Tản mạn Tây Nguyên (2)

Trên và dưới làng có gì?

Nguyên Ngọc

Khoảng giữa những năm 30 thế kỷ trước, một vị bác sĩ, quê tận Hà Tĩnh, được điều lên tỉnh miền núi heo hút Kontum. Ngày ấy việc nhà nước thuộc địa điều động viên chức của mình đi các nơi như vậy là thường (chắc không phải kiểu “luân chuyển” như ta bây giờ). Người bác sĩ được điều chuyển ấy năm đó đã trên 30, tên là Nguyễn Kinh Chi, con trai của nhà trí thức lớn và là chí sĩ Duy Tân nổi tiếng Nguyễn Hiệt Chi. Nguyễn Hiệt Chi bị chính quyền thực dân bắt, phải đi tù Côn Đảo sau vụ Trung kỳ dân biến năm 1908. Nhưng không thấy có nào tài liệu nói con trai ông bị đưa lên “vùng mọi Kontum rừng thiêng nước độc” như một cuộc đi đày. Có thể ngược lại là khác: vì ông là một bác sĩ giỏi, có thể đơn thương độc mã xoay xở giữa một vùng rừng núi xa lạ, còn chưa được “khai hóa” mấy, và hẳn đầy bất trắc…

Về sau, cuối năm 1953 đầu 1954, sau khi quân ta trong một đêm đánh hạ ba đồn quan trọng Mang Đen, Kon Braih, Mang Bút trên con đường nay gọi là quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi lên Tây Nguyên, quân Pháp hoảng hốt bỏ Kontum chạy, tôi có được vào thị xã Kontum vừa giải phóng, thấy phố xá được người Pháp quy hoạch thật đẹp, giản dị, bé tẹo mà xinh xắn. Chỉ có một ít người Kinh, không hiểu sao phần lớn là người Huế và đôi người Nghệ Tĩnh, là viên chức cùng gia đình họ. Thời bác sĩ Kinh Chi đến, hơn 20 năm trước, chắc còn ít hơn. Còn lại ngay trong thành phố, là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ba Na, họ sống ở các làng ngày ấy là ngoại ô, nay đã lọt thỏm vào nội ô, hoặc ở các làng rải rác bên kia sông Đak Bla, mà người Kinh gọi là con sông chảy ngược dù trông nó vẫn êm đềm xuôi dòng. “Chảy ngược” vì sông không đổ về đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ để tuôn ra Biển Đông như ta vẫn quen, mà “ngược” về hướng Tây, đưa nước đỏ ngầu phù sa bazan theo một sườn Tây Trường Sơn thoai thoải và rất rộng, về tận Mê Kông sông mẹ bên Lào và Miên (hồi ấy người ta gọi Campuchia như vậy). Bác sĩ Kinh Chi ngày ngày chạy chữa cho những bệnh nhân Ba Na, dần dà học được tiếng nói của họ, từ các bệnh nhân và cả từ các phụ tá Ba Na do chính ông đào tạo. Và lần đầu tiên ông khám phá ra năng khiếu ngôn ngữ học bẩm sinh của mình: chẳng bao lâu ông đã thành thạo tiếng Ba Na, có thể còn hơn cả người bản địa, bởi ông nắm vững nó qua phân tích sâu và chặt chẽ như một nhà ngôn ngữ học… Cũng nhiều khi ông đi thăm bệnh ở các làng ngoài thành phố, những Kon Klo, Plei Tơnghia, Kon Rơbang, Đak Pné, Đak Cấm…, rồi sang cả bên kia sông Đak Bla, ngày ấy hẳn phải bằng thuyền, những con thuyền độc mộc hệt những tác phẩm nghệ thuật, khoét trong nguyên một cây gỗ, do người Ba Na chèo, cả những ngày mưa rừng dữ dội, dòng sông nhỏ hiền lành lập tức ào ào thành thác dữ. Bên ấy các con bệnh đang chờ ông. Bên ấy ông gặp những làng Ba Na nghèo, hiền, thanh bình và thật đẹp, treo vắt vẻo tựa những tổ chim nhỏ ríu rít bên bờ sông đoạn này dốc đứng, những Đak Rơwa, Kon Ktu, Kon Ri… rồi sẽ rất nhanh chóng thân thiết, đến ruột rà…

Doc moc 6

Độc mộc. (Tất cả ảnh minh họa trong bài này đều của Nguyên Ngọc)

Nhà Tây Nguyên học say mê Jacques Dournes, từng sống đắm đuối ở Tây Nguyên suốt 23 năm, viết về trải nghiệm của ông trên vùng đất và người ấy, thâm trầm: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.” Hiểu trước hay yêu trước? Yêu trước hay hiểu trước? Làm sao phân biệt, làm sao trả lời! Bác sĩ Kinh Chi không nói “hiểu”, cũng không nói “yêu”. Chăm chú quan sát và nghiền ngẫm về người Ba Na ông tiếp xúc hàng ngày, ông viết, kinh ngạc: “Tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều còn thuần túy hơn ta [tức người Việt của ông] nữa kia”. “Thuần túy”, Kinh Chi nói. Chắc rồi ta sẽ còn phải trở lại với chiêm nghiệm này của ông. Khi so sánh về chuyện thuần túy, tức là người ta nghĩ về văn hóa. Về những giá trị thật giả ở đời, trong sự làm người.

Nguyễn Kinh Chi cũng là người đầu tiên phát hiện ra nguồn gốc và ý nghĩa đích thực của từ “mọi” vốn bị coi là từ nặng nề khinh bỉ. Ông viết: “Chữ ‘Mọi’ ở đâu ra? Xét trong tiếng nói của người Ba-na có tiếng ‘tơmoi’ nghĩa là khách. Người Ba-na dùng tiếng ấy để chỉ những người làng khác hoặc bộ lạc khác đến làng hoặc bộ lạc mình. Ví dụ người Gia-rai hoặc Xơ-đăng đến xứ Ba-na thì người Ba-na kêu là tơmoi Gia-rai, tơmoi Xơ-đăng nghĩa là khách Gia-rai, khách Xơ-đăng. Người Annam đến xứ họ, họ cũng kêu là tơmoi. Vậy theo thiển kiến chúng tôi thời tiếng mọi có lẽ ở trong tiếng tơmoi của người Ba-na mà ra, chứ không phải một tiếng mà người Annam đặt ra để chế nhạo giống người ở trên rừng núi, như nhiều người nói. Có lẽ khi người Annam mới giao thiệp với người Ba-na, thường nghe những thứ tiếng tơmoi Gia-rai, tơmoi Xơ-đăng, v.v. bèn bắt chước mà nói theo. Lần lần lại bỏ tiếng ‘tơ’ mà chỉ giữ lấy tiếng ‘moi’ (vì tiếng mình là tiếng độc âm). Sau lâu ngày tiếng ‘moi’ hóa ra một tiếng chỉ tên chung cho cả dân thổ trước ở trên rừng về phía Nam, cũng như những tiếng ‘Mán, Mường’ ở ngoài Bắc…[1]

Không chỉ là một phát hiện từ nguyên bất ngờ và thú vị. Mà còn là, lại là về con người, giá trị của con người. Những giá trị mới mẻ, “thuần túy” ông tìm được ở tận chốn núi rừng chừng rất hoang dã này. Và bác sĩ Kinh Chi đi đến một quyết định: phải nói lên, nói rõ về những con người ấy, cuộc sống, cách sống của họ, nền văn hóa, nền văn minh của họ. Cho mọi người, trước hết cho đồng bào người Việt của ông. Là một nhà khoa học, ông biết đấy phải là một công việc nghiêm túc và rất công phu. Không thể tùy tiện, hời hợt. Một người, lại chưa được đào tạo chút nào về dân tộc học – cùng một loạt khoa học liên quan – không thể kham. Cần ít nhất một người cộng tác tài năng, và quan trọng hơn nữa, tâm huyết. Có khả năng say mê “hiểu để mà có thể yêu”, lại cũng biết say mê “yêu để mà có thể hiểu”. Tây Nguyên, thời nào cũng vậy, cần những người đến với nó như thế. Ông viết thư gọi người em ruột của ông, Nguyễn Đổng Chi, 18 tuổi, vừa xong bậc trung học ở trường Vinh và học giỏi chữ Hán, chữ Nôm tại nhà. Trẻ trung, hăng hái, đầy khát vọng, có thể cả lãng mạn và không thiếu ham muốn phiêu lưu, nhận được thư anh, Đổng Chi lập tức có mặt và liền bị dự án của ông anh lôi cuốn. Ấy là vào năm 1934. Họ thành một ê-kíp chặt chẽ, hóa ra rồi sẽ là hai nhà dân tộc học, hai nhà Tây Nguyên học đầu tiên của Việt Nam, nghiệp dư, tài tử, mà rất tài năng. Phân công: Kinh Chi tổng hợp lại các ghi chép trước nay của ông, phác họa những ý tưởng cho nghiên cứu. Đổng Chi, trẻ, khỏe, năng động, nhận công tác thực địa. Anh la cà ở các làng, cũng rất nhanh chóng thông thạo tiếng Ba Na, kết bạn với các chàng trai và các cô gái Ba Na, lao động, ăn chơi vui đùa cùng họ, hút rượu cần và rủ rỉ cùng các cụ già bên bếp lửa nhà sàn, được các bà mẹ Ba Na coi như con… Về sau có người viết tiểu sử sẽ nói về Đổng Chi thời ấy: nhà dân tộc học vừa vào nghề một cách bất ngờ, hoàn toàn nghiệp dư ấy đã thực hiện đúng cái mà ngày nay, gần một thế kỷ sau, khoa dân tộc học thế giới trân trọng gọi “quan sát tham dự”. Cũng có người nói, giản dị, cụ thể hơn: la cà trong các làng, Đổng Chi vừa làm vừa chơi, chơi trong khi làm, chơi để mà làm, làm bằng cách chơi. Chơi thật, làm thật, sống thật. Đến độ không còn là người lạ, là khách, là tơmoi. Một tư thế tốt nhất và cũng khó nhất của nhà dân tộc học đi thực địa: vừa quên mình đi đến cùng để không khiến cho cái thực tế mình đến quan sát bị biến dạng vì sự có mặt của mình, lại vừa luôn giữ được tỉnh táo, tỉ mỉ, tinh tế, khách quan của một nhà dân tộc học đi quan sát. Để nhìn được cái thực tế đó từ chính bên trong của nó, như chính mình là một phần hữu cơ, ruột thịt của nó. Lại đồng thời biết nhìn nó từ bên ngoài, với một con mắt phân tích, thậm chí phê phán sắc sảo, có khi đến lạnh lùng… Nhà dân tộc học trẻ Đổng Chi “sống” điều đó một cách tự nhiên, như không, nhẹ nhàng, vui vẻ, say mê. Anh giỏi tiếng Ba Na chẳng thua người làng. Tất nhiên các cô gái Ba Na ở các làng anh đến “chơi” hằng ngày không thể không đặc biệt quyến luyến anh chàng người Kinh giỏi giang, trẻ trung, đẹp trai ấy. Con gái Kinh thường đấm yêu người con trai mình thích. Con gái Ba Na khác: họ không đấm. Họ… véo. Vào vai, vào lưng, vào đùi. Càng yêu véo càng đau. Gửi tất cả vào cái véo ấy. Đổng Chi đi điền dã ở các làng về, hôm nào người cũng tím bầm. Tay con gái Ba Na dệt vải khéo, làm rẫy giỏi, mềm mà khỏe…

image

Cô gái Mnong

Con gai Jarrai 6

Cô gái Jrai

…Năm 1937, một tác phẩm dân tộc học đặc sắc, công trình nghiên cứu dân tộc học, Tây Nguyên học đầu tiên được thực hiện bởi tác giả Việt Nam, phong phú, sinh động, sắc sảo, chặt chẽ khoa học, đầy ắp khám phá mới mẻ, ra đời. Nó có tên là Mọi Kontum. Của hai anh em ruột, hai tác giả: Nguyễn Kinh Chi & Nguyễn Đổng Chi.

˟˟˟˟˟

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của tác phẩm Mọi Kontum là về vấn đề Làng – làng Ba Na, làng Tây Nguyên, cốt lõi của cấu trúc xã hội Ba Na và Tây Nguyên.

Năm 1912, trong tác phẩm Rú mọi (Les jungles moi)[2], công trình khảo sát Tây Nguyên sớm nhất, toàn diện và đặc sắc, nhà thám hiểm Henri Maitre sau khi đã đi suốt gần hết vùng cao nguyên rộng lớn này, viết: “Tây Nguyên gồm các làng rời rạc.” Một nhận xét đáng chú ý, có thể quan trọng, nhưng còn mới thoáng qua, chưa thật sự có khẳng định rõ ràng về cấu trúc cơ bản của xã hội này. Đọc kỹ, thấy Maitre nói nhiều hơn về các thực thể mà ông gọi là “bộ lạc”. Rất sớm, ông chia các bộ lạc Tây Nguyên theo ngữ hệ, khá chính xác. Nhưng giữa bộ lạc với làng “rời rạc” của ông, là thế nào? Không thấy Maitre nói gì thêm.

25 năm sau, ở Mọi Kontum, thấy Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi chỉ nhắc đến bộ lạc có mỗi một lần, trong chính đoạn viết về nguồn ngốc của từ “mọi” đã nói đến trên kia. Sau đó, không lần nào các ông trở lại chuyện bộ lạc nữa. Hẳn không ngẫu nhiên. Có thể các ông đã cảm nhận ra một điều gì đó khác với Henri Maitre: ở Tây Nguyên, có chuyện bộ lạc, có các bộ lạc phân biệt, đương nhiên, nhưng nó không phải là đơn vị xã hội, trong thực tế xã hội và trong ý thức (cả trong tình cảm) của con người, mà các ông rất hiểu qua thực địa “la cà” độc đáo của Nguyễn Đổng Chi, và kinh ngiệm cùng suy ngẫm kỹ càng của Nguyễn Kinh Chi. Trong thực tế và trong ý thức, trong tình cảm của người Tây Nguyên, quan trọng hơn, quan trọng nhất, đậm đà, sâu sắc nhất, đến mức sinh tử như ta sẽ thấy, là một điều khác, một cái khác: Làng. Đây sẽ là một trong những khẳng định quan trọng nhất của hai ông. Ở Tây Nguyên, đối với người Tây Nguyên, làng quan trọng hơn bộ lạc, hay tộc người. Cho đến tận hôm nay, đấy vẫn là một nhận thức sắc sảo và có ý nghĩa lớn về rất nhiều mặt, cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Những đoạn viết hay nhất, say sưa nhất trong tác phẩm Mọi Kontum là về Làng – làng Ba Na, làng Tây Nguyên.

Hai ông viết, dứt khoát, hồ hởi: “Dầu to hay nhỏ, mỗi làng Ba Na là một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập, không phục tùng dưới quyền thống trị nào khác[3]. Một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập và không phục tùng bất cứ quyền thống trị nào cao hơn nó. Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi là những nhà dân tộc học đầu tiên chỉ ra rằng ở Tây Nguyên làng không chỉ là những đơn vị “rời rạc” như Henri Maitre đã nói một cách sơ lược, thoáng qua; Làng còn là đơn vị xã hội cao nhất, bên trên nó không còn có gì khác. Bộ lạc không ở trên nó, không phải là một đơn vị xã hội, làng không phải phục tùng quyền uy của bộ lạc. Trong hầu hết các ngôn ngữ của các tộc người Tây Nguyên, không có từ nào để chỉ một đơn vị xã hội cao hơn làng. Boon trong tiếng Mnông, Buôn trong tiếng Ê Đê, Plei trong tiếng Jarai, Ba Na, Kon trong tếng Xơ Đăng, Veil trong tiếng Cơ Tu… đều có nghĩa là làng. Trong tiếng Ba Na, có từ T’ring chỉ liên minh giữa một số làng, nhưng đấy là những liên minh tạm thời để cùng nhau đối phó với một thách thức nào đó, khi thách thức ấy qua rồi thì T’ring cũng tan. Nó không có lãnh thổ và tổ chức quản lý hành chính tương ứng. Chỉ có làng mới có tổ chức ấy: Hội đồng già làng.

Không có gì ở trên làng. Rõ rồi. Còn bên dưới làng thì sao? Hãy nghe Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi nói, chắc không còn cách nào cụ thể, sinh động và hay hơn: “Bất luận là bà con hay người dưng, người Ba Na đã ở chung một làng thì họ đối đải [đãi] với nhau thân mật lắm. Lúc vui mừng, khi hoạn nạn đều cùng nhau san sẻ. Lại có một lối tình cảm liên lạc dân làng với nhau một cách huyền bí. Ngày nay còn thấy một đôi dấu vết. Ví dụ như trong làng có một đôi trai gái chưa thành vợ thành chồng mà ăn nằm với nhau thời cả làng đều bị lây jơlâm jơlu (ô uế về tinh thần). Tại sao vậy? Là vì người Ba Na coi xã hội mình như thân thể người ta. Mỗi cá nhân là một phần tử của đoàn thể cũng như ngũ quan tứ chi, v.v. là phần tử của thân người. Nếu một phần tử phạm đều [điều] không tốt thời không khác gì đoàn thể phạm vào đều ấy và các phần tử khác phải chịu lây ảnh hưởng xấu.

Cũng bởi một lẽ đó mà một người ở đoàn thể này làm hại một người ở đoàn thể kia thời họ coi như cả đoàn thể trước làm hại đoàn thể sau. Cái thù riêng của mỗi người trở thành cái thù chung cả bọn và họ có thể rửa thù vào một phần tử nào bên nghịch cũng được không cần đợi người có lỗi…”[4].

Bên trên và bên dưới làng, đều không có gì khác. Làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất của Tây Nguyên. Con người, cá nhân, bị và được hòa tan, tự hòa tan mình trong đơn vị xã hội duy nhất ấy.

Nên chú ý, các tác giả đã dùng đến từ “huyền bí”: mối quan hệ cơ bản ấy thấm đến tận nơi sâu thẳm nhất của từng con người. Gặp một người Tây Nguyên, chẳng hạn hỏi ông Núp: “Anh tên gì?”, phản xạ đầu tiên của ông là trả lời: “Tôi là người làng Stơr”. Gạn hỏi mấy lần nữa, mới nói thêm: “Tôi là Núp ở làng Stơr.” Vẫn không thể không có làng. Toàn bộ số phận của cá nhân gắn chặt với cộng đồng, và cộng đồng đó là cộng đồng làng.

Lại trở lại với hai điều đã nói lần trước [5]: Một, cái cộng đồng đó, Làng, tồn tại, chỉ có thể tồn tại trên nền tảng kinh tế, vật chất là sơ hữu đủ 5 loại rừng của nó, mà các nhà khoa học gọi là “sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng”. Không có, không còn sở hữu ấy thì không có, không còn làng. Nó sụp đổ. Hai, đấy là cấu trúc cơ bản của xã hội Tây Nguyên cổ truyền, nhưng cái gọi là cổ truyền ấy còn tồn tại mãi cho đến tháng 4 năm 1975. Không biết đến điều ấy để xử lý cẩn trọng trong mọi thay đổi ta mong muốn đem lại cho vùng đất và người tuyệt đẹp mà cũng cực kỳ nhạy cảm này, thì dù có lòng tốt đến mấy, cũng tất thất bại, và tàn phá. Gây đổ vỡ không thể cứu chữa.

Như đã xảy ra rồi, ở trên ấy.

Khi tái bản cuốn sách quý của hai nhà khoa học đã quá cố Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, dưới một cái tên mới Người Ba Na ở Kontum, những người làm sách đã mời những người hiện nay đang lãnh đạo chính vùng đất nơi tác phẩm đã ra đời hơn 60 năm trước viết đôi lời nói đầu ngắn, cũng là có ý mong họ quan tâm đến những hiểu biết sâu sắc và đầy tâm niệm của người đi trước về con người và xã hội Ba Na, và cả Tây Nguyên, cho đến nay vẫn còn nhiều giá trị có thể rất thiết thực. Nhưng rồi lời mời đã không nhận được hưởng ứng.

Có thể một cơ hội tốt đã bị bỏ qua.

Lại tiếc thay!

1-10-2016


[1] Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi 2011. Người Ba-na ở Kontum. Hà Nội: Tri Thức, tr. 129. Tác phẩm này vốn tên là Mọi Kontum, được in lần đầu năm 1937 tại nhà xuất bản Mộng Thương thư trai, Huế. Trong những chú thích từ sau đây, chúng tôi sẽ ghi theo bản in của nhà xuất bản Tri Thức.

[2] Henri Maitre 1912. Les jungles moi (Rú mọi). Paris: Émile Larose. Bản dịch của Lưu Đình Tuân với tên sách Rừng người thượng, Viện Viễn Dông Bác Cổ tại Hà Nội và nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2008.

[3] Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kontum, Sđd; tr.193.

[4] Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.192.

[5] X. Nguyên Ngọc, Tản mạn Tây Nguyên (1) – Các loại rừng của làng. Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tan-man-ty-nguyn-1/

Comments are closed.