Svetlana Alexievitch, những từ của cái ác

(Trò chuyện với phóng viên báo Le Monde ngày 26-3-2003, vừa được đăng lại trên Le Monde ngày 8-10-2015)

Catherine Bédarida

clip_image002

Svetlana Alexievitch, ngày 14 tháng mười một 2014. AFP/MAXIM MALINOVSKY

Chiến tranh, thảm họa, cái ác, từ gần hai mươi năm nay, Svetlana Alexievitch đã bắt tay xây dựng một thiên sử thi về homo sovieticus (con người xô viết), mà theo bà có thể lấy tên là “ảo tưởng và con người bé nhỏ”. Được đào tạo nghề báo, bà đã nhanh chóng nhận ra sự chật chội của thể loại, ngay từ định nghĩa[1], đã là ném một cái nhìn vội vào thời sự. Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã để lại trên Liên bang Xô viết những vết thương sâu và cứ bốn người Bạch Nga thì có một người bị giết chết: Svetlana lấy đó làm đề tài cho cuốn sách đầu tiên của mình, khởi đầu một loạt tác phẩm mà bà phải trả giá bằng việc bị đưa ra tòa, bị kiểm duyệt và, từ khi Bạch Nga độc lập (khỏi Liên Xô), chịu những vụ tấn công của chế độ độc tài của tổng thống Loukachenko. Mùa thu năm 2000, bà chấp nhận đến sống ở thành phố tị nạn, do Nghị viện quốc tế các nhà văn dành cho các nhà văn bị uy hiếp, thoạt đầu ở Toscane, rồi từ hai tháng nay ở Suresnes (Hauts-de-Seine).

Để làm cuốn sách đầu tiên, Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, bà phỏng vấn hàng trăm phụ nữ đã chiến đấu (trong chiến tranh vệ quốc của Liên xô). Bà chọn những tiếng nói phụ nữ này để tránh những hình tượng sáo mòn của “chủ nghĩa anh hùng khô kiệt”: “ngay cả khi họ giết người (trong chiến trận), (người phụ nữ) cũng ý thức đã phạm một án mạng. Một nữ y tá đi tìm những người còn sống sót trên chiến trường thú nhận chị thấy thương xót những người Đức và người xô viết trẻ bị chết như nhau”. Dù có áp lực của quân đội không cho phát hành, cuốn sách vẫn được in đến hai triệu bản trong bối cảnh cải tổ. Và đã có đến bốn mươi lần tác phẩm được chuyển thể lên sân khấu, có lần ở nhà hát danh tiếng Taganka.

Svetlana Alexievitch quyết định đi theo con người bé nhỏ của bà qua các thời điểm cốt yếu của lịch sử đất nước, (chiến tranh) Afghanistan, Liên xô tan vỡ, các trại tập trung, Tchernobyl. Với tư cách là nhà văn, tôi đã tự đào tạo mình bằng những giai đoạn lớn đó của lịch sử”, bà bảo. Thực tế, bà đã rất nhanh chóng tìm được văn phong riêng, một văn phong thanh lọc, tôn trọng những từ và ngữ của những người kể chuyện cho bà, không bình luận và giải thích, bằng cách đó tạo nên một kiểu “tiểu thuyết lời nói”.

Mỗi cuốn sách, bà hỏi hằng trăm người. “Đôi khi, đặt những câu hỏi mới, tôi nói hằng nhiều giờ với một người. Từ 60 trang ghi, tôi giữ lại nửa trang. Tôi là một cái tai khổng lồ, hướng ra đường, bởi chỉ một tiếng nói thôi thì không đủ khôi phục lại sự phức tạp của những sự kiện quan trọng. Bây giờ bà nhắc đến họa sĩ Malevitch mà bà vừa được xem triển lãm ở trung tâm Pompidou, mong tìm cho mình “một sự tinh khiết giống như ở ông ấy”. Dựa trên những lời chứng của những cựu binh Afghanistan, cuốn sách Những chiếc quan tài thiếc khiến bà phải đối mặt với hàng loạt vụ án do quân đội dàn dựng. “Hình ảnh người lính Nga làm một cuộc chiến tranh chính nghĩa tan thành mây khói ở Afghanistan – cũng như sau đó ở Tchétchénie. Tôi cũng vậy, tôi bỏ lại ở đấy các ảo tưởng của tôi. Trên chuyến bay từ Kaboul trở về, lần đầu tiên tôi thấy mình là một con người tự do, được giải phóng khỏi không tưởng ấy. Cuộc thay đổi chẳng hề dễ dàng bởi cái lý tưởng ấy có những mặt hấp dẫn của nó. Nhưng đấy là một thứ trộn lẫn chủ nghĩa lý tưởng và máu.

Dưới chế độ của tổng thống Loukachenko, bà gia nhập các trào lưu đối lập. Các cuốn sách của bà, viết bằng tiếng Nga, ngược với một số nhà văn theo chủ nghĩa quốc gia, được dịch ra tiếng Bạch Nga, bị cấm bán. Để tránh bị cuốn vào các cuộc đấu tranh chính trị, năm 2000 bà rời đất nước. “Văn hóa chiến lũy rất nguy hiểm cho một người nghệ sĩ, bởi nó có xu hướng loại bỏ tính phức tạp của cuộc sống và con người. Đối với một người nghệ sĩ, nạn nhân và đao phủ là hai đối tượng nghiên cứu. Cuộc đấu tranh (chính trị) ngấu nghiến thời gian, ngấu nghiến con người. Nó đã hủy hoại bao nhiêu nghệ sĩ. Xem Maïakovski đấy. Ở Ý, rồi ở Pháp, bà gặp những nhà văn khác viết về Rwanda, về Nam Tư cũ… Bà kết luận cần gấp rút đọc lại Dostoïevski: “Trong khi chống chủ nghĩa xã hội, Dostoïevski khẳng định cái ác không đến từ một tổ chức xã hội tồi, nó ở bên trong con người”.

NHỮNG DIỆN MẠO MỚI

Bây giờ, cái ác nằm ở trung tâm suy tưởng của bà. Đối với bà, vụ 11 tháng chín hay Tchernobyl phơi con người ra trước những diện mạo mới còn chưa được suy nghiệm của cái ác. “Cái ác ấy có thể đẹp”, bà nói như vậy, nhớ lại đêm Tchernobyl bị nổ, các nhà khoa học, biết rất rõ sự nguy hiểm của phóng xạ, đã đứng suốt đêm trên ban công cùng con cái họ, bị hấp dẫn vì cảnh tượng (rất đẹp ấy), “trong khi đấy là cái chết”. Trước những thực tế chưa từng có đó, “vâng, có thể nói đến tai họa của truyện kể, bởi chúng ta thiếu những từ, thiếu từ vựng để viết về những diện mạo mới ấy của cái ác; chúng ta đang đi tìm những ngôn ngữ của cái không thể mô tả.

Svetlana Alexievitch cho rằng sau nhưng năm tôn thờ tiêu dùng và hưởng thụ, nay đang bắt đầu một thời đại của nỗi sợ. “Sự tôn thờ nỗi sợ hay những nỗi sợ, đang chiếm một vị trí ngày càng lớn trong cuộc sống của chúng ta, làm dấy lên những suy nghiệm siêu hình sâu xa hơn, chúng đang đặt câu hỏi cho các nghệ sĩ.

Nhưng nhà tiểu thuyết nữ, có sách được dịch ra 17 thứ tiếng[2], không muốn chỉ là “con tin” của các cuộc chiến tranh. Bà đang hoàn thành một cuốn sách viết về tình yêu. Bà đã có những cuộc trò chuyện ở Bạch Nga trước lần ra đi này, rồi còn trong các chuyến đi tiếp ở đấy nữa. Bà rất chú tâm đến dự án “hiện sinh này, bởi thời Liên xô, như bà nói, “các khía cạnh chủ quan, xúc động của cuộc sống bị che khuất”. Qua những câu chuyện tình yêu ấy, bà bới sâu lịch sử đất nước mình: “Đấy là tình yêu trong chiến tranh, trong các trại tập trung… Đấy là một cuốn sách về chúng tôi, những con người đã lớn lên tại Liên bang xô viết, quan niệm về hạnh phúc của chúng tôi, những lý tưởng của chúng tôi. Tại sao chúng tôi đã có những giấc mơ đẹp đến thế… và một cuộc sống lại bẩn thỉu, ô uế đến thế.


[1] Trong tiếng Pháp, trong từ journalisme, journaliste, nghề báo, nhà báo, có gốc jour, ngày, hằng ngày. Cũng như ta gọi nhật trình. (Nguyên Ngọc chú).

[2] Đến nay đã là 27 thứ tiếng (Nguyên Ngọc chú).

Comments are closed.