xu hướng làm văn học sử, giúp ích nhiều cho các người viết lịch sử văn học sau này (Xem thêm: Inrasara, “Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở”, tạp chí Tia sáng, 20-11-2009).

Thứ hai, là xu hướng tìm cái mới. Là phê bình chuyên tâm về trào lưu, nhóm văn chương cùng “cách tân” cá thể các loại. Để tìm ra cái mới của người viết cùng thế hệ, xa hơn – so với thế hệ, thời đại trước đó. Đây là loại phê bình luôn xiển dương cái mới, ý hướng thúc đẩy mạnh sự phát triển của một nền văn học.

Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loại” khác nhau. Thể loại thơ chẳng hạn, có thể phân nhà thơ làm ba nhóm. Thứ nhất, Nhóm làm vần để phục vụ đại chúng: gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Loại thơ ưa chuộng là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ. Thứ hai, Nhóm tiếp hiện viết phục vụ cho một tầng lớp độc giả có chọn lọc hơn. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện) các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của thế hệ trước đó. Cuối cùng, Nhóm khai phá là những kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Sự hiện hữu của họ đều có lí do chính đáng của nó. Và tất cả đều có ích cho cộng đồng và cho văn học (Xem thêm: Inrasara, “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, số 6, 6-2010).

Cuối cùng là xu hướng phê bình mang tính khai phóng. Ở đây nhà phê bình đồng thời là một nhà tư tưởng.

Thời đại hậu hiện đại trong xu thể dân chủ hóa toàn cầu, phê bình văn học mang ở tự thân khả tính khai phóng. Nhà phê bình chỉ chú tâm đến tác giả – tác phẩm ca ngợi tinh thần tự do của con người, tập trung vào bộ phận tác giả dám đạp đổ mọi rào cản bất kì làm trở ngại tinh thần đó; nhà phê bình quyết loại bỏ mọi tác phẩm yếu đuối, bạc nhược nô lệ hóa con người. Cái thước đo lường là tác phẩm liên quan đến đời sống, chứ không phải văn chương [thuần túy]. Là tác phẩm họ tác động đến sự khai phóng tinh thần con người, chứ không phải họ “cách tân” đến đâu; là thế đứng, tư cách của nhà văn đối với đời sống, chứ không phải sự nghiệp văn chương họ lớn ra sao. Mà là họ viết và sống thế nào.

Phê bình văn học là khoa học vừa là nghệ thuật, là điều hiển nhiên.

Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xác bên cạnh, lí giải thuyết phục. Không đạt các tiêu chí đó, người viết chỉ là kẻ hóng hớt tán chuyện đầy vô bổ. Là nghệ thuật bởi, phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm/ vấn đề chưa từng được biết/ bàn luận tới trước đó. Đứng trước cái tinh khôi, người làm phê bình cần huy động cảm quan thiên phú để có thể tiếp cận khía cạnh vi tế nhất của sự thể.

Ngoài ra nó đòi hỏi nhà phê bình thủ đắc cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật, chứ không còn dừng lại ở một tiểu luận khô khan thiếu sinh khí. Một nhà phê bình viết văn tồi thì chớ nên làm phê bình, phát biểu của một nhà phê bình thời danh không phải không đáng suy ngẫm.

Yếu tố sau cùng là, nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại – một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở ở thời đại toàn cầu hóa.

Khi đó, nhà phê bình có vai trò như một nhà tư tưởng. Nhà phê bình mang tư duy của nhà tư tưởng song hành với sáng tạo của thi sĩ để phát khởi cuộc song thoại nghiêm mật giữa thi ca và tư tưởng – như M. Heidegger từng kêu đòi – qua đó đưa hai đỉnh núi khác biệt xích lại gần nhau cùng gánh vác một sứ mệnh: trả con người vào vùng “khoáng lâm” của chân lí của tính thể, để an cư trong Ngôn ngữ như là Ngôi nhà của mình.

Comments are closed.