Svetlana Alexievitch, giải nobel văn học 2015

Phạm Nguyên Trường

clip_image001

Svetlana Alexievich, ảnh chụp năm 2011.

Đúng 6 chiều ngày 8-10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2015. Giải Nobel Văn chương năm nay được trao cho nhà văn Bạch Nga (Belarus), Svetlana Alexievich “vì những tác phẩm đa giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, công dân của nước Bạch Nga độc lập được trao giải Nobel về văn chương và là người viết bằng tiếng Nga đầu tiên được trao giải này kể từ năm 1987. Trước năm 2015, bà từng nhận được rất nhiều giải thưởng, trong đó có những giải thưởng danh giá như giải thưởng mang tên Remark (2001), giải thưởng của Hiệp hội các nhà phê bình Mỹ (2006)…

Tác phẩm đầu tay của bà “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” (Nguyên Ngọc dịch, Nxb Đà Nẵng, 1987) viết xong năm 1983, nhưng phải hai năm sau mới được xuất bản vì các nhà phê bình Xô Viết coi là có tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa và phá hoại hình ảnh anh hùng của người phụ nữ Liên Xô. Đầu thời cải tổ, tác phẩm này được mấy nhà xuất bản in liền một lúc, với tổng lượng phát hành lên tới hai triệu bản.

Năm 2013, Svetlana Alexievich đã được coi là một trong những ứng viên của giải Nobel văn chương, nhưng người nhận giải năm đó lại là nhà văn Canada, Alice Munro.

Có hai luồng ý kiến khách nhau về giải Nobel văn chương mà việc chọn Svetlana Alexievich trong năm nay lại củng cố chứ không bác bỏ hai luồng ý kiến đó.

Thứ nhất, nhà văn đoạt giải phải không chỉ là một cây bút nổi tiếng mà còn có thái độ công dân tích cực. Phải có mối quan hệ không đơn giản với đất nước mình, ví dụ như Orhan Pamuk, từng bị ra tòa vì những lời phát biểu không thận trọng về nạn diệt chủng người Armenia ở Thổ Nhì Kỳ. Hay thúc đẩy quyền của phụ nữa, như nữ văn sỹ người Áo, Elfriede Jelinek. Hay như nhà văn Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc mà tất cả chúng ta đều biết. Nhưng cũng có ngoại lệ, đấy là nhà thơ Thụy Điển, Tomas Transtromer; ông này không có hoạt động xã hội đáng kể nào, thậm chí trong những năm cuối đời còn không tiếp các nhà báo.

Thứ hai, không chỉ được đánh giá cao mà còn là một tác nhân quan trọng. Svetlana Alexievich nổi tiếng ở châu Âu chẳng kém gì ở những nước nói tiếng Nga, thậm chí còn nổi tiếng hơn. Sách của bà được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với tổng lượng phát hành lên tới mấy triệu bản.

Svetlana Alexievich có một tiểu sử thật đặc biệt, có thể nói bà là người công dân lý tưởng của thế giới. Svetlana Aleksandrovna Alexievich (tiếng Bạch Nga: Святлана Аляксандраўна Алексіевіч) sinh ngày 31 tháng 5 năm 1948 ở Ucraine, thuộc Liên Xô cũ. Cha bà là người Bạch Nga, còn mẹ là người Ukraine. Sau này cả gia đình đã chuyển về sinh sống ở Bạch Nga. Từ đầu những năm 2000, bà sống ở Ý, Pháp, Đức, Thụy Điển và từ năm 2013 thì trở về sống ở Minsk (Bạch Nga).

Giọng điệu văn chương của bà gắn bó mật thiết với cuộc đời bà. Chính bà từng nói rằng mình là “cái tai”. Bà nghe, ghi nhớ, ghi chép, tái tạo và sắp đặt lại. Bà biến cái riêng thành tài sản chung của xã hội, bà kể về những điều chưa ai biết, bà nhắc lại những chuyện mà người ta đã quên. Tác phẩm “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” – là những câu chuyện về những người phụ nữ ngoài mặt trận, tác phẩm “Những chiếc quan tài thiếc” (Цинковые мальчики) – viết về những chiến sĩ ở Afghanistan, tác phẩm “Thời đại Second-hand” (Время сэконд хэнд) – kể về những năm 1990.

Có những tác phẩm đọc rất nặng nề. Có những tác phẩm làm ta phát khóc. Nhưng cũng có những tác phẩm mà chỉ muốn gấp lại và không bao giờ mở ra nữa. Các tác phẩm của Svetlana Alexievich có tất cả những phẩm chất đó. Đấy là những tác phẩm viết về “sự thật nơi chiến hào” mà chúng ta buộc mình phải biết. Đấy là những tác phẩm viết về đời sống còn khổ hơn là chết. Đấy là những câu chuyện làm ta phải úp mặt vào gối để không bật ra tiếng khóc. Những số phận bị nghiền nát và bị đánh cắp. Đọc xong ta sẽ có một trải nghiệm vĩnh viễn làm thay đổi tất cả, buộc ta phải thanh toán với cái hiện thực đó.

Đây là một đoạn trong tác phẩm “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”:

“Có một nữ điện báo viên ở trong đơn vị chúng tôi, cô vừa mới sinh con. Đứa bé đói … Nó tìm vú mẹ … Nhưng chính bà mẹ cũng đói, không có sữa, còn đứa bé thì khóc. Lính càn quét ở gần đây … có cả chó … chó mà nghe thấy thì tất cả sẽ chết. Cả nhóm – khoảng ba mươi người… Bạn hiểu chưa?

Chúng tôi quyết định…

Không ai dám nói ra mệnh lệnh của người chỉ huy, nhưng chính người mẹ đã đoán được.

Cô ấn cái bọc gói đứa trẻ vào vũng nước và giữ như thế một lúc… Đứa bé không còn khóc nữa… Không một tiếng động… Còn chúng tôi thì không dám ngước mắt lên. Không dám nhìn bà mẹ, cũng không dám nhìn nhau”.

Và đây là một đoạn nữa: “Khi chúng tôi bắt tù binh, chúng tôi dẫn về đội … Chúng tôi không bắn chúng, chết thế thì dễ quá, chúng tôi giết chúng như giết lợn, chúng tôi tùng xẻo chúng. Tôi đã đến xem … và đợi! Tôi chờ đợi cho đến khi sự đau đớn làm cho con ngươi của chúng bắt đầu nổ …”

Còn đây là một câu chuyện trong tác phẩm “Thời đại Second-hand” viết về những năm 1990:

“Một bà lão chết. Gia đình – con gái và cháu gái – không có tiền. Không có một đồng nào. Không những không có tiền làm đám ma, mà con không có tiền để đưa ra nhà xác. Tiền để trả cho bác sĩ để ông ta viết cho cái giấy chứng tử cũng không có. Do đó, cô con gái và cô cháu gái phải sống một tuần trong một căn hộ cùng với người quá cố. Họ tìm cách ướp xác: lau sạch thân thể bằng muối kali permanganat, phủ lên người bằng một tấm vải ướt và nhét kín các khe cửa sổ, che cửa đi bằng một cái chăn ướt. Bọn lưu manh cho tiền làm đám ma. Chúng lấy ngay căn hộ. Hai mẹ con trở thành những người vô gia cư”.

Trong những lần phỏng vấn gần đây, Svetlana Alexievich nói rằng bà muốn viết hai cuốn sách nữa. Một cuốn về tình yêu, còn cuốn kia thì về tuổi già. Cũng muốn đọc. Nhưng sợ lắm.

Bà nói nhân sự kiện mình được giải Nobel như sau: “Tôi dùng giải thưởng để mua tự do cho mình. Tôi viết rất chậm, cần phải có phương tiện – đi lại, viết, in. Bây giờ tôi có thể bình tĩnh làm việc, không cần phải nghĩ: lấy tiền ở đâu nữa”. Giải thưởng Nobel năm 2015 là 8 triệu cron Thụy Điển (953.000 USD).

Theo nhà văn, bà được giải không phải vì một tác phẩm cụ thể nào đó mà vì toàn bộ quá trình hoạt động trong lĩnh vực văn chương của bà, trong đó có 5 tác phẩm trong loạt tác phẩm gọi là “Con người đỏ. Tiếng nói của không tưởng”: “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, “Những người làm chứng cuối cùng”, “Những chiếc quan tài thiếc”, “Lời cầu nguyện ở Chernobyl” và “Thời đại Second-hand”.

Comments are closed.