Nguyễn Chí Hoan
.
(Nguyễn Chí Hoan đọc tiểu thuyết “Khải huyền muộn” của Nguyễn Việt Hà, Nxb Trẻ, 2013)
Tiểu thuyết này gồm bốn chương và một chương kết. Cái dễ thấy là cốt truyện của nó rất đơn giản: một Nhà văn trò chuyện với một cô người mẫu, đề nghị cô ta làm nguyên mẫu cho nhân-vật-người-mẫu trong cuốn tiểu thuyết mà Nhà văn đang viết. Trong tiểu thuyết đó, cũng có nhân-vật-nhà-văn. Họ đều lên tiếng ở ngôi thứ nhất, xưng “Tôi”.
Đó là Lớp văn bản 1, dành cho lời kể của cô người mẫu và lời kể của Nhà văn. Lớp này chạy suốt tác phẩm, đan xen hoặc hòa lẫn vào Lớp văn bản 2, tức cuốn tiểu thuyết mà Nhà văn đang viết. Lớp văn bản 2 là lớp phức hợp dựa trên lời kể của hai vai nói trên. Trong lớp này, hai vai đó đã chuyển thành nhân vật song trùng: cô người mẫu chân trong chân ngoài cái vai cô người mẫu nhân vật được Nhà văn đặt tên là Cẩm My; Nhà văn cũng tách tách nhập nhập với nhân-vật-nhà-văn được Cẩm My gọi là Bạch.
Trong chương 4 còn xuất hiện một lớp văn bản nữa, được kể là “bản thảo” của nhân vật Linh mục Đức. Đó là một truyện kiểu dã sử về Giám mục Alexandre de Rhodes (hay A-lịch-sơn Đắc-lộ). Truyện này về văn phong, từ vựng đặc trưng, và khẩu khí thì không khác gì “cuốn tiểu thuyết” của nhân vật Nhà văn. Do vậy mà thực ra nó không thành hẳn một truyện tách biệt, mà tựa như nối dài mạch suy nghĩ của Nhà văn và Bạch.
Tuy nhiên, nhân vật chính trong câu chuyện do Nhà văn và Cẩm My cùng kể lại là Vũ. Và đây cũng là nhân vật chính của “Khải huyền muộn.” Nhân vật Vũ trong vai người tình quan chức cao cấp giàu có và hào hoa của người mẫu Cẩm My. Vũ còn mang mấy đặc điểm nhân thân căn bản giống với Nhà văn và Bạch: cùng xuất thân gia đình theo Công giáo, cùng là trai phố Hà Nội theo nghề lao động trí óc, cùng băn khoăn luẩn quẩn không ngớt về bản thân, cùng hay uống rượu và triết lý theo phong cách Tam giáo,… và dĩ nhiên, Nhà văn với Bạch thì đã hầu như “tuy hai mà một” rồi.
Kết cấu của “Khải huyền muộn” như vậy ứng dụng dang dở một kỹ xảo tinh vi được gọi là truyện-trong-truyện. Một mẫu gốc của kỹ xảo này, rất đông người từng đã đọc, là bộ truyện lừng danh “Nghìn lẻ một đêm”. (Bạn nào muốn thì có thể google ra một danh mục dài những tác phẩm hiện đại khai thác kỹ xảo truyện-trong-truyện/ “a story within a story”.)
Ilija (Bosilj) Bašičević. “Noah’s Ark” (Tàu ông Noah), 1967
1.
Ở cuốn tiểu thuyết thứ hai này của Nguyễn Việt Hà, thời gian bắt đầu ngưng đọng. Những câu chuyện của nó ít diễn biến. Các nhân vật hầu như mất động lực ngay từ đầu, khiến cho toàn bộ không gian “Khải huyền” này trình chiếu một đoạn “phim chậm” một tiến trình suy sập. Các nhân vật ở đây, nói như E.M.Cioran, “chỉ còn sống để mà chết.” Họ hầu như không làm gì ngoài việc hồi tưởng về mình và kể về người khác: như vậy, các hành động sinh tồn và sinh hoạt xã hội của bọn họ, của các nhân vật trong lời kể của bọn họ, của các nhân vật mà các nhân vật ấy kể đến dù có tên hay chỉ có nickname, trở thành các trần thuật gián tiếp, được trưng diễn như những hình ảnh trong tâm tư nhân vật – một mạng lưới những dòng chảy của tâm tư lớn nhỏ, tựa như bản đồ sông và kênh rạch Nam bộ thông vào nhau nối vào nhau sinh và dưỡng lẫn nhau.
Thế là, “Khải huyền muộn” kể về chính nó như những lời kể – “nó”, cái trong truyện này gọi là “cuốn tiểu thuyết” của nhân vật “nhà văn” “Bạch”, không có tên và không hoàn tất, như câu văn cuối cùng đã viết rằng: “Cho đến lúc này, tôi chắc chắn biết quyển tiểu thuyết dở dang của tôi đã là xong. Một quyển tiểu thuyết sẽ trọn vẹn hết ở chỗ người viết không thể và không còn muốn viết cố nữa./. ”
Đấy chính là cái kết của một trần thuật gián tiếp: việc ấy chưa xong đâu nhé, nhưng hết rồi!
2.
Xét trên tổng thể, sự ngưng trệ và suy sập của câu chuyện này và những nhân vật trong đó thì hợp với tính viễn tượng của Khải huyền, “Apocalypse Now”! Ngày Phán xử sau hết, “Sự chấm dứt của Lịch sử” …
Vậy còn “muộn”? – từ “muộn” trong tên của tiểu thuyết này hé lộ ý tưởng xuất phát của nó, hay ít ra là một trong những ý ấy, rằng dường như nó định sẽ (noi theo để) thành một phiên bản “muộn” của sách Khải huyền, một bản văn “Sấm ký”, sách cuối cùng trong bộ Tân Ước, sách mà theo một cách giải thích có dấu “imprimatur” hẳn hoi, là có tính chất hiệu triệu động viên Kitô hữu vững tin vào một ngày Cánh chung khi Đức Giêsu Kitô sẽ trở lại bằng xương bằng thịt, tuyên cáo thắng lợi sau hết của Giáo hội, tức Thân thể màu nhiệm của ngài, đối với thế tục trần gian.
Trong phong cách ngôn từ Nguyễn Việt Hà, chữ “muộn” này, giống như hai chữ “cuối cùng” trong câu đề từ cuốn “Cơ hội của Chúa”, là một ký hiệu hơn là một từ xác định. “Muộn” không có nghĩa là “muộn.” Vậy nên “Khải huyền” ở đây cũng không có nghĩa “mạc khải” ( “reveal, revelation, revelacion, revelatio,”), mà là một ký hiệu nữa, một tấm biển chỉ đường ( – thí dụ: “Khải-huyền-môn hết thế kỷ rẽ phải 100m →” .)
Phải nói rằng nó có ý nghĩa báng bổ. Nhưng lại phải hiểu nó (- sự “báng bổ”) theo nghĩa rộng hơn, mờ đục hơn, thiếu chính xác hơn, hiện đại hơn (giống như “vạch trần”, “lột mặt nạ”, “lật tung đống chăn bẩn của…”). Một truyện báng bổ mang màu sắc tôn giáo; theo nghĩa tôn giáo và những thứ như-tôn-giáo (pseudoreligion) là cái sinh ra sự báng bổ.
Tiếp theo những lời nói xấu mỹ miều và diễm tình trong “Cơ hội của Chúa”, thì còn gì hợp lẽ và đẹp đẽ hơn là đến những lời báng bổ.
“Team Apocalypse” (Đội ngũ ngày Khải huyền) của Blu Voe
3.
Câu chuyện kể trong tiểu thuyết này chẳng dính dáng đến một mạc khải thần bí nào. Dường như ý nghĩa “Khải huyền” chỉ còn neo lại trên cái nhãn mác thời đại của nó: đây là thời tận, thế cùng rồi. Ở cuối tiểu thuyết, nhân vật kể xưng “Tôi” ( là cái-tôi-kể-chuyện-này, nhưng cũng là nhân-vật-của-tôi, tức “nhà văn” tên “Bạch”, người “viết” cuốn tiểu thuyết dang dở không tên trong truyện) đã trích dẫn một đoạn ngắn sách Khải huyền, đại ý nói thời đã tận rồi, kẻ nào tốt thì cứ tốt nữa, kẻ nào xấu thì cứ việc xấu nữa đi!
Đoạn trích dẫn đó, ở cuối chương 5, chương cuối, nằm trong bối cảnh nhân vật Tôi-nhà-văn lan man ngẫm nghĩ:
“Nếu bắt buộc phải quên thì Bạch sẽ quên được cái gì. Và nếu bắt buộc phải thật nhớ thì Bạch sẽ nhớ nhất cái gì”…
Người ta có thể nhận thấy hai câu hỏi tu từ này là một phiên bản của một câu hỏi nền tảng – “Que sais-je?” “Tôi biết gì?” (- và thực sự ẩn đằng sau nó là một câu hỏi căn bản khác, “Que dois-je faire?”, “Tôi nên làm gì?”)
Dù sao thì Nhà văn cũng đã không khai triển được một câu trả lời cho thỏa đáng đối với câu hỏi đó, cho xứng tầm đạo lý của “Khải huyền.”
Nhân vật Bạch chỉ tự hỏi như thế rồi lại lang thang trong các đoạn ký ức rời rạc về những ngày đầu trong đời công chức của anh ta với chuyện yêu đương nhấm nhẳng và thực hiện bổn phận công bộc phất phơ. Để nắm bắt dòng tâm tư nhằng nhịt như hệ thống dây điện trên các đường phố Hà Nội này, người ta sẽ buộc phải lại đi ngược lên đầu truyện, làm một hành trình đánh dấu qua một mê cung những mẩu truyện sinh động nhiều ẩn ý nhưng chán nản và trống rỗng. Không phải sự trống rỗng về ý nghĩa, bởi vì ngay cả sự vô nghĩa cũng không thoát khỏi ý nghĩa. Nhưng sự trống rỗng là đoạn cuối của một đường hầm không lối thoát, tức là tình trạng khốn cùng. Đi đến cuối sự khốn cùng thì bước vào hư vô.
Ngay ở tiết đoạn “3” của chương 1 “Khải huyền muộn”, ý tứ ấy đã hiện rõ. Tiết này giới thiệu một đoạn hồi tưởng ngày đầu đến nhiệm sở mới của nhân vật chính tên Vũ, được kể là một quan chức lãnh đạo ngành thể dục-thể thao.
(Nhân vật Vũ được cho một hồ sơ cá nhân đầy đặn tính “tiểu thuyết” như mâm cỗ ngày Tết: con nhà đạo gốc, lại là con liệt sĩ, được một nhân vật cỡ lãnh tụ nâng đỡ về đường học hành (trở nên một “trí thức XHCN” ) để ra làm quan; lại vừa hiểu biết sách vở vừa lịch lãm “Người đâu sâu sắc nước đời”; cả tri thức và tiền nong đều cùng đầy đặn. Nhân đây, có thể thấy ba nhân vật Nhà văn, Bạch và Vũ được kiến tạo giống nhau như thể người nọ từ cái xương sườn của người kia vậy. Bởi tiểu thuyết viết rằng:
“Tôi thì thường bị ám ảnh về nhân vật Vũ nhiều hơn là về nhân vật Bạch. Có thể là Vũ ở ngoài tôi còn Bạch thì ở trong tôi.”
Và ở họ, từ việc uống rượu viết văn cho đến phong cách Tam-giáo-đồng-nguyên trong triết lý nhân sinh đều kế tục nhân vật Hoàng trong “Cơ hội của Chúa”.)
Nhân vật Vũ “nhớ lại” qua một giấc mơ ban ngày kỳ dị, trào lộng; xin trích thí dụ một phần đoạn hồi ức đó:
“Cái ngày đầu tiên khi Vũ về nhận nhiệm sở với tư cách là sếp đứng đầu của một ngành, không rõ vào thời gian nào. Nếu để nhớ thì vất vả lắm, và trong sâu xa Vũ chẳng muốn nhớ. Qua áo khoác, gió mùa Đông Bắc xoáy buốt. Trời nắng chang chang nóng. Có một bể bơi không tường chắn, rất nhiều thiếu nữ mười sáu mười bẩy nằm ngổn ngang phơi người, tự lấy tay xoa ngực trần bằng những nắp hộp kem loằng ngoằng chữ Hàn quốc. Trên ti vi cũng nhan nhản phim Hàn. Những bộ phim đương nhiên là hấp dẫn vì nội dung đều có một bi kịch đương nhiên là thê thảm, chuyện tình giữa anh Chimđangsun và cô Xinhiếp. Phố hầu hết nhỏ đường đất, vỉa hè được lát bằng đá cẩm thạch xa xỉ đỏ sẫm mầu huyết dụ. Vũ láng máng nhớ tên phố, cái tên có vẻ nửa Hà nội nửa Sài gòn. Thường thường, các cơ quan trung ương chỉ đóng ở hai nơi đó. Sương ngọc Oanh. Bà này cũng có thể là nữ thi sĩ thời Nam kỳ thuộc Pháp, cũng có thể là nữ anh hùng lao động thời miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nói chung, đàn bà khi không bị vướng vào lăng nhăng thơ phú thường hay đảm đang chăm làm. Vũ căng mắt ngắm cái chợ cóc, san sát những quán ăn bán lẫn lộn bún riêu cua với hủ tiếu, bún bò giò heo với cháo lòng tiết canh. Nhìn người ta ăn mặc càng thêm hoang mang. Một cô bé hớ hênh lỗ rốn phong phanh áo không tay cổ rộng. Anh chàng dâm đãng đi cùng, bên trong hai áo len, ngoài nặng dầy một áo khoác. Gã đểu cáng sành điệu cẩn thận chèn cổ bằng bốn vòng khăn phu la dạ Tầu. Cái ô tô chạy cót một bánh tám ngìn mã lực, lừ đừ đưa Vũ đến ngôi nhà có ba cửa sổ dùng luôn làm cửa ra vào. Ngôi nhà xây theo kiểu nông thôn Trung bộ, ba gian hai chái mái lợp gianh, vách nện đất. Nó lênh khênh cao, khoảng chừng mười một tầng. Đi lên đi xuống hoàn toàn dùng thang máy.”
…
Một trường đoạn rất dài mô tả giấc mơ, theo phong cách biểu hiện trừu tượng.
Và chính đoạn văn này gần với tính Khải huyền nhất trong cả tác phẩm, vì nó có vẻ đang vẽ ra các quái thú và quái tượng.
Nhưng lại chỉ đủ cho người đọc có được một lần hy vọng rằng mình vừa nghe thấy Hồi-kèn-Thứ-Nhất báo tai hoạ cánh chung. Ai đã đọc “Tên của đóa hồng” của Umberto Eco hẳn còn nhớ bảy hồi kèn Khải huyền loan báo các tai họa, mà mấy sư huynh trong Tu viện dòng Benedict đó đã phỏng theo những mô hình tai biến đó để dựng kịch bản các cuộc mưu sát đối thủ.
Dù sao, trong “Khải huyền muộn” không có hồi kèn nào cả; nhưng đoạn giấc mơ ban ngày trong xe hơi của nhân vật chính, với những hình ảnh hàm ngụ, trào lộng, kỳ quặc dị mọ như thế, đã thông báo chủ đề thật sự của cuốn tiểu thuyết này: là sự khốn cùng của đạo lý.
Ilija Bašičević – “Bosilj Apocalypse – Fall Of The Babylon” (Từ sách Khải huyền – sự sụp đổ của thành Babylon)
4.
Vũ, nhân vật chính của tiểu thuyết này, cũng phải là vai chính gánh vác cái chủ đề của câu chuyện, bởi anh ta ôm ấp bao bọc nhân vật nữ chính Cẩm My, và cùng với nhân vật Linh mục Đức hai chú cháu anh ta đảm nhiệm phần nền tảng và cốt lõi của các câu chuyện tôn giáo, các biểu hiện tâm tình tôn giáo trong cuốn sách này; và nữa, không nhất thiết kém quan trọng: anh ta nắm vai quan chức cao cấp duy nhất trong dàn nhân vật này. Nhưng trước hết, anh ta phải gánh được chính mình đã.
Trong cái hình ảnh của một nhân cách được đặt tên là Vũ, có một sự tổng hợp hỗn độn: con người tôn giáo, con người thị dân tư sản, con người quan chức đươngthời. Từ một góc nhìn đặc trưng bối cảnh thời đại, hỗn hợp đó có tên gọi là: “đạo” và “đời”; một cuộc phối ngẫu kỳ dị trong một xã hội thế tục chưa quên một thời “tả đạo.” Hãy xem cái tiểu sử vắn tắt của nhân vật này:
“Tên thánh của Vũ là Giu se. Cha đỡ đầu là ông quản Hậu, có học một ít chữ nho từ ông nội Vũ, bán bánh mì sốt vang nổi tiếng ở trước cửa ga thị xã Ninh bình. Ông nội Vũ là cựu Chánh trương có biết phong thuỷ, từng đoán xứ đạo Nhạc giao sẽ có người thành đạt. Sau lễ rửa tội một tháng của Giu se Vũ thì ông nội nó mất bệnh. Tròn sáu tháng sau, vào ngày lễ Đức Bà lên giời, mười năm tháng tám năm 1954, bố Vũ bị ca nô Pháp bắn chết ở gần cầu Gián. Bốn năm sau, bố Vũ được xác nhận chính thức là liệt sĩ. Kèm theo danh hiệu Anh hùng, ông còn được nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà truy tặng huân chương chiến công hạng nhì. Mẹ Vũ lúc hấp hối khát khao được làm phép xức dầu. Bà Anna Nghi sợ ảnh hưởng tới thằng con trai đã Đảng viên nên không dám nài. Sơ yếu lý lịch của Vũ, suốt từ hồi phổ thông lên đến Đại học, mục khai tôn giáo đều ghi : không. (… …) Dưới là cái ảnh truyền thần chân dung bố Vũ, mặc áo trấn thủ quả trám có chéo một dây da xắc cốt, kiểu của những cán bộ Việt minh cấp tiểu đoàn. Mẹ Vũ lúc sinh thời, vẫn đều đặn thắp hương làm giỗ chồng. Mẹ Vũ ở làng lương, khi xuất giá mới theo hẳn đạo. Tối hôm đó, Vũ cũng giống như nhiều người dân lộm nhộm ở các đô thị miền Bắc, ý niệm về tôn giáo lung tung lờ nhờ. Một nỗi sợ không có hình váng vất. Sáng hôm sau, cụ Đỗ biết tin buồn. Cụ hẹn là xong họp mười hai rưỡi trưa, tự mình sẽ tới tận nơi. Và ngay từ tám giờ sáng, đám ma mẹ Vũ đột ngột đông. Những người sơ giao Vũ mới mang máng biết mặt chừng một hai lần, nườm nượp đến phúng. Đúng chính Ngọ, cụ Đỗ đi Von ga đen đến, mang theo một vòng hoa lớn. Mầu hoa trong vòng tết hình Thánh giá, quan chức lớn nhỏ ngày hôm ấy ngơ ngác nhìn không hiểu. Hồi lần đầu, chính thức được gọi lên nói chuyện với cụ Đỗ, Vũ cũng ngơ ngác ngạc nhiên. Đó là ba tháng sau khi Vũ tốt nghiệp đại học từ Nga về. Lúc ấy cụ Đỗ vẫn còn đang làm bộ trưởng của một bộ. Vũ đã biết tại sao mình được đi học ở nước ngoài. Vũ rất biết mình là con liệt sĩ, tiêu chuẩn tạm hoãn không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng không phải bất cứ sinh viên bình thường nào cũng được du học ở Đông Âu. ”
Tiểu sử lược thuật sinh động trên đây hé lộ ý hướng của tiểu thuyết này hướng về lối viết truyện-sử, bởi nó dựa trên một số điểm quy chiếu hiển nhiên quy về “đại tự sự” lịch sử đã biết, cũng như về một phần “nhạy cảm” liên quan dến tôn giáo của lịch sử đương đại của xứ sở. Và những điểm quy chiếu đó còn chứa đựng bên trong chúng các ngoại suy hợp lý đến một loạt những điểm quy chiếu khác tiềm tàng (chẳng hạn như “áo trấn thủ quả trám” sẽ khiến ta liên tưởng đến Quyết tử quân Hà Nội 1946 hoặc bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” v.v.), mà rốt cục, cho thấy rõ tính hiện thực (chủ nghĩa) của lối viết này.
Nhưng bút pháp hiện thực và tính lịch sử cụ thể trong việc dựng lên thân phận nhân vật Vũ như trên đem lại một mâu thuẫn về bản sắc nhân vật mà lối viết này không giải quyết được.
So sánh mà xem: nhân vật Hoàng trong “Cơ hội của Chúa” xuất thân giống y như nhân vật Vũ ở đây, cũng “Con giai phố cổ”, con nhà đạo gốc, cũng thông tuệ, tài ba, bên yêu một em hoa khôi đại học, bên yêu một em người mẫu hàng “top”, rồi tư thái cũng lịch lãm khinh bạc, …; nhưng Hoàng có ông bố là một công chức lưu dung, yếm thế, “cùng tông” với bản sắc trí thức nửa vời của nhân vật Hoàng; trong khi Vũ có ông bố “Anh hùng” liệt sĩ mà cỡ “cụ Đỗ” phải yêu quý lẫn hàm ơn, đến độ “cụ” tận tụy nâng đỡ hậu duệ của người “Anh hùng”, v.v., vậy nhưng tư thái của nhân vật Vũ với nhân vật Hoàng căn bản không khác.
Hai nhân vật này hầu như có cùng bản sắc: con người tôn giáo nửa vời lưỡng lự, con người thời thế cũng lưỡng lự nửa vời.
Sự hoàn hảo về thân phận của nhân vật Vũ là một cuộc phối ngẫu đẹp đến đáng ngờ giữa “đạo” và “đời” ,dường như là quá nhiều cho bản sắc của nhân vật. Về sau, trong truyện, nhân vật Vũ cũng chẳng được làm gì hầu cho thấy bản lĩnh cao hay thấp của một kẻ làm quan. Anh ta chỉ làm những việc mà bản sắc nhân vật Vũ chấp nhận được.
Ilija (Bosilj) Bašičević, “From the Apocalypse: Animal with Human Head” (Từ sách Khải huyền: thú mang đầu người), 1965
5.
Song, cái thân phận hoàn hảo của nhân vật chính lại bộc lộ hai điểm quan trọng: thứ nhất, nó ôm chứa cái hạt nhân của ý đồ tiểu thuyết; thứ hai, nó giải thích vì sao tiểu thuyết này lại có cái kết cấu gián cách về kể chuyện – dùng đến hai nhân vật nhà văn cùng “viết tiểu thuyết” để “viết” ra nhân vật Vũ – một cuộc hành văn hư hư thực thực cầu kỳ, gây một hiệu ứng ảo giác.
Câu chuyện quẩn quanh của hai nhân vật Nhà văn với hai nhân vật “cô người mẫu” tạo được những màn mê-lô đậm nhạt khác nhau, dẫu hoàn toàn sống động, song hoàn toàn không đem lại chất tiểu thuyết. Bốn vai kể chuyện này chỉ giúp hợp thức hóa thân phận của nhân vật chính là Vũ: Nhà văn và Bạch đề xuất hư cấu Vũ là người tình của “cô người mẫu”, cô này chấp nhận làm vai Cẩm My, chấp nhận câu chuyện về người tình của mình là Vũ.
Trong tác phẩm “Nam tước trên cây”, Italo Calvino có viết rằng tiểu thuyết tạo ra “một thế giới chưa bao giờ hiện hữu song chứa đựng những điều đã tồn tại và những điều hẳn đã có thể tồn tại, những phúng dụ về quá khứ, về hiện tại, những câu hỏi về kinh nghiệm của chính mình.”
Nhân vật Vũ của “Khải huyền muộn” “hẳn đã có thể tồn tại” chăng? Hầu như chắc chắn là một cái thân phận như thế “chưa bao giờ hiện hữu song chứa đựng những điều đã tồn tại”.
Nhưng, nhân vật Vũ, giống như nhân vật Hoàng trong “Cơ hội của Chúa”, gần như chống lại tất cả “những điều đã tồn tại” mà đã tạo nên thân phận của anh ta – chống lại, theo nghĩa là biểu đạt mối mâu thuẫn thực tế giữa những tồn tại đó.
Hành xử của nhân vật Vũ toát ra mùi tuyệt vọng, hẳn là từ mối mâu thuẫn đó, mà có lẽ có thể thấy trong một tấm gương bởi những lời này của E.M. Cioran: “tôi muốn đổ tội cho cuộc sống, nhân loại, lịch sử …” và “tôi tự cảm thấy mình tự do đối với phạm trù đạo đức.”
Tuy nhiên bản sắc nửa vời đã không đưa Vũ đến chỗ tự do như vậy; hoặc, do cái thân phận tiểu thuyết mà anh ta phải gánh mâu thuẫn đến chỗ khốn cùng.
Vào đầu Chương 4, nhân vật Vũ có một trải nghiệm mấp mé ấu dâm, dù có vẻ “vô thức” và chỉ mới trong tâm tưởng. Tình tiết đó hàm ngụ trạng thái trống rỗng về đạo lý trong một gã quan chức, một kẻ “trí giả”, cũng một kẻ vốn là “có đạo.” Và trường đoạn đó là một thành công độc đáo của tiểu thuyết này. Trường đoạn đó mô tả một cái tà tâm mập mờ, không cắn rứt băn khoăn, nói cách khác là một cái tà tâm thường trực và thống trị.
“Khải huyền muộn” đành dở dang vì về mặt hiển ngôn nó không thể trả lời câu hỏi đã ngầm đặt ra qua nhân vật Vũ: cuộc hôn phối mâu thuẫn “đạo” với “đời” trong một nhân cách, thuộc về một bối cảnh đặc định đã hàm ngụ trong thân phận của nhân vật này, sẽ sinh ra cái gì?
Từ cái bản sắc con người tôn giáo-con người thời thế, đó chính là những câu hỏi căn bản: “Tôi có thể biết được gì? Tôi nên làm gì?”
Nguồn: http://soi.today/?p=159953